XtGem Forum catalog

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Câu chuyện bắt đầu ở một làng chài ven biển, nơi sóng biển ngày đêm không biết mệt mỏi xô lên những bờ cát trắng. Biển nuôi làng chài bằng những tài nguyên tôm cá vô tận trong lòng, bằng những hạt muối trắng tinh mặn chát nhưng biển cũng đôi khi tàn nhẫn để lại trong bờ những ngôi mộ tượng trưng mà chẳng có gì bên dưới bởi những cơn giông tố bất chợt, bởi những cơn sóng cả bất ngờ đã lấy đi cả thuyền và người. Tàn nhẫn là thế nhưng những người dân chài chẳng bao giờ oán trách biển, họ vẫn cặm cụi đan lưới đóng thuyền rồi bước bàn chân chai sạn bị cứa ngang dọc bởi những con hà để lên thuyền ra khơi hy vọng vào những mẻ lưới bội thu nuôi sống gia đình. Đã bao đời nay như thành cái lệ, trai tráng đàn ông sẽ lên thuyền đánh cá, soi mực, câu đêm, phụ nữ đan lưới làm muối, trẻ em thì đứa đan lưới, đứa dậm bề bề, cào mỏ quạ để kiếm những bữa canh cho gia đình hoặc có thể là lên chợ bán kiếm ít tiền mua quần áo mới. Và vòng quay dường như luôn định sẵn cho mỗi mái nhà trên cái làng chài bé nhỏ này.

Mặt trời đỏ ối đã bắt đầu trồi dần từ đường chân trời được kẻ bằng những con sóng biển đang chầm chậm đổ vào bờ tạo nên những âm thanh rì rào quen thuộc như bao buổi sáng khác. Lác đác những thuyền câu đêm về muộn đang cập bờ để các chị em phụ nữ tranh nhau những mẻ cá tôm tươi rói mang lên chợ bán hy vọng kiếm lời, phía xa nơi những mỏm đá, đám trẻ con vạn chài vừa nô đùa vừa bước thoăn thoắt trên những phiến đá đầy hà bám để cào những con mỏ quạ. Những đứa con trai con gái vui vẻ cười đùa trong bãi đá, cả đám đều có chung một bộ dạng quần áo lấm lem bùn, mái tóc khô vì nắng và gió biển, làn bánh mật đặc trưng của dân miền biển. Chợt có tiếng trẻ con hướng từ bờ cát phía ngòai những hòn đá lởm chởm đầy hà vọng vào

- Chị Trinh ơi! Em dậy rồi em dậy rồi

Một đứa con gái tóc có mái tóc xơ xác dài ngang vai được buộc tạm bằng sợi dây thun ngẩng cái trán đã lấm tấm mồ hôi hướng về nơi bờ cát nhoẻn hàm răng trắng bóc cười hớn hở

- Chích chòe hả! Chờ chị tí chị vào ngay đây!

Rồi Trinh thoăn thoăt bàn chân trần chai sạn bước lên những phiến đá đi vào bờ. Thằng bè độ 6 tuổi đen nhẻm trông khá là tinh nghịch, đôi mắt tròn đen láy như con gái vừa lấy chân té nước đùa với sóng vừa vẫy tay với chị

- Nhanh lên chị Trinh ơi không nước biển lên cao mất

Trinh rảo chân nhanh hơn trên bãi cát chạy về phía thằng em trai vừa mắng yêu

- Hư thể! Ai cho dậy sớm thế này!

Thằng bé không đáp lời Trinh nó lấy ngay chiếc que đã chuẩn bị từ trước huơ huơ trước mặt

- Em dậy sớm để học mà! Chị dậy em học đi nào! Em muốn học giỏi như chị cơ

Trinh bật cười để chiếc rổ đựng đầy những con mỏ quạ vẫn còn bám bùn toàn thân xuống rồi kéo thằng bé lại gần thơm nựng lên má nó 1 cái:

- Rồi thế bắt đầu học nhé! Hôm nay Chích chòe của chị phải viết nhanh hơn và nhiều hơn hôm qua nhé! Xem biển có thắng được Chích chòe không nào!

Chích chòe hớn hở “dạ” một tiếng rồi chạy ra chỗ cát phẳng phiu nhất đưa chiếc que viết lên nền cát những chữ của bảng chữ cái, miệng thì ê a đọc theo những chữ vừa viết xuống. Cứ mỗi chữ thằng bé viết xuống và đọc xong sóng biển lại tiến đến cuốn những nét chữ nguệch ngọac ấy vào lòng biển như muốn học cùng với thằng bé. Cũng có những chữ Chích chòe chưa kịp viết xong biển đã ào đến cuốn lấy khiến nó hậm hực dậm chân dậm tay rồi lại chạy lên phía trên một chút để viết tránh cho những con sóng có thể đến nhanh hơn.

Trinh tháo chiếc chun buộc tóc để mái tóc lòa xòa bay trong gió biển mỉm cười ngắm nhìn em trai, mới ngày nào nó còn bé tí tẹo đỏ hỏn trong vòng tay nâng niu như sợ vỡ đồ của mẹ trong ánh mắt đầy hy vọng của bố giờ đã sắp vào lớp 1 rồi. Trinh nhớ ngày Trinh hát bài “Có con chim vành khuyên nhỏ” bên cái cũi của đứa em, mỗi lần nghe đến đoạn “Chim gặp anh chích chòe! Chào anh” đứa em trai lúc nào cũng toe toét cười mặc dù chẳng hiểu gì khiến Trinh thích thú hát đi hát lại câu đấy để chọc cười. Rồi chẳng biết từ bao giờ Trinh gọi em trai mình là Chích Chờe mặc dù bố đã đặt cho nó cái tên Mạnh Dũng, bố muốn đứa con trai duy nhất của mình mạnh mẽ, dũng cảm để sau này có thể gánh vác cả gia đình. Nhìn nét chữ nguệch ngọac của chích chòe trên bờ cát nơi mà bố đã dẫn Trinh ra ngày Trinh bé tí bảo Trinh rằng “Mặt trời của biển chính là chiếc đèn bàn vĩ đại nhất, bờ cát này là cái bảng viết đẹp nhất và những cơn sóng biển chính là thứ tận tụy hơn một người thầy khi luôn cặm cụi lau bảng cho những người hiếu học” Trinh thấy có một niềm vui nhỏ bé cứ dâng lên trong lòng như những cơn sóng biển.

Chích chòe đã kết thúc phần viết bảng chữ cái tự bao giờ, nó cất giọng trong trẻo gọi Trinh

- Chị ơi! Hôm nay em chỉ bị không kịp mất 2 chữ thôi! Mai em không để cho biển xóa kịp đâu.

Trinh tiến lại gần đứa em trai bé bỏng xoa mái tóc khô như rễ tre của nó động viên;

- Chích chòe hôm nay giỏi lắm! mai chị sẽ dậy chích chòe viết các chữ số nhé!

Tiếng chích chòe hớn hở đáp lại:

- Vâng chị nhớ đấy! Chị sai lời em mach mẹ đánh chị đấy!

Trinh gật đầu nhìn em không đáp lời rồi hướng ra bãi đá cất giọng gọi

- Ngọc ơi! Ngọc ơi! Về thôi em! Về còn ôn bài nào! Hôm nay đủ rồi!

Có tiếng đáp “vâng” vọng lại từ bãi đá rồi một bóng con gái tóc cắt ngắn đến mang tai, bước chân thoăn thoắt khỏe khoắn trái ngược hẳn với cái dáng người mảnh mai của nó chạy về phía Trinh.

- Hôm nay em đựoc nhiều phết chị ah! Thằng Cường nó nhường cho em một ít đấy!

Trinh với lấy chiếc rá nhỏ của em đổ những con mỏ quạ đầy bùn đất vào rổ của mình rồi cắp lên ngang lưng:

- Thôi đi về thôi! Về tắm rửa còn ôn bài! Không mấy hôm nữa bố đi biển về đứa nào lười học bố lại phạt đứng góc nhà đấy!

Tiếng “Dạ” chỉ còn vang lại chỗ Trinh đứng vì hai đứa đã vừa chạy vừa trêu nhau trên con đường về nhà để lại những vết chân bé xíu trên cát. Trinh bước theo sau nhìn hai đứa em cười hạnh phúc, chợt nhớ lại lời bố “Bố sẽ cố gắng để 3 đứa được học đến nơi đến chốn, Con là chị phải đôn đốc các em không được quên việc học! 3 Đứa chúng mày phải thoát khỏi cái làng chài này để trở thành kỹ sư, bác sĩ chứ không lênh đên trên biển được” Trinh liền rảo bước nhanh hơn để về kèm Ngọc năm nay vào lớp sáu, để quản thằng em tinh nghịch lúc nào cũng sẵn sàng tót ra biển chơi với lũ nhóc trong xóm. Dường như cái khao khát thoát khỏi làng chài và trách nhiệm của một người chị cả trong nhà đã khiến Trinh già dặn hơn so với cái tuổi 14 của mình…..


Ngôi nhà cấp 4 lợp ngói đỏ nhưng đã xỉn màu bởi thời gian quen thuộc đã hiện dần ra trong tầm mắt của Trinh, tiếng đùa nhau của Ngọc và Chích chòe từ trong nhà vượt qua bức tường xây bằng gạch xỉ cắm đầy những vỏ sò vọng đến tai Trinh. Hơi cau mày vì 2 đứa em vẫn còn đùa nghịch Trinh đẩy chiếc cổng sắt sơn đã tróc gần hết đang khép hờ bước vào nhà. Hai đứa em Trinh đang nô đùa vui vẻ chạy lên chạy xuống bậc tam cấp dẫn từ sân lên gian nhà chính trống hoác chỉ có bộ bàn ghế gỗ cũ mèm và cái tivi đen trắng 14”.

- Hai đứa không rửa ráy thay quần áo ăn sáng rồi học bài hả! chị cho mỗi đứa một trận giờ! Ngọc không trêu em nữa, mau đưa em đi rửa ráy rồi lên nhà ăn sáng.

Câu nói kèm cái lườm của Trinh có tác dụng ngay tức thì, Ngọc và chích chòe lấm lét nhìn Trinh rồi bước ra bể nước rửa ráy. Nhìn bộ dạng của 2 đứa nhất là Chích chòe vừa đi theo Ngọc vừa đưa con mắt tròn xoe lườm trộm Trinh với cái mặt hậm hực làm Trinh muốn bật cười. Cúi người đặt cái rổ mỏ quạ xuống để tránh phải bụm miệng cười Trinh thoăn thoắt bước vào nhà lấy nồi cơm nguội ra xớt thật kỹ cho tơi rồi với cái chảo và liễn mỡ xuống gian bếp. Châm cái bếp dầu rồi đặt chảo đã được cho sẵn mỡ lên bếp, Trinh đổ cơm nguội đã đánh tơi vào chảo để rang, hôm nay có thêm ít tóp mỡ còn lại từ chiều qua nên trông chảo cơm ngon hơn hẳn, mùi cơm rang quyện vào mỡ chẳng mấy chốc đã vượt qua khuôn mặt đỏ gay dính vài lọn tóc mai bết lại trên mặt bởi mồ hôi để đánh động dạ dày của thằng em láu cá. Thế nên khi Trinh vừa quay người lại để gọi 2 đứa xuống ăn cơm đã thấy Chích Chòe ôm sẵn cái bát con và chiếc thìa nhôm đứng sau tự bao giờ. Bộ mặt chả còn tí nào hậm hực mà toe toét nịnh nọt

- Em rửa mặt đánh răng rồi! Chị Trinh lấy trước cho em ăn rồi em còn học bài!

Câu nói quen thuộc trước mỗi khi có gì ăn của Chích Chờe làm Trinh không thể nìn cười được

- Cứ có ăn là lấy lí do học bài ra để ăn! Hôm nay mà lại trốn đi chơi là chị về mách bố đấy! Biét chưa! Đưa bát đây nào ông tướng.

Đưa cái bát với bộ dạng ngập ngừng chích chòe ra điều kiện

- Nhưng chị phải cho em nhiều tóp mỡ cơ! Không em không ăn! Không ăn được thì không học được! Về em mách mẹ đấy!

Trinh ngao ngán bởi cái giọng lấy mẹ ra dọa suốt ngày của thằng em quái quỷ

- Được rồi đưa bát đây nào! Không nhanh chị cho hết chị Ngọc bây giờ

Không chờ nói thêm câu nữa Chích chòe đưa vội chiếc bát cho Trinh rồi đưa thìa lên miệng liếm láp tỏ vẻ háo hức và đói lắm rồi. Trinh lựa chỗ nhiều cơm ít cháy và nhặt cho thằng em những miếng tóp mỡ ngon nhất rồi đưa cho nó. Chích chòe chả buồn nói câu gì cầm chiếc bát chạy biến lên nhà hò hét

- Em có cơm rồi nhé chị Ngọc! chị không ăn chị Trinh ăn hết đấy

Trinh với thêm chiếc bát con xới thêm cho Ngọc một bát cơm phần còn lại trong nồi chỉ vẻn vẹn 3 thìa cơm Trinh lấy chiếc muôi nhôm sứt mẻ lồi lõm vét ăn nốt rồi mang nồi ra bể nước.

Nhìn chiếc bể đã cạn nước Trinh vội vàng buông gàu xuống chiếc giếng đục ngàu múc những gàu nước vàng khè mang mùi tanh tanh đổ vào chiếc bể lọc được làm bởi sỏi trắng và cát. Múc nước đã thấy tạm đủ để sinh họat trong ngày Trinh vấn mái tóc xơ xác lên cao hơn gáy, rửa qua cái mặt. Giật chiếc khăn mặt treo trên sợi thép chăng ngang bể nước Trinh lau qua mặt rồi bước vào nhà. 

Ngọc đang cặm cụi trên chiếc bàn học kê sát cửa sổ với những chấn song sắt hoen gỉ để đón sáng, thằng em trai thì ngồi trên giường của ba chị em liền kề với bàn học nghịch những viên bi sắt bóng lóang mà thi thoảng bố xin được của mấy chú thợ máy làm đồ chơi cho nó. Vừa nhìn thấy Trinh bước vào nó dấu biến mấy viên bi vào vỏ chăn rồi xoen xoét cái giọng:

- Em vừa ăn xong no lắm! Cho em nghỉ tí lát nữa e học chị Trinh nhé

Lắc cái đầu dứt khoát Trinh đáp lời:

- Không được Chích chòe hư chiều chị không cho đi tắm biển đâu đấy! Lấy vở ra viết lại bảng chữ cái chị xem nào! Không thấy chị Ngọc ngồi học chăm chỉ ah!

Xị cái mặt ra thằng em trai vùng vằng rời khỏi giường đến bàn học lấy cuốn vở bìa xộc xệch được Trinh đóng lại từ những trang giấy ôly còn thừa từ những cuốn vở cũ và lấy chiếc bút chì bị nó cắn nham nhở phần cuối bút ra ngồi nắn nót viết từng chữ. Tạm hài lòng với thằng em Trinh gấp gọn chăn mà vừa bị xới tung bởi nó rồi kéo từ gầm giường chiếc hòm sắt cũ kỹ. Mở chiếc hòm bên trong toàn sách Trinh lựa bộ sách lớp 6 bìa được bọc cẩn thận bằng những tờ giấy báo của Trinh ngày xưa để cho Ngọc năm nay học. Những cuốn sách được mua bằng không biết bao nhiêu tôm và cá của bố khiến Trinh rất cẩn thận giữ gìn khi học, ngay cả cái nhãn vở ghi tên Pham Ngọc Trinh lớp 6A ngày nào vẫn còn rõ nét. 

Ôm bộ sách ra ngòai và đẩy cái hòm trở về vị trí cũ Trinh tiếng ra bàn Học nơi Ngọc đang cặm cụi ôn lại kiến thức cũ, gương mặt bướng bỉnh của Ngọc thường ngày mỗi khi học trở nên ngoan ngoãn và dễ bảo vô cùng, dường như Ngọc cũng đã thấm nhuần cái tư tưởng của bố và Trinh nhồi vào đầu là “Chỉ có học mới có được cuộc sống no ấm”.

- Từ mai em bọc lại sách vở và thay nhãn đi nhé! Nửa tháng nữa là vào năm học rồi em thay nhanh rồi đọc trước những bài học trong sách dần đi cho đỡ bỡ ngỡ khi vào năm học mới như chị ngày xưa.

Ngọc ngầng đầu lên đưa đôi mắt háo hức vào chồng sách trên tay Trinh và ôm vội lấy vào lòng như được nhận món quà qúy giá.

- Vâng nhưng em chỉ thay nhãn thôi! Chứ bìa bọc vẫn đẹp mà chị!

Trinh gật đầu vơi ngọc rồi đưa tay chỉnh lại cái khung kính bị lệch dán chi chit những tấm bằng khen học sinh giỏi của Trinh và Ngọc được bố đóng lên bức tường phía trên bàn học. Bức tường ố màu vì nước thấm ra từ những vết nứt chi chit do được trát bằng cát biển càng làm nổi bật cái khung kính lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận bởi bàn tay của bố. Với bố nó là thứ qúy giá nhất trong nhà và mỗi khi nghỉ ngơi bố Trinh hay ngắm nhìn nó với một gương mặt đầy tự hào. 

Chợt có tiếng mở cổng và tiếng mẹ réo rắt ngòai sân

- Trinh, Ngọc đâu rồi nắng lên cao thế này chưa giặt quần áo mà phơi ah! Định ngày mai ở truồng hết cả hay sao thế.

Trinh vừa mới kịp “Dạ” một tiếng thì thằng em trai đã chạy biến ra khỏi chiếc bạn học kêu ầm lên:

- A! mẹ về! Mẹ đi chợ về rồi!

Tiếng mẹ vọng lại từ ngòai sân

- Chích chòe của mẹ hả! Hôm nay có ngoan không con! Viết được nhiều chữ chưa! Bánh rán của Chích chòe đây!

Tiếng chích chòe hớn hở vâng dạ nhồm nhòam không làm Trinh và Ngọc ghen tị, bởi cả 2 chị em đã quá quen thuộc với việc đứa em trai bé bỏng được mẹ chiều chuộng. Trinh vỗ vào vai em

- Em cứ học đi để quần áo đấy chị giặt với giúp mẹ cơm nước cho! Lát ăn trưa xong thì em rửa bát cũng được.

Trinh vừa dứt lời cũng là lúc mẹ Trinh réo gọi thêm lần nữa:

- Đâu rồi không đứa nào ra đỡ tao một tí ah! Suốt ngày học với hành sách với chả vở! Đã bảo thằng bố mày cho một đứa theo tao chợ búa đỡ đần tao thì không nghe. Khéo đời con chưa kịp nồi thì tao với bố chúng mày đã chìm xuống bùn xuống biển cả rồi. 

Tiếng cằn nhằn của mẹ khiến Trinh hơi tủi thân dù cũng đã nghe không biết bao lần nhưng Trinh vẫn thoăn thoắt đôi bàn chân ra dắt chiếc xe dạp vào nhà cho mẹ, mang mấy cái thúng, mẹt vẫn còn dính đầy muối trắng và bốc mùi tanh nồng của những mẻ tôm cá mẹ bán ngòai chợ buổi sớm, rửa thật sạch rồi phơi ra trước nắng để ngày mai mẹ lại tất tả mang đi trong khi trời còn chưa sáng hẳn. Mở chiếc làn có ít rau mùng tơi Trinh đem rửa qua để nấu canh với mỏ quạ, ít cá bị dập còn thừa lại được mẹ ướp sẵn với muối trong chiếc túi nilon Trinh bỏ ra ngoài để lát nữa kho làm thức ăn mặn. Tiếng mẹ đầy ngán ngẩm vọng ra từ gian phòng của bố mẹ vọng ra khi Trinh đang chuẩn bị vò những chiếc áo đầu tiên

- Chẳng biết bao giờ thuyền bố mày về! Cứ đi lấy cá nhà người khác rồi đem lên chợ bán lời lãi chẳng được bao nhiêu mà toàn bị chúng nó đẩy cho cá nhỏ với cá ươn!

Khiến Trinh đang tủi thân vì mẹ mắng tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng và càng quyết tâm học thật giỏi hơn nữa để bố không phải đi biển, mẹ không còn chạy chợ, các em không còn phải lem luốc thế này…


Dòng điện thất thường cung cấp cho làng chài hôm nay lại không hoạt động. Từng ngôi nhà, từng con đường, ngõ xóm chìm dần vào bóng tối trong tiếng sóng biển xô bờ cát. Nhưng bóng tối không ngự trị được lâu, ánh trăng đã ló mình ra khỏi đám mây để rọi những tia sáng nhờ nhợ yếu ớt xuống làng chài. Con sóng phản chiếu ánh trăng bàng bạc khiến vạn vật hiện dần lên một cách lung linh và huyền ảo lạ thường.

Cả nhà Trinh ngồi quây quần bên mâm cơm tối. Ngôi nhà mở rộng cửa đón ánh trăng cùng gió biển mằn mặn. Chiếc đèn dầu khơi nhỏ lửa được đặt giữa mâm. Những con bề bề vàng ruộm bên cạnh đĩa cá kho và bát canh mùng tơi nấu với ngao quen thuộc bắt mắt. Sau những giây phút hờn dỗi bởi không được xem chương trình Những Bông Hoa Nhỏ, Chích Chòe đã lấy lại nét tinh quái thường ngày.

- Bề bề này em dậm với chị Ngọc lúc sáng đấy! Chị Trinh không được ăn đâu nhé! Chị Ngọc 1 con, mẹ 1 con! Còn lại của em hết đấy

Trinh chỉ hờ hững đáp lời thằng em “Rõ! Ông tướng cứ ăn hết đi” rồi cất giọng gọi mẹ

- Mẹ… Mẹ ơi! Vào ăn cơm rồi còn đi nghỉ

- Uhh Mấy đứa ăn trước đi! Xới cho Chích chòe ăn trước kẻo em đói

Vẫn là cái giọng đầy thiên vị dành cho đứa con trai duy nhất trong nhà nhưng Trinh dường như không bận tâm đến. Trinh chỉ mong chóng đến sáng sớm mai. Với chiếc đũa cả xới từng bát cơm cho Ngọc và Chích chòe lúc này đang nhồm nhòam nhai rau ráu những con bề bề mà nó xí phần trước, chỉ sớm mai thôi Trinh sẽ được ra đón tàu bố về theo như lời mẹ nói lúc chiều. Mẹ còn dặn hôm nay ngủ sớm để mai kịp ra, và không được để thằng Chích chòe biết, nó vốn hay đòi theo ra.

- Hnay mất điện ăn xong thì Ngọc cho em đi chơi một lát rồi về ngủ nhé! Không phải học bài nữa.

Câu nói của Trinh có tác động tức thì tới thằng em ham chơi. Nó phồng mang trợn má nhai nuốt thật nhanh con bề bề còn đang ăn dở trong mồm rồi hí hứng

- Thật hả chị? Thế chị Ngọc ăn nhanh lên còn đi chơi nào! Nhanh lên! Chị Trinh đưa cơm em ăn nào.

Không chờ Trinh vừa ăn vừa quát nó như mọi hôm, Chích chòe và vội hai bát cơm rồi tót ra bên cạnh Ngọc đang chậm rãi ăn phần cơm của mình phụng phịu:

- Chị Ngọc nhanh lên! Nhanh còn đi nào

Không biết khó chịu bởi sự giục giã của thằng em, hay vì Ngọc cũng ham chơi với bọn trẻ con trong xóm chả kém gì đứa con trai nào mà Ngọc cũng và vội bát cơm của mình. Ngọc kéo Chích Chòe ra khỏi cổng nhà trong tiếng dặn với theo của mẹ

- Ngọc trông em cẩn thận! Nhớ về sớm còn ngủ

Lúc này mẹ mới bước vào, mái tóc vẫn còn giỏ vài giọt nước long tong vì chưa kịp khô hết. Ẩn hiện trong ánh đèn dầu, Trinh thoáng thấy những nếp nhăn hằn trên gương mặt mẹ. Thời gian và những lo toan cho cơm áo gạo tiền đã làm phai mờ đi chút dấu vết còn sót lại của người con gái đẹp nhất làng chài thủa nào. Trinh xới cơm vào bát, hai tay đưa cho mẹ

- Mẹ ăn đi ạ! Thế sáng mai mấy giờ mình ra bến đón tàu bố?

Cầm lấy bát cơm và nhặt vài miếng cá, mẹ Trinh thờ ơ trả lời:

- Vẫn như mọi lần thôi! 3h sáng thì ra đợi! Mong là tàu bố mày về khá hơn các tàu mới cập bến hôm qua! Không thì chả đủ tiền cho ba đứa nộp học đầu năm một lúc đâu.

Trinh không dám hỏi thêm sợ mẹ lại đay nghiến về vấn đề học hành của ba chị em, mà thực chất chỉ là của Trinh và Ngọc. Với mẹ thì con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì, chỉ cần đủ để kiếm được một tấm chồng là được. Nếu không có bố nhất nhất bắt hai chị em học hành đến nơi đến chốn thì hẳn Trinh giờ này đã ở nhà chạy chợ từng bữa với mẹ.

Bữa tối im lìm kết thúc bằng tiếng bát đũa chồng lên nhau. Mẹ Trinh uể oải đứng lên đi vào gian phòng của mẹ

- Dọn rửa rồi chờ hai đứa kia về bắt chúng nó ngủ sớm! Nhớ dặn cái Ngọc mai phải ở nhà mà trông em không để nó thức giữa chừng chạy ra bến đâu đấy!

Trinh vừa bê mâm ra sân giếng vừa nhỏ nhẹ đáp lời mẹ:

- Vâng. Mẹ cứ vào nghỉ đi! Sớm mai mẹ thức trước thì gọi con nhé!

Không có tiếng mẹ đáp, chỉ có những cơn sóng biển rì rào từ ngoài xa vọng vào. Trinh dọn dẹp tắm rửa xong cũng là lúc Ngọc và Chích Chòe đi chơi về. Gió biển lồng lộng mát rượi là thế nhưng hai đứa vẫn mồ hôi nhễ nhại thấm cả ra ngoài áo. Trinh hắng giọng:

- Hai đứa rửa chân tay mặt mũi rồi lên giường ngủ nào, mai còn dậy sớm học bài

Ngọc vâng dạ đáp lời còn Chích Chòe vênh mặt lên ra điều kiện:

- Nhưng tí chị Trinh phải đọc truyện cổ tích cho em nghe đấy!

- Mất điện này chị đọc làm sao được! Để tối mai - Trinh khẽ cau mày

Nhưng ông tướng con quen được mẹ chiều ăn vạ ngay:

- Không! Ứ ừ đâu! Không đọc thì chị phải kể cho em! Không em bắt mẹ kể!

Ngao ngán với cái yêu sách của nó Trinh đành tặc lưỡi:

- Rồi thế phải rửa chân tay thật sạch mới được lên giường rõ chưa!

Thằng em cười hì hì rồi lon ton ra bờ giếng theo sát Ngọc để rửa tay chân.

Leo lên giường rồi mà Chích Chòe vẫn luôn miệng léo nhéo nhắc Trinh kể chuyện. Trinh đặt vội mình xuống giường, thủ thỉ vào tai chích chòe “Thế em muốn chị kể chuyện gì nào?”. Tiếng chích chòe đáp lời háo hức:

- Em thích nghe Cô bé bán diêm, chị Trinh kể cho em đi.

Câu chuyện này Trinh đã đọc cho nó nghe không biết bao nhiêu lần mà nó vẫn cứ đòi. Tuy ngán ngẩm nhưng Trinh cũng không dám từ chối sợ nó nhõng nhẽo mẹ mất ngủ, mai không dậy sớm mà đón cá được nên Trinh bắt đầu cất giọng chậm rãi kể truyện cho em.

- Ngày xưa có một cô bé bán diêm, hàng ngày cô phải đi bán diêm lấy tiền về đưa bố. Một hôm trời noel giá rét cô bé vẫn chưa bán được que diêm nào nên không dám về nhà. Ngồi ngoài đường cô bé thấy lạnh quá bèn lấy 1 que diêm ra bật lên. Huơ đôi bàn tay trước ánh lửa, cô bé tưởng tượng ra mình đang ngồi trước lò sưởi. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở.

Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, em nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt.

Cô bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, cô bé thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống. "Ai đó đang từ giã cõi đời!" - Cô bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này.

Cô bé bật que diêm thứ tư, ánh sáng bỗng bao trùm, giữa vầng sáng, bà đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu và âu yếm. "Bà ơi!", cô bé khóc nấc lên, "Bà mang cháu đi cùng nhé! Cháu biết bà sẽ rời bỏ cháu khi que diêm cháy hết, bà sẽ biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như chú ngỗng quay và cây thông rực rỡ". Cô bé vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bừng lên còn hơn cả vầng dương và bà trông như chưa đẹp lão, cao lớn đến thế bao giờ. Bà ôm cô bé trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất, đến với Chúa, đến nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau.

Và ngày hôm sau bà cô bé đã sống lại đưa cô bé và người cha nghèo khổ đến một ngôi nhà thật đẹp, có thật nhiều thức ăn ngon, có chiếc lò sưởi thật to và họ sống hạnh phúc cho đến cuối đời.

Quay sang nhìn em đã thấy 2 đứa ngủ từ bao giờ, Trinh mỉm cười vuốt nhẹ lên mái tóc xơ xác của thằng em trai bé bỏng. Nó vẫn cứ nghĩ câu truyện kết thúc là như vậy từ bé đến giờ, Trinh đã không cho nó biết rằng ngày hôm sau người ta đã thấy cô bé bán diêm ấy chết cóng bên lề đường trên tay vẫn nắm chặt những que diêm, một nhúm đã cháy tàn. Trinh luôn thích những câu truyện cổ tích kết thúc có hậu, tốt dẹp với bất kỳ ai luôn cố gắng học hành và là người tốt bụng. Rồi Trinh cũng thiếp đi vào giấc ngủ của mình, nơi có giấc mơ chiếc tàu của bố chở đầy cá đang dần cập bến trong nụ cười của mẹ.

Đọc tiếp: Hoa dại - Phần 2
Home » Truyện » Truyện Teen » Hoa dại
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM