XtGem Forum catalog

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Hãy chăm sóc mẹ - Kỳ 5

Chương 3: Tôi đã về đây! (4)

Ngày nào nó cũng khóc lóc thảm thiết, năn nỉ anh chị cho đi học. Mặc dù chiến tranh đã qua đi mấy năm nhưng hoàn cảnh lúc đó vẫn thật khủng khiếp. Nhà ông nghèo đến không thể tin nổi. Đôi khi ông vẫn nghĩ về thời kỳ đó như một cơn ác mộng. Ông đã sống sót kỳ diệu sau khi bị cái xiên tre đâm vào cổ họng, nhưng ông rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi phải gánh vác trách nhiệm nuôi cả đại gia đình vì ông là con trai trưởng trong một gia đình không có người lớn. Có lẽ đó là lý do khiến ông nhiều lần muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà này, trách nhiệm đó quá nặng nề và khó khăn đối với ông. Thời kỳ ấy đến kiếm miếng cơm bỏ vào miệng còn khó, nói gì tới việc cho cậu em trai đi học. Khi ông và chị gái ông không buồn nghe nữa, Kyun quay sang năn nỉ vợ ông. “Chị dâu ơi, chị cho em đến trường đi. Hãy cho em tiếp tục học cấp hai. Nếu được đi học, cả đời này em sẽ biết ơn chị.”

Vợ ông bảo với ông, “Kyun mong mỏi như vậy thì chúng ta cũng nên tìm cách gì đó cho nó đi học chứ ông?”

“Tôi cũng có được đến trường đâu! Ít ra nó còn được học hết cấp một đấy thôi,” ông vặn lại vợ mình.

Ông không được đến trường là bởi bố ông. Bố ông là thầy thuốc Đông y, sau khi mất đi hai đứa con trai lớn vì bệnh truyền nhiễm, bố ông không bao giờ cho ông tới chỗ đông người dù đó là trường học hay gì đi nữa. Hai bố con thường quỳ đối diện nhau để bố ông dạy chữ Hán cho ông.

“Bố Hyong-chol này... hay mình cho chú Kyun đến trường học đi,” vợ ông nói.

“Lấy gì cho nó đi học chứ?”

“Mình bán mảnh vườn đi là được chứ gì.”

Nghe thấy những lời nói đó của vợ ông, chị ông bảo, “Cô này định bán hết của cải nhà người ta đi đấy hả!” rồi chị đuổi vợ ông về bên nhà mẹ đẻ. Mười ngày sau, một buổi tối, ông uống rượu say khướt và khật khưỡng đi đến nhà vợ. Ông đi xuống con đường núi rồi khi đến túp lều nhà vợ, ông dừng bước trước cửa sổ gian phòng hướng ra sân sau um tùm tre pheo. Ông không nghĩ đến đây để đưa vợ về. Chính men rượu đã đưa ông đến đây, bữa rượu ông được mời sau khi giúp một người hàng xóm cày ruộng. Mặc dù ông không phải là người đã đuổi vợ mình về nhà mẹ đẻ nhưng ông cũng không thể cứ thế bước vào nhà vợ như không có gì xảy ra, thế nên ông cứ đứng yên đó. Tiếng vợ ông và người mẹ vợ già vọng ra ngoài. Mẹ vợ ông to tiếng với vợ ông, “Đừng có quay lại cái xó nhà đó nữa, về dọn dẹp đồ đạc rồi đi khỏi nhà đấy đi!”

Vợ ông sụt sịt, khăng khăng, “Có chết thì con cũng phải về nhà ấy con chết. Đó cũng là nhà của con, tại sao con lại phải ra đi chứ?” Ông đứng dựa vào tường cho đến khi ánh bình minh xuyên qua rừng tre. Ông chộp lấy vợ khi vợ ông ra khỏi phòng đi làm đồ ăn sáng. Vì khóc suốt đêm nên đôi mắt vốn trong sáng, to và đen nhánh của vợ ông lúc này sưng húp và nhỏ như lá răm. Cho dù vợ ông có mở to đôi mắt vì ngạc nhiên thì đôi mắt vẫn bé như sợi chỉ. Ông nắm tay vợ kéo đi qua rừng tre, trở về nhà. Khi đi qua rừng tre, ông bỏ tay vợ ra và bước lên trước. Những hạt sương sớm rơi ướt cả quần ông. Vợ ông, tụt lại phía sau, vừa thở hổn hển bước theo vừa nói, “Ông đi chậm một chút có được không!”

Vừa về đến nhà, Kyun đã chạy bổ đến chỗ vợ ông và reo lên, “Chị dâu ơi!”

“Chị dâu ơi, em không đi học nữa đâu, từ giờ chị đừng có bỏ nhà đi như thế nữa nhé!” Mắt Kyun long lanh nước, nó rất khổ tâm vì phải từ bỏ giấc mơ đến trường. Không thể đi học được nữa, Kyun chăm chỉ làm việc nhà giúp đỡ vợ ông. Mỗi khi cùng vợ ông làm việc trên cánh đồng ở sườn đồi, nếu đi vào những đám kê rậm rạp mà không nhìn thấy vợ ông đâu, Kyun sẽ gọi toáng lên, “Chị dâu ơi!” Khi vợ ông trả lời, “Sao thế em?” thế nào Kyun cũng cười vang và gọi tiếp, “Chị dâu ơi!” Kyun cứ gọi và vợ ông lại trả lời, rồi Kyun lại gọi và vợ ông lại trả lời. Hai chị em cứ người gọi người trả lời như thế cho đến khi làm xong việc trên cánh đồng trên núi. Kyun thực sự là người bạn đồng hành chung thủy của vợ ông trong những ngày ông bôn ba đây đó. Khi Kyun cường tráng hơn, nó dắt bò đi cày ruộng vào mùa xuân và cắt lúa trên đồng vào mùa thu sớm hơn bất cứ người nào. Vào cuối mùa thu, để chuẩn bị muối kim chi, nó đi ra vườn rau cải từ sáng sớm để thu hoạch toàn bộ rau cải. Hồi ấy, mọi người thường trải chiếu trên ruộng để đập lúa với cây đòn. Phụ nữ trong làng ai cũng có một cây đòn, hôm nào có nhà ai đập lúa thì tất cả phụ nữ sẽ tập trung trên cánh đồng nhà ấy, mang đòn ra đập giúp một tay. Họ đập lúa cho đến tận khi mặt trời lặn. Một năm, Kyun đi làm ở nhà máy bia trong thị trấn. Khi nhận được thù lao, Kyun mua một cái đòn mới về nhà đưa cho vợ ông.

“Cái đòn này là gì vậy?”

Kyun mỉm cười. “Cái đòn đập lúa của chị dâu cũ nhất làng này rồi... Bây giờ, chị có dựng lên chắc gì nó đã chịu đứng.”

Vợ ông vẫn bảo với ông là cái đòn đập lúa đã cũ thành thử khi đập lúa bà phải tốn sức hơn những người phụ nữ khác, thế nên bà muốn một cái mới. Lời của bà chưa kịp vào tai phải của ông thì đã lọt ra tai trái. Ông nghĩ, cái đòn đập cũ vẫn còn dùng được thì mua cái đòn mới làm gì? Cầm cái đòn đập lúa Kyun vừa đưa, đột nhiên vợ ông nổi nóng với Kyun, mà có lẽ đúng hơn là nổi nóng với ông. “Chú mua cái đòn đập mới thế này để làm gì? Anh chị còn không thể cho chú đi học được cơ mà!”

“Chị thật là, có gì đâu cơ chứ!” Kyun nói rồi đỏ bừng cả mặt.

Kyun rất nghe lời vợ ông. Có lẽ nó coi vợ ông như mẹ. Sau khi mua cái đòn đập lúa, hễ có tiền là nó lại mua bao nhiêu thứ về cho gia đình. Tất cả đều là những thứ vợ ông cần. Kyun còn mua về một cái chậu inox. Nó hơi xấu hổ, tủm tỉm cười nói, “Các bà các cô nhà người ta đều dùng đồ này hết rồi, có mỗi chị dâu nhà mình vẫn dùng cái thùng cao su nặng trịch thôi.” Vợ ông làm bao nhiêu kim chi trong cái chậu đó, rồi còn cho cơm trưa vào đấy để mang ra đồng. Sau khi dùng xong, bà lại lau chùi cho sáng loáng rồi đặt lên kệ. Bà dùng cái chậu cho đến khi lớp mạ tróc hết cả và cái chậu biến thành màu trắng.

Ông bất ngờ đứng dậy đi xuống bếp. Ông mở cánh cửa sau của nhà bếp và nhìn lên cái kệ đựng đồ làm từ mấy cây cọc dựng trong nhà kho. Những cái bàn ăn đã gập chân đặt ngay ngắn ở kệ trên. Kệ dưới cùng là cái chậu inox từ bốn mươi năm trước nằm im ở đó...

Khi vợ ông sinh đứa con trai thứ hai, ông không có nhà. Chỉ có Kyun ở bên cạnh bà. Về sau ông đã được nghe chuyện xảy ra lúc đó. Khi ấy đang độ mùa đông rét buốt nhưng trong nhà không còn chất đốt. Kyun đã chặt cây mận già ngoài sân, chẻ thành củi để sưởi cho chị dâu vừa sinh cháu mà phải nằm trong căn phòng lạnh giá. Kyun cho củi vào lò sưởi phía dưới phòng chị dâu rồi nhóm lên. Nhìn thấy thế, bà chị ông mở toang cửa phòng vợ ông và quát ầm lên, “Mợ không nghe người ta nói rằng nếu chặt cây trong nhà một cách bừa bãi thì thế nào trong nhà cũng có người chết hay sao mà dám làm như thế hả. Mợ điên rồi à!” Kyun hét toáng lên, “Em làm đấy! Sao chị lại mắng chị dâu!” rồi cãi nhau với bà chị gái. Chị gái ông tóm lấy cổ họng Kyun mà gầm lên, “Chị dâu mày bảo mày chặt có phải không? Cái thằng này! Mày hỏng thật rồi!” Kyun không chịu thua, đẩy vợ ông qua một bên và nói, “Thế chị muốn để chị ấy vừa đẻ con xong đã chết cóng trong căn phòng lạnh lẽo chắc?”

Cây mận đã bị chặt ấy hồi trước đứng ở chỗ này. Chuyện đó có lẽ xảy ra khoảng hai mươi ngày kể từ hôm Kyun trở về sau khi bỏ nhà đi kiếm tiền. Lúc Kyun về nhà, vợ ông là người vui nhất. Khoảng thời gian xa nhà, Kyun đã thay đổi rất nhiều. Nó thậm chí không cười cả với vợ ông. Ông chỉ nghĩ chắc nó đã gặp phải chuyện gì khó khăn ngoài đời. Một hôm, vợ ông hớt hải chạy đến trước cửa hàng trong thị trấn nơi ông đang chơi trò Yut, khuôn mặt bà trắng bệch. Dù bà nói Kyun trông lạ lắm, ông phải mau mau về nhà xem thế nào, ông vẫn mải mê với trò Yut nên bảo vợ cứ về trước đi. Vợ ông cứ đứng ngây ra một lúc, hồn xiêu phách tán, rồi đột nhiên lật úp chiếc thảm rơm bày những que gỗ của trò Yut và hét lên, “Chú ấy sắp chết rồi kia kìa! Ông có nhanh lên không nào!”

Hành động của vợ ông thật kỳ lạ khiến ông linh cảm thấy có gì không ổn nên bèn chạy vội về nhà.

“Ông nhanh lên! Nhanh nữa lên!” Vợ ông giục giã, chạy trước cả ông. Đó là lần đầu tiên vợ ông chạy trước ông. Kyun co rúm người nằm đúng chỗ cây mận đã bị chặt. Nước bọt phì ra trong khoang miệng và cái lưỡi thè cả ra ngoài.

“Có chuyện gì xảy ra với nó thế này?” Ông nhìn vợ nhưng vợ ông đã thẫn thờ như người mất hồn.

Là người phát hiện ra Kyun trong tình trạng đó, vợ ông bị cảnh sát gọi lên đồn vài ba lần. Trước khi nguyên nhân cái chết được làm rõ, tin đồn rằng chị dâu cho em chồng uống thuốc sâu đã lan sang tận làng bên. Chị gái ông hai mắt đỏ ngầu, luôn mồm chửi rủa vợ ông, “Cái con dã nhân, mày hại em tao.”

Vợ ông hết sức điềm tĩnh khi cảnh sát thẩm vấn. “Các ông nghĩ tôi đã giết chú ấy thì không cần dài dòng gì nữa, cứ giam tôi vào cho xong.”

Có lần cảnh sát đã phải đưa vợ ông về nhà vì bà từ chối không rời khỏi đồn, lại còn yêu cầu cảnh sát nhốt mình vào tù. Khi trở về nhà, vợ ông cứ vò đầu giật tóc rồi đấm ngực thình thịch. Bà mở tung cửa, lao ra ngoài trời mưa, chạy đến bên giếng vục mặt vào nước lạnh cóng. Còn ông, ông hoàn toàn suy sụp. Trong lúc vợ bị thẩm tra, cả ngày ông vừa chạy như điên khắp núi non, đồng ruộng vừa gọi tên người em đã chết, “Kyun ơi! Kyun ơi!” Trong lồng ngực ông như có lửa đốt, cơ thể ông nóng hầm hập không sao chịu nổi. Có một thời khi người chết ra đi không nói được một lời thì người sống hóa điên hóa dại như thế.

Vợ ông thật đáng thương. Giờ ông mới nhận ra mình đã hèn nhát chừng nào. Cả đời ông lúc nào cũng trút mọi nỗi đau lên vợ mình. Lẽ ra người cần được an ủi nhiều nhất là vợ ông nhưng vì ông cứ im lặng nên đã dồn vợ ông vào chân tường.

Mặc dù đau đớn đến mụ mị, nhưng lúc đó chính vợ ông đã nhờ người chôn cất Kyun. Nhiều năm trôi qua, nhưng ông không bao giờ hỏi xem Kyun được chôn ở đâu.

Thỉnh thoảng vợ ông lại hỏi, “Ông không muốn biết chú ấy được chôn ở đâu thật à?”

Ông không nói gì. Quả thật, ông không muốn biết.

“Ông đừng giận chú ấy vì đã ra đi như thế nữa... Ông là anh của chú ấy, chú ấy không còn cha mẹ nên ông phải tới thăm chú ấy chứ... Tôi ước gì chúng ta có thể đưa mộ chú ấy về một nơi tử tế trong khu nghĩa trang tổ tiên nhà ta.”

“Sao tôi lại phải biết bà đã chôn cái thằng hư đốn ấy ở đâu chứ?” ông gào lên với vợ.

Một lần, khi hai vợ chồng đang đi dọc một con đường, đột nhiên vợ ông dừng bước mà hỏi, “Mộ của chú Kyun ở gần đây, ông không định ra đấy à?” Nhưng ông làm ra vẻ không nghe thấy gì. Tại sao ông lại trút gánh nặng cho vợ mình như thế chứ? Đến tận hai năm trước, cứ vào ngày giỗ Kyun, vợ ông lại làm cơm rồi mang ra mộ Kyun. Mỗi lần từ trên núi trở về, thế nào miệng bà cũng sặc sụa mùi rượu Sochu, hai mắt thì đỏ ngầu.

Vợ ông thay đổi nhiều từ sau chuyện xảy ra với Kyun. Từ một con người vốn rất lạc quan, bà hầu như không bao giờ cười nữa. Nếu có cười thì đó cũng chỉ là nụ cười nhạt nhẽo, vụt qua nhanh chóng. Trước đây chỉ cần đặt lưng xuống sàn nhà là bà ngủ say như chết, mệt nhoài với công việc vườn tược đồng áng, nhưng từ dạo đó nhiều đêm dài bà cứ thức chong chong. Mãi cho tới khi đứa con gái thứ của ông trở thành dược sĩ và kê đơn thuốc ngủ cho vợ ông thì bà mới lại ngủ sâu giấc được. Vợ ông thật đáng thương, đến giấc ngủ cũng không yên. Có lẽ mấy viên thuốc ngủ người vợ mất tích của ông uống chưa kịp tan hết đã tích tụ cả lại trong não bà. Căn nhà cũ đã được xây lại hai lần từ sau khi Kyun mất. Mỗi lần xây lại nhà, ông lại bỏ những thứ đồ cũ chất thành đống trong một góc nhà ra chỗ khác. Mỗi lần như vậy, vợ ông lại tự mình cất giấu chiếc chậu inox, không cho ai động vào. Có lẽ vợ ông sợ nếu để cái chậu lẫn vào mọi thứ khác thì sẽ không bao giờ tìm thấy được nữa, nên chiếc chậu là thứ đầu tiên bà đưa vào cái lều tạm họ sống trong khi xây nhà. Khi nhà xây xong, bà luôn mang chiếc chậu đặt lên cái kệ trong ngôi nhà mới trước tiên rồi mới làm gì thì làm.

Đến trước khi vợ ông bị lạc, ông chưa khi nào thoáng nghĩ rằng chính sự im lặng của mình trong chuyện Kyun đã khiến vợ ông phải chịu bao đau khổ trong cuộc sống. Ông chỉ nghĩ nói lại chuyện đã qua cũng chẳng ích gì. Ngay cả khi cô con gái ông kể lại, “Bác sĩ hỏi liệu có chuyện gì làm mẹ con bị sốc không? Có việc gì mà con không biết không nhỉ?” thì ông chỉ lắc đầu. Rồi khi cô con gái nói, “Bác sĩ bảo nên đi tư vấn tâm thần xem sao bố ạ,” thì ông đã cắt lời và gắt toáng lên, “Tư vấn cái gì, tâm thần cái gì, vớ vẩn…” Ông luôn nghĩ khi tuổi già đến mình cần phải quên chuyện của Kyun đi, và giờ đây có vẻ như ông đã thực sự quên hẳn người em trai rồi. Ngay cả vợ ông từ sau khi bước sang tuổi năm mươi cũng thường nói, “Tôi chẳng thấy Kyun về trong mơ nữa. Có lẽ giờ chú ấy có thể lên thiên đường rồi.” Thế nên ông nghĩ chắc vợ ông cũng đã dần quên mọi chuyện, y như ông vậy. Mấy năm gần đây tự nhiên vợ ông lại bắt đầu nhắc đến chuyện của Kyun, mặc dù ông cứ tưởng bà đã quên.

Có một đêm vợ ông lay ông dậy. “Chú Kyun ấy ông, nếu mình cho chú ấy đi học thì chắc chú ấy đã không làm thế đâu nhỉ?” Vợ ông lẩm bẩm như thể nói với chính mình. “Kể từ khi về làm dâu ở cái nhà này, chú Kyun là người đối đãi với tôi tử tế nhất... Tôi là chị dâu của chú ấy mà lại không thể cho chú ấy đi học cấp hai mặc dù chú ấy rất khao khát được đến trường. Tôi lại thấy chú Kyun trong giấc mơ. Tôi nghĩ rằng, chú ấy vẫn lưỡng lự chưa đi đâu được.”

Ông chỉ “Hừ” một tiếng rồi lại quay lưng đi, nhưng vợ ông vẫn nói tiếp. “Sao lúc đó ông lại như thế chứ? Sao ông lại không cho chú Kyun đến trường? Chú ấy đã khóc lóc thảm thiết vì rất muốn đi học, thế mà sao ông không động lòng cơ chứ? Chú ấy đã bảo chỉ cần cho chú ấy nhập học thì bằng giá nào chú ấy cũng tự lo được, vậy mà…”

Ông không muốn bàn luận với bất cứ ai về Kyun. Bởi với ông, Kyun cũng chính là một vết thương trong lòng. Dù cây mận không còn ở đấy, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ nơi Kyun chết. Ông biết vợ mình vẫn hay thẫn thờ nhìn vào chỗ đó. Ông không hề muốn động đến vết thương ấy. Cuộc đời này có nhiều chuyện còn khủng khiếp hơn.

“Hừm hừm,” ông đằng hắng.

Chỉ sau khi vợ mất tích, ông mới nghĩ lẽ ra đêm hôm đó mình nên dành chút thời gian nói chuyện thẳng thắn với vợ về Kyun. Hình ảnh của Kyun vẫn luôn ở trong lòng vợ ông. Có nhiều đêm, vợ ông đột nhiên vùng dậy, chạy vào phòng tắm ngồi nép xuống bên cạnh bệ xí. Hai tay bà giơ ra như đang đẩy ai đó, miệng gào lên, “Không phải tôi, không phải tôi!” Nếu ông hỏi xem có phải vợ ông gặp ác mộng không, bà sẽ chớp chớp mắt và lơ đễnh nhìn vào khoảng không, như thể bà đã quên mất mình đang làm gì. Chuyện đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Tại sao ông không bao giờ nghĩ tới chuyện vợ mình đã nhiều lần phải đến đồn cảnh sát vì chuyện của Kyun? Chuyện vợ ông bị người ta đồn là kẻ giết em chồng? Tại sao đến tận bây giờ ông mới nghĩ ra rằng chuyện của Kyun có liên quan trực tiếp đến chứng đau đầu chết người của vợ mình? Lẽ ra ông phải nghe vợ mình nói chuyện, ít nhất là một lần. Ông nên để cho bà nói những gì bà muốn nói. Những tháng năm thắt nghẹn, kìm nén không được giải tỏa! Sự câm lặng của ông, thậm chí không cho vợ mình nhắc về chuyện đó, đã biến thành nỗi đau giằng xé vợ ông. Càng ngày ông càng hay thấy vợ mình ra đứng ngẩn ngơ thất thần ở đâu đó. Khi ấy vợ ông sẽ nói, “Sao tôi lại quên mất mình định làm gì rồi thế này?” Cho dù có những lúc đầu đau đến mức không lết nổi chân, vợ ông vẫn nhất quyết không đến bệnh viện. Bà còn bắt ông tuyệt đối không được nói cho các con biết về bệnh đau đầu của mình. “Nói với chúng thì giải quyết được gì chứ? Chúng nó đã túi bụi với công việc của mình rồi còn gì?”

Khi con cái phát hiện, vợ ông lại dập đi, “Hôm qua thì đau thôi, chứ giờ thì mẹ khỏi rồi!” Có hôm nửa đêm đang ngồi thẫn thờ một mình, chợt bà hỏi ông với khuôn mặt lạnh lùng, “Sao ông lại sống với người như tôi trong ngần ấy năm làm gì cơ chứ?” Thế nhưng, vợ ông vẫn tiếp tục làm mắm, đi hái mơ rừng làm nước mơ. Có những ngày Chủ nhật, bà có thể ngồi sau xe máy để ông đèo đến nhà thờ, và đôi khi bà còn gợi ý ra ngoài đi ăn ở một nhà hàng có nhiều món vì bà muốn ăn một bữa cơm do người khác nấu. Thế rồi, khi mọi người trong gia đình bàn là nên gộp tất cả các ngày lễ lạt vào một ngày cho tiện, vợ ông nói rằng khi nào cô con dâu trưởng tiếp quản công việc cúng đơm thì bà sẽ làm thế, nhưng vì bà đã làm cỗ cả đời rồi nên chừng nào còn sống thì bà vẫn cứ tổ chức các ngày lễ riêng rẽ. Nhưng khác với trước kia, vợ ông thường quên cái này cái nọ lúc chuẩn bị cỗ thành thử phải ra thị trấn bốn năm lần liền để mua thêm đồ. Khi đó ông chỉ nghĩ già rồi thì ai cũng như thế cả thôi.

Tờ mờ sáng chuông điện thoại đã reo vang, Ai gọi vào giờ này thế nhỉ? Ông khấp khởi hy vọng, chộp ngay lấy ống nghe.

“Bố ạ?”

Thì ra là cô con gái lớn.

“Sao mãi bố mới nghe điện thoại thế? Sao bố không nghe di động?”

“Có việc gì thế con?”

“Hôm qua gọi điện cho anh cả, con thấy lo quá... Sao tự dưng bố lại về quê thế? Nếu có đi thì bố cũng nên nói với con vài lời chứ. Về quê như thế mà bố cũng chẳng nghe điện thoại là sao?”

Có vẻ như đến giờ cô con gái mới biết chuyện ông về nhà.

“Bố ngủ nên không để ý.”

“Ngủ ấy ạ? Bố ngủ suốt từ khi ấy đến giờ sao?”

“Ừ, có lẽ vậy.”

“Bố ở đấy có một mình làm gì?”

“Biết đâu mẹ mày lại về đây.”

Cô con gái ông im lặng một lúc. Ông nuốt nước bọt, cổ họng khô rang.

“Con về với bố nhé?”

Trong mấy đứa con, cô con gái lớn có trách nhiệm nhất trong việc tìm vợ ông. Có thể một phần vì nó chưa lập gia đình. Ông dược sĩ ở phố Yokchon là người cuối cùng gọi để báo có trông thấy một người giống vợ ông. Con trai ông đã đăng thêm mấy tin quảng cáo trên báo, nhưng chẳng có ai chỉ dẫn gì nữa cả. Ngay cả cảnh sát cũng nói họ đã làm mọi việc có thể và giờ họ chỉ còn biết đợi người ta gọi đến báo tin nữa thôi, vậy mà cô con gái lớn của ông đêm nào cũng đi từ phòng cấp cứu của bệnh viện này tới bệnh viện khác để tìm xem trong số những bệnh nhân vô gia cư có ai là mẹ mình không.

“Không cần... Chỉ cần nghe được gì thì gọi cho bố ngay.”

“Bố, khi nào bố không muốn ở một mình nữa thì lên trên này ngay bố nhé. Hay là bố bảo bác sang ở cùng.”

Ông nghe giọng của cô con gái lạ quá, cứ như nó đã uống rượu. Giọng nói có vẻ líu nhíu.

“Con uống rượu phải không?”

“Có mấy chén thôi ạ,” cô con gái ông trả lời lí nhí.

Nó đã uống rượu đến tận sáng ư? “Chi-hon,” ông gọi giật lại khi thấy cô con gái định ngắt điện thoại. Cô con gái trả lời với giọng yếu ớt, “Vâng.” Bàn tay đang cầm ống nghe của ông ướt đẫm mồ hôi. Chân ông như chuội đi nên ông phải ngồi uỵch xuống sàn nhà.

“Hôm đó, mẹ con không đủ sức để lên Seoul. Lẽ ra bố mẹ không nên đi Seoul mới phải... Từ hôm trước, mẹ con đã kêu đau đầu, bà ấy phải đổ đá vào chậu rửa mặt rồi rúc đầu vào đấy. Mẹ con đau đến mức không thể nghe được tiếng người khác gọi mình... Ban đêm, bố phát hiện mẹ con đứng trước tủ lạnh và cho đầu vào ngăn lạnh. Chắc mẹ con đau đớn lắm. Mặc dù quên cả nấu cơm sáng, mẹ con vẫn đòi lên Seoul. Mẹ con nói rằng các con đang mong bố mẹ. Nhưng lúc đó bố lại không ngăn mẹ. Giờ bố già rồi nên đầu óc cũng không minh mẫn nữa hay sao ấy. Một phần bố cũng nghĩ thôi thì nhân thể lần này mẹ con lên Seoul, phải bắt bà ấy vào viện khám xem bệnh tình thế nào… Thế nhưng, lẽ ra lúc đưa người đang trong tình trạng đau ốm như thế lên Seoul, bố đã phải để ý tới mẹ con hơn... Vậy mà, bố chẳng nghĩ mẹ con là bệnh nhân, xuống ga Seoul một cái là ngay lập tức bố đi trước mẹ con... vẫn cái thói quen cũ ấy mà... Vậy nên sự việc mới đến nước này.” Những lời mà ông không thể nói khi ngồi trước mặt các con mình giờ đây tuôn ra ào ạt.

“Bố...” Tiếng cô con gái ông như nghẹn lại.

Ông lắng nghe.

“Con nghĩ mọi người đã quên mẹ rồi. Không có ai gọi điện. Bố có biết vì sao hôm đó mẹ con lại đau đầu như vậy không? Bởi vì con là một đứa con hư. Mẹ đã bảo thế đấy.” Giọng của cô con gái ông nhịu lại.

“Mẹ nói với con vậy ư?”

“Vâng... Con nghĩ mình không đến tiệc sinh nhật bố mẹ được nên con đã gọi điện từ Trung Quốc về hỏi xem mẹ đang làm gì, mẹ bảo đang rót rượu vào chai để đưa lên cho cậu út. Bố cũng biết là nó thích uống rượu rồi đấy. Con cũng không biết nữa. Chuyện đó thì có gì đâu, nhưng tự dưng con lại nổi cáu. Cậu út đáng ra phải bỏ rượu mới phải... Mẹ thì lại thấy cậu ấy thích uống rượu nên cứ mang cho cậu ấy thôi. Thế nên con mới bảo mẹ đừng mang thứ nặng nề ấy lên làm gì, nó uống say rồi quấy phá thì mẹ có chịu trách nhiệm được hay không? Sao mẹ không chịu nghĩ cho kỹ chút nào? Con đã nói với mẹ như thế đấy... Nghe xong, mẹ nói với giọng yếu ớt, ‘Con nói cũng phải,’ rồi nói thêm, ‘Chắc mẹ phải ra thị trấn mua ít bánh gạo...’ Năm nào đến sinh nhật bố là mẹ lại làm bánh gạo còn gì! Con lại bảo, ‘Thôi thôi mẹ ạ, thật ra có ai ăn mấy thứ bánh đấy đâu, bọn con cứ chia nhau vui vẻ như thế, chứ mang về nhà là lại vứt vào tủ lạnh để đấy thôi.’ Con bảo mẹ không phải bày đặt mấy trò quê mùa ấy nữa, cứ lên tay không là được rồi. Thấy con nói thế, mẹ hỏi, ‘Con vứt bánh tteok trong tủ lạnh à?’ Con trả lời, ‘Vâng, thậm chí bánh mẹ mang cho con từ ba năm trước vẫn còn trong tủ.’ Lúc ấy mẹ đã khóc. Con hỏi, ‘Mẹ khóc à?’ thì mẹ nói, ‘Mày là đứa con gái hư!’ Con chỉ định bảo mẹ cứ lên tay không cho đỡ khổ thôi vậy mà lại bị mẹ bảo là đứa con gái hư, nên lúc đấy con giận lắm. Hôm đấy thời tiết ở Bắc Kinh cũng nóng kinh khủng. Căng thẳng quá con mới đáp, ‘Vâng, mẹ đẻ ra đứa con hư như con thế này thì sướng quá còn gì? Vâng, con của mẹ hư lắm,’ rồi con ngắt điện luôn.”

Ông im lặng.

“Con biết mẹ ghét nhất bị ai đó la hét... Mọi người đều đã gào vào mặt mẹ rồi còn gì, phải không bố, tất cả chúng ta. Con đã định gọi điện lại để xin lỗi mẹ nhưng rồi con quên mất vì còn mải cùng mọi người đi ăn uống, ngắm cảnh, chuyện trò. Nếu con gọi điện lại để xin lỗi thì mẹ đã chẳng bị đau đầu như thế... và khi đó, mẹ đã có thể theo kịp bố rồi.”

Cô con gái khóc òa lên.

“Chi-hon à!”

Cô con gái im lặng.

“Mẹ con tự hào về con nhất đấy!”

“Bố nói gì cơ ạ?”

“Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách, rồi cứ lấy ra ngắm nghía suốt... Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe với người ta đấy.”

Cô con gái im lặng.

“Nếu ai hỏi rằng con gái làm gì... mẹ con sẽ nói rằng con là nhà văn… Mẹ con còn mang cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Con viết gì mẹ con đều biết hết. Cô gái đọc sách cho mẹ con kể rằng, mỗi khi được nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ con lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa. Vì vậy, cho dù có việc gì đi nữa, con cũng phải viết tiếp cho thật hay vào con nhé! Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra... Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại không có ai nghe cả. Chi-hon à?”

“Vâng?”

“Nhờ con cả đấy... Mẹ con... Hãy nói với mẹ con.”

Không thể ngăn nổi mình nữa, cô con gái òa lên nức nở ở đầu dây bên kia. Ông ghé sát điện thoại vào tai, lắng nghe tiếng khóc tuyệt vọng của cô. Tiếng khóc của cô ngày càng lớn hơn. Nước mắt của cô như nhỏ xuống chảy theo đường dây điện thoại. Khuôn mặt ông đẫm lệ. Cho dù tất cả mọi người trên thế giới này có quên, cô con gái của ông sẽ vẫn nhớ. Rằng người vợ của ông đã yêu thế giới này biết mấy, và rằng ông đã yêu vợ bao nhiêu

Chương 4: Và người phụ nữ khác (1)

Ở đây có nhiều thông quá.

Sao lại có một khu dân cư như thế ở trong thành phố này chứ? Nó ẩn mình rất sâu. Mấy ngày trước ở đây có tuyết rơi phải không nhỉ? Tuyết còn đọng trên cành cây ngọn lá. Trước nhà con, mẹ thấy có ba cây thông. Hình như ông ấy đã trồng mấy cái cây này ở đây để cho mẹ ngồi thì phải. Ồ, mẹ không tin là mình lại đang nói về ông ấy rồi. Mẹ sẽ gặp con trước rồi sau đó đi gặp ông ấy. Mẹ sẽ làm như vậy. Mẹ nghĩ mình nên làm như vậy.

Với mẹ, các căn hộ và phòng đơn thân mà anh chị em con sống trông cứ giống nhau như lột vậy. Thật rối cả trí, chẳng biết nhà nào là của đứa nào nữa. Sao mọi thứ lại giống nhau đến thế? Sao cả mấy đứa nó lại sống trong không gian giống nhau như vậy? Mẹ nghĩ giá bọn nó sống trong những căn nhà có vẻ bề ngoài khác nhau thì hay biết mấy. Trong nhà mà có kho hay gác xép thì chẳng thú vị lắm sao? Chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu sống trong một ngôi nhà có chỗ này chỗ nọ cho lũ trẻ trốn à? Con thường trốn trên gác xép để tránh phải làm những việc vặt mà các anh sai. Ngày nay ngay cả ở nông thôn, những tòa chung cư hao hao giống nhau cũng mọc lên như nấm. Gần đây con có trèo lên nóc nhà ta mà xem không? Từ đó con có thể nhìn thấy tất cả những tòa chung cư cao tầng mới mọc lên trong thị trấn đấy. Hồi con còn nhỏ, làng ta thậm chí chưa có tuyến xe buýt chạy qua. Ở nông thôn mà thay đổi thế thì ở cái thành phố hối hả này mọi thứ còn phải tệ hơn bao nhiêu. Ước gì không xuất hiện những tòa chung cư cao tầng giống nhau đến vậy. Chúng giống nhau tới mức mẹ chẳng biết đằng nào mà lần nữa. Mẹ không thể tìm thấy nhà anh trai con mà cũng chẳng tìm ra căn hộ của chị gái con. Đó là tình cảnh của mẹ lúc này. Trong mắt mẹ thì những ngôi nhà ấy giống nhau từ cái lối vào, giống nhau đến cả cánh cửa, thế mà mọi người vẫn xoay xở tìm được đường về nhà, ngay cả vào lúc nửa đêm. Ngay cả bọn trẻ.

Nhưng con lại sống ở đây, chỗ này đẹp lắm.

Mà đây là đâu nhỉ? Phường Puam, quận Chongno, thành phố Seoul... Đây là quận Chongno ư? Quận Chongno... À, thì ra đây là quận Chongno! Khi lập gia đình, ngôi nhà đầu tiên anh cả con sống là ở quận Chongno đấy. Phường Tongsung của quận Chongno. Anh cả con từng nói, “Mẹ ơi, đây là quận Chongno. Cứ mỗi khi viết cái địa chỉ này là con lại thấy thật hãnh diện. Chongno là quận trung tâm của Seoul. Và giờ đây con đang sống ở đó.” Anh con còn nói thêm rằng cuối cùng một anh chàng nhà quê cũng bước chân được vào quận Chongno, thế đấy. Anh con bảo tuy là ở Chongno nhưng nó sống trong một dãy nhà tập thể nằm chênh vênh trên một ngọn đồi dốc đứng hình như có tên là Naksan. Khi leo được lên trên đó mẹ tưởng mình không thở nổi nữa. Khi ấy mẹ nghĩ, “Trời ơi, sao lại có một nơi như thế ở thành phố này cơ chứ, trông còn thôn dã hơn cả quê mình!” Thế nhưng giờ đây mẹ cũng phải nói lại đúng cái câu ấy về nơi con đang sống thôi. Sao lại có một nơi như thế ở thành phố này cơ chứ.

Năm ngoái, khi gia đình con trở về Seoul sau ba năm sinh sống ở nước ngoài, con đã vô cùng thất vọng vì với số tiền hiện có con thậm chí không thể thuê được căn nhà chung cư mình từng sống trước đây, con đành phải tìm đến ngôi làng này. Nơi này chẳng khác gì một ngôi làng ở nông thôn, ở đây có quán cà phê, có bảo tàng mỹ thuật, nhưng cũng có cả máy xát gạo nữa. Mẹ còn thấy người làm bánh gạo bên máy xát. Mẹ đứng xem một lúc lâu vì nó gợi lại trong mẹ những ký ức của ngày xưa. Tết sắp đến rồi sao? Có rất nhiều người đang làm những cái bánh gạo trắng dài bên máy xát. Ở cái thành phố này mà vẫn có một làng làm bánh gạo trắng khi Tết sắp đến cơ đấy! Ngày xưa cứ Tết đến mọi người lại đua nhau chất gạo lên xe ngựa hay xe đẩy mang đi xát để làm bánh gạo trắng. Mọi người cứ thổi phù phù vào đôi bàn tay lạnh giá trong khi chờ đến lượt.

Tuy nhiên sống ở nơi này với ba đứa con thì chắc cũng bất tiện lắm. Con rể phải đi làm tận Sonlong thì đường sá cũng xa xôi quá. Mà xung quanh đây có chợ không nhỉ?

Một lần con có nói với mẹ, “Mỗi lần đi siêu thị con đều mua rất nhiều nhưng vèo một cái đã hết nhẵn chẳng còn thứ gì. Để mỗi đứa được một hộp sữa chua Yoplait thì con phải mua ba hộp. Nếu muốn mua đủ cho ba ngày thì phải mua chín hộp mẹ ơi! Chết sợ mất thôi. Con cứ mua cả đống rồi lại hết vèo.” Con dang cánh tay ra như muốn nói với mẹ là nhiều vô kể thứ. Nhà có ba đứa trẻ thì đó âu cũng là chuyện đương nhiên.

Cậu con trai cả của con, má ửng đỏ vì giá rét, toan dựng chiếc xe đạp vừa đi về ngoài cổng thì chợt nhìn chăm chú. Nó đẩy cổng chạy vào gọi tướng lên, “Mẹ ơi!” Con mặc chiếc áo len màu xám tro, ôm đứa út vào lòng rồi mở cửa bước ra.

“Mẹ ơi! Con chim!”

“Con chim ư?”

“Vâng, ở trước cửa nhà mình đấy!”

“Chim gì hả con?”

Đứa lớn không trả lời con mà chỉ ngón tay về phía cổng. Con kéo chiếc mũ của cái áo rét trùm lên đầu đứa út đang ôm trong lòng cho nó khỏi rét rồi bước ra cổng. Con chim có màu xám tro đang nằm xõa cánh trên nền đất trước cổng. Những chấm đen lốm đốm chạy suốt từ đỉnh đầu đến tận đầu cánh con chim. Hai cánh của nó đã hoàn toàn cứng đơ. Mẹ có thể thấy con đang nghĩ tới mẹ khi con nhìn con chim. Phải nói là xung quanh nhà con có rất nhiều chim chóc. Sao lại có nhiều chim đến thế nhỉ? Lũ chim đi tránh đông đang bay lượn phía trên nóc nhà con mà không kêu một tiếng.

Mấy ngày trước con thấy một con chim ác là lạnh run cầm cập đậu dưới gốc cây mộc qua trước cửa nhà, nghĩ chắc nó đang đói bụng, con đi vào trong bóp vụn một miếng bánh bọn nhỏ ăn còn thừa rồi ra rải dưới gốc cây mộc qua. Lúc ấy chắc con cũng đang nghĩ về mẹ. Nghĩ về chuyện ngày xưa khi mùa đông đến, khi những con chim đậu trên mấy cành cây hồng khẳng khiu trụi lá, mẹ vẫn thường bốc một nắm gạo cũ ra rắc dưới gốc cây cho chúng ăn. Vào tối hôm con vứt mấy mẩu bánh cho con chim ác là ấy, có đến hơn hai chục con chim khác bay đến đậu dưới gốc cây mộc qua. Thậm chí còn có một con chim có cánh to bằng bàn tay của con. Từ hôm đó ngày nào con cũng rắc mẩu bánh dưới gốc cây mộc qua cho bầy chim đi tránh đông đói rét. Nhưng con chim này lại đang nằm phủ phục ở trước cổng nhà con chứ không phải ở dưới gốc cây mộc qua. Mẹ biết tên loài chim đó. Đó là con chim choi choi. Thật kỳ lạ. Chim choi choi đâu có bay lẻ đàn, vậy tại sao nó lại nằm ở đây chứ? Loài chim này phải bay ở gần biển mới đúng. Mẹ đã từng thấy loài chim này ở Komso, nơi ông ấy sinh sống. Mẹ đã nhìn thấy những con chim choi choi tìm kiếm thức ăn trong thảm bùn ngoài bờ biển khi thủy triều xuống.

Con cứ đứng tần ngần mãi trước cổng nhà, đứa lớn lắc lắc tay con. “Mẹ ơi!”

Con im lặng.

“Nó chết rồi ạ?”

Con vẫn mím chặt miệng. Con nhìn chằm chằm vào con chim, nét mặt tối sầm.

“Mẹ ơi! Con chim chết rồi hả mẹ?” Đứa con thứ hai cũng chạy lại hỏi vì thấy ồn ào bên ngoài, nhưng con cũng không trả lời.

Chuông điện thoại reo vang.

“Mẹ ơi! Bác gái gọi.”

Đó là Chi-hon. Con đón lấy ống nghe từ đứa con thứ hai.

Khuôn mặt con đầy u ám. “Nếu chị đi thì sẽ thế nào đây?”

Chắc là Chi-hon lại đi máy bay. Nước mắt đã chảy vòng quanh mắt con. Mẹ nghĩ đôi môi con cũng đang run rẩy. Đột nhiên con hét vào ống nghe, “Mọi người thật quá quắt... quá quắt không chịu nổi!” Con ơi, con đâu phải người như vậy chứ. Sao con lại to tiếng với chị mình như thế?

Nói rồi con thậm chí còn dập bộp điện thoại. Chị con từng làm thế với con và cả với mẹ nữa. Ngay lập tức điện thoại lại đổ chuông. Con nhìn chiếc điện thoại một lúc, rồi khi thấy nó vẫn không ngừng reo, con nhấc ống nghe lên...

“Chị à, em xin lỗi.” Giọng con giờ đã bình tĩnh trở lại. Con im lặng nghe chị con nói ở bên kia đầu dây. Rồi mặt con đỏ bừng lên. Con lại hét lên, “Cái gì? Santiago? Một tháng?” Mặt con đỏ gay.

“Bây giờ chị hỏi em xem chị có thể đi không ư? Chị đã quyết định đi tại sao còn hỏi em? Sao chị có thể làm như thế?” Bàn tay cầm ống nghe của con run run. “Hôm nay có một con chim chết trước cửa nhà em. Em có linh cảm xấu. Có lẽ đã có chuyện gì đó xảy ra với mẹ! Tại sao chúng ta vẫn chưa tìm thấy mẹ chứ? Tại sao? Làm sao chị có thể bỏ đi được? Sao mọi người lại như thế chứ? Sao đến cả chị cũng đi như thế? Chúng ta chẳng biết mẹ ở đâu trong cái lạnh căm căm này, thế mà tất cả mọi người đều thích gì là làm cho bằng được.”

Con ơi, bình tĩnh nào. Con phải hiểu cho chị chứ. Sao con lại nói thế khi mà con cũng biết rõ chị con đã thế nào trong suốt mấy tháng qua?

“Cái gì? Chị muốn em quan tâm đến chuyện này ư? Em ư? Chị nghĩ em còn làm gì được với ba đứa trẻ này? Chị đang chạy trốn đúng không? Bởi vì chuyện này làm chị mệt mỏi chứ gì? Chị lúc nào cũng thế thôi.”

Con ơi, sao con lại làm thế? Có vẻ như con vẫn đang làm tốt mọi việc mà. Con lại dập điện thoại đánh rầm và òa lên nức nở. Đứa út cũng lại khóc theo mẹ. Mũi nó đỏ tấy. Trán cũng đỏ ửng lên. Thấy thế đứa con gái cũng khóc theo. Thằng con trai lớn mở cửa phòng mình bước ra, nhìn chằm chằm cả ba mẹ con đang khóc lóc thảm thiết. Chuông điện thoại lại vang lên. Đang khóc nhưng con vẫn vội vàng nhấc ống nghe.

“Chị...” Nước mắt đã tuôn trào trên mặt con. “Chị đừng đi! Đừng đi chị nhé!”

Cuối cùng chị con cố dỗ dành an ủi con. Không ích gì, thế nên chị con bảo sẽ đến. Con đặt ống nghe xuống và gục đầu ngồi im lặng. Đứa út leo lên ngồi trong lòng mẹ. Con ôm nó vào lòng. Đứa con gái cũng lại gần vuốt ve má mẹ. Con vỗ vỗ vào lưng con gái. Thằng cả nằm giải bài tập toán về nhà trước chỗ con ngồi để làm con vui. Con xoa xoa đầu nó. Chi-hon đến, đẩy cổng bước vào nhà. “Nào, Yun ơi!” Chị gái con đón lấy đứa út từ tay con. Đứa bé sợ người lạ nên oằn mình thoát khỏi vòng tay chị con để trườn về phía mẹ.

“Ra với bác tí nào,” Chi-hon nói, và khi chị con cố vuốt ve đứa bé thì nó khóc òa lên. Chị con vội vàng trao đứa bé cho con. Khi đã được ngồi trong lòng mẹ, đứa bé quay ra cười toe toét với bác nó, nước mắt còn lấp lánh trên mi. Ái chà! Chị con bẹo yêu vào má đứa bé. Hai chị em con cứ ngồi như vậy, không ai nói gì. Mặc dù đã phải đi ngần ấy đoạn đường đầy tuyết để đến đây vì không an ủi được con qua điện thoại, nhưng lúc này đây chị con không nói gì. Chi-hon trông rất buồn thảm. Khuôn mặt chị con sưng húp, đôi mắt to giờ chỉ còn bé như sợi chỉ. Trông có vẻ như đã suốt một thời gian dài chị con không ngủ được.

“Chị có định đi nữa không?” con hỏi chị, phá vỡ hồi lâu yên lặng.

“Chị không đi nữa.” Chị con nằm sấp xuống mặt ghế xô pha như vừa trút được một gánh nặng. Chị con mệt đến mức không nhúc nhích được nữa. Tội nghiệp quá. Chị con chỉ làm ra vẻ cứng rắn nhưng thực ra lại rất mềm yếu. Con sẽ làm gì, có tự làm mình kiệt sức như vậy không?

“Chị ơi! Chị ngủ à?” con lay vai Chi-hon một lát rồi vỗ khẽ. Con nhìn chằm chằm người chị đang ngủ ngon lành. Ngay từ khi còn nhỏ, cho dù có cãi nhau thì hai chị em con cũng nhanh chóng im lặng. Khi thấy hai đứa to tiếng, mẹ sẽ vào mắng cho mấy câu, thế là hai đứa liền đi ngủ, bàn tay nắm chặt. Con đi vào trong phòng lấy chăn ra đắp cho chị. Chị con cau mày. Chi-hon thật bất cẩn quá. Sao chị con có thể lái xe suốt cả chặng đường đó trong tình trạng buồn ngủ như vậy chứ?

“Chị ơi, em xin lỗi...” con thì thầm, thế là chị con mở mắt ra nhìn con.

Rồi chị con lẩm bẩm như nói một mình, “Hôm qua chị đã gặp mẹ của anh ấy. Nếu bọn chị lấy nhau thì bà ấy sẽ là mẹ chồng chị. Mẹ anh ấy sống với cô con gái lớn. Chị gái anh ấy đang kinh doanh một tiệm ăn nhỏ có tên là Swiss. Chị ấy sống độc thân. Mẹ anh ấy vóc dáng nhỏ nhắn và rất nhẹ nhàng. Bà theo chị ấy đi khắp mọi nơi, gọi con gái mình là Chị. Chị anh ấy cho bà ăn, đưa đi ngủ và tắm giặt cho, và lúc nào cũng nói, Mẹ thật là ngoan, thế nên bà mới gọi con gái mình là Chị. Chị anh ấy nói với chị rằng nếu vì mẹ chị ấy mà chị vẫn chưa kết hôn thì đừng ái ngại. Chị ấy sẽ tiếp tục sống cùng với mẹ và đóng vai một người chị. Vào tháng Một, khi năm mới bắt đầu chị ấy sẽ đưa mẹ đến viện dưỡng lão để đi du lịch, chỉ khi đó chị mới phải tạt qua chăm sóc bà trong lúc chị ấy vắng nhà. Chị gái anh ấy nói rằng hai mươi năm qua chị ấy luôn dùng tiền kiếm được từ kinh doanh nhà hàng để đi du lịch trong suốt tháng Một. Chị ấy thấy thoải mái lắm, dù mẹ chị ấy sống cùng và gọi chị ấy là chị. Chị ấy cười thật tươi và nói rằng bà mẹ đã nuôi dưỡng chị đến tận bây giờ, những gì đã xảy ra chẳng qua chỉ là sự hoán đổi vị trí mà thôi, điều đó cũng rất công bằng.”

Chị con ngừng kể rồi lặng lẽ nhìn con. “Kể cho chị nghe về mẹ đi.”

“Về mẹ ư?

“Ừ, điều gì đó về mẹ mà chỉ mình em biết ấy.”

“Mẹ tên là Park So-nyo. Sinh ngày 24 tháng 7 năm 1938. Người thấp, tóc muối tiêu, gò má cao, hôm đi lạc mặc áo khoác trắng, bên trong là áo sơ mi màu xanh da trời, váy xếp nếp màu be. Nơi bị lạc...”

Chị con lim dim mắt rồi nhắm hẳn, giấc ngủ đã kéo đến.

“Em không biết gì về mẹ. Chỉ biết mẹ đang bị lạc,” con nói.

Đã đến lúc mẹ phải đi nhưng sao chân không bước được. Mẹ đã ngồi đây suốt cả ngày rồi.

Ôi không.

Mẹ đã biết chuyện này rồi sẽ xảy ra. Đây là một cảnh sẽ diễn ra trong vở hài kịch. Chao ôi, thật là hỗn độn. Trong tình huống như thế mà con vẫn cười được sao? Đứa con trai cả của con đứng đó vừa đội cái mũ lên vừa nói với con điều gì đó. Thằng bé nói gì thế nhỉ? Cái gì? À, nó muốn đến sân trượt tuyết. Con bảo với thằng bé là không được. Con nói với nó, “Vì gia đình ta mới chuyển về đây, con còn chưa theo kịp bạn bè ở lớp, thế nên con phải học cùng với bố trong suốt kỳ nghỉ này. Có như thế mới đảm bảo khi quay lại trường con có thể bằng bạn bằng bè. Nếu không thì con sẽ tiếp tục vô cùng vất vả ở trường.” Trong lúc con đang nói chuyện với đứa lớn thì đứa út đang chập chững đi của con suýt nữa đã nhặt những hạt cơm rơi dưới gầm bàn cho vào miệng. Chắc hẳn tay con có mắt. Con đang nói chuyện và nhìn thằng cả, nhưng tay con vẫn chộp được cục cơm lấm bụi từ tay thằng út. Đứa bé chực khóc, nhưng rồi lại đu lên chân con. Theo phản xạ tự nhiên con túm lấy cánh tay của đứa con nhỏ đang sắp ngã, tuy nhiên miệng con vẫn giảng giải cho thằng lớn chuyện tại sao phải chịu khó học hành. Thằng lớn có vẻ như không nghe lời con nói mà cứ đảo mắt nhìn quanh rồi gào lên, “Con muốn đi! Con ghét chỗ này!” Đứa con gái thứ hai chạy ra khỏi phòng nó mà gọi ới lên, “Mẹ ơi!” Con bé lẩm bẩm, “Tóc con rối tung hết cả. Một lát nữa con phải đến trường rồi, mẹ tết tóc lại cho con đi.” Giờ thì bàn tay con đang tết lại tóc cho cô con gái. Trong khi đó miệng con vẫn tiếp tục giảng giải cho cậu con trai lớn.

Ôi chao, cả ba đứa đều đang bám chặt lấy con. Con gái của mẹ, cùng một lúc con đang phải nghe cả ba đứa trẻ nói. Cơ thể con đã thích nghi với những yêu cầu của bọn trẻ. Con đặt đứa bé gái ngồi lên ghế ăn để chải tóc cho nó, trong khi đứa con trai lớn vẫn nằng nặc đòi đi trượt tuyết, con thỏa hiệp bằng cách bảo rằng con sẽ nói với bố thằng bé về chuyện đó, và khi thằng út ngã, con vội vàng đặt cái lược xuống để kéo thằng bé dậy và xoa mũi nó, rồi con lại nhanh chóng nhặt lược lên để chải cho xong mái tóc của đứa con gái.

Đột nhiên con nhìn ra ngoài cửa sổ. Con thấy mẹ đang ngồi trên cây mộc qua. Mắt con chạm vào mắt mẹ. Con lẩm bẩm, “Mẹ chưa bao giờ nhìn thấy con chim đó trước đây.”

Cả ba đứa nhỏ vây quanh con và cùng nhìn mẹ. “Có lẽ nó cùng đàn với con chim đã chết trước cổng nhà mình hôm qua mẹ nhỉ.” Đứa con gái nắm chặt lấy tay con.

“Không phải... Con chim đó không giống như thế.”

“Không đâu, giống lắm mà!”

Hôm qua, mấy mẹ con đã chôn con chim dưới gốc cây mộc qua này. Trong lúc thằng anh đào đất thì đứa em gái hì hục làm một cây thánh giá bằng gỗ. Đứa út thì cứ nhặng xị cả lên. Lúc con cầm con chim lên, vuốt đôi cánh gọn lại và đặt xuống cái hố thằng cả đã đào sẵn thì đứa con gái lẩm bẩm trong miệng, “Amen!” Xong xuôi, đứa con gái gọi điện đến văn phòng kể cho bố nó nghe cặn kẽ chuyện chôn cất con chim. Nó nói với bố, “Bố à, con còn làm cho con chim một cây thánh giá bằng gỗ nữa đấy!”

Cây thánh giá gỗ đã đổ sập trong cơn gió.

Chương 4: Và người phụ nữ khác (2)

Nghe tiếng rì rầm của lũ trẻ, con tiến lại gần cửa sổ để nhìn mẹ được rõ hơn. Bọn trẻ cũng lũ lượt kéo theo con đến bên cửa sổ nhìn mẹ chằm chằm. Ôi, đừng nhìn bà nữa các cháu yêu. Bà xin lỗi. Khi các cháu sinh ra, bà đã chăm sóc mẹ các cháu nhiều hơn chăm sóc các cháu. Đứa cháu gái có mái tóc tết bím gọn gàng nhìn bà chằm chằm. Cháu gái à, hồi cháu sinh ra thì mẹ cháu không có sữa cho cháu bú. Lần sinh anh trai cháu, chưa đầy một tuần mẹ cháu đã được xuất viện, nhưng lần sinh cháu lại không thuận lợi cho lắm, mẹ cháu phải nằm viện hơn một tháng. Hồi đó chính bà đã chăm sóc cho mẹ cháu. Khi bà nội cháu đến bệnh viện thăm, thấy cháu khóc ngặt nghẽo, bà nội cháu bảo mẹ cháu, “Con khóc kìa, mau cho con bú đi.” Quan sát mẹ cháu cố gắng cho cháu bú dù không có giọt sữa nào chảy ra, bà đưa mắt nhìn cháu, một đứa trẻ sơ sinh. Bà đã bảo bà nội cháu đi ra ngoài một chút, rồi bà bế cháu khỏi lòng mẹ và tét vào mông cháu. Người ta thường nói rằng khi đứa trẻ khóc, bà nội sẽ bảo, “Con khóc kìa, mau cho con bú đi,” còn bà ngoại thì sẽ bảo, “Cái đứa trẻ này, mẹ thì đang mệt sao cứ khóc mãi vậy?” và bà cũng đã làm đúng như thế đấy. Cháu không thể nhớ được chuyện đó đâu, nhưng cháu vẫn quấn bà nội cháu hơn bà. Khi nhìn thấy bà, cháu nói, “Bà ngoại, cháu chào bà!” Nhưng khi thấy bà nội mình thì cháu lại gọi, “Bà ơi!” và chạy đến sà vào vòng tay bà ấy. Cứ mỗi khi như thế bà lại cảm thấy thật có lỗi, bà nghĩ chắc tại bà đã tét mông cháu ngay khi cháu mới chào đời.

Cháu càng lớn càng xinh đẹp.

Trông mái tóc của cháu thật dày và đen nhánh. Mỗi bím tóc dày cả nắm tay. Trông cháu giống hệt mẹ cháu lúc còn nhỏ. Bà chưa một lần được tết tóc cho cháu. Mẹ cháu luôn muốn để tóc dài nhưng bà lúc nào cũng cắt tóc mẹ cháu ngắn ngang vai. Bà chưa bao giờ có thời gian đặt mẹ cháu ngồi lên đầu gối mình để chải tóc cho mẹ cháu cả. Chắc là mẹ cháu đang thực hiện ước mơ có bím tóc dài của thời thơ ấu trên mái tóc cháu. Đôi mắt mẹ cháu đầy u ám. Trời ơi, mẹ cháu lại đang nghĩ đến bà.

Con gái ơi, mẹ đây. Con có nghe thấy tiếng gọi của mẹ trong sự náo động ầm ĩ này không? Mẹ đến để nói lời xin lỗi với con đây.

Hãy tha thứ cho những biểu hiện của mẹ khi con trở về Seoul với đứa con thứ ba trên tay. Hôm ấy con đã nhìn mẹ với vẻ ngạc nhiên trên gương mặt, và thốt lên, “Mẹ ơi!” Tiếng gọi của con làm lòng mẹ nặng trĩu. Vì sao chứ? Có phải vì con không có kế hoạch sinh đứa thứ ba hay không? Hay là vì con ngượng khi nói với mẹ rằng con đã có đứa con thứ ba, trong khi đó chị gái con còn chưa lập gia đình? Cho dù vì bất cứ lý do gì thì con cũng đã giấu chuyện con sinh đứa thứ ba ở xứ sở xa xôi, con phải một mình chịu đựng những trận ốm nghén, và chỉ đến khi trở dạ con mới nói cho bố mẹ biết là con sắp có thêm em bé. Mẹ đã không làm được gì để giúp đỡ con khi con sinh đứa thứ ba, thế mà khi con ôm con trở về thì mẹ lại nói rằng: “Con đã nghĩ cái gì vậy? Con nghĩ gì cơ chứ, ba đứa con ấy à?”

Mẹ xin lỗi nhé, con gái. Mẹ xin lỗi cháu út và xin lỗi con. Đó là cuộc sống của con, và con là con gái mẹ, cô con gái có khả năng tập trung đáng ngạc nhiên khi giải quyết bất cứ vấn đề gì. Tất nhiên là con sẽ tìm ra giải pháp cho tình huống của mình chứ nhỉ. Trong một giây mẹ đã quên mất con là người thế nào nên đã nói như vậy. Mẹ cũng xin lỗi vì những gì mẹ thể hiện trên khuôn mặt dù không hề cố ý mỗi lần mẹ gặp con sau khi con từ Mỹ trở về. Con đã rất bận rộn. Lâu lâu mẹ mới đến thăm con một lần và khi nào cũng thấy con mệt bở hơi tai chạy theo mấy đứa nhỏ. Nào là thu dọn quần áo, nào là cho bọn trẻ ăn uống, nâng đứa này bị ngã dậy, đỡ cặp sách cho đứa kia vừa đi học về, ôm lấy đứa nọ vừa gọi vừa lao ào vào lòng mẹ nó...

Ngay trước hôm đi phẫu thuật u xơ tử cung con vẫn bận tíu tít chuẩn bị thức ăn cho lũ trẻ. Con không biết mẹ buồn đến thế nào khi mẹ mở tủ lạnh hôm ở nhà con để trông nom bọn trẻ đâu. Thức ăn đủ cho bọn trẻ dùng trong bốn ngày xếp ngăn nắp trong tủ lạnh. “Mẹ! Ngày mai mẹ cho các cháu ăn những thứ ở ngăn trên, ngày kia cho ăn những thứ ở ngăn dưới...” Con hướng dẫn cho mẹ mà mi mắt con như muốn sụp xuống. Con là người như vậy đấy. Con là người mà tất cả mọi việc đều phải tự tay mình làm hết. Đó là lý do vì sao khi con sinh đứa thứ ba, mẹ phải thốt lên, “Con đã nghĩ cái gì vậy?” Đêm hôm trước khi con đi phẫu thuật, mẹ nhặt đống quần áo vừa thay ra để bên ngoài nhà tắm trong khi con đang tắm rửa. Ống tay chiếc áo sơ mi sờn cũ bị dây mấy giọt nước mận, chiếc quần thủng lỗ chỗ toạc cả đường may, cái áo lót cũ có hàng triệu chỗ xơ xù, cái quần lót đang cuộn tròn cũng không thể nhìn rõ họa tiết là gì nữa. Hình bông hoa, hình giọt nước hay hình con gấu... tất cả đã loang lổ hết. Con đã từng là một đứa trẻ vô cùng sạch sẽ gọn gàng, khác hẳn với chị gái con. Con là đứa trẻ có thể giặt đôi giày trắng lấm lem bùn đất sạch tinh như mới. Mẹ cứ nghĩ mà không hiểu sao con học hành nhiều như vậy chỉ để rồi đây sống thế này. Con gái đáng yêu của mẹ. Khi nghĩ lại mẹ mới nhớ ngay từ khi còn nhỏ con đã rất yêu trẻ con, không như chị gái con. Con là đứa trẻ sẽ không hề do dự đưa cho con nhà hàng xóm thứ mà con cũng đang rất thích ăn nếu đứa bé đó tỏ vẻ thèm thuồng. Ngay từ khi còn nhỏ, nếu gặp đứa trẻ nào đang khóc nhất định con sẽ lại gần lau nước mắt cho bạn rồi ôm bạn vào lòng. Nhưng nhất thời mẹ quên hết những việc con đã từng làm. Mẹ đã rất buồn bực khi thấy con lúc nào cũng bận ngập đầu với việc trông nom lũ trẻ, tóc luôn hất ngược ra sau cho khỏi vướng vào mặt, thường xuyên mặc quần áo cũ, và thậm chí không hề nghĩ tới việc đi làm lại. Mẹ đang nhắc đến cái lần thấy con lọ mọ giặt giẻ lau nhà, mẹ đã cáu con, “Con có thể sống như thế này được sao?” Con hãy bỏ qua cho những lời đó của mẹ nhé. Tuy nhiên hôm đó có vẻ như con không hiểu mẹ đang nói gì. Cuối cùng mẹ thôi không đến nhà con nữa. Mẹ không muốn thấy con sống như thế trong khi con được học hành tử tế, có năng lực mà người khác cũng phải ganh tị. Con gái ngoan của mẹ! Con là người luôn đón nhận thực tế, không hề lẩn tránh mà luôn tiến lên cùng với nó, nhưng đôi khi mẹ rất giận, không hiểu vì sao con lại chấp nhận sống như vậy.

Con gái à.

Hãy nhớ con luôn là nguồn vui của mẹ, con nhé. Con là đứa con thứ tư của mẹ. Mẹ chưa một lần nói với con chuyện này nhưng nếu nói chính xác thì con là đứa thứ năm mới đúng. Còn có một đứa bé nữa sinh ra trước con nhưng nó đã rời bỏ thế giới này rồi. Bác con đã đỡ đứa bé đó, bác ấy nói đó là một bé trai nhưng nó đã không kịp khóc khi chào đời. Nó cũng không kịp mở mắt. Đứa bé đó đã chết từ trong bụng mẹ. Bác con nói sẽ thuê người chôn cất đứa bé đã chết nhưng mẹ bảo đừng làm vậy. Khi đó bố con không có nhà. Mẹ nằm trong phòng bốn ngày cùng đứa bé đã chết. Khi đó đang là mùa đông. Cứ đêm đến tuyết trắng rơi đầy sân phản chiếu lên giấy dán cửa. Đến ngày thứ năm mẹ ngồi dậy cho đứa bé vào chum rồi mang lên đồi chôn. Người đào cái hố trong lớp đất cứng như băng không phải là bố con mà là người đàn ông ấy. Nếu đứa bé đó không chết thì con sẽ có ba người anh trai. Và rồi khi sinh con mẹ chỉ có một mình. Có lý do nào cho chuyện đó chăng? Không. Không đâu. Không có lý do gì cả. Khi mẹ nói mẹ sẽ tự sinh con, bác con đã rất phật lòng. Đến bây giờ mẹ mới nói điều này, quả thực mẹ sợ sinh ra đứa con chết non hơn là phải sinh con một mình. Mẹ không muốn bị ai nhìn thấy. Nếu sinh ra một đứa bé chết yểu nữa thì mẹ muốn tự tay mình chôn cất đứa trẻ và rồi ở luôn trên núi không xuống nữa. Khi cơn đau đẻ đến mẹ đã không cho bác con biết, mẹ tự đun nước nóng rồi mang vào phòng, mẹ đặt chị gái bé bỏng của con ngồi trên đệm, bên cạnh đầu mẹ. Mẹ đã không kêu dù chỉ một tiếng vì nếu đứa bé đã chết thì mẹ không muốn ai biết cả. Nhưng từ trong cơ thể mẹ, con đã chui ra hồng hào và khỏe mạnh. Lúc mẹ vỗ mông con trước khi tắm cho con, con khóc ré lên. Nhìn thấy con, chị con cười ngặt nghẽo. “Em bé ơi,” chị con vừa gọi vừa lấy lòng bàn tay vuốt ve cái má mềm mại của con. Mẹ quên hết đau đớn trước sự hiện diện của con. Mãi một lúc sau mẹ mới nhận ra lưỡi mình nhuốm máu. Con đã được sinh ra như thế đấy. Con là đứa bé đã hiện diện trên thế giới này, đứa bé đã an ủi mẹ khi mẹ đang chìm đắm trong nỗi buồn đau sợ hãi rằng mình sẽ sinh ra thêm một đứa trẻ chết yểu nữa.

Con yêu ơi...

Ít nhất đối với con, mẹ đã cố hết sức mình để có thể làm mọi điều mà những người mẹ khác làm. Mẹ có thể cho con bú hơn tám tháng liền vì sữa mẹ rất nhiều. Trong nhà ta, con là đứa con đầu tiên được mẹ cho đi nhà trẻ, và cũng là đứa đầu tiên được mẹ mua cho giày thể thao thay vì đôi dép cao su. Và khi con đi học lớp một, cái biển tên của con cũng do chính tay mẹ làm. Tên của con là những chữ đầu tiên mẹ viết. Để viết được cái tên ấy mẹ đã phải luyện tập rất lâu. Mẹ gài chiếc khăn tay và tấm biển tên do mẹ tự viết lên ngực con, rồi cũng chính mẹ đưa con đến trường. Chắc con băn khoăn việc đó thì có gì mà to tát phải không? Với mẹ việc đó thật là to lớn. Khi anh cả con vào lớp một, mẹ đã không đi cùng nó. Ngộ nhỡ mẹ phải viết gì đó thì sao, thế nên mẹ viện cớ này cớ nọ để nhờ bác con đưa anh con tới trường. Mẹ vẫn có thể nghe thấy anh trai con càu nhàu rằng mọi đứa trẻ khác đều có mẹ đi cùng mà anh con lại phải đi với bác. Khi anh thứ hai của con đi học thì anh cả của con dắt nó đến trường. Cả chị con cũng do anh cả con đưa đến lớp. Mẹ vào thị trấn mua một cái cặp sách và một cái váy ngắn cho con, chỉ một mình con được thế thôi đấy. Mẹ vô cùng hạnh phúc vì có thể làm việc đó. Mẹ đã nhờ người đàn ông ấy đóng cho con cái bàn học cho dù nó chỉ nhỏ như cái mâm thôi. Chị con không có cái bàn như thế. Cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng chị con vẫn nhắc đến chuyện ấy. Chị con bảo rằng hồi đó vì phải nằm bò trên sàn nhà để làm bài tập nên vai của chị con trở nên to ra. Được chứng kiến cảnh con ngồi bên cái bàn ấy để học bài hay đọc sách là một niềm vui sướng lớn lao đối với mẹ. Khi con ôn thi đại học, mẹ còn đóng hộp cơm trưa cho con. Mẹ còn đợi con kết thúc ca học thêm buổi tối để đưa con về nhà. Chính con đã cho mẹ niềm vui đến như vậy. Con là học sinh xuất sắc nhất trong cái thị trấn nhỏ ấy.

Khi con đỗ vào khoa dược của trường đại học danh tiếng nhất Seoul, trường cấp ba nơi con từng học đã treo băng rôn chúc mừng thành tích của con. Mỗi khi có ai đó bảo, Con gái bà thông minh thật! mẹ lại nở nụ cười tới tận mang tai. Con không biết mỗi khi nghĩ đến con là mẹ lại thấy tự hào vì là mẹ của con đến thế nào đâu. Mẹ đã không làm được gì cho những đứa con khác, và mặc dù chúng đều là con của mẹ, mẹ không bao giờ cảm thấy như thế với chúng. Dù chúng là con cái, nhưng sao mẹ chỉ luôn cảm thấy hối hận và có lỗi. Con là đứa con đã giải thoát cho mẹ khỏi cảm giác đó. Khi con vào đại học và tham gia biểu tình, mẹ đã không can thiệp như đã làm với các anh trai con. Khi con tham gia tuyệt thực trong cái thánh đường nổi tiếng mà người ta bảo là ở Myongdong, mẹ cũng không đi tìm con. Khi mặt con đầy nốt mẩn đỏ vì hơi cay, mẹ cũng để vậy. “Mẹ không biết chính xác con đang làm gì nhưng mẹ tin đó là điều đáng làm,” mẹ đã muốn nói với con như vậy. Khi con và các bạn về vùng nông thôn để mở những lớp học buổi tối cho dân làng, chính mẹ đã nấu cơm cho nhóm của con. Ngay cả khi bác con nói, “Con gái mà cứ để kệ như thế thì có ngày sẽ trở thành cộng sản cũng không biết chừng,” thì mẹ cũng vẫn cứ để con được tự do nói năng và hành động. Nhưng với các anh trai của con thì mẹ không thể để như thế được. Với các anh trai của con, mẹ phải vừa thuyết phục vừa răn đe. Khi anh thứ của con đau lưng vì bị cảnh sát chống bạo động vụt vào người trong lúc tham gia biểu tình, mẹ rang muối rồi chườm lên vết thương cho anh con, nhưng mẹ đã dọa anh con là nếu nó còn tiếp tục hành động như vậy thì mẹ sẽ tự tử. Mặc dù khi làm vậy mẹ cũng sợ anh trai con sẽ nghĩ mẹ chẳng biết gì cả. Mẹ tin chắc rằng có những việc mà những người trẻ tuổi phải làm khi họ còn trẻ, nhưng mẹ đã ra sức ngăn cản các anh con làm những việc đó. Nhưng với con thì mẹ lại không làm như vậy. Mẹ đã không ngăn cản con cho dù mẹ không biết con đang đấu tranh để thay đổi chuyện gì. Có một năm vào độ tháng Sáu, hồi ấy con còn là sinh viên, mẹ thậm chí đã cùng con đi đến Tòa thị chính, theo chân một đoàn người đưa tang. Lần đó mẹ đang ở Seoul vì con của anh cả vừa mới chào đời.

Trí nhớ của mẹ cũng tốt đấy chứ, phải không con?

Tuy nhiên đó đâu phải vấn đề trí nhớ, mà bởi đó là một ngày không thể nào quên. Với mẹ ngày hôm đó là như vậy đấy. Hôm ấy khi rời nhà vào buổi sáng, con nhìn thấy mẹ liền hỏi, “Mẹ có muốn đi cùng con không?”

“Đi đâu?”

“Đến trường anh thứ.”

“Tại sao? Đó đâu phải là trường con học.”

“Ở đó có đám tang, mẹ ạ.”

“Ờ... thế mẹ tới đó làm gì?”

Con nhìn mẹ chằm chằm rồi toan đóng cửa lại sau lưng nhưng rồi con quay trở lại. Lúc đó mẹ đang gập mấy cái tã cho đứa cháu vừa mới sinh, con giật cái tã khỏi tay mẹ. “Mẹ đi cùng con đi!”

“Đến giờ ăn sáng rồi. Mẹ còn phải nấu canh rong biển cho chị dâu con.”

“Không ăn canh rong biển một ngày thì chị dâu chết được chắc?” con hỏi một cách gay gắt, thật khác với con ngày thường, rồi ép mẹ đi thay quần áo. “Con chỉ muốn đi với mẹ. Chúng ta cùng đi nào!”

Câu nói đó thật là hay. Đến tận bây giờ mẹ vẫn nhớ giọng nói trơn tru của con, một sinh viên đại học, bảo với mẹ, một người chưa từng bước chân tới lớp, là hãy đi tới trường cùng con bởi vì, “Con chỉ muốn đi với mẹ.” Hôm đó, lần đầu tiên mẹ nhìn thấy có nhiều người như thế tập trung ở một chỗ. Cậu thanh niên mới hai mươi tuổi bị chết vì sặc hơi cay ấy tên là gì nhỉ? Mẹ đã hỏi nhiều lần và con cũng đã trả lời mẹ nhiều lần, thế mà sao mẹ vẫn không nhớ nổi. Cậu thanh niên đó là ai mà mọi người đến dự đám tang đông tới vậy? Làm sao có thể có nhiều người đến thế nhỉ? Mẹ cứ theo con cùng đoàn người đưa tang đi đến trước Tòa thị chính, và vì sợ lạc mất con nên hết lần này tới lần khác mẹ cứ tìm bàn tay con để nắm thật chặt. Con bảo mẹ, “Mẹ ơi! Nếu mẹ lạc con thì mẹ đừng đi đâu cả, cứ đứng nguyên tại chỗ. Chỉ như thế chúng ta mới có thể tìm thấy nhau.”

Mẹ không biết tại sao phải đến tận bây giờ mới nhớ ra câu nói đó. Đáng lẽ mẹ phải nhớ ra nó khi mẹ không thể lên tàu cùng bố con ở ga Seoul chứ nhỉ.

Con gái à, con là người đã cho mẹ bao nhiêu ký ức đẹp đẽ như thế đấy. Những bài con đã hát khi diễu hành, tay trong tay mẹ, những âm thanh mà tất cả mọi người hô vang theo cùng một nhịp điệu - mẹ không thể hiểu hay làm theo, nhưng đây là lần đầu tiên mẹ được đến quảng trường. Mẹ rất tự hào vì con đã dẫn mẹ đến đó. Ở đó, con dường như không chỉ là con gái mẹ. Trông con khác hẳn với khi ở nhà. Con giống như một con chim ưng dữ dội. Lần đầu tiên mẹ cảm nhận thấy đôi môi của con cương nghị và giọng nói của con quả quyết đến mức nào. Con gái yêu của mẹ. Sau hôm đó, lần nào mẹ lên Seoul con cũng đưa một mình mẹ ra ngoài, không đi với ai trong nhà ta cả, đến nhà hát và lăng tẩm vua chúa. Con còn đưa mẹ đến quầy bán băng đĩa ở hiệu sách và cho mẹ đeo tai nghe nhạc. Nhờ con mà mẹ được biết có một nơi gọi là quảng trường Kwanghwamun ở Seoul, có nơi gọi là Tòa thị chính, có âm nhạc và điện ảnh trên thế giới này. Mẹ đã nghĩ rằng con sẽ có một cuộc sống khác với anh chị em mình. Bởi vì trong số anh em con, con là đứa duy nhất thoát khỏi cảnh đói nghèo, nên tất cả những gì mẹ mong đợi ở con là con được tự do làm mọi chuyện. Và với sự tự do ấy, con thường hé mở cho mẹ một thế giới hoàn toàn mới lạ, vì vậy mẹ muốn con thậm chí còn tự do hơn nữa. Mẹ đã muốn con tự do tới mức có thể sống vì người khác.

Chắc mẹ phải đi thôi.

Nhưng, than ôi.

Thằng út có vẻ buồn ngủ rồi kìa. Miệng nó chảy nước miếng, đôi mắt thì díp lại. Ngôi nhà vắng vẻ vì hai đứa lớn đều đã đến trường. Nhưng cái gì thế này! Nhà cửa thật là bừa bộn. Trời ơi, mẹ chưa bao giờ nhìn thấy một ngôi nhà bừa bộn đến thế này. Mẹ muốn dọn dẹp giúp con một chút... nhưng giờ thì chẳng được nữa rồi. Con gái mẹ vừa mới thiếp đi khi đang ru thằng út ngủ. Chắc là con mệt lắm. Con gái bé bỏng của mẹ đang ôm đứa con bé bỏng của chính mình ngủ ngon lành. Mặc dù là giữa mùa đông nhưng mồ hôi của con vẫn vã ra như tắm. Con yêu của mẹ. Hãy để cho gương mặt thư thái con nhé. Con mà cứ ngủ với khuôn mặt mệt mỏi như vậy thì chẳng mấy chốc da dẻ nhăn nheo hết thôi. Gương mặt trẻ trung của con giờ không còn nữa. Đôi mắt nhỏ hình trăng lưỡi liềm của con trông còn nhỏ hơn xưa. Bây giờ dù con có cười thì vẻ đáng yêu hồi nhỏ cũng đã biến mất. Đã sống được đến lúc trông thấy những nếp nhăn trên gương mặt con như thế này thì mẹ không thể nói là cuộc đời mình ngắn ngủi. Nhưng mà con ơi, suốt cuộc đời ấy mẹ chưa từng nghĩ rồi đây con sẽ sống như thế này, có đến ba đứa con. Con khác xa với người chị nhạy cảm của con, chị con luôn dễ nổi giận, khóc lóc, hờn dỗi và rầu rĩ nếu có điều gì không đúng ý mình. Con luôn tự lên kế hoạch và cố gắng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Thế nên khi con nói, “Con cũng không biết nữa mẹ ạ, con không ngờ mình lại sinh tới ba đứa con... Nhưng có bầu thì phải sinh thôi chứ biết làm thế nào được,” mẹ cảm thấy con thật xa lạ. Mẹ đã nghĩ chị con mới là đứa sẽ sinh nhiều con. Con không bao giờ nổi nóng. Trong mấy anh chị em, chỉ có con biết cách nói chuyện bình tĩnh và nhẹ nhàng phân xử đúng sai với cả những người đang nổi giận đùng đùng. Vì vậy mẹ nghĩ rằng con sẽ cân nhắc chuyện sinh một và chỉ một đứa mà thôi. Con không bao giờ xin xỏ cái gì, không giống chị con, chị con lúc nào cũng nằng nặc đòi có cái bàn giống như các anh. Những lúc con nằm bò trên sàn nhà, nếu mẹ có hỏi con đang làm gì thì con sẽ trả lời rằng con đang giải toán. Chị con chẳng bao giờ cầm sách toán cả. Nhưng con thì học rất giỏi môn đó. Con là đứa trẻ có khả năng tập trung đáng ngạc nhiên khi giải quyết mọi vấn đề. Khi con tìm được câu trả lời, con thường tươi cười hớn hở.

Nhưng con sẽ không thể tìm được câu trả lời tại sao chuyện đó lại xảy ra với mẹ. Chính vì vậy hẳn con phải đau khổ lắm. Vì ba đứa con mà con không thể đi tìm mẹ như con muốn. Con chỉ có thể gọi điện cho chị gái hằng đêm và bảo, “Chị ơi, hôm nay có tin gì của mẹ không?” Cũng vì bọn nhỏ, con không thể đi tìm mẹ nhiều như con muốn, thậm chí còn không thể khóc một trận cho thỏa. Con yêu của mẹ. Gần đây mẹ không làm được gì nhiều cho con như lòng mẹ muốn, mỗi khi đầu óc tỉnh táo là mẹ lại nghĩ rất nhiều về con. Về con, về chuyện con phải nuôi nấng ba đứa nhỏ như thế nào, nhất là thằng út giờ mới chập chững tập đi, về cuộc đời con. Mẹ hối tiếc lắm vì tất cả những gì mẹ có thể làm chỉ là muối kim chi để gửi cho con, chẳng giúp gì được hơn nữa. Hôm con ôm đứa nhỏ về thăm nhà, lúc con vừa cởi giày vừa cười nói, “Ôi, mẹ trông này, con đi tất cọc cạch đấy,” lòng mẹ thật xót xa. Phải bận rộn đến thế nào thì một người vốn gọn gàng ngăn nắp như con mới không đủ thời gian để tìm một đôi tất đúng. Đôi lúc khi đầu mẹ sáng tỏ, mẹ đã nghĩ đến những điều mẹ phải làm cho con và bọn trẻ. Có lẽ chính những lúc như thế ý chí sống tiếp đã trỗi lên trong mẹ... nhưng rồi mọi chuyện lại thành ra thế này.

Mẹ muốn cởi đôi dép lê màu xanh mòn gót dưới chân ra, cả bộ quần áo mùa hè bám đầy bụi bặm trên người nữa. Giờ đây mẹ muốn thoát khỏi cái hình dáng lôi thôi nhếch nhác này; chính mẹ cũng không thể nhận ra bản thân mình nữa. Đầu mẹ lại như muốn nổ tung. Giờ thì, con gái. Nâng đầu con lên một chút. Mẹ muốn ôm con thật chặt. Mẹ phải đi đây. Hãy gối đầu lên lòng mẹ và nằm một lát nhé con. Hãy nghỉ đi một chút. Đừng buồn cho mẹ. Cuộc đời mẹ đã có bao nhiêu ngày vui vì có con ở bên.

A, ông đây rồi.

Khi tôi tìm tới nhà ông ở Komso, cánh cổng gỗ đã vỡ toác và cửa phòng ngủ khóa chặt; có lẽ căn nhà đã bỏ không lâu rồi. Sao ông khóa chặt phòng ngủ mà lại để ngỏ cửa bếp như thế? Những cơn gió biển đã làm cho cửa bếp mở ra đóng vào không biết bao nhiêu lần tới nỗi cánh cửa gỗ đã vỡ mất một nửa.

Nhưng tại sao ông lại ở trong bệnh viện chứ? Và tại sao vị bác sĩ lại làm như vậy? Không điều trị mà chỉ liên tục hỏi những câu hỏi đâu đâu. Vị bác sĩ cứ hỏi tên ông mãi. Tại sao anh ta lại làm như vậy chứ? Và tại sao ông lại không nói ra tên của mình? Tất cả những gì ông phải nói là Lee Eun-gyu thôi mà sao ông không trả lời để người ta cứ phải hỏi đi hỏi lại? Thực tình thì tại sao vị bác sĩ đó lại làm như vậy? Lúc này anh ta đang cầm cái thuyền đồ chơi mà hỏi ông, “Ông có biết đây là cái gì không?” Đây là một trò đùa sao? Đó rõ ràng là cái thuyền, sao anh ta còn hỏi ông làm gì? Nhưng kỳ lạ nhất là ông. Sao ông không trả lời? Ôi trời, ông thực sự không biết sao? Ông đã quên tên của mình rồi ư? Có thật ông không biết cái thuyền đồ chơi là cái gì không?

Đọc tiếp: Hãy chăm sóc mẹ - Kỳ 6
Home » Truyện » Tiếu thuyết » Hãy chăm sóc mẹ
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM