pacman, rainbows, and roller s

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

 Lịch sử thường đi những bước rất kỳ cục, ít ai lường trước được. Có khi nó rẽ ngoặt một trăm tám mươi độ khiến mọi thứ tưởng đã trật tự bỗng chốc trở nên lộn tùng phèo. 

     Tôi không nói ngoa. Từ ngày tôi thường xuyên lui tới nhà nhỏ Hồng, cán cân lực lượng giữa tôi và các đại kình địch bỗng thay đổi hẳn. Ưu thế bây giờ thuộc về tôi một cách rõ rệt. 

     Ngữ, Nghị, Hòa chỉ biết nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Ngay cả "giáo sư" Bá cũng không giấu vẻ ghen tức với tên đồ đệ may mắn của mình. Nó có vẻ ấm ức về chuyện tôi không cần nhờ nó mà vẫn tiếp cận được với Gia Khanh một cách ngon lành. Nó cảm giác nó là sư phụ dỏm. Nó mang mặc cảm bị tôi bỏ rơi. Mặt Bá cứ xụ xuống khiến tôi phải bỏ mất ba ngày để động viên nó, nào là tôi chẳng có tài cán gì, chỉ nhờ ân đức ông bà tôi mới có được hạnh phúc ngày hôm nay, nào là mặc dù đã được nhỏ Hồng hỗ trợ, tôi còn cần phải hỏi ý kiến nó dài dài trên con đường tình quanh co khúc khuỷu đang chờ tôi trước mặt, vân vân và vân vân... 

     Tôi tâng bốc một hồi, Bá tươi tỉnh lên liền. Nó quên phắt giận hờn, vỗ vai tôi khen ngợi: 

     - Mày khá lắm! Đúng là thánh nhân hay đãi kẻ khù khờ! Đối với mày bây giờ, những khó khăn lớn nhất đã ở lại phía sau! 

     Tôi chép miệng: 

     - Còn tao thì bây giờ tao mới thấy khó! 

     - Đừng nghĩ quẩn! Thời gian khó thực sự đã qua rồi! 

     Tôi chớp mắt: 

     - Nhưng mày phải cho tao biết tao nên làm gì trong lúc này chứ! 

     Bá khịt mũi: 

     - Chẳng làm gì sất! Cứ tới chơi và trò chuyện bình thường với nhỏ Hồng và Gia Khanh! Mày là lửa, Gia Khanh là rơm, xáp lại gần nhau trước sau gì cũng xảy ra "hỏa hoạn", mày đừng lo! 

     Bá nói có sách, mách có chứng. Chiến thuật của nó, binh pháp cổ gọi là "bất chiến tự nhiên thành". Nhưng tôi chẳng muốn thực hiện kế hoạch "không chiến" đó. Tôi muốn "tử chiến" kia. Luồn lách cực khổ bao tháng ngày, nay mới có dịp tiếp cận với đối phương mà "không chiến" thì uổng quá! 

     Trong khi tôi đang lưỡng lự không biết có nên làm theo lời Bá hay không thì một hôm, nhân lúc nhỏ Hồng đi vắng, Gia Khanh đột ngột hỏi tôi: 

     - Nghe nói hôm trước Khoa làm thơ tặng Gia Khanh phải không? 

     Tôi không bao giờ chờ đợi một câu hỏi gây cấn như thế. Vì vậy khi Gia Khanh tung câu hỏi ra như tung một cú đấm quyền Anh, tôi lặng người mất mấy phút. Mãi một hồi lâu, tôi mới mở miệng lí nhí đáp: 

     - Phải. 

     - Rồi Khoa lại vẽ hình tặng Gia Khanh nữa phải không? - Gia Khanh tiếp tục gặng hỏi. 

     Tôi gật đầu một cách khó khăn, bụng hoang mang vô kể. Tôi không hiểu Gia Khanh sẽ dẫn tôi đến đâu với những câu hỏi cắc cớ của nó. Hay nó định nhắc lại râu ria hôm nọ? 

     Dường như Gia Khanh đọc được nỗi lo âu trong mắt tôi nên nó mỉm cười trấn an: 

     - Gia Khanh chỉ hỏi vậy thôi, chẳng có gì quan trọng đâu! Nhưng từ nay về sau, Khoa đừng làm thơ hay vẽ tranh cho Gia Khanh nữa! Đừng làm gì hết. Khoa đến đây chơi là được rồi! 

     Cho tới lúc đó, tôi mới bần thần hiểu ra Gia Khanh là một đứa cực kỳ bản lĩnh. Nó chẳng ngây ngô như tôi hằng tưởng. Nó chẳng phải là "con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô" ở trong thơ Lưu Trọng Lư. Dám ở chung với cọp, bét nhất nó cũng là... tê giác. Nhưng dù bây giờ Gia Khanh có là gì đi nữa, tôi cũng đã "lỡ yêu rồi, làm sao quên được em ơi...". 

     Khi tôi thuật lại chuyện này với Bá, nó phấn khởi bình luận: 

     - Vậy là ngon lành rồi! 

     - Ngon lành cái khỉ mốc! - Tôi nhăn mặt - Nó chẳng thèm màng đến thơ và tranh của tao mà mày bảo là ngon lành! 

     Bá bĩu môi: 

     - Mày ngốc quá! Thơ văn nhạc họa chỉ là phương tiện bày tỏ tình cảm. Khi em bảo như vậy, ý em muốn nói là mục đích đã đạt được rồi, đâu cần phương tiện nữa làm chi! 

     Phân tích của Bá khiến tôi ngẩn ngơ. Tôi bâng khuâng hỏi: 

     - Vậy tao khỏi cần làm thơ nữa? 

     - Khỏi. 

     - Khỏi cần vẽ tranh? 

     - Khỏi luôn. 

     - Khỏi làm gì hết? 

     - Đúng. Khỏi làm gì hết. Mày cứ nghe lời em. Chỉ đến chơi thôi. 

     Tôi chớp mắt: 

     - Thế còn tụi kia? 

     - Tụi nào? 

     - Tụi thằng Ngữ, thằng Hòa. 

     Bá nhún vai: 

     - Tụi nó bây giờ chỉ có nước đi theo xách dép cho mày và Gia Khanh. 

     - Thế còn thằng Nghị tẩm ngẩm tầm ngầm? 

     Bá cười khảy: 

     - Thằng Nghị cũng vậy. Trước đây, tao còn "ngán" nó, nhưng kể từ khi em Gia Khanh ngầm tuyên bố yêu mày, thằng Nghị trở thành đồ bỏ. Bây giờ mày là Sơn Tinh, ba đứa kia là Thủy Tinh. 

     Thấy Bá bốc tôi lên tận mây xanh, bụng tôi sướng rơn. Nhưng tôi vẫn dè dặt hỏi lại: 

     - Làm gì có chuyện Gia Khanh tuyên bố yêu tao? 

     Bá hừ giọng: 

     - Mày biết tỏng bụng dạ của em rồi mà còn làm bộ! Không yêu mày, sức mấy em chịu để mày đến nhà chơi. Hoặc giả mẹ nhỏ Hồng có mời mày đến, em cũng tìm cách lỉnh đi chỗ khác chứ đời nào ngồi trò chuyện với mày! 

     Bá lý luận chặt chẽ và hùng hồn đến mức tôi không thể không tin nó. Thế là tôi gục gặc đầu, mặt mày sáng rỡ:

     - ž hén! Em yêu tao mà tao đâu có biết! Tao khờ ghê! 

     Kể từ hôm đó, tôi tự coi mình là Sơn Tinh. Tôi không sợ các đối thủ của tôi phỗng tay trên nữa. Tôi ăn nói dạn dĩ hơn. Và đi dứng cũng khệnh khạng hơn. 

     Ngược lại, các đối thủ của tôi ngán tôi thấy rõ. Ông ngoại của tụi nó đâu có làm nghề thuốc như ông ngoại của tôi. Tụi nó chẳng có lý do gì để bén mảng đến nhà nhỏ Hồng. Thấy tôi ngày nào cũng tới thủ thỉ tâm tình với Gia Khanh, khối đứa thèm nhỏ dãi, tức anh ách mà chẳng biết làm sao. 

     Rốt cuộc, nhà thơ Ngu Kha đành tiếp tục cặm cụi... làm thơ. Ca sĩ Hòa lé tiếp tục... ca. Nghị chẳng có năng khiếu gì. Vũ khí của nó là chiếc honda. Nó xách xe lượn vòng vèo suốt ngày ngoài phố. Một hôm, Ngữ chìa một tờ giấy ra trước mặt tôi: 

     - Cho mày xem nè! 

     Tôi tò mò: 

     - Gì vậy? 

     - Thì mày đọc đi! Thơ! 

     Tôi vừa cầm tờ giấy vừa hững hờ hỏi: 

     - Thơ của mày hả? 

     Ngữ nháy mắt: 

     - Thơ của tao thì nói làm gì! Đây là thơ của em Gia Khanh gửi cho tao! 

     Tôi giật thót: 

     - Thơ Gia Khanh gửi cho mày? 

     - Chứ sao! 

     Tôi bán tín bán nghi, cúi đầu dòm vô tờ giấy. Đó là một bài thơ bốn câu, được viết bởi một nét chữ nguệch ngoạc, xiêu vẹo. Tôi bất giác buột miệng: 

     - Đâu phải nét chữ Gia Khanh! 

     Ngữ ỡm ờ: 

     - Thì đâu phải chữ nó. Ngu gì nó viết cho lộ bí mật. Nó nhờ người khác. 

     Ngữ nói kiểu đó, tôi hết đường bắt bẻ. Tôi nhẩm đọc bài thơ xem thử nó nói gì. Bài thơ viết: 

     Những bài thơ anh viết 

     Em đọc đã thuộc lòng 

     Dẫu là chim xứ lạ 

     Vẫn biết tình anh mong! 

     Bài thơ có bốn câu nhưng tình ý dạt dào. Và rõ ràng là nói đến Ngữ. Lần trước Ngữ làm thơ "phỏng vấn": "Em là chim xứ lạ, có hiểu tình anh không?" Bây giờ người đẹp trả lời nó. Mà trả lời như vậy có khác nào đáp lại tình yêu của nó. Tôi xoay ngang xoay dọc tờ giấy trên tay, mắt hoa lên, đầu óc lơ lơ lửng lửng. Cho đến khi Ngữ đòi lại bài thơ tôi mới hoàn hồn. Tôi đưa tờ giấy cho nó, giọng ngờ vực: 

     - Tao không tin bài thơ này là của Gia Khanh. 

     Ngữ nhếch mép: 

     - Tin hay không mày hỏi em là biết liền! 

     Vẻ thản nhiên của Ngữ làm tôi đâm hoảng. Tôi liền chạy đi tìm sư phụ vấn kế. Nghe tôi kể xong, Bá hừ mũi: 

     - Thằng Ngữ xạo! Chính nó là tác giả bài thơ đó! 

     Tôi nhẹ nhõm: 

     - Thơ của nó? 

     - Chứ ai vô đây! 

     Tôi nhíu mày: 

     - Vậy sao nó dám thách tao đi hỏi Gia Khanh? 

     Bá hắng giọng: 

     - Đó là mưu độc của nó. Khi đưa bài thơ ra, trước hết nó muốn thăm dò chuyện tình cảm của mày. Thời gian gần đây, thấy mày thường lui tới chỗ Gia Khanh, nó lo lắng không biết mày đã "làm ăn" tới đâu rồi. Vì vậy nó tung bài thơ ra để làm một phép thử. Nếu mày khẳng định ngay bài thơ đó là "hàng giả", tức là tình cảm giữa mày và Gia Khanh tiến triển rất xa rồi. Còn nếu mày lộ vẻ bán tín bán nghi có nghĩa là giữa mày với Gia Khanh vẫn chưa có gì đáng kể. Rồi mày mà nghe lời nó xúi dại, lật đật đi hỏi Gia Khanh về chuyện bài thơ, mọi chuyện sẽ hỏng bét. Gia Khanh sẽ đánh giá mày là một đứa hời hợt, không tin vào tình yêu của nó mà đi tin những điều vớ vẩn. Em sẽ tống cổ mày ra đường cho mày đi lượm... bao ny lông. 

     Bá nói đến đâu, mồ hôi tôi chảy ra đến đó. Hóa ra thằng Ngữ này mưu sâu kế hiểm quá chừng. Nếu tôi không có một sư phụ tài ba như Bá, hẳn tôi đã mắc bẫy nó. Thật hú vía! 

     Tôi xúc động cầm tay Bá, nịnh nọt: 

     - Mày thông minh ghê! 

     - Còn phải nói! 

     Bá đáp lại cũng bằng một giọng xúc động không kém. 

     Đang miên man trong nỗi nghẹn ngào, tôi bỗng giật mình nhớ ra một chuyện, liền kêu lên: 

     - Nguy rồi Bá ơi! 

     - Gì vậy? 

     - Như vậy là thằng Ngữ đã biết giữa tao và Gia Khanh chưa có gì. Khi nãy, đọc bài thơ, tao tỏ vẻ nghi nghi ngờ ngờ. 

     Bá khoát tay: 

     - Đừng lo! Trường hợp của mày là trường hợp đặc biệt. Cái "có gì" của tụi mày là cái "có gì" kín đáo, người ngoài làm sao biết được. Mày phải tin vào tình yêu thầm lặng mà Gia Khanh dành cho mày. 

     Bá bảo tôi tin, tôi buộc phải tin. Chứ thực ra tình cảm của Gia Khanh kín đáo đến mức không những "người ngoài" mà cả "người trong" như tôi cũng không cách nào biết đích xác được. Ngay cả nhỏ Hồng cũng không "moi" được điều gì. Từ ngày phát hiện ra chuyện đời xửa đời xưa giữa tôi và nó, nhỏ Hồng đã đối xử với tôi rất mực dịu dàng, tử tế. Thậm chí nó còn xung phong làm "gián điệp" không công cho tôi. Nhưng sau một thời gian lân la dò xét, nhỏ Hồng gặp tôi, thở dài thông báo: 

     Chịu thôi, Khoa ơi! Gia Khanh nó kín như bưng. Hồng hỏi gì nó cũng cười cười không nói. 

     Không nhận được nguồn tin chính thức, tôi đành phải bằng lòng với suy luận của Bá. Rằng đích thị Gia Khanh đã yêu tôi lắm lắm rồi. Chỉ có điều nó e thẹn nó không nói ra miệng đó thôi. 

     Tôi tin như vậy. Và dường như các đối thủ của tôi cũng tin như vậy. Cho nên tụi nó tăng cường hoạt động đến chóng mặt để mong thay đổi tình hình. Nhất là khi chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa năm học sẽ kết thúc. Những ngày này, những tán phượng trước sân trường đã lác đác ra hoa và lũ ve đã bắt đầu thi nhau kéo đàn trong lá. 

     Con nhà Nghị vốn trầm ngâm ít nói, vậy mà mấy hôm nay cũng đã nhiễm thói ba hoa của Ngữ và Bá. Bữa ăn nào, nó cũng rêu rao: 

     - Gia Khanh đã hẹn với tao rồi! Hè này, nó nhờ tao chở nó về Hội An! 

     Thái độ khoe khoang của Nghị nhanh chóng phá vỡ sự đoàn kết của phe Anh văn. Ngữ cà khịa liền: 

     - Mày chở nó bằng cách nó ngồi trên xe đò, còn mày chạy honda đằng sau chứ gì? 

     Nghị đỏ mặt: 

     - Bậy! Tao chở nó trên xe tao đàng hoàng! Tao ngồi đằng trước, nó ngồi đằng sau... ôm eo ếch! 

     Hòa lé cười mũi: 

     - Mày kể chuyện cổ tích hay chuyện khoa học viễn tưởng vậy? 

     Trước tình thế bị tấn công dồn dập, Nghị chột dạ. Nó không dám huênh hoang nữa. Mà chỉ nhún vai, gọn lỏn: 

     - Để rồi xem! 

     Tôi nghi thằng Nghị bốc phét cho sướng miệng. Nhưng Bá lại lộ vẻ lo âu. Nó liếc tôi, giọng nghiêm trọng: 

     - Thằng Nghị nói thật đấy! Nó là đứa nghiêm túc, trước nay chưa bịa chuyện bao giờ! 

     Tôi liếm môi: 

     - Tao không tin. 

     - Tin hay không tùy mày! Nhưng mày phải cảnh giác! 

     Tôi tự ái: 

     - Cảnh giác quái gì! Sao mày bảo Gia Khanh yêu tao? 

     Trước sự vặn vẹo của tôi, Bá chẳng hề lúng túng chút nào. Nó thản nhiên đáp: 

     - Thì Gia Khanh yêu mày, nhưng nửa chừng nó nhảy sang yêu người khác mấy hồi! Tâm địa của tụi con gái biết đâu mà lường! 

     Bá là đứa không có lập trường. Nó nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Thằng Nghị mới hù một phát, nó đã quýnh và bắt đầu ăn nói vung vít. Thấy nó xúc phạm đến "người yêu" của tôi, tôi đâm cáu: 

     - Mày đừng có nói xấu người khác! 

     Thấy tôi nổi dóa, Bá làm thinh. Nếu như trước đây, nó đã vặc lại tôi. Nhưng bây giờ, Bá đã thay đổi nhiều. Sau vài lần bị tôi "tẩy chay", Bá có vẻ mềm mỏng hơn. Hẳn nó thừa thông minh để hiểu rằng đối với một người đang yêu, chẳng có quyền uy nào có thể khuất phục được. 

     Bá không sửng cồ với tôi. Nhưng nó bỏ đi. Thời gian gần đây hễ đụng độ với tôi bao giờ Bá cũng lặng lẽ bỏ đi. Nó đâu có biết rằng những lúc như vậy, tôi buồn lắm. Buồn một hồi, tôi đâm giận Nghị. Đầu đuôi cũng tại nó. Ai bảo nó đem khoe chuyện Gia Khanh nhờ nó chở về quê! 

     Nhưng không phải chỉ có Nghị chơi trò chiến tranh tâm lý. Hòa lé gần đây cũng bô bô: 

     - Tao đã nói chuyện với Gia Khanh rồi! Kết quả mỹ mãn! 

     Tuyên bố của Hòa lé chẳng gặp phản ứng gì. Chẳng ai buồn hỏi nó đã nói chuyện gì với Gia Khanh. Không hỏi cũng biết, vì vậy không đứa nào buồn mở miệng. Có điều lạ là cũng không đứa nào lên tiếng chọc quê Hòa, kể cả những đứa chuyên xỏ xiên như Ngữ và Bá. Có lẽ vào những ngày cuối cùng, mỗi đứa trong tụi tôi đã chán công kích lẫn nhau. Chúng tôi đi vào hoạt động bề sâu: âm thầm dò xét và cố phán đoán xem đứa nào nói thật, đứa nào nói dối, và điều quan trọng nhất là đoán xem đứa nào đã thật sự chinh phục được sao chổi Halley. 

     Nếu Bá bị Nghị lung lạc thì tôi lại bị Hòa lung lay. Đối với tôi, những thông báo tình cảm của Hòa dù sao cũng có cơ sở hơn những lời rêu rao của Nghị. Để tập dượt văn nghệ chuẩn bị cho liên hoan bế giảng, gần mười ngày nay, Hòa thường xuyên "cặp kè" với Gia Khanh. Và trong thời điểm sắp sửa "chia tay mùa hạ" này, rất có thể Hòa đã tỏ tình với Gia Khanh. Và cũng rất có thể Gia Khanh đã... 

     Đã gì? Tôi không dám nghĩ tiếp. Chỉ nghĩ đến mấy chữ "kết quả mỹ mãn" mà Hòa hí hửng khoe khoang, lòng tôi đã trĩu buồn lo. Mà không lo sao được, khi những ngày gần đây, đến chơi nhà nhỏ Hồng, họa hoằn lắm tôi mới gặp được Gia Khanh. Nó cứ theo thằng Hòa tếch đi tận đẩy tận đâu. Những lúc ấy, lủi thủi trên đường về, tôi lại ray rứt nhớ tới ước mơ trở thành ca sĩ ngày nào.


Hôm liên hoan văn nghệ toàn trường cuối năm, tôi bất ngờ được lên sân khấu. Đúng là chuyện không mơ thấy nổi. 

     Đầu đuôi tại thằng Quang sún. Nó được phân công đóng vai tên đầy tớ trong vở hài kịch của lớp tôi. Tập dượt đâu vào đó, sắp đến ngày diễn, nó bỗng lăn đùng ra ốm. 

     Thằng Châu trưởng ban văn nghệ phải quýnh quáng tìm người thay vai. Không hiểu mắt nó quáng gà như thế nào mà nó lại chọn tôi. 

     Khi nghe Châu tuyên bố tôi đã được chọn đóng thế Quang sún, tóc gáy tôi cứ dựng đứng cả lên. Và dĩ nhiên, tôi từ chối quyết liệt: 

     - Không! Tao không đóng đâu! 

     - Mày cứ đóng đi! Không khó khăn lắm đâu! - Châu năn nỉ. 

     Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy: 

     - Tao đã nói là không đóng mà! Mày tìm đứa khác đi! 

     Châu nhăn nhó: 

     - Tìm ai bây giờ! Chỉ có mày là thích hợp với vai đó! 

     - Tao có biết đóng kịch đâu mà thích hợp! 

     Châu kiên trì động viên: 

     - Không biết thì tập rồi sẽ biết! Tướng mày khờ khờ, nhập vai đầy tớ thì không chê vào đâu được! 

     Châu động viên tôi mà y như chửi tôi. Tưởng nó chọn tôi đóng thế thằng Quang vì nó phát hiện tôi có năng khiếu diễn xuất, nào ngờ do nó phát hiện tôi có tướng làm... đầy tớ. Điều đó càng khiến tôi tẩy chay kịch nghệ. Tôi kiên quyết: 

     - Tao nói một lần chót: tao không đóng! 

     Châu túng thế, bèn cầu cứu cô Tần. Cô Tần dịu dàng nói với tôi: 

     - Khoa phải giúp cho ban văn nghệ của lớp mình một tay chứ! 

     Giọng cô Tần êm như ru. Nhưng lần này cô không ru được tôi. Tôi định nói cho cô biết là trong trường hợp này, "giúp hai tay" tôi cũng không giúp được nữa là "giúp một tay", nhưng tôi chưa kịp mở miệng thoái thác thì Gia Khanh đứng bên cạnh bỗng nhẹ nhàng lên tiếng: 

     - Nghe lời cô đi, Khoa ơi! Khi nào Khoa lên diễn, Gia Khanh quẹt lọ nghẹ giùm cho! 

     Gia Khanh đột ngột xen vào làm tình thế thay đổi hẳn. Nó ru được tôi ngay. Nó hứa hẹn cái khoản quẹt lọ nghẹ càng khiến tôi khoái chí tử. Tôi nhìn cô Tần, đáp bằng giọng ngoan ngoãn: 

     - Dạ, em sẽ đóng. 

     Thấy tôi chịu nhận lời, thằng Châu mừng hết lớn. Nó lập tức cầm tay tôi kéo đi phăng phăng. 

     - Đi đâu đây? - Tôi hỏi. 

     - Đi ăn chè! Tao đãi mày! 

     Châu dẫn tôi ra quán chè trước cổng trường, kêu hai ly thật to. Tôi lây thằng Ngữ, ghét chè nhất thế giới. Tôi chỉ khoái uống cà phê. Nhưng trước niềm hân hoan của Châu, tôi không nỡ từ chối. Tôi bưng ly chè to tổ bố, múc từng muỗng nhỏ cho vào miệng. 

     Và mặc cho Châu huyên thiên đủ chuyện bên tai, tôi vừa nhấp nháp vị ngọt vừa nghiền ngẫm về những éo le của đời người. Rốt cuộc thì rồi tôi cũng được lên sân khấu, nhưng thay vì trở thành ca sĩ, tôi lại thành kịch sĩ. Tôi chẳng được hát song ca chung với Gia Khanh, cũng chẳng đóng được một vai sang trọng. Số tôi là số ăn mày nên chỉ hợp với vai đầy tớ. Nếu không có lời của Gia Khanh, tôi đã từ chối thẳng thừng, mặc cho thằng Châu nài nỉ rã họng. 

     Nhưng Gia Khanh đã phán, tôi chỉ biết nhắm mắt nghe theo. Những ngày sau đó là những ngày tập dượt. Vì thời gian gấp rút nên thằng Châu bắt tôi tập cật lực. Hóa ra đóng kịch cũng không đến nỗi khó lắm. Hơn nữa,vai đầy tớ của tôi là vai phụ, chỉ xuất hiện trên sân khấu có mấy phút phù du, nên tôi chẳng vất vả bao nhiêu. Xem tôi tập, Châu đứng bên ngoài gật gù động viên: 

     - Khá lắm! Cố lên Khoa ơi! 

     Nó khen tôi mà sao tôi chẳng thích thú chút nào. Mặt tôi cứ rầu rầu. Cứ nghĩ đến chuyện trong khi tôi lăn lưng ra làm đầy tớ thì cùng lúc đó, Hòa lé đang tập hát chung với Gia Khanh ở đâu đó, bụng tôi cứ ấm a ấm ách. 

     Nhưng rồi đúng như ông bà nói "ở hiền gặp lành", nỗi gian khổ của tôi đã được đền bù. Tới ngày biểu diễn văn nghệ, Gia Khanh đã giữ lời hứa. Mấy phút trước khi vở kịch mở màn, nó đứng sau "hậu trường" ngoắc tôi: 

     - Khoa lại đây! 

     Tôi hí hửng chạy lại. 

     Đợi cho tôi lại gần, Gia Khanh thò ngón tay trỏ quẹt lên đít nồi rồi huơ huơ trước mặt tôi, mỉm cười bảo: 

     - Khoa đứng yên để Gia Khanh vẽ râu cho! 

     Chuyện "vẽ râu" lần trước khiến tôi đau khổ bao nhiêu thì cú "vẽ râu" lần này khiến tôi tươi tỉnh bấy nhiêu. Tôi nhắm mắt lại và cảm thấy ngón tay của Gia Khanh lướt nhẹ trên mặt tôi mềm mại và âu yếm xiết bao! Chỉ tiếc là râu con người ta mọc ít quá, chứ nếu râu cũng mọc tràn lan khắp mặt mày đầu cổ như cỏ dại, hẳn tôi sẽ tận hưởng cái cảm xúc ngọt ngào đó lâu hơn nữa. 

     Trang điểm cho tôi xong, Gia Khanh đứng lùi ra một bước, nghiêng đầu ngắm nghía. Vừa ngắm nó vừa cười khúc khích. 

     - Gì mà cười? - Tôi chột dạ hỏi. 

     - Trông Khoa "láu" lắm! 

     Nói xong, Gia Khanh đưa cho tôi một cái gương con. 

     Tôi tò mò nhìn vào gương. Và tôi cũng không nhịn được cười. Gia Khanh đã quệt cho tôi hai hàng lông mày rậm rì như hai con sâu róm. Mỗi lần tôi nhướng mắt, hai con sâu róm ngọ nguậy trông phát ớn. Nhưng buồn cười nhất là hai hàng ria mép. Hai hàng ria dài và vểnh cong lên như ria của d'Artagnan khiến gương mặt tôi nom láu cá không thể tưởng. 

     Với bộ tịch như thế, tôi vừa ló mặt ra sân khấu, đang còn ngơ ngơ ngác ngác, chưa nói được câu nào, tụi bạn đã cười ầm. Và mặc dù xuất hiện không nhiều, nhưng những pha "diễn" của tôi luôn được chào đón bằng những tràng pháo tay tán thưởng. Cho đến khi rời khỏi sân khấu, tôi cũng không thể nào tưởng tượng được con người ta có thể thành công trong môn kịch bằng cách vừa diễn vừa... run như tôi. 

     Gia Khanh đã đứng sẵn sau bục gỗ với chiếc khăn ướt trên tay. Tôi vừa lò dò leo xuống sân khấu, Gia Khanh đã tiến tới trước mặt tôi, dịu dàng nói: 

     - Để Gia Khanh chùi lọ nghẹ cho! 

     Và trong khi tôi đứng chết trân vì xúc dộng, chưa kịp đáp, Gia Khanh đã nhẹ nhàng áp chiếc khăn mát lạnh lên mặt tôi. Nhoáng một cái, hai con sâu róm và hàng ria vênh váo đã biến mất khỏi gương mặt tôi. Và hệt như trong những câu chuyện cổ tích đáng giá, chỉ cần công chúa Gia Khanh chạm tay vào người tôi, tôi liền thoát khỏi thân phận của một kẻ tôi tớ nghèo hèn, và lập tức biến thành một... phò mã khôi ngô. 

     Phò mã khôi ngô nhưng ngờ nghệch. Công chúa chùi lọ ẹ cho phò mã cả buổi rồi mà phò mã cứ đứng lóng ngóng chẳng biết nói gì. Mãi đến khi Gia Khanh chuẩn bị lên hát, tôi mới nói được một câu khách sáo hạng bét: 

     - Cảm ơn Gia Khanh nghen! 

     Lời nói vừa thốt ra khỏi cửa miệng, tôi chợt nhận ra sự vô duyên của mình, liền vội vàng lỉnh đi chỗ khác. Tôi chuồn xuống hàng ghế chót, đứng lẫn lộn với tụi học sinh lớp khác, nghếch mắt dòm lên sân khấu. Gia Khanh đang hát cặp với Hòa lé. Hòa vẫn không bỏ tật cũ, vừa hát nó vừa liếc Gia Khanh chằm chặp, cặp mắt nó đong đưa tình tứ. Nhưng lần này tôi không cảm thấy ấm ức nữa. Tôi cũng không thèm ghen tị với Hòa. Ngược lại tôi còn tội nghiệp nó. Nó đâu có biết trên sân khấu Gia Khanh hát chung với nó, nhưng dưới sân khấu Gia Khanh lại mơn trớn lau mặt cho tôi. Nó là ca sĩ, nhưng chính tôi mới là phò mã. Nó có hát đến rã họng, nó có liếc mắt đưa tình đến rách cả khóe cũng không mong chiếm được địa vị của tôi. 

     Niềm vui của tôi không dừng lại trong ngày hôm đó. Sáng hôm sau, không biết Bá đi đâu về mà nó xồng xộc đâm bổ vào phòng và cầm tay tôi kéo tuốt ra sau vườn. Bộ tịch của Bá khiến tôi không ngăn được thắc mắc: 

     - Làm gì mà lén lén lút lút vậy? 

     Khi chỉ còn có hai đứa, Bá cười hì hì: 

     - Cho mày coi cái này nè! 

     Vừa nói, Bá vừa rút trong túi ra một tấm hình đưa tôi. 

     Vừa nhìn thấy tấm hình, tôi đã giật bắn người và kinh ngạc kêu lên: 

     - Ủa, ở đâu ra vậy? 

     Hóa ra đó là tấm hình chụp cảnh Gia Khanh đang chùi lọ nghẹ cho tôi hôm qua. Bá có vẻ thích thú trước sự sửng sốt của tôi. Nó ưỡn ngực: 

     - Tao chụp chứ đâu! 

     - Xạo! 

     - Tao xạo mày làm gì! 

     - Mày làm gì có máy ảnh mà chụp? 

     Bá khịt mũi: 

     - Máy ảnh của ông thợ chụp hình. Trường mình thuê ổng vô chụp ảnh liên hoan văn nghệ. Hôm qua, thấy cảnh mùi mẫn của hai đứa mày, tao liền mượn máy ảnh của ổng, đưa lên bấm "cắc" một phát. (Truyện bạn đang đọc được đưa lên bởi wapsite Haythe.US - Chúc bạn đọc truyện vui vẻ) Thế là có ngay tấm hình "lịch sử" này. 

     Tôi không thắc mắc nữa. Mà cúi xuống ngắm nghía tấm hình. Đúng như Bá nhận xét, cảnh Gia Khanh lau mặt cho tôi trông thật mùi mẫn. Tôi có cảm tưởng không phải nó chùi lọ nghẹ cho tôi mà nó âu yếm lau... những giọt lệ cho người yêu trước phút chia tay. Sự liên tưởng ngậm ngùi đó khiến tôi không ngăn được một tiếng thở dài. Tôi nói với Bá: 

     - Mày đưa tao tấm hình này đi! 

     - Chi vậy? 

     - Tao tặng Gia Khanh làm kỷ niệm. 

     Bá dường như đọc được tâm trạng của tôi. Nó không nỡ chọc ghẹo. Mà hất hàm: 

     - Mày lấy đi. 

     Tôi mừng như mở cờ trong bụng, liền vội vã rảo bước đến nhà Gia Khanh. Tôi bắt gặp nó đang đứng chải tóc trước cửa. 

     Thấy tôi xuất hiện, Gia Khanh tròn mắt, nhưng nó chưa kịp hỏi, tôi đã vội vàng lên tiếng: 

     - Tặng Gia Khanh cái này nè! 

     Vừa nói tôi vừa dúi tấm hình vào tay nó, rồi lật đật bỏ đi. Tôi không đủ can đảm đứng lại để chứng kiến cảnh Gia Khanh "nghiên cứu" tấm hình tình tứ đó. 

     Nhưng tôi mới đi được hai mươi thước, đã nghe Gia Khanh gọi giật phía sau: 

     - Khoa ơi Khoa! 

     Gia Khanh kêu lớn đến mức tôi không thể giả điếc. Tôi đành phải bồn chồn quay lại, trái tim đập thình thình như muốn văng ra khỏi lồng ngực. Gia Khanh chẳng thèm quan tâm đến vẻ hốt hoảng của tôi. Nó mỉm cười đưa tấm hình: 

     - Trả cho Khoa nè! 

     Nó nhẹ nhàng đặt tấm hình vào tay tôi và thản nhiên quay vào nhà và không cần biết tôi có chịu nhận hay không. Tôi cầm lấy tấm hình như cầm một mảnh tình đã vỡ, lòng đau như xé. Như vậy là Gia Khanh đã thẳng tay từ chối tình tôi. Nó không buồn nhận tấm hình kỷ niệm của tôi, hành động đó có khác chi một lời nói phũ phàng. Hóa ra nó lau mặt cho tôi cũng như nó lau mặt cho... em út nó, chùi lọ nghẹ cũng như chùi lòng thòng mũi dãi, chùi cho sạch sẽ vệ sinh chứ nào phải... lau khô lệ thắm, vậy mà thằng Bá và tôi cứ hí hửng kêu "mùi". 

     Gia Khanh bỏ vô nhà đã lâu mà tôi cứ ngẩn ngơ đứng tựa trời trồng. Phải mất đến mười lăm phút sau, tôi mới hoàn hồn và bần thần đưa tay đút tấm hình vô túi áo. 

     Nhưng khi giơ tấm hình lên, tôi bỗng nhác thấy một dòng chữ thấp thoáng ở mặt sau. Tôi run run lật ngược tấm hình lại và bàng hoàng khi bắt gặp hàng chữ nguệch ngoạc của Gia Khanh: 

     - Bốn giờ chiều mai, Gia Khanh đợi Khoa ở Ngàn Khơi!


Con sông chảy ngang thành phố quê tôi có một cái cồn nhô lên ở giữa dòng, mọc toàn dương liễu. Giữa khung cảnh hữu tình đó, người ta mở một quán nước. Đó là quán Ngàn Khơi. 

     Người ta không bắc cầu qua cồn. Muốn ra quán Ngàn Khơi, chúng tôi phải xắn quần tới gối, bì bõm lội qua khúc sông cạn lấp lánh đá cuội. Lộ trình vất vả nhưng thơ mộng, vì vậy nhiều người thích đến đây. Quán Ngàn Khơi là địa điểm píc-níc thường xuyên của tụi Anh văn. Thỉnh thoảng vào những chiều đẹp trời, tôi cũng hay đến đây ngồi, khi thì với Bá, khi thì với Ngữ. 

     Tôi chưa bao giờ dám ước mơ sẽ có một ngày tôi cùng với Gia Khanh ngồi ở quán Ngàn Khơi. Vậy mà bây giờ điều kỳ diệu đó sắp sửa xảy ra. Ngày cuối năm, Gia Khanh đã dành cho tôi một "quà tặng" bất ngờ và đầy ý nghĩa. Tôi cầm chặt tờ "phiếu hẹn" trên tay như cầm một làn sương hư ảo, cứ sợ nó thình lình tan biến. Như vậy là Gia Khanh đã không nỡ từ chối tình tôi như tôi nghĩ cách đây mấy phút. Nó bí mật hẹn hò với tôi ở chỗ sông nước nên thơ, còn tình tứ hơn cảnh Juliette hẹn Roméo ở lan can sân thượng. Roméo đu dây leo lầu như khỉ đột, rủi sẩy tay là đi đứt cuộc đời, tôi lội qua eo nước cạn, an toàn gấp mấy lần nhân vật dại dột của Shakespeare. 

     Trưa đó, tôi về nhà trên đôi chân sáo. Tôi không cảm thấy mặt đất dưới chân tôi. Tôi đang bay. Tôi lơ lửng trôi qua những cửa hiệu và những cột đèn. Tôi suýt đâm sầm vào bánh xe ô tô mười sáu lần cả thảy. Tôi hát vang trên đường, bất chấp ánh mắt kinh dị của những người chung quanh. Hôm đó, quả thật tôi gặp hên, nếu không cảnh sát đã tóm cổ tôi tống vào nhà thương điên. 

     Cảnh sát không để ý đến tôi nhưng Bá để ý ngay. Tôi vừa ló mặt vô phòng, Bá đã trố mắt: 

     - Làm gì mà mày hát hò lếu láo như thằng điên vậy? Em nhận tấm hình rồi hả? 

     Tôi cười bí ẩn: 

     - Em không nhận! Nhưng chuyện này còn tuyệt vời hơn chuyện nhận tấm hình! 

     - Chuyện gì vậy? - Bá tò mò. 

     Tôi nháy mắt: 

     - Tao biết rồi! 

     Thái độ úp úp mở mở của tôi làm Bá nổi cáu. Nó sẵng giọng: 

     - Dẹp kiểu ăn nói quanh co đó đi! Mày biết gì nói đại ra coi! 

     Tôi nhún vai: 

     - Biết đến bao giờ chứ biết gì! 

     "Biết đến bao giờ" là tên bài thơ dạo trước Bá gạ cho tôi, một tác phẩm từng bị thằng Ngữ "kết án tử hình". Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi ai oán "biết đến bao giờ em biết yêu?". Bá là đứa thông minh, vừa nghe thoáng qua, nó đã đoán ngay tôi muốn nói gì. Nó liền sáng mắt lên: 

     - Bộ em phát tín hiệu trả lời rồi hả? 

     - Ừ! Mày có biết "biết đến bao giờ" là bao giờ không? 

     - Bao giờ? 

     - Chiều mai. 

     Vừa nói, tôi vừa hớn hở chìa ra hàng chữ đằng sau tấm hình cho Bá coi. Bá gật gù: 

     - Có thế chứ! Tao đã bảo với mày bao nhiêu lần là em yêu mày kia mà! 

     Giọng Bá đắc thắng hệt như Gia Khanh đem lại hạnh phúc cho nó chứ không phải cho tôi. 

     - Giờ sao? - Tôi hỏi. 

     - Sao là sao? 

     Tôi ngập ngừng: 

     - Giấu tụi thằng Ngữ chứ? 

     - Việc gì phải giấu! - Bá hừ mũi - Phải cho tụi nó biết thế nào là... lễ độ! Tao sẽ tuyên bố mày là kẻ chiến thắng trong cuộc đua gian khổ này! 

     Vẻ hăm hở của Bá khiến tôi phát hoảng. Tôi níu tay nó: 

     - Thôi, đừng... 

     Tôi chưa nói dứt câu, Bá đã hất tay tôi ra: 

     - Không "thôi, thôi" gì hết! Tao sẽ nói! - Rồi như để trấn an tôi, Bá nói thêm - Nhưng tao sẽ nói vào lúc thích hợp nhất. 

     Cái "lúc thích hợp" đó được Bá ấn định vào trưa hôm sau. Trưa đó, mẹ Nghị chuẩn bị một bữa tiệc chia tay thịnh soạn để đãi những vị khách trọ sắp về quê nghỉ hè. Thực ra, trong bọn chỉ có tôi, Bá và Ngữ là sửa soạn lên đường. Tôi về Bình Tú. Bá về Quán Gò. Ngữ đi Lý Tín. Gọi là quê chứ chỗ chúng tôi ở không xa thành phố là bao, nơi xa nhất không tới ba mươi cây số. Hội An của Gia Khanh mới thật là xa lăng lắc. Khác với ba đứa chúng tôi, Hòa lé ở ngay thành phố. Nhà nó cách nhà Nghị chừng năm cây số. Nhưng vì ham vui, nó cũng khăn gói đến nhà Nghị "ở trọ" với tụi tôi. Tội nghiệp nó, hè này tụi tôi đi hết, chắc nó cũng chuồn về nhà nằm khoèo đọc truyện Tàu. 

     Suốt buổi sáng, chúng tôi kéo nhau ra phố uống cà phê, ngồi đấu láo. Sau đó, Nghị chạy đi mượn máy ảnh và cả bọn quay về nhà, ra sau vườn thay nhau chụp hình làm kỷ niệm. Hè năm nay, Ngữ bỏ trò viết lưu bút. Nó đang thất tình, chẳng bụng dạ nào gửi gắm tâm tư. 

     Khác với Ngữ, buổi sáng đó đối với tôi là một buổi sáng rực rỡ vô cùng. Chân đi theo bạn bè, nhưng đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ đến cái hẹn bốn giờ chiều ở hòn đảo ngoài khơi gió lộng. Kể từ khi cha sanh mẹ đẻ đến nay, lần đầu tiên tôi biết thế nào là nôn nao mong ngóng. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự lề mề của thời gian. Tôi ghét cay ghét đắng sự chuyển dịch uể oải và lười nhác của kim đồng hồ. 

     Tới mười một giờ rưỡi, chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Vẫn chỉ năm đứa tôi. Những người thân của Nghị chỉ xuất hiện ở phần đầu rồi rút lui cho tụi tôi tự nhiên... tán phét. 

     Tôi ngồi vào bàn với nỗi lo ngay ngáy. Tôi sợ Bá sẽ khai ra sự hẹn hò của tôi. Nhưng suốt bữa ăn, Bá chẳng nói gì. Nó đang bận bịu với món gà rô-ti, và món thịt sườn sau đó. Chỉ đến cuối bữa ăn, khi hàm răng nó đã chán đối phó với những khúc xương đã được gặm kỹ kia rồi, Bá mới bắt đầu mở máy. Bây giờ thay vì gặm xương, nó chuyển sang "gặm" tôi. 

     Dĩ nhiên, Bá không "gặm" tôi ngay. Nó mở đầu vòng vo kiểu "lung khởi", theo đúng phong cách "giáo sư" của nó: 

     - Chà, bây giờ bàn tới chuyện chính đây! 

     Từ nãy đến giờ, tụi thằng Nghị vẫn chuyện trò rôm rả đủ thứ trên đời, bỗng nghe Bá giở giọng nghiêm trọng, tụi nó lập tức nhìn chòng chọc vào Bá. 

     - Chuyện chính là chuyện gì? - Nghị dè dặt hỏi. 

     Ngữ cà khịa: 

     - Máy bay đụng phải xe đò hả? 

     Bá cố giữ vẻ điềm tĩnh. Nó tằng hắng: 

     - Không, chuyện này quan trọng hơn nhiều! Chuyện... Gia Khanh! 

     - Gia Khanh sao? - Hòa hỏi, giọng ngây thơ. 

     Bá nhún vai: 

     - Mày đừng có giả bộ ngờ nghệch! Năm học đã kết thúc, tụi mình sắp sửa mỗi đứa về một ngả, tao nghĩ đã đến lúc cần phải tuyên bố đứa nào đã chinh phục được trái tim của em. 

     Ngữ hất hàm: 

     - Tuyên bố chi vậy? 

     Bá hùng hồn: 

     - Tuyên bố để chúc mừng cho người chiến thắng. Và nhất là để "xác nhận chủ quyền" hầu tránh cảnh huynh đệ tương tàn trong năm học tới chứ chi! 

     Lý do Bá đưa ra chính đáng đến mức không đứa nào dám phản kháng. Chỉ có Ngữ phản ứng bằng cách gầm gừ: 

     - Theo tao, chẳng có ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh này hết! 

     Bá quắc mắt: 

     - Có đấy! 

     - Ai? 

     - Thằng Nghị! Chính nó bảo em Gia Khanh đồng ý cho nó chở về quê. Tụi mình cần phải chúc mừng nó. 

     Bá chơi đòn độc. Nó đẩy Nghị lên lưng cọp để "nắn gân" đối thủ. Nghị trúng kế ngay. Thấy Bá xúi giục bạn bè chúc mừng mình, Nghị sợ xanh mặt, liền đính chính: 

     - Bậy, bậy! Không có đâu! Đó là tao nói đùa vậy thôi! Gia Khanh chỉ coi tao như bạn! 

     Bá gật gù: 

     - Không phải thì thôi, làm gì mà mày hoảng lên vậy! 

     Rồi Bá quay sang Ngữ, làm bộ dịu dàng: 

     - Không phải thằng Nghị thì chắc là thằng Ngữ! 

     Ngữ cố tỏ ra thản nhiên: 

     - Ai bảo mày vậy? 

     Bá nheo nheo mắt: 

     - Chính mày bảo chứ ai! Mày chẳng đưa cho thằng Khoa xem bài thơ Gia Khanh gửi tặng mày là gì! 

     Đòn thằng Bá tung ra bữa nay toàn là đòn hiểm. Ngữ bắt đầu chột dạ. Nó giả vờ ngơ ngác: 

     - Bài thơ nào? 

     Bá cười hì hì: 

     - Sao mày mau quên quá vậy? Nếu vậy để tao đọc lại cho mày nhớ! - Bá liền hắng giọng ngâm nga - Những bài thơ anh viết, em đọc đã thuộc lòng, dẫu là chim xứ lạ... 

     Ngữ không để Bá đọc hết. Nó chặn ngang: 

     - Bài thơ đó của tao chứ đâu phải của Gia Khanh! 

     Hòa lé ngồi bên cạnh cười hích hích: 

     - Thơ của nó mà nó xưng "em", ngộ ghê! 

     Ngữ lừ mắt nhìn Hòa: 

     - Mày cóc biết gì hết mà xía vô! Nhà văn nhà thơ muốn xưng gì chẳng được! Phải đặt mình vào toàn thể nhân loại thì mới viết được tác phẩm hay chứ! 

     Bá hạch Ngữ: 

     - Thơ của mày sao tuồng chữ lạ hoắc vậy? 

     Ngữ đỏ mặt: 

     - €, à, đó là do tao viết... tay trái. 

     Bá gục gặc đầu và khẽ liếc tôi. Ánh mắt tinh quái của nó ngầm bảo tôi rằng nó xứng đáng là sư phụ tôi, rằng trước đây nó đã đoán trúng chóc thằng Ngữ là tác giả của bài thơ đó chứ không ai. Bữa nay, Bá còn một niềm sung sướng khác là "phục thù" được Ngữ. Dạo trước, Bá sáng tác chuyện vui cười gửi đăng báo, bị Ngữ chê tàn mạt. Bá tức điên nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Lần này tới Ngữ thất thế. Bá truy tới đâu, nó khai tới đó, mặt mày méo xẹo. 

     Sau khi loại Ngữ ra khỏi vòng chiến, Bá dòm sang Hòa: 

     - Vậy là mày? 

     - Tao sao? 

     - Còn sao nữa! Chính mày cuỗm được trái tim em Gia Khanh phải không? 

     Hòa khác Nghị và Ngữ. Trước đây nó không dại dột khoe khoang điều gì cụ thể. Nó chỉ nói lấp lửng "kết quả mỹ mãn". Vì vậy, bây giờ nó không thèm chối bai bải như hai đứa kia. Bá hỏi, nó chỉ cười bí hiểm: 

     - Ừ đó! Rồi sao? 

     Bá khịt mũi: 

     - Chúc mừng mày chứ sao! 

     Hòa tỉnh khô: 

     - Thì tụi mày chúc mừng đi! 

     Giọng Hòa lé sặc mùi khiêu khích. Nó tính tung hỏa mù cho tụi tôi phấp phỏng chơi. Ngữ và Nghị sụp bẫy nó ngay. Cả hai đứa tròn xoe mắt, hồi hộp: 

     - Thật hay chơi đó mày? 

     Hòa nhơn nhơn: 

     - Tao nói chơi với tụi mày làm gì! 

     Trong khi Ngữ và Nghị chưa hết bàng hoàng, Bá bỗng cười hề hề: 

     - Thằng Hòa mắt lé, nó tưởng Gia Khanh cũng lé như nó! 

     Giọng xỏ xiên của Bá khiến Hòa tím mặt. Nó nghiến răng: 

     - Gây sự gì đó mày? 

     Bá tặc lưỡi: 

     - Tao gây sự với mày làm gì! Tao chỉ muốn nói là còn khuya mày mới rớ được ngón chân út của Gia Khanh. 

     Hòa chống chế: 

     - Mày chỉ giỏi đoán mò! 

     - Tao không đoán mò! - Bá lên giọng - Bởi vì tao biết Gia Khanh hiện nay đang yêu ai! 

     Tiết lộ của Bá gây chấn động ngay lập tức. 

     - Ai? - Cả ba cái miệng cùng hỏi. 

     Bá không trả lời. Mà nó rút tấm hình chụp tôi với Gia Khanh đưa ra trước mặt: 

     - Muốn biết, tụi mày hãy xem đây! 

     Mặc dù biết trước sau gì Bá cũng lôi tấm hình đó ra hù dọa tụi thằng Nghị, nhưng động tác quảng cáo theo kiểu bán thuốc sơn đông của Bá khiến tôi xấu hổ chín người. Tôi ngậm miệng ngó lơ chỗ khác, mặt đỏ nhừ. 

     Hòa lé liếc tấm hình, bĩu môi: 

     - Tưởng gì! Hôm kia Gia Khanh chùi lọ nghẹ cho khối đứa chứ đâu phải cho một mình thằng Khoa! Có vậy mà cũng bày đặt "xem đây"! 

     Ngữ cười hô hố: 

     - Tấm hình trông "tình" ghê! Nhưng ở đây là tình... mẫu tử! Y hệt cảnh mẹ lau mặt cho con! 

     Lối ăn nói độc địa của thằng Ngữ làm cho tôi ngứa ngáy quá chừng. Tôi phải cắn chặt môi để khỏi "độp" lại nó. Trong khi đó, Bá tỉnh như không. Đợi cho tụi kia châm chọc đã đời, Bá mới từ tốn nói tiếp: 

     - Thực ra, ý nghĩa của tấm hình này không phải nằm ở mặt trước mà nằm ở mặt sau kìa! 

     Nói xong, Bá từ từ lật tấm hình lại, chìa những lời hò hẹn tình tứ ra ngoài. 

     Lần này thì các đối thủ của tôi im bặt. Với vẻ bàng hoàng giống nhau, sáu cặp mắt đều đồng loạt mở lớn và nhìn chòng chọc vào những tín hiệu mà tôi bắt được từ sao chổi Halley. 

     Một phút sau, sáu tia la-de đó không hẹn mà cùng nhất tề chĩa vào tôi và chúng nóng bỏng đến mức tôi tưởng mình sắp sửa cháy thành tro. 

     Đến lúc tôi đinh ninh tôi chuẩn bị phát hỏa, Nghị bỗng lên tiếng phá tan sự yên lặng nặng nề. Nó chìa tay ra phía trước: 

     - Chúc mừng mày, Khoa! 

     Tôi nắm tay Nghị chưa kịp buông ra, Ngữ đã chìa tay tiếp. Vừa chúc mừng tôi, Ngữ vừa triết lý theo kiểu A.Q: 

     - Dù sao, Gia Khanh cũng chọn một đứa trong tụi mình thay vì đi yêu những đứa khác! Đó là thắng lợi chung cả năm anh em mình! 

     Lần đầu tiên, tôi nghe thằng Ngữ vua cà khịa dùng chữ "năm anh em mình". Tôi vừa tức cười lại vừa cảm động. 

     Hòa lé không bắt tay tôi. Nó chúc mừng tôi theo kiểu của nó. Nó uốn éo hát: 

     - Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có "bồ" rồi anh tiếc lắm thay... 

     Hòa có tiếc thì nó ráng chịu, chứ tôi biết làm sao. Nó hát hay thế, chẳng hiểu sao Gia Khanh lại không chọn nó mà chọn tôi, lạ thật! Trong cái ngày lịch sử đó, cho đến khi tôi chuẩn bị lên đường với người yêu thì chuyện "nội bộ" coi như đã giải quyết xong. Những tình địch của tôi thật vô cùng dễ thương và tốt bụng. Khi biết thần tình ái đã chọn tôi làm "đại biểu", cả bọn đã nhanh chóng quên đi những tình cảm riêng tư để xúm vào trang bị cho người... ra trận. 

     Tôi mặc chiếc quần vía của Bá, dây nịt của Hòa, xỏ đôi giày mới mua của Ngữ. Thằng Nghị thì đưa tôi mượn chiếc đồng hồ Seiko và chiếc Honda của nó. Nói tóm lại, ngày tôi đến với mối tình đầu, chỉ có chiếc áo sơ mi là của chính tôi, nếu không kể trái tim đang đánh lô tô trong ngực. Vậy đó, tôi đi.

Kết Thúc (END)

Home » Truyện » Truyện Teen » Hoa Hồng Xứ Khác
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM