XtGem Forum catalog

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Khi lấy chàng (Nhật ký cô dâu trẻ) - Phần 2

CHƯƠNG 6 - MẸ CHỒNG

Ai sinh ra con trai cũng có lúc được làm mẹ chồng. Chỉ trừ phi con trai người ta... ế. Còn các trường hợp đau buồn hơn thì không buồn nói đến làm gì. Hai chữ mẹ chồng khiến cô gái nào cũng ớn lạnh. Vừa sợ vừa bao hàm nhiều thử thách. Biết đâu... lại được mẹ chồng cưng thì sao?

Ngày mình còn học cấp III, mẹ từng bảo: "Đấy, tôi có anh cả chưa người yêu đấy, cô có lấy thì yêu nó đi. Tôi đi xem bói rồi, năm 40 tuổi, nó sẽ làm tổng giám đốc". Nghe mà vừa sợ vừa tham. Sợ vì mẹ cứ tôi tôi cô cô, tham vì thể nào đời mình cũng giàu, vợ tổng giám đốc cơ mà. Hì... hì... ước mơ cuộc sống sau này của mình chỉ giản dị thôi, sao cho cuộc sống này được hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi đi siêu thị không bao giờ phải nhìn giá tiền là được rồi.

Ngày mình học đại học, dù con bạn đã sang Nhật du học nhưng một năm mình cũng cố gắng thu xếp một lần mua hoa quả đến chơi. Lần nào mẹ cũng lấy sữa chua cho ăn. Ngu thế, dạo đó mình lại không biết ăn sữa chua, nên mắt trước mắt sau là dúi vào gầm gường. Không biết khi mình ra về, mẹ có khốn khổ đi tìm cái cốc không nhỉ?

Năm thứ hai làm sinh viên, con bạn về nước thăm nhà, mình đội mưa đến chơi. Ngồi đến 10h chưa về vì lâu ngày không gặp, hai con bé lắm chuyện để tám. Mẹ nói: "Thôi, cô không về mà dọn hàng cho mẹ cô à?". Khổ quá, trời mưa nhà mình có bán hàng đâu. Nhưng mẹ nói thế, mình tự ái, mình về. Suốt con đường mưa, mình tự nhủ: "Sẽ không bao giờ thèm đến cái nhà này nữa!!!".

Năm cuối làm sinh viên, khi con trai mẹ bắt đầu cưa mình. Mẹ trách chàng không đưa người yêu về nhà. Mẹ không biết đó là mình, nên mẹ hào hứng muốn xem mặt con bé nào mắc mưu con trai mẹ đây. Mẹ và các dì chiều nào cũng ngồi đầu làng buôn chuyện, và đoán già đoán non xem con bé này là con bé nào. Nếu có vinh dự được có con trai, chắc sau này mình cũng thế.

Chàng lại le te kể lại y nguyên cho mình. Mình chỉ cười mà không tới. Mình vẫn tự ái lời mẹ nói khi xưa. Và bản thân mình vẫn cảm thấy sợ mẹ.

Ra trường, đi làm được một năm, mình và chàng rủ nhau cưới. Ngu thật, biết thế ở vậy thì giờ có phải vẫn còn eo ót không. Ngày xưa, đám con gái chơi thân với nhau ở khu tập thể chẳng rủ nhau ở vậy cho giai nó thèm thì gì. Vậy mà lại đồng ý cưới. Thật ra bội ước lời thề với đám bạn gái vì còn bồng bột. Suốt ngày bị bố đẻ mắng mỏ là đồ lười, đồ ngu nên mình tức, muốn đi lấy chồng cho giải thoát thôi. Chứ lúc đó vẫn thích đi tụ tập hơn là đi chơi với chàng. Ấy vậy mà dự định cuối năm cưới.

Một buổi trưa tháng sáu, đang chui vào kho linh kiện IC để ngủ, chàng gọi điện: "Em ơi, bà nội anh mất". Sững sờ và chia sẻ. Mong chàng đừng buồn, cố gắng việc gia đình giải quyết ổn thỏa. Nhưng chàng lại cười: "Úi giời, chuyện bình thường ấy mà. Bà già thì phải chết thôi, cũng gần trăm tuổi rồi. Anh có phải nhà bác cả đâu, em không phải lo". Vậy mà mình lại lo. Nhà chàng có việc, sao lại không lo. Đúng là con dở hơi. Còn chàng, đúng là vô tâm số một. Ngày đưa ma mình tới viếng. Lâu lắm rồi, mình mới lại tới nhà chàng. Vì chàng, mình tự vượt qua tự ái. Mặc quần áo tối màu và lặng lẽ đi sau chàng.

Đoàn xe đến Văn Điển, mình tới chào bố mẹ chàng, lúc ở nhà bố mẹ bận nên mình không dám làm phiền. Mẹ đón mình bằng một nụ cười: "À, con đến từ bao giờ thế. Uống nước này!" Mình sững sờ vì sự nồng hậu của mẹ trước bao người. Hình như, mình có cảm giác mẹ biết chuyện mình với chàng. Mình bối rối, lí nhí trước mẹ: "Cháu xin lỗi, cháu đến muộn". Mẹ còn chưa kịp nói gì thì tiếng các bà bác đã cắt ngang câu chuyện. Đến giờ hạ huyệt rồi, mẹ phải ra khóc cho đủ lệ bộ. Công nhận, mẹ khóc to thật. Nhưng sau này, trên đường về, các bà bình luận, mẹ vẫn chưa khóc khéo bằng các bà.

Cuối năm ấy, cả hai đứa hí hửng đi xem ngày. Rồi chàng cũng hí hửng về khoe với mẹ. Chàng hứa sẽ gọi điện báo lại ngay.

Tiếng chuông reo, chàng hẹn gặp ở quán cà phê, mình hồi hộp rồi lo lắng. Trời ơi, mình sắp sang trang đời mình đây.

- Em à, có chuyện này... quan trọng... anh... anh... muốn nói.

Chàng ấp úng mãi không nên lời mà mình tụt cảm hứng. Linh cảm phụ nữ mách cho mình rằng có chuyện rồi. Nhưng mình mạnh mẽ. Mình là cơn bão cơ mà. Mình sẵn sàng nghe.

- Em à,... chúng mình... chúng mình... không... cưới nhau... năm nay được.

Mắt mình mở tròn to, sững sờ và cần một câu trả lời nhanh gọn. Vì sao?

- Mẹ nói... mẹ nói...

Chàng vẫn ấp úng, chàng khó nói. Chàng vẫn thế, nhát gan y như dạo đèo mình bị công an bắt được vì đi ngược chiều ở đường Hàng Bài vậy. Nhưng lần này chàng không run bắn lên làm rơi điện thoại, lần này mình cũng không đứng ra cưa chú công an để xin cho chàng, lần này... tự chàng phải nói.

