Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!
Hồi trưa tôi định kể với thằng Thục chuyện con Rùa nấp ngoài hè rình tôi nhưng khi Thục rủ tôi qua nhà thằng Hợi, bỗng dưng tôi quên bẵng mất chuyện đó.
Sáng hôm sau, tôi vẫn ngồi chỗ chiếc bàn cạnh cửa sổ, lật cuốn sách đang đọc dở ra xem tiếp. Nhưng lần này, tôi bắt gặp mình không thể tập trung như hôm qua. Tôi càng cố vùi mình vào trang sách thì trang sách càng đẩy tôi ra. Hình bóng con Rùa lấp đầy tâm trí tôi làm tôi lãng đi. Nó ám ảnh tôi đến mức khi ngẩng đầu lia mắt ra chung quanh, thoạt nhìn thấy thứ gì tròn tròn tôi cũng tưởng là con mắt: những hạt nút của chiếc áo bông với những đường sọc chéo đã cũ treo trên vách, một mẩu đinh bị cong trên thân cột, một vết ố trên tấm liếp, một chiếc khoen han gỉ...
Nhưng tới một lúc, tôi nhận ra cạnh chiếc tủ quần áo, ở khe hở giữa hai tấm phên, có một đôi mắt đang nhìn tôi thật. Khi phát giác ra con Rùa, tôi giật đánh thót một cái, nhưng ngay lập tức tôi kềm mình lại. Tôi vờ như không hay biết, lại cúi xuống trang sách trước mặt, cắm cúi đọc.
Tôi ngồi yên trên ghế, cố không nhìn về phía con Rùa nấp, nhưng đôi tai tôi dỏng lên nghe ngóng xem nó có bỏ đi hay không.
Một hồi lâu, tôi vẫn không nghe thấy động tĩnh gì. Như vậy, con Rùa vẫn còn ở ngoài hè. Nó vẫn đang nhìn trộm tôi qua khe liếp. Tới đây thì tôi vô cùng bối rối, vì tôi không biết phải làm gì tiếp theo. Tôi biết nếu tôi đứng lên, chắc chắn con Rùa sẽ bỏ chạy. Nhưng tôi cũng không thể ngồi trơ ra mãi như vậy.
Cuối cùng, tôi đánh liều lên tiếng, vẫn không ngẩng mặt lên, cố lấy giọng thật ngọt ngào, thân thiện:
-Em thích đọc sách lắm hả em?
Có tiếng sột soạt từ phía vách đáp lời tôi. Có lẽ con Rùa bị bất ngờ nên gây ra tiếng động nhưng rồi nó kịp dập tắt ngay.
Không thấy tiếng chân chạy, tôi bắt đầu cảm thấy yên tâm. Vẫn tư thế cũ, tôi lại dịu dàng hỏi:
-Em thích đọc sách gì hả Rùa?
Lần này bị tôi gọi đích danh, con Rùa biết là tôi đã phát hiện ra nó. Cũng như tôi, có lẽ nó đang lúng túng
không biết phải làm gì: bỏ chạy, vẫn đứng nguyên tại chỗ hay lên tiếng trả lời.
Ở bên trong, tôi cũng đang nín thở chờ đợi, vì thực ra tôi cũng không rõ con Rùa sẽ phản ứng ra sao.
Một bầu không khí khắc khoải chạy quanh căn nhà. Tiếng gió rít qua những tàng cây vọng vào tai tôi rõ mồn một. Tiếng cãi nhau giữa hai con chích chòe trên cành me trước ngõ nhà thằng Thục dường như cũng lảnh lót hơn ngày thường. Tóm lại, tôi nghe đủ thứ tiếng, kể cả tiếng cỏ xào xạc sau vườn lẫn tiếng lao xao mơ hồ vẳng lại từ ngọn đồi xa. Tôi nghe thấy tất, trừ tiếng con Rùa. Tôi đành phải liếm môi, nói mà chẳng có chút hy vọng gì:
-Vào nhà chơi đi em!
Tôi thở dài khi nghe tiếng chân con Rùa rời đi và trong khi tôi không trông mong gì nó sẽ quay trở lại thì mái tóc kỳ quặc của con Rùa thình lình hiện ra trước cửa sổ chỗ tôi ngồi.
Tôi ngước nhìn nó, mỉm cười và bây giờ tôi nhận ra mái tóc nó có màu hung đỏ, có lẽ do nó chạy nhảy ngoài nắng nhiều quá. Trái ngược với mái tóc xấu xí đó, con
R
ùa có một gương mặt rất dễ coi, đặc biệt là đôi mắt nó sáng ngời và long lanh như hai giọt nước.
Hai giọt nước nhìn tôi và tôi nhìn hai giọt nước.
Một lúc lâu, chẳng ai nói gì. Trong tình thế đó, nụ cười trên môi tôi bỗng hóa thành gượng gạo và khi các cơ mặt tôi sắp sửa cứng lại như gỗ thì con Rùa chợt giải vây cho tôi. Nó hỏi:
-Đọc sách thích không anh?
-Thích! Thích lắm! - Tôi rối rít đáp, mừng rỡ một cách lộ liễu - Trên đời không có gì thú hơn đọc sách, em à.
Giọng điệu nhuốm màu quảng cáo của tôi lập tức tác động đến con Rùa. Nó liếm môi:
-Thật không anh?
-Thật mà! - Tôi cầm cuốn sách chìa ra cửa sổ, hào phóng - Em đem cuốn sách này về đọc đi. Anh cho em mượn đó.
Con Rùa cầm lấy cuốn sách, lật lật vài trang rồi đặt xuống bàn trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi:
-Thôi.
-Sao thế em?
Con Rùa trả lời tôi bằng một nụ cười bẽn lẽn:
-Em chỉ đọc truyện tranh à.
6
Hôm đó, tôi đi theo con Rùa lên nhà nó chơi. Nhà nó bên kia sông, cạnh nhà cô Út Huệ. Tôi bảo tôi đi thăm cô Út, sẵn dịp ghé nhà nó cho biết. Nghe tôi khoe tôi hồi bé tôi là học trò của ông nội nó, con Rùa có vẻ thích thú lắm.
Tôi chưa thấy ai đi qua cầu treo ung dung như con Rùa. Trên chiếc cầu không ngừng đong đưa đó, nó chạy nhảy tung tăng như đi trên mặt đất, chẳng thèm bám vào dây vịn.
Qua khỏi cầu, con Rùa chẳng chịu về nhà ngay. Nó rủ tôi di dọc bờ sông, la cà theo dãy bìm bịp hoa tím, hái trái dành dành và hoa dong riềng đỏ ối cầm tay. Trông con Rùa lúc này thật sinh động và đáng yêu. Nó chẳng giống chút gì với con Rùa rụt rè đứng trước cửa sổ tôi lúc nãy. Thậm chí mái tóc hung đỏ cắt vụng của nó cũng chẳng làm tôi buồn cười nữa.
Con Rùa ở trước mặt tôi đây, chẳng khác nào một con sóc nhỏ. Nó chạy vô bụi cây bên tay trái bứt một chiếc lá, lội qua bụi cây bên tay phải hái một bông hoa.
Có một lúc, nó ngồi xổm xuống ven đường quơ tay hái mấy nắm lá xanh đang mọc lan dưới chân bụi cúc tán.
Nó đưa tôi một chiếc lá, còn nó bỏ một chiếc vô miệng nhai:
-Anh ăn không?
Tôi cúi nhìn chiếc lá mỏng có ba cánh, mỗi cánh lá có hình trái tim, ngần ngừ một chút rồi bỏ vô miệng nhằn lấy nhằn để, thấy chua chua, giống như lá bứa. Hồi bé, tôi hay trèo cây bứa tìm trái, không có trái thì hái lá nhai cho vui miệng.
-Lá gì vậy em?
-Me chua đất. Em hái về cho bà nội em nấu canh chua.
Tôi nhìn con Rùa, tự nhiên thấy lòng dâng lên một cảm giác gì đó khó tả. Nó đi chơi, vẫn không quên hái lá về cho nội nấu canh. Chắc nó thương bà nó lắm.
Lúc tôi bước vào nhà con Rùa, thầy Điền đang ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu cói bạc màu, quay mặt ra cửa. Mắt thầy nửa nhắm nửa mở, miệng lầm rầm tụng kinh, tay gõ mõ bằng chiếc dùi trông giống như chiếc chày giã tiêu của mẹ tôi. Tôi ngần ngừ nhìn con Rùa, phân vân không biết có nên mở miệng không. Như biết ý tôi, nó kêu khẽ:
-Ông ơi ông! Có học trò cũ đến thăm ông nè!
Thầy Điền không mở hẳn mắt ra, chỉ nhướn lên một chút để nhìn tôi.
-Con là Đông, cháu ông Chín Ngạc, thưa thầy! - Tôi rụt rè nói.
Tôi thấy ánh mắt thầy Điền lóe lên như có một ngọn đèn pin vừa chớp lên trong đáy mắt. Ngọn đèn chỉ chớp lên trong tích tắc thôi, rồi tắt phụt. Đôi mắt thầy lại lim dim như cũ, miệng vẫn rì rầm tụng niệm, chiếc dùi trên tay thầy nhịp vào chiếc mõ những điệu buồn, khoan thai và đều đặn.
Tôi đứng chôn chân bên cạnh chiếc chiếu cói, xéo bên tay trái thầy, có cảm giác mình bị hoa mắt, miệng khô cứng. Tôi không biết thầy có nhận ra tôi không. Phải chăng thầy đã nhận ra đứa học trò ngày nào qua tia chớp vừa lóe lên trong mắt thầy? Nhưng có thực là tôi đã nhìn thấy tia chớp đó hay tất cả chỉ là do tôi tưởng tượng, tôi cũng không chắc lắm.
Bây giờ thì thầy Điền có vẻ đã quên phắt sự có mặt của tôi. Chỉ con Rùa là nhớ. Nó kéo áo tôi:
-Ra sau hè chơi đi anh!
Tôi lẽo đẽo theo nó rời khỏi phòng khách, sau lưng tôi tiếng mõ không ngừng đuổi theo với một âm điệu rầu rầu.
-Từ khi dời nhà về đây, ông em bắt đầu lẩn thẩn.
Tiếng con Rùa vang lên bên tai tôi, nó nói như thanh minh.
Tôi không nói gì, nhưng tôi tin lời con Rùa. Lúc còn dạy học, thầy Điền đã là ông giáo già nhất làng. Mười năm trước, lúc nhà tôi chuyển vào phương Nam, thầy Điền đã xấp xỉ sáu mươi tuổi. Lẽ ra, ở tuổi đó người ta đã nghỉ hưu. Nhưng vì trường thiếu giáo viên nên thầy được giữ lại.
Sau hè nhà con Rùa, cây bướm bạc khoe những chiếc lá trắng xanh với những đường gân mảnh còn ướt sương đêm nhờ những tàu lá chuối to bản phía trên quạt giùm hơi nóng. Tôi nhìn những chiếc lá, tưởng tượng đó là những bàn tay có làn da mỏng đến mức thấy rõ mớ gân xanh và tôi không kềm chế được ý định sờ tay vào một chiếc lá để ngắm những hạt sương âu sầu rơi xuống.
Kế cây bướm bạc là hòn non bộ với những nhành dương xỉ mọc ra từ kẽ đá, một cây cầu bắc qua khe nước nhỏ và một con gà trống bằng đất nung đang đứng nghển cổ ngay ven hồ nước. Ở bậc đá phía trên là một hang động huyền bí tối om om, ngay cửa hang một ngư phủ đang kiên nhẫn buông câu với chiếc nón rộng vành che gần hết gương mặt. Hai tiên ông ngồi đánh cờ trên một chiếc bàn đá vuông gần đó.
Quân cờ là những hòn sỏi, có lẽ đó là lý do khiến cả hai ngồi bất động vì không phân biệt được quân nào với quân nào. Hồi bé tới chơi nhà bạn, thấy hòn non bộ là tôi thích mê. Trừ bầy cá vàng bơi lội tung tăng bên dưới đám bèo tai chuột, những gì còn lại ở một hòn non bộ đều im lìm trầm mặc. Tôi từng đứng hàng giờ bên một hòn non bộ để hồi hộp chờ ông tiên đẩy quân cờ hay vung cây rìu bén vào thân gỗ trước mặt, với niềm tin ngây thơ nếu tôi kiên trì chờ đợi thế nào điều kì diệu đó cũng xảy ra.
Con gà bằng đất nung trước mặt tôi lúc này cũng vậy. Tư thế của nó sống động đến mức tôi có cảm tưởng sớm muộn gì nó cũng sẽ cất tiếng gáy và tôi cứ đứng lì ra một lúc lâu cho đến khi con Rùa kéo tay tôi:
-Đi chơi đi anh! Anh có đứng đến tối nó cũng không gáy đâu!
Tôi đỏ mặt khi con Rùa nói huỵch toẹt ý nghĩ trong đầu tôi.
-Đi đâu hở em? - Tôi hỏi, như để chữa thẹn.
-Ra đầm sen chơi! Đi hái sen với em!
Tôi chưa kịp hỏi đầm sen ở đâu, một con ngỗng không biết từ đâu lạch bạch lao tới chỗ tôi, vừa chạy vừa kêu quàng quạc khiến mặt tôi tái mét. Tôi rất sợ ngỗng. Từ bé tôi đã sợ ngỗng. Hồi đó mỗi lần mẹ tôi rủ tôi về thăm ngoại là tôi hãi. Ông ngoại tôi nuôi một bầy ngỗng thả rong trước sân để giữ nhà. Lần nào tôi tới thăm ông cũng bị bầy ngỗng rượt chạy trối chết, không ít lần tôi bị ngỗng mổ vào bắp chân. Ngỗng mổ rất đau, chẳng khác nào có ai lấy kèm kẹp vào da mình.
Thấy mắt tôi mở trừng trừng, bộ tịch như sắp lăn ra xỉu tới nơi, con Rùa cười:
-Anh sợ hả?
Nói xong, con Rùa đứng chắn trước mặt tôi và thò tay thộp trúng ngay cổ con ngỗng lúc này đã vươn ra rất dài và chiếc mỏ cứng như thép của nó suýt chút nữa đã chạm được vào đùi tôi.
Tôi chưa kịp thở phào, con Rùa đã buông con ngỗng ra khiến tôi muốn ngất, lần này chắc chắn là ngất thật.
Con Rùa dường như cũng biết điều đó. Nó ngồi thụp xuống, nói với con ngỗng bằng giọng nhẹ nhàng:
-Em đi chơi đi! Đây là anh Đông, bạn của chị đó.
Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi, con ngỗng quay mình bỏ đi về phía ao rau muống.
-Nó hiểu được em nói gì ạ? - Tôi liếm môi hỏi, khi con ngỗng đã đi xa.
-Dạ.
Tôi nuốt nước bọt:
-Thế còn nó? Khi nãy nó nói gì vậy, lúc nó chạy về phía anh đó?
-Nó kêu "Kẻ trộm! Kẻ trộm!".
Con Rùa khiến tôi dở cười dở khóc. Tôi liếc nó, nghĩ nó chơi xỏ tôi. Nhưng vẻ mặt con Rùa thản nhiên
đến mức tôi không tìm thấy một dấu hiệu gì tố cáo rằng nó đang trêu tôi.
-Thôi, anh qua nhà cô Út Huệ đây! - Đột nhiên tôi nói.
-Anh không ra đầm sen với em à? - Con Rùa nhìn tôi bằng ánh mắt nheo nheo.
-Chiều đi em! Bây giờ nắng lắm!
Tôi từ chối.
Trời nắng chỉ là cái cớ.
Tôi đang sợ ngỗng.
7
Ăn trưa nhà cô Út Huệ xong, tôi leo lên phản nằm nghe gió mơn man da thịt. Nhà cô Út Huệ cửa nẻo thông thốc, gió tha hồ ra vào chơi đùa chạy nhảy trên người tôi khiến tôi bị giấc ngủ cuốn trôi lúc nào không hay.Khi tiếng chim chèo bẻo kẹt trên cây sầu đông trước sân đánh thức tôi dậy, nhà đã vắng tanh. Cô Út Huệchắc đã đội nón ra đồng. Bé Loan, mười tuổi, con gái cô cũng chẳng thấy đâu, tôi đoán nó đang mải mê bắt chuồn chuồn ngoài vườn cải.Tôi ra sau hè, múc nước rửa mặt. Lúc đi vào, tôi nhác thấy bé Loan đứng chỗ cây ổi, đang loay hoay với cái lon sữa bò trên tay.
Tôi tò mò nhón chân lại gần, trố mắt quan sát. Hóa ra nó đang chơi trò gọi điện thoại.
Cái lon được đục rỗng hai đầu, một đầu bịt giấy, có sợi chỉ xuyên qua ngay chính giữa. Sợi chỉ từ cái lon này nối với cái lon kia. Khi bị kéo căng, sợi chỉ truyền được âm thanh.
Lúc tôi sè sẹ bước tới, bé Loan đang trò chuyện với con Rùa bên kia hàng rào.
Nó nói huyên thuyên gì đó vào cái lon, hình như đang hỏi về bài học ở lớp, xong úp cái lon vào tai để nghe con Rùa trả lời.
Tôi tưởng nó đang mải mê tán chuyện, không biết tôi đứng ngay sau lưng. Nào ngờ nó nói oang oang trong ống lon khiến tôi giật bắn mình:
-Chị nói sao? Có kẻ trộm đứng sau lưng em à?
Tôi chưa kịp phản ứng, đã giật mình thêm cái nữa khi bé Loan tiếp tục ông ổng:
-Con ngỗng tưởng là kẻ trộm chứ thực ra anh Đông không phải là kẻ trộm hả chị?
Tới đây tôi không nhịn được nữa, liền đưa tay cốc đầu con nhóc một cái:
-Đủ rồi nghe em!
Tôi giật phắt cái lon trên tay nó:
-Đưa đây cho anh!
Tôi áp cái lon vào miệng:
-Em nói xấu gì anh đó, Rùa?
Tôi liếc qua nhà con Rùa, thấy nó đang đứng tủm tỉm sau giờ giậu. Nghe tôi hỏi, nó lật đật nói vào ống loa:
-Bé Loan nói chứ em đâu có nói. Em chỉ bảo anh đang đứng sau lưng nó thôi.
-Vậy tại sao nó biết chuyện... "kẻ trộm"?
-Đó là en kể cho nó nghe. Kể lúc anh còn ở trong nhà kia.
Vậy là bé Loan trêu tôi chứ không phải con Rùa. Tôi quay lại tính cốc con nhóc này thêm cái nữa nhưng nó đã chạy mất.
Nhớ đến cuộc trao đổi về bài học giữa con Rùa và bé Loan khi nãy, tôi ngập ngừng hỏi:
-Em học chung lớp với bé Loan hả Rùa?
-Dạ.
-Sao anh nghe thằng Thục nói em... bằng tuổi nó.
-Dạ. Năm nay em mười bốn tuổi.
Mười bốn tuổi lẽ ra phải học lớp chín như thằng Thục. Nhưng con Rùa vẫn học lớp năm trường làng. Tôi tính hỏi nó tại sao nó
lại học trễ như vậy, trong khi ông nội nó là thầy giáo, nhưng cuối cùng tôi quyết
định không đả đọng gì đến chuyện đó. Có hàng trăm lý do để một người học trễ, mỗi lý do là một nỗi buồn và thật là bất nhẫn nếu gợi lại nỗi buồn của người khác.
Con Rùa như đọc được thắc mắc của tôi qua sự im lặng đột ngột. Nó giải thích:
-Hồi bảy tuổi, em bị bệnh. Bệnh nặng lắm, em ốm giơ xương, rụng hết tóc, tưởng chết rồi. Em phải nghỉ học mất bốn năm.
8
Nghỉ học tới bốn năm là một điều kinh khủng với trẻ con. Một đứa lớn xác, lẽ ra học lớp chín lại ngồi chung với lũ nhóc tì, thế nào cũng bị bạn bè trêu chọc. Thế nhưng chuyện học trễ có vẻ chẳng phải là một gánh nặng đối với con Rùa. Khi đã chơi thân với nó, tôi thấy nó không hề mặc cảm gì về chuyện lớn tồng ngồng rồi mà ngày ngày vẫn ôm tập đến trường tiểu học ngồi lê la với lũ nhóc lên mười.
Con Rùa còn khoe tôi nhờ nằm nhà uống thuốc suốt bốn năm trời, nó biết thêm khối thứ về cái loại cây lá chữa bệnh.
Trong bốn năm đó, ngoài ông bà nội nó ra, con Rùa chỉ có một người bạn duy nhất là ông thầy thuốc bắc. (Bạn đang đọc truyện tại wapsite Haythe.US - Chúc bạn đọc truyện vui vẻ) Những đứa trẻ làng thỉnh thoảng cũng đến thăm nó nhưng con nít mải chơi, ngồi với con Rùa một lát đám trẻ buồn chân lại chạy ra đồng bắt dế, thả diều, bỏ mặc nó ngồi một mình trên chiếc phản lạnh tanh ngắm mặt trời chiều chín đỏ bên kia dãy núi xa mờ.
-Thế em không buồn à?
-Không. Em có nhiều bạn lắm.
Trước cái miệng há hốc của tôi, con Rùa long lanh mắt:
-Để em kể anh nghe nhé. Con Cổ Dài nè, thằng Đuôi Dài nè, con Đít Đỏ nè...
Lúc đầu tôi chẳng hiểu con Rùa nói gì. Mãi đến khi nó giải thích, tôi mới biết nó muốn nhắc đến con ngỗng thường quẩn quanh bên ao rau muống, con sóc hay trèo lên trèo xuống cây dừa sau vườn, rồi con chào mào mới về làm tổ trên ngọn tre trước ngõ nhà nó.
Con Rùa còn liệt kê thêm nhiều nữa. Nó còn một lô bạn trong rừng, trong đó có một con khỉ thỉnh thoảng vẫn chạy ra chơi với nó.
Tôi ù cả tai, vội vã cắt ngang:
-Chậc, chậc... anh biết rồi. Bạn em nhiều thật đó.
-Thế anh có thích chơi với bạn em không? - Con Rùa ngước nhìn tôi, cắc cớ hỏi.
-Thích. Anh thích lắm! - Đang hùng hồn, sực nhớ tới con ngỗng suýt mổ vào đùi tôi hồi sáng, tôi lập tức
ngắc ngứ - Ờ... ờ... nhưng để anh suy nghĩ lại đã...
Con Rùa đập lên tay tôi, cười khúc khích:
-Anh đừng lo! Con Cổ Dài không rượt anh nữa đâu. Em đã bảo nó rồi.
Con Rùa làm mặt tôi ửng lên như củ cải phơi nắng. Một lần nữa, nó đi xe đạp vào bụng tôi, dù trên thực
tế nó không biết chạy xe.
-Sao em không tập chạy xe hả Rùa?
-Em bị ốm mấy năm trời mà anh.
-Ờ há.
Tôi ngượng ngập đưa tay gãi đầu và chữa thẹn bằng cách đưa mắt nhìn lên tàng cây bướm bạc đang
chảy tràn ánh nắng, ân cần nói:
-Vậy mai mốt cần đi đâu xa em nói anh, anh lấy xe chở em đi.
-Em suốt ngày chỉ loanh quanh trong làng thôi à.
Tôi nheo mắt:
-Thế ai hôm trước đi xuống chợ Kế Xuyên lượm nắp keng?
-Thỉnh thoảng em mớ đi xuống đó mà anh.
Tôi khua tay vô cành huỳnh anh um tùm cạnh giếng nước, tò mò hỏi:
-Em để dành nắp keng được nhiều chưa?
Con Rùa chớp mắt, khi nó chớp mắt tôi mới thấy đôi mi nó thật dài:
-Em nhặt giùm cho bé Loan.
-Nhặt giùm? - Tôi tròn xoe mắt.
-Ờ, bé Loan còn nhỏ, không tranh lại với các bạn khác nên em nhặt đem về cho nó.
Giọng con Rùa tỉnh khô như thể đó là chuyện bình thường, mặc dù khi những chiếc nắp keng trở thành thứ mà thằng Thục có thể để mua kẹo đậu phộng tôi nghĩ nó không bình thường chút nào.
Sau này tôi mới biết con Rùa vẫn thường làm thế với lũ bạn học lóc nhóc của nó.
Những đứa trẻ lớp năm mỗi khi bị những đứa lớn hơn bắt nạt đều được con Rùa chở che. Tự nhiên nó trở thành đứa con gái nổi tiếng ngang ngạnh, thậm chí sẵn sàng đánh nhau. Nhưng chuyện đó sau này nghe thằng Thục kể tôi mới biết. Còn ngay lúc này tôi và nó ngồi trên thành giếng trò chuyện với nhau dưới bóng mát của cành huỳnh anh không ngừng đong đưa trên đầu, trong mắt tôi nó vẫn là đứa con gái dịu hiền và tôi không giấu lòng rằng càng gần gũi với con Rùa, tôi càng thích nó.
9
Chiều đó, con Rùa rủ tôi đi chơi.
-Đi ra đầm sen hở em? - Tôi tỏ vẻ hiểu biết.
-Không. Đi đầm sen em chỉ thích đi vào buổi trưa.
Tôi nhướn mày:
-Ai lại đi hái hoa sen vào lúc nắng chang chang như vậy?
Con Rùa cười khì khì:
-Em đâu có hái hoa sen.
-Ủa?
-Em hái lá sen đó anh. Hái lá sen che đầu rồi đi về nhà, có cảm giác như đang che dù vậy. Thích lắm.
Tôi ngó sững con Rùa, không ngờ nó có những ý thích lạ lùng như vậy. Chờ đến khi hái được lá sen để che đầu, tóc nó đã cháy vàng như rơm, vậy mà nó vẫn thích. Lạ ghê! Hôm đó, đúng như con Rùa nói, chúng tôi không đi ra đầm sen. Hai đứa dọ dẫm theo con đường mòn dẫn vào rừng. Trên đầu chúng tôi, chim từng bầy nháo nhác bay về phía chân trời đang ngả màu mỡ gà.
Tôi đang tự hỏi không biết trong rừng có gì hay mà con Rùa nằng nặc đòi dẫn tôi đi thì nó đột ngột ngừng lại.
-Gì thế em? Sao không đi nữa?
Con Rùa nghiêng tai qua một bên:
-Anh nghe gì không?
-Anh có nghe gì đâu!
-Máy bay.
Thêm một lúc nữa, tôi mới nghe thấy tiếng rì rầm ở đằng xa vọng tới. Tôi ngước mắt lên cao, thấy một vệt khói trắng lờ mờ hiện ra ở một góc trời xanh. Vệt khói thoạt đầu như một dấu chấm, rồi dài ra một khúc, một khúc nữa, cứ thế dài thêm mãi giống như ai đang cầm một viên phấn trắng vạch ngang bầu trời khiến tôi và con Rùa phải quay đầu từ Đông sang Tây đến ngoẹo cả cổ. Tiếng rì rầm biến thành tiếng rít khi chiếc máy bay bay ngang đầu chúng tôi, chốc sau tiếng rít nhỏ dần và lại biến thành tiếng rì rầm khi chiếc máy bay bay xa, một lát sau thì tắt hẳn.
Thực ra, tôi không trông rõ chiếc máy bay. Nó bay cao quá, chỉ thấy một chấm đen. Nhưng tôi biết chấm đen đó là chiếc máy bay, vì nó giống như ngón tay thầy Điền lúc thầy đứng trên bục giảng. Nó đi tới đâu, vệt phấn đi theo tới đó.
Con Rùa vẫn ngước cổ ngắm vệt khói lúc này đã bị gió đánh tơi đi, tỏa ra tứ phía, tan tác như lông ngỗng. Vẻ mặt thích thú đến đờ đẫn của nó khiến tôi bất giác nhớ đến tuổi thơ của mình. Lúc còn ở làng, tôi cũng như con Rùa, như thằng Thục, như những đứa trẻ thôn quê khác, cũng sung sướng khi trông
thấy một chiếc máy bay bay ngang bầu trời kéo theo một vệt khói trắng đằng sau đuôi hay một đoàn tàu kéo còi và phun khói đen sì chạy ngang con đường mòn dẫn xuống đường quốc lộ. Bây giờ, tôi không còn những niềm vui ngây thơ đó nữa. Tôi đã lớn, hoàn toàn đánh mất sự ngơ ngác đáng yêu tỏa ra từmột tâm hồn chất phác.
-Máy bay nữa kìa em! - Tôi vụt kêu lên, với sự háo hức chính tôi cũng ngạc nhiên, khi tiếng rì rầm bất thần vọng vào tai tôi từ chiếc máy bay vừa bỏ đi - Chắc chiếc máy bay khi nãy quay lại...
-Tiếng sấm đó anh. - Con Rùa cười, nó đáp mà không buồn ngước mắt nhìn lên. - Trời sắp mưa rồi.
Tôi lo lắng nhìn về phía cánh rừng xa nơi những ngọn đồi tạo ra vô số những con hẻm nhỏ phủ kín lá xanh. Bên trên các bụi cây thấp và mớ dây leo chằng chịt bọc kín chân đồi, những thân cây tôi không biết tên trông giống như những cánh tay khổng lồ đang rướn lên cao và quẹt điên cuồng cành lá vào những đám mây lúc này đã rất giống bùn lầy, ủ ê và xám xịt, càng lúc càng sà xuống sát đỉnh đồi.
-Mình có đi tiếp không? - Tôi nơm nớp hỏi, mong đến thắt ruột con Rùa sẽ đáp "Mình quay về nhà thôi anh".
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi (hình như nó luôn luôn đọc được ý nghĩ trong đầu tôi), con Rùa tặc lưỡi:
-Mình không đi tiếp được đâu. Nhưng quay về nhà cũng không kịp.
Như phụ họa cho nó, những hạt mưa đầu tiên đã bắt đầu cào nhẹ lên cánh tay tôi.
Tôi quay đầu nhìn quanh:
-Thế mình đi đâu bây giờ?
Con Rùa nắm lấy tay tôi theo cái cách người lớn nắm tay một em bé và không nói không rằng nó dắt tôi chạy về phía bụi duối dại lấm tấm hoa vàng nằm dọc con đường mòn.
Trước vẻ mặt ngẩn ngơ của tôi, nó khom người vẹt cành lá um tùm, miệng giục:
-Mình chui vô đây nè anh.
Một cái tổ giữa bụi cây hiện ra trước mắt tôi.
-Nhà của em đó.
Tôi chưa kịp hỏi lại, con Rùa đã đẩy lưng tôi một cái thật mạnh rồi lật đật chui theo.
Chúng tôi vừa vào "nhà", mưa đã đổ xuống sầm sập. Tiếng gió kêu u u, những hạt mưa to quất ràn rạt vào cành duối dại ngay trên đầu hai đứa khiến tôi có cảm giác ngoài kia trời đang bão.
Những cành duối chằng chịt, lá ken dày như một mái nhà được lợp khéo léo giúp tôi và con Rùa khô ráo một cách khó tin, trừ hai bàn chân con Rùa không biết từ bao giờ đã lót bên dưới một lớp lá khô. Thỉnh thoảng cái mông của tôi cũng bị ướt khi tôi vô tình muốn ngồi xệp xuống cho đỡ mỏi chân.
Ngồi thu lu bên con Rùa nhìn màn mưa mù mịt bên ngoài qua kẽ lá, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên đầu, nghe hơi nước ướp vào da thịt mát lạnh, hấp háy hai cánh mũi để hít hà mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào ngạt, tất cả những điều đó đánh thức mọi giác quan trong tôi khiến tôi ngỡ như tôi đang sống hai ba cuộc sống cùng một lúc và cảm giác đó thực vô cùng thú vị.
10
Em làm ngôi nhà này lâu chưa?
-Lâu rồi anh.
Con Rùa đáp, rồi nó khoe:
-Em có vài ngôi nhà như thế này rải rác từ đây đến trong rừng.
-Em chu đáo thật. - Tôi gật đầu, giọng tán thưởng - Sẵn nhà khắp nơi, khi nào cần là em có chỗ nghỉ chân.
Chúng tôi trò chuyện trên nền những tiếng mưa nhưng vì hai đứa tôi ở cạnh nhau trong chiếc tổ lá nên tiếng nói vẫn nghe rõ như phát ra từ một quả chuông.
-Em hay vào rừng lắm sao?
-Dạ. Nhưng thỉnh thoảng em mới đi buổi chiều như thế này. Em thích đi vào sáng chủ nhật hơn.
Tôi cười:
-Đi sáng chủ nhật thì em được tung tăng suốt ngày trong rừng chứ gì!
Đến lúc này tôi vẫn chưa biết tại sao con Rùa lại thích vào rừng. Tôi biết khu rừng này từ thời tôi còn bé nhưng tôi chưa bao giờ bén mảng tới đó. Người làng mỗi khi vào rừng lấy củi đều quấn xà cạp, chân đi ủng, trên người bôi thuốc kỵ rắn. Vào mùa mưa, họ giã tỏi thoa khắp tay chân đầu cổ để chống vắt, mỗi khi đi ngang tỏa mùi nồng nặc.
Con Rùa không có chút gì giống thế. Nó dắt tôi vào rừng như dắt tôi đi hái hoa ngoài đồng nội, cứ quần áo phong phanh mà rảo bước.
Khi tôi quay sang con Rùa định hỏi nó vào rừng làm gì mà vào hoài vậy, đôi môi tôi vô tình chạm phải má nó khiến tôi giật nảy m
ột cái, câu hỏi đột ngột nghẹn ngay cổ.
Mặt nóng ran, tôi hấp tấp ngó lơ chỗ khác và lúng búng nói:
-Trời ngớt mưa rồi đó...
Câu nói và thái độ của tôi chẳng ăn nhập gì với nhau, giống như người ta lắp nhầm cán búa vào lưỡi rìu, nhưng con Rùa dường như không nhận ra sự khập khiễng đó.
Nó có vẻ không để ý gì đến sự đụng chạm vừa rồi, cũng không nhận ra sự bối rối của tôi, hồn nhiên nói:
-Chờ thêm chút nữa đi anh. Tạnh hẳn rồi mình về.
Từ lúc đó, tôi không một lần quay sang con Rùa nữa. Tôi ngồi tư lự trên hai chân, không ngớt ngạc nhiên vì sự xấu hổ của mình. Chuyện cỏn con như thế, con Rùa chắc cũng chỉ coi đôi môi tôi như cành lá quẹt vào mặt nó trên đường đi, chẳng mảy may bận tâm, thậm chí chắc nó cũng chẳng có cảm giác tôi vừa chạm vào nó.
Thế mà tôi lại bắt gặp mình ngượng đến chín người. Tôi đưa tay dứt một sợi tóc, rồi hai sợi tóc rồi ba sợi và khi dứt đến sợi tóc thứ mười thì tôi đoán ra sở dĩ tôi có cảm giác đó vì tôi đã là người lớn mất rồi. Năm nay con Rùa chỉ mới mười bốn tuổi trong khi tôi lớn hơn nó bốn tuổi.
Mười tám tuổi, tôi đã biết tình yêu là gì, đã biết thế nào là nụ hôn mặc dù tôi chưa từng yêu ai và hôn ai.Con nhỏ Bích Lan, con một người bạn gái của mẹ tôi, lần nào tới nhà chơi cũng làm tôi sợ chết khiếp khi nó luôn tìm mọi cách để ngồi gần tôi và hễ không có ai thế nào nó cũng đòi tôi hôn nó.
Bích Lan lớn hơn tôi một tuổi, nhưng bạo dạn hơn tôi gấp một trăm lần. Mặt nó lấm tấm tàn nhang nhưng trông nó vẫn rất xinh nhờ cặp mắt lúng liếng và miệng cười tươi như hoa nở, và có lẽ biết thế nên nó cười suốt ngày.
Có thể tôi sẽ thích nhỏ Bích Lan nếu như nó đừng làm tôi hoảng vía. Mặc dù tôi theo gia đình dọn vào Sài Gòn đã được mười năm nhưng tôi vẫn không gột rửa được gốc gác nông thôn của mình. Tôi luôn nhút nhát trước con gái, coi việc đụng chạm vào cơ thể họ là điều không đàng hoàng cho dù trong những giấc mơ thầm kín tôi rất hay làm ngược lại.
Tất nhiên không phải đứa con gái thành phố nào cũng dạn dĩ như Bích Lan. Những đứa bạn học của tôi trên lớp đâu có tấn công ồ ạt như vậy. Dĩ nhiên một phần vì chẳng có đứa con gái cùng lớp nào thích tôi. Bích Lan thì khác, vừa gặp tôi lần đầu tiên nó đã nói ngay "Ui, trông anh dễ thương quá!", lại nói bô bô ngay trước mặt mẹ tôi và mẹ nó, chẳng kiêng nể gì.
Hai bà mẹ nghe nó nói vậy, toét miệng ra cười trong khi mặt tôi chín nhừ như đang đút vào lò nướng.Đến nay tôi vẫn chưa hôn Bích Lan cái nào theo lời xúi bậy của nó, dù sau khi nói "Anh dễ thương ghê" nó còn nói thêm nhiều câu nóng bỏng khác nữa, đại để như "Lan thích anh rồi đó", vài hôm sau lại "Chắc Lan yêu anh thật rồi"...
Dĩ nhiên Bích Lan rất thất vọng trước sự ù lì của tôi, nó bảo tôi là đồ nhà quê, và sau khi nói vậy nó vẫn kiên trì ngồi cạnh tôi mỗi khi có dịp và tiếp tục gạ gẫm tôi.
Gạ gẫm không được thì nó hỏi tôi có phải là pêđê không mà không chịu hôn nó, điều mà những bạn trai cũ của nó đứa nào cũng thích. Những lúc như vậy tôi chỉ biết cười trừ và nhìn ra màn mưa ngoài trời, ấp úng nói:
-Trời ngớt mưa rồi đó...
Bây giờ tôi phát giác ra mình vừa lặp lại mẫu câu đó với con Rùa. Chỉ khác là tôi đang ngồi cạnh con Rùa trong lòng một bụi duối dại giữa cánh đồng lướt thướt mưa và bối rối vì trót hôn nó chứ không phải vì từ chối hôn nó.
11
Hôm đó, khi về tới nhà con Rùa bất ngờ rút từ trong vạt áo ra một cuốn truyện tranh khoe tôi. Đi với nó cả buổi, tôi không phát hiện nó giắt theo cuốn truyện trong người.
Nhìn lướt qua cái bìa, tôi đã nhận ra đó là cuốn Asterix và lưỡi hái vàng trong xêri truyện về Asterix. ỞSài Gòn, tôi đã đọc gần hết bộ truyện này qua bản dịch.
-Em giắt cuốn truyện theo chi vậy? - Tôi tròn mắt nhìn nó.
-Em định đem vô rừng đọc.
Con Rùa thản nhiên đáp, như thể nó vẫn hay vô rừng để đọc sách. Mà sự thực đúng là như thế. Khi tôi hỏi "Em thích vô rừng ngồi đọc sách lắm sao?" thì nó xác nhận câu hỏi trêu của tôi bằng một cái gật đầu không nghĩ ngợi.
Trong khi tôi bắt đầu nghĩ thần kinh con Rùa chắc không được bình thường thì nó hồn nhiên nói tiếp:
-Ở trong rừng, em không đọc sách một mình đâu. Em đọc cho con Tập Tễnh nghe nữa.
Bây giờ thì tôi đã quen với cách con Rùa đặt tên cho đám bạn của nó. Tôi gật gù ra vẻ hiểu biết:
-Tập Tễnh chắc là con khỉ vẫn hay chạy ra đây chơi với em?
Không ngờ tôi hố to. Con Rùa cười:
-Tập Tễnh là một con nai con.
Tôi không biết một con nai có thể nghe chuyện được không nhưng tôi nhớ hồi sáng con Rùa từng nói chuyện với con Cổ Dài và con ngỗng hung hăng đó đã lập tức bỏ đi khi nghe con Rùa xác nhận tôi không phải là kẻ trộm.
Để lảng tránh đề tài mù mờ này, tôi cầm lấy cuốn truyện tranh trên tay con Rùa và nhìn nó bằng cặp mắt nheo nheo:
-Em đọc hết cuốn truyện này chưa?
-Chưa. Anh đọc cho em nghe đi!
-Sao em không tự đọc? Tự mình đọc bao giờ cũng thích hơn em à.
-Em không biết tiếng Pháp.
Ánh mắt tôi lập tức rớt xuống cuốn truyện trên tay. Bây giờ tôi mới để ý các dòng chữ ngoài bìa. Toàn tiếng Pháp. Lật vào bên trong cũng vậy.
Tôi cười, nửa đùa nửa thật:
-Anh cũng đâu có biết thứ tiếng này.
-Anh là sinh viên mà.
Tôi là sinh viên nhưng tôi không giỏi tiếng Pháp. Tôi biết tôi không đủ sức đọc hết cuốn truyện này, nhưng do tôi gần như thuộc lòng bản tiếng Việt nên giờ đây tôi giả vờ đọc rồi kể lại cho con Rùa nghe là chuyện chẳng có gì khó.
Tôi mân mê cuốn sách:
-Làm sao em có cuốn sách này?
-Người ta cho ông ngoại em. Lúc em còn bé, ông em đọc rồi kể cho em nghe. Mỗi ngày ông kể một đoạn. Nhưng chưa kịp kể xong cuốn sách thì ông em mất.
Tôi không ngờ ông ngoại của con Rùa giỏi giang như vậy. Ông ngoại nó mất rồi, nó đang đi tìm một người giỏi ngang ông ngoại nó để đọc và kể cho nó nghe phần sau của cuốn truyện. Bây giờ thì tôi đã biết tại sao hai hôm nay nó nấp ngoài hè để rình tôi. Có lẽ nó biết tôi là sinh viên, lại thấy tôi ham đọc sách, nó tin tôi có thể giúp nó được. Nhưng hôm đó không phải là ngày may mắn của con Rùa. Tôi đang lật cuốn truyện, định hỏi ông nó đã kể cho nó nghe tới chỗ nào thì tiếng thằng Thục đã vọng tới lồng lộng:
-Anh Đông ơi anh Đông!
Tôi chưa kịp lên tiếng, Thục đã tru tréo tiếp:
-Anh Đông ơi, anh đang ở đâu vậy?
-Tao ở đây nè!
Lúc đó tôi và con Rùa đang đứng cạnh hòn non bộ. Trời chưa tối hẳn nhưng mặt trời đã nấp sau những vạt sương mù khiến hai ông tiên đánh cờ trông như người ngủ gục. Trên chiếc bàn đá ẩm ướt, những hòn sỏi chắc chắn đã ngủ say, như đã ngủ như thế từ rất lâu rồi. Bầy cá vàng uể oải vẫy những chiếc vây dài dưới đám tai bèo, có vẻ cũng sắp sửa chui vào các kẽ đá để nằm mơ những giấc mơ về lũ loăng quăng.
Thằng Thục nhô đầu sau hàng giậu thưa:
-Anh đang làm gì đó?
-Tao đang ngắm hòn non bộ. Mày đi đâu đây?
-Mẹ em bảo em đi kiếm anh về ăn cơm.
-Mày về nói với mẹ tao ăn ở nhà cô Út Huệ. Tối tao ngủ trên này luôn.
Thằng Thục bứt một nhánh tơ hồng leo trên bờ giậu, vẻ không bằng lòng. Nó khẽ đánh mắt về phía con Rùa nhưng khi nói với tôi nó làm như không có con Rùa ở đó, hoặc cũng có thể nó nghĩ con Rùa là một gốc cây không có khả năng hiểu những gì nó nói:
-Trên xóm này có gì hay đâu mà anh ở lại.
Tôi chưa kịp trả lời, cũng chưa biết phải trả lời như thế nào, thằng Thục đã vạch hàng rào đi về phía tôi, miệng tiếp tục bô bô:
-Ở đây toàn những đứa chán phèo à.
Lần này thì con Rùa không làm thinh nữa. Nó hất mặt về phía thằng em tôi:
-Mày muốn đánh nhau hả Thục?
-Tao không đánh nhau với con gái.
Thục bĩu môi về phía con Rùa và nó nắm lấy tay tôi:
-Về thôi, anh!
Tôi quay nhìn con Rùa, đưa cuốn truyện tranh cho nó và mỉm cười:
-Em cất đi! Ngày mai anh sẽ đọc cho em nghe.
Tôi theo chân thằng Thục quay về nhà cô Út Huệ, lòng hoàn toàn để ngỏ cho sự áy náy tràn vào. Vẻ mặt ngẩn ngơ của con Rùa khi tôi chuẩn bị quay gót khiến tôi muốn ngoảnh lại cười với nó một cái nữa nhưng thằng Thục lôi tôi đi nhanh quá.
12
Về trước ngưỡng cửa, Thục đã hạch sách tôi ngay, theo cái kiểu cha mẹ vẫn rầy con cái chơi với bạn xấu:
-Sao anh lại chơi với con Rùa?
Đang bực mình, tôi hừ mũi hỏi lại:
-Sao tao lại không thể chơi với con Rùa?
-Vì tụi em không đứa nào chơi với nó.
Lý do của thằng Thục nghe rất chướng tai. Nhưng tôi không cãi, chỉ nói:
-Tao thấy bé Loan rất mến con Rùa.
-Chỉ mấy đứa con gái ngốc nghếch mới đánh bạn với nó thôi.
-Chị Rùa không thèm chơi với tụi anh thì có!
Tiếng bé Loan thình lình cất lên đằng sau lưng tôi, và tôi phải thú nhận là tôi hết sức khoái trá khi thấy gương mặt thằng Thục đột ngột méo đi.
-Mày... mày...
Thục ấp a ấp úng, trông nó như người vừa nuốt phải lưỡi.
Bé Loan bước lại chỗ Thục, thò tay véo thằng này một cái:
-Nói xấu chị Rùa nè!
Thằng Thục có vẻ rất ngán bé Loan, dù nó lớn hơn con bé đến bốn tuổi. Con bé này véo nó chắc là đau lắm nhưng Thục chỉ biết ôm cánh tay xuýt xoa.
Bữa đó, tôi chở thằng Thục về tới đầu cầu treo. Khi leo xuống khỏi yên và giao xe lại cho nó, tôi cười nói:
-Tao biết mày thù con Rùa chuyện nó giành nắp keng với mày nè.
Thằng Thục cầm lấy ghi-đông, mặt đột nhiên nghiêm trọng:
-Tụi em không chơi với nó vì nó là một đứa... một đứa...
-Một đứa gì?
-Một đứa.... - Thục nhíu mày, nó lục lọi vốn từ trông vất vả như đang tìm một đồng xu đánh rơi trong bể cá - Nói chung nó là một đứa... một đứa không bình thường.
-Tao vẫn chưa hiểu một đứa không bình thường là một đứa như thế nào! - Tôi liếm môi, vẫn nhìn chằm chằm vào mặt Thục.
-Là nó không giống như tụi em. Nó không giống bất cứ ai ở trong làng.
Tôi nhún vai:
-Ai bảo mày vậy?
-Ông Hai Sắn bảo. Ổng bảo ông thường bắt gặp nó trò chuyện hàng giờ với các con vật.
Tôi vỗ vai Thục:
-Tao đã tận mắt thấy con Rùa nói chuyện với con ngỗng nhà nó.
-Đó! Anh thấy chưa? - Thục reo lên, giọng đắc thắng như thể điều tra viên vừa tóm được chứng cứ của tội phạm - Em đâu có bịa chuyện.
-Nhưng tao thấy chẳng có gì là không bình thường cả. Hôm nào mày thử nói chuyện với con ngỗng xem, biết đâu nó hiểu được tiếng mày. - Tôi đáp, giọng bỡn cợt. Bằng thái độ đó tôi muốn thằng Thục biết là tôi không đứng về phía nó.
Tôi cố ý bông đùa, nào ngờ Thục gật đầu:
-Em thử rồi.
-Mày thử rồi? - Tôi dựng mắt lên - Mày đã nói chuyện với con ngỗng nhà Rùa rồi hả?
-Dạ.
Thằng Thục làm tôi tò mò quá thể:
-Kết quả sao?
-Kết quả là nó rượt em và mổ vào mông em một phát bầm tím đến mấy ngày.
-Ha ha ha...
Tôi không muốn chế giễu thằng Thục nhưng tiếng cười vẫn cứ phát ra.
-Anh đừng cười nhạo em. - Thục sa sầm mặt - Em nói thật đó. Anh không nên chơi với con Rùa.
-Tao cứ chơi.
-Ông Hai Sắn còn bảo cứ vài ngày con Rùa lại vào rừng để làm chuyện mờ ám gì đó. Ông Bốn Lai cũng bảo thế.