Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!
Đầu óc tôi quay vòng vòng khi phải đối mặt với sự chất vấn của gia đình Trinh. Bao nhiêu những điều cần phải nói tôi đều quên sạch, cứ khóc nấc lên không ngừng lại được.
“Vân, nói cho bác biết vì sao đi. Cái Trinh vì sao nó lại thế này?” Bố Trinh cứ hỏi tôi không ngừng, gương mặt tiều tụy khiến bác trông như già đi mấy tuổi. Hai đứa em của Trinh ngồi một góc, đứa lớn ôm đứa bé khóc đến mức mắt đỏ mọng.
Cảm giác tội lỗi xâm chiếm lấy tôi, tôi bắt đầu tự đổ lỗi cho mình. Cũng tại tôi vun đắp nên Trinh mới đến với Hải, tại tôi không kiên quyết, tại tôi không thể bảo vệ Trinh để nó bị hại. Tại tôi không đủ quan tâm nên Trinh mới vì quá trống trải và sợ hãi mà lỡ lầm với Hải. Tại tôi không biết chăm sóc chu đáo cho Trinh, tại tôi không biết giấu chuyện Hải lấy vợ để xảy ra cơ sự này. Tại tôi, từ đầu đến cuối vẫn là tại tôi, tôi có lỗi với Trinh, với cả gia đình Trinh. Làm sao để làm lại từ đầu được đây? Không ai cho tôi cơ hội, không một ai.
“Bác ơi, Trinh bị tai nạn. Người gây ra tại nạn cũng đã hết sức hợp tác và bồi thường. Bọn cháu…bọn cháu…” Đó chắc chắn không phải là những gì tôi nói, là Thúy. Giọng nó bình tĩnh và chắc nịch nhưng nghe kỹ thì rõ ràng mang theo một nỗi đau âm ỉ cố nén.
“Đâu? Kẻ đó đâu? Nó đâu?” Bác trai kích động hỏi.
Thúy mím môi, đôi mắt đỏ ngầu hơi bối rối nhưng vẫn đối đáp mạch lạc: “Dạ, anh ta không phạm luật giao thông, đi đúng đường, người sai là…Trinh ạ! Theo luật không thể kết tội anh ta được đâu bác.”
Nghe xong những lời tàn nhẫn đó, bác trai sững người yên lặng, đáy mắt hiện lên một tầng sương đau đớn không thể diễn tả thành lời, khổ sở, xót xa. Rồi bác quay đi, dáng người thô kệch đặc trưng của một người nông dân chất phác nặng nề bước từng bước về phía nhà xác lạnh lẽo. Nhìn dáng bác ấy, tôi nhớ đến bố tôi, nếu đổi lại đó là bố tôi thì sao? Tôi chỉ muốn chạy theo úp mặt vào chiếc áo sơ mi sờn cũ của bác mà khóc, thay Trinh an ủi bác nhưng không sao làm được. Trái tim tôi quặn thắt, gào khóc trong lồng ngực. Tôi quay sang trách cứ Thúy: “Vì sao mày lại nói thế? Mày không thấy bác ấy đã rất đau lòng rồi hay sao?”
“Thế mày bảo tao phải làm thế nào? Có cách gì khác không? Đó là sự thật mà. Mày có cách gì hay hơn sao? Chẳng còn cách nào đâu Vân ạ!”
Tôi quàng tay ôm lấy Thúy, khi đó tôi mới nhận ra người nó ướt đẫm mồ hôi nhưng lạnh như tảng băng.
Ngày đưa Trinh về quê an tang, cả đoạn đường Thúy nhất nhất ở bên cạnh, nắm chặt bàn tay tôi không rời. Đi qua gốc cây đầu làng, tôi bắt đầu rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày tôi và Trinh cùng đám bạn trong làng vui đùa nơi đó, còn có những lúc hai đứa lặng lẽ ngồi bên nhau mơ màng ngủ. Mỗi một nơi, mỗi một con đường đều chứa đựng bao kỷ niệm đẹp đẽ. Con đường làng quanh co ấy, chúng tôi từng nắm tay nhau chạy tung tăng khắp nơi, những buổi trưa trốn bố mẹ đi chơi, cũng chính nơi đây cùng nhau đi học mỗi ngày. Cả cánh đồng lúa bao la cũng ghi dấu những ngày làm đồng vất vả phụ gia đình. Mảnh đất này chứng kiến chúng tôi lớn lên, là nơi mà dù có đi xa bao nhiêu thì tôi cũng vẫn nhớ về. Bất kỳ nơi nào tôi cũng hình dung ra bóng dáng của Trinh đang ở đó nói cười, vui đùa. Người có thể mất nhưng kỷ niệm sẽ không bao giờ chết, sẽ ở mãi trong tim tôi, trong linh hồn Trinh và cả những người đã gắn bó với nơi này.
Thời khắc hạ huyệt, mẹ Trinh gào khóc lạc cả giọng, bác ấy quỳ rạp xuống đất không quan tâm quần áo lấm lem bùn đất, vươn người ra muốn lao theo quan tài. Chẳng ai có thể ngăn cản được bác ấy xa đứa con gái của mình, đó là lần đầu tiên tôi nhìn nhận rõ ràng tình mẫu tử cao quý và gắn bó đến mức nào.
“Con ơi! Con gái của mẹ! Con gái tội nghiệp của mẹ. Để mẹ chết theo con, con để mẹ sống trên đời làm gì nữa. Cho mẹ theo chăm sóc con!”
Làm gì có ai sắt đá đến mức không bật khóc trước những lời than khóc đau lòng ấy, làm gì có người mẹ nào lại không cắt ruột cắt gan khi thấy đứa con gái bé bỏng mà mình dứt ruột đẻ ra, bao công chăm sóc yêu thương giờ lại nằm lạnh lẽo trong quan tài khi đang còn xuân xanh. Mẹ Trinh làm cho những người tham dự tang lễ không sao cầm được nước mắt, cuối cùng bác ấy kiệt sức mà ngất đi.
Tôi và Thúy vẫn nắm chặt tay nhau thẫn thờ như người mất hồn nhìn từng lớp từng lớp đất vùi xuống quan tài mà bên trong là người bạn thân đang yên nghỉ. Chúng tôi không khóc nổi vì có lẽ nước mắt đã cạn khô, chỉ cảm thấy lòng bàn tay lạnh ngắt đi.
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay la đà theo gió như muốn đưa tiễn linh hồn ai đó về cõi vĩnh hằng.
Bố mẹ tôi cũng sang giúp đỡ và động viên bố mẹ Trinh rất nhiều. Bố mẹ tôi chứng kiến Trinh cùng tôi lớn lên, mẹ nói mẹ thương Trinh quá vì mẹ coi Trinh chẳng khác nào con gái. Trinh ngoan ngoãn, hiền lạnh, chịu khó, cái gì cũng biết làm, mẹ hay bảo chỉ mong tôi bằng một nửa Trinh là mẹ mừng lắm rồi. Hồi đó nghe mẹ so sánh, tôi chỉ cười xòa, còn bây giờ tôi chỉ mong có thể nhường lại một nửa cuộc đời của mình cho Trinh.
Sau khi an táng cho Trinh xong, tôi và Thúy lại vội vàng trở lên Hà Nội để làm thủ tục nhận nuôi con trai của Trinh, món quà duy nhất mà Trinh để lại. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bệnh viện và một vài người bạn, tôi đã thuận lợi làm xong mọi thủ tục nhận nuôi và giấy khai sinh cho thằng bé. Từ đây, cuộc đời tôi đã có một đứa con trai, nó sẽ mang họ của tôi, Nguyễn Thành Đạt.
Vào đúng hôm tôi mang Bo từ bệnh viện trở về chỗ trọ sau khi hoàn tất mọi thủ tục nhận nuôi thì tôi nhận được một bưu kiện gửi từ Anh Quốc về. Chẳng cần đoán tôi cũng biết đó là của Cường, quãng thời gian qua tôi gần như quên mất Cường. Tôi đặt hộp giấy lên bàn và nhìn chằm chằm vào nó rất lâu, rất lâu, tôi không biết là bao lâu, chỉ cảm thấy ánh nắng phía tây chiếu lên căn phòng nhỏ từ từ tắt dần. Tôi biết mình không có đủ can đảm để mở nó ra, tôi không dám đối mặt vì tôi sợ những nhớ nhung yêu thương về Cường lại ùa về làm cho tôi mất đi mọi dũng khí đã có. Nhưng không, tôi đã chọn, tôi đã chọn Bo thì tôi phải có dũng khí đối diện với mọi thứ vì tôi đã làm mẹ, trốn tránh sẽ chẳng giải quyết được gì. Tôi lao đến xé tung lớp giấy bọc ngoài và một mảnh vải màu xanh da trời dần hiện ra trước mắt. Tôi từ từ lấy ra, là một chiếc khăn len rất đẹp, ở dưới đáy còn có một tấm thiệp xinh xắn với ông già Noel trang trí bên ngoài. Tôi run rẩy mở ra, hơi thở cũng theo đó mà dồn dập bất thường. Nét chữ của Cường vẫn thế, mạnh mẽ và đầy quyết đoán không lẫn vào đâu được.
“Ngạc nhiên chưa cô bé của anh! Có lẽ là hơi sớm cho một giáng sinh nhưng anh không thể chờ lâu thêm được nữa, phải cho em xem chiếc khăn mà anh mất bao công sức mới chọn được ấy. Đúng màu em thích nhé!
Để xem nào, chúng ta xa nhau được 1 năm 2 tháng rồi phải không? Có nhớ anh không nào? Nhớ lắm đúng không? Anh biết là thế mà, cố mà chịu nhé! Anh cũng nhớ em nhiều lắm. Chúng ta chỉ tạm xa nhau mấy năm thôi, phải hiểu cho anh, xa em không phải điều anh muốn mà là vì tương lai sau này của chúng ta, anh muốn cho em một tương lai tốt đẹp, không phải lo lắng nhiều. Em có tin tưởng ở anh không? Còn nữa, khi nào cảm thấy cô đơn vì nhớ anh hay thấy lạnh thì em nhất định phải quàng chiếc khăn đó, nó sẽ thay anh ôm ấp em qua những ngày đông lạnh giá không có anh bên cạnh.
Một điều quan trọng nữa mà anh muốn nói là anh yêu em, vợ tương lai ạ! Chờ anh nhé!”
Đọc xong tấm thiệp ấy thì nước mắt tôi đã chảy ướt đẫm chiếc khăn len màu xanh mà Cường tặng. Màu sắc mà tôi yêu thích, chỉ là tôi tùy ý nói với anh một lần mà anh vẫn còn nhớ đến thế, tôi đối xử với anh thế này có phải là quá tàn ác không? Tôi ôm chặt lấy chiếc khăn len màu xanh ấm áp, ngồi co quắp lại với sự dằn vặt của lí trí và tình cảm. Trái tim tôi luôn hướng về anh, dù cho những bộn bề cuộc sống có làm tôi quên đi nỗi nhớ nhưng chỉ cần ai đó nói về nước Anh, nói về đại học Luật, hay gọi một cái tên giống anh là tim tôi lại nhói lên những nhịp đập lạ kỳ. Thế nhưng giờ đây tôi đã có thêm một đứa con, tôi phải lo cho con tôi chứ không phải chạy theo những yêu đương khờ dại. Cường là một người giỏi giang, ưu tú, sẽ có nhiều cô gái tài giỏi thích hợp với anh, tôi không thể làm gánh nặng cho anh, không thể để anh suy nghĩ quá nhiều, rồi thời gian sẽ xóa mờ đi tất cả.
Và cứ thế, tôi xa Cường trong im lặng, tôi không đủ can đảm nói với anh rằng tôi không thể làm theo lời hứa sẽ chờ đợi anh, không dám vào nick yahoo hay email, thay đổi luôn cả số điện thoại. Tôi sợ, sợ thấy anh ở đó chờ tôi, sợ anh gửi những lời nói nhớ thương làm tôi động lòng và không thể ngăn mình đến bên anh. Tôi yêu Cường và có lẽ xa anh chính là cách duy nhất để cả hai chúng tôi được nhẹ nhõm. Tôi sẽ giấu kín tình yêu với anh ở một góc trong sâu thẳm trái tim, khóa kín cửa và ném chìa khóa đi để không một ai ngay cả tôi có thể chạm vào nó thêm một lần nào nữa.
Có lẽ cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy quyết định đưa Bo trở về quê là quyết định sáng suốt nhất của tôi. Thành phố mặc dù tốt nhưng hẳn là với đồng lương ít ỏi của tôi không thể đủ nuôi một đứa trẻ. Mặc dù quay về quê tôi phải đối mặt với những lời đàm tiếu trái tai nhưng đó vẫn là quê hương tôi, dù có ra sao thì quê hương vẫn sẽ che chở cho mẹ con tôi.
Tôi không thể quên nét mặt của bố mẹ tôi khi tôi bế Bo trên tay, quỳ dưới đất và nói rõ ràng: “Đây là con trai của con.”
Bố tôi ngã ngồi trên ghế, mặt xám đen lại, còn mẹ tôi suýt nữa ngất xỉu nếu không có Tuyên bên cạnh đỡ lấy. Mẹ tôi không tin mà hỏi tôi: “Hôm mày về đám tang cái Trinh có thấy gì đâu?”
Tôi đã lường trước được câu hỏi này nên đã chuẩn bị sẵn nhưng vẫn không ngăn được giọng nói run rẩy: “Hôm đó con đã sinh cháu rồi nhưng chưa dám nói với bố mẹ vì sợ…”
Bố tôi xông đến tát vào mặt tôi, mặt ông đỏ gay quát lớn: “Mày mà biết sợ? Mày mà biết sợ thì đã không làm ra chuyện xấu hổ này? Tao cho mày lên đấy ăn học chứ không phải là đi làm **. Tao sống làm sao được với bà con làng xóm bây giờ?” Rồi ông thô lỗ kéo tôi lên “Đi, đi gặp cái thằng làm mày chửa, tao có chết cũng phải bắt nó cưới mày, xong rồi cút đi đâu thì cút!”
Tuyên chạy ra kéo bố lại, tôi cũng khóc lóc van xin: “Bố ơi, con xin bố, con xin bố! Không thể gặp anh ta được đâu, con không muốn, không muốn đâu bố ơi! Bố đánh chết con cũng được!”
Mẹ tôi ngồi một bên khóc lóc than trời, mẹ nói mẹ hối hận khi sinh ra một đứa con như tôi: “Mày muốn lấy chồng đến thế thì đi học làm gì? Thà tao cưới chồng luôn cho mày thì bây giờ khỏi phải xấu hổ.”
Bố tôi tức quá cầm lấy cán chổi ở góc nhà vung lên định đánh tôi nhưng Tuyên đã kịp kéo tôi chạy đi. Em trai tôi mặc dù còn nhỏ nhưng lại là đứa rất hiểu chuyện, nó khuyên bảo tôi nên nói cho bố mẹ biết bố của Bo là ai để đến nói chuyện với nhà người ta, kiểu gì cũng có cách giải quyết. Nhưng dù Tuyên nói thế nào, khuyên bảo điều gì thì tôi cũng chỉ ngồi khóc tức tưởi. Nỗi lòng của tôi làm sao có thể nói ra được, cứ để mọi chuyện như thế qua đi, miễn là cho tôi ở lại quê nhà.
Cuối cùng thì gia đình tôi cũng đã chịu thua trước sự im lặng của tôi, bố mẹ cho tôi một mảnh đất để ở riêng cho tròn trách nhiệm vì hai người không muốn dính dáng cũng không muốn nhìn thấy mặt tôi. Tôi đau lòng lắm nhưng đành chấp nhận mọi thứ, chấp nhận cơn giận giữ của bố mẹ, chấp nhận cả những cái nhìn châm chọc, xì xào coi khinh của họ hàng làng xóm. Lỗi là ở tôi, làm sao tôi có quyền trách cứ ai. Tôi nhắm mắt bỏ ngoài tai mọi thứ vì con trai tôi và cũng là vì chính tôi.
Tôi biết mẹ giận tôi và dù bà không nói ra lời nhưng tôi vẫn biết bà còn quan tâm và thương tôi nhiều lắm. Những gì tôi đã làm là có lỗi với bố mẹ nhưng tôi không biết làm gì khác, tôi không muốn để Trinh chết rồi vẫn bị mang tiếng xấu, nó chịu đựng đủ rồi. Chút khổ sở này tôi nên giúp nó gánh vác thì hơn, chỉ cần cắn răng im lặng thì có thể vượt qua.
Ngày ấy mẹ tưởng tôi bị mất sữa không cho con ** được nên mẹ đã đi mua đủ loại đồ ăn để tẩm bổ cho tôi có sữa nuôi con. Cuối cùng, may mà chị hàng xóm cũng mới sinh con lại rất nhiều sữa nên chẳng ngại cho Bo nhà tôi ** ké. Sữa mẹ dù sao vẫn là tốt nhất, Bo đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác về mặt này, biết làm sao được.
Còn nữa, lúc Bo tròn 6 tháng tuổi đã bị sốt cao một trận, phải đưa đi viện. Mẹ tôi và cả thằng Tuyên cứ túc trực luôn. Tôi chẳng chịu rời Bo một phút nào, cứ ngồi lì bên cạnh con khóc, ăn uống cũng chẳng thiết tha, đó cũng là lần đầu tiên tôi hiểu được nỗi lòng của những bậc làm cha làm mẹ. Cứ ngỡ rằng bố tôi thực sự không quan tâm đến hai mẹ con tôi nhưng thực ra ông vẫn len lén đến thăm, cũng sốt ruột vì con vì cháu, bố đã tự nấu đồ ăn rồi bảo mẹ mang vào cho tôi, còn tối ngày đến bệnh viện hỏi thăm bác sĩ về tình hình cháu ngoại khiến bác sĩ phát bực.
Bố mẹ là thế, khi con cái phạm phải một sai lầm gì đó, họ có thể đánh mắng trong lúc nóng giận nhưng lại không bao giờ bỏ rơi đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra. Bố mẹ vẫn luôn quan tâm và sẽ luôn tha thứ. Cho tới ngày hôm nay thì gia đình vẫn là chỗ dựa vững chắc nhất của tôi, giúp tôi có nghị lực vượt qua hết mọi chuyện đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống. Bo chính là niềm vui của cả gia đình, tôi chưa bao giờ hối hận vì ngày đó đã quyết định nhận nuôi thằng bé, càng ngày tôi càng tin tưởng rằng Bo chính là niềm tự hào của tôi. Phải cảm ơn Trinh rất nhiều vì Trinh đã mang đứa con trai bé bỏng đáng yêu này đến với thế giới của tôi, cho tôi có thêm một mục đích sống.
Ngày chủ nhật, không phải đi làm, tôi muốn ôm Bo ngủ thêm một chút nữa nhưng thân hình tròn tròn với làn da trắng sữa mềm mại của thằng bé làm tôi chỉ muốn vuốt ve và ngắm nhìn chứ không sao nhắm mắt ngủ thêm được. Quyết định dậy đi chợ và nấu cho Bo những món mà nó thích ăn nhất. Buổi chiều, sau khi ngủ trưa hai mẹ con sẽ cùng nhau đi dạo một vòng rồi sang nhà ông bà ngoại ăn tối, thế là kết thúc một ngày chủ nhật yên bình.
Thế nhưng mọi chuyện lại không yên bình như kế hoạch vì đến gần trưa, có một người khách lạ ghé thăm mẹ con tôi. Người phụ nữ đi bằng ô tô riêng, tài xế riêng, thoạt nhìn có thể đoán được bà ấy ngoài 50 tuổi. Mặc dù tôi không sành về quần áo cũng như đồ hiệu nhưng cũng nhận ra quần áo người phụ nữ đó mặc là hàng cao cấp với đường cắt và hoa văn tinh tế, càng tôn lên vẻ sang trọng, quý phái nhưng cũng rất đỗi hiền hậu khiến người ta vừa nhìn đã có cảm tình.
Người phụ nữ đứng ngoài cửa, tế nhị nhìn vào trong nhà rồi mới cất tiếng: “Xin hỏi, có ai ở nhà không?”
Tôi đi ra, ngơ ngác: “Bác tìm ai ạ?”
“Tôi tìm cô Vân.” Người phụ nữ trả lời.
“Cháu là Vân đây ạ! Bác là…”
Người phụ nữ mỉm cười ngỏ ý muốn vào nhà nói chuyện. Tôi đồng ý vì cảm thấy bà ấy không phải là người xấu.
Lúc người phụ nữ bước vào nhà, Bo đang chơi trên giường liền ngẩng đầu chào thật to: “Cháu chào bà ạ!”
Người phụ nữ gật đầu, đôi mắt sáng ngời đi về phía Bo, bàn tay dịu dàng xoa đầu thằng bé và cất giọng thân mật: “Chào cháu, cháu ngoan quá!” Rồi bà ấy quay sang hỏi tôi: “Con trai cô đây sao?”
Tôi mỉm cười tự hào: “Vâng, con trai cháu đấy ạ!” Rồi tôi nhắc nhở Bo: “Bo, con để gọn đồ chơi vào.”
Tôi pha nước mời bà ấy nhưng bà ấy cứ ngồi trên giường ngắm nhìn Bo với ánh mắt tràn đầy tình yêu thương.
“Cô còn trẻ như vậy đã có con rồi sao?”
Tôi mỉm cười: “Ở quê thì không trẻ đâu ạ! Nhưng xin lỗi, cho cháu hỏi bác là…? Vì nếu cháu nhớ không nhầm thì cháu chưa gặp bác bao giờ.”
Người phụ nữ cười đôn hậu: “À, bác tên là Hoa. Có lẽ bác cũng không nên làm mất thời gian của cháu nữa. Chắc cháu biết con trai bác đúng không? Nó tên là Hải.”
Lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đủ để tôi hiểu ra vấn đề, tôi chỉ biết một người tên là Hải và chắc chắn rằng bà ấy đang nói đến anh ta. Không lẽ đây chính là mẹ của Hải? Tôi ngồi thẳng người, cất giọng kinh ngạc: “Bác là…mẹ của anh Hải?”
Bà ấy gật đầu, lại cúi nhìn Bo, đưa tay vuốt cái má trắng hồng của nó: “Đứa bé này năm nay lên 3 tuổi hả?”
“Vâng” Tôi hơi cứng người, trả lời trong vô thức với trái tim đập dồn dập “Cháu được 3 tuổi rưỡi ạ!”
“Ừ, nếu cháu nội bác còn sống chắc cũng được 3 tuổi rồi!”
Tôi ngẩn người nhìn bà ấy, thế là có ý gì? Muốn đến nhận cháu ư? Muốn cướp thằng bé từ tay tôi? Không, không đời nào tôi chịu thỏa hiệp.
Bà ấy ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi: “Bác có chuyện muốn nói với cháu.”
Tôi gần như đoán được những gì bà ấy định nói mặc dù tôi cảm thấy sợ nhưng chuyện gì đến thì cũng phải đến, muốn tránh cũng không được. Tôi đứng dậy bế Bo xuống giường, giống như một loại bản năng kỳ lạ để tránh xa khỏi người phụ nữ.
“Bo, mẹ cho con sang nhà bạn Tý chơi.”
Thằng bé liền gật đầu mừng rỡ chạy đi ngay. Tôi đứng ngoài cửa nhìn thằng bé an toàn chạy sang nhà sát bên mới đi vào ngồi ngay ngắn trước mặt bà Hoa: “Vâng, cháu đã sẵn sàng lắng nghe.”
Bà ấy vẫn giữ nguyên nụ cười: “Cháu có cậu con trai xinh quá, thằng bé cũng rất ngoan.”
“Cháu nghĩ đó không phải là những gì mà bác muốn nói.”
Bà ấy bỗng bước đến ngồi kế bên tôi, đôi mắt đượm buồn dường như đang dâng lên một tầng nước. Bàn tay của bà nắm chặt lấy tay tôi, đôi bàn tay ấy dù tuổi tác làm cho nhăn nheo gầy guộc nhưng không thô ráp chai sần như tay mẹ tôi mà vẫn giữ được sự mềm mại, chứng tỏ người phụ nữ này chưa từng làm qua việc nặng. Ngồi ở khoảng cách gần như thế này tôi mới phát hiện ra gương mặt bà ấy xanh xao chứ không hề khỏe mạnh dù đã dùng phấn để che đậy.
“Bác xin lỗi, bác thực sự xin lỗi cháu. Bác cũng chẳng sung sướng gì hơn. Từ trước đến nay sức khỏe của bác vốn không tốt, giờ lại mắc bệnh tim, tháng sau bác sẽ làm phẫu thuật nhưng chưa biết sống chết thế nào.” Bà ấy ngưng lại, lau đi dòng nước mắt chảy tràn. Tôi không cắt ngang, kiên nhẫn chờ bà ấy nói hết. “Bác ốm yếu nên sinh được một đứa con trai đã là kỳ tích rồi vì vậy mà không khỏi nuông chiều nó quá mức, dẫn đến nó càng ngày càng hư hỏng. Chồng bác thì ngày ngày chạy theo chức tước, chẳng màng xem con cái ra sao. Bác cứ tưởng cho nó lấy vợ thì nó sẽ đổi khác, nào ngờ nó vẫn như trước chẳng thay đổi gì. Vợ nó thì đang bụng mang dạ chửa mà nó lại ra ngoài kiếm đàn bà, con dâu bác biết được nên đi đánh ghen, kết quả là xảy thai. Con bé vì thằng Hải mà trước đó đã phá thai mấy lần dẫn đến ảnh hưởng nên bị vô sinh, không sinh đẻ gì được nữa. 3 năm nay gia đình bác sống trong tăm tối, thằng Hải đòi li hôn nhưng bác không cho phép, nếu làm vậy thì còn gì là con người nữa, còn gì là đạo đức nữa. Bác không thể để nó tiếp tục phạm sai lầm.”
Nhìn những giọt nước mắt của bà ấy, tôi cũng không biết phải nói gì, đó chắc chắn không thể là giả được, đó là những giọt nước mắt đau thương của một người mẹ dành cho đứa con mà mình đã không thể dạy dỗ nên người. Tôi nên mừng vì người đàn ông bạc bẽo đó đã phải chịu báo ứng hay nên buồn thay cho số phận của người mẹ bất hạnh này?
Tôi đặt bàn tay còn lại lên mu bàn tay của mẹ Hải, thật lòng nói: “Cháu không biết gia đình bác đã phải chịu đựng những tổn thương như vậy. Cháu xin lỗi vì đã không thể giúp gì cho bác.”
“Vân, cho bác thay mặt Hải xin lỗi cháu. Nó đã gây ra chuyện lớn như thế mà bác không hay biết gì. Mãi đến bây giờ nó mới nói. Thằng bé thực sự rất giống Hải, vừa nhìn là bác đã thấy. Cháu có thể…”
Tôi mất kiên nhẫn ngắt lời: “Bác, cháu nghĩ người mà bác cần xin lỗi không phải cháu mà là bạn cháu, Trinh. Có lẽ con trai bác vẫn chưa thực sự thật thà.”
Bà ấy ngỡ ngàng, dường như là không thể tin được những gì tôi nói, cứ nhìn tôi chăm chăm. Tôi tiếp tục: “Thực ra Bo không phải con đẻ của cháu, là cháu nhận nuôi từ Trinh.”
“Vậy hiện giờ Trinh đang ở đâu?” Bà ấy run giọng hỏi.
“Nhờ phúc của con trai bác ban cho, vào đúng ngày cưới của anh ta thì Trinh gặp tai nạn và đã qua đời để lại Bo cho cháu. Cháu vẫn còn nhớ rõ là chính con trai bác đã phũ phàng phủi tay, không thừa nhận đứa bé. Bác sẽ không thể tưởng tượng được Trinh đã phải trải qua những gì đâu, cho nên ông trời rất công bằng, báo ứng là có thật.” Tôi nói rành rọt và lạnh lùng, không thèm để ý đến sắc mặt càng ngày càng tái đi của người phụ nữ trước mặt. “Cháu phải tìm mọi cách mới có thể nhận nuôi Bo, thật chẳng dễ dàng gì. Dù cháu không sinh ra nó nhưng nó chẳng khác gì con đẻ của cháu. Cháu rất yêu con trai cháu và cháu sẽ làm mọi cách để bảo vệ nó. Gia đình bác đừng nghĩ có thể chia cắt mẹ con cháu.”
Nước mắt của bà ấy ứa ra không ngừng, trong đôi mắt không hề có chút tức giận nào mà là một sự hối lỗi vô bờ. Bà ấy nhìn tôi rất lâu, rất lâu với một đôi mắt trìu mến, như muốn nhìn thấu hết mọi tâm sự trong tôi. Mãi sau bà ấy mới nghẹn ngào nói: “Bác biết, bác hiểu cháu. Bác cũng làm mẹ nên thấu hiểu được khi phải xa con của mình thì cảm giác ra sao, rất đau lòng. Bác nghĩ bác cũng không đủ độc ác để cướp Bo khỏi cháu.”
“Có thể bác không có ý định đó nhưng con trai bác thì có đấy ạ!”
“Bác biết Hải rất hiếu thắng, nó làm tổn thương các cháu quá nhiều, những tổn thương không thể hàn gắn được. Bác không dám cầu xin cháu điều gì quá cao, chỉ xin cháu nếu có thể thì cho bác đến thăm cháu nội thường xuyên, được bù đắp chút gì đó cho hai mẹ con cháu, được không?”
Tôi lắc đầu: “Cháu không cần và cháu cũng không muốn ai đó làm đảo lộn cuộc sống của con trai cháu.”
Nghe tôi tuyệt tình như vậy, bà ấy khẩn thiết hơn: “Không, bác sẽ không làm đảo lộn cuộc sống của thằng bé, bác hứa, bác sẽ chỉ đến thăm như một người họ hàng xa xôi. Bác xin cháu!”
Tôi không nhận lời cũng không từ chối, đúng ra là tôi phân vân. Tôi không biết nếu là Trinh thì nó sẽ làm gì? Liệu Trinh có từ chối và đuổi người phụ nữ này đi không? Tôi tin là không, Trinh hiền lành và nhân hậu, nó sẽ không bao giờ làm được chuyện đó, nó sợ làm người khác buồn còn hơn cả làm chính mình buồn.
Thấy tôi im lặng, bà ấy lay lay tay tôi: “Vân, bác có thể đến thăm mộ của Trinh được không? Bác muốn tạ lỗi với cô bé.”
Mộ của Trinh cách nhà tôi gần 2km, đi ô tô chỉ mất vài phút là đã đến. Tôi đứng một bên nhìn mẹ Hải thắp cho Trinh nén hương. Bà ấy ngắm ảnh của Trinh trên bia mộ rất lâu, bàn tay khẽ chạm lên tấm di ảnh: “Cô bé xinh quá, đôi mắt rất đẹp. Đôi mắt của Bo giống mẹ phải không?”
Tôi gật đầu: “Vâng, Bo giống Trinh nhất ở đôi mắt to tròn. Lúc còn sống Trinh còn đẹp hơn trong ảnh cơ bác ạ!”
“Thằng Hải nó đã làm những gì với cô bé chứ? Nhà ai có cô con gái thế này mà không đau lòng cho được.” Bà ấy đưa tay lên lau lau khóe mắt. “Bác xin lỗi Trinh, bác thay thằng con không ra gì của bác thành thật xin lỗi cháu mặc dù đã quá muộn nhưng bác vẫn mong cháu nghe được. Bác xin lỗi vì đến bây giờ mới có thể gặp được cháu, tại bác không ra gì, bác có lỗi với cháu nhiều lắm!”
Tôi chỉ đứng lặng lẽ, cảm nhận làn gió thổi hiu hắt giữa những ngôi mộ lạnh lẽo. Giọt nước mắt vô hình nào đó lăn xuống má, đối với tôi thì khóc không còn là đủ nữa rồi. Làm sao mà người ngoài cuộc có thể thấu hiểu cho nỗi đau mà Trinh đã từng chịu đựng? Cũng làm gì có ai hiểu được cơn ác mộng mà tôi phải trải qua mỗi đêm. Vài giọt nước mắt kia, vài nén nhang kia hay là vài lời nói kia liệu xoa dịu đi được mấy phần của nỗi đau? Những tổn thương đó đã theo Trinh đến khi chết và sẽ còn theo tôi đến bao giờ?
Lúc trở về, tôi cùng mẹ Hải đi bộ. Tôi lo bệnh của bà ấy mà đi bộ sẽ bị mệt nhưng bà ấy xua tay: “Không sao, bác thích cảnh sắc đồng quê lắm! Rất yên bình. Bác sinh ra và lớn lên ở thành phố, chẳng có mấy dịp được về đồng quê thế này. Bác cũng muốn Hải trải nghiệm một chút nhưng không có thời gian. Mà tại sao cháu không làm việc ở Hà Nội? Trẻ tuổi như cháu rất có tương lai phát triển.”
Tôi trầm mặc, nhìn về phía cuối chân trời xa xa: “Trước khi có Bo, cháu cũng chỉ như bao nhiều người khác muốn ở lại Hà Nội làm việc và sinh sống. Thế nhưng cuộc sống lại luôn chứ đựng những điều bất ngờ, có những bước ngoặt khiến cháu thực sự hoang mang, cảm thấy con đường phía trước tối tăm và u ám, cháu chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ có quê hương mới có thể chứa chấp được mẹ con cháu. Và bác thấy đấy, hai mẹ con cháu sống rất tốt.”
Mẹ Hải choàng tay qua vai tôi một cách thân thiết và hỏi: “Con gái, vậy cho đến bây giờ con có cảm thấy hối hận không?”
Tôi thực sự ngạc nhiên về cách xưng hô thân mật này, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể thân mật với mẹ Hải như thế. Tôi lắc đầu: “Không ạ! Cháu chưa bao giờ hối hận về những quyết định của mình.”
Bà ấy thở dài: “Cuộc đời bác đã gặp không ít những người tốt nhưng người như con thì là lần đầu tiên. Một mình chịu đựng đắng cay thị phi để nuôi đứa con không phải là ruột thịt của mình, con có bao giờ cảm thấy thiệt thòi và tủi thân không?”
Tôi mỉm cười đáp: “Nói là không tủi thân, không buồn khổ, không suy nghĩ thì không đúng. Nhưng đó là những gì cháu đã lựa chọn nên cháu không cảm thấy mình thiệt thòi gì.”
“Vậy còn hạnh phúc của riêng mình? Con không nghĩ đến sẽ lấy chồng sao? Con làm thế thì có ích gì? Ai thấu hiểu cho con? Rồi một ngày nào đó Bo biết con không phải mẹ đẻ của nó, con sẽ làm sao?”
Những điều bà ấy nói không phải tôi chưa từng nghĩ tới, nó thậm chí còn từng là nỗi chăn trở của tôi hằng ngày hằng đêm, nhưng khi tôi nhìn Bo mỗi ngày một lớn lên ngoan ngoãn đáng yêu và khi nhìn mẹ tôi mỗi ngày một già đi thì tôi đã hiểu thế nào gọi là “người mẹ”. Mẹ tôi chịu bao nhiêu nhọc nhằn vất vả để sinh ra tôi và nuôi tôi lớn, mong tôi sẽ hạnh phúc sau này, còn mẹ thì cứ ngày một già yếu. Tất cả những điều đó là vì cái gì? Chẳng gì cả. Mẹ luôn chỉ đứng phía sau mỉm cười khi tôi hạnh phúc, rơi nước mắt vui sướng trước thành công của tôi và sẵn sàng đỡ lấy tôi khi tôi vấp ngã. Cũng như tôi bây giờ, làm tất cả vì Bo mà chẳng mong được đáp lại cái gì, chỉ mong thấy thằng bé mỗi ngày đều cười vui vẻ, ăn ngoan, khỏe mạnh, sau này làm người có đạo đức, sống có trách nhiệm, có ích cho xã hội là tôi đã hạnh phúc lắm rồi, đâu cần ai phải thấu hiểu? Nếu như nuôi con để nhằm một mục đích nào đó hay chuộc lợi cho bản thân thì người đó hoàn toàn không xứng đáng với danh từ cao quý kia.
“Bác, bác có muốn nghe cháu kể một câu chuyện không ạ?”
“Bác rất muốn nghe.”
Bước chân tôi đều đều chậm rãi: “Có một cô gái trẻ chưa từng lập gia đình, khi cô ấy chứng kiến người bạn thân nhất của mình mang thai mà không kết hôn thì cảm thấy rất ái ngại. Nhiều lần cô ấy tìm cách khuyên bạn mình bỏ đứa bé đi để làm lại cuộc đời nhưng người bạn đó nhất quyết không chịu, nói rằng không cam lòng giết chính máu mủ của mình. Mỗi ngày người bạn đó đều đặt tay lên bụng mỉm cười hạnh phúc, có khi còn thì thầm nói chuyện với đứa con trong bụng. Cô gái trẻ hoàn toàn không hiểu nổi vì sao bạn mình lại cố chấp như vậy, rõ ràng người mà bạn ấy yêu thương đã bỏ rơi bạn ấy, không thèm nhận đứa con đó vậy mà bạn ấy còn yêu thương con của anh ta như vậy làm gì? Lẽ ra phải căm ghét anh ta, phải ghét cả máu mủ của anh ta mới đúng, cô gái trẻ có suy nghĩ thế nào cũng không hiểu nổi bạn mình. Sau này, khi cô gái trẻ ấy cũng làm mẹ, được bế một đứa bé còn đỏ hỏn vào lòng, nhất là vào thời điểm đứa bé biết gọi ‘mẹ’ lần đầu tiên thì cô gái đã hiểu bạn mình, cái đó gọi là tình thương của người mẹ, dù chuyện gì xảy ra đi nữa cũng không thể bỏ rơi đứa con của mình, nó vô tội. Tình thương yêu đó là vô bờ, vô điều kiện. Tương lai thế nào không quan trọng, dù cho con mình làm sai điều gì thì người làm mẹ vẫn rộng lượng mà bao dung tha thứ.”
Khi câu chuyện của tôi kết thúc, quay sang nhìn mẹ Hải thì mới phát hiện ra bà ấy đã khóc từ bao giờ. Tôi dừng bước, im lặng nhìn bà ấy, chờ bà ấy lên tiếng.
“Vân, con có ghét bác không? Bởi vì bác chính là kẻ sinh ra kẻ bạc tình, đáng ghét đó.”
Tôi thực sự không cầm lòng được: “Đúng là cháu rất ghét anh ta nhưng với bác cháu không có một chút ác cảm nào. Cháu nói thật đấy ạ! Cháu biết bác cũng là một người mẹ, bác yêu thương con trai mình là điều hiển nhiên. Cháu không trách bác đâu.”
“Bác có thể ôm con một lát không, con gái?”
Tôi dang tay ôm lấy bà ấy thay lời đồng ý. Vòng tay của bà ấy ấm áp và chứa đựng nhiều tình cảm hơn tôi nghĩ, thật không thể tin người phụ nữ giàu tình cảm này lại chính là người sinh đã ra người đàn ông bạc bẽo không ra gì kia.
Mẹ Hải nói bên tai tôi: “Bác đã từng rất rất mong có được một đứa con gái như con, có thể cùng tản bộ, cùng tâm sự, cùng mua đồ, cùng nấu ăn, mua cho nó những bộ quần áo đẹp, dạy cho nó cách trở thành một người phụ nữ tuyệt vời. Con không ngại khi bác gọi con là con gái chứ?”
Những lời tâm tình chân thật của bà ấy đã chạm đến trái tim tôi.
“Vâng, và bác có thể đến nhà con chơi và thăm Bo bất kỳ lúc nào.”
Bà ấy sụt sùi buông tôi ra, đôi mắt già nua nhưng không che giấu được nét đẹp một thời nhìn tôi xúc động: “Bác thấy ngưỡng mộ bố mẹ con nhiều lắm vì họ đã sinh ra và dạy dỗ được một người con tuyệt vời như con, trong khi họ chỉ là những người nông dân bình thường. Còn bác…bác tự cảm thấy xấu hổ.”
Tôi không nói gì nhưng rõ ràng không thể giấu nổi niềm tự hào về gia đình mình. Tôi không ngại nói cho cả thế giới biết tôi yêu bố mẹ tôi, những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng chất phác và đôn hậu đã dạy tôi biết bao điều về cuộc sống này.
Mẹ Hải về rồi, lòng tôi bắt đầu rối loạn, tôi không ghét bà ấy nhưng con trai bà ấy thì có chết tôi cũng không thể nhượng bộ. Vấn đề là nếu Hải một mực muốn đem chuyện này ra tòa thì liệu tôi có thể thắng được không? Tôi chỉ có một mình, còn anh ta có quyền và có tiền. Tôi từng nghe nói có kẻ cưỡng bức phụ nữ mà còn có thể chạy thành trắng án thì có lẽ quyền giành nuôi một đứa bé, còn là con đẻ của mình thì hoàn toàn không khó chút nào.
Bo bỗng từ bên nhà hàng xóm chạy ào về ôm chặt lấy chân tôi, cười tươi rói: “Mẹ ơi, Bo đây!”
Tôi cúi xuống nhìn thằng bé, véo cái mũi nhỏ rồi bế nó lên: “Bo của mẹ không chơi với bạn Tý nữa à?”
“Không ạ! Bạn Tý không ngoan nên bị chú Minh đánh rồi mẹ ạ!”
Tôi quay sang chú ý nghe thì đúng là có tiếng trẻ con đang khóc, chuyện này tôi cũng đã quen, thằng bé nhà hàng xóm khá nghịch ngợm nên thỉnh thoảng lại bị bố hoặc mẹ quất mấy roi.
Tôi thơm lên cái má non mịn của Bo cẩn thận hỏi: “Bo, con có thích có bố không?”
Thằng bé không chú tâm đến câu hỏi của tôi lắm, nó vừa nghịch tóc tôi vừa trả lời: “Bố làm gì hả mẹ?”
Tôi ngẩn ra, không biết phải trả lời thằng bé như thế nào, nói vòng vo: “Có bố giống như bạn Tý, có thể cõng con đi chơi, mua đồ chơi cho con, dạy con đọc số.”
Bo chớp chớp đôi mắt to tròn nhìn tôi, ngây thơ hỏi: “Bố sẽ đánh Bo như bạn Tý hả mẹ? Bo không thích bị đánh đâu.”
“Nếu Bo ngoan thì bố sẽ không đánh con.”
Thằng bé không trả lời, rúc mặt và cổ tôi, tôi cũng không biết giải thích sao nữa. Có lẽ Bo còn quá nhỏ để hiểu được sự cần thiết của người bố, chỉ thêm vài tuổi nữa thôi nó sẽ hiểu mẹ chưa phải là tất cả, mọi đứa trẻ đều rất cần có bố. Tôi không thể chờ thằng bé hiểu ra và hỏi tôi: “Bố con đâu hả mẹ?” Tôi sẽ phải trả lời nó thế nào đây? Nói rằng con không có bố hay bố con đã không thừa nhận con? Thế nào thì cũng sẽ làm tổn thương đến tâm hồn bé bỏng của thằng bé. Con trai, mẹ phải làm gì? Làm gì là tốt nhất cho con? Trả con lại cho bố đẻ, còn mẹ quay về với cuộc sống độc thân như trước hay bằng mọi cách giữ lấy con? Ước gì con có thể trả lời cho mẹ biết con muốn gì.
Khoảng một tháng sau kể từ ngày mẹ Hải đến gặp mẹ con tôi, Hải cũng tìm đến. Khi đó, mẹ con tôi đang ăn trưa, thằng nhóc hiếu động của tôi còn đang tìm mọi cách để nghịch bát canh. Hải không e ngại, bước thẳng đôi chân đi giày da bóng loáng đắt tiền vào căn nhà nhỏ cũ kỹ của hai mẹ con tôi. Tôi cảnh giác ngẩng lên nhìn, anh ta cười nhạt và dở giọng chào đến là đểu giả: “Chào hai mẹ con.”
Tôi lập tức ôm Bo vào lòng như một phản xạ tự nhiên: “Anh tới đây làm gì?”
Tôi không ngạc nhiên việc anh ta tìm đến chỉ là không ngờ lại nhanh như vậy.
“Tôi đến đây thăm con trai tôi và mua quà cho nó.” Hải ngồi xuống ghế, thong thả trả lời, đặt một cái túi màu xanh lên bàn.
Bo ngước lên nhìn tôi, thấy tôi không nói gì, nó lay lay tay tôi: “Mẹ!”
Chuyện anh ta mua quà cho Bo tôi không có quyền can thiệp hay cấm đoán, dù gì anh ta cũng là bố đẻ của Bo. Tôi đẩy gói quà sang một bên coi như đã nhận: “Được, con tôi nhận quà của anh rồi. Anh có thể về.”
“Về? Tôi còn muốn chơi cùng con trai tôi. Con trai, lại đây để bố ôm con một cái nào.” Hải dang tay đưa về phía Bo, nở nụ cười dụ dỗ.
Tôi đem hai tay bịt tai Bo lại: “Anh không phải là bố nó, đừng có nói bừa.”
Bo bị tôi bịt tai, rất khó chịu, cứ lắc lư cái đầu nhỏ: “Mẹ đừng bịt tai Bo.”
Tôi không muốn thằng bé nghe được những gì tôi sắp nói: “Chẳng phải anh đã gạt phắt nó đi khi nó còn trong bụng mẹ sao? Anh hại Trinh đến mức ấy còn chưa đủ, còn muốn cướp luôn giọt máu cuối cùng Trinh để lại à? Anh là đồ độc ác! Anh đừng hòng có được con trai của chúng tôi.”
“Tôi đã nói là xin lỗi rồi mà. Tôi thừa nhận là khi đó tôi còn quá trẻ và nông nổi. Bỗng dưng có một đứa con, ai mà không lo sợ cơ chứ. Tôi nói thế không có nghĩa là tôi không thừa nhận con tôi mà là tôi chưa tìm ra phương thức giải quyết.”
Những lời lẽ không hề có thành ý, cũng chẳng có gì gọi là hối cải, quá vô cảm. Tôi không tin một người đàn ông như thế này lại có khả năng trở thành một người cha tốt.
Tôi cười lạnh: “Xin lỗi? Anh không cần phải nói những lời đó với tôi. Tôi và anh vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Anh nghĩ hai từ xin lỗi đơn giản của anh thì cứu vãn được gì? Có thể cải tử hoàn sinh không? Nói cho anh biết, trừ khi anh làm Trinh sống lại, còn không thì đừng hòng mong tôi thỏa hiệp. Cùng lắm là ra tòa, tôi không sợ đâu, giấy tờ nhận nuôi Bo, tôi có đủ.”
Hải nhìn tôi, đôi mắt nheo lại thành hai đường hẹp dài sắc xảo: “Cô nghĩ tòa sẽ giúp cô giữ lại thằng bé sao? Dù cô có làm gì thì tôi vẫn là bố đẻ của nó, một đứa trẻ có cả bố lẫn mẹ mới có thể phát triển toàn diện.”
Tôi trừng mắt nhìn anh ta, không thể áp chế trái tim đập nhanh vì sợ hãi. Tôi nghiến răng chỉ tay về phía cửa: “Mời anh rời khỏi nhà tôi. Tôi sẽ cùng anh hầu tòa.”
“Vậy hẹn gặp lại ở tòa.”
Hải chỉ nhếch môi cười rồi nghênh ngang bước ra khỏi cửa. Tôi còn chưa kịp thở phào thì mẹ tôi ôm một cái âu đậy kín nắp bước vào với vẻ mặt vô cùng kinh ngạc, còn có vẻ như đã biến sắc phần nào, tái nhợt, không rõ cảm xúc lúc đó của mẹ là gì nhưng chắc chắn mẹ đã nghe được mọi chuyện. Bo tụt xuống ghế, chạy đến chỗ bà ngoại của nó: “Bà ngoại, bà ngoại ơi!”
Mẹ vẫn đứng yên nhìn tôi, tôi cắn môi nhìn xuống đất, không biết phải làm gì. Chỉ thấy mẹ cúi xuống xoa đầu Bo: “Bà ngoại mang xúc xích sang cho Bo. Con lên giường ngồi ăn ngoan để bà nói chuyện với mẹ.”
Bo nhanh nhẹn ôm cái âu trèo lên giường ăn ngon lành. Tôi thì vẫn ngồi im không dám nhúc nhích cho đến khi mẹ tôi ngồi xuống bên cạnh: “Nói thật cho mẹ nghe, Bo là con của ai?”
Tôi vẫn cứng đầu đáp: “Là con trai của con mà mẹ.”
“Đến bây giờ mà con vẫn còn tìm cách nói dối mẹ. Nó là con của Trinh và người đàn ông kia phải không?” Mẹ tôi có phần kích động mà lớn tiếng nói.
“Mẹ, Bo là con của con, là con của con.” Tôi cố nhấn mạnh, giọng bắt đầu nghèn nghẹn.
“Vân, vì sao con phải làm thế? Vì sao con giấu mẹ?”
Giọng mẹ không chút nặng nề gay gắt, chỉ đơn giản giống như là hỏi lí do đứa con nhỏ của mình vấp ngã. Nhưng mẹ đã biết rõ chuyện này thì liệu mẹ có cho tôi tiếp tục nuôi Bo hay không? Nếu mẹ không cho tôi tiếp tục nuôi Bo, nếu mẹ ghét thằng bé? Vậy con trai tôi phải làm sao đây?
“Nói cho mẹ biết, Vân!” Mẹ nắm chặt lấy bàn tay tôi, nói như cầu xin: “Nói thật mọi chuyện cho mẹ biết. Mẹ là mẹ của con, con không tin mẹ hay sao?”
Tôi vẫn một mực cúi đầu, không biết đã phải hạ quyết tâm bao nhiêu lần thì mới dám ngẩng lên đối diện với đôi mắt đau xót của mẹ. “Mẹ ơi, con biết lỗi rồi. Nhưng con sẽ không bỏ rơi Bo đâu. Nó là con trai của con.” Tôi bắt đầu khóc, không nhịn được mà khóc thành tiếng và nhào vào lòng mẹ. Có cái gì đó như vỡ òa trong tôi, dường như tôi đã phải một mình gồng lên chống đỡ quá lâu, đôi vai đã nặng trĩu mệt mỏi, nay bên cạnh có mẹ, tôi liền muốn trút bỏ tất cả và dựa dẫm vào mẹ như một loại bản năng bẩm sinh.
Mẹ vuốt mái tóc tôi, nói dịu dàng: “Vì sao con phải nuôi con của người khác mà nhận là con mình để hủy hoại danh dự cả đời con gái như thế?”
Tôi úp mặt trong lồng ngực ấm áp của mẹ, ngửi mùi hương của riêng mẹ. Đó là mùi mồ hôi, nước mắt, mùi của sự tần tảo nắng mưa, cái mùi mà chỉ mẹ mới có. Mùi hương ấy khiến tôi nhẹ nhõm và yên bình đến lạ, cảm giác như mình trở về là một đứa bé gái vẫn còn thích rúc trong lòng mẹ, kể lể và thắc mắc mọi chuyện trên đời.
“Mẹ ơi, con không biết, con không biết tại sao mình lại muốn làm như thế. Con chỉ không muốn Trinh chết rồi mà vẫn phải mang tiếng xấu, nhưng mà Trinh không có lỗi gì đâu mẹ, nó tội nghiệp lắm. Con không muốn bố mẹ nó phải thất vọng vì nó nên con tình nguyện gánh cho nó tội này.”
“Rồi làm đau khổ bố mẹ hay sao? Con có nghĩ cho bố mẹ hay không?”
“Trinh khổ lắm, Trinh khổ lắm mẹ ạ!”
Đợi đến khi cho Bo đi ngủ trưa, tôi mới ngồi kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho mẹ nghe, tất cả, tất cả mọi chuyện, từng thứ một, mọi ấm ức đau khổ mà chúng tôi đã trải qua. Tôi tựa trên vai mẹ khóc, mẹ cũng khóc, mẹ thương Trinh bạc mệnh, mẹ bảo: “Số phận của phụ nữ là như thế, mỗi người một phận, chẳng ai giống ai. Hai đứa con cùng tuổi, cùng sinh ra trên một mảnh đất, gia cảnh như nhau, cùng lên thành phố học, thế mà bây giờ kẻ còn người mất, mỗi đứa một nơi.”
“Mẹ có nghĩ con làm thế là sai không mẹ? Con đã giấu tất cả mọi người.”
Mẹ ôm chặt lấy tôi: “Không, con gái mẹ dũng cảm lắm. Mẹ không trách con chút nào. Mấy năm qua con đã chịu bao nhiêu khổ cực, đáng ra con phải nói cho mẹ biết sớm mới phải.”
“Nhưng, con sợ…” Tôi ấp úng.
“Sợ mẹ không cho con nuôi Bo chứ gì? Bo ngoan ngoãn đáng yêu như vậy, tự dưng có thằng cháu ngoại, sao mẹ lại không đồng ý chứ? Con cần gì phải một mình chịu đựng?”
Tôi bỗng nghĩ ra một chuyện, liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi, vậy con có cần phải nói cho bố mẹ Trinh biết không ạ?”
Mẹ gật đầu: “Có, phải nói chứ. Bo là cháu ngoại của người ta cơ mà. Nhưng bây giờ thì chưa phải lúc để nói. Chuyện kiện tụng còn nhiều vấn đề, không nên để hai ông bà ấy nhận cháu vào lúc này, sẽ rất đau lòng. Hãy đợi mọi biến cố qua đi.”
Tôi nghe lời mẹ, trong tiềm thức của tôi thì mẹ vẫn luôn là người sáng suốt nhất. Chỉ có điều là tôi luôn cảm thấy một nỗi bất an vô hình, một nỗi sợ không tên, có khi nào tôi sẽ thua kiện không? Tôi hoang mang với con đường phía trước và tôi cần lắm một người cầm đuốc dẫn đường mở lối. Tôi cứ cố gắng tưởng tượng ra chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng có tưởng tượng thế nào chăng nữa cũng không tưởng tượng được một cuộc sống không có đứa con trai bé bỏng của tôi.
Ngày xưa, mỗi lần hai chị em tôi không nghe lời thì mẹ đều bảo rằng sau này lớn, có con cái rồi sẽ hiểu được nỗi lòng của bố mẹ, lúc ấy hai chị em chỉ nhìn nhau cười hì hì, cứ thế sống vô tư trong sự đùm bọc của bố mẹ. Cho đến khi cũng có một đứa trẻ gọi tôi là mẹ mặc dù tôi không sinh ra nó, tôi đã thực sự làm mẹ và tôi tin mẹ nói không sai chút nào. Những lần Bo bị ốm, tôi đều thức trắng đêm để chăm sóc thằng bé như mẹ đã từng làm với hai chị em tôi, chẳng màng đến bản thân, ăn uống cũng không thiết, chỉ mong con mau khỏi, chỉ mong bệnh tật của con có thể chuyển hết sang cho mình. Giờ thì tôi đã biết vì sao công ơn cha mẹ lại như trời biển và dù ta có làm bao nhiêu điều đi nữa cũng sẽ chẳng đền đáp hết công ơn ấy.
Không lâu sau tôi được Hải mời đến gặp anh ta một cách nghiêm túc để nói chuyện lại một lần nữa về việc của Bo trước khi anh ta quyết định có đem chuyện này ra tòa hay không, có lẽ anh ta muốn thuyết phục tôi lần cuối cùng chăng? Tôi không từ chối, chấp nhận cùng anh ta dứt khoát một lần nữa. Tôi mang theo Bo lên Hà Nội gặp Hải và tay luật sư của anh ta trong một quán coffee vắng. Tôi đến sớm nửa tiếng để tiện cho Bo ăn chút gì đó, và sau khi Bo uống hết một cốc sữa với ăn nửa cái bánh ngọt thì người cần gặp đã đến. Hai người đàn ông dáng dấp cao to, một người mặc áo sơ mi trắng, một người mặc áo vest đen đạo mạo bước vào khiến những người khách khác cũng phải chú ý. Còn tôi, tôi chết cứng ngay tại chỗ, mắt nhìn chằm chằm vào người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, anh ta cũng nhìn tôi với vẻ kinh ngạc không kém. Tôi không hề nhận ra hơi thở của mình đang dần trở nên nặng nề. Vì sao? Sao anh lại xuất hiện ở đây? Trong tình huống oái oăm này? Thế giới có phải quá nhỏ rồi không?
Hai người đàn ông ngồi yên vị trên ghế đối diện tôi tự bao giờ, Hải nhàn nhạt mở miệng giới thiệu: “Chào cô Vân, giới thiệu với cô đây là luật sư của tôi, anh Cường.”
Cái tên ấy, khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, tôi tưởng rằng mình đã cất rất kỹ, rất sâu trong tim rồi và dù cho có lục lọi 3 ngày 3 đêm cũng không thể nào lục ra. Vậy mà khi Cường ngồi ngay trước mắt đây, trái tim tôi lại quay trở về là đứa con gái 20 tuổi ngày nào, lại đập rộn ràng như ngày đầu tiên anh nói anh thích tôi. Tôi cứ tưởng rằng khi gặp lại anh, tôi sẽ lãnh cảm, thở ơ lắm, sẽ có thể mỉm cười chào anh một tiếng giống như một người bạn bình thường lâu năm không gặp. Nhưng thực sự ngay lúc này tôi chỉ muốn nhào đến ôm lấy anh, kể hết những khốn khổ mà tôi phải chịu đựng từ khi anh đi, rằng tôi đã rất nhớ anh, nhớ giọng nói vui vẻ nồng nhiệt của anh, nhớ bàn tay ấm áp với những ngón thon dài đan giữa các ngón tay tôi. Tôi biết mình không thể làm như vậy, tôi chỉ biết chìm đắm trong đôi mắt lạnh nhạt, oán trách của anh mà không thể thoát ra cho đến khi giọng nói con trẻ lảnh lót, vui tai của Bo vang lên: “Cháu chào chú!”
Hải vươn tay đến vuốt má Bo: “Chào con trai.” Và dường như anh ta nhận ra thái độ kỳ lạ của tôi và Cường nên hỏi: “Hai người quen nhau à?”
Tôi còn chưa kịp suy nghĩ gì thì Cường đã phủ nhận một cách lạnh lùng và dứt khoát: “Không, chúng tôi không quen nhau.” Rồi anh vươn tay ra phía tôi, lịch sự giới thiệu như một người xa lạ: “Chào cô, tôi là luật sư Trần Mạnh Cường.”
Tôi không bất ngờ về cách nói cũng như thái độ của Cường, một phần trong tôi thầm vui mừng, phần còn lại là cơn đau xé lòng.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi chủ yếu xoay quanh chuyện nhận nuôi Bo. Hải nói: “Đáng ra tôi đã trình đơn lên tòa nhưng tôi muốn cô suy nghĩ lại một lần nữa. Điều kiện của tôi tốt hơn cô cả nghìn lần, con trai tôi sẽ có một môi trường phát triển vô cùng tốt chứ không phải ở cái nơi quê mùa ấy. Về phần cô cũng không phải lo, tôi sẽ trả cho cô một khoản tiền hậu hĩnh coi như công cô chăm sóc con trai tôi bấy lâu nay.”
Tôi chỉ cười khẩy: “Anh nghĩ tôi thèm khát mấy đồng tiền đó của anh ư?”
“Nếu để đến khi tòa phán quyết thì cô sẽ chẳng có gì đâu.”
“Sẽ không có ngày đó.” Tôi khẳng định.
Cường đột ngột hỏi: “Cô đã tìm hiểu kỹ luật chưa?”
Tôi nhìn thẳng vào mắt Cường, tự tin trả lời: “Tôi hiểu luật đủ để người khác không bắt nạt được mình.”
Cường lặng lẽ uống coffee. Dù tôi đã cố gắng hết sức để không chú ý đến Cường nhưng vẫn mất tự chủ mà quan sát anh. Thực sự anh đã thay đổi rất nhiều, không còn là cậu sinh viên bốc đồng, thích gì làm nấy, trên môi luôn nở nụ cười vô tư nữa. Anh bây giờ mang theo nét chững chạc của một người đàn ông trưởng thành, điềm tĩnh và rắn giỏi.
“Cô quá cố chấp.” Hải khoanh tay trước ngực thong thả nói: “Cô quá ngu ngốc khi cứ giữ khư khư đứa trẻ không phải của mình. Cô nên nhớ nó mang dòng máu của tôi.”
Tôi cúi nhìn đứa trẻ bé bỏng trong lòng mình, nó vẫn vô tư ngồi nghịch ngợm, rằm nát nửa cái bánh ngọt nó đã chán ngấy mà chẳng quan tâm gì đến câu chuyện của người lớn. Tôi nhẹ nhàng vuốt tóc Bo: “Phải, nó mang trong mình dòng máu của anh, nhưng không biết nó sẽ nghĩ sao khi một ngày nào đó nó biết được anh chính là người ruồng ***** nó không thương tiếc. Anh nghĩ nó sẽ kính trọng nổi con người ác độc như anh ư?”
Lúc tôi ngẩng đầu thì chỉ thấy gương mặt Hải chuyển thành màu xanh, mắt trợn trừng nhìn tôi, quai hàm bạnh ra. Tôi chỉ nở nụ cười miệt thị.
“Cô Vân, đúng là tòa án luôn luôn đứng về phía người phụ nữ về khoản nuôi dưỡng con cái. Không có sự đồng ý của cô thì tất nhiên anh Hải không có quyền nuôi cháu bé. Nhưng…” Cường chầm chậm lên tiếng: “Theo tôi biết thì hiện giờ cô vẫn còn độc thân lại trẻ trung như vậy, một cô gái độc thân nuôi một đứa trẻ thì rất vất vả, chưa kể đến nó sẽ cản trở con đường hôn nhân của cô. Trong khi anh Hải là bố đẻ của cháu Đạt, gia đình lại đầy đủ điều kiện cho sự phát triển sau này của cháu. Cô yêu con trai cô vậy mà cô lại không biết đâu là môi trường tốt nhất cho cháu?”
Tôi nhìn sang Cường, thật không thể tin cái giọng lạnh băng đầy tính châm chích này lại là của anh, phản ứng có phần chậm chạp. Đang định mở miệng phản bác lại thì bị Hải chặn ngang, anh ta đứng dậy, nhìn tôi từ trên cao với một vẻ coi thường: “Thôi, đủ rồi. Chúng ta không cần nói điều gì với cô ta nữa. Đây là cơ hội cuối cùng mà tôi giành cho cô nhưng cô vẫn không biết điều thì cô phải nhận lấy hậu quả.”
Nói xong Hải xải bước dài ra khỏi quán. Cường liếc nhìn tôi, không rõ anh đang nghĩ gì, chỉ thấy anh rút từ trong ví ra một tờ tiền rồi đặt lên bàn trước khi rời khỏi quán.
Chắc hẳn Cường đã rất bất ngờ khi anh thấy bên cạnh tôi có thêm một đứa bé, anh sẽ nghĩ gì về tôi? Vì sao anh lại nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ đó? Tôi đã từng tưởng tượng rất nhiều về một cuộc hội ngộ của tôi và anh trong nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp, tưởng tượng ra mọi cảm xúc có thể biểu lộ trên gương mặt anh nhưng tuyệt nhiên không có vẻ mặt lạnh lùng và ánh mắt xa lạ đó. Nhìn vào đôi mắt anh, tôi không thể tin được đó lại chính là người yêu tôi một thời, đã từng nói những lời yêu thương, hứa hẹn nồng ấm. Giống như tình yêu ấy được vẽ nên bởi trí tưởng tượng phong phú của tôi hoặc đó chỉ là một người có gương mặt và cái tên giống anh. Bởi trong trí nhớ của tôi, Cường không bao giờ như vậy, kể cả lần gặp đầu tiên, anh cũng không hề nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ đó. Có lẽ bây giờ Cường đã quá xa tầm với của tôi.