- Mẹ nói mẹ đi xem bói, người ta bảo bà nội ghê gớm. Chết là sẽ rủ đi theo mình ba người. Mà họ nhà anh từ dạo đó chết thêm hai cụ rồi. Giờ cưới em về, nhà đen, dễ chết thêm người nữa, nên mẹ bảo để năm sau. Chờ ai đó chết nốt cho đủ ba người thì yên tâm cưới.

- .......

- .............

.............

..............

.............

Khoảng không im lặng, cốc sinh tố mãng cầu của mình cũng im lặng, tách cà phê của chàng im lặng, chàng cúi mặt im lặng, và những giọt nước mắt của mình cũng im lặng.

Mình còn biết nói gì nữa. Mình cảm thấy đau. Nơi mình đặt tình yêu ngự trị hình như bị vỡ.

Mình cảm thấy rũ rượi, cảm thấy mất mát, cảm thấy chơi vơi, cảm thấy bị phản bội, cảm thấy trống rỗng.

Giá mà có lý do khác cho chuyện cưới lúc này thì có lẽ mình đã không có cảm giác như bây giờ. Trời ơi, một lý do mà chính mình cũng không tưởng tượng được.

Mình cảm thấy chàng thật vô tích sự.

Mình cảm thấy căm thù chàng.

Mình còn biết nói gì đây nữa!!!

Cơn bão ư? Giờ chỉ là cơn gió lang thang. ..............

............

Khoảng không vẫn im lặng

...............

.............

Chàng chăm chú nhìn mình. Còn mình, cúi mặt uống ừng ực cốc sinh tố. Hai tay đỡ cốc run lên. Mắt không nhìn rõ chàng vì ướt. Mình cố bít miệng để khóc không thành lời. Uống hết cốc của mình rồi, mình lấy nốt tách cà phê còn chưa kịp cho đường của chàng, làm phát ực hết.

- Anh cho em về.

Mình cố nén cái nghẹn ứ ở cổ như có cục gạch trong yết hầu để nói cho tròn vành.

Chàng lại van xin và mình nhất quyết muốn lẩn trốn. Mình thấy mình có lỗi với bản thân mình. Mình muốn về ngay với mẹ đẻ để khóc. Mình càng sợ mẹ chàng hơn.

Suốt con đường, hai đứa không nói câu gì vì mình bận khóc. Mình khóc không phải vì lễ cưới vớ vẩn kia, mình khóc vì ức. Mình có phải là đồ bỏ đi đâu mà bị đối xử như con hủi vậy. Rồi chàng nữa, điều vô lý đến như vậy mà chàng lại nghe lời mẹ ư? Mình khóc vì tất cả những thứ đó. Xuống xe, mình nhìn chàng như lần cuối. Mình đã thề với chàng, không bao giờ mình thèm gặp chàng nữa. Vì sớm muộn gì, lấy chàng cũng có ngày mình bị mẹ chàng lót lá chuối tống ra khỏi nhà với một tội vớ vẩn nào đó. Còn chàng, chắc có lẽ sẽ chỉ biết đứng nhìn mà thôi.

Hai tháng sau...

Mẹ đem kể với cả làng là chúng nó bỏ nhau rồi. Lạ thật, không hiểu mẹ lấy thông tin đó ở đâu ra thế không biết. Cả làng tin, chỉ có chàng là không tin. Chàng lặng lẽ đổi chiến thuật. Giờ, chàng cưa bố mẹ đẻ mình. Khơi dậy tình thương của bố mẹ mình bằng cái vẻ thật thà tội nghiệp. Còn bố mẹ đẻ mình, mắc mưu, quay ra mắng mình tàn tệ.

Một năm sau...

Mình lại ngồi sau xe mà mình đã thề.

Ngày sang dạm ngõ, mẹ và bố, dì út sang nhà mình. Suốt buổi nói chuyện, mẹ tự hào quảng cáo con trai mẹ đẹp trai nhất làng, tài giỏi nhất làng, ngoan nhất làng. Mẹ quay ra bảo mình đanh đá, ghê gớm hơn con bé bạn, tức là con gái mẹ. Giữa bài phát biểu của mẹ, cả họ nhà mình nhìn nhau ngơ ngác: "Ơ, thế họ chê con Hiền như vậy thì sang đây làm gì?" Buồn cười. Thế mà lễ dạm ngõ cũng qua êm ả.

Rồi lễ ăn hỏi cũng tới. Giữa cái thời buổi toàn người và xe này, mẹ hãnh diện dẫn đoàn 7 cái xích lô lọng vàng sang nhà mình đặt viên gạch xí chỗ. Mẹ cẩn thận mặc cái áo dài nhung đỏ, trang điểm tí chút và làm tóc xoăn vỏ bào. Công nhận, mẹ đẹp thật. Giờ mình đã hiểu vì sao mẹ khen con trai mẹ đẹp trai.

Rồi thì ngày cưới nữa, khi một ngày ồn ào cuối cùng cũng qua. Mình mệt mỏi bước vào nhà tắm. Lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy mình có lỗi với mẹ. Dù mẹ có nói gì đi nữa, nhưng thật tâm mẹ đâu có ghét bỏ gì mình đâu. Đôi khăn mặt mới với đôi bàn chải đánh răng trong phòng tắm mẹ cẩn thận xếp ngay ngắn. Bộ ga gối mẹ đích thân đi mua cho vợ chồng mình. Mẹ làm mình thay đổi cách nghĩ. Mẹ ơi, con sẽ cố gắng bớt lười để làm con dâu ngoan của mẹ. Sáng mai, con sẽ dậy sớm...

Nửa năm sau, chàng mới kể lại: mẹ quý mình là vì sau lễ ăn hỏi, tự dưng mẹ cứ chơi lô là thắng. Trong một tuần từ lúc ăn hỏi đến lúc cưới, mẹ thu về được mấy chục triệu. Có bà nói, con dâu nó hợp đất nhà bà đấy. Thế là mọi việc êm xuôi.

Thật không thể tin được.


CHƯƠNG 7 - CÁI TẾT ĐẦU TIÊN CỦA MÈO CON

Đó là tên một câu chuyện được học từ thời còn nhỏ, cũng chẳng nhớ của lớp mấy nữa. Nhưng cái cảm giác thương con mèo con lần đầu tiên tới căn bếp lạ dưới sự soi mói của bác nồi đồng, chị chổi xuể... vẫn còn y nguyên. Và giờ, với cái Tết này, không hiểu sao mình lại nhớ đến câu chuyện ấy.

. .. Gói bánh chưng...

Năm nay, thấy mẹ bảo: "Gói bánh chưng" làm mình lo lắng. Tính mình vốn chậm chạp, rồi lại cẩu thả nữa nên rất không yên tâm nếu cọ lá, hay làm bất cứ cái gì quan trọng.

Nhớ hồi còn học cấp III, con bạn thân yêu anh khóa trên, dở hơi lại xung phong đến nhà anh ấy nhận phần cọ lá. Mình thương bạn, lại nể vì lời rủ rê nên cũng đi. Thế là từ sáng sớm đến trưa muộn, hai con bé chưa cọ được mấy trăm lá thì đã hát hết các bài đã thuộc, chưa thuộc hay chỉ ư ử âm điệu rồi. Đành lòng vừa làm vừa mắng nhau là đồ ngu thôi. Giờ nghĩ đến gói bánh mà sợ.

Năm nay công ty cũng bận, nhiều hợp đồng nên công việc thiết kế cũng thường xuyên phải về sau 8h tối. Sếp hí hửng lắm, giáp Tết mà mình vẫn ở lại làm cho xong việc. Có lần sếp bắt tay an ủi: "Cố gắng em nhé, Tết này sẽ thưởng em to nhất!!!". Sếp đâu biết rằng, mình cũng vui lắm khi có việc mà làm đến giờ này. Mình trốn mấy cái bánh chưng thôi!!!

. .. Đi sắm Tết...

Khác hẳn những ngày xưa Tết đến, năm nay mình ky cóp để nhỡ đâu đi sắm Tết với mẹ chồng. Nhưng mẹ đuổi, mẹ bảo thà đi với mấy bà già còn hơn đi với mình. Mẹ bảo đi với mình rách việc lắm. Đành lòng ngậm ngùi biếu mẹ tiền sắm Tết, còn thui thủi chờ tối chồng về thì mách chồng thôi. .................

- Thì em kệ mẹ, em cứ phải đi cùng làm gì. Mẹ thích thế.

- Nhưng mà em muốn thân thiết hơn.

- Em chỉ lắm chuyện, nhà anh thế đấy. Không phải đi đâu. Kệ mẹ làm gì thì làm.

Chàng quay mặt vào cái game mobile chết tiệt làm mình buồn thối ruột. Chàng sống thoáng quá thì phải. Thoáng đến nỗi những cố gắng vun đắp tình đồng đội đồng chí của mình với gia đình nhà chàng thổi bên tai phải sẽ chạy ào luôn ra tai trái thì phải. Chàng không giúp mình như gián điệp giúp quân đội ta, như hoa tiêu chỉ lối, chàng cho rằng mình lắm chuyện. Mình chỉ có chàng là đồng minh thôi mà. Sao chàng lại thế chứ.

- Này, em bảo.

Mình làm vẻ thân thiết sán tới bên chàng với bộ mặt nghiêm túc.

- Gì?

Chàng nhíu mày vì trả lời các câu hỏi của mình chàng sẽ không liền mạch chơi game được.

- Anh nên bỏ em đi.

- Sao lại thế?

Mắt chàng vẫn dán vào điện thoại, mồm vẫn nói và toàn thân vẫn không thay đổi.

- Em lấy giấy bút cho anh nhé.

- Có gì thì em nói đi, cứ vòng vèo. Anh ghét nhất tính vòng vèo của em đấy.

Chàng gắt lên nhưng vẫn ở mức độ kiềm chế được. Còn mình, sự kiên nhẫn của mình cũng trào lên gần đến cổ rồi. Mình đang cố dìm nó xuống đây. Chàng ghét tính đó ư? Mình không nhớ rõ, nhưng chắc thời yêu nhau chàng sẽ không nói thế. Vì tất nhiên, nếu nói thế thì giờ ngồi bên mình là anh khác chứ không phải là chàng.

- Em thấy chỉ có ba thứ anh nên lấy làm vợ chứ không phải là em: tivi kênh HBO, máy tính với Internet và cái điện thoại với game nữa đấy.

Chàng im lặng. Mắt vẫn nhìn điện thoại, tay vẫn bấm bấm. Cái điện thoại vẫn bíp bíp như để trêu tức mình.

.......

...........

5 phút sau...

- Hả, em vừa nói cái gì cơ, nói lại anh nghe nào?

...........

Mình xông vào, giằng lấy điện thoại trên tay chàng, kéo cái cạp quần chàng, và.... vứt cái điện thoại vào trong đó. Cho cái điện thoại chết vì sặc.

Tết đến rồi...

Mình là con một. Ngày xưa bố mẹ ham vui nên không nhớ ra là phải đẻ thêm thì phải. Vì vậy mà đi lấy chồng rồi, thương bố mẹ ở nhà đơn độc lắm. Tết đến, lại càng thương bố mẹ nhiều hơn.

Ngày trước, Tết đến hai mẹ con còn tíu tít đi mua đồ ăn Tết. Ngày tất niên còn bày trò món nọ món kia. Mấy ngày tết bạn bè mình còn đến ăn uống tán phét với bố. Giờ thì có còn ai nữa đâu.

Từ cách đó mấy hôm, mình đã xin phép mẹ chồng cho phép hôm tất niên được ăn một bữa ở nhà ngoại, và một bữa sẽ ăn ở nhà nội. Mẹ chồng đồng ý, mình tưng bừng chờ đón cái Tết. Mẹ mình cũng thế, tưng bừng chuẩn bị làm cơm để con gái về.

....

Đêm giao thừa, giữa cái rét của bà già mùa đông vô duyên, đứng bên chàng, bên cả Hồ Tây nữa, pháo hoa nổ đì đẹt mà đẹp mê hồn, mình vẫn được chàng mừng tuổi. Lần này là 100.000đ. Mình cười: "Tiền mất giá quá anh nhỉ, mới có lúc nào chỉ cần mừng 2.000đ phải không anh". Chàng cười, xoa đầu mình, vòng tay ôm lấy vợ và thì thầm: "Chúc mừng năm mới, bà xã!".

Mình đã khóc vì hạnh phúc. Ước gì thời gian đừng trôi.

Sáng mồng 1...

Mới 8h sáng, mình còn chưa muốn chui ra khỏi chăn vì tối qua đi đón giao thừa, qua Quốc Tử Giám xin chữ và về Hà Đông đi lễ Bia Bà đến 3h sáng. Năm nào cũng thế, mình quen đón giao thừa như vậy rồi. Thế nhưng có lệnh triệu tập, chàng hốt hoảng gọi mình dậy chỉn chu nhanh chóng vì bố tổ chức buổi họp thì phải. Mình mắt nhắm mắt mở làm theo yêu cầu. Lạ nhỉ, có việc gì vào sáng mồng 1 đâu.

Xuống đến tầng 1, mình là đứa xuống muộn nhất. Nhưng không khí âm u cũng đủ để mình hiểu có điều gì không hay đang xảy ra rồi. Cả nhà im bặt. Chỉ có chàng là cúi gằm. Thôi chết, lại chuyện gì nữa đây. Lặng yên trước bài nói đang dở dang và đang cao trào của bố, mình mới hiểu ra rằng, việc mình về nhà đẻ ăn tất niên là đi ngược lại truyền thống gia đình nhà chàng. Bố không cho phép hai bữa tất niên không có đủ các thành viên. Và mình đã gián tiếp giết chàng.

....

Sau cơn bão ấy, chàng đã bị đánh gục. Về phòng, nằm cuộn tròn không ăn gì, không đi đâu cho đến ngày hôm sau. Khổ thân, cái ao bèo của mình ngoài biết ghen còn biết dỗi nữa. Mình cũng sợ, cũng chỉ vô hồn ngồi góc nhà ăn hết cái này đến cái khác. Thương chàng mình không dám nói, chứ thật lòng mình cũng buồn. Không lẽ bố mẹ đẻ mình ngày tất niên thui thủi hai thân già hay sao? Không lẽ không có quyền ăn cơm với con gái hay sao?

Kết thúc câu chuyện của mèo con, chú mèo đã thắng. Nó không còn sợ hãi nữa, nó có thể vượt qua hoàn cảnh để trưởng thành. Còn mình, nỗi thất vọng và sợ hãi bắt đầu bao trùm nhiều hơn, cái mốc để có thể trưởng thành ngày một xa hơn. Và hình như những ngày tới mới là bắt đầu.


CHƯƠNG 8 - ĐÁM CƯỚI NGƯỜI BẠN THÂN

Nó mời mình ăn cưới nó chỉ trước có hai ngày. Dạo nó về nước được một năm, cũng đèo cô bé đó đến nhà mình và giới thiệu là chị gái. Không biết trùng lặp hay sao ấy, trước nó cũng bảo là coi mình như chị gái mà. Mình hết ngạc nhiên lại đến sượng sùng.

- Ngày kia tao cưới nhé!

- Ơ, mày nói thật hay đùa thế?

- Tao nói thật, tao cưới cái con bé hôm tao dẫn sang nhà mày ấy.

- Thật hay đùa đấy, sao giờ mới báo tao?

- Thật mà, 11h trưa mai nhá, tại Nhà văn hóa trung tâm huyện Thanh Trì.

- Thật đấy à?

- Thật, thế nhé. Nhớ mang cả thằng con trai cả đi, đường xa để nó đèo đỡ vất vả.

....

Cú điện thoại cúp rồi mà mình vẫn không hiểu là thật hay đùa. Bạn thân đấy, nó cưới ư?

Ngày đi ôn thi đại học, trong cái lớp cấp tốc sát kỳ thi, chỉ có mình là con gái. Trong lớp, mình được bầu là lớp trưởng. Cũng đúng thôi, Viện Đại học Mở khoa công nghệ thông tin lấy đâu ra phụ nữ, nhất là cách đây hơn tám năm. Vì vậy có nhiều anh chàng hay trêu lắm. Buồn cười, dạo đó mình ghét tất cả.

Buổi ôn thi nào cũng thế, 9h tối mới tan. Từ Hà Đông đạp xe về Bưởi, lúc nào mình cũng thấy có thằng cha đạp xe đi theo mình. Mình rẽ Ngã Tư Sở nó cũng rẽ, mình đi tắt Quan Nhân nó cũng đi, mình hướng về Cầu Giấy nó cũng hướng. Vậy là lần nào mình cũng co giò lên đạp thật nhanh. Về đến nhà hôm nào cũng đứt cả hơi.

Một tối, đói quá, ra chơi mình đi lượn lờ bách hóa Thanh Xuân, và sà vào quán cháo vịt. Vừa ngồi xuống lau cái thìa, thằng cha đáng ghét ấy đã xuất hiện. Nó cũng ăn cháo vịt. Và... nó chọn chỗ ngồi cạnh mình!

- Bà tưởng tôi bám đuôi hả?

- Ơ, thế là thế nào? (mình giật mình vì sự trắng trợn của thằng cha đáng ghét)

- Này, đừng có tưởng bở nhé, nhà tôi cũng đi lối đó. Nhà tôi ở Xuân Thủy.

- Thì ai bảo gì đâu, ăn đi rồi vào lớp.

Mình ngượng chín cả mặt vì sự sai lầm của mình. Chắc mỗi lần nó đi theo mình là nó buồn cười lắm đấy. Giờ lại còn táo tợn đề cập thẳng vấn đề nữa chứ. Thật không thể chịu nổi người này.

- Ăn xong rồi, ăn sau trả tiền nhá.

- Ơ.

- Cảm ơn trước.

Mình nhanh nhẹn lau miệng và lao về lớp như một viên đạn. Để mặc nó với hai bát cháo. Mặc kệ nó có đủ tiền trả hay không, nhưng mình trả thù được món nợ đó, mình đỡ tức.

Một tháng sau.

Ngày nhập học, mình há mồm kinh ngạc khi nó và mình học chung một lớp. Tên trong sổ điểm lại chỉ cách nhau có ba người. Hiếu với Hiền mà, vậy nên kiểm tra hay thi lần nào cũng dễ bị ngồi gần nhau. Trời ơi, đúng là ghét của nào trời trao của nấy thật.

Năm đầu tiên, bọn mình chỉ học những môn cơ bản. Thầy toán quý mình nên thường được gọi lên làm bài mẫu. Lần nào thầy cũng khen kết quả, nhưng... lần nào nó cũng nói nhỏ đủ nghe khi mình đi qua: "Làm ngu thế không biết, may mà đúng được kết quả". Mình tức nó lắm. Mình tức nó thật.

Năm thứ hai, có rất nhiều chuyện xảy ra khi đời sinh viên gõ cửa. Nhà ở Hà Nội, nên mình không biết cảnh sống ở trọ, mà ước được ở ký túc cũng không được. Ấy vậy mà mình gây ra không ít rắc rối với tất cả mọi thứ xung quanh. Thượng đế trêu ngươi, lần nào cũng là nó. Nó xông ra như anh hùng cứu mỹ nhân. Nó xông ra giải quyết các vấn đề như là việc của nó. Và... mình với nó trở thành bạn thân từ lúc nào.

Thường nó đến đón mình đi học, bữa nào có xe máy thì cùng vi vu. Bữa nào có xe đạp mỗi đứa một cái. Nó kêu thà chết chứ không đèo mình. Nó bảo mình lần nào ăn gì cũng ăn lắm, nên nặng nó không đèo nổi. Bữa đó, lớp phải học cả ngày, đứa nào trong lớp cũng uể oải. Vậy là buổi trưa cả hội cùng nhóm đề tài rủ nhau về nhà mình làm lẩu cá nhậu nhẹt, rồi về trường học tiếp. Mùa đông mà, lẩu là đúng nhất. Sinh viên mà, lẩu cá là rẻ nhất.

Lũ con trai phởn trí lấy rượu của bố mình ra uống nên lừ đừ hết cả. Nhà hết giấy ăn, mẹ thật thà đưa cho tụi mình giấy báo để thay giấy ăn đang cần khẩn cấp để còn về đi học. Khổ thân, sau bữa nhậu, đứa nào đứa nấy mặt đen lem luốc, mực từ giấy báo được lau vào mặt, lại dính mỡ nên cả phi đội đều đáng được đưa vào kỷ lục Việt Nam môn trang điểm ấn tượng, hay thật! Rồi còn chỉ nhau cười chế nhạo nữa chứ. Thật là...

Nó hét toáng lên khi mình lo ngại một lũ lừ đừ lên xe về trường đi học. Nó bảo: "Chỉ có tao mới có tư cách đèo mày, tao không say tẹo nào!". Và mình thì tham đi xe máy.

H...u..ỳ..n...h...!!!

Xe máy đổ đánh ầm khi đi qua Sở thú, chỉ vì tốc độ nhanh và một em bé chạy vụt qua đường. Mình và nó, chìm trong cái vũng nước ổ voi trời mới mưa hôm qua. Mùa đông. Áo len trắng và quần bò xanh đẹp nhất bộ của mình. Thế là xong.

Nó thường không hay ngồi cạnh mình, nó hay ngồi bàn dưới để làm camera quan sát và bình phẩm thì phải. Chỉ có mấy anh chàng rỗi hơi là hay xin ngồi cạnh. Và tất nhiên, lần nào trên đường đi học về, nó đều chê bai và bình phẩm thằng cha nào ngồi cạnh mình.

Nhưng hôm đó nó lại ngồi cạnh.

- Sao hôm nay mày tử tế thế? - Mình hỏi mỉa mai.

- Tao thấy mày ngồi mà nước từ mặt ghế cứ ròng ròng chảy, nước từ áo len ấy. Tao sợ không ai dám ngồi cạnh mày nên tao ngồi thôi.

- Căm thù!!!

Mình rít lên đủ để nó nghe và làm ra vẻ chú tâm vào bài học. Mình ghét nó thế không biết, mình ướt và rét thế này là tại nó hết.

5 phút

10 phút

- Hiếu ơi, tao rét quá, tao về đây, tao không chịu được nữa.

- Tao đưa mày ra ban công hóng gió nhé. Gió một lúc là khô thôi.

- Khô sao được mà khô, tao ướt hết cả ba lớp rồi đây này.

- Giời ơi, có là gì đâu, tao ướt cả năm lớp nhé - Rồi nó còn lấy tay ra hiệu để miêu tả - lớp quần bò này, lớp quần đông xuân này, lớp quần đùi này, lớp quần này nữa này và lớp da tao nữa.

Phải công nhận thế giới này hiếm có ông đàn ông nào trơ trẽn như nó, thô quá thể. Nhưng thì thầm đến thế thôi cũng phải đi hóng gió với nó thật. Oái oăm, càng đứng trước gió, càng rét.

- Thôi, nhất quyết là tao về đây, rét quá. Tao mà chết là lớp không kịp bầu cán bộ lớp đâu.

- Đâu, đưa tao xem nào.

- Vớ vẩn, mày cứ đứng đây cho bao giờ khô đủ năm lớp của mày. Tao về đây. Căm thù...

...

- Khoan đã!!!

Vậy là hai đứa bỏ ba tiết cuối. Dù sao cũng điểm danh rồi. Hôm đó gió mùa rét lắm, gió cứ tát vào mặt người đi xe máy như thể kẻ thù vậy. Mình đành phải cúi xuống nép vào lưng áo nó. Hai hàm răng va vào nhau cạp cạp. Bỗng nhiên nó vòng tay ra sau cầm tay mình. Nhét vào túi áo nó. Và... nắm chặt tay mình mãi trong túi.

Con đường im lặng.

Nó im lặng.

Mình im lặng.

Chỉ có cái xe máy Đài Loan chùng xích là kêu như tàu hỏa.

.............

- Này!

- Hả?

Bỗng nhiên nó phá cái khoảng lặng rối ren giữa hai đứa làm mình bị dứt ra khỏi luồng suy nghĩ: "Nó đang có ý đồ gì đây!".

- Tao thấy mày rét quá thì mới nắm tay thôi đấy nhé.

- Ừ, thì mày có cái vị gì đâu mà tao phải nghe giải thích - Mình bực mình bật lại - Tao nghĩ mày như em trai tao nên mới để yên đấy chứ.

- Ờ, tao cũng nghĩ mày là chị gái nên mới nắm tay đấy nhé. Đừng có hiểu lầm.

... Khoảng không lại im lặng...

- Này!!

- Gì???

- Nhưng mà tao dặn trước nhé - lại là nó với cái giọng cẩn trọng - Mày không được yêu tao đâu đấy!

- Ơ, cái thằng này, mày bị dở hơi à? - Mình tức khí - Tao điên à mà yêu mày.

- Thì đấy là tao cứ dặn trước.

- Đồ dở hơi!!!

Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng kể từ đó cứ thằng cha nào trong lớp có ý định cưa mình là nó lại bình phẩm. Những hôm hai đứa tổ chức nấu cái gì đó cùng ăn nó lại lôi ra chê bai dè bỉu. Về sau quá đáng hơn, kể cả những anh khác hay ngồi ngoài quán của mẹ, nó cũng liệt người ta vào dạng xấu xa hết chỗ nói. Còn nó, lâu lâu lại thấy đèo một cô tới nhà mình chơi, hôm sau lại hỏi: "Trông thế nào? Được không?". Mình trả đũa: "Xì, dây thần kinh tình yêu của mày bị đứt à? Thế mà cũng chọn" . Và... lại không thấy cô bé ấy xuất hiện nữa.

Năm thứ 3

Gia đình nó có chuyện, nó phải bỏ dở chuyện học hành để sang định cư bên Nga với gia đình. Ngày nó lên máy bay mình không tiễn, chỉ tối hôm trước hai đứa rủ nhau đi uống cà phê mà thôi.

- Dạo Tết tao thấy lá số của mày cũng được đấy chứ. Thôi, mày đi nước ngoài cho rộng tầm mắt. Mừng cho mày.

- Số tao lận đận lắm. Trong lá số ấy người ta bảo: năm tao 30 tuổi làm ăn sẽ lụi bại, năm tao 40 tuổi mới có vẻ gỡ gạc được, năm tao 50 tuổi mới có tí của để, năm tao 60 tuổi mới làm ăn được. Lấy đâu ra mà được.

- Ơ, tao nhớ là họ nói năm mày 65 tuổi sẽ đại cát đại lợi mà. Mày cứ đi đi. Bao giờ 65 tuổi thì về gặp tao nhé.

- Không ạ, để tao mốc à?

- Tao có bảo mày để mốc đợi ngày nắng thì mang ra phơi đâu. Chỉ bảo mày và tao sẽ chờ nhau ở cuối con đường tình mà.

- Ừ, năm hai đứa mình 65 tuổi nhé.


CHƯƠNG 9 - QUA RỒI MỘNG MƠ

Cả hai đứa cùng cười, nhưng không hiểu sao trong lòng mình muốn khóc. Chả hiểu vì cái gì. Còn nốt một năm nữa thôi là ra trường rồi, nhưng nó và mình sẽ không còn được cùng đi bảo vệ đồ án tốt nghiệp nữa, không còn ai chiều về rủ mình xà vào hàng bánh chuối trên đường Láng nữa, không còn ai mắng mình là Hiền tồ tẹt nữa.

Đêm hôm ấy, cà phê làm mình mất ngủ. 1h sáng, nó gọi điện cho mình, hai đứa lại tâm sự đến 2h sáng. Tâm sự cũng không phải, tâm sự gì mà thi nhau nói xấu thầy cô ở trường.

Nó đi và chẳng còn ai bình phẩm các chàng trai đến cưa mình nữa.

Thi thoảng, nó vẫn gọi điện về. Chứ mình làm gì có tiền mà gọi cho nó.

Bốn năm sau, vô tình nó gọi về trước ngày mình cưới một tuần. Nó không bình luận gì cả. Chỉ hỏi: "Có hoãn được hai tháng để chờ tao về không?". Mình trả lời: "Không! Cái này do người lớn quyết định". Nó bảo: "Ừ, thế thôi, chúc mày hạnh phúc". Cúp máy, tự dưng mình lại muốn khóc.

Hai ngày trước khi cưới.

Mình và chú rể tương lai lên thăm bà nội đang điều trị tai biến mạch máu não trong viện. Mình có kể với bà rằng: "Thằng Hiếu mấy hôm trước có gọi về chúc cháu hạnh phúc bà ạ". Bà chỉ cười gật gật thôi. Trước khi về, khi chú rể xuống lấy xe, bà nắm lấy tay mình thì thầm:

- Hôm hai đứa chúng mày rủ nhau đi uống cà phê tạm biệt ấy, lúc mày đang chỉnh trang trên gác, nó có bảo với bà rằng: "Chỉ vì tự ái một câu nói đùa mà cháu mất hết bà ạ".

Con đường về, vẫn đoạn đường toàn mùi bánh chuối rán, tự dưng mình bật khóc. Lần này, mình khóc vì hai đứa dở hơi ngày nào nắm tay nhau, không phải ướt vì mưa cho nó ra dáng lãng mạn một tí, mà là ướt vì ngã xe máy.

Hai năm sau.

Nó mời mình ăn cưới nó chỉ trước có hai ngày. Dạo nó về nước được một năm, cũng đèo cô bé đó đến nhà mình và giới thiệu là chị gái. Không biết trùng lặp hay sao ấy, trước nó cũng bảo là coi mình như chị gái mà. Mình hết ngạc nhiên lại đến sượng sùng.

Đêm trước hôm nó cưới.

Tâm trạng mình cứ thế nào ấy, buồn kiểu gì khó tả lắm. Đàn bà thật phức tạp và tham nữa. Mình lên mạng và tâm sự với một người bạn trong thành phố Hồ Chí Mình, mình bảo:

- Chắc là buồn vì tham, giờ phải chia sẻ thằng bạn thân cho cô gái khác rồi.

- Mất hẳn chứ chia sẻ đâu mà chia sẻ.

Câu trả lời làm mình như bị giật ra khỏi u mê. Ừ, lấy đâu ra mà chia sẻ. Mất hẳn rồi. Cảm giác lúc này cứ như bị ai móc túi cái gì thật quý giá. Tiêng tiếc thế nào ấy. Kỳ cục thật.

Vậy là mình và chàng đã hết những tháng ngày tán tỉnh nhau. Giờ thì tính tốt tính xấu phơi bày ra hết rồi. Buồn cười thật, chàng tỏ vẻ khó chịu khi thấy mình mặc váy đi làm và ngồi cả buổi với cái game mobile mỗi lần sang chơi với bố vợ.

...Lười...

Thật ra thanh niên bây giờ ai chẳng lười, không riêng gì mình, không riêng gì chàng. Sau hai tháng làm con dâu mới, mẹ chồng cuối cùng cũng cất lời vàng ngọc:

- Thôi, cô không phải dậy sớm quét nhà nữa đâu nhé. Cô cứ lạch cạch làm tôi muốn ngủ thêm cũng khó. Trời mùa đông thế này ai mà chịu được. Từ mai trở đi luôn nhé.

- Dạ !!!

Cái dạ đầy biết ơn và từ tốn. Không biết mẹ có nhận thấy cái dạ đó đang kiềm chế nhiều tiếng reo hò trong lòng mình hay không. Nhưng cũng kể từ đó, mình chỉ dậy trước giờ đi làm 1 tiếng đồng hồ thôi.

Chàng cũng lười, ngày yêu mình thì chàng chăm lắm. Mình mà làm cái gì một mình, chỉ cần lườm chàng một phát là chàng vội vàng lao ra phụ một tay ngay. Có lần sang nhà mình ăn trực, (hí...hí...vì sang chơi mời ở lại ăn cơm lại vâng ngay chẳng là ăn trực thì là gì?) thấy mẹ mình đang đứng nấu nướng liền sán tới kêu "làm gì cho con làm với." Rồi dưới sự đảo mắt điều khiển của mình, chàng lao vào chậu rửa bát như một viên đạn.

một phút...

hai phút.....

ba phút......

....

Chàng chạy lại, mắt tái dại, cắt không còn hột máu, thì thầm vào tai mình:

- Em ơi, chết dở rồi, anh có chuyện này muốn nói với em.

- Anh không làm nốt đi còn bỏ dở để ra đây là gì?

Mình tỏ ra khó chịu khi thấy chàng chưa hoàn thành xong công việc. Có mấy cái bát thôi mà lười thế ...

- Anh....anh ....bị đứt tay rồi.

Chàng e dè chìa ngòn tay bị con dao do chàng cọ vừa cứa. Mình la lên......tất nhiên, cả nhà lại xúm vào, cuống quýt băng bó. Làm như tai nạn chiến tranh không bằng. Từ lần ấy trở đi, mẹ không cho chàng mỗi lần sang chơi làm bất kỳ việc gì nữa. Mãi về sau, mình mới nghĩ, có thể chàng cố tình để đỡ phải làm chăng?

Giờ, khi lấy nhau về rồi, không còn chàng trai tội nghiệp ngày nào nữa. Mà thế vào đó là một ông chồng vừa lười vừa khó tính. Hai vợ chồng có pha tách trà ngồi uống với nhau thì trong đầu đã phải toan tính xem kiếm cớ gì đây để kẻ kia đi rửa chén sau bữa tiệc rồi. Hay thật, đúng là hôn nhân khác ngày yêu quá thể.

Tính chàng bừa bãi, rất hay lấy đồ mà không để vào chỗ cũ. Đi làm, thay cái quần đùi ra cũng vứt luôn ra sàn nhà rồi kệ nó ở đó. Mình đi theo dọn dẹp cũng điên tiết. Thể nào cũng có ngày mình cầm cầm cái quần đùi của chàng ném ra ngoài cửa sổ.

...tình yêu thời hậu chiến...

Không ai yêu nhau mà không từng một lần đi ăn tiệm. Đôi khi không phải vì thích món ăn đó, mà là vì thích được đi với nhau. Và tất nhiên, phong tục Á Đông, người đàn ông thường là người trả tiền.

Không hiểu sao mình cũng thế, mình thích đi ăn mà chồng là người trả tiền, cho dù lĩnh lương lần nào mình cũng lột sạch của chàng, cho dù mình luôn là người lừa chàng đi ăn tiệm.

- Alô, anh à, tới ngay số 9 Văn Cao nhé !

- Việc gì thế em - Chàng ngơ ngác hỏi - Anh trưa nay bận lắm !

- Việc gấp lắm. Em cần anh !

Chàng hớt hải lao từ cơ quan về phố Văn Cao. Đàn ông mà, mình biết, chàng hẹn bia hơi với lão Vân - bạn nối khố - chứ bận gì đâu. Khi nào chàng bận thật sự, thì chàng sẽ nói việc đó là việc gì rồi, hoặc chàng nhờ ai đó chạy qua chỗ mình, chứ chàng không nói chung chung như thế.

Nhìn cái dáng thân yêu đứng ngơ ngác ngoài đường, trước cửa quán tìm kiếm mà thương quá. Nhưng qua khung cửa kính tầng 2, làm sao chàng thấy được ánh mắt có mùi của sự đắc thắng này.

- Anh à, sao lâu thế, gấp lắm rồi

- Ơ, em đang ở đâu, lại vượt đèn đỏ à? lại bị công an tóm à ?

- Không, lên tầng 2 đi anh, em sắp gọi món rồi,

- Ơ...sao em bảo có việc gấp ?

- Thì em đói quá em bảo gấp chứ sao? Em đói không quan trọng với anh à?

Bữa trưa thật bất ngờ với chàng và thật vui với mình. Đôi khi mình thích hâm nóng tình yêu bằng cách trêu tức chàng hoặc làm những chuyện không ai nghĩ ra. Tình yêu thời hậu chiến mà, mỗi người đã không còn mới lạ ở người kia nữa. Nên mỗi một bất ngờ lại là một lần làm mới thôi.

- No quá, cảm ơn em nhé !

- Anh trả tiền đi rồi về

- Ơ...em mời anh mà...

- Xì...thế anh không phải là đàn ông à, để em đứng lên trả tiền mọi người sẽ nhìn anh chứ không nhìn em đâu nha

- Nhưng...em lột hết của anh rồi mà.

- Kiểu gì chẳng còn

- Ừm, em tinh quái lắm, đã lột hết lương, còn đẽo dần lậu. Em cứ thế này anh chết đấy.

- Vâng, anh chết em vẫn còn trẻ, còn nhiều cơ hội đi lấy chồng nữa mà.

Chàng biết thua rồi, chàng chấp nhận trả tiền. Nhưng lần sau, chắc chắn không rủ đi ăn bằng bài cũ được nữa. Chàng sẽ cảnh giác hơn. Nhưng mình lại càng có nhiều bài hơn, miễn sao đẽo được hết lậu của chàng. Mình mà, "ở đây, ai là tướng ?"

Khà ...khà....Giờ cái quán số 9 Văn Cao đã đổi chủ rồi, trở thành quán bia hơi, mỗi lần đi qua đó, lại tủm tỉm cười và... nhớ chàng!


CHƯƠNG 10 - NHỮNG BÀI HÁT CHƯA BAO GIỜ THUỘC

Vậy là mình đã về làm dâu nhà chàng được hai tháng. Trong đó có một tháng là xây dựng tư cách đạo đức. Cũng may chưa vỡ cái bát cái đĩa nào.

Hoặc nguy hiểm hơn nữa là làm cho ai trong họ hàng nhà chàng ghét. Mẹ mình bảo: "Mày làm mẹ nhẹ cả người. Chiều con, cứ để học hành, mọi việc mẹ làm cho hết, cuối cùng gả đi, chỉ sợ bị người ta chê con mình!". Thật tội cho mẹ.

Ngày giỗ ông.

Sau khi nghe thông báo từ tổng chỉ huy trung ương, mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có dịp gặp gỡ họ hàng nhà chàng cho gần gũi. Lo vì chưa thật sự biết các phong tục ở đây như thế nào. Ví như sau khi cưới chàng vài ngày ấy, thấy mình rửa bát một mình giữa trời rét ngoài sân, chàng ra ngồi ở cửa chờ. Vợ rửa xong thì chàng bê đỡ vào nhà úp bát hộ. Vậy mà chàng vừa vào trong nhà một cái, mình đang lúi húi quét sân, thì mẹ ở đâu đã xuất hiện, ghé vào tai mình làm mình giật thót cả tim. Mẹ thì thầm: "Này, đàn ông làng Đông không có thói quen rửa bát đâu nhé. Mày đừng làm cho ông bố nhìn thấy mà ông ấy ghét đấy". Trong lòng run lên bần bật, mình dạ mẹ mà trong lòng tự hứa thật sắt đá: "Có chết cũng không dám để chàng úp bát giúp mình nữa". Âu đấy cũng là chưa biết về phong tục tập quán. Âu đấy cũng là cô dâu mới thôi mà.

Tiếng khóa mở cửa dưới tầng một làm mình vội vàng vung chăn lao ra khỏi giường. Lạ thật, nếu có cuộc đua xem ai tai thính nhất chắc chắn mình sẽ tham gia để giành giải nhất mất. Thật đấy, bình thường thời con gái, mình ngủ nhiều, nhưng cũng là đứa ngủ thính lắm. Mình tự hào vì điều này, bởi lẽ nhờ ngủ thính mà nhiều khi mọi người cứ tưởng mình ngủ, đem nói xấu mình thật lực. Hè, hè, nghe thấy hết, có lúc còn bất bình, định vùng dậy cãi lại, nhưng lại thôi vì nếu làm như thế lần sau mọi người sẽ cảnh giác. Nói xấu mình nhiều nhất luôn là bố. Còn mẹ thì cứ ra sức bênh vực. Có lúc thấy ghét bố, bố chê mình thế sao còn nuôi mình làm gì!

- Mẹ cho con đi chợ cùng mẹ nhé, con sẽ xách đồ cho mẹ đỡ nặng!

- Đi đâu mà đi. Không khiến đâu. Cô ở nhà đi. Tôi đi với dì Vinh. Chúng tôi đi còn nhiều chuyện để bàn.

Rồi mẹ đi với tiếng đóng cổng cành cạch. Bỏ lại sau lưng là cái mặt mình ngắn tũn đứng tần ngần ngoài cửa chính. Mùa đông 2006 được nhà nước và chính phủ công nhận là mùa đông rét, vậy mà mình mặc cái áo len phong phanh, đứng ở cửa, tần ngần, tẽn tò, ngơ ngác vào lúc 6h sáng, không dám quay trở lại phòng ngủ mà cũng không dám chạy theo mẹ.

20 phút sau...

- Anh ơi, nằm... dịch vào... cho... em nằm... với.

- Sao lại rét thế, không chịu mặc cho đủ ấm rồi đi đâu thì đi (Chàng cáu kỉnh vừa dịch vào trong giường vừa nói)

- V...â...ng (mình lập cập trong tiếng run rét trả lời)

- Mà tưởng em đi chợ với mẹ?

- Mẹ không cho em đi, mẹ bảo mẹ đi với dì Vinh vì có chuyện phải bàn.

Chàng lại động đến nỗi đau của mình, làm giọng thuật lại của con bé tội nghiệp trong mình có vẻ méo đi đôi chút. Chàng cười, quay lại véo má vợ mà an ủi:

- Mẹ và dì sáng nào chẳng đi chợ với nhau. Các bà ấy còn phải bàn xem chiều nay đánh con gì ấy mà. 7h sáng là giờ tính xem nguyên nhân vì sao hôm qua về chẵn lẻ. Còn 3h chiều là giờ tính xem hôm nay lẻ chẵn sao đây. Em hiểu chưa? Thôi, đừng buồn làm gì. Ngủ đi!

Đúng là đồ đàn ông vô tâm, ngủ thế nào được mà ngủ. Hay nói chính xác hơn là không dám ngủ. Mình cũng rửa mặt rồi mà. Đành nằm trong chăn, chăm chú lắng nghe xem tiếng cổng bao giờ lại lạch cạch, mẹ về và... mình lại lao xuống phụ giúp chuyện bếp núc. Nằm im... lắng nghe... mùa xuân về!

....

Cứ tưởng đây sẽ là dịp để mẹ và họ hàng thán phục tài nấu nướng của mình. Mọi ngày ở nhà, mỗi ngày có cỗ bàn hay hội họp, mình vẫn được làm bếp trưởng. Nhà mình ông bà nội toàn các chú, các chú lại toàn con trai. Thế là mình vẫn luôn chịu trách nhiệm đi chợ và nấu nướng mà. Có mấy đứa em họ lon ton giúp sức, vui ơi là vui. Nhưng...

Dì bảo:

- Mày xem bóc tỏi thì bóc, nếu không thì nhặt rau sống thôi. Biết gì mà làm.

- V...â..n..g!

Mẹ bảo:

- Thôi, thôi, cô đi chỗ khác cho khỏi vướng chân.

- V...â..n..g!

Tự dưng, chỉ luẩn quẩn như một đứa trẻ lên ba...

Hết việc vặt, hết những việc được phép làm, mình mệt mỏi bò lên tầng ba ngồi cho đỡ buồn. Ở dưới bếp, tiếng mẹ và các dì bảo nhau vẫn còn rõ:

- Mày cho nó làm làm gì ? Nó con một thì biết làm cái gì mà làm. Quét cái nhà còn chẳng sạch nữa là.

- Thì em có để nó làm đâu. Tôm chị em mình mua trăm nghìn một cân, ai dám đưa cho nó chế biến, nhỡ nhịn đói cả nhà thì sao?

...

Tiếng cười dưới bếp làm mình chán không buồn xuống nhà nữa. Chui vào chăn lắng nghe tiếp. Lạc lõng...

....

Bữa tụ tập nhân dịp giỗ ông cuối cùng cũng xong. Họ hàng nhà chàng thật đông, đặc biệt là đội ngũ tuổi teen. Nhưng khi bữa ăn kết thúc, đứa nào cũng có đủ lý do chính đáng để ra về sớm sủa hoặc để được miễn dọn rửa. Trời mùa đông tối sớm. Một cái sân ngổn ngang như chiến trường. 6 mâm bát đĩa đủ loại. Và... một cô dâu mới về nhà chồng. Nhớ lại khi còn ở nhà, mỗi lần rửa bát, mấy chị em xúm vào, vừa cười đùa vừa chuyện làm, công việc mới nhanh làm sao. Giờ chỉ còn mình mình.

Nào... vừa hát vừa làm thôi...

Hát những bài hát đã thuộc.

....

Hát những bài hát hơi hơi thuộc.

.....

Chết mất, một mình cô dâu lúi húi ngoài sân, lắng nghe tiếng cười trò chuyện của già trẻ lão ấu trong nhà mà tủi quá. Hiền ơi, cố lên nào!

.....

Hát những bài hát dạo đi mẫu giáo vẫn hát.

.....

Hát những bài hát chưa thuộc.

....

Ui cha, sao 6 mâm bát lại nhiều thế này...!

....

Ư ử giai điệu của những bài hát không thuộc tí nào.

.....

Cuối cùng, cuộc chiến cũng kết thúc.

Đôi bàn tay chỉ toàn lướt trên bàn phím.

Giờ...

Tê cứng... đỏ au... không co duỗi được.

Thôi nào, đừng tủi thân mà khóc ở đây. Có gì thì lao lên phòng đóng cửa sau. Hay hôm nào về kể cho mẹ để được an ủi vỗ về. Thôi nào, lấy chồng phải khác chứ, ai hầu mà đòi sướng. Thôi nào, mọi người cười cho đấy. Rồi mai cả làng lại đem chuyện này ra mà cười. Thôi nào... thôi nào...

Tự dỗ dành mình.

Vậy mà...

Úp xong đám nồi trong bếp, mình vẫn ứa nước mắt không sao cầm lại được. Những giọt nước mắt vô lý không có tí âm thanh sụt sịt. Nó trào ra, lăn vụng trộm trên mặt, bị gạt vội đi và khô dần trong tiếng cười nói của những họ hàng mà mình còn chưa biết hết tên.

Đọc tiếp: Khi lấy chàng (Nhật ký cô dâu trẻ) - Phần 3
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM