Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Nỗi Ám Ảnh - phần 2

Chuyện thứ tư: Chân nhân bất lộ tướng

Như đã nói trong chuyện trước, làng em có một thời hạn là 25 năm không bị mấy cái oán linh kia phá. Nhưng trong ông T dù giỏi cũng không chỉ đủ sức trấn yểm mấy cái oán linh bị xổng mất kia thôi, hơn nữa thành hoàng làng lại đang chịu phạt nên bây giờ, cửa âm của làng em gần như bỏ trống. Nói là gần như vì đã có hồn của hai ông B và D giữ cho làng khỏi mấy cái ác linh rồi, nhưng còn những loại ma quỷ khác vẫn có thể vào được mà không bị cản bởi hai ông.

Cũng may sao là cụ tổ họ nhà em lại có tướng Bạch Hổ Trấn Sơn, sánh ngang với Trung Đẳng thần, tuy vậy thì cụ cũng chỉ có quyền hạn bảo vệ cho con cháu trong nhà, còn người ngoài thì thuộc quyền của thành hoàng, thổ địa, vậy nên trong 25 năm đó, họ nhà em vẫn yên ổn làm ăn, còn người làng thì….

Kể sơ qua về cụ tổ họ nhà em chút: Cụ sống vào thời phù Lê diệt Mạc, là tướng tài của vua Lê, lại có công cùng hai đời chúa Trịnh đánh đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Sau khi hết nạn can qua, vua Lê ghi công cụ em vào hàng công thần, lại gả công chúa cho cụ, phong cụ làm phò mã. Cụ tổ vì cảm cái ơn của vua nên dốc lòng thờ vua nên lúc nào cụ nhà em lúc nào cũng chỉ mong diệt được họ Trịnh, đem lại ngôi chính thiên cho nhà Lê. Cũng vì lẽ đó mà không ít lần cụ bị gia hại, nhưng đều may mắn thoát được. Qua bao tranh đấu chốn quan trường hiểm ác mà vẫn không xoay vần được thời cục, ngán ngẩm chuyện thế sự, quan quyền nên cụ cáo quan về ở ẩn, chỉ lo vui thú điền viên. Sau khi cụ mất, nhờ cụ vốn có phúc tướng, lại có mệnh là tướng tinh nên mất rồi lại được phong thần, đạo lại cao hơn cả thổ địa, thành hoàng, đứng ngang với hàng Trung Đẳng Thần.

Nhờ có uy của tổ mà sau bao nhiêu năm, họ nhà em lúc nào thế cũng vững như thành đồng, chưa hề có chuyện quỷ mị xảy ra.

-------------------------------------------

Khoe với các thím chút về dòng dõi quý tộc của mình vậy là đủ, giờ thì sau khi trà nước chán chê, em xin bắt đầu vào câu chuyện chính.

Trở lại với cái kỳ hạn nọ, đã 20 năm trôi qua mà chưa có chuyện gì to tát lắm xảy ra, người nhìn thấy ma quỷ. Bị ma trêu thì nhiều lắm, cơ mà chẳng có gì hại đến người. Qua 20 năm yên ổn, giờ thì ông T đã mất được vài năm, những thầy phù thủy cũng thời cũng đều đã khuất núi lâu. Giờ thì ở quê em lại có một lớp thầy pháp mới, tuy không cao tay bằng lớp trước nhưng cũng được xếp vào hàng giỏi, lớp thầy này gồm có 3 ông là thầy L, thầy A và thầy N. Ba ông này thì có hai ông A và N là tuân thủ rất nghiêm lời thệ, ai bảo giúp gì thì xét khả năng mình đủ không rồi mới nhận lời, còn gia chủ thí cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, nhà nào nghèo thì không lấy tiền mà còn giúp thêm gạo, muối. Duy chỉ có ông thầy L là tàn tệ nhất trong số những thầy pháp từng ở làng em. Ông này ham tiền hơn mạng sống, ai đến xin giai hạn hay xem nhà cũng đều phải có chút gì đó gọi là quà gặp mặt. Lao này lại còn phạm vào rất nhiều điều đại kị như nữ sắc, một mình ông mà lấy tới 5 vợ, lại còn phạm vào tội bất hiếu, rõ ràng nhà giàu nứt đố đổ vách nhưng toàn để mẹ già ăn gạo xấu, rau lạt dưới bếp,còn nhà mình thì ăn thịt, chả, tôm, cá, toàn là cao lương mĩ vị. Người làng ai cũng ghét lão này, lắm người bảo, lão đã giẫm vào vết xe đổ của người trước thì chẳng mấy mà đi, có khi còn nặng hơn. Tuy độc ác như vậy nhưng tài phép của lão lại cao hơn hẳn hai ông thầy kia một bực. Đó là do lão luyện chỉ thuần bùa chú Nam tông, lại luyện nhiều loại như bùa Xiêm La, bùa Vân Nam, bùa Chà Và,…

Còn hai ông N và A thì vốn dĩ tư chất đã không được như các thầy lớp trước, lại không gặp được sư phụ giỏi, chủ yếu là dựa vào cần cù, chăm chỉ mà luyện thành tài vậy. Thế rồi chuyện gì đến cũng phải đến, một đêm nọ, lão L vừa đi cúng đám pháp sự suốt hai ngày ở làng bên về thì bị một tia sét đánh trúng ngay sau lưng, chỉ cách lão có vài bước. Lão kinh hoàng chạy một mạch về nhà, vừa vào đến sảnh lớn thì lão rú lên kinh hãi. Người làng thấy có động liền đổ xô đến xem, đập vào mắt họ là một cảnh tượng rợn người: Trên xà ngang cả năm bà vợ tuổi mới đôi mươi của lão đều treo cổ chết, tóc người nào người nấy đều đã bạc trắng.Như một con thú điên, lão L vùng lên, lao vào nhà trong, vừa chạy vừa gào: Ối con ới! Con ới! Hai con đâu rồi ra đây con ới!" Một vài người chạy theo lão, tìm khắp nhà không thấy hai đứa bé đâu, chỉ thấy mỗi bà cụ mẹ lão L đã chết từ bao giờ, xác đã lạnh. Tìm khắp nơi không thấy đâu, mà nhà thì rộng đến hơn mẫu, tòa ngang dãy dọc nhiều vô số, một người thấy khát nước liền mở vại nước sát ủ ra định uống vài gáo cho đỡ, nhưng vừa mở nắp ra thì người này hét lên kinh hãi rồi ngất lịm. Mấy người đứng gần liền đổ xô đến cứu chữa, có vài người nhòm vào chum nước xem thì chao ôi! Hai đứa bé đã chết ngạt từ bao giờ rồi, xác đã trương phềnh lên. Lão L nhìn thấy nhà cửa vợ con như vậy thì ngồi phịch xuống cái ghế bố ở giữa sảnh, mắt nhìn vô hồn về phía trước, người làng ai cũng ghét lão nhưng mà thấy thế thì cũng ai ngại nhìn. Lúc này thì ông N và ông A bước ra, họ vì cái nghĩa đồng nghề, hơn nữa không thể thấy chết mà không cứu nên hết ông này đến ông kia bắt quyết rồi điểm vào trán và gáy lão L. Nhưng không hiểu so người lão cứ như cái bị bông, chẳng có phản ứng gì, ông A liền lấy trong bọc áo ra một miếng hương vào vàng, đốt lên rồi hươ hươ trước mũi xem lão có phản ứng lại không, lão L vẫn ngồi thẫn thờ, bất động. Hai ông thầy kia nhìn nhau rồi lại nhìn dân làng, ông N chỉ nói đúng hai câu: " Bất hiếu với mẹ, vi phạm lời thệ. Trời phạt quỷ hành, một xác nhiều hồn, sống không bằng chết!" Xong rồi hai ông chẳng nói chẳng rằng, cứ thế đội mưa đi về. Đêm hôm sau, cả vùng quê lại náo động lên vì ánh lửa phát ra từ phía nhà lão L, lúc dân làng chạy đến thì thấy lão L tay cầm bó đuốc đang châm lửa đốt nhà, lão cứ vừa đốt vừa cười ha há, thỉnh thoảng lại rú lên một tràng dài, trai tráng đổ xô vào cứu hỏa mà không tài nào dập được, có cảm giác như càng hắt nước vào thì lửa càng cháy to hơn. Thế là đêm đó tất cả đều không ngủ, đứng nhìn tòa nhà rộng hơn mẫu đang cháy rừng rực trong đêm, lửa sáng cả một góc trời. Đến trưa hôm sau thì lửa tắt, mọi người vào tìm thì chẳng thấy lão L chạy đâu, có người nói lão chạy ra ngoài từ đêm hôm qua, chỉ bật một cái mà qua luôn bức tường cao 3 mét, ai thấy cũng khiếp nên chẳng dám đuổi theo. Sáng sớm ba ngày sau, dân làng lại không tài nào ngủ được vì tiếng huyên náo phát ra từ cuối làng, mọi người tất tả mặc áo chạy ra, ai vừa đến cũng sợ đến xanh mặt. Lão L đang đứng trên một cành cây gạo, cái cây gạo mà trước đây hai lão thầy kia từng treo cổ. Lão L đứng trên đó, mái tóc của lão chỉ mới trải qua một đêm mà đã dài tới gót chân, bạc trắng như cước, tay lão vung vẩy cái liềm, vừa vung vừa hát í a, mồm thì lại cười ngoác đến mang tai, ai nhìn cũng khiếp. Dân làng liền kéo nhau đi lấy vải bạt để hứng, ngộ nhỡ lão có rơi xuống thì đỡ. Nhưng vừa quay lưng di thì có lão L gọi giật lại, giọng thé thé như xe vải: " Tao cấm! Tao cấm! Đứa nào dám hứng thằng này thì tao về tận nhà tao vặn ngược cổ từ trước ra sau! Hớ Hớ Hớ! Tao cấm! Tao cấm!" . Vừa hét lão vừa nhảy tưng tưng trên cành cây, ngay lúc này thì ông N với ông A đã chạy về nhà lấy đồ xong, mỗi ông cầm một cây kiếm gỗ ném thẳng về phía cây gạo, nhưng hai cây kiếm gỗ vừa chạm vào gốc gạo thì tự nhiên rơi luôn xuống đất như hai khúc củi rồi lần lượt gãy đôi. Hai ông sợ xanh mắt mèo, nhìn nhau không nói được câu nào. Bỗng nhiên, một người mà không ai ngờ tới lại bước ra, đó là ông K. làm nghề cắt tóc ở xóm dưới.

Mọi người thấy ông cứ đủng đỉnh đi vào thì cản lại, bảo ông mà vào là nó vật chết ngay đấy, ông K chỉ cười không đáp, rồi lại tiến về gốc cây gạo. Mọi người ai cũng sợ nên không dám theo giữ chân, tất cả đứng từ đằng xa xem ông K đinh làm gì. Ông K cứ thế tiến ngày một gần tới gốc gạo, con quỷ- lúc này đnag nhập vào lão L thì cứ chỉ thẳng ông K mà mắng chửi, quát tháo. Ông nhẹ nhàng rút trong túi đồ ra một cây gậy vông dài bằng cánh tay, lúc này thì con quỷ đã bắt đầu im rồi, nó nhìn ông gờm gờm, mắt long sòng sọc. Thế rồi ông nhẹ bứt một sợi tóc trên đầu, quấn vào cây gậy rồi lầm rầm đọc gì đó. Giờ thì con quỷ mới lộ ra là nó đang sợ ông K, nó bắt đầu khóc lóc nỉ non, van vỉ đủ điều xin ông cho nó một con đường sống, tiếng khóc, van nài như vọng về từ một cõi xa thẳm, bao nhiêu người cũng đứng đó mà ai cũng thấy lạnh toát sống lưng. Ông K chẳng nói chẳng rằng, lại gần cây gạo, cầm gậy vông vụt liền bảy phát vào gốc, từ cây gạo, người ta nghe thấy tiếng hét thất thánh rồi tiếng la oai oái, mấy chỗ bị vụt trên gốc gạo cứ có một dòng nước đỏ ộc như máu, chảy ri rỉ ra. Vụt xong phát thứ bảy thì lão L trên cành đứng thẳng tưng người một cái, rồi đổ ra, rơi uỵch xuống đất, lão chết ngay tại chỗ. Sau đấy thì ông K lẳng lặng đi về, không nói thêm câu nào. Còn hai ông A và ông N mới đầu thì nhìn ông K một cách kinh ngạc , nhưng khi vừa thấy những việc ông làm và thấy hình săm trên cổ tay ông thì cả hai cùng kính cẩn đặt tay phải lên ngực, cúi người đứng nép sang một bên nhường đường cho ông K.

Vậy rốt cuộc thì ông K là ai mà lại cao tay ấn đến vậy, và hình săm trên tay ông có ý nghĩa gì mà khiến hai ông thầy kia phải kính cẩn như thế? Mọi chuyện chỉ có bố em và hai ông thầy kia biết, còn quá khứ của ông K thì đó là cả một câu chuyện dài về tình yêu, gia tộc, máu và nước mắt

Chuyện thứ năm: Quá khứ của một người vô danh

Mải type mãi không để ý thời gian, em đi ăn cơm chút xíu xong lại nhào về ngay để kể tiếp cho các thím yêu vấu

Ông K vốn gốc là người Tàu, nhưng ông quê ở tỉnh nào bên đó thì cả làng chẳng ai biết, chỉ biết rằng ông đến làng từ năm 50, năm năm sau khi cái kì hạn kia bắt đầu. Là người nước khác nhưng ông K lại nói tiếng Việt rất sõi, lại còn nói được cả tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hà Lan, tiếng Anh nên dân làng ai cũng ngưỡng mộ ông vì cái vốn chữ. Tuy giỏi nhiều ngoại ngữ như vậy, lại rất nhiều lần có cán bộ về mời ông đi làm phiên dịch, lương tháng mấy trăm đồng bạc, là cả một giấc mơ xa vời với nhiều người thời bấy giờ. Nhưng ông khước từ tất cả, chỉ ở lại miền quê nghèo này làm nghề cắt tóc, đắp đổi qua ngày, khắp cả tỉnh, người mời ông đến cắt tóc rất đông, nhưng cắt tóc chỉ là cái phụ mà cái chính là họ muốn có một người uyên thâm, hiểu thời thế để nói chuyện, và những người mời ông đến nhà cắt tóc đều là những con người không " tầm thường". Dân quê ngày đó thấy ông ngày ngày vẫn cứ đạp cái xe đạp lọc cọc đi cắt tóc khắp nơi thay vì nhận làm việc bàn giấy, sống đủ đầy cả đời thì ai cũng cho là lạ, nhưng họ không thể hiểu tại sao lại thế, thôi thì cho rằng đó là cái tính kì dị của những người "học giỏi:", mà dân làng còn ngạc nhiên khi thấy một ông lão cắt tóc nghèo mà lúc nào nào cũng có thịt cá ăn luôn, lại toàn quen thân với mấy ông "tai to", có lúc thấy cả một đoàn xe của tướng Trung Quốc về tận làng để thỉnh an ông K, ông tướng người Trung Quốc nọ hách dịch vô cùng quát mắng lính lác xa xả. Nhưng khi gần đến nhà ông K thì ông tướng trẻ kia liền xuống xe, lội bộ gần cây số đất đỏ nhão nhoét chỉ để lên nhà ông K, đến lúc lên rồi thì ông K chỉ thẳng mắng mà mắng một tràng toàn tiếng tây tiếng tàu, ông kia sợ tái cả mắt, cứ quỳ rạp xuống đất bùn mà nghe ông K mắng, lúc ông K mắng xong thì phất tay ào vào thẳng nhà, khóa của lại. Chỉ còn mình ông tướng ở ngoài, ông tướng còn quỳ lạy thêm chín lạy nữa rồi vừa khóc vừa giật lùi mà đi về. Người làng ai trông thấy cũng khiếp, lại càng tò mò về lai lịch của ông K, nhiều người gặng hỏi nhưng ông đều tìm cách tránh nói đến, lâu dần thì dân làng biết ý ông không muốn gợi lại chuyện cũ nên cũng chẳng hỏi nữa.

Người biết về quá khứ của ông K chỉ có vài người, trong đó có bố em. Thuở nhỏ, bố em rất thích đọc sách cổ của Trung Quốc, cuốn nào có chữ quốc ngữ dịch ra thì đọc, còn cuốn nào viết bằng chữ Tàu thì đem về nhờ cụ dịch cho nghe. Bố em lại rất thích sang chơi bên nhà ông K vì nhà ông ở trên một quả đồi cao sau xóm, lại không nuôi trâu bò lợn gà gì nên rất sạch sẽ, tuyệt không có ruồi muỗi. Ông K thấy bố em nhỏ nhỏ mà lại thích đọc sách nên quý bố em lắm, mỗi lần đi lên tỉnh cắt tóc là lại tìm mua sách truyện của Nguyên Hồng về cho bố em đọc, ông lại còn rất hợp tính với bố, tính lại hiền lành dễ gần, toàn gọi bố em là chú, xưng anh, mặc dù ông còn già hơn ông nội em cả chục tuổi. Ông K và bố em thân với nhau như bạn vong niên vậy, có chuyện gì ấm ức bố em cũng kể cho ông K nghe, còn ông K thì rất cởi mở với bố em, nhờ vậy mà bố em cũng biết được nhiều điều về quá khứ của ông, một quá khứ chẳng hề bình lặng như con người hiền lành của ông. Một tối, bố em vừa đi câu về, bố câu được khá là nhiều cá, trong đó có một con chép đỏ , bố định đem con này lên cho ông K, còn mấy con khác thì quẳng vào bể nước để bà nội về làm mắm. Tối hôm đó, bố em xách con cá lên nhà ông K thì thấy ông đang bắc bếp nướng ngô, vừa thấy bố em lên thì ông vui hẳn, hồ hợi gọi bố em vào ngồi chung chờ ngô chín thì anh em gặm cho đã. Nhưng vừa thấy con cá chép bố em xách trên tay thì ông K xám mặt lại, ông vội giật ngay khỏi tay bố em rồi ném thẳng vào lò than, rồi lật đật chạy vào nhà trong, đem ra một đạo bùa màu vàng ném luôn vào lửa, kì dị làm sao khi con cá chép đỏ đã chết từ hồi chiều giờ lại nhảy lên tanh tách trong lò, phát ra nhưng tiếng kêu rít đến buốt óc. Ông K liền bịt tai bố em lại rồi hô một tràng toàn tiếng Miên, ngay lập tức con cá ngừng nhảy rồi cháy thành than ngay lập tức. Bố em chưa hiểu chuyện gì xảy ra liền hỏi ông K sao phải làm vậy, ông K chậm rãi trả lời :

-Con cá này là một trong năm cái oán linh xổng mất trong cái năm mà sau ông thầy làng chú làm phép đó. Bây giờ kì hạn đã hết, mà chú lại hợp vía với nó nên nó định hút hồn chú, nhưng mà cụ tổ nhà chú pháp lực cao cường, trấn giữ cho người trong họ rất nghiêm cẩn nên nó không làm gì được. Đêm nay lại là đêm tà nguyệt tụ hội, ma quỷ đắc lợi mà cụ tổ nhà chú lại đến kỳ vào chầu thánh đế nên nó mới chớp cơ hội, giả làm con chép đỏ kia để đêm nay dụ chú ra hồ rồi dìm chết đấy! Nhưng mà số chú còn dài nên trời xui đất khiến thế nào lại để chú mang nó lên chỗ tôi, giờ tôi diêtj được nó rồi nên không lo gì nữa, chỉ ngại mấy cái oán lình kia nó thoăt ẩn thoắt hiện, tôi không biết đâu mà lần nên chưa trừ được.

Bố em nghe xong thì sợ lắm, nhưng ông K trấn an bảo thế là xong rồi, từ rày họ nhà em không sao nữa thì bố em mới bớt sọ. Lúc bình tĩnh lại, bố em mới hỏi sao ông K lại biết phép phù thủy giỏi đến vậy. Sau một hồi trầm ngâm, ông K từ từ kể lại câu chuyện đời mình cho bố em nghe:

"….Trước đây, ông K vốn là dòng dõi danh gia thế phiệt ở bên Tàu, đời đời nối nhau làm nghề phù thủy, lại buôn bán cả ngọc quý, đồ gốm nên giàu có vô cùng. Tiền từ nghề phù thủy và buôn bán đem lại không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng họ nhà ông không giữ cho riêng mình, năm nào cũng đem tiền, gạo đi cứu tế dân lũ lụt ở Hoàng Hà, Trường Giang nên được lòng người dân lắm, đi đâu dân cũng bái vọng, lập bàn thờ sống. Thế rồi, cuối đời nhà Thanh, triều đình vu cho họ nhà ông tội dung yêu pháp mê hoặc dân chúng, có ý phản lại triều đình. Chỉ trong một đêm, già trẻ lớn bé hơn 3000 mạng trong họ nhà ông bị giết sạch, còn duy nhất chi họ nhà ông ở trên Thiểm Tây là thoát nạn. Vậy nên ngay từ khi sinh ra, ông K đã bị nhồi vào đầu ý chí phục thù, tìm con cháu của những quan lại ngày xưa đã vu khống họ nhà ông và con cháu dòng họ Ái Tân Giác La để giết hết không chừa ai. Và ông K đúng thực là niềm hi vọng của cả chi họ, từ bé ông đã bộc lộ trí thông minh siêu việt, cái gi cũng chỉ xem qua một lần là nhớ ngay. Chẳng mấy chốc mà ông K đã nổi tiếng tinh thông vô số loại bùa chú, ấn pháp, từ Nam tông Bắc tông đến cả bùa chú Mật tông, Tây Tạng, Mông Cổ, Cao Ly,…khi đó ông mới 19 tuổi. Nhưng thực sự thì ông lại không muốn trả thù chút nào vì ông cho rằng thù hận là thứ thế hệ trước gây ra, sao cứ phải để thế hệ sau như ông gánh chịu.

Chính vì lẽ đó mà ông bị cả họ hắt hủi, cha ông từ con, mẹ ông thì chỉ muốn treo cổ tự tử, ông bị trục xuất ra khỏi dòng họ. Thế là ông đi lang bạt khắp Trung Hoa từ năm 20 tuổi. Và ông đã gặp và yêu một người con gái, (một chuyên tình đẹp như trong phim phải không các thím), bất chấp gia đình cô Liên Liên kia ngăn cản, ông và cô vẫn làm đám cưới. Ngày ông làm dám cưới, người nhà bên kia thuê một thầy pháp về định làm phép cho ông sợ mà bỏ. Nhưng đúng là múa rìu qua mắt thợ, ông thầy pháp kia vừa làm phép định đánh ông thì ông cầm kiếm gỗ đánh bật lại, và thanh kiếm gỗ của ông lúc bay ra đã cắm thẳng vào cổ cô Liên Liên, trước lúc chết, cô vẫn nói là dù sao cô vẫn mãi yêu ông. Như một người điên dại, ông cứ ôm xác người yêu gào khóc, nhà kia thấy con gái chết thì không thèm đến xem sao mà còn nhổ bãi nước bọt, mắng cô là thứ gái lăng loàn bỏ nhà theo trai. Còn ông K lúc này thì đã bị hận thù che mắt, ông thi triển hết mọi thứ mình học được, từ gọi âm binh, thổ thần đến gọi ma quỷ lên giúp sức,…. Ông muốn cả nhà kia phải chết vì chính họ đã gây nên tất cả. Sáng sớm của một tuần sau, cả ngôi làng nhỏ vùng Cam Túc náo động lên bởi tin nhà họ Kha trong làng đã bị cướp giết sạch, treo xác lên rừng táo đầu làng. Những tưởng sau khi trả thù xong ông sẽ thanh thản, nhưng ông lại càng thêm dằn vặt, đau khổ, tự giận chính mình vì nếu mình không yêu Liên Liên thì mọi chuyện đâu có xảy ra. Và rồi ông bị chính quyền địa phương truy bắt vì tội dùng xảo thuật để giết người cướp của, ông lại trốn chạy tiếp. Vài năm sau, sự việc lắng xuống, ông K lại trở về cuộc đời lang bạt, kiếm sống bằng nghề phù thủy. Gần hai chục năm sau, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiến hành cách mạng văn hóa, những người như ông đều bị quy vào tội tuyên truyền mê tín dị đoan, không bị xử tử hình thì cũng bị giam chung thân nên rất nhiều người đã trốn sang Việt Nam, và ông K cũng là một trong số đó…."

-----------------------------------------------------------

Đó là quá khứ đầy bi thương của ông K, còn hình săm trên bàn tay ông, đó là biểu tượng của phù thủy hàng Thiên đẳng trong gia tộc họ Vương, người trong nghề phù thủy ai cũng biết cả. Vậy nên hai ông A và N mới kính cẩn với ông như vậy.

Sau khi nghe xong câu chuyện bố em cũng bùi ngùi về số phận ông, cả hai người cùng lăng đi một lúc. Ông K lên tiếng phá tan sự im lặng : " Chú chờ tôi tý, tôi lấy cho chú cái này" Nói đoạn, ông đi vào nhà trong, rồi ông lấy ra hai quyển sách, một quyển đã ngả vàng một quyển xem chừng còn mới. Ông đưa cho bố em, bảo giở ra xem, bố em giở ra thì thấy trong mỗi quyển toàn là hình vẽ loằng ngoằng ngang dọc, nhưng một quyển thì viết bằng chữ Trung Quốc, còn một quyển mới thì viết bằng chữ quốc ngữ, trong đó ghi toàn là các câu khẩu quyết, chiến ý, cách làm bùa phép, xem tướng, đoán vận số,…. Bố em đọc xong thì mới hiểu ra đây là "cuốn sách giáo khoa" của thầy phù thủy. Sau đó thì ông K hỏi bố em nhớ được bao nhiêu, bố liền đọc lại cho ông nghe những chỗ mình nhớ, cả quyển thì bố nhớ được ba phần. Ông K nghe xong gật gù khen: "Vậy là chú giỏi! Người thường học quyển này phải mất hơn hai chục năm mới tinh thông. Nhưng tôi xem tướng chú không phải là người có duyên với nghề này, nói thật với chú, cái nghề này nó bạc lắm chú ạ, đời tôi khốn nạn cũng vì nó đó chứ!". Nhưng ông K vẫn dạy cho bố em cách xem tướng, cách coi chân gà, cách giải chết trùng, cách tính ngày giờ chết của một người đang bệnh nặng,… ông nói là để tiện đường giao thiệp về sau, tự khắc sẽ có ích. Sau đó, ông K bỗng nâng quyển sách cũ viết bằng tiếng Trung lên rồi bảo bố em:" Chú nhớ cái thằng tướng dởm lần trước đến tìm tôi chứ! Cái thằng đó trước là học trò của tôi đấy! Lúc còn học tôi, nó ngoan lắm, nhưng một hôm tôi về nhà thì bắt gặp nó đang ăn trộm quyển sách này, tôi liền đuổi theo giật lại được, nhưng mà nó thì chạy mất, lấy được phần ba quyển sách từ trang đầu….Nhờ có mấy trang sách đó mà nó dần dân leo lên cái ghế tư lệnh quân đoàn, nhưng số trời khó cái, nó đã dùng nghề này để cầu lấy tiền tài thì giờ tai họa đổ xuống đầu nó! Lần trước nó tìm về đây là muốn xin tôi cứu mạng, nhưng ai dám cãi lại mệnh trời? Nó làm thì nó chịu thôi!" - Ông K lại thở dài nhìn xa xăm ra ngoài phía cánh đồng, rồi ông vứt luôn hai quyển sách vào trong lò lửa, tất cả tài nghệ của ông đều sẽ theo ông xuống mồ hết.

Thấy ông buồn nên bố em liền đổi chủ đề, làm cho không khí vui hơn. Thời đó, người sát mạn biên giới về đều đồn là ở Sơn Tây bên Tàu có phái biết thuật dẫn thi, có thể bảo quản xác chết từ chiến trường dẫn về quê quán( Cái nì là Cương Thi trong phim của Lâm Chánh Anh đấy các thím ợ!). Bố em liền đem chuyện này ra hỏi ông K thì ông cười ngặt nghẽo, ông bảo:

-Cái đó hồi tôi còn ở trong nước cũng nghe nhiều, nhưng chưa thấy hoặc biết ai có thể làm như vậy cả, có mấy lần nghe tiếng có người biết làm, tôi đều đến xem, hóa ra toàn là lũ bịp bợm. Còn phái Sơn Tây đó thì đúng là có thật, nhưng họ ít giao tiếp với người trong nghề, bùa chú của họ tôi cũng có biết chút ít, nó là loại bùa rất kì dị, là loại pha trộn giữa nhiều loại bùa chú với nhau, thuật dẫn xác thì tôi biết, đơn giản chỉ là dẫn một cái xác chết đi đi lai lại, sai nó nấu cơm quét nhà, chẻ củi gánh nước hay tát ao thì được chứ nói làm phép để bảo quản xác chết thì tôi không tin. Vì chỉ cần ngưng làm phép lên xác là nó rữa ra ngay lập tức, mà cái trò dẫn xác này tổn âm đức lắm, chỉ có mấy ông mới vào nghề, ngựa non háu đá thì làm để kiếm người phụ việc thôi

Chuyện thứ sáu: Lươn cộ

Cạnh làng em là một con sông dài, chảy thẳng ra biển, có chỗ thì thu hẹp lại chỉ rộng tầm trăm mét, có chỗ thì ăn sâu vào tận trong lòng những dãy núi rỗng ruột như quả bàu, rộng đến vài ba cây số. Ở cái khoảng sông chảy ngầm trong lòng núi đó, luôn là một điều gì đó bí ẩn với người dân quê em từ xưa cho đến tận bây giờ. Nhiều người nói rằng, ở dưới những khoảng ngầm đó là những hang hốc ăn sâu ra tận biển, là nơi trú ngụ của những con cá cụ đã vài chục tuổi, con nào con nấy to bằng cả cái thuyền nan, nó há mồm một cái thì nuốt trọn cả người lớn, dù hù dọa như vậy nhưng bọn trẻ con vẫn không tài nào bỏ được cái trò tắm sông.

Đó là vào một buổi sáng mùa hè năm 70, như moi khi, bọn trẻ chăn trâu thả trâu lên triền núi cho gặm cỏ rồi nhảy ùm ùm xuống tắm, cái bãi tắm này mới được khám phá gần đây, lại gần với chỗ sông chảy ngầm nên nước mát lạnh , màu hè tắm thì cứ gọi là thích phải biết. Đang tắm thì một đứa ngồi trên bờ hét toáng lên rồi réo gọi cả đám lên, cả lũ thấy đứa bé này khóc thì chạy hết lên bờ, hỏi làm sao thì nó chỉ tay xuống nước, cả bon nhìn xuống rồi cùng khóc thét lên, dưới nước, chỗ chúng nó vừa bơi,giờ đang có một con cá trê đen trũi há mồm lên mặt nước ngáp ngáp lấy khí thở, nhưng mà, con cá trê to bằng cả cái thuyền nan. Tiếng khóc của lũ trẻ làm động tới mấy người đốn củi và thợ săn, người canh dê trên núi, tất cả tức tốc lao xuống. Và không chỉ trẻ con mà cả người lớn gồm hơn hai chục người cũng há hốc mồm kinh hãi, dưới nước là con cá cụ trùi trùi, to bằng nửa cái thuyền đang bơi lởn vởn quanh bờ. Ngay lập tức một ông thợ săn giơ khẩu súng kíp lên nhằm thẳng con cá định bắn thì một người ngăn lại. Người này bảo hãy chờ gọi người làng ra rồi bắt, không ít người thế này, mà đạn thì yếu, không biết có giết được nó không, nó mà thù thì cả làng không yên. Một lúc sau thì dan làng tới, ai cũng kinh ngạc, xì xào bàn tán về con cá cụ kia. Nhưng con cá này lại rất dạn người, đông người như thế mà nó vẫn bơi vòng vòng quanh bờ như không có gì. Sau khi đã bàn bạc xong, tất cả thống nhất là sẽ ném mìn cho con cá không chết thì cũng choáng, rồi súng kíp cứ thế mà bắn. Một tiếng hô vang: "Ném này!", rồi uỳnh uỳnh hai tiếng đinh tai nhức óc, nước bắn tung tóe, rồi súng kíp trên bờ cứ nhè chỗ bóng đen mà nã, một lúc sau thì màu con cá loang đỏ cả mặt nước. Dân làng hò nhau lấy dây thừng ra lôi con cá về rồi mở tiệc làm cỗ cho cả làng ăn. Trong đám cỗ, ai cũng vui vẻ, cười nói hỉ hả, chỉ có ba ông thầy là ông N, ông A và ông K là mặt đăm, ba ông chả ăn miếng cá nào, chỉ hớp vài li rượu rồi đi về. Người làng vẫn cứ vô tư ăn uống, không hề biết rằng mình đã ăn phải thứ không nên ăn, động vào thứ không nên động……

Chuyện thứ sáu: Giải trừ tội nghiệt

Từ sau cái đợt mà dân làng em bắt được con cá cụ kia thì trong làng bắt đầu có lắm chuyện quái dị xảy ra. Buổi đêm, ngoài đường làng có tiếng móng ngựa gõ cồm cộp đi đi lại lại, sáng hôm sau ra đường thì chẳng thấy có dấu vết gì. Dân đi câu đêm và dân đi săn thú, bắt tắc kè trên núi thì sáng nào cũng về không, nhiều người nhà gần sông còn bảo dạo này hay có đứa tắm đêm, đêm nào cũng có tiếng đập nước ì ùm rồi tiếng cười láo xáo ngoài đê. Nhưng dân làng tuyệt không có ai dám hé phên cửa ra nhìn, từ sau những biến cố lần trước, giờ đây ai cũng linh cảm là có chuyện sắp xảy ra. Đối với các cụ bô lão trong làng thì lại càng lo lắng, tất cả những bô lão đó đều là những người đã chứng kiến, hoắc chính là những người gác đàn tế năm xưa, chính tai họ nghe, chính mắt họ thấy về cái kì hạn 25 năm kia. Nhưng mà giờ đây, kì hạn đã qua được 3 năm mà chưa có gì xảy ra, mọi thứ vẫn quá yên ắng, quá bình thường, và với kinh nghiệm sống của cả đời mình, các cụ biết rằng, trước những cơn bão khủng khiếp luôn là những khoảng lặng một cách kì lạ

Thấm thoát lại hai năm trôi qua, cả làng đang yên ổn làm ăn cấy cày thì bỗng nhiên, thầy V, ông thầy già nhất trong số sáu ông thầy ngày trước giờ đã từ trần, lúc này ông cũng ngót trăm tuổi. Trước lúc mất, ông đuổi hết mọi người ra rồi gọi ông K và ông N vào, ba người nói chuyện rì rầm trong buồng mà không ai nghe được. Ngay hôm đó, ông K, ông N và ông A tức tốc bắt tàu vào thẳng trong Thanh Hóa, dặn trước là đúng hai tuần nữa thì về, mọi người ở nhà trong hai tuần này phải chú ý giữ gìn này nọ,….. Ba ông đi được hai hôm thì ở nhà có chuyện động trời, máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền bắc ném xuống làng một quả bom, cả làng không có nhà nào bị nhưng mà chỗ quả bom rơi trúng là…..chỗ chôn cái chum nhốt vong 25 năm trước. Khỏi phải nói các thím cũng tưởng tượng ra cái sự hoảng loạn của dân làng đến thế nào rồi, cả làng ăn không ngon ngủ không yên, ba thầy kia thì đi hết chưa về nên chẳng biết tính thế nào. Người thì chuyển về quê nội, quê ngoại để lánh nạn, người thì chạy lên Hà Nội tìm đường buôn bán,… cả làng chỉ còn lại vài trăm người, đìu hiu như một cái làng chết, chợ búa cũng bỏ không họp, vì họp thì có ai mua, bán cho ma chắc!

Nhưng mà vẫn chưa có gì xảy ra, dù vậy thì cả họ nhà em cũng dọn vào ở trong khuôn viên của nhà thờ tổ, hi vọng oai của cụ tổ sẽ bảo vệ được cho người trong họ. Hoạt động trong làng giờ cái gì cũng phải "tập thể", đi ra vườn giải quyết cũng phải đi tập thể, buổi tối gánh rau thịt lên chợ huyện bán cũng phải đi thành tốp mười lăm, hai mươi người. Thế rồi một hôm, bà H, chị của ông em đánh liều, gánh hàng chung với hai bà nữa, đang đi thì bà H đứng im, mặt xanh như tàu lá, líu lưỡi lại nói không ra tiếng, hai bà kia nhìn theo hướng bà H đang nhìn là hai gốc si sinh đôi ở vệ đường. Như một phản xạ, hai bà cùng nhìn lên ngọn nhưng một bà thì chẳng thấy gì, còn một quà thì nhìn thấy trên ngọn cây là một cô gái mặc áo tứ thân, đang ôm con hát ầu ơ trên đó. Hai bà liền vứt cả quang gánh, kéo bà kia chạy bán sống bán chết về làng. Về đến điếm làng, kể lại nhưng chẳng ai tin, cho là đàn bà nhát chết nên thần hồn nát thần tính,dân quanh đó thấy động thì kéo ra, ngồi được một lúc thì đám dân câu nhái cũng về đến cái điếm đầu làng, mặt ai nấy trắng bệch, dân làng hỏi sao thì họ bảo: Đang ngồi câu thì tự nhiên bên góc hồ chỗ hai ông kéo vó tôm reo ầm lên bảo vó nặng, họ liền buông cần, chạy sang giúp, nhưng kéo lên thì chao ôi trong vó là một đứa trẻ sơ sinh đỏ lừ như đóm, nhìn chằm chằm vào mọi người rồi cười khanh khách. Giờ thì dân làng mới tin mấy bà kia nói thật, thấy chỉ trong một đêm mà lắm chuyện xảy ra vậy, ai cũng thấy rợn người, chỉ mong sớm đến ngày kia để mấy ông thầy về tìm cách giải quyết.. Cũng vào tối hôm đó, bố em đang trông chú thứ năm ngồi học còn bố em thì xay thóc ở dưới bếp. Đang xay thì bố em nghe tiếng hét của chú út trên nhà trên, gọi rối rít: "Anh ơi! Anh ơi! Nó…nó…!" , bố em vội chạy hộc tốc lên nhà trên, thì thấy chú em đang ngồi rúc vào trong góc tường, mắt nhìn chằm chằm ra ngoài ngõ. Bố em nhìn theo thì chẳng thấy gì, chỉ thấy mảnh sành, mảnh ngói rơi vãi đầy nhà. Một lúc sau thì chú em mới hoàn hồn, bào đang ngồi học thì tự nhiên có đứa ném viên ngói sượt qua đầu, nhưng mà không xây xát gì, rồi nó nèm liền ba bốn mảnh ngói, nửa cục gạch vào trong, toàn sượt ngay sát người chú. Chú liền chạy ra đóng cửa sổ lại thì thấy từ ngoài đường, có một cái bóng đen lùi lũi như đống rơm, mắt đỏ rực nhìn vào trong nhà. Bố em nghe xong, sợ tái mặt, bảo chú đóng hết cửa nẻo lại rồi hai anh em cứ ngồi im trong nhà, không dám ho he gì nữa.

Đang ngồi thì có tiếng đập cổng rầm rầm, mà giờ đang ở nhà của ông bà nội em, bố với chú muốn chạy sang nhà thờ họ cũng không được, thế là hai anh em cứ ôm chặt lấy nhau, mặc cho ra sao thì ra. Một lúc sau thì tiếng đập cửa lại vang lên liên hồi, từ ngoài cổng tiếng bà nội vọng vào: "Hai thằng kia đâu sao để nhà cửa tối thế này! Ra mở cổng nhanh không tao vào thì quắn đít!" Chú em mừng rỡ, chạy ra định mở cửa thì bố em gàn lại, chỉ vào con chó đang chui dưới gậm giường. Mọi khi con này nghe thấy tiếng bước chân bà nội là vẫy đuôi chạy ra ngay, hôm nay thi cứ rúc trong gậm giường mà gằm ghè, chốc lại nhấm nhẳng cắn một tiếng. Lúc bấy giờ chú em mới chột dạ, bố em bảo chú ra đục hai cái lỗ bé bé trên giấy dán cửa rồi nhòm ra, hai người vừa kê mắt vào nhìn thì nghẹn họng không nói được tiếng nào, ngoài cổng không phải là bà nội mà là một cái bóng to trắng cao lêu nghêu, dễ phải đên ngang ngọn mít, người gầy như que củi, đang nhòm nhòm vào trong sân. Thế là hai anh em rụt vào, ôm chặt nhau, thở cũng không dám thở mạnh. Bỗng nhiên lại có tiếng đập cửa, rồi tiếng bà nội quát: "Thằng H.(bố em) đâu sao không xay lúa? Còn thằng D(chú em) học bài gì mà không bật điện lên, để tối thế này!" , con chó chui từ trong gậm giường ra vẫy đuôi mừng, không cắn nữa. Bố em biết chắc là bà đi lấy hàng về nên ra mở cửa. Vừa vào nhà, chú D khóc òa, chạy ra ôm lấy bà, mếu mào kể lại việc vừa nãy. Bà em vừa dỗ dành chú vừa hỏi xem hai đứa có làm sao không. Bố em thì thấy bà về rồi nên vững dạ, định xuống bếp xay nốt chỗ lúa thì bà túm lại, bảo để trời mai trời sáng hẵng xay. Đêm hôm đó, cả ba thức trắng tới sáng.

Ba ngày sau thì ba ông K, N, A về từ lúc đêm, mấy nhà gần đường cái bảo có cả một ông khách cao to về cùng nữa, nhưng không nhìn rõ mặt. Về làng, sau khi biết chuyện cái chum bị trúng bom, ba ông chẳng to vẻ gì ngạc nhiên, bảo ông V đã tính trước là có chuyện nên bảo bảo đi là đi lo việc này đây. Có người đánh bạo hỏi ông khách cao to kia đâu thì ba ông cứ ậm ừ mà không nói. Ông K bảo dân làng lấy sắt ra đúc thành 4 cái cột nhỏ tầm cái phích Liên Xô, chạm khắc nhiều thứ hoa văn kì quái mà ông K vẽ ra, để ông K làm phép rồi đem đi yểm. Cách làm phép của ông K rất khác lạ, chỉ đặt 4 cây cột lên bàn tế rồi phun rượu, đốt bùa xung quanh, rồi cầm 4 nhành đào gài vào trong ruột cột. Xong xuôi tất cả, ông K cho người chôn sâu xuống đất, chia làm bốn hướng Đ-T-N-B xung quanh làng.

Từ sau cái đợt ấy, làng em cũng đỡ bị ma quỷ phá rối. Ông N và ông A bảo: Lần đi đó, bọn ông đi vào tận trong đền vua Lê ở tận trong Thanh Hóa để xin một sắc gải tội cho thành hoàng, rồi lại lên đền thờ Đức Thánh Tản trên Ba vì, dâng sớ xin tội. Từ nay làng em sẽ không bị gì nữa, mấy cái oán linh bị Thánh Tản trừ rồi không còn gì hại nữa. Thế là người làng em lại trở về như cũ, cuộc sống lại quay trở về nếp sinh hoạt đúng nghĩa một làng quê. Nhưng mười năm sau, một đợt sóng mới lại nổi lên, lại một lần nữa làm khuấy động cuộc sống của cả cái làng bé nhỏ này, và lần này chỉ còn mình ông K đứng mũi chịu sào, dốc hết sức giúp cho làng em trước một biến cố khủng khiếp, có nguy cơ xóa sổ một ngôi làng.

Đọc tiếp: Nỗi Ám Ảnh - Phần 3
Home » Truyện » Truyện Ma » Nỗi Ám Ảnh
↑ Trên cùng
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM
Polly po-cket