XtGem Forum catalog

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Giết con chim nhại - phần 2

Chương 3:

Tóm được Walter Cunningham trong sân trường khiến tôi thấy hài lòng ít nhiều, nhưng khi tôi đè đầu nó xuống đất thì Jem đi ngang qua và bảo tôi dừng lại. "Mày lớn hơn nó mà," anh ấy nói.

"Nó bằng tuổi anh chứ bộ," tôi nói. "Nó làm buổi học đầu tiên của em hỏng bét."

"Buông nó ra, Scoutt. Sao vậy?"

"Nó không mang theo bữa trưa," tôi nói, giải thích việc tôi dính dáng vào vụ ăn uống của Water thế nào.

Walter đã đứng lên và im lặng nghe Jem với tôi. Nắm đấm của nó đã hơi giơ lên như thể chờ đợi cuộc tấn công của anh em tôi. Tôi sấn tới đế đuổi nó đi, nhưng Jem đưa tay ngăn tôi lại. Anh xem xét Walter với vẻ suy đoán. "Cha mày là ông Walter Cunningham ở Old Sarum phải không?" Anh hỏi và Walter gật đầu.

Walter trông như thể được nuôi bằng thức ăn cho cá: đôi mắt nó, xanh như mắt của Dill Harris, đỏ hoe và đầy nước. Mặt nó không có sắc màu trừ chóp mũi, chỗ đó có màu hồng ẩm ướt. Nó rờ rẫm ngón tay theo những dây cài của bộ áo liền quần đang mặc, lo lắng táy máy những cái móc kim loại.

Bất chợt Jem nhe răng cười với nó. "Về nhà ăn cơm với tụi tao đi, Walter," anh nói. "Mày tới tụi tao vui lắm."

Mặt Walter bừng sáng rồi tối sầm.

Jem nói. "Bố tụi tao là bạn của ba mày mà. Còn con Scout này, nó khùng - nó không đánh mày nữa đâu."

"Em không chắc điều đó đâu," tôi nói. Việc Jem tự ý làm ra cam kết cho tôi khiến tôi thấy khó chịu, nhưng những phút giây nghỉ trưa quý giá đang trôi qua. "Phải đó Walter, tao không đe mày nữa đâu. Mày không thích đậu bơ sao? Bà Cal nhà tao nấu bếp hết sẩy."

Walter đứng im tại chỗ, cắn môi. Jem và tôi bỏ đi, và khi chúng tôi gần đến chỗ nhà Radley thì Walter gọi, "Nè, tao đi với!"

Khi Walter đuổi kịp bọn tôi, Jem nói chuyện thật vui với nó. "Có con ma sống trong đó," anh nói một cách thân mật, chỉ vào nhà Radley. "Nghe vụ này bao giờ chưa, Walter?"

"Hình như có," Walter nói. "Năm đầu tới trường rồi ăn mấy quả hồ đào tao mém chết luôn - người ta nói hắn tẩm thuốc độc vô rồi thảy chúng qua hàng rào trường."

Lúc này Jem có vẻ ít sợ Boo Radley vì có tôi và Walter bên cạnh. Thực sự là Jem đâm ra huênh hoang, "Có lần tao dám đi một lèo tới nhà đó luôn," anh nói với Walter.

"Bất cứ ai từng đi tới nhà đó hẳn không phải chạy mỗi khi đi ngang qua đó," tôi nói với đám mây trên trời.

"Ai chạy vậy, cô Priss?"

"Anh chớ ai, khi không có ai đi chung."

Lúc chúng tôi đi đến bậc thềm trước nhà, Walter đã quên nó là một Cunningham, Jem chạy xuống bếp yêu cầu Calpurnia bày thêm một đĩa nữa, chúng tôi có bạn. Bố Atticus chào đón Walter và bắt đầu nói chuyện về mùa màng mà cả Jem và tôi đều không thể hiểu.

"Lý do cháu không thể qua được lớp một, ông Flinch, là mùa xuân nào cháu cũng phải ra đồng để giúp ba cháu chặt cây, nhưng có một lý do khác ở nhà bây giờ là kích thước của cánh đồng."

"Mày đã trả thúng khoai tây chưa?" Tôi hỏi, nhưng bố Atticus đã lắc đầu với tôi.

Trong khi Walter chất thức ăn vào đĩa của nó, nó với bô Atticus nói chuyện với nhau như hai người đàn ông, trước sự ngạc nhiên thích thú của Jem và tôi. Bố Atticus đang giải thích những vấn đề nông trại thì Walter cắt ngang để hỏi không biết trong nhà có mật đường không. Bố Atticus gọi bà Calpurnia, bà quay lại mang theo bình xi rô. Bà đứng chờ Walter tự phục vụ. Walter rót xi tô lên rau và thịt thật hào phóng. Chắc hẳn nó sẽ rót xi rô vào cả ly sữa nếu như tôi không hỏi nó đang làm gì.

Chiếc đĩa bạc kêu lách cách khi nó đặt bình xi rô xuống, rồi nó nhanh chóng đặt hai tay lên đùi. Sau đó nó cúi đầu xuống.

Bố Atticus lại lắc đầu với tôi. "Nhưng nó tẩm bữa ăn của nó ngập xi rô," tôi phản đối. "Nó rót xi rô lên khắp...."

Ngay lúc đó Calpurnia gọi tôi xuống bếp.

Bà đang giận dữ, mà khi giận dữ thì văn phạm của Calpurnia trở nên lộn xộn. Khi bình thường, văn phạm của bà cũng tốt như văn phạm của mọi người Maycomb. Bố Atticus nói Calpurnia có học hơn phần lớn người da màu khác.

Khi bà liếc nhìn xuống tôi, những nếp nhăn nhỏ xíu quanh đôi mắt bà hằn sâu hơn. "Có một số người ăn không giống nhà mình," bà thì thầm một cách gay gắt, "nhưng đâu có ai yêu cầu cô rầy rà họ tại bàn ăn khi họ không giống cô đâu. Thằng nhỏ đó là bạn cô và nếu nó muốn ăn trên tấm khăn bàn thì cô hãy kệ nó, hiểu chứ?"

"Nó đâu phải là bạn, Cal, nó chỉ là một đứa Cunningham...."

"Ăn với nói! Họ là ai thì đâu thành vấn đề, bất cứ ai đặt chân đến nhà này đều là bạn cô, và đừng để tôi bắt gặp cô xét nét cung cách của họ theo kiểu kiêu kỳ này nữa nghe! Họ nhà cô có thể khá hơn họ nhà Cunningham, nhưng đó đâu phải lý do cho cô làm nhục họ - nếu cô không cư xử phù hợp để được ăn tại bàn, thì cô có thể xuống đây và ăn trong bếp đi!"

Calpurnia đẩy tôi qua cánh cửa đung đưa sang phòng ăn bằng một cú phát đau điếng. Tôi lấy đĩa thức ăn của mình và xuống ăn trong nhà bếp, dù sao tôi cũng mừng là không bị bẽ mặt khi phải đối mặt với họ lần nữa. Tôi bảo Calpurnia hãy chờ đó, tôi sẽ cho bà biết: một ngày nào đó khi bà lơ đi, tôi sẽ bỏ đi và nhảy xuống chỗ nước xoáy Barker và rồi bà sẽ hối tiếc. Ngoài ta, tôi nói thêm, bà đã làm tôi gặp rắc rối bữa nay: bà đã dạy tôi viết và tất cả là lỗi của bà. "Dẹp cái trò nhặng xị của cô đi," bà nói.

Jem và Walter trở lại trường trước tôi: việc ở lại sau để nói với bô Atticus về việc bất công quái ác của Calpurnia khiến tôi phải chạy nước rút một mình ngang nhà Radley. "Dù sao bà ấy cũng thích Jem hơn con," tôi kết luận, và gợi ý rằng bố Atticus nên nhanh chóng tống khứ bà ta đi.

"Con có bao giờ nghĩ rằng Jem không làm bà ấy lo lắng bằng nửa con không?" Giọng bố Atticus đanh lại. "Bố không có ý định đuổi bà ấy, bây giờ và cả sau này nữa. Chúng ta không thể sinh hoạt một ngày mà không có Calpurnia, con có bao giờ nghĩ đến điều đó không? Con có nghĩ là Calpurnia đã làm bao nhiêu chuyện cho con chưa, và con hãy quan tâm đến bà ấy, hiểu chưa?"

Tôi trở lại trường và thấy căm ghét Calpurnia cho đến khi một tiếng hét bất ngờ phá vỡ những oán hờn của tôi. Tôi nhìn lên và thấy cô Caroline đang đứng giữa phòng, mặt cô đầy kinh hoàng. Dường như cô đã trấn tĩnh lại để giữ vững chức trách của mình.

"Nó còn sống!" Cô rú lên.

Lũ con trai trong lớp xông lên để giúp cô. Chúa ơi, tôi nghĩ, cô ấy sợ chuột. Thằng Little Chuck Little, thằng có một sự kiên nhẫn phi thường dành cho tất cả các loại sinh vật, nói, "Nó chạy đường nào, cô Caroline? Cho tụi em biết nó chạy đi đâu, nhanh lên! D.C..." Nó quay sang thằng nhóc đứng sau - "D.C., đóng cửa lại để tụi mình bắt nó. Mau lên, cô ơi, nó chạy đâu mất rồi?"

Cô Caroline chỉ ngón tay run rẩy không phải xuống sàn mà cũng không phải lên bàn, mà vào một đứa lóng ngóng tôi không biết tên. Khuôn mặt Little Chuck cau lại và nó nói nhẹ nhàng, "Ý cô nói nó hả? Vâng, nó còn sống. Nó làm gì khiến cô sợ vây?"

Cô Caroline nói một cách tuyệt vọng, "Cô vừa mới đi ngang thì nó bò từ tóc trò đó.... Vừa mới bò ra khỏi tóc...."

Little Chuck nhe răng cười. "Đâu có gì phải sợ một con chí, thưa cô. Cô chưa từng thấy con chí nào sao? Bây giờ cô chỉ cần trở lại bàn cô và dạy chúng em một số điều nữa."

Little Chuck là một thành viên khác trong lớp không biết bữa ăn kế tiếp của nó từ đâu tới, nhưng nó là một quý ông bẩm sinh. Nó nắm lấy khuỷu tay cô và dẫn cô Caroline đến trước lớp. "Giờ cô đừng sợ nữa, thưa cô," nó nói. "Không cần sợ một con chí đâu. Em sẽ đi lấy cho cô một ly nước."

Chủ nhân của con chí không thể hiện một chút quan tâm nào đến sự xôn xao mà nó gây ra. Nó lần mò lớp da đầu bên trên trán, tìm được vị khách và bóp chặt nó giữa ngón cái và ngón trỏ.

Cô Caroline theo dõi quy trình đó trong sự mê hoặc kinh khiếp. Little Chuck mang nước đến trong chiếc cốc giấy, và cô uống với vẻ biết ơn. Cuối cùng giọng cô bình tĩnh lại. " Em tên gì, cậu bé?" Cô dịu dàng hỏi.

Thằng nhỏ nheo mắt. "Ai, em hả?" Cô Caroline gật đầu.

"Burris Ewell."

Cô Caroline xem kỹ cuốn sổ điểm danh. "Đây có một Ewell nhưng không có tên riêng... em đánh vần tên riêng của em được không?"

"Không biết đánh vần làm sao. Ở nhà gọi em là Burris."

"Được rồi Burris," cô Caroline nói. "Cô nghĩ chúng ta nên cho em nghỉ chiều nay. Cô muốn em về nhà và gội đầu."

Cô lấy trong bàn ra một cuốn sách dày, lật qua các trang và đọc một lát. "Một biện pháp tại nhà tốt cho... Burris, cô muốn các em về nhà và gội đầu với xà bông nước tro. Làm vậy xong, em lấy dầu hỏa bôi da đầu."

"Để chi vậy cô?"

"Để loại sạch... ờ, mấy con chí. Em biết đó, Burris, các bạn khác có thể bị lây chí, và em đâu muốn chuyện đó, phải không?"

Thằng nhỏ đứng dậy. Nó là đứa ở dơ nhất tôi từng thấy. Cổ nó xám ngắt, mu bàn tay nó cáu bẩn, và mu bàn tay đen thui đến tận phần thịt mềm. Nó nhìn cô Caroline từ một khoảng trống sạch sẽ to bằng nắm tay trên khuôn mặt nó. Chắc chắn không ai để ý đến nó, vì cô Caroline và tôi đã giải trí cho cả lớp hầu như suốt buổi sáng.

"Burris này," cô Caroline nói, "làm ơn tắm trước khi đi học lại ngày mai."

Thằng nhỏ cười một cách thô lỗ. "Cô không cần đuổi em về nhà, thưa cô. Em sắp nghỉ đây-em làm thế này là đủ cho cả năm rồi."

Cô Caroline có vẻ bối rối. "Em nói vậy là sao?"

Thằng nhỏ không trả lời. Nó khịt mũi đầy khinh bỉ.

Một đứa lớn tuổi trong lớp trả lời, "Thưa cô, nó là người nhà Ewell", và tôi tự hỏi không biết lời giải thích này có thất bại như nỗ lực của tôi không. Nhưng cô Caroline có vẻ sẵn sàng lắng nghe. "Cả trường đầy tụi nó. Tụi nó đến trường ngày đầu năm học rồi nghỉ. Cô phụ trách học sinh trốn học bắt tụi nó đến đây bởi vì cô ấy dạo giao tụi nó cho ông cảnh sát trưởng, nhưng cô ấy bỏ ý định giữ tụi nó lại. Cô ấy nghĩ cô đã thực hiện xong luật bằng việc ghi tên tụi nó vào sổ và quản lý tụi nó ở đây ngày đầu. Cô có nhiệm vụ đánh dấu tụi nó vắng những ngày còn lại trong năm..."

"Nhưng còn ba má chúng thì sao?" Cô Caroline hỏi với vẻ quan tâm thực sự.

"Có má nào đâu," đó là câu trả lời, "còn ba của tụi nó thì ưa gây gổ lắm."

Burris Ewell hãnh diện với cách tưởng thuật này.

"Em đến trường vào ngày đầu năm lớp một đã ba năm nay rồi," nó nói với vẻ cởi mở. "Coi như nếu năm nay em khôn hơn họ sẽ đẩy em lên lớp hai..."

Cô Caroline nói, "Ngồi xuống lại đi, Burris," và ngay khi cô nói điều đó tôi biết cô đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Sự hạ mình của thằng nhỏ lóe lên thành cơn giận dữ.

"Cô thử bắt em coi, cô giáo."

Little Chuck Little đứng dậy. "Để nó đi đi, thưa cô," nó nói. "Nó là một đứa xấu, một đứa cực hư. Nó có thể gây chuyện gì đó, mà ở đây có mấy đứa còn nhỏ."

Nó thuộc loại nhỏ con, nhưng khi Burris Ewell quay sao, tay phải của Little Chuck Little đút vào túi. "Coi chừng đóm Burris," nó nói. "Tao sẽ giết mày liền khi nhìn thấy mày. Bây giờ xéo về nhà đi."

Burris có vẻ như sợ thằng bé cao bằng nửa nó, và cô Caroline lợi dụng sự do dự của nó. "Burris về nhà đi. Nếu không cô sẽ gọi hiệu trưởng," cô nói. "Dù sao cô cũng phải báo cáo vụ này."

Thằng nhóc khịt mũi và lừ đừ tiến về phía cửa.

Khi đã yên tâm là không ai có thể đuổi được nữa, nó quay lại nạt lớn, "Báo cáo mặc xác cô. Chẳng có mụ giáo viên mũi thò lò bào có thể bắt tôi làm bất cứ chuyện gì! Cô chẳng buộc tôi phải đi chỗ nào được đâu, cô giáo. Cô hãy nhớ rằng cô chẳng bắt được tôi phải đi đến chỗ nào đâu!"

Nó chờ đến khi nó chắc là cô khóc, rồi mới lê bước ra khỏi trường.

Ngay sau đó chúng tôi vây quanh bàn cô, cố bằng mọi cách để an ủi cô. Nó thực là một đứa xấu xa.. hèn hạ..... cô không cần phải dậy những đứa như nó... đó không phải là cách ứng xử của Maycomb. Cô Caroline, cô đừng buồn nữa, sao cô không đọc cho tụi em nghe một câu chuyện nào đó? Chuyện con mèo sáng nay thật hay...

Cô Caroline mỉm cười, chùi mũi, nói, "Cảm ơn các em," bảo chúng tôi về chỗ, mở sách ra và làm mê hoặc cả lớp một này bằng một câu chuyện kể dài về con cóc sống trong tòa lâu đài.

Khi tôi đi ngang qua nhà Radley lần thứ tư trong ngày đó-hai lần chạy như bay-thì sự rầu rĩ của tôi càng trở nên sâu đậm hơn cho phù hợp với ngôi nhà. Nếu tháng ngày còn lại của năm học cũng đầy chuyện ly kỳ như ngày đầu tiên này, thì có lẽ khá thú vị, nhưng viễn cảnh trải qua chín tháng nhịn đọc và viết khiến tôi nghĩ đến chuyện bỏ trốn.

Cho đến chiều tối phần lớn những kế hoạch giang hồ của tôi đã xong, khi tôi và Jem đua nhau chạy trên vỉa hè đón bố Atticus đi làm về, tôi không thua anh nhiều lắm. Bọn tôi có thói quen chạy ra đón khi bố Atticus quẹo góc bưu điện từ xa. Bố Atticus có vẻ quên mất vụ bê bối hồi trưa của tôi; ông hỏi đủ thứ về trường học. Tôi trả lời gióng một và ông không truy hỏi tôi.

Có lẽ Calpurnia cảm thấy rằng ngày hôm nay của tôi là một ngày u ám: bà để cho tôi xem bà chuẩn bị bữa tối. "Nhắm mắt lại, mở miệng ra tôi sẽ cho cô một ngạc nhiên," bà nói.

Bà ít khi làm bánh bì giòn, bà nói mình không có thời gian, nhưng hôm nay là một ngày dễ chịu với bà vì cả hai chúng tôi đều đi học. Bà biết tôi thích bánh bì giòn.

"Bữa nay tôi nhớ cô," bà nói. "Nhà vắng quá nên hai giờ tôi phải bật radio."

"Sao vậy? Jem với con đâu có ở nhà trừ khi trời mưa."

"Tôi biết," bà nói, "nhưng một trong hai đứa luôn ở trong tầm gọi của tôi. Tôi tự hỏi không biết một ngày tôi tốn bao nhiêu thời gian để gọi cô. Ừm, bà nói, đứng dậy," "chắc là đủ thời gian để làm một chảo bánh bì giòn. Giờ cô đi chỗ khác chơi cho tôi chuẩn bị bàn ăn."

Calpurnia cúi xuống hôn tôi. Tôi chạy đi chơi, tự hỏi không biết bà có chuyện gì vậy, chắc bà muốn làm hòa với tôi. Bà luôn luôn khắt khe với tôi, cuối cùng bà đã thấy sai lầm trong cách cư xử gắt gỏng của bà, bà thấy hối tiếc nhưng quá bướng bỉnh không thể nói ra điều đó. Tôi quá mệt mỏi với những tội lỗi trong ngày hôm nay.

Sau bữa tối, bố Atticus ngồi xuống với tờ báo và gọi, "Scout, chuẩn bị đọc chưa?" Đến thế này thì quá sức chịu đựng của tôi rồi, và tôi đi ra hàng hiên. Bố Atticus theo sau tôi.

"Có chuyện gì không ổn hả Scout?"

Tôi nói với bố Atticus tôi thấy không khỏe và tôi nghĩ mình sẽ không đi học nữa nếu như bố không phiền.

Bố Atticus ngồi xuống chiếc xích đu và bắt chéo chân lại. Những ngón tay ông rờ rẫm cái túi đựng đồng hồ; bố nói đó là cách duy nhất ông có thể suy nghĩ. Bố chờ đợi trong sự im lặng thân tình, và tôi tìm cách củng cố quan điểm của mình, "bố không hề đi học mà bố vẫn ngon lành, vậy con cũng sẽ ở nhà. Bố có thể dạy con giống như ông nội dạy bố với chú Jack vậy."

"Không, bố không dạy con được," bố Atticus nói. "Bố phải làm việc kiếm sống. Với lại họ sẽ tống bố vào tù nếu bố để con ở nhà-tối nay con uống một liều magnesia 1 và ngày mai đi học như thường."

"Con thấy khỏe thiệt mà."

"Bố cũng nghĩ thế. Giờ thì có chuyện gì vậy?"

Từ từ tôi kể cho bố nghe những chuyện xui xẻo trong ngày, ".... và cô giáo nói bố dạy con sai hết trơn, nên chúng ta không thể đọc được nữa. Con xin bố đừng bắt con đi học nữa, nha bố."

Bố Atticus đứng dậy để đi đến cuối hàng hiên, sau khi xem xét giàn đậu tía, ông trở lại chỗ tôi.

"Trước hết," ông nói, "nếu con học được một cách thức đơn giản, Scout, con sẽ sinh hoạt thoải mái hơn nhiều với đủ loại người. Con không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó..."

"Là sao bố?"

"...tức là con sống và cư xử y như anh ta."

Bố Atticus nói bữa nay tôi đã học được nhiều điều và chính cô Caroline cũng học được vài điều. Cô đã biết được rằng không nên đưa cái gì cho một người Cunningham, điều thứ nhất là thế, nhưng nếu tôi và Walter tự đặt mình vào vai trò của cô, chúng tôi sẽ thấy đó là một sai lầm thành thực ở phía cô. Chúng tôi không thể mong cô hiểu được mọi cung cách của Maycomb chỉ trong một ngày, và chúng tôi không thể bắt cô chịu trách nhiệm khi cô không biết rõ mọi chuyện.

"Con sẽ bị theo dõi gắt gao," tôi nói. "Con không biết gì hơn là không nên đọc cho cô nghe, và cô buộc tội con... nghe nè bố Atticus, con không đi học đâu!" Bất chợt đầu tôi lóe lên ý nghĩ. "Bố nhớ Burris Ewell không? Nó chỉ đi học ngày đầu. Cô phụ trách học sinh trốn học coi như đã làm đúng luật khi cô ghi tên nó vào sổ..."

"Con không làm vậy được, Scout," bố Atticus nói. "Đôi khi tốt hơn là nên bẻ cong luật một chút trong những trường hợp đặc biệt. Trong trường hợp của con, luật pháp vẫn rất cứng rắn. Vậy nên con phải đi học."

"Con không hiểu sao con phải đi học trong khi nó thì không."

"Vậy thì nghe nè."

Bố Atticus nói rằng người nhà Ewell là sự ô nhục của Maycomb suốt ba thế kỷ. Không ai trong số họ từng lao động một ngày lương thiện theo trí nhớ của ông. Bố nói mùa Giáng sinh nào đó, khi đem bỏ cây Giáng sinh, ông sẽ dân tôi theo và chỉ cho tôi nơi và cách họ sống. Họ là con người, nhưng họ sống giống như thú vật. "Họ có thể đến trường bất cứ khi nào họ muốn, khi học thể hiện dấu hiệu nhỏ nhất của việc muốn có học vấn," bố Atticus nói. "Có nhiều cách để giữ chúng ở trường bằng vũ lực, nhưng thật ngu ngốc khi ép buộc những người như nhà Ewell vào một môi trường mới..."

"Nếu mai con không đi học, bố sẽ ép buộc con."

"Mình không nói chuyện này nữa," bố Atticus nói một cách khô khốc. "Con, cô Scoutt Finch, thuộc loại người bình thường. Con phải tuân theo luật pháp." Bố nói những người nhà Ewell là thành viên của một xã hội riêng biệt gồm toàn những người mang họ Ewell. Trong một số tình huống nào đó người bình thường sáng suốt cho phép họ hưởng những đặc quyền nào đó bằng phương pháp đơn giản là làm ngơ trước một hoạt động của người nhà Ewell. Chẳng hạn như họ không phải đi học. Một điều khác nữa, ông Bob Ewell, cha của Burris, được phép săn và bẫy thú ngoài mùa.

"Bố Atticus, vậy là xấu," tôi nói. Ở hạt Maycomb, việc săn bắn ngoài mùa là phạm luật, một trọng tội trong mắt dân chúng.

"Nó hoàn toàn sai luật," bố nói, "và chắc chắn là xấu, nhưng khi một người tiêu hết những tấm ngân phiếu cứu trợ của mình vào rượu thì con cái ông ta chỉ có nước khóc vì đói. Bố không biết có chủ đất nào quanh đây chịu giao cho bọn trẻ bất cứ thú săn nào mà cha chúng có thể bắn được."

"Ông Ewell không nên làm điều đó.."

"Dĩ nhiên ông ta không nên, nhưng ông ta sẽ không bao giờ thay đổi cung cách của mình. Liệu con có trút sự phản đối của con lên con cái ông ta không?"

"Không, bố," tôi lẩm bẩm, và cố thêm lần cuối, "Nhưng nếu con tiếp tục đi học, bố con mình không bao giờ được đọc chung nữa.."

"Điều đó thực sự làm phiền con hả?"

"Vâng, thưa bố."

Khi bố Atticus nhìn xuống tôi, tôi thấy trên mặt ông có một vẻ luôn khiến tôi mong đợi một điều gì đó. "Con có biết thỏa hiệp là gì không?" Ông hỏi.

"Bẻ cong luật pháp hả?"

"Không, một thỏa thuận đạt được qua tương nhượng. Nó là vầy," ông nói. "Nếu con thừa nhận sự cần thiết của việc đi học, chúng ta sẽ tiếp tục đọc mỗi đêm giống như từ trước tới nay. Thỏa thuận vậy được không?"

"Dạ, được!"

"Chúng ta coi như đã ký kết xong mà không cần nghi thức thường lệ." Bố Atticus nói khi thấy tôi chuẩn bị nhổ nước bọt.

Khi tôi mở cửa lưới phía trước bố Atticus nói, "Mà nè, Scout, tốt hơn là con đừng nói gì về thỏa thuận của chúng ta ở trường nghe."

"Sao vậy?"

"Bố sợ những việc làm của chúng ta không được những người học cao hơn chấp thuận."

Jem và tôi đã quen với kiểu ăn nói chúc-thư-và-ý-nguyện-cuối-cùng của bố chúng tôi, và lúc nào chúng tôi cũng được tự do ngắt lời đời bố Atticus diễn dịch khi nó vượt quá tầm hiểu của mình.

"Sao, bố?"

"Bố chưa từng đến trường," ông nói, "nhưng bố có cảm giác rằng nếu con nói với cô Caroline chúng ta đọc mỗi đêm cô ấy sẽ rầy rà bố, mà bố không muốn bị cô ấy rầy rà."

Bố Atticus làm chúng tôi cười suốt buổi tối đó, nghiêm túc đọc những cột báo về một người đàn ông ngồi trên cột cờ 2chằng vì lý do cụ thể nào, chuyện đó cũng đủ là lý do để Jem dành ngày thứ Bảy sau đó ở miết trong ngôi nhà trên cây. Jem ngồi từ sau bữa điểm tâm đến lúc mặt trời lặn và chắc sẽ ở đó suốt đêm nếu như bố Atticus không cắt đường dây tiếp tế của anh. Còn tôi thì dành hầu như cả ngày để leo lên tuột xuống, chạy việc vặt cho anh, cung cấp cho anh vật liệu, thức ăn và nước, và khi tôi mang cho anh mền đắp ban đêm thì bố Atticus nói nếu tôi không thèm để ý đến anh, thì Jem sẽ xuống. Bố Atticus nói đúng.

--------------------------------

1. Thuốc để giảm axit trong bao tử, thúc đẩy tiêu hóa.

2. Ngồi trên cột cờ là một trò biểu diễn kỳ quái nhưng phổ biến ở thập niên 1930.

Chương 4

Những ngày đi học còn lại của tôi chẳng thuận lợi gì hơn ngày đầu tiên. Thật ra chúng là một đề tài tìm hiểu bất tận từ từ phát triển thành một bài học, trong đó hàng dặm giấy thủ công và bút sáp được bang Alabama chi trả trong những nỗ lực đầy hảo ý nhưng vô ích của nó nhằm dạy cho tôi về Động lực nhóm. Cái mà Jem gọi là Hệ thống thập phân Dewey đã phổ biến khắp trường vào cuối năm học đầu tiên của tôi, cho nên tôi không có cơ hội để so sánh nó với các phương pháp giảng dạy khác. Tôi chỉ có thể nhìn xung quanh: bố Atticus và chú tôi, người học tại nhà, biết mọi thứ - ít ra, những gì người này không biết thì người kia biết. Hơn nữa, tôi không thể không nhận thấy rằng bố tôi đã làm việc nhiều năm trong cơ quan lập pháp bang, lần nào cũng được bầu mà không gặp đối thủ, không bị tác động gì của những điều chỉnh mà các giáo viên của tôi nghĩ là thiết yếu đối với việc phát triển tư cách công dân tốt. Jem, được giáo dục trên cơ sở nửa Thập phân nửa Mũ học dốt 1, có vẻ hoạt động hiệu quả dù một mình hoặc trong một nhóm, nhưng Jem là một điển hình tồi: không một hệ thống kèm cặp nào do con người nghĩ ra lại có thể ngăn anh ấy đừng chúi mũi vào sách vở. Về phần tôi, tôi chẳng biết gì trù những điều thu thập được từ tạp chí Time và đọc mọi thứ vớ được ở nhà, nhưng khi uể oải dịch chuyển theo sinh hoạt nhàm chán của hệ thống trường học hạt Maycomb, tôi không thể không có ấn tượng rằng mình bị lừa lấy mất một cái gì đó. Ngoài những gì tôi không biết, tôi còn không tin rằng mười hai năm chán ngắt không nguôi lại chính là điều mà tiểu bang này muốn dành cho tôi.

Suốt cả năm, tan học trước Jem ba mươi phút, anh còn phải ở lại đến ba giờ, bao giờ tôi cũng chạy ngang nhà Radley thật nhanh, không dừng lại cho đến khi an toàn tới được hàng hiên nhà tôi. Một buổi chiều, khi đang chạy ngang đó, một cái gì đó đập vào mắt tôi và nó đập theo một kiểu khiến tôi phải hít một hơi thật sâu, nhìn quanh một vòng, và quay trở lại.

Hai cây sồi tươi tốt đứng ngay rìa khu đất nhà Radley; rễ chúng lan tới rìa đường khiến nó mấp mô. Có cái gì ở một trong hai cây sồi khiến tôi chú ý.

Mấy tờ giấy bạc nằm trong hốc cây ngay bên trên tầm mắt tôi, nhấp nháy với tôi trong ánh nắng chiều. Tôi nhón got, vội nhìn quanh lần nữa, thò tay vào hốc, và lấy ra hai miếng kẹo cao su không có giấy gói bên ngoài.

Thôi thúc đầu tiên của tôi là cho nó vào miệng ngay tức khắc, nhưng tôi nhớ lại mình đang ở đâu. Tôi chạy về nhà, và tại hàng hiên, tôi xem xét kỹ thứ vừa lượm được. Thanh kẹo trông còn mới. Tôi ngửi và thấy nó tỏa mùi thật thơm. Tôi liếm nó và chờ một lát. Thấy mình không chết tôi nhét nó vào miệng: kẹo Wrigleys Double-Mint.

Khi Jem về nhà anh hỏi tôi lấy đâu ra cục kẹo vậy. Tôi nói với anh là tôi lượm được.

"Đừng ăn những thứ lượm được, Scout."

"Cái này không ở dưới đất, nó nằm trên cây."

Jem hầm hè.

"Thiệt mà. Nó nằm trên cây đằng kia đó, cái cây trên đường đi học về."

"Nhổ nó ra ngay!"

Tôi nhổ nó ra. Dù sao thì vị nó cũng đã nhạt. "Em nhai nó suốt buổi chiều mà có chết đâu, thậm chí không bệnh nữa."

Jem giậm chân. "Bộ mày không biết là mày thậm chí không được sờ vào những cái cây đó sao? Mày sẽ bị chết nếu còn làm vậy!"

"Anh đã từng chạm vào ngôi nhà đó rồi mà!"

"Chuyện đó khác! Đi súc miệng đi - ngay lập tức, nghe không?"

"Không, nó sẽ làm miệng em mất mùi thơm."

"Nếu không tao sẽ méc Calpurnia!"

Để tránh gặp rắc rối với Calpurnia tôi làm theo lời Jem bảo. Vì lý do nào đó, năm học đầu tiên của tôi đã tạo ra một thay đổi lớn trong mối quan hệ của chúng tôi: sự áp chế, bất công, và thói hay xen vào công việc của tôi ở Calpurnia đã dần dần biến thành những lời cằn nhằn phản đối nhẹ nhàng. Về phần tôi, đôi khi tôi phải tốn nhiều nỗ lực, để không chọc giận bà.

Mùa hè sắp đến; Jem và tôi nôn nóng chờ đợi. Mùa hè là mùa tuyệt vời nhất của chúng tôi: ngủ trên chõng ở hiên sau bọc cửa lưới; hoặc thử ngủ trong ngôi nhà trên cây; mùa hè có nhiều thứ ngon để ăn; nó là hàng ngàn màu sắc trên vùng đất khô nóng; nhưng trên hết, mùa hè là có Dill.

Nhà trường cho chúng tôi về sớm vào ngày cuối năm học, tôi và Jem cùng nhau đi bộ về nhà. "Chắc ngày mai thằng Dill sẽ về tới đây," tôi nói.

"Có thể ngày mốt," Jem nói. "Từ Mississippi về đây là hơn một ngày."

Khi chúng tôi đến chỗ cây sồi tại nhà Radley tôi giơ ngón tay chỉ lần thứ một trăm cái lỗ bọng nơi tôi tìm thấy thanh kẹo cao su, cố làm Jem tin rằng tôi đã lượm nó ở đó, và nhận ra mình đang chỉ vào một tờ giấy bạc khác.

"Tao thấy rồi, Scout! Tao thấy rồi..."

Jem nhìn quanh, với lên, và cẩn thận nhét vào túi một gói sáng bóng nhỏ xíu. Chúng tôi chạy về nhà, và ở ngay hàng hiên chúng tôi cùng xem cái hộp nhỏ được làm bằng những miếng giấy bạc gói kẹo cao su. Nó là loại hộp đựng nhẫn cưới, bằng vải nhung tím với một cái móc nhỏ. Jem bật mở cái móc. Bên trong là hai đồng xu được chà sạch và đánh bóng, hai đồng chồng lên nhau. Jem xem xét chúng thật kỹ.

"Đầu da đỏ 2," anh nói. "Một ngàn chín trăm lẻ sáu và Scout, một đồng là năm một ngàn chín trăm. Thứ này là đồ cổ thiệt đây."

"Một ngàn chín trăm," tôi lặp lại. "Tức là..."

"Im nào, tao đang nghĩ."

"Jem, anh có nghĩ đó là chỗ giấu đồ của ai đó không?"

"Đâu có mấy người đi qua đó ngoài tụi mình, trừ khi đó là chỗ giấu đồ của một người lớn nào đó.."

"Người lớn không làm chỗ giấu đồ. Anh có cho là tụi mình nên giữ chúng không, Jem?"

"Tao chưa biết mình có thể làm gì, Scout. Mình trả chúng lại cho ai đây? Tao biết chắc chắn là không có ai đi ngang đó hết. Cecil đi đường nhánh và vòng quanh thị trấn để về nhà."

Cecil Jacobs, sống ở cuối phố chúng tôi, cạnh bưu điện, mỗi ngày đi bộ đường vòng hơn một cây số đến trường để tránh nhà Radley và nhà bà Herry Lafayette Dubose. Bà Dubose sống cách nhà tôi hai căn; dư luận hàng xóm đều cho rằng bà Dubose là bà già xấu xa nhất trên đời. Jem thường không đi ngang nhà bà nếu không có bố Atticus đi cùng.

"Vậy theo anh mình nên làm gì, Jem?"

Người tìm ra là người được phép giữ trừ khi có ai đó chứng minh được quyền sở hữu. Thỉnh thoảng hái một đóa hoa trà, vắt chút sữa nóng từ con bò của cô Maudie Atkinson vào một ngày hè, hái trộm nho của ai đó là một phần trong văn hóa đạo đức của chúng tôi, nhưng tiền lại khác.

"Thế này," Jem nói. "Mình cứ giữ chúng cho đến ngày tựu trường, rồi đi vòng vòng hỏi xem là của ai. Có thể chúng là của đứa nào đi xe buýt - nó quá mừng vì được nghỉ học hôm nay nên quên chúng. Những thứ này phải là của ai đó, tao biết. Thấy nó được đánh bóng cỡ nào không? Chúng được để dành không dám xài."

"Phải, nhưng tại sao ai đó muốn để dành kẹo cao su giống vậy? Anh biết nó không để lâu được mà."

"Tao không biết, Scout. Nhưng những thứ này quan trọng với ai đó...."

"Quan trọng làm sao, Jem....?"

"Đồng xu đầu Da đỏ-chúng có nguồn gốc từ người Da đỏ. Chúng có ma thuật mạnh dữ lắm, chúng đem vận may cho mày. Không như gà rán đến bất ngờ khi mày không tìm kiếm, mà là những thứ như sống lâu và sức khỏe tốt, và qua được những bài kiểm tra sáu tuần... những thứ này thực sự có giá trị với ai đó. Tao sẽ cất chúng trong rương của tao."

Trước khi Jem về phòng mình, anh nhìn hồi lâu vào nhà Radley. Có vẻ như anh đang suy nghĩ tiếp.

Hai ngày sau Dill đến trong vinh quang rực rỡ: nó tự đi xe lửa từ Meridian đến Nhà ga Maycomb (một tước hiệu mang tính danh dự - vì Nhà ga Maycomb nằm trong hạt Abbott) ở đó nó được cô Rachel đón trên một chiếc taxi của Maycomb; nó đã ăn trên toa xe lửa; nó đã thấy hai anh em sinh đôi dính vào nhau cùng xuống xe ở St. Louis và cứ bámbasmo câu chuyện này của nó bất chấp những lời đe dọa. Nó đã thải bỏ cái quần soọc xanh đáng ghét được cài nút vào áo sơ mi và mặc chiếc quần ngắn thực sự có thắt lưng; nó có vẻ to con hơn, không cao hơn,và nói nó đã gặp ba nó. Ba Dill cao hơn bố tụi tôi, ông ta có râu đen (nhọn) và là chủ tịch của Công ty Đường sắt L&N.

"Tao đã giúp tay kỹ sư một thời gian," Dill nói và ngáp.

"Mày làm mọi thứ rối tung lên, Dill. Yên nào," Jem nói. "Bữa nay mình chơi vai gì?"

"Tom, Sam và Dick," Dill nói. "Tụi mình ra sân trước đi." Dill muốn diễn trò Rover Boys bởi vì truyện này có ba vai đứng đắn. Rõ ràng là nó đã chán đóng những vai kỳ cục cho bọn tôi.

"Em chán những nhân vật đó," tôi nói. Tôi chán đóng vai Tom Rover, người bất chợt mấy trí nhớ giữa một buổi chiếu phim và biến khỏi kịch bản cho đến đoạn cuối, khi người ta tìm thấy nó ở Alaska.

"Chế một vở cho tụi mình đi, Jem" tôi nói.

"Tao chán chế truyện lắm rồi."

Mới là những ngày tự do đầu tiên của chúng tôi mà chúng tôi đã chán. Tôi tự hỏi mùa hè này sẽ mang lại điều gì.

Chúng tôi thơ thẩn ra sân trước, ở đó Dill đứng nhìn theo con đường, hướng vào bề mặt ảm đạm của tòa nhà Radley. "Tao-ngửi-thấy-mùi-chết-chóc," nó nói. "Thiệt, tao nói thiệt," nó nói, khi tôi bảo nó im miệng.

"Ý mày là mày đánh hơi được khi có ai sắp chết hả?"

"Không, ý tao là tao có thể nghe mùi ai đó và biết ngay họ có sắp chết hay không. Một bà già dạy tao cách đó." Dill chồm tới ngửi tôi. "Jeans-Louis-Finch, mày sẽ chết trong ba ngày nữa."

"Dill, nếu mày không thôi ngay tao sẽ đá mày trặc giò. Tao nói thiệt đó...."

"Im giùm coi," Jem gằn giọng, "mày làm cứ như mày tin là có Hồn nóng vậy."

"Còn anh làm cứ như là anh không tin," tôi đốp lại.

"Hồn nóng là cái gì vậy?"Dill hỏi.

"Bộ mày chưa hề đi trên một con đường vắng vào ban đêm rồi gặp một chỗ nóng hả?" Jem hỏi Dill. "Hồn nóng là một người không lên thiên đàng được, chỉ mải mê loanh quanh trên những con đường vắng vẻ và nếu mày đi xuyên qua hắn, thì chết mày cũng thành một thứ như vậy, rồi mày sẽ lang thang suốt đêm hút hơi thở của người khác..."

"Làm thế nào để đừng đi xuyên qua một thứ như vậy?"

"Vô phương," Jem nói. "Có khi nó nằm dang ngang trên đường, nhưng nếu phải đi ngang qua mày hãy đọc, Thiên thần sáng láng, sống chết lộn nhau; rời khỏi đường này, đừng hút hơi tao, câu đó làm nó không quấn quanh người mày..."

"Đừng tin lời nào anh ấy nói, Dill," tôi xen vào. "Calpurnia nói đó là đồn đại của người da đen."

Jem nhìn tôi cau có, "Được rồi, tụi mình có tính chơi cái gì hay không?"

"Tụi mình lăn trong lốp xe đi," tôi đề nghị.

Jem thở dài. "Mày biết là tao quá lớn mà."

"Thì anh đẩy."

Tôi chạy ra sân sau và lôi một lốp xe hơi cũ ở dưới lớp ván sàn. Tôi lăn nó ra sân trước. "Em trước," tôi nói.

Dill nói nó phải trước, vì nó mới đến đây.

Jem phân xử, cho tôi được đẩy trước và cho Dill được lăn trong thời gian dài hơn, tôi cuộn mình vào trong lốp xe.

Mãi đến khi việc xảy ra tôi mới biết Jem cáu tôi vì tôi cãi anh vụ Hồn nóng, và anh ấy chờ cơ hội để trả đũa tôi. Anh đã làm thế, bằng cách lấy hết sức đẩy lốp xe theo lề đường. Đất, trời, nhà cửa trộn lẫn thành một khối lộn xộn, tai tôi lùng bùng, tôi thấy ngạt thở. Tôi không thể thò hai tay ra để ngừng lại, chúng bị kẹt chặt giữa ngực và hai gối. Tôi chỉ còn nước hy vọng là Jem chạy nhanh hơn lốp xe và tôi, hoặc một chỗ mấp mô trên lề đường sẽ dừng tôi lại. Tôi nghe tiếng anh ở đằng sau, đuổi theo và la hét.

Lốp xe nảy tưng tưng trên nền sỏi, băng ngang đường, va vào một rào chắn và búng tôi như một nút bật lên trên lề đường. Choáng váng và buồn nôn, tôi nằm trên nền xi măng và lắc đầu, vỗ hai tai cho hết lùng bùng, rồi nghe thấy giọng Jem, "Scout, ra khỏi đó mau lên!"

Tôi nhỏm đầu và thấy những bậc thềm nhà Radley ngay trước mặt. Tôi cứng người.

"Ráng lên, Scout, đừng nằm đó!" Jem gào. "Đứng dậy, nổi không?"

Tôi đứng dậy, run rẩy khi cố trở lại bình thường.

"Lấy lốp xe!" Jem hò hét. "Mang nó theo! Bộ mày không hiểu chuyện gì hết hả?"

Khi định thần lại được, tôi chạy về phía họ nhanh hết mức mà đôi chân run rẩy của tôi có thể làm được.

"Sao mày không lấy nó theo," Jem hét.

"Sao anh không vào mà lấy?" Tôi gào lại.

Jem nín thinh.

"Đi đi, nó đâu xa cổng mấy. Thậm chí anh từng rờ ngôi nhà đó rồi, nhớ không?"

Jem nhìn tôi cau có, nhưng không thể từ chối, anh chạy theo lề đường, giẫm lên vũng nước ngay cổng, xông vào rồi lấy lại lốp xe.

"Thấy chưa?" Jem cau có đầy đắc thắng. "Có gì đâu. Tao nói thiệt. Scout, có khi mày hành động y hệt con gái, thiệt mắc cỡ."

Chuyện còn nhiều hơn mức anh ấy biết, nhưng tôi quyết định không nói với anh.

Calpurnia xuất hiện ngay cửa trước và la lên, "Tới giờ uống nước chanh! Vô nhà mau trước khi nắng nóng thiêu sống mấy đứa!" Nước chanh giữa buổi sáng là một thủ tục mùa hè, Calpurnia bày một bình và ba cái ly ở hàng hiên, sau đó đi làm công việc của bà. Việc không được Jem ưu ái nữa không làm tôi bận tâm lắm. Nước sẽ khôi phục tính hài hước của anh.

Jem uống hết ly thứ hai và vỗ ngực. "Tao biết tụi mình sẽ chơi trò gì rồi," anh tuyên bố. "Trò gì đó mới, một cái gì khác."

"Cái gì?"Dill hỏi.

"Boo Radley."

Đầu Jem đôi lúc thật sáng suốt: anh đã nghĩ ra trò đó để làm cho tôi hiểu rằng anh không sợ nhà Radley dưới bất cứ hình thức nào, để đối lập chủ nghĩa anh hùng không biết sợ của riêng anh với tính nhát gan của tôi.

"Boo Radley? Là sao?" Dill hỏi.

Jem nói, "Scout, mày có thể đóng vai bà Radley..."

"Em tuyên bố nếu em thích. Em không nghĩ..."

"Lảm nhảm gì vậy?" Dill hỏi, "Vẫn còn sợ hả?"

"Hắn có thể ra ngoài vào ban đêm khi tụi mình ngủ hết.." tôi nói.

Jem huýt sáo, "Scout, làm sao hắn biết tụi mình làm cái gì? Với lại tao không nghĩ hắn vẫn ở đó. Hắn chết đã mấy năm rồi, và người ta nhét hắn vào trong ống khói."

Dill nói, "Jem, mày với tao chơi cũng được, còn Scout cứ ngồi coi nếu nó sợ."

Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng Boo Radley vẫn ở trong ngôi nhà đó, nhưng tôi không thể chứng minh, và tôi cảm thấy hay nhất là ngậm miệng lại nếu không tôi sẽ bị buộc tội tin vào Hồn nóng, hiện tượng mà tôi không lo ngại vào ban ngày.

Jem phân vai cho chúng tôi: tôi là bà Radley, và những gì tôi phải làm là bước ra quét hàng hiên. Dill là ông già Radley: ông đi tới đi lui trên lề đường và ho khi Jem nói chuyện với ông ta. Jem, dĩ nhiên là Bob: anh ấy luồn dưới những bậc thềm trước nhà và thỉnh thoảng la hét hay tru lên.

Khi mùa hè dần trôi qua, trò đùa của chúng tôi cũng tiến triển. Chúng tôi trau chuốt và hoàn thiện nó, thêm lời thoại và cốt truyện cho đến khi cho ra đời một vở kịch nhỏ mà chúng tôi thay đổi mỗi ngày.

Dill là một kẻ ác của kẻ ác: nó có thể nhập vào bất cứ vai nào phân cho nó, và có vẻ cao nếu chiều cao là một phần của trò tai quái cần phải có. Nó chỉ diễn xuất theo cách dở nhất của nó; cách diễn tệ hại nhất của nó mang tính rùng rợn. Tôi miễn cưỡng đóng vai đủ loại phụ nữ có trong kịch bản. Tôi không bao giờ nghĩ nó vui nhộn như chơi trò Tazan, và mùa hè đó tôi đảm nhận vai diễn với rất nhiều lo lắng mơ hồ bất chấp những bảo đảm của Jem rằng Boo Radley đã chết và không gì có thể đụng được đến tôi khi có anh ấy và Calpurnia vào ban ngày và bố Atticus vào ban đêm.

Jem là một anh hùng bẩm sinh.

Đó là một vở kịch nhỏ ảm đạm, được thêu dệt từ những mẩu chuyện linh tinh và lời đồn đại của hàng xóm: bà Radley thì khá xinh đẹp cho đến khi bà cưới ông Radley và mất hết tiền. Bà cũng rụng gần hết răng, tóc và ngón trỏ tay phải (đóng góp của Dill. Bob đã cắn cụt nó vào một đêm khi hắn không tìm được con mèo hay con sóc nào để ăn); bà ngồi trong phòng khách và khóc suốt, trong khi Bob dần dần mang hết mọi thứ đồ đạc trong nhà đi.

Bộ ba chúng tôi là những đứa trẻ vướng vào rắc rối; tôi là quan tòa xác định di chúc, để thay đổi không khí; Dill dẫn Jem đi và ấn anh ngồi xuống bên dưới những bậc thềm, lấy chổi thọc anh. Jem trở lại khi cần trong bộ dạng cảnh sát trưởng, dân thị trấn các loại, và trong vai cô Stephanie Crawford, người có nhiều chuyện để kể về nhà Radley hơn bất cứ ai ở Maycomb.

Khi đến lúc diễn cảnh chính của Bob, Jem sẽ lẻn vào nhà, ăn cắp cái kéo trong ngăn kéo máy may khi Calpurnia quay đi chỗ khác, sau đó ngồi trên xích đu cắt các tờ báo. Dill sẽ đi ngang qua, ho với Jem, và Jem sẽ giả bộ lao vào đùi Dill. Từ chỗ tôi đứng cảnh đó trông rất thật.

Khi ông Nathan Radley đi ngang chỗ chúng tôi như thường lệ để xuống thị trấn, chúng tôi sẽ đứng im cho đến khi ông đi khuất, rồi tự hỏi ông sẽ làm gì chúng tôi khi ông nghi ngờ. Những hoạt động của chúng tôi tam ngừng khi có bất cứ một người láng giềng nào xuất hiện, và một lần tôi thấy cô Maudie Atkinson bên kia đường nhìn sang chúng tôi, chiếc kéo tỉa hàng rào của cô lơ lửng trên không.

Một ngày nọ chúng tôi say sưa diễn Chương XXV, phần II của vở One Mans Family 3, chúng tôi thấy bố Atticus đứng trên vỉa hè nhìn chúng tôi, vỗ tờ tạp chí cuộn lại vào đầu gối. Mặt trời cho biết đã mười hai giờ trưa.

"Tụi con đang diễn cái trò gì vậy?" Ông hỏi.

"Đâu có gì,"Jem đáp.

Câu trả lời né tránh của Jem cho tôi biết trò chơi của chúng tôi là một bí mật, vì vậy tôi im lặng.

"Vậy tụi con làm gì với cái kéo đó? Sao lại xé nát tờ báo kia vậy? Nếu là tờ báo hôm nay bố sẽ cho tụi con ăn đòn đó."

"Không có gì."

"Không có gì là sao?" Bố Atticus hỏi.

"Không có gì đâu bố."

"Đưa bố cái kéo," bố Atticus nói. "Nó đâu phải là thứ để con chơi. Bộ trò này không dính dáng gì đến nhà Radlay hả?"

"Không, nố," Jem nói, đỏ mặt.

"Bố hy vọng là không," ông nói cụt ngủn, rồi bỏ vào trong nhà.

"Je-m.."

"Im mồm! Bố mới vào phòng khách, trong đó bố có thể nghe tiếng tụi mình."

Ra tới chỗ an toàn ngoài sân, Dill hỏi Jem liệu chúng tôi có thể chơi nữa không.

"Tao không biết. Bố Atticus không nói tụi mình không được chơi..."

"Jem," tôi nói, "em thấy chắc bố Atticus biết."

"Bố không biết đâu. Nếu biết bố đã nói là biết rồi."

Tôi không chắc thế, nhưng Jem bảo tôi là con gái, rằng con gái luôn luôn tưởng tượng ra mọi thứ, đó là lý do tại sao người ta ghét con gái như thế, và nếu tôi còn cứ cư xử như một đứa con gái tôi có thể cút xéo và tìm đứa nào khác mà chơi chung.

"Được rồi, anh cứ giữ ý kiến của mình đi," tôi nói. "Rồi anh sẽ thấy."

Việc bố Atticus xuất hiện là lý do thứ hai khiến tôi muốn bỏ trò chơi này. Lý do thứ nhất xảy ra vào ngày tôi lăn vào sân trước nhà Radley. Lẫn trong cơn choáng váng, cơn buồn nôn và tiếng Jem rú, tôi đã nghe một âm thanh khác, trầm đến độ tôi không nghe thấy nó nếu ở vỉa hè. Có ai đó trong nhà đang cười.

--------------------------------

1. Mũ giấy hình chóp, ngày xưa được đội như một hình
phạt cho học sinh không làm bài tập.

2. Đó là đồng một xu, một mặt đúc nổi hình đầu một người Da đỏ.

3. Gia đình của một người: vở kịch truyền thanh nhiều kỳ bắt đầu từ tháng Tư năm 1932 kéo dài đến tháng Năm năm 1959 với 3.256 buổi phát thanh, cực kỳ ăn khách suốt ba thập niên. Vở này có cấu trúc nhân vật tương tự chuyện nhà Radley.

Đọc tiếp: Giết con chim nhại - Phần 3
Home » Truyện » Tiếu thuyết » Giết con chim nhại
↑ Trên cùng
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM