Snack's 1967

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn – phần 13

Nói tới đó thì chúng tôi đi đun nước ngâm chân, đóng cánh cửa cài then rồi mặc nguyên quần áo nằm lên đống cỏ. Đêm hôm giữa núi rừng hoang vắng không sợ gặp người, chỉ sợ bị bọn dơi bay tới, đêm còn dài, trời thì lạnh, ánh trăng từ bên ngoài rọi vào không cần phải thắp nến. Mặt dày vừa đặt lưng là đã ngủ, Điếu bát thì lo sợ người chết trong quan tài nửa đêm mò ra nên không ngủ được, hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Tôi thấy những cỗ quan tài đó được đóng đinh cẩn thận, chắc mấy chục năm nay chưa từng mở ra, người chết bên trong có khi xương cũng đã mục rồi, chẳng có gì phải sợ. Để cho chắc ăn, tôi ghim khẩu súng săn và thuốc nổ xuống dưới ba lô, rồi gối đầu lên ba lô ngủ. Một đám mây đen che khuất mặt trăng, quán trọ hoang bỗng chốc tối đen, không nhìn thấy gì nữa, chỉ nghe thấy phía bên ngoài dường như có tiếng trẻ con khóc.

5

Tôi giật mình, mở to mắt lắng nghe, xung quanh lại im ắng như tờ, không thấy động tĩnh gì nữa.

Điếu bát thì thầm: “Cậu có nghe thấy gì không, vừa nãy có tiếng trẻ con khóc bên ngoài.”

Tôi nói: “Thảo Hài Lĩnh hoang vắng thế này, quanh đây lại không có nhà dân, làm gì có trẻ con, không chừng là tiếng mèo kêu.”

Điếu bát nói: “Chắc là nghe nhầm, nhưng mèo đêm tới nhà là điềm gở. Ban đêm mèo mò vào nhà là để đếm lông mày của người, đếm xong rồi là sẽ bị hút mất hồn…”

Trong lòng tôi thì biết rõ đó không phải là tiếng mèo kêu, tiếng khóc vừa rồi vọng lại từ phía xa nhưng rõ ràng là tiếng của đứa trẻ tầm hai ba tuổi, chỉ nghe thấy vài tiếng rồi im bặt luôn, đêm hôm giữa rừng sao lại có tiếng trẻ khóc?

Mải nghĩ như vậy cũng chẳng để ý Điếu bát nói với tôi chuyện mèo đêm đếm lông mày của người rốt cuộc là như thế nào. Mặc dù thấy kỳ lạ, nhưng vì leo núi cả ngày đã quá mệt nên tôi không muốn nhúc nhích động đậy nữa. Nhắm mắt lại là ngủ, cũng không biết đã ngủ được bao lâu, bỗng tiếng trẻ con khóc lại vang lên, nghe gần hơn, thật hơn, khiến người ta phải sốt ruột.

Tôi và Điếu bát cùng mở trừng mắt, mây đen đã trôi đi, ánh trăng lại chiếu vào bên trong, tôi nhìn thấy vẻ mặt Điếu bát hết sức kinh ngạc, anh ta nói: “Đây không phải là tiếng mèo…”. Tôi gật đầu, hơi nhổm người dậy, nhòm qua cửa sổ nhìn ra ngoài, chỉ thấy dưới ánh trăng cảnh vật tĩnh lặng, không một bóng người.

Điếu bát hỏi: “Thấy gì không? Có đứa bé nào không?”

Tôi quay đầu vào: “Bên ngoài không có ai cả…”

Điếu bát lại nói: “Hay mình đi ra ngoài xem sao?”

Tôi nhìn vào ba cỗ quan tài trong góc nhà, nói: “Không được ra ngoài. Nơi này có chút tà ma, nửa đêm ra ngoài không ổn, tốt nhất là đừng mở cửa, đợi trời sáng là ổn thôi.”

Điếu bát cũng không yên tâm mấy cỗ quan tài trong phòng, lại hỏi: “Theo cậu có phải là… mấy con ma trong cỗ quan tài kia giở trò không?”

Tôi nói: “Tôi thấy mấy cỗ quan tài kia không phải là quan tài trẻ con, anh đừng nghi ngờ linh tinh.”

Điếu bát nói: “Tại sao trong quan tài có người chết mà lại để ở đây lâu như vậy, tới tận bây giờ vẫn không dời vào nghĩa trang của dòng họ sao?”

Tôi nói: “Mới đầu tôi cứ nghĩ là của gia đình giàu có nào đó để quan tài ở đây chờ đưa vào nghĩa trang, nhưng nhìn kỹ thì gỗ quan tài là loại gỗ rẻ tiền, chắc là người chết không có ai đến nhận, chỉ là tạm thời đặt ở đây. Nghe nói đất vùng Hùng Nhĩ ở Dự Tây vừa sâu vừa cứng, người chết không thể chôn ngay, nếu không thi thể sẽ biến thành “bạt” gây hạn hán, vì vậy người chết phải để trong quan tài vài năm mới đem đi chôn. Tôi nghĩ nơi đây sau đó bị bỏ hoang nên chẳng ai quan tâm những cỗ quan tài này nữa.”

Lúc này Mặt dày ngồi dậy, lấy tay dụi mắt, mơ mơ màng màng hỏi xảy ra chuyện gì?

Tôi hỏi anh ta: “Ông có nghe thấy tiếng trẻ con khóc không?”

Anh ta trả lời: “Chẳng nghe thấy gì cả, chỉ thấy hai người đi tới đi lui trong phòng làm tôi ngủ chẳng yên. Đêm hôm giữa rừng núi hoang vu lấy đâu ra trẻ con, cậu đang nói mơ đấy à? Không phải là tôi nói xấu cậu đâu, nhưng mà cậu hơi căng thẳng quá đà rồi đấy, có thể cậu không phát hiện ra, nhưng cậu ngày nào cũng gặp ác mộng, sắc mặt ngày một kém đi. Đợi lúc nào về, tôi kiếm cho cậu cái bầu dục của lừa, đừng có ngại ăn sống, cái món đó phải ăn sống mới có hiệu nghiệm, cắt lát ra trộn với tỏi ăn, đảm bảo có hiệu quả.”

Tôi nghe nói thì giật mình, trong lòng hiểu rõ dạo này tôi bị ác mộng hành hạ, cô gái Saman có khi cũng chết trong tình trạng như vậy. Tôi đã kể chuyện này cho Điếu bát và Mặt dày nghe nhưng hai người họ không tin, tôi đang định nói tiếp chuyện của mình thì bên ngoài lại vọng vào tiếng trẻ con khóc, lần này càng gần hơn, tiếng khóc ngay ngoài cửa, đứa trẻ đó dường như gặp phải chuyện gì đáng sợ, tiếng khóc nghe rất thê thảm.

Mặt dày nói: “Đúng là có tiếng trẻ con khóc thật, con cái nhà ai mà lại đi lạc vào trong núi thế này?”

Tôi nói: “Không đúng, từ lúc chúng ta lên núi, dọc đường không có nhà dân, ngoại trừ quán trọ hoang này.”

Mặt dày nói: “Rõ ràng là tiếng trẻ con khóc mà, tôi phải ra ngoài xem sự thể thế nào.”

Tôi nói với Mặt dày: “Ông đừng mở cửa, không chừng bên ngoài là thứ gì đang khóc cũng nên, bọn mình cứ mặc kệ nó đi.”

Mặt dày nào có chịu nghe lời tôi, nói xong là rút then cài cửa, một trận gió lạnh thổi vào bên trong, tôi nổi hết cả da gà. Mặt dày đạp cửa thò đầu ra ngoài nhìn trái nhìn phải. Bên ngoài quán trọ bỏ hoang chỉ có lá khô cỏ dại chứ không thấy ai. Anh ta có to gan mấy cũng thấy ớn lạnh, nói một câu “Lạ thật” rồi định đóng cửa. Bỗng trong đám cỏ phát ra tiếng kêu the thé.

6

Chúng tôi nghe thấy tiếng đứa bé khóc phát ra từ trong đám cỏ dại nơi chân tường, ánh trăng sáng vằng vặc nhưng vì cỏ mọc cao um tùm nên cũng chẳng nhìn thấy gì.

Mặt dày lắm chuyện, không màng tới lời khuyên của tôi và Điếu bát, cứ đòi ra đó xem thế nào.

Tôi phát hiện ra tiếng khóc của đứa bé giống như đang sợ hãi, nhưng vừa the thé vừa lạ, thông thường tiếng trẻ con khóc lúc to lúc nhỏ, khóc lâu rồi thì hơi thở sẽ không đều đặn nữa, nhưng tiếng khóc trong bụi cỏ kia phát ra thì đều đều như nhau, dường như không có cảm xúc gì cả mà như đang giả vờ.

Lúc Mặt dày chạy ra ngoài xem xét, tôi mới nhớ ra súng săn vẫn để dưới túi đồ, đang định vào trong lấy thì thấy đám cỏ xào xạc lay động, một con vật trông như rắn nhưng có bốn chân đang bò ra, con vật đó dài gần một mét, đầu hình tam giác, đầu lưỡi chẻ đôi đang thò ra thụt vào, miệng phát ra tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc, cả ba người chúng tôi đều giật mình kinh hãi, lão Mặt dày hét lên một tiếng: “Rắn mối!”

Người dân vùng núi gọi loài rắn có bốn chân là rắn mối chỉ vì nó có hình thù giống rắn, nó không có dây thanh quản, không phát ra tiếng kêu, nhưng trong đêm người ta vẫn nghe thấy rắn phát ra tiếng “xì xì” đó là tiếng kêu phát ra từ trên thân họ nhà rắn mối, điều đó không có gì là lạ, có điều con rắn mối này có tiếng kêu như trẻ con khóc thì đúng là hiếm thấy. Tôi nghĩ trong bụng, giữa nơi hoang vắng không người này, rắn mối phát ra tiếng kêu như tiếng khóc để dụ người tới thật chẳng khác gì yêu quái, con rắn mối này toàn thân bạc thếch, hai mắt đỏ ngầu, không hề giống so với những con rắn mối khác, rõ ràng trên người nó có độc, nghĩ vậy tôi bất giác lạnh người.

Trong tay Mặt dày vẫn đang cầm thanh gỗ cài cửa, thấy con rắn mối há miệng bò ra liền giơ thanh gỗ lên đánh. Con rắn mối phản ứng nhanh đến kinh ngạc, thanh gỗ của Mặt dày đánh hụt vào không khí.

Tôi thấy trước mắt mình mờ đi, một làn khói bay thẳng vào bên sườn Mặt dày, tôi vội túm lấy tay anh ta giật về phía sau. Con rắn mối đớp ngay vào thanh gỗ, độc dịch chảy ra thấm vào khúc gỗ phát ra tiếng kêu xèo xèo. Nếu để con rắn mối cắn phải thì giờ này toàn thân Mặt dày đã đen sì nằm vật ra đất rồi, anh ta kinh hoàng vứt vội thanh gỗ xuống đất. Điếu bát kêu lên: “Mau… Mau vào trong nhà đi!”, anh ta còn chẳng kịp quay người lại, lộn một vòng lăn thẳng vào trong nhà. Tôi và Mặt dày vừa lùi vừa đóng cửa, cứ nghĩ con rắn mối đó có ghê gớm đến mấy thì đóng cửa phòng lại rồi là yên tâm. Không ngờ mới đóng cửa chưa kịp cài then thì con rắn mối đã nhả ra một làn khói màu vàng, hôi thối kinh khủng, tôi và Mặt dày thấy tình hình không ổn vội vàng lùi lại né tránh, may mà lùi kịp không bị làn khói đó phả vào mặt nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi thối như cá chết, máu mũi lập tức chảy ra thành dòng, lấy tay bịt lại cũng không được, trước mắt bỗng tối sầm. Chỉ chậm vài giây vậy thôi mà chúng tôi không kịp đóng cửa, chỉ nghe thấy tiếng khóc lại thét lên, con rắn mối đã đi vào bên trong, dưới ánh trăng thấy nó vẫn không ngừng nhả ra từng làn khói, trông thấy mà ớn lạnh cả sống lưng.

Sự việc xảy ra quá đột ngột, tôi chưa kịp lấy súng ra thì con rắn mối đã bò vào bên trong, chúng tôi không ngừng lùi lại, nhưng gian phòng này chỉ có một cửa, tiếp tục lùi nữa là tới chỗ mấy cỗ quan tài và cũng là đường cùng. Con rắn mối đã tiến lại gần, vẫn tiếp tục nhả khói vàng, mặt Điếu bát đã xám xịt: “Xong rồi! Xem ra hôm nay… không qua khỏi kiếp nạn này rồi!” Tôi bịt lấy mũi vẫn đang không ngừng chảy máu, nói với Mặt dày: “Vừa nãy ông mà nghe lời tôi thì bọn mình không đến nỗi chết ở đây.” Mặt dày cãi lại: “Cậu đâu phải là người ra lệnh, việc gì tôi phải nghe cậu?”, rồi lại quay sang nói với Điếu bát: “Đại ca thấy chưa, chết đến nơi rồi mà nó còn tranh giành quyền lực”. Điếu bát nói: “Hai người có ân oán gì thì đợi kiếp sau giải quyết được không?”

Phía sau lưng tôi đã là cỗ quan tài, không còn chút đường lui nào, nhưng không cam tâm chịu chết, trong đầu bỗng vụt qua một ý nghĩ, tôi vội gọi hai người kia: “Mau đẩy mấy cỗ quan tài kia ra!”, Mặt dày nói: “Đúng rồi, đẩy mấy cỗ quan tài này ra đè chết nó đi!” rồi ba người chúng tôi vội đẩy những cỗ quan tài đó ra. Vì để ở đây đã nhiều năm, trần nhà lại dột, gỗ quan tài đã mục từ lâu, chúng tôi ai cũng cố hết sức để đẩy. Nhưng con rắn mối này rất nhanh nhẹn, tránh được cỗ quan tài đổ xuống, nháy mắt đã vòng sang phía chân tường, há miệng chực đớp Mặt dày. Bọn tôi vì đẩy quá mạnh nên đều bổ nhào ra trước cùng với cỗ quan tài. Con rắn mối bò nhanh như bay, đớp trượt vào không khí nhưng nó không quay đầu lại, xoay một vòng quanh cỗ quan tài chạy ra phía trước mặt chúng tôi, ngẩng đầu lên lại chuẩn bị nhả khói vàng. Tôi đành phải tiếp tục đẩy quan tài, có điều cỗ quan tài để đã lâu, mưa gió vùi dập nên gỗ đã mục, mới đẩy một cái chỉ nghe thấy tiếng kêu răng rắc rồi cả nắp quan tài bật ra gãy làm mấy khúc. Tôi cầm lấy một khúc nắp quan tài, chẳng kịp nghĩ ngợi gì ném thẳng vào mặt con rắn mối. Con rắn mối nhanh nhẹn tránh được chiếc nắp quan tài đang bay tới, rồi nó bất ngờ trèo lên cỗ quan tài, đứng đối diện với chúng tôi, miệng không ngừng phát ra tiếng kêu như tiếng trẻ con khóc. Khoảng cách gần trong gang tấc, cho dù nó nhả khói vàng hay là cắn thì chúng tôi cũng không còn chỗ mà tránh.

Ai ngờ lúc con rắn mối trèo lên quan tài chuẩn bị nhả khói thì bỗng thét lên một tiếng dài kinh hãi rồi quay đầu bỏ chạy nhanh như một cơn gió, chớp mắt đã không nhìn thấy bóng dáng đâu nữa, đám khói vàng nó nhả ra cũng đã tan hết.

Ba người chúng tôi vẫn đứng đờ tại chỗ, miệng há to mãi vẫn không ngậm lại được, không hiểu vì sao con rắn mối đó lại đột ngột bỏ đi.

Tôi nghĩ chắc là khi nắp quan tài bị bật ra, con rắn mối nhìn thấy người chết trong quan tài, nên đã sợ quá mà bỏ chạy tháo thân. Nhưng trong quan tài là người chết đã nhiều năm, đâu có gì đáng sợ, tại sao lại khiến con rắn mối đã thành tinh kia hoảng hốt dường vậy. Nghĩ tới đó, tôi bất giác ngó vào cỗ quan tài.

7

Tôi nhớ lại, có đi xem hát ở Độc Thạch Khẩu, tích “Trương thiên sư chém xà tinh”, đó là loại rắn có bốn chân, đêm đến phát ra tiếng kêu như tiếng con gái để dụ chàng thư sinh trong ngôi miếu cổ vào trong núi rồi ăn thịt, đúng lúc Trương thiên sư đi ngang qua, thấy xà tinh đang ăn thịt người liền rút chiếc thước thần ra để trừ yêu. Con rắn tinh dài mười trượng, mỗi lần bị đánh một roi đều ngắn đi một thước, cho tới khi rút hết số năm mà nó đã tu luyện, sau đó bị Trương thiên sư hàng phục, nhốt trong chiếc hộp sắt bên ngoài có dán lá bùa rồi đem chôn xuống đất. Nhiều năm sau, một người nông dân cuốc phải trong lần đi làm đồng, rắn tinh lại thoát ra gây hại cho bách tính. Có thể hình thù các loại yêu quái trong truyền thuyết dân gian cũng bắt nguồn từ các loại động vật như rắn mối chúng tôi gặp phải ngày hôm nay, gọi nó là rắn tinh cũng không quá lời chút nào. Điếu bát và Mặt dày không nói gì, có thể họ cũng đang nghĩ như tôi, ba người cùng nhìn vào trong quan tài, lúc này mặt trăng lại bị mây đen che khuất, trong phòng tối thui, không nhìn được thi thể bên trong quan tài.

Bốn bề tĩnh mịch, đến tiếng tim của tôi và hai người kia đập thình thịch đều nghe rõ mồn một, trước mắt lại tối đen như mực, nhìn được gì đó có khi lại tốt hơn, càng không nhìn thấy lại càng nghĩ ngợi nhiều, trong lòng không yên chút nào, tôi càng sợ con rắn mối kia sẽ quay trở lại, hẫng một lúc mới mò ra được hộp diêm bật một que lên, tôi đi ra đóng cửa, thanh gỗ vừa rồi đã vứt ở bên ngoài, chúng tôi tìm một thanh khác cài cửa. Nghe nói loại rắn mối này chỉ xuất hiện vào ban đêm, sau khi trời sáng thì không cần phải sợ nữa. Lúc này, hai người kia cũng đã tìm thấy đèn pin, trong phòng sáng hẳn lên, mọi người đều cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Điếu bát nhìn thấy tôi và Mặt dày vẫn đang chảy máu cam, trong lòng sợ hãi: “Nghe nói bọn rắn mối này hay giao phối trên mái nhà, nếu người nhà không biết đi ngang qua phía dưới bị tinh dịch của nó rơi trúng thì toàn thân sẽ tan chảy thành máu, người dân miền núi sợ rắn mối như sợ cọp. Bọn mình gặp phải con rắn mối này cũng quá kinh khủng, ngửi mùi hôi nó thở ra mà đã chảy máu mũi rồi, may mà nó đột ngột bỏ đi, nếu không thì… hậu quả khôn lường!” Mặt dày nói: “Hình như nó nhìn thấy xác chết trong quan tài sợ quá nên bỏ chạy.” Điếu bát nói: “Rắn mối có nhìn được đâu, làm sao mà thấy xác chết trong quan tài được? Chắc là khi bọn mình mở nắp quan tài, nó đã ngửi thấy tình hình không ổn nên đã bỏ chạy, trong quan tài có thứ gì mà khiến nó hoảng sợ như vậy?”. Mặt dày nói: “Rắn mối không nhìn được mà chỉ ngửi được thôi à?” Điếu bát nói: “Đương nhiên rồi, cậu không nhìn thấy trước mũi nó có hai cái lỗ à?” Mặt dày nói lại: “Nhưng nó cũng có mắt cơ mà, phải nhìn được mới đúng chứ?”

Lúc tôi vẫn cùng Sách Ni Nhi đi đào vàng trong núi, từng nghe cô ấy kể rắn mối rất giống rắn, có thể thè lưỡi ra để nhận biết mùi vị trong không khí, cũng chẳng có gì phải suy luận cả. Tôi vừa lấy súng trong ba lô ra vừa nói với Điếu bát và Mặt dày: “Giờ nắp quan tài đã bị bật ra rồi, nhân tiện xem bên trong có gì mà khiến cho con rắn mối đó sợ như vậy, chắc là có gì đó rất cổ quái.” Mặt dày nói: “Đúng! Không chừng có bảo vật, truyền thuyết xà tinh trộm bảo trong dân gian đã được nghe rồi, nhưng chỉ mới nghe chứ chưa được tận mắt thấy, hôm nay đúng là được mở mang tầm mắt…” Lão ta nói tới đó, nhận thấy không làm sao để tiếp lời được nên đành im miệng, cầm lấy đèn pin đi trước tới chỗ cỗ quan tài.

Tôi cầm chắc lấy khẩu súng đã lên nòng, cũng tiến về phía trước. Điếu bát dù không dám tiến tới quá gần nhưng vẫn hiếu kỳ, nấp phía sau lưng chúng tôi thò đầu ra nhòm, còn không quên nhắc nhở chúng tôi: “Khéo nhỏ máu vào trong quan tài đấy!”

Tôi và Mặt dày bịt lấy mũi, ngửa cổ một lúc để cầm máu. Vừa nãy mất máu tương đối nhiều, giờ hơi choáng váng một chút. Thay bộ quần áo dính đầy máu, sau đó tôi cầm đèn pin mạnh dạn soi vào trong cỗ quan tài, bên trong là một xác chết có khuôn mặt màu xanh lét rất kỳ quái, dài gần gấp đôi mặt người bình thường. Tôi thấy đầu nổi da gà, tóc dựng đứng: “Thi thể trong quan tài này có phải là người không?”

8

Điếu bát và Mặt dày cũng lộ rõ vẻ sợ hãi, không ngờ mặt của xác chết trong quan tài lại có màu xanh, khuôn mặt không những dài mà diện mạo lại mờ mờ rất kỳ quái, nhìn thế nào cũng không giống người, nhưng xác chết vẫn có hai tay hai chân, toàn thân đen thùi lùi. Chúng tôi soi đèn nhìn một lúc lâu thì phát hiện ra người chết đeo một chiếc mặt nạ bằng vỏ cây, do để quá lâu nên chiếc mặt nạ đã dính vào với thi thể, không thể lấy ra được nữa.

Mặt dày hỏi: “Mặc dù bộ dạng người chết trong quan tài trông rất khó coi, nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi, làm sao có thể khiến con rắn mối kia sợ bỏ chạy được?”

Điếu bát nói: “Không chừng ông cụ này có đạo hành!”

Tôi nói: “Người chết cũng như ngọn đèn đã tắt, còn đạo hành gì nữa. Theo tôi, con rắn mối đó sợ chiếc mặt nạ này.”

Điếu bát nói: “Trên mặt xác chết là mặt nạ à? Hình như là… vỏ cây khô.”

Tôi giải thích: “Dùng vỏ cây làm mặt nạ, bên trên gắn thạch hoàng, là loại hùng hoàng mà loài rắn sợ nhất.”

Điếu bát giờ mới vỡ lẽ: “Hóa ra là thạch hoàng, chúng ta lên núi trộm mộ cũng nên mang theo thứ này, có gặp phải rắn cũng không sợ nữa.”

Chúng tôi nhận ra xác chết trong núi phần nhiều không phải chết rồi mới đưa vào quan tài, vì khi mở quan tài không thấy có mùi tử khí bốc ra, có thể là được đào từ trong mộ cũ trên núi. Nhưng người chết đeo mặt nạ vỏ cây này là ai? Tại sao lại để trong núi hoang ở Thảo Hài Lĩnh?

Tôi chợt nhớ ra, lúc ngồi trên tàu, Lư mặt rỗ có kể cho tôi nghe một chuyện. Trước giải phóng, năm đó trời hạn hán, động Hoàng Sào ở Thảo Hài Lĩnh đã cạn nước, những nơi trước đây không tới được thì giờ đều vào được, người dân phát hiện trong động có cương thi. Khi trong động còn nước thì chẳng ai tới đó, chắc là lúc lũ lụt, nước hồ Tiên Đôn dâng lên đã đẩy thi thể vào đây, không biết đã chìm trong nước bao nhiêu năm, người dân lo sợ đây là “bạt” nên không dám chôn xuống đất, cho hết vào quan tài để vài năm rồi mới đem đi chôn. Lúc đó, nghe Lư mặt rỗ kể tôi cũng không mấy chú ý, giờ nghĩ lại thấy ở đây có ba xác chết, cũng có thể là do người dân đào được trước giải phóng, do bị ngâm trong hồ nhiều năm nên vỏ cây mới biến thành màu xanh.

Nghe nói cương thi đeo mặt nạ vỏ cây này có rất nhiều dưới lòng hồ, có thể là người tùy táng trong lăng tẩm ở hồ Tiên Đôn. Chỉ cần nhìn độ dốc của núi, nhìn ngọn núi là biết được hầm mộ nông sâu thế nào, xung quanh địa cung của Tần lăng, Hán lăng đều có hố chôn tượng đất mang ngựa xe, binh lính, nhưng chôn nhiều người đeo mặt nạ vỏ cây như thế thì dưới vòm trời tuyệt chưa thấy bao giờ. Trước đây, mỗi lần đào mộ trong núi đều phải huy động lực lượng rất lớn, dùng trâu dùng ngựa để kéo từng khối đá to ra khỏi đường hầm, rồi dỡ bỏ nhiều tầng cửa mới tới được hầm mộ lấy bảo vật. Sau thời Dân quốc, lại thịnh hành dùng thuốc nổ, nhưng dẫu vậy với khối lượng công việc lớn như vậy chỉ dăm ba người không thể nào làm được. Cho dù có khả năng tìm được long mạch thì việc đào núi Hùng Nhĩ để vào được hầm mộ còn khó hơn lên trời. Tôi ý thức được ba chúng tôi đã nghĩ sự việc quá đơn giản, đúng là lực bất tòng tâm, khác nào rắn nuốt voi, nhưng một khi đã giương cung lên rồi thì không thể hạ xuống được nữa, chưa tới Hoàng Hà chưa nhụt chí, chỉ cần ngôi mộ đó không ở dưới nước thì chưa chắc đã không có cơ hội ra tay. Còn việc chủ nhân ngôi mộ dùng quan ngọc tượng vàng này là ai thì chúng tôi vẫn chưa có manh mối gì. Tôi đang định ngày mai khi tới động Hoàng Sào có khi lại tìm được thông tin gì đó. Đêm đó, tôi cùng với Mặt dày đóng lại nắp quan tài, ba người thấp thỏm ngồi trong quán trọ cho tới khi trời sáng.

Đêm đó, tôi nhẩm lại một lượt cuốn “m dương bảo kíp” về phương pháp đào mộ cổ và những kiến thức mà lão Nghĩa mù truyền lại. Khi trời vừa hửng sáng, chúng tôi cạy mấy miếng thạch hoàng trên mặt nạ vỏ cây xuống mang theo bên mình để đuổi rắn, sau đó đào mấy cái huyệt sau núi chôn ba cỗ quan tài kia rồi lên đường. Theo hướng dẫn trong bản đồ, chúng tôi tìm ra một hang động trên Thảo Hài Lĩnh, cửa hang rất nhỏ hẹp, nhưng khi đi vào bên trong lại rất sâu.

Thảo Hài Lĩnh được đặt tên theo địa thế ở đây, dốc núi hiểm trở, có chắp thêm cánh cũng không bay được, trong núi lại có động Hoàng Sào xuyên suốt trong lòng núi thông ra tận hồ Tiên Đôn, mấy chục năm trước trong động vẫn có nước nên tạo thành kỳ quan “các động thông nhau, trong động có động, trong động có núi, trong núi có sông”, mặc dù thời đó có cách nói: “Thượng hà thông thiên, hạ hà nhập địa[2]”, nhưng vì nước quá sâu nên không ai vào được, từ xưa nơi này hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Giờ nơi đây đã thành động cạn, chứng tỏ mực nước ở hồ Tiên Đôn cũng không còn sâu nữa. Tôi đưa cho Mặt dày một khẩu súng săn phòng gặp thú dữ, ba người chuẩn bị xong xuôi thì đốt đuốc đi vào bên trong động. Đoạn đầu, trong hang chật hẹp, uốn khúc, đi lại rất khó khăn, trước mắt toàn là những nhũ đá hình thù kỳ quái. Theo truyền thuyết, năm xưa con cá thần biến thành ông lão cứu Hoàng Sào chính là ở trong động này, cuối cùng đã bị người ta quăng lưới đánh lên mổ bụng làm thịt, chết rất thê thảm. Trong động vọng lại những tiếng kêu như tiếng khóc, chẳng trách người dân còn gọi động này là động Ngư Khốc.

[2] “Thượng hà thông thiên, hạ hà nhập địa”: Nghĩa là thượng nguồn sông lên trời, hạ nguồn xuyên xuống đất.

9

Điếu bát giơ cao bó đuốc, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Động Hoàng Sào sâu như vậy, trong này có yêu ma quỷ quái, thần tiên thì cũng chẳng có gì là lạ.”

Tôi nói: “Trong dân gian truyền rằng trước đây có cá thần ở trong động thì đây là nơi ở của thần tiên, làm gì có quỷ quái.”

Mặt dày nói: “Cậu nói thế cũng không đúng. Thần tiên phải ở trên trời chứ, con cá biến thành ông lão cùng lắm cũng chỉ là yêu quái trên núi thôi.”

Tôi nói: “Ai bảo với ông cứ ở trong hang động thì đều là yêu ma quỷ quái. Các đạo sĩ đều tu luyện trong động phủ, rời khỏi sơn động sao còn gọi là động phủ được?”

Điếu bát nói: “Đúng là có cách lý giải như vậy. Chưa kể đến thứ khác, riêng Tử Tiêu cung, động phủ của Hồng Quân lão tổ, người đứng đầu trong các vị tiên, chính là ở khuỷu núi Tạ Gia vùng Đông Bắc. Hai năm trước, tôi tới đó thu mua đồ, đó là một ngọn núi đồ sộ ở vùng Liêu Ninh, Hồng Quân lão tổ đã tận dụng hang động trên núi làm cung điện. Sở dĩ Hồng Quân lão tổ chọn nơi đây làm động phủ là có nguyên nhân. Nghe nói, Hồng Quân lão tổ là con Khúc Thiện tu luyện đắc đạo, sinh ra và sống trong đất nên không thể rời hang động được, nếu xảy ra sự cố, trốn trong động mới có cơ hội thoát thân.”

Mặt dày hỏi: “Sinh ra trong đất và sống trong đất… lão ta là thứ gì thế?”

Điếu bát nói: “Nói trắng ra Hồng Quân lão tổ là một con giun đất, đã trải qua kiếp nạn khai thiên lập địa, sau đó đắc đạo.”

Mặt dày nói: “Nếu nói vậy thì Hồng Quân lão tổ là do con giun đất biến thành, chẳng phải là một lão quái tu luyện thành tinh sao?”

Tôi nói: “Thực ra tiên cũng là yêu quái, đắc đạo thành tiên hay thành tinh thì cũng chỉ là cách nói của con người thôi, chưa hiện nguyên hình thì là tiên, hiện nguyên hình rồi thì là yêu ma quỷ quái.”

Điếu bát nói: “Nói vậy cũng đúng! Thần tiên hay quỷ quái đều trong ý nghĩ của con người, nhưng động Hoàng Sào đã khô cạn nhiều năm, vậy mà sâu bên trong lại có tiếng u u, chẳng lẽ là bọn cá đang khóc thật sao?”

Động Hoàng Sào còn có tên là động Ngư Khốc. Tương truyền, cá thần trong động bị người ta giết thịt nên thường nghe thấy tiếng con cháu của con cá thần đó khóc. Điếu bát nhớ lại chuyện tối qua, nên trong lòng vẫn thấy sợ hãi. Tôi và Mặt dày nghe ngóng thấy như tiếng gió, có gió không có gì là lạ. Đi tới đây thì không gian trở nên thoáng đạt rộng rãi hơn, tôi phát hiện trên đỉnh động có thứ gì đó phát ra tiếng động, giơ đuốc lên soi thì không nhìn thấy gì, trên đó quá cao, ánh sáng không soi tới nơi, chỉ một màu tối đen, tôi cố mở to mắt ra nhìn bỗng thấy phía trên đỉnh động đen ngòm có hàng loạt những đốm xanh lè, tiếng u u phát ra càng lúc càng mạnh hơn.

Ngẩn ra một lúc, chúng tôi mới nhìn thấy rõ quanh thành động cũng chi chít những đốm xanh lè, đó là hàng ngàn hàng vạn con dơi. Chúng tôi vội vàng ôm lấy đầu nằm rạp xuống. Lúc này đàn dơi bị kinh động, kêu ré lên nháo nhác bay ra ngoài, đuốc đều bị chúng tạt cho tắt hết. Dơi trong động Hoàng Sào đều màu trắng, to bằng lòng bàn tay, số lượng nhiều không kể xiết, chúng tôi nhắm mắt ôm đầu nằm im, một lúc sau, lũ dơi mới bay hết ra ngoài. Tôi và Mặt dày lôi Điếu bát dậy, thắp đuốc lên, trong này là một hang động mọc đầy măng đá, cứ như đứng giữa một rừng măng, trong lòng động có nước, sâu khoảng một thước, nước trong nhìn thấu đáy, rất nhiều con cá mình trong suốt đang bơi lội.

Tôi nghĩ truyền thuyết cá khóc trong động chắc là bắt nguồn từ tiếng kêu của lũ dơi, may mà bọn này không tấn công người.

Mặt dày nói: “Mấy ngày trên núi, mồm miệng nhạt quá rồi, hay là bắt vài con cá ăn tạm, còn tiết kiệm được lương khô nữa.”

Điếu bát nói: “Dân trong vùng còn không dám ăn cá ở đây, vì dưới hồ có cương thi, bọn cá này đều ăn thịt người đấy.”

Mặt dày nói: “Toàn mấy lời đồn mê tín của dân bản địa, có bao nhiêu cương thi cho bọn cá này ăn bao nhiêu năm như vậy chứ.”

Tôi nói: “Bọn cá dưới hồ Tiên Đôn có ăn xác người chết hay không thì không biết, nhưng bọn cá trong động này rõ ràng là không được tiếp xúc với ánh mặt trời, nếu không đã không trở nên trong suốt thế kia, chỗ này lại chẳng có thứ gì khác mà ăn, chắc là chỉ ăn xác chết và phân dơi thôi. Ông mà muốn ăn cá thì cứ xơi tự nhiên, bọn tôi chẳng dám hưởng phúc đó đâu.”

Mặt dày nghe đã thấy buồn nôn, ngay lập tức từ bỏ ý định ăn cá, lại lý luận: “Hai người đừng tưởng thật, tôi cũng chỉ nói thế thôi, tiết  kiệm là đương nhiên nhưng không nhất thiết phải mạo hiểm tính mạng.”

Động Hoàng Sào là một dòng sông chảy ngầm trong lòng đất thông ra tới hồ, dài mấy cây số, nối thông với rất nhiều lòng động to nhỏ khác nhau, trong đó vài nơi vẫn còn nước, nhiều lúc tới những vị trí tương đối cao còn nhìn thấy những bức họa vẽ hình thiên cẩu ăn mặt trăng, nội dung không còn nguyên vẹn, hình thù kỳ dị, thậm chí còn có phần khủng khiếp chúng tôi, đứng trong lòng động hàng vạn năm, âm u lạnh lẽo này mà không dám tiến lên.

Chương 13: Chuyện ma trong núi

1

Bức bích họa thiên cẩu ăn mặt trăng vẽ hình xác chết đeo mặt nạ vỏ cây, mộ cổ dưới hồ Tiên Đôn, người chết thủng ruột trong chiếc quan tài bằng ngọc. Với ngôi mộ trên núi đó, tôi cũng chỉ biết có vậy. Nếu vào được trong hầm mộ, tôi tin sẽ còn nhiều phát hiện kinh người nữa. Chúng tôi đi qua loạt động trong Thảo Hài Lĩnh một cách thuận lợi, khắp nơi đều có hang động, mỗi động một vẻ, nhưng trong con mắt giới đổ đấu chuyên nghiệp, thì cho dù các hang động có hình thù cổ quái tới đâu cũng không nằm ngoài mười tám loại hình hang động đã được tổng kết, phong thủy gọi là “sơn trung thập bát khổng” mỗi loại có một cách đi riêng, tôi từng nghe lão Nghĩa mù giới thiệu, trong cuốn “m Dương bảo kíp” của nhị lão đạo cũng có nói tới. Muốn ra khỏi động Hoàng Sào không phải là khó. Quá trưa, chúng tôi tới phía nam Thảo Hài Lĩnh, ba phía đều là những ngọn núi cao vút, cho dù có chắp thêm cánh cũng không bay qua được, diện tích hồ rộng 370 hecta nằm giữa các dãy núi, ven hồ mọc đầy lau sậy, phía xa là màu sương mù, trắng đục. Năm xưa, mực nước hồ Tiên Đôn cao hơn bây giờ rất nhiều, nước trong hồ thông thẳng vào động Ngư Khốc, cá trong động chưa hẳn là cá thần, những truyền thuyết như vậy vốn không có căn cứ. Người xưa vốn nhàn hạ, sau bữa tối thì rảnh rang không có việc gì làm, ngoài chuyện sinh con ra thì chuyên nghĩ ngợi linh tinh rồi kể chuyện, bốn tác phẩm văn học lớn của Trung Quốc cũng được ra đời như vậy mà thôi. Nhưng núi Hùng Nhĩ là một bảo huyệt trong dãy núi long mạch của Trung Nguyên, những chỗ nước rút giờ đã thành đầm lầy, là nơi cư trú của vịt trời và chim nhạn.

Điếu bát che tay ngang trán nhìn ra xa: “Mộ cổ dưới hồ Tiên Đôn chắc chắn ở bên kia, tôi đã nhìn thấy bảo khí toát lên từ địa cung.”

Tôi nói: “Anh đừng vội nhắc đến điều đó, chúng ta đã bỏ qua một tình tiết hết sức quan trọng, làm thế nào để ra hồ đây?”

Điếu bát và Mặt dày nghe tôi hỏi thì ngẩn người, chẳng ai nghĩ tới việc quanh Tiên Đôn tứ bề đều là nước, không có ghe thuyền thì không thể qua hồ, bơi thẳng ra thì cũng không được phần vì hồ rộng, phần còn phải mang vác xẻng, dây thừng, lương khô, đèn pin, túi ngủ v.v… trọng lượng chiếc ba lô không phải là nhẹ, xuống nước chắc chắn sẽ chìm xuống đáy hồ luôn. Hai nữa, nghe nói dưới đáy hồ có cương thi, đó là những xác chết đeo mặt nạ vỏ cây, chúng tôi to gan đến mấy cũng không dám lội thẳng xuống nước. Ba người bàn bạc một hồi, quyết định xuống hồ từ phía núi Thương Mã, tới đầm Canh gà trước. Nghe nói, người dân vẫn hay vào trong đầm nhặt trứng vịt trời, có thể ở đó sẽ có thuyền bè để lại.

Chúng tôi không mang nhiều lương khô, dọc đường lại bị chậm một ngày, như vậy thời gian đào mộ cũng bị giảm bớt đi một ngày. Sau khi lên kế hoạch, chúng tôi tìm đường xuống núi. Nếu là mực nước năm xưa của hồ Tiên Đôn thì quả không có đường xuống thật, nhưng nay nước đã rút, phần tiếp giáp với núi Thông Mã hình thành một khu đầm lầy rộng khoảng hơn trăm mét mọc đầy lau sậy. Chúng tôi đi xuyên qua khu đầm lầy tiến về phía Nam, trước khi mặt trời lặn thì tới được đầm Canh gà. Vùng này lau sậy mọc dày đặc, mặt nước lung linh trong ánh chiều, tiếng chim nhạn kêu giữa bầu không, từng làn gió thu nhè nhẹ thổi, những bông lau bay trong gió tựa hồ tuyết rơi, cảnh vật đẹp như tranh vẽ. Nhưng trước khi tới đây chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về cương thi hồ Tiên Đôn nên chỉ thấy phía dưới mặt hồ tĩnh lặng kia đang ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Đầm Canh gà chỉ có một lối đi duy nhất chưa thể gọi là đường, hai bên toàn là đầm trạch, vận may của chúng tôi không đến nỗi tồi, theo con đường đó, chúng tôi tìm thấy ba chiếc thuyền độc mộc, trong đó hai chiếc đã hỏng nặng, chiếc còn lại tương đối tốt. Thuyền độc mộc là loại thuyền được đẽo từ một thân cây nguyên vẹn, có thể chở được vài ba người, dùng mái chèo để di chuyển trên nước. Điếu bát nhìn hoàng hôn dần tàn, liền nói: “Đêm nay đành nghỉ lại trong đầm lau sậy này, sáng mai đào mộ dưới hồ sau vậy.”

Chúng tôi cũng không đi nổi nữa, liền tìm chỗ khô ráo ngồi lại giở lương khô ra ăn cho đỡ đói.

Mặt dày luôn miệng chê lương khô cứng, ăn gãy cả răng, anh ta nói: “Món ăn hoang dã ngon nhất vẫn là sóc đất. Hai năm trước, khi tôi còn đóng quân ở Tây Bắc, thường chạy xe đường dài, cũng thường xuyên không có cái ăn. Nếu bắt được một con sóc đất thì coi như được đổi bữa. Bọn sóc đất này con nào con nấy béo tròn, nướng trên lửa mỡ cứ chảy ra xèo xèo.”

Điếu bát dường như cũng được ăn thịt sóc đất rồi: “Ừ… thịt nó giống thịt cầy vòi mốc, nhưng ăn thịt sóc đất phải chú ý thời gian, nếu ăn sau tiết Kinh Trập[1] nách nó sẽ bị hôi, không thể ăn được.”

[1] Tiết kinh trập: là khoảng thời gian bắt đầu từ 5/3 đến 21/3 trước khi tiết xuân phân bắt đầu.

Tôi nói: “Sao thứ gì mấy người cũng ăn vậy? Bọn sóc đất chân tay giống như người, nướng chín rồi trông chẳng khác gì thịt người nướng. Hơn nữa sóc đất rất cảnh giác, hang của chúng thường có nhiều cửa, không dễ bắt đâu.”

Mặt dày nói: “Nghe là biết chú không phải dân sành ăn rồi. Sóc đất chuyên ăn rễ cây, những vùng bị chúng cắn hết rễ cây thì không có bóng dáng cây cỏ nào, mình ăn thịt chúng chính là trừ hại cho nhà nông. Hơn nữa hang sóc đất thường có hai cửa hang, chỉ cần hun khói một đầu cửa hang, cầm sẵn gậy đứng chờ ở đầu cửa hang bên kia chờ bắt là xong, nếu có chó thì càng đơn giản hơn, không cần mình phải ra tay. Lần sau có cơ hội đi Tây Bắc tôi mời hai người ăn thịt sóc đất, hôm nay đành gặm tạm lương khô vậy. À, mà sao tụi mình không bắt vài con vịt trời nếm thử nhỉ?”

Tôi và Điếu bát nghe anh ta nói vậy thấy đây cũng là một ý hay, đúng là nên đi thám thính xem. Cả bọn cất lại mấy miếng bánh cứng còng, rón rén trong đám lau sậy tìm khắp nơi, nhưng đến một cọng lông vịt cũng không có. Bỗng thấy đám lau sậy phía trước sột soạt lay động, dường như có vật gì đó đang động đậy, tôi rón rén tiến lên phía trước, nhẹ nhàng rẽ đám sậy trước mặt, bỗng giật thót mình, suýt chút nữa bật kêu lên thành tiếng.

2

Tôi vội lấy tay bịt miệng, cúi thấp người, không dám thở mạnh, vội đưa tay ra hiệu cho Điếu bát và Mặt dày cũng nằm xuống. Hóa ra, sau đám lau sậy là một toán người khoảng hơn chục tên, đứa dẫn đầu thấp, béo tròn, khoảng ngoại tứ tuần, đầu hắn to hơn hẳn người bình thường, miệng rộng, mắt cười híp mí, lúc nào cũng thường trực nụ cười giả tạo, trông bề ngoài, hắn không khác gì bức tượng phật Di Lặc trong chùa.

Tôi và Điếu bát đều biết tên này, hắn là Hoàng Tam, mọi người đều gọi hắn là Hoàng phật gia, một tay anh chị ở chợ âm phủ. Thời trẻ bán cháo quẩy, mấy năm gần đây phát tài nhờ đi đào trộm mộ. Nghe phong thanh, Hoàng phật gia chẳng có tài cán gì, nhưng thủ đoạn rất nham hiểm, lại thêm bọn đầu gấu bám theo hắn làm ăn, chỉ cần làm giàu không cần biết đến lý lẽ. Trước đây, hắn cũng hay tới tìm lão Nghĩa mù nhờ chỉ giúp nơi nào có mộ cổ, nhưng lão Nghĩa mù đều từ chối không gặp, nhiều lần như vậy, về sau hắn cũng ít tới hơn. Tôi gần như chẳng bao giờ qua lại với hắn.

Tôi không ngờ lại gặp phải Hoàng phật gia ở đây. Hai người kia theo sát phía sau tôi, biết tình hình cũng vô cùng kinh ngạc, không ai dám lên tiếng. Thuộc hạ của Hoàng phật gia đứa nào trong tay cũng có súng trường hoặc súng lục, một số thằng còn đeo những ba lô chứa đầy thuốc nổ. Người dân địa phương ở đây có truyền thống săn nhạn và vịt trời, chỉ cần có tiền muốn mua bao nhiêu súng săn mà chẳng được, số thuốc nổ kia chắc cũng mua từ những mỏ khai thác than lậu, bọn này to gan thật.

Tôi nghĩ bụng: “Nghe nói bọn Hoàng phật gia là một đội quân đào mộ được trang bị vũ trang, quả nhiên không sai. Bọn này định dùng thuốc nổ để đi đào mộ trên núi Hùng Nhĩ chắc?”

Bỗng nghe một tên có eo gầy như eo rắn trong đám thuộc hạ lên tiếng: “Có bản đồ mộ cổ rồi còn cần người địa phương dẫn đường nữa sao?”

Một tên khác có vết sẹo trên mặt trả lời: “Bọn mình làm gì có bản đồ? Trên hồ sương mù có thể nổi lên bất cứ lúc nào, nếu không có người bản địa dẫn đường thì không ổn.”

Tên eo rắn cười hí hí nói: “Mày không biết đấy thôi, có một thằng ngu tên là Điếu bát đi rêu rao khắp nơi tìm người để lấy tấm bản đồ trong chiếc gối sứ sứ trăm tuổi, nó vừa muốn lấy tấm bản đồ lại vừa không muốn làm hỏng chiếc gối sứ, cứ tưởng chuyện ngon đều về hết tay hắn. Chuyện này Hoàng phật gia cũng biết rồi, muốn lừa thằng ngu đó khác gì trò đùa, phật gia dặn tao lúc lấy tấm bản đồ ra thì sao lại một bản, thằng ngu Điếu bát kia có nằm mơ cũng không nghĩ tới chiêu này.”

Tên mặt sẹo giơ ngón tay trỏ lên, ngay lập tức ra giọng nịnh bợ Hoàng phật gia: “Cao tay thật! Em phục đại ca sát đất.”

Hoàng phật gia hừ một tiếng, nói: “Thằng ngu Điếu bát đó cũng không tự hỏi xem mình là ai, một thằng ngu như nó mà đòi đi đào mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ?”

Tôi và Mặt dày nghe thì biết ngay sự tình, chỉ thấy Điếu bát sắc mặt lúc xanh lúc trắng, vừa xấu hổ vừa tức giận, chỉ muốn chui đầu xuống đất, trong lòng đã chửi tổ tông tám đời nhà Hoàng phật gia rồi nhưng không dám lên tiếng. Anh ta biết rõ gặp phải bọn này thì không có kết quả tốt.

Trời đã tối hẳn, chúng tôi trốn trong đám lau sậy không dám lên tiếng, chỉ nghe thấy Hoàng phật gia nói: “Trong tay chúng ta là tấm bản đồ từ cuối đời Minh, cũng không biết bây giờ đã thay đổi như thế nào, giờ cứ tạm giữ hai người này dẫn đường.”

Lúc này, chúng tôi mới nghe thấy giọng nói rất quen thuộc cất lên: “Các ông thả tôi ra đi, nhà tôi ở tận Lão Giới Lĩnh, tôi chưa tới hồ Tiên Đôn lần nào, xa nhất cũng chỉ mới tới đầm Canh gà này thôi. Hôm nay, cô gái này nhờ tôi đưa tới đây vẽ phong cảnh, các ông làm phúc thả tôi về đi, nhà tôi còn có người già trẻ nhỏ…”

Tôi rướn người về phía có tiếng nói, hóa ra là Lư mặt rỗ, còn có cả cô gái gặp trên tàu, theo lời Lư mặt rỗ nói thì cô gái này thích vẽ tranh, nghe tôi và Lư mặt rỗ kể về hồ Tiên Đôn nên đã xuống tàu nhờ Lư mặt rỗ dẫn đường tới đây, không ngờ gặp ngay bọn Hoàng phật gia.

Hoàng phật gia cười nhạt: “Mày tên là Lư mặt rỗ? Cái tên đúng là rất hợp với bộ mặt của mày. Sao không nói sớm là mày chưa lên núi lần nào?”. Nói rồi, hắn bất chợt cầm lấy xẻng quất luôn một cái vào giữa mặt Lư mặt rỗ, Lư mặt rỗ kêu lên một tiếng, rồi ngã lăn ra đất, máu mồm máu mũi chảy đầy mặt, cơ thể không ngừng co giật, không còn kêu lên được tiếng nào nữa. Hoàng phật gia bồi thêm vài cái vào đầu Lư mặt rỗ, giết người xong mặt hắn không hề biến sắc, nói với bọn tay chân: “Đã nói với chúng mày tìm người địa phương dẫn đường, chúng mày lại tìm một thằng ngu thế này à? Mau đào hố chôn nó đi cho tao.” Bọn tay chân không dám nói lại một câu, cun cút đi tìm chỗ đất mềm đào huyệt. Tên eo rắn hỏi: “Phật gia, còn con bé kia, xử lý thế nào?” Hoàng phật gia nghĩ: “Người trên giang hồ đều mê tín, tài sắc không thể có cả hai, không thể để lỡ việc vì bọn đàn bà, đợi đào mộ cổ xong, lấy được đồ tùy táng, muốn chơi loại gái nào mà chẳng được.” Tên eo rắn mắt lim dim: “Con bé này đẹp như một đóa hoa, chôn đi thì cũng tiếc, tôi chẳng nỡ xuống tay, nhưng nghe lời Phật gia cấm có sai, việc của chúng ta đã bị nó nhìn thấy hết rồi, giữ lại chỉ là mầm họa…”

Vẫn được nghe Hoàng phật gia tâm địa độc ác, làm việc gì cũng không để lại hậu họa, nhưng chẳng ai ngờ hắn nói giết người là giết người, ra tay vừa nhanh vừa tàn nhẫn, mặt không chút biến sắc. Nếu không phải là chúng tôi nấp bên cạnh quan sát thì chỉ có trời mới biết trong đám lau sậy này đã xảy ra chuyện gì. Chúng tôi có lòng muốn cứu Lư mặt rỗ cũng chẳng kịp ra tay. Nghe bọn này còn bàn nhau chôn sống cô gái kia, tôi thấy máu nóng bốc rần rần lên mặt, đưa tay huých khẽ vào Mặt dày nháy mắt ra hiệu, hắn ta hiểu ngay ý tôi. Chúng tôi mỗi đứa nắm một vốc đất, bất thình lình ném về phía bọn kia, bọn chúng không chút cảnh giác bị cát bụi bay vào mắt, những thằng còn lại chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi nhặt chiếc xẻng trên mặt đất phang một nhát vào đầu Hoàng phật gia, máu chảy be bét, hắn ôm đầu ôm mặt kêu thảm thiết. Mặt dày thì nhắm chuẩn vào tên eo rắn đạp một phát chí mạng, tên eo rắn lập tức miệng phun ra máu, đổ rạp xuống đất không đứng dậy được. Nhân lúc hỗn loạn, chúng tôi kéo cô gái đứng lên bỏ chạy, đồng thời ra hiệu cho Điếu bát mau chóng rút lui.

Tôi vừa chạy vừa nói với Điếu bát: “Tôi báo thù cho anh rồi nhá. Nhát xẻng đó không đánh chết được tên Hoàng phật gia coi như nó mạng lớn.”

Điếu bát giờ mới hiểu ra sự tình, nhưng cổ họng cứng lại, chỉ nói được một câu: “Quá đẹp!”

3

Lúc này nghe thấy sau lưng bọn Hoàng phật gia đang la ó đuổi theo, bốn người không dám dừng lại, chạy như bay trong đầm lau sậy dưới ánh trăng, chẳng quan tâm quần áo bị cào rách, tay chân xây xát, cho tới khi đến chỗ chiếc thuyền độc mộc. Đầm Canh gà chỉ có một con đường, đành phải đẩy thuyền xuống nước, tôi nhớ ra súng đã bị rơi trong đám lau sậy nhưng không còn cách nào quay lại lấy nữa, chúng tôi ra sức dùng xẻng và mái chèo để chèo thuyền ra phía ngoài hồ.

Hoàng phật gia mới tới đầm Canh gà, chưa có thuyền lại không thông thạo đường hướng nên không đuổi kịp chúng tôi, chúng tôi chèo được mấy trăm mét, lại có sương mù che phủ, tự thấy tạm thời không nguy hiểm nữa, liền giảm bớt tốc độ, theo phương hướng trên la bàn thì chúng tôi đang chèo về phía bắc, cả mặt hồ rộng mênh mông, sương mù bao phủ, muốn tìm một mô đất nghe chừng rất khó.

Điếu bát thấy mặt cô gái trắng bệch, biết là cô sợ, liền nói: “Em gái, không sao rồi, gặp bọn anh coi như gặp người nhà, tên Hoàng phật gia đó ác thế nào thì cũng bị người anh em đây cho xơi một xẻng vào đầu, chứ chưa cần anh ra tay, anh mà ra tay thì trên giang hồ từ đây về sau không còn người tên là Hoàng phật gia nữa đâu. Em đừng thấy anh mảnh khảnh mà coi thường, quả cân tuy nhỏ nhưng có thể giữ được ngàn cân đấy, trình độ là ở chỗ đó. À, mà em tên gì nhỉ?”

Cô gái có đôi mắt to tròn sáng như sao, trên mặt vẫn còn ngấn nước mắt, nhẹ giọng nói: “Em họ Điền, tên Mộ Thanh”.

Điếu bát nói: “Em gọi anh là anh Điếu đi, hai người kia là Bì Chiến Đấu[2] và Bạch Thắng Lợi[3]. Làm sao mà em gặp phải tên Hoàng phật gia kia thế?”

[2] Bì Chiến Đấu: Chỉ Mặt dày.

[3] Bạch Thắng Lợi: Chỉ nhân vật tôi.

Điền Mộ Thanh kể ngắn gọn đầu đuôi câu chuyện, cũng giống như tôi phỏng đoán. Cô là giảng viên Học viện Mỹ thuật, gặp Lư mặt rỗ ở trên tàu, nghe anh ta kể về Tiên Đôn nên muốn tới xem. Sau khi xuống xe cùng Lư mặt rỗ hỏi đường tới bên hồ chụp vài kiểu ảnh về làm tài liệu giảng dạy, Lư mặt rỗ cũng muốn kiếm thêm chút tiền nên nhanh chóng nhận lời dẫn đường cho cô. Do anh ta phải về nhà sắp xếp công việc nên tận hôm nay mới tới, nếu không thì cũng chẳng gặp bọn Hoàng phật gia kia. Điền Mộ Thanh kể tới đoạn cô đã liên lụy tới Lư mặt rỗ làm anh ta phải chết thì lại đau lòng.

Tôi nói: “Cũng không trách cô được, nếu không phải trên tàu tôi hỏi chuyện Lư mặt rỗ về hồ Tiên Đôn thì cô đã không nghe thấy và cũng không nhờ anh ta dẫn đường tới đây.”

Điếu bát nói: “Nói cho cùng thì cũng là cái số. Thằng ngu Hoàng phật gia đúng là chán sống rồi, nói giết người là giết người, con mẹ nó, đây là thời đại nào vậy?” Anh ta vừa nãy bị bọn Hoàng phật gia liên tục gọi là thằng ngốc, trong lòng khó chịu nên bây giờ mở miệng ra là chửi lại bọn nó.

Mặt dày không biết Hoàng phật gia, liền hỏi thằng đó lai lịch thế nào mà không coi mạng người ra gì, không lẽ là thổ phỉ ở Dự Tây?

Tôi giải thích: “Hoàng phật gia xuất thân từ một thằng bán rong, tổ tông tám đời nhà nó đều bán quẩy, đến đời nó cũng vậy. Năm nọ, hắn dùng dao đâm chết người bị bắt đi cải tạo lao động tại Tây Bắc. Tại đó, hắn quen một phạm nhân có biệt hiệu là Thành câm. Nghe nói thằng đó bị câm nhưng rất giỏi về thuốc nổ, sau khi được phóng thích, hai đứa nó đã tụ tập một lũ đầu gấu cần tiền không cần mạng, chuyên làm mấy chuyện đào trộm mộ cướp bảo vật…”

Mới kể tới đó thì sương mù xuống càng dày hơn, ánh sáng mặt trăng không soi tới mặt nước, mặt hồ tĩnh lặng kỳ lạ, thi thoảng nghe thấy xung quanh có tiếng cá búng nước.

Mặt dày lôi đèn pin ra soi, tứ bề đều là sương mù, không có la bàn thì chẳng biết đông tây nam bắc ở đâu.

Chắc do ba ngọn núi Thảo Hài, Thông Mã và Kê Lung như ba bức bình phong đã chặn hơi nước khiến sương mù trên mặt hồ tan rất chậm.

Tôi nói với Điếu bát: “Muốn sương trên hồ tan thì phải có trận mưa…” vừa nói tới đó thì nghe phía sau có tiếng người, lắng tai nghe hóa ra là bọn Hoàng phật gia, không ngờ bọn này tìm được thuyền nhanh thế.

Tôi hỏi Điền Mộ Thanh: “Bọn Hoàng phật gia có bao nhiêu người?”

Điền Mộ Thanh nói: “Tính cả hắn là mười bảy người.”

Mặt dày nói: “Súng thì bị rơi ở trong đám lau sậy rồi, tay không mà để bọn kia đuổi kịp thì có khác gì làm bia sống cho bọn nó bắn.”

Đọc tiếp: Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn - Phần 14
Home » Truyện » Truyện Ma » Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM