Teya Salat

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn – phần 15

Bỗng chốc, trong đại điện xác người và máu be bét khắp nơi, cột đổ tường nghiêng, gạch đá sụt lở nghiêm trọng, bốn người chúng tôi nấp trên xà ngang may mắn thoát chết, nhưng sức công phá của thuốc nổ rất mạnh, cảm giác gian đại điện có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nếu không chạy nhanh sẽ bị chôn sống ở đây. Chúng tôi vội thòng dây thừng tụt xuống, giữa đám bụi khói mù mịt, nhìn thấy trên nền đại điện bị nổ tung một hố sâu rất to, phía dưới hình như có một đường hầm. Cửa của gian đại điện đã được đóng lại từ trước, giờ đã bị những cột đá đổ xuống chắn lại, xung quanh mọi vật đang chao đảo, gạch đá không ngừng rơi xuống, mọi người hoảng loạn chạy lung tung không còn phân biệt được phương hướng, cũng chẳng có thời gian phân tích tại sao giữa đại điện lại có đường hầm, chúng tôi bước qua những xác chết nằm trên sàn, chạy thẳng xuống dưới đường hầm. Mặt dày trong lúc khẩn cấp vẫn không quên nhặt khẩu súng săn rơi trên nền nhà, xuống dưới đường hầm rồi chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng đá lở ở phía trên, lại sợ xác chết đội vương miện vẫn tiếp tục đuổi theo nên ai nấy cắm đầu chạy, không dám quay đầu lại nhìn.

Mặt dày bật đèn pin đi trước dẫn đường, tiếp theo là Điền Mộ Thanh, rồi tới Điếu bát, tôi bọc hậu phía sau. Bốn người đi trong đường hầm tối đen, phát hiện phía dưới đại điện cũng là một không gian trống như hầm mộ, từng đống hài cốt rải rác khắp nơi, tóc vẫn còn nguyên. Phía cuối đại điện thứ hai lại có một đoạn đường hầm nữa, hai bên tường cách một đoạn lại có một bó đuốc. Chạy tới đầu đường hầm, tôi cảm thấy phía trên nóc đường hầm đất cát đang không ngừng rơi xuống, hình như đoạn đường hầm này chịu ảnh hưởng của vụ nổ, đang chuẩn bị sập xuống, lập tức kéo Điếu bát lùi lại phía sau. Điền Mộ Thanh và Mặt dày cũng thấy tình hình bất thường, vội chạy nhanh về phía trước, cùng lúc đó đất đá ầm ầm sập xuống đúng ngay chỗ chúng tôi chuẩn bị chạy qua, bốn người bị chặn ở hai đầu đường hầm, chỉ cần chậm một bước thôi thì chúng tôi đã bị chôn sống dưới đống đất đá này rồi, tôi gọi với sang thì phía bên kia vẫn nghe thấy. Điếu bát cầm đèn pin chiếu sáng, tôi lấy xẻng ra đào, lúc này bỗng có một người mặt đầy đất cát loạng choạng chạy tới.

Người đó trong tay không có đèn pin cũng không có đuốc, chạy gần tới nơi chúng tôi mới nhìn ra đó là tên eo rắn. Tên này mạng lớn thật, không bị chết trong vụ nổ trên đại điện. Chúng tôi nhìn thấy hắn đeo khẩu súng săn hai nòng trên người, nhân lúc hắn còn đứng chưa vững liền khống chế, tước lấy khẩu súng, liền sau đó cầm lấy chiếc xẻng, chuẩn bị phang vào đầu hắn.

Tên eo rắn hồn bay phách lạc, nhìn thấy tôi và Điếu bát thì mặt tái mét, vội vàng van xin: “Đừng… Đừng động thủ… người cùng một nước không nên đánh nhau!”

Tôi túm lấy hắn nói: “Mày mà cũng xứng làm người à?”

Điếu bát tức tối nói: “Thằng khốn, mày một bụng mưu mô quỷ quái, còn đáng ghét hơn cả Hoàng phật gia, đánh chết thì thôi.”

Chúng tôi còn chưa ra tay, tên eo rắn đã sợ nhũn cả người, quỳ mọp xuống đất cầu xin: “Hai ông, xin hai ông tha cho con.”

Điếu bát chửi: “Ai là ông mày, đừng có giở trò nịnh hót với tao, tao không nuốt trôi chiêu này đâu.”

Tên eo rắn lại nói: “Ông ơi, con cũng là hảo hán thân cao năm thước, lòng đầy nhiệt huyết, không phải ai con cũng gọi là ông đâu, con cũng biết chọn người mới gọi…”

Tôi cầm xẻng lên chuẩn bị đánh, nhưng nửa chừng thì dừng lại, tôi nhớ ra lúc bọn này mở nắp quan tài nhìn thấy xác chết đeo mặt nạ vỏ cây thì ai nấy đều thất sắc kinh hoàng, lúc đó đã xảy ra chuyện gì? Tôi bắt tên eo rắn kể lại tình hình lúc đó, bộ dạng của cô gái trong cỗ quan tài gỗ mun đó như thế nào?

6

Tên eo rắn một mực khẳng định hắn không biết tình hình lúc đó thế nào, khi mở quan tài, nhìn thấy hoa văn màu sắc sặc sỡ trên nắp quan tài thì cả bọn đều nhao nhao khen đẹp, còn lúc mở nắp quan tài nhìn thấy chiếc vương miện Lộc thủ bộ dao quan, hoa văn trên chiếc mặt nạ vỏ cây giống như quỷ núi thì tất cả lại kêu lên hoảng hốt, còn lúc lấy mặt nạ vỏ cây xuống thì tên eo rắn đang cùng mấy đứa khác canh chừng chỗ xà ngang của đại điện, thực tình không biết bộ dạng của xác chết ra sao, hắn cũng không hiểu vì sao mọi người lại đờ hết ra như vậy, trên mặt ai cũng ngạc nhiên và sợ hãi, lúc hắn chạy ra xem sự tình thế nào thì đã xảy ra chuyện rồi, hắn giải thích: “Có thể là nắp quan tài đóng kín nên hàng nghìn năm trôi qua mà diện mạo người chết vẫn như đang còn sống, cũng giống như bộ quần áo mà người chết mặc trên người, nhưng khi nhìn kỹ thì thấy đã bắt đầu có hiện tượng phân hủy.”

Tôi nghĩ tên eo rắn này không có lý do gì phải nói dối, hắn chỉ cậy lúc đông người để ra oai, cùng với Hoàng phật gia ép chúng tôi vào bước đường cùng, cứ nghĩ rằng mạng chúng tôi đều nằm trong tay bọn chúng. Ai ngờ, tình thế xoay chuyển đột ngột, giờ hắn lại rơi vào tay chúng tôi, ngay lập tức đã đổi giọng gọi chúng tôi bằng ông, nói những câu nịnh nọt để lấy lòng, nếu Mặt dày mà ở đây mà nghe thấy thể nào cũng nổi hết da gà.

Tôi lục soát người tên eo rắn, lôi ra được một ít đạn, một bao thuốc lá, một bao diêm, vài miếng lương khô ngoại quốc, và vài đồng bạc, tôi giao hết cho Điếu bát và nói với hắn: “Trông mày ăn mặc đâu vào đấy thế mà trên người có chừng này tiền thôi à?”

Tên eo rắn nhăn mặt khổ sở nói: “Hoàng phật gia là tên đại keo kiệt, mỗi lần có tiền thì hắn chia cho mình đầu tiên, chúng tôi chỉ là bọn ăn theo, bọn tôi cũng nghèo lắm. Hai vị đều là người nhân nghĩa anh minh, là Phật sống tái thế, đại trượng phu không chấp kẻ tiểu nhân…”

Điếu bát châm một điếu thuốc hút, quay sang bảo tôi: “Huynh đệ, cậu có biết anh nghĩ tới chuyện gì không. Anh nghĩ tới lão Thánh nhân có nói một câu —- Dĩ đức báo oán, dĩ hà báo đức? Nghĩa là: Lấy đức báo oán, vậy lấy gì để báo đức?”

Tôi nói: “Hình như có nghe thấy ở đâu rồi, hàm ý nói rằng có tên tiểu nhân muốn hại chúng ta, chúng ta phải nhẫn nhục, phải chịu đựng cảnh đem mặt mình áp vào mông kẻ khác. Nhưng tới lúc có một ân nhân đúng là rất tốt với chúng ta thì không lẽ chúng ta lại dùng khuôn mặt đã áp vào mông người khác này để đối diện với ân nhân sao? Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta không có thứ nào khác có thể thay thế khuôn mặt này cả.”

Điếu bát nói: “Đúng thế, lão Thánh nhân đã nói rồi, lấy sự chân thật để báo oán, lấy đức báo đức.”

Tôi đế thêm: “Mông đi với mông mà mặt đi với mặt.”

Điếu bát nói: “Không sai, nói tuy hơi thô lỗ một chút nhưng đúng là như vậy.”

Tôi nói: “Có thù mà không báo thì không phải là quân tử. Anh em ta cũng nên “Mông đi với mông” với tên này thôi”, nói rồi tôi giơ chiếc xẻng lên, một tay thì túm lấy tên eo rắn.

Đương nhiên, tôi không thể coi mạng người như cỏ rác giống Hoàng phật gia được, cùng lắm là hù dọa tên eo rắn một chút thôi, ai ngờ hắn tưởng tôi làm thật, sợ đái cả ra quần.

Trông thấy vậy, tôi đành buông tay. Tên eo rắn như được ân xá, vội vàng lùi nhanh về phía sau. Nhưng mới lùi được vài bước hắn bỗng đứng khựng lại, dường như phát hiện ra phía sau lưng mình có gì đó, hắn run rẩy sợ hãi quay đầu lại nhìn.

Tôi và Điếu bát dùng đèn pin soi về phía tên eo rắn, bỗng thấy ánh sáng đang di chuyển, hóa ra là xác chết đội vương miện vàng không biết đã đứng sau lưng tên eo rắn tự bao giờ, xác chết giơ bàn tay toàn móng vuốt lên xuyên qua tim tên eo rắn từ phía sau, tên eo rắn hai mắt trợn ngược, hai chân giãy giãy vài cái rồi tắt thở, tới khi chết cũng không biết vì sao mình chết.

Xác chết lại phát ra tiếng kêu chói tai, tiếp tục tiến về phía tôi và Điếu bát, ánh đèn pin chiếu lên người xác chết, dung mạo đã rữa ra, hai mắt đen sì, miệng chỉ là một cái hốc đang há to.

Điếu bát sợ đến đờ người, tay cầm súng mà toàn thân run lẩy bẩy. Tôi nghĩ: “Người chết hàng nghìn năm rồi mà vẫn có thể đi lại được sao? Nghe nói xác chết di chuyển được thì gọi là ‘hành thi’, nếu để nó vồ phải thì nguy to.” (Bạn đang đọc truyện tại website: Haythe.us) Tôi vội giật khẩu súng trong tay Điếu bát, nhắm thẳng đầu xác chết bóp cò, hai viên đạn bắn trúng đầu xác chết, một bên đầu vỡ nát, chiếc vương miện “Lộc thủ bộ dao quan” cũng bị bắn hỏng, xác chết đổ ập xuống đất ngay trước mặt chúng tôi, không còn nhúc nhích được nữa.

Tôi vừa buông súng xuống thì một làn khói đen bay ra từ một nửa đầu còn lại của xác chết, tôi rọi đèn pin theo thì thấy đám khói đen đó giống như là bóng ma. Tôi và Điếu bát tròn mắt nhìn nhau, cảm giác như gặp ma thực sự, tất cả các lỗ chân lông trên người đều giãn ra. Trong chớp mắt, chiếc bóng đó đã nhập vào người tên eo rắn. Tên eo rắn vừa nãy đã tắt thở, giờ bỗng đứng bật dậy, miệng phát ra tiếng kêu kỳ quái, hai mắt chuyển thành màu đen.

7

Nghe nói âm linh là hồn của người chết, vốn là vô tri vô giác. Nhưng nếu oán khí không tiêu tán hết thì sẽ nhập vào xác chết để đi bắt người, đến chết cũng không buông tha. Nhưng đây cũng chỉ là một cách nói mê tín của người xưa. Ô cửa nhỏ trên quan tài cũng là để âm linh ra vào. Tôi vốn không tin, nhưng có thể là trước đó chưa từng nhìn thấy, giờ trước mắt tình hình khẩn cấp, không còn thời gian để suy nghĩ, xác chết đang tiến đến chỗ Điếu bát, tôi vội cầm lấy súng bóp cò nhưng không có đạn mới sực nhớ ra lúc nãy đã dùng súng bắn vào xác chết nữ, vẫn chưa kịp nạp đạn, lúc này mà nạp đạn thì không còn kịp nữa. Tôi xoay báng súng định phang vào xác chết thì đã bị nó tóm lấy, chỉ cảm thấy một lực mạnh kỳ lạ giữ lấy báng súng, xác chết giật lấy một cái, thì chiếc súng đã tuột ra khỏi tay tôi. Tôi tiện tay cầm vội chiếc xẻng lên, dùng hết sức bình sinh phang vào xác chết, chiếc xẻng rất sắc, đã cắt đứt đầu hành thi, chiếc đầu lăn lông lốc trên mặt đất, thi thể liền đổ ập xuống. Chúng tôi lại nhìn thấy chiếc bóng đen bay ra từ xác tên eo rắn, dật dờ lúc ẩn lúc hiện.

Tôi nghĩ bụng: “Không hay rồi! m linh này nếu nhập vào ai thì người đó trở thành hành thi, muốn đối phó với nó thì phải nhân cơ hội khi nó chưa nhập được vào ai!” Lúc đó tình huống cấp bách, trong cái khó ló cái khôn, tôi cho rằng âm hồn không thể địch nổi dương khí của người sống nên chúng tôi ra sức thổi vào chiếc bóng đó, bóng ma lập tức tan ra. Điếu bát thấy chiêu này của tôi có hiệu quả cũng tiến tới giúp tôi một tay, hai người ra sức thổi cho tới lúc không còn thở được nữa. Chúng tôi soi đèn pin tìm xung quanh không thấy bóng dáng chiếc bóng đâu, nghĩ rằng đã thoát hiểm, bỗng phía sau phát ra tiếng động, cả hai chúng tôi đều giật mình nhảy bắn lên khỏi mặt đất.

Chúng tôi thở gấp, tìm đập thình thịch, quay đầu định thần nhìn lại, hóa ra là Mặt dày và Điền Mộ Thanh đã đào được đám đất đá kia ra. Họ nhìn thấy tên eo rắn nằm chết sóng soài, đầu một nơi, thân một nơi, xác chết nữ kia thì mất một bên đầu, chiếc vương miện vàng “Lộc thủ bộ dao quan” đã hỏng, hai người vừa sợ vừa thấy khó hiểu.

Điền Mộ Thanh hỏi rõ tình hình, cầm chiếc vương miện dưới đất lên xem rồi nói: “Nghe các cụ kể lại, con người sau khi chết thì hồn về trời, phách về với đất. m linh trong cương thi có thể là phách của người chết.”

Điếu bát hỏi Điền Mộ Thanh: “Phách? Cô cũng tin cái này à?”

Điền Mộ Thanh không nói là có tin hay không, cô chỉ nói: “Những chuyện kỳ lạ trên đời không ít, ếch ngồi đáy giếng thì chỉ nhìn thấy một khoảng trời nhỏ, phải lên tới đỉnh núi mới nhìn xa thấy rộng được.”

Điếu bát nói với tôi và lão Mặt dày: “Các cậu nghe xem, người ta nói có lý không, thế nào được gọi là nhả ngọc phun châu? Đây chính là nhả ngọc phun châu đấy.”

Tôi lại cho rằng Điền Mộ Thanh đang chê bọn tôi là ếch ngồi đáy giếng nên bực bội trong lòng, nói: “Khâm phục thật! Cô giáo Điền Mộ Thanh nói chữ nào cũng quý như ngọc, chúng tôi cũng chỉ biết được vài mặt chữ, làm sao mà so sánh với cô được.”

Điếu bát nói lại: “Huynh đệ, không phải anh nói cậu đâu, bình thường cậu đã không học được cách khiêm tốn, nghe thấy lời đúng lời hay cậu không nói đế thêm vài câu là cậu không chịu được sao. Người ta đây không phải ám chỉ cậu.”

Mặt dày từ trước tới giờ vốn không quan tâm tới những chuyện chữ nghĩa, anh ta nói: “Thôi thôi, mấy người có học nói xong mấy lời có học rồi thì tới lượt người thô lỗ như tôi nói được rồi chứ. Tôi thấy tên eo rắn này chết thì cũng đáng rồi, nhưng chiếc vương miện kia chẳng có tội tình gì, đó là một vật báu vô tiền khoáng hậu. Nó vốn chẳng gây sự với ai, thế mà lại bị thằng cha này bắn cho nát hết cả, nhưng dù sao có vẫn còn hơn không, dù gì thì nó cũng là bằng vàng, lấy về chắc cũng đổi được ít tiền…”, nói rồi anh ta lấy lại chiếc vương miện từ trên tay Điền Mộ Thanh và cả chiếc đai ngọc trên xác chết nữ đều cho hết vào trong chiếc túi da rắn rồi cất vào ba lô của anh ta.

Cả bọn đều biết nơi đây không thể ở lâu, đại điện có cỗ quan tài bằng gỗ mun có thể chỉ là phần tiền điện, khi sàn nhà bị nổ để lộ ra một đường hầm, phía dưới cũng là hầm mộ, các điện thờ được phân chia theo địa thế của hang động và theo quy cách thường gặp, đó là tiền, trung và hậu điện. Trong địa cung này vẫn có không khí lưu thông chứng tỏ nơi đây thông với bên ngoài. Nhưng đoạn đường hầm này không dài lắm, bốn người chúng tôi đi khoảng mười bước thì thấy ba chiếc cửa vòm bằng đất, chiếc chính giữa to, hai bên nhỏ, phía trong là mấy cái hầm dài dựng đứng, sâu hoắm, nhìn lên trên không thấy đỉnh nhìn xuống dưới không thấy đáy.

Điếu bát tặc lưỡi nói: “Ghê thật! Cả cái hầm rộng thế này, không lẽ là giếng âm dương? Mọi người không biết đấy thôi, tương truyền thời Tần Thủy Hoàng còn đang tại vị, nghe nói địa thế núi Dự Tây giống như hình con rồng đang phủ phục, ông ta lo ngại trung nguyên sẽ xuất hiện hoàng đế mới nên lệnh cho quân lính đào một cái hang lớn trong núi để tuyệt long khí, không ngờ chiếc hang đó đào quá sâu, cuối cùng thông xuống tận dòng sông ngầm, nên sau đó mọi người gọi nó là giếng âm dương, lúc đó có người thử thả một con vịt xuống dưới giếng, ba ngày sau, con vịt đó đã bơi được ra sông Hoàng Hà.”

Chương 15: Quan ngọc tượng vàng

1

Phía cuối đường hầm là một cái hố rất sâu, bốn phía đều là đất nện, đường kính khoảng hơn mười mét, độ rộng trên dưới bằng nhau giống như một hố giếng vậy. Chỗ bậc thang sát bên thành hố để đi xuống bên dưới đã bị hỏng, chỉ còn lại những mô đất nhô ra bên ngoài.

Điếu bát nói: “Có thể Tần Thủy Hoàng đã đào xuyên vào long mạch của giếng âm dương, thả vịt xuống giếng, chỉ vài hôm là nó bơi ra sông Hoàng Hà được.”

Tôi nói: “Đó chỉ là những lời đồn không có căn cứ, làm sao biết được có phải cùng một con vịt hay không? Chúng ta đều cảm nhận được chiếc hố này rất lớn, rất sâu, nhưng vì xung quanh quá tối, tầm nhìn chỉ vài mét, xa hơn nữa thì không nhìn thấy gì, chẳng khác nào “thầy bói xem voi”, nhưng phía tường còn dấu vết của bậc thang, chứng tỏ bên dưới thông tới một nơi nào đó.”

Mặt dày sờ lên chỗ tường đất, nói: “Mẹ nó cứng thật, chẳng cạy được tí đất nào, cứ như đá chứ không phải là đất.”

Tôi nói: “Hình như là đất nện chuyên dùng cho mộ cổ, loại đất này càng để lâu càng cứng, hoàn toàn không lo bị ảnh hưởng thời tiết, dùng xẻng đào cũng không được, chúng cứng như đá, cũng không sợ ngấm nước.”

Điếu bát xem xét một lúc, gật đầu nói: “Không sai, đúng là đất nện hỗn hợp, loại đất mà một bát thịt đổi lấy một bát đất đấy.”

Mặt dày hỏi lại: “Dùng thịt để đổi đất? Thế thì chẳng thà ăn thịt luôn cho xong, một hố đất rộng thế này thì bao nhiêu thịt cho vừa?”

Điếu bát nói: “Ai bảo là dùng thịt để làm đất nện hỗn hợp đâu. Ý anh là một bát đất này có giá trị như một bát thịt, làm loại đất này không dễ dàng như cậu tưởng đâu.”

Mặt dày vẫn còn nghi ngờ: “Đất thì ở đâu chẳng có, muốn đào bao nhiêu chẳng được, có gì khó đâu.”

Điếu bát giải thích: “Cậu thử nghĩ xem, nếu đào đại bát đất nào đó đều có thể đổi một bát thịt ăn thì tại sao người xưa lại phải khởi nghĩa? Tôi nói để cho cậu biết, để làm được đất nện hỗn hợp là rất khó, phải chọn loại đất sét vàng thuần khiết không có tạp chất, trộn với cát mịn, bùn dưới ruộng sâu, đất tường của những ngôi nhà có niên đại lâu năm với một công thức bí truyền, phải trộn đi trộn lại cho thật đều, thật nhuyễn, nếu không đất có thể sẽ rất cứng, nhưng gặp lúc thời tiết nóng ẩm hoặc trời lạnh thì vẫn bị rạn nứt. Vì vậy tuyệt không được ăn bớt nguyên liệu. Giờ cậu còn nói làm đất nện hỗn hợp dễ nữa không? Thế vẫn còn chưa xong đâu, còn phải thêm lòng trắng trứng đã đánh tơi, nước cơm nếp, những người mê tín thậm chí còn dùng máu của trẻ con, nên đất nện hỗn hợp để càng lâu năm càng cứng. Tôi nói dùng một bát thịt đổi một bát đất là còn rẻ đấy.”

Mặt dày nói: “Cũng cầu kỳ đấy nhỉ, nhưng người xưa bày vẽ như vậy không thấy mệt à?”

Điếu bát nói: “Tất nhiên là vừa mệt vừa vất vả rồi, nếu không thì sao ai cũng muốn làm hoàng đế chứ, nhưng có mệt mấy thì cũng đã có nhân dân làm rồi, hoàng đế thì chỉ có việc chết rồi nằm ở đây là xong.”

Tôi nói: “Ngôi mộ này chôn ai cũng rất khó đoán. Tôi thấy trong địa cung này ít nhất cũng có ba cái hầm thượng, trung và hạ. Nếu vậy thì các hầm sẽ thông nhau, không chừng đi xuống bên dưới mới là chính điện.”

Mặt dày vứt bó đuốc xuống bên dưới, rơi xuống đáy chỉ còn làm một đốm lửa nhỏ, ít nhất cũng sâu mấy chục mét. Phía dưới không có nước, cũng có chỗ để đặt chân, đành phải xuống dưới tìm lối đi thôi. Chúng tôi buộc các sợi dây thừng lại với nhau, một đầu buộc cố định tại chỗ phiến đá chắn cửa, một đầu thả xuống dưới. Tôi đeo súng lên vai, cầm đèn pin lần theo dây thừng xuống phía dưới, phải một lúc lâu sau mới tới đáy. Dưới đáy cũng là đất, ba phía đều là tường đất, phía còn lại là lối đi, vị trí ngay phía dưới đại điện ở tầng trên. Nếu sàn nhà đại điện không bị nổ tung thì chúng tôi không tài nào phát hiện được lối đi ngầm phía dưới này, càng không thể tới được chính điện. Tôi giơ cao ngọn đuốc lên xoay vòng tròn ra hiệu, ba người phía trên nhận được tín hiệu cũng lần lượt xuống.

Tôi chỉ về phía trước nói với Điếu bát: “Đây mới là chính điện, cũng có thể quan ngọc tượng vàng đều ở trong này!”

Chúng tôi chuẩn bị tiến vào thì thấy Điền Mộ Thanh hai vai rung lên bần bật, thần sắc hết sức hoảng sợ, hỏi cô ấy sợ gì thì lại cúi đầu không nói.

Điếu bát nói với tôi và Mặt dày: “Chắc là sợ lại gặp thi biến ở đây đấy mà, chẳng nói gì cô ấy, đến anh đây mỗi khi nhớ tới cảnh bọn kia mở quan tài ở đại điện vẫn còn thấy sợ, may mà đã lấy được chiếc đai ngọc và vương miện Lộc thủ bộ dao quan, đó đều là những báu vật không tầm thường chút nào, bán được những thứ này thì cả ba anh em mình ăn cả đời không hết tiền. Theo anh, thêm một việc không bằng bớt một việc, chủ nhân ngôi mộ chẳng liên quan gì tới chúng ta. Phải tranh thủ tìm đường ra ngoài tránh đêm dài lắm mộng, cuối cùng lại thành “gàu trúc gánh nước, kết quả lại thành không”.”

Mặt dày nói: “Lộc thủ bộ dao quan bị bắn hỏng rồi, vào tới tay bọn mình chẳng qua cũng chỉ là vài miếng vàng, được bao nhiêu tiền chứ? Bỏ qua cơ hội này thì không còn cơ hội thứ hai nữa đâu, đã chơi là phải chơi quả đậm, hơn nữa tìm đường ra thì thể nào chẳng phải đi qua chính điện, tiện tay vớ vài món cũng chẳng sao.”

Trong lúc nói chuyện thì chúng tôi đã tới một lần cửa vòm ở phía cuối đường hầm, cánh cửa đá dày dặn chắc chắn được đóng kín. Phía trên có những hoa văn nổi hình tròn, chúng tôi đẩy thử cánh cửa nhưng không thể mở được. Cánh cửa đá lừng lững như một ngọn núi, chỉ sợ có dùng mấy trăm cân thuốc nổ cũng không mở được cửa.

2

Chúng tôi cùng tiến lên đẩy cánh cửa của chính điện nhưng giống như chuồn chuồn đẩy cột đá, cả bọn đành đứng nhìn cánh cửa thở dài. Trong lòng núi có ba tầng hầm, phân thành thượng, trung, hạ, tầng cuối cùng chính là ở đây, không còn đường đi tiếp nữa.

Điếu bát ngồi bệt luôn xuống đất, nói: “Không nhấc nổi chân nữa rồi, mọi người ngồi nghỉ một lúc đi.”

Chúng tôi đi từ động Ngư Khốc tới địa cung, dọc đường đi chỉ nghỉ một lần, tới giờ phút này ai nấy đều gần như kiệt sức, vừa đói vừa mệt. Ngặt nỗi bị bọn Hoàng phật gia đuổi theo gắt gao, luôn trong tình trạng nguy hiểm, chẳng ai có thời gian nghĩ tới đói và mệt nữa, giờ Điếu bát nói ra thì ai nấy đều có cảm giác không thể nào gắng gượng thêm được nữa, tất cả đều ngồi xuống đất.

Tôi lục một ít lương khô trong chiếc túi da rắn ra chia cho ba người còn lại. Loại lương khô này có hàm lượng calo và dinh dưỡng cao, nhưng khẩu vị thì chẳng ra gì. Nhưng cho dù là thứ gì thì đều sợ bị so sánh, con người so sánh với nhau có thể dẫn đến chết, so sánh đồ với nhau có thể dẫn đến vứt bỏ đồ vật đó đi. So với loại bánh mì khô mà chúng tôi gặm trước đó thì lương khô đã là quá tốt rồi, huống hồ còn có cả thuốc lá.

Mặt dày bực bội nói: “Chẳng công bằng chút nào, dựa vào đâu mà bọn Hoàng phật gia được ăn uống tử tế như vậy chứ?”

Điếu bát nói: “Bọn nó có ăn ngon mấy thì đầu cũng bị chuyển nhà rồi, bọn mình giờ vẫn còn đồ ăn chứng tỏ ông trời còn thương kẻ hiền lành.”

Mặt dày nói: “Nói thế cũng bằng thừa, bị kẹt lại dưới ngôi mộ cổ trong lòng núi Hùng Nhĩ này thì cho dù có ăn gan rồng mật phượng cũng chẳng có ý nghĩa gì.”

Điếu bát nói: “Cậu cứ yên tâm, anh em mình phúc lớn mạng lớn, không chết được đâu, không đến nỗi không thể qua được cửa ải này.”

Tôi ngồi cắm cúi ăn, đã có chút lót dạ, cảm thấy đầu óc tỉnh táo hẳn. Nghe Điếu bát và Mặt dày nói về cánh cửa đá ở chính điện liền soi đèn pin tới xem có chỗ nào có thể đào vào phía trong hầm để quan quách không. Những kẽ hở của cánh cửa đá đã được dùng sắt nóng chảy bít kín, đúng là không có chỗ nào để lách. Chợt tôi nhìn xuống sàn nhà, không chừng có thể đào đường hầm từ chỗ sàn này vào bên trong. Tôi dùng cuốc chim bật gạch lên đào thử, quả nhiên bên dưới là đất, mặc dù cũng là đất hỗn hợp nhưng vẫn có thể đào được. Tôi gọi Điếu bát và Mặt dày tới giúp một tay, Điền Mộ Thanh đứng bên cạnh cầm đèn soi sáng, ba người thay nhau dùng cuốc chim đào một chiếc hố lớn ngay phía dưới cánh cửa đá.

Đến lượt tôi nghỉ tay, tôi nghiêng mặt nhìn Điền Mộ Thanh, thấy cô cũng đang nhìn sang tôi, ánh mắt chạm nhau, cô hơi cúi đầu xuống, đôi hàng lông mi dài khép hờ trông cô như đang có tâm sự gì đó. Tôi hơi bất ngờ, trong lòng nghĩ: “Tại sao cô ấy cứ nhìn trộm mình nhỉ? Hay là cô nàng có ý gì với mình? Hoặc là có điều gì đó muốn nói?”

Tôi nghĩ chắc là cô ấy có điều gì muốn nói, cũng có thể bình thường tôi ăn nói chẳng đâu vào đâu khiến cô ấy chấp vặt, điều đó thì cũng chẳng có gì to tát. Nhưng nghĩ lại thấy ánh mắt Điền Mộ Thanh nhìn tôi giống như trên mặt tôi có gì đó rất lạ khiến cô ấy chú ý.

Một ý nghĩ vụt lên trong đầu khiến tôi giật mình thất kinh, tôi hỏi Điền Mộ Thanh: “Có phải sắc mặt tôi kém lắm không?”

Điền Mộ Thanh gật gật đầu, hỏi: “Anh bị mất ngủ bao lâu rồi?”

Tôi nói: “Chẳng trách mà cô cứ nhìn tôi rất lạ. Từ nhỏ tới giờ chưa có ai quan tâm tới tôi như vậy, tôi cảm động tới nỗi muốn sà ngay vào lòng cô đấy.”

Điền Mộ Thanh nói: “Anh đã thế kia rồi mà còn chẳng ăn nói cho đàng hoàng gì cả.”

Trước đó Mặt dày cũng nói mắt tôi sâu hoắm, dường như sắp tuột ra ngoài rồi. Thực tình trong lòng tôi rõ hơn ai hết, tôi mất ngủ vì xem bức bích họa trong ngôi mộ của thời Liêu, bức tranh vẽ trong lòng một ngọn núi to có tượng vàng, có quách lớn, xung quanh túm tụm rất nhiều người, phía trên có sói đang ăn mặt trăng. Giống như bị mắc lời nguyền, suốt ngày tôi mơ thấy một con ma bước ra từ trong quan tài với chiếc bụng thủng lòi ruột. Chắc đó cũng chính là cơn ác mộng mà lúc còn sống cô gái Khiết Đan kia đã từng nằm mơ. Nó rất giống với lời đồn về ngôi mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ. Ác mộng ngày một thật hơn, khiến gần đây tôi không dám ngủ, chỉ sợ lại gặp phải con ma đó hiện về. Tất cả những điều này đều liên quan tới ngôi mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ, khi vào gian chính điện rồi, tôi cũng không biết sẽ gặp phải điều gì, nhưng chắc chắn sẽ là điều kinh thiên động địa.

3

Lúc này Mặt dày đã đào được một khe xuyên qua cánh cửa đá, anh ta thắp đuốc, cầm khẩu súng săn lên nòng sẵn và chiếc túi da rắn rồi chui vào bên trong.

Tôi suy nghĩ mãi về bí mật chủ nhân ngôi mộ cổ trong lòng núi Hùng Nhĩ, sớm muộn gì cũng bị ma quỷ hành cho đến chết, nên đã coi thường cái chết, chui vào bên trong xem xét tình hình.

Điếu bát trước đó còn nói không dám mở quan tài lần nữa để lấy đồ, nhưng giờ đây khi đã đào được đường vào chính điện thì quên mất trước đó mình đã nói gì.

Tôi và Điếu bát cùng với Điền Mộ Thanh đi theo phía sau Mặt dày, từng người một chui vào bên trong chính điện. Phía sau cửa đá là lần cửa gỗ, sau cửa có trục xoay, có thể vặn trục xoay để mở cửa. Bên trong chính điện tối đen như mực, trông có vẻ rất rộng lớn. Chúng tôi thắp cả đuốc và bật đèn pin lên cũng chỉ soi sáng được phạm vi mười bước chân. Bốn phía trên tường đều có những bệ đèn bằng đồng đúc hình cung nữ đang quỳ, bên trong vẫn còn dầu. Mặt dày thắp sáng những chiếc đèn dầu đó lên, gian chính điện đã sáng hơn trước rất nhiều. Chúng tôi nhìn thấy những hoa văn trên nền đá đều là hình mây vờn, hổ báo, núi cao v.v… trong nét hoa lệ trang nghiêm toát lên vẻ tiên khí. Phía tận cùng đại điện là một cỗ quan tài rất lớn, lớn hơn những cỗ quan tài bình thường rất nhiều, chiếc quan tài bị dùng dây xích buộc ba vòng trên lưng một con thú bằng tượng đá, xung quanh có nhiều bức tượng mặc áo giáp, khi ánh lửa chiếu tới những bức tượng này, trên khuôn mặt những bức tượng lóng lánh ánh vàng, nét mặt giận dữ đáng sợ, trông giống như những bức tượng trấn điện.

Chúng tôi đang mải nhìn ngắm những bức tượng mặc áo giáp thì phát hiện những bức tượng này đều đội mũ cao, áo giáp trên người là những mảnh ngọc kết thành, hóa ra các bức tượng này đều được mặc áo giáp bằng ngọc.

Tôi biết tượng trong mộ được chia làm nhiều loại, ví dụ trong mộ Tần Thủy Hoàng, có tượng đất nung chôn theo tùy táng, còn loại tượng đặt bên cạnh quan tài thường được gọi là tượng trấn điện, có nhiều hình thù khác nhau, như tượng dũng sỹ, tượng cung nữ v.v… tượng được mặc áo giáp ngọc như trong hầm mộ này thì lần đầu tiên tôi nhìn thấy, (Bạn đang đọc truyện tại website: Haythe.us) trước đó cũng chưa từng nghe nói tới.

Điếu bát tròn mắt đứng nhìn, luôn miệng tặc lưỡi khen: “Người xưa mê tín, cho rằng con người có ba hồn bảy vía được đặt trong cửu khiếu[1], sau khi chết đi, hồn phách sẽ thoát ra ngoài qua chín lỗ trên cơ thể, thi thể con người vì thế sẽ bị phân hủy dần. Chính vì vậy, nên người xưa thường dùng các miếng ngọc để bịt kín các hốc lại, giúp cho thi thể được giữ nguyên vẹn mãi mãi. Quan niệm này có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, truyền tới thời Hán thì xuất hiện các loại áo bằng ngọc, các miếng ngọc được nối với nhau bằng các sợi chỉ bằng vàng, trên khắc chìm các hoa văn hình rồng, nên còn được gọi là Giao long ngọc giáp. Những bức tượng này không phải mặc áo giáp ngọc mà là bị nhốt trong cũi ngọc. Mọi người nhìn xem, phần đầu tượng đều bằng vàng, trên người trùm một lớp áo bằng ngọc, không biết thân tượng có phải bằng vàng không. Nếu toàn bộ bức tượng đều bằng vàng, lại mặc lớp áo ngọc thì thật khủng khiếp.”

[1] Cửu khiếu: Tức chín lỗ, gồm 2 mắt, 2 lỗ mũi, 2 tai, miệng, hậu môn, lỗ tiểu.

Mặt dày cúi đầu nhìn xuống chiếc túi da rắn rồi lại ngẩng đầu lên nhìn những bức tượng, những bức tượng vàng đều cao hơn người bình thường nửa cái đầu, cho dù chiếc túi có to tới đâu cũng không nhét vừa, tượng lại không chỉ có một bức, không khiêng cũng không vác được, giống như sơn hào hải vị bày ra bàn mà chỉ được ngửi mùi hương chứ không được ăn, đúng là khó chịu.

Tôi nói Mặt dày khoan hãy động vào những bức tượng đó, chưa từng nghe ai nói dùng tượng vàng để trấn điện cả, huống hồ áo ngọc thường là dùng cho các bậc đế vương mặc sau khi băng hà, thời Hán chỉ có Thiên tử mới được mặc áo ngọc khâu bằng chỉ vàng, các chư hầu và vương gia chỉ được dùng chỉ bạc hoặc đồng. Tới tận thời Hậu Hán, khi Tào Tháo có lệnh loại nào cũng không được dùng thì tục tùy táng áo ngọc mới chấm dứt triệt để. Hơn nữa, chủ nhân ngôi mộ nằm trong quan tài kia là ai? Tại sao mấy thứ này lại có thể mặc trên người những bức tượng trấn điện được?

Mặt dày nói: “Những thứ cậu chưa thấy bao giờ còn đầy ra đấy, những chiếc áo ngọc này mặc trên người bức tượng vàng thì cậu làm được gì nó? Nói đi thì nói lại, nếu những bức tượng trấn điện này đều bằng vàng thì chúng ta không thể nào di chuyển được…” Nói rồi, anh ta giơ tay ra vỗ vỗ vào đầu bức tượng vàng, ai ngờ vừa mới động vào thì đầu tượng đã rơi xuống đất, phát ra tiếng kêu nghe rất nặng nề.

Mọi người đưa mắt nhìn nhau: “Sao đầu tượng lại rơi xuống được? Không lẽ đầu tượng và thân tượng không gắn liền với nhau?”

Lúc đó, một mùi hôi thối bốc lên, cầm đuốc lại gần mới biết đầu tượng bằng vàng, còn bên trong tấm áo bằng ngọc là một xác chết khô đét. Hóa ra, trong những bức tượng trong chính điện này đều là những xác chết không đầu, xác chết để trong áo ngọc là giúp không bị phân hủy, tất cả đều khô đét, đầu không rõ đã bị chặt đi đâu, bên trên lắp một chiếc đầu bằng vàng thay thế.

Điền Mộ Thanh nhìn thấy cảnh tượng đó thì sợ hãi vô cùng, tôi lại băn khoăn: “Thường thì tượng trấn điện có tượng đất, tượng đá, tượng ngọc, nhưng chưa bao giờ thấy loại tượng vàng bên trong có người mất đầu cả, cho dù là người tùy táng thì cũng không nên chặt đầu rồi lắp đầu tượng vàng lên trên. Những xác chết không đầu này là để làm gì? Tại sao họ lại bị chặt đầu?”

Mặt dày nói: “Chắc là chủ nhân ngôi mộ thấy những người này chưa đủ độ hoành tráng nên chặt đầu họ đi để thay một chiếc đầu vàng vào, thật là phóng khoáng.”

Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại dùng xác chết không đầu để làm tượng trấn điện, chắc chắn không phải lý do như Mặt dày vừa nói. Những chuyện kỳ lạ trong núi Hùng Nhĩ quá nhiều, mỗi chuyện đều khiến cho chúng tôi không tài nào lý giải nổi.

Mặt dày nói: “Những chuyện lạ khiến người ta không hiểu nổi thì còn nhiều lắm. Tại vùng Tây Bắc, trước giải phóng, dân đổ đấu truyền nhau một câu chuyện, trong một lần đào mộ, họ chẳng đào thấy vàng bạc châu báu đâu, mà đào được một cô gái bị chôn sống hơn mấy trăm năm, lạ kỳ ở chỗ cô gái đó vẫn còn sống, kể lại tỉ mỉ chuyện năm xưa. Cậu nói xem có lý giải nổi không? Làm nghề này như bọn mình thì không nên nghĩ ngợi quá nhiều.”

Điếu bát cũng nói: “Cậu đừng nghĩ nhiều quá, chúng ta chẳng biết ngôi mộ này chôn ai, có nghĩ cũng bằng không.”

Tôi ngẫm cũng phải, ngước mắt lên nhìn cỗ quan tài phía trước, người chết nằm trong cỗ quan tài kia chắc chắn không tầm thường chút nào.

4

Mặt dày nói: “Có mở nắp quan tài cũng chưa chắc đã biết, cậu còn mong người chết trong quan tài mở miệng nói cho cậu biết chắc?”

Điền Mộ Thanh nói: “Các anh đừng động vào chiếc quan tài trong đại điện, tôi sợ là sẽ có chuyện.”

Tôi hiểu ý cô ấy, nhưng không mở quan tài xem cho rõ ràng thì ác mộng trong bức bích họa mộ cổ thời Liêu sẽ mãi vẫn còn ám ảnh tôi, sớm muộn gì cũng bị nó hành hạ cho tới chết. Có điều, tôi không muốn liên lụy đến người khác, trong chính điện ẩm thấp đến nghẹt thở, xem địa thế thì dường như ở dưới đáy hồ, không chừng có thể thông ra các ngọn núi xung quanh. Tôi nói Điếu bát và mọi người đi tìm đường ra, một mình tôi ở lại.

Điếu bát lên tiếng: “Huynh đệ đừng nói những lời này, bình thường anh hay nhát gan, nhưng đó là chưa gặp chuyện, gặp chuyện rồi quyết không lùi bước.”

Mặt dày cũng nói: “Tôi không nói nhiều, cùng lắm là chết chung với cậu.”

Tôi nói: “Có câu này của các anh thì tôi cũng không phải nói nhiều nữa, chúng ta hiểu trong lòng là được.”

Mặt dày nói: “Đúng thế, không cần phải nói gì hết, chúng ta lặn lội tới đây chẳng phải là để đào mộ lấy bảo vật sao? Đồ trong quan tài ở gian chính điện này chắc chắn còn giá trị hơn cả vương miện Lộc thủ bộ dao quan, chúng ta cùng mở quan tài thôi.”

Điền Mộ Thanh đứng bên cạnh nghe chúng tôi nói vậy vội can ngăn, nhưng chẳng ai chịu nghe, mọi người cùng tiến về chỗ chiếc quan tài.

©STE.NT

Mặc dù nói rằng người sợ ma ba phần thì ma sợ người bảy phần. Nhưng mộ cổ trong núi Hùng Nhĩ này rất quái dị, không ai dám hành sự lỗ mãng. Ánh đèn đuốc chiếu tới chỗ quan tài này thì không còn rõ ràng nữa, chúng tôi phải bật đèn pin lên hỗ trợ mới nhìn thấy chi tiết cụ thể trên quan tài. Các họa tiết trên quan tài phân thành hai màu đen và đỏ, có mấy vòng xích bằng đồng quấn bên ngoài quan tài. Chiếc quan tài được đặt trên lưng bức tượng đá mặt người mình hổ, có mấy chiếc vòng đồng gắn chặt lấy chuỗi dây xích.

Quan tài có từ rất xa xưa, đầu tiên được làm bằng gỗ. Nhưng vì làm bằng gỗ nên dễ bị mục nát, bởi vậy không ai nhìn thấy quan tài thời Tây Chu được làm như thế nào, quan tài bằng đá thì rất ít, có thể nói nghìn năm mới gặp được một lần. Dân đào trộm mộ thời trước có truyền nhau có người cũng đào được một mộ thời trước Tây Chu, quan tài cổ là gốm sứ nung, hình dạng giống chiếc vại lớn, bên trên có họa tiết hình cá. Tới thời Hán, Đường, quan tài được làm bằng gỗ hoặc ngọc, nhưng cũng rất ít gặp.

Điếu bát chặc lưỡi nói: “Vừa đen lại to thù lù thế này, có phải là gỗ chò không nhỉ?”

Tôi nói: “Tôi thấy giống như gỗ chò chỉ vàng, nhiều lăng tẩm hoàng thất cũng không có quan tài làm bằng loại gỗ này, riêng cỗ quan tài này thôi cũng là bảo vật vô giá rồi!”

Mặt dày cầm cuốc chim đang định mở nắp quan tài, nghe nói vậy thì chen ngang: “Gỗ chò tôi cũng nhìn thấy rồi, đây chẳng qua cũng chỉ là cỗ quan tài làm bằng gỗ thôi mà, chỉ có điều nó quá to so với bình thường, sao có thể là báu vật vô giá được, nó còn có giá hơn chiếc vương miện Lộc thủ bộ dao quan à?”

Điếu bát nói: “Cậu không biết đấy thôi, vạn lạng vàng cũng không bằng một tấm gỗ mun này đâu. Gỗ mun là chuyên chỉ gỗ chò chỉ vàng, không đơn giản đâu. Thực ra gỗ mun và gỗ chò đều không phải là loại gỗ hiếm, nhưng chò chỉ vàng thì lại khác. Nó còn có tên gọi là m Sa, trong ngạn ngữ dân gian có câu: “m Sa tòng lai thế gian hy, cảm hòa châu ngọc đẩu kinh kỳ”, phải là những cây mọc trong rừng sâu núi thẳm hàng tỉ năm, thân cao trăm mét, mấy chục người ôm không xuể. Loại chò này đã tuyệt chủng từ lâu, bị chôn vùi dưới đất lâu năm hóa thạch thành loại gỗ màu đen. Những loại gỗ này trông bề ngoài đen đủi xấu xí nhưng bên trong có những hoa văn màu ánh vàng, cứng như thép, không sợ nước cũng không sợ lửa, không loại côn trùng mối mọt nào gặm nhấm được. Có người đã từng thử để một miếng thịt vào trong gỗ chò chỉ vàng này, mấy năm sau lấy ra vẫn còn tươi nguyên như ngày đầu. Quan tài của vua Càn Long chính là được làm từ loại gỗ này, nhưng cũng không to bằng cỗ quan tài này, tiếc là không thể mang nó đi được.”

Mặt dày nói: “Nếu không mang đi được thì cũng đừng tiếc nữa, mở quan tài ra xem bên trong có gì.”

Điền Mộ Thanh nói: “Hóa ra phải mất hàng nghìn năm mới hình thành được loại gỗ mun này, con người sống được có mấy chục năm thì không nên phá hỏng báu vật vô giá này.”

Mặt dày nói: “Ôi giời! Cô giáo Điền thật là giác ngộ cao quá, làm tôi không dám nhìn thẳng vào mắt cô nữa.” 

Tôi nói: “Nếu chúng ta đục thủng chiếc quan tài bằng gỗ chò chỉ vàng này thì cũng không tốt, tôi thấy chiếc quan tài này không bị đóng đinh mà chỉ lấy dây xích chằng xung quanh, chặt đứt đám dây xích kia là có thể mở quan tài được rồi.”

Mặt dày nóng ruột muốn xem bên trong có báu vật gì, mới nghe vậy đã cầm cuốc chim chặt đứt vòng xích bằng đồng. Vòng đồng to bằng cổ tay trẻ con, được cố định hai đầu nơi đế kê của bức tượng mặt người mình hổ, cho dù anh ta có sức mạnh tới đâu thì cũng phải mất một lúc lâu sau mới chặt đứt được một cái.

Chúng tôi chỉ có một chiếc cuốc chim, muốn giúp anh ta cũng không được, đành đứng bên cạnh soi sáng cho anh ta. Lúc này, tôi chú ý thấy trên đỉnh nắp quan tài có những họa tiết hoa văn nổi, soi đèn pin lại gần thấy đó là hình một vị thần nhiều đầu nhiều tay rất kỳ lạ. Mỗi cái đầu đều đeo mặt nạ, mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt.

Điếu bát cũng chăm chú nhìn hình khắc đó, còn lấy tay sờ lên đầu lên mặt của bức tượng, đột nhiên hỏi tôi trong địa cung có bao nhiêu bức tượng trấn điện.

Tôi đoán anh ta chắc là nghĩ tới điều gì đó, nhưng tôi cũng chẳng để ý có bao nhiêu bức tượng trấn điện, liền quay lại đếm, đúng hai mươi tư bức. Hình khắc trên nắp quan tài cũng có đúng hai mươi tư đầu, vậy nghĩa là gì?

Điếu bát thì thầm như kiểu sợ người nằm trong quan tài nghe thấy: “Tôi biết người được chôn trong địa cung này là ai rồi.”

5

Tôi và Điền Mộ Thanh đều nhìn sang Điếu bát chờ anh ta nói tiếp xem rốt cuộc người nằm trong cỗ quan tài kia là ai?

Điếu bát nói: “Trước đó sao mình không nghĩ ra nhỉ, người được chôn trong núi Hùng Nhĩ chính là Na Vương.”

Tôi hỏi lại: “Địa cung phân thành ba tầng thượng trung hạ, quan tài làm bằng gỗ chò chỉ vàng, bên trong lại có nhiều tượng trấn điện đầu vàng, tôi cũng đoán là mộ của vương hầu nhưng không biết là còn có Na vương, đó là vương hầu của triều đại nào vậy? Anh được nghe về Na vương từ đâu thế?”

Điếu bát nói: “Mới đầu anh cũng mờ mịt như cậu thôi, tới lúc nhìn thấy hình khắc kỳ dị trên nắp quan tài, mỗi chiếc đầu đều đeo mặt nạ, rồi liên tưởng tới những bức tượng đầu vàng thì anh mới nghĩ tới hai năm trước trong một lần đi Giang Tây mua hàng, anh cũng nhìn thấy mấy chiếc mặt nạ bằng vỏ cây. Hỏi người trong vùng đó là thứ gì thì được người ta cho biết đó là Na Diện. Lúc đuổi ma đuổi quỷ, trừ tà thì người ta thường nhảy điệu Na, Na Diện thực ra chính là mặt nạ được dùng lúc múa điệu Na trừ tà đó. Tôi cứ nghĩ chẳng ai biết món hàng này nên lúc đó không mua lại. Nhưng cũng được nghe kể nhiều câu chuyện về Na thần và Na vương từ người dân địa phương. Những bức tượng bên trong có xác chết mất đầu đó chính là các Na tướng quân thời Tây Hán…”

Tôi nhớ lại đêm trước khi chúng tôi lên núi Thảo Hài Lĩnh, xác chết trong ba cỗ quan tài đó đều đeo mặt nạ vỏ cây, chỉ do ngâm trong nước lâu năm nên màu sắc trước đó đã không còn. Sau đó chúng tôi gặp thi thể nữ đeo vương miện Lộc thủ bộ dao quan cũng có đeo mặt nạ vỏ cây, bên trên khắc hình yêu quái, hóa ra đó đều là mặt nạ Na, những bức tượng trấn điện chính là Na tướng quân, nhưng đầu của họ đâu cả rồi?

Điếu bát nói: “Hán Vũ Đế Lưu Triệt, là một người to béo, chinh phạt quân Hung Nô mở đường tới Tây Vực, có công mở mang bờ cõi, lưu danh đến đời sau. Làm hoàng đế như ông ta cũng gọi là làm tới đỉnh rồi, chỉ hiềm nỗi không thể trường sinh bất lão. Ai làm hoàng đế mà chẳng sợ chết đúng không?”

Mặt dày vừa chặt dây đồng vừa chen ngang: “Tôi thấy chưa chắc, thực ra có làm hoàng đế hay không thì chẳng ai muốn chết cả. Không muốn chết cũng dễ thôi mà, uống nhiều canh ba ba vào thì trường sinh bất lão ngay.”

Điếu bát nói: “Hán Vũ đế có uống canh ba ba không thì tôi không biết, nói chung là ông ta không muốn chết. Vì vậy mà ông ta rất tin vào phù thủy thần thánh. Từ rất xưa rồi, bên bờ sông Hoàng Hà có một vương quốc tên là Na, sau khi vương quốc này bị diệt vong, thì nó tồn tại trong dân gian dưới hình thức tôn giáo, cũng là một giáo phái riêng như Đạo giáo hay Phật giáo vậy, các tín đồ vẫn gọi giáo chủ là Na vương. Tới thời Hán, Na giáo phát triển mạnh, “Na” có nghĩa là nghi thức mời thần về trừ ma trừ tà. Cung Mạc Ương của Hán Vũ đế năm nào cũng mời thầy về làm lễ, nghi lễ còn được gọi là nhảy Sơn Tiêu, dùng để dọa ma quỷ, thầy tế cầm thanh hỏa kích dài, chân giẫm trên Thiên cương bắc đẩu, làm phép ở mọi ngóc ngách. Nhưng trong một lần làm lễ trừ tà, họ đã vào nhầm cấm cung, Hán Vũ đế nổi giận đã chém đầu một lúc hai mươi tư Na tướng. Không ngờ, oan hồn họ không siêu thoát được, mỗi lúc màn đêm buông xuống, cung Mạc Ương lại có ma hiện về phá phách, chuông không ai đánh cũng tự kêu. Hán Vũ đế vừa hối hận vừa tức giận, không còn cách nào khác đành cho xây miếu phong thần, truy phong hai mươi tư vị Na tướng làm Kim giáp đại tướng quân, cầu mong họ bảo quốc an dân, thiên thu vạn tải, hương hỏa không lúc nào tắt. Từ đó đầu và thân hai mươi tư vị tướng quân được phân ra thờ cúng tại nhiều ban thờ khác nhau trong Na miếu. Trên mỗi ban thờ đều có dòng chữ “Báo quốc an dân bảo phong hữu tại. Huy qua dương kiếm lợi quỳ tiềm tiêu”, cho tới tận ngày nay, rất nhiều nơi thờ cúng Na tướng quân cũng đều là những bức tượng không đầu.”

Tôi nói: “Đúng là một câu chuyện đáng sợ. Trong miếu đường thờ Na thần là đầu người chết sao? Ngày nay vẫn còn tập tục này ư?”

Điếu bát nói: “Không phải đầu người thật, nghe nói chỉ là tượng đất thôi. Tương truyền những nơi thờ đầu Na gọi là Khai khẩu Na, lúc làm phép trừ tà ma thường niệm chú, nơi thờ thân Na gọi là Bế khẩu Na, khi nhảy điệu Sơn Tiêu thì không được phát ra tiếng. Na giáo hưng thịnh một thời, sau đó không rõ nguyên nhân vì sao mà lụi tàn dần. Ngày nay, một số nơi tại vùng Kiềm Cám ở Tây Nam, người dân vẫn còn lưu giữ một số phong tục cổ như nhảy điệu Sơn Tiêu đuổi tà ma. (Bạn đang đọc truyện tại website: Haythe.us) Nhưng trải qua hơn nghìn năm, tục Na ngày nay hoàn toàn không giống với trước đây nữa rồi.”

Tôi hỏi Điếu bát: “Chuyện trảm tướng phong thần tại cung Mạc Ương chỉ là truyền thuyết hay là có thật vậy?”

Điếu bát nói: “Chuyện trảm tướng phong thần tại cung Mạc Ương chỉ là truyền thuyết trong dân gian, chuyện này có thật hay không cũng khó mà biết được. Nhưng chuyện Hoàng cung thời Hán năm nào cũng làm lễ trừ tà ma thì có thật. Tôi thấy trong địa cung này đúng là có tượng trấn điện thì câu truyền thuyết kia cũng có cơ sở để tin.”

Tôi nghĩ: “Những người dân thờ Na thần sinh sống ở quanh đây, trong lòng núi lại là nơi Na vương yên nghỉ giấc ngàn thu. Hàng nghìn năm trước, khi xảy ra đại nạn trời long đất lở, núi cao bỗng chìm xuống lòng hồ. Na giáo đột nhiên suy thoái, không chừng cũng liên quan tới sự kiện này. Nhưng biết được chủ nhân ngôi mộ là Na vương rồi thì với những kiến thức mà chúng tôi biết được cũng chỉ là phần nổi của ngọn núi băng mà thôi. Na vương trong chiếc quan tài gỗ chò chỉ vàng kia tại sao lại bị mổ bụng chết thảm như vậy? Tại sao Na vương lại xuất hiện trong bức bích họa tại mộ cổ nhà Liêu? Thiên cẩu ăn mặt trăng là có ý gì? Xác chết nữ đội vương miện Lộc thủ bộ dao quan và những hài cốt tại trung điện là ai?”

Điếu bát nói: “Huynh đệ hỏi gì mà nhiều thế, anh cậu không trả lời nổi đâu. Nhưng cậu nhắc tới chuyện mổ bụng lòi ruột thì anh nghe nói trong phong tục xa xưa của người Na, họ gọi đó là “Rút ruột”, ngày nay tại các vùng quê khi sưu Na nhảy Sơn Tiêu thì có phân vai người đóng Na tướng quân, người đóng ma hoàng. Na tướng quân khi bắt được bọn ma hoàng thì phải mổ bụng rút ruột ngay tại chỗ.”

Tôi càng nghe càng thấy lạ: “Na tướng quân đã mổ bụng moi ruột ma hoàng? Vậy chẳng lẽ trong cỗ quan tài kia không phải là Na vương mà là ma hoàng? Ma hoàng… tức là hồn ma của những người bị chết đuối dưới sông Hoàng Hà sao?”

6

Điếu bát giải thích: “Phong tục Na đã được duy trì hơn ba nghìn năm, diễn biến tới thời nay nó đã hoàn toàn khác với xưa, có rất nhiều tập tục không được truyền lại, hoặc đã có nhiều biến tấu. Ví dụ như tục Khai khẩu Na để bắt ma hoàng mổ bụng moi ruột, thì ma hoàng ở đây không phải là ám chỉ hồn ma dưới sông Hoàng Hà, mà là một loại quái vật chuyên gây hạn hán trong truyền thuyết dân gian, sau khi xảy ra thi biến, nó đã trốn trong những nghĩa trang bỏ hoang hoặc dưới nhà dân, trên mình mọc đầy lông vàng, bộ dạng trông như khỉ, chính là oan khí của người chết biến thành. Người dân thường mời thầy về bắt ma, cũng hóa trang thành Na tướng quân, đầu đội mặt nạ gỗ cây long não hoặc mặt nạ vỏ cây, mặt đen miệng rộng, hai mắt lồi ra, nửa đêm đốt đuốc khua chiêng gõ trống, vẽ phù chú, niệm khẩu quyết bí truyền, lục soát khắp thôn này sang thôn khác, nhà nọ tới nhà kia để bắt ma bắt quỷ, hình thức cũng đơn giản thôi. Ngoài ra, còn có người hóa trang thành ma hoàng bị đuổi bắt phải bỏ trốn khắp nơi, sau đó bị Na tướng quân thu phục, đem tới trước mặt dân làng trói lại và mổ bụng moi ruột ngay tại chỗ. Phèo ruột trong buổi diễn đương nhiên không phải là thật, thường dùng dây thừng để thay thế. Người dân tổ chức nghi lễ này để cầu mong mưa thuận gió hòa, không xảy ra dịch bệnh. Nhưng cũng như tôi đã nói, tục bắt Na đã có từ hàng nghìn năm nay, có nhiều nội dung không còn lưu giữ lại ý nghĩa ban đầu của nó, chỉ đơn thuần là lưu lại hình thức của tập tục.”

Đọc tiếp: Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn - Phần 16
Home » Truyện » Truyện Ma » Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM