Disneyland 1972 Love the old s

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Nỗi Ám Ảnh - phần 1

Quê em ở Ninh Bình, một vùng quê được bao phủ bởi núi đá trùng điệp, người thì thưa mà đất thì rộng, rừng cây um tùm bốn phía. Đến tận bây giờ, những năm của thế kỉ 21 mà ở quê em vẫn còn diễn ra chuyện hổ vào làng vồ trâu, trăn gió nuốt trộm dê, bò.

Để trị hổ, trăn thì còn có súng đạn, bẫy, lưới,… nên người dân quê em cũng chẳng ngại gì lắm. Có người còn mừng vì chỉ mất vài con dê mà đổi lại được một con hổ hay một con trăn, bán rẻ cũng phải vài chục triệu. Nhưng dù có không sợ trời không sợ đất thì người dân quê cũng luôn mang trong mình nỗi sợ mơ hồ về một thứ không rõ ràng, đó là Ma. Sau đây em xin tổng hợp lại những chuyện em được nghe kể từ chính người thân của mình, và những câu chuyện em cóp nhặt được khi đi chơi ở những huyện khác trong tỉnh.

Chuyện thứ nhất: Ma chó

Đó là vào những năm 60, khi ông em vừa từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về. Ông em kể lại rằng: Hôm đó, ông vừa hoàn thành xong một số việc giấy tờ, họp bàn với anh em trong đơn vị về việc tập kết để chuẩn bị vào Nam. Sau buổi họp thì đã xế chiều, anh em chào tạm biệt nhau rồi ai về quê người nấy, hẹn ngày 25 tháng Giêng, hai năm sau thì tất cả tập chung tại trụ sở của đơn vị. Nóng lòng muốn về nhà sau gần chục năm xa vợ xa con, ông em bắt ngay chuyến tàu cuối cùng của ngày hôm đó để về quê. Lúc ông xuống đến gha Ghềnh thì đã muộn lắm rồi, nhìn lên đồng hồ treo ở nhà ga thì bây giờ là 2 giờ sáng. Nhưng đang nóng lóng về nhà, lại thấy có sáng trăng nên ông quyết định đi xuyên đêm về nhà. Tính ông em vốn bạo gan, lại chẳng tin vào chuyện hồn ma bóng quế nên ông bỏ ngoài tai lời khuyên từ những người khách ở ga, khuyên ông nên ở lại đến sáng hãy về vì dạo này có lắm lời đồn về ma quỷ ở ngã ba vào thôn, ông cứ thế thẳng bước đi về, lòng chỉ mong về sớm được lúc nào hay lúc ấy. Đêm hôm đó, một mình ông đi trên con đường đất dài hơn 6 cây số từ ga Ghềnh về làng. Hai bên đường toàn là cây cối rậm rì, cách vài trăm mét mới có một vài nhà, thời đó lại chẳng mấy nhà có đèn điện, nên nhìn ngút tầm mắt chỉ thấy toàn cây là cây, thỉnh thoảng tiếng chim khắc ăn đêm lại kêu khé khé đến rợn người. Cơ mà ông em chẳng sợ, lại có sáng trăng nên cứ sải bước mà đi, vừa đi vừa nghĩ xem giờ này ở nhà đang làm gì. Đi được một lúc thì ông em bống thấy một con chó trắng tinh đi trước, cách ông một quãng ngắn, ông em thấy lạ liền bước nhanh về trước xem sao, vì ở quanh đây làm gì có mấy nhà mà có chó chạy ra đến tận đây, lại còn chó trắng tinh như chó nhà bọn theo Tây. Nhưng lạ là ông đi nhanh thì con chó cũng đi nhanh, ông đi chậm thì còn chó cũng đi chậm, lúc ông thử đứng lại thì con chó cũng đứng lại, mấy lần như vậy thì ông em nhận ra rằng cái thứ đi trước mình chẳng phải là chó mèo nhà nào cả. Ông em liền nhặt vài cục đá, đinh bất ngờ lao tới gần ném con chó xem nó làm sao, nghĩ sao làm vậy, ông em vơ bên vệ đường vài viên đá to bằng 2 nắm tay, ông ném liền ba phát: "Cục! Cục Cục…!" , tiếng đá chạm đất nghe đinh tai, nhưng ông em tự lại thấy lanh gáy vì từ nãy đến giờ cả ba phát ông em ném đều trúng lưng và đầu con chó, nhưng tại sao lại là ba tiếng đanh như vậy, mà con chó thì chẳng có phản ứng gì, vẫn lững thững đi trước ông. Ông em lúc này bắt đầu thấy ghê tay rồi, nhưng ông không biết sợ là gì nên lại cầm đá, lần này ông dồn sức ném thật mạnh, thì bống ùm một cái, con chó nhảy luôn xuống cái ao hoang bên đường rồi mất hút. Thấy chỉ ném vài viên đá mà đuổi được cái thứ kia nên ông em càng vững dạ, lại tiếp tục hướng thẳng đến làng. Đi thêm một lúc, ông em ước chừng chỉ còn vài cây là về đến nhà thì chợt ông em khựng người lại, đằng trước ông lại là con chó đó đang đi lững thững. Lúc này thì ông em không cảm thấy sợ nữa mà thấy cay lắm vì từ trước đến nay chưa ai dám chọc phá ông đến như thế cả. Ông khẽ rút từ trong ba lô ra con dao găm dài non một thước tây, hơi giấu vào sau lưng để thủ thế (vẫn là con dao này, con dao ông đã dùng để quần nhau với một con hổ khi còn trên Việt Bắc, đến giờ mặt ông em vẫn còn một vết sẹo, kết quả của cái tát với cuối cùng của con hổ, nhưng may sao ông em dùng dao gạt được từ đó ông em coi con dao này như vật hộ mệnh, mỗi khi có hiểm nguy thì ông đều sờ đến con dao đầu tiên).

Vừa thủ con dao, ông em vừa đi tiếp, nhưng lần này ông bước thận trọng hơn. Đi tiếp đến đầu cầu thì con chó không còn giữ khoảng cách với ông nữa, ông em đến gần nó hơn. Và lần này thì ông thực sự thấy lạnh toát ống lưng khi thấy con chó bống nhảy phốc lên trên thành cầu, từ từ đi bằng hai chân sang bên kia cầu, cái thành cầu chỉ rộng bằng phần ba quyển vở học sinh, vậy mà con chó đi không hề chao đảo. Giờ thì ông em bắt đầu thấy lạnh dần từ sống lưng lên gáy, ông vẫn tiến tiếp, mắt ông theo sát con chó, tay chỉ chực vung con dao găm ra tấn công. Con chó đi tiếp đến đầu cầu bên kia, rồi nó ngồi trên cái trụ cầu, quay đầu lại nhìn chăm chằm vào ông, cái mõm hơi há ra như đang cười.Giờ, khoảng cách giũa ông và nó chỉ còn khoảng vài mét. Ông em đứng im mất vài giây rồi bất ngờ đâm thẳng con dao về phía trước, vọt người đến chỗ con chó, ông chửi to: " ĐM mày! Để tao xem mày là ma cỏ gì mà dám trêu vào tao!" Bất chợt con chó ẳng một tiếng rồi nhảy ùm xuống sông không thấy bóng dáng đâu nữa. Lúc này ông em mới thở phào nhẹ nhõm, đoạn đường tiếp theo về làng, ông em vẫn chú ý đề phòng con chó kia nhưng tuyệt nhiên không thấy nó đâu nữa.

Tobe Continued……..

Chuyện thứ hai: Nhà thầy học

Cách đây hơn hơn 70 năm, khi ấy ông em vẫn còn là một thầy khóa, mang trong mình ước mơ khoa bảng để làm rạng danh tổ tiên. Hồi đó chữ nho và thi cử kiểu cũ vẫn còn thịnh ở các làng quê, những người đồng niên với ông đều theo học một ông tú trong làng. Nhưng vì ban ngày ai cũng phải lo việc đồng áng, buôn bán nên đến tối lớp học mới bắt đầu. Lớp học của ông nằm trên một quả đồi thoải thoải, biệt lập với xóm làng xung quanh. Suốt 2 năm đầu mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, tối đến thì học, học xong buổi thì về, trò nào nhà xa thì ngủ lại nhà thầy, cho đến một hôm.

Đêm hôm đó, ông tú dạy xong thì phải sang làng bên chuẩn bị đám cưới cho con của một người bạn, trước khi đi, ông tú dặn học trò ở lại ngủ thì cẩn thận, lại cắt cử thêm mấy trò lớn tuổi nhất ở lại để trông nom bọn trò ấu học. Ông em tuy không nằm trong nhóm cắt cử ở lại nhưng nể lời bạn nên cũng ngủ lại vì chẳng mấy khi anh em có dịp hàn huyên, nhưng ông không thể nào ngờ nổi đêm nay lại là đêm khởi đầu của một chuỗi biến cố không chỉ với mình ông mà còn với cả cái làng nhỏ vốn bình yên này .

Thầy đi được một lúc thì mấy trò lớn liền bàn ngay chuyện phân chia chỗ sao cho hợ lý. Bàn đi bàn lại một hồi thì mấy anh em liền hò nhau trải chiếu ra hiên mà nằm vì trong nhà vừa chật vừa nóng, mà nằm ngoài thì anh em lại được nói chuyện dễ, thích thì thức đến sáng mà bàn luận thơ văn cũng được. Thế là anh trưởng tràng liền phân chố nằm, cứ lớn nhất thì nằm ngoài, nhỏ dần, nhỏ dần thì chia mà nằm vào trong, để dãy ngoài cho các huynh lớn bàn truyện Nhưng bàn thơ, bình văn thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy các anh bày đủ trò ra mà mà chọc phá nhau. Anh trưởng tràng được thể, chỉ tay ra vườn đùa: "Bọn mông học với ấu học nhìn cho kĩ nhớ! Thấy gì kia không? "Ngài" về đấy, đứa nào cười, đứa nào khóc, ngài ném cho u đầu" . Anh trưởng tràng vừa dứt lời thì "Xoảng!", một viên ngói ném từ trong vườn ra, trúng sát ngay bên cạnh chỗ anh trưởng tràng nằm. Mấy anh em thấy thế thì cười rộ lên, bảo nhau:" Thiêng thế nhỉ! Vừa có đứa cười xong, giờ lại sắp có đứa khóc đấy" Lúc này thì anh cáu lắm, chửi đổng: " Mẹ bọn trẻ con dưới xóm lên đây phá ! Ông bắt được thì ông vặn cổ chúng mày" Mấy anh em vừa cười xong giờ cũng bắt đầu thấy tức cho huynh lớn nên cũng hùa nhau vào chửi. Nhưng tiếng chửi vừa dứt thì liền 5-6 viên ngói ném từ trong vườn ra. Mọi người thấy thế thì đồng loạt đưa tay lên che đầu, vậy mà cả 5-6 viên ném ra đều không ai làm sao cả, trong khi toàn ném trúng ngay sát bên người, chỉ cần lệch thêm li nữa thì tan người.Bỗng một anh nhanh tay nhặt mảnh ngói còn nguyên, định ném trả. Nhưng chưa kịp ném thì anh này đã líu lưỡi lại, mặt cắt không còn giọt máu. Cả đám thấy vậy liền nhìn theo hướng anh kia, và hơn chục người cùng im bặt. Thứ mà anh kia nhìn thấy là một cái bóng nhỏ như đứa trẻ 5 tuổi, đỏ lừ như than hồng đang nhảy loi choi khắp vườn. Cái bóng đó bống đi chậm lại rồi từ từ tiến về vườn sau, nhưng càng đi thì cái bóng càng đen lại và to dần, người cứ ngày một tròn dần như cái ụ mối. "Nó" cứ thế đi dần ra vườn sau rồi mất, lúc gần đi đến cái hàng rào thì nó đã to như đống rơm rồi. Mấy anh hàng ngày gan lì cóc tía mà giờ đều sợ xanh mặt, im như phỗng. Sau đấy thì chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ nhìn nhau rồi thức đến sáng, bọn ấu học với mộng học vẫn ngủ say chẳng biết gì. Sáng hôm sau, ông tú về, đem theo bao nhiêu là quà bánh, xôi thịt,… nhưng ông thấy lạ là sao mọi hôm thì bọn này như lũ chết đói mà hôm nay lại chê xôi thịt ê hề. Ông gặng hỏi thì anh trưởng tràng khẽ rỉ tai ông, ông liền bảo bon trò nhỏ tuổi lấy phần oản, xôi rồi ra ngoài chơi, tự chia nhau, Lúc này anh trưởng tràng mới từ từ thuật lại chuyện đêm qua cho ông tú. Ông tú nghe xong thì cười lớn, bảo: "Mấy anh đúng là thần hồn nát thần tính, là người đọc sách thánh hiền thì quỷ ma nào dám trêu ghẹo mấy anh, người ta bảo ma quỷ tự đâu ra, ma quỷ tự lòng ta là có lí của nó! Tâm mình không đục thì sợ cái gì nào? Học nhồi học nhét đến mụ cả đầu!". Mọi người thấy thầy nói phải nên cũng nguôi đi ít nhiều, có người lại tự trách mình làm gì để tâm bất chính nên mới sinh ra vậy. Mấy bữa sau, mọi chuyện lại diễn ra bình thường như trước, anh em vẫn ngủ lại nhà thầy như cũ mà chẳng sợ hãi gì cả. Nhưng mãi đến hơn 3 tháng sau mới có chuyện xảy ra, và lần này thì không còn đơn giản như chuyện mấy đứa học trò bị ma trêu nữa.....

Chuyện thứ ba: Thầy phù thủy

Vào những năm trước khi Chiến tranh Biên giới xảy ra, ở quê em ngoài những nghề như làm nông, thủ công, buôn bán thì còn có một nghề rất đặc biệt, mà không phải ai cũng làm được. Đó là nghề thầy phù thủy, hay như người tàu thường gọi đó là "bọn thuật sĩ giang hồ".

Các cụ kể lại rằng, người làm thầy phù thủy thì phải là nam, phải có dòng máu phù thủy trong người( nghĩa là trong dòng họ phải có người đã từng làm nghề này và đạt đến trình độ "tốt nghiệp"). Những người làm nghề này thì phải tuân theo lời thệ từ lúc bái sư đến cuối đời, nếu ai sai phạm thì sẽ bị trời phạt. Và đã từng có không ít người hóa điên, tán gia bại sản hay thậm chí là cả nhà chết sạch chỉ vì họ đã không tuân thủ theo lời thệ. Nhưng nội dung bản thệ đó thì những người ngoài nghề chẳng ai biết và cũng không hiểu nó có gì đặc biệt mà lại thay đổi được số vận của cả một con người như vậy.

Thầy phù thủy cũng chia theo cấp bậc, dòng phái y như người ta học đại học bây giờ, có thầy giỏi thầy thường, có dòng chính tông, có dòng chi phái, dòng mạnh, dòng yếu,….nhưng được người đời biết đến nhiều nhất là hai dòng Nam tông và Bắc tông. Dòng Nam tông là dòng bùa chú được sáng tạo nên bởi những người ở phía nam Trung Quốc như vung Vân Nam, Tứ Xuyên, Miêu Cương,… và những nước phương Nam như nước ta hay Miến Điện, Xiêm,... Loại bùa chú Nam tông này dễ làm dễ sử dụng nhưng lại độc ác vô cùng, người học dòng này có thể sử dụng bùa chú để làm mọi chuyện, từ việc sai ma quỷ tát nước, đắp bờ đến việc vẽ một lá bùa để làm cho nhà hàng xóm bệnh tật liền vài ba đời đều được. Chỉ có điều là dòng bùa chú này sức mạnh không cao bằng Bắc tông, lại độc địa khó lường, chỉ gieo vạ cho con cháu đời sau nên không mấy người học. Còn dòng bùa chú Bắc tông là dòng bùa chú được coi là "chính thống" nhất, nhưng cũng khó sử dụng nhất, đây chính là loại bùa chú mà em muốn nói đến trong chuyện. Để học bùa chú Bắc tông rất khó, ngoài việc có dòng máu ra còn cần phải có trí thông minh, lính hội tốt, chịu nhiều gian nan khổ cực mới được sư phụ chấm sắc cho xuất sư, được tự do hành nghề phù thủy. Bùa chú Bắc tông nhìn trông y như loại bùa màu vàng mà nhà các bác hay dán trên cửa ý, chỉ khác cái là bùa Bắc tông thì nhìn rất đẹp nhưng chả ai hiểu nó viết cái gì. Nhưng để vẽ được một tờ bùa loại này thì phải lập đàn cúng tế, chọn ngày chọn giờ, bày trận bát quái ngũ hành, lục đinh lục giáp rất cầu kì, phức tạp.

Giải thích sơ qua về bùa chú chút để lòe các thím, bây giờ thì em xin phép quay trở lại câu chuyện ở quê em. Bắt đầu từ những năm 30- 45, người Tàu sang bên ta định cư rất đông, họ đem theo cả nền văn hóa, phong tục của họ đến đất nước mới. Và tất nhiên, văn hóa bùa phép cũng theo người Tàu về quê em. Sau cái đợt người dân Trung Quốc ào ạt sang Việt Nam lánh nạn chiến tranh Quốc- Cộng thì làng em có rất nhiều người xin theo học mấy ông thầy Tàu phép bắt ma. Nhưng người thành tài thì ít mà người chán nản bỏ dở thì nhiều. Trải qua hơn chục năm, những ông thầy ở quê tưởng như phải bỏ nghề vì không có "đất dụng võ", ở cái làng quê yên bình này thì kiếm đâu ra ma quỷ, họa chăng có thì toàn là ma do mấy bà hàng rau hang thịt ở chợ tự thêu dệt nên.

Nhưng đến tháng 3 năm 1946 thì mọi chuyện ở quê em bắt đầu biến động. Khởi đầu là những làng xung quanh làng em, bắt đầu từ làng ngoại. Cứ đêm đến là đường làng lại có tiếng rục rịch rồi ào ào như có cả đoàn quân đi qua vậy, lắm nhà còn nghe thấy cả tiếng cây đổ ầm ầm, từ lúc nửa đêm đến đến gà gáy, không lúc nào ngớt. Người dân quê ban đầu tưởng là trộm cướp vào làng nên hò nhau đánh trống khua chiêng đổ xô ra đường. Nhưng ra đến ngoài thì lại lặng ngắt như tờ, cây cối vân ý nguyên. Vài lần như vậy, người làng biết có chuyện chẳng lành nên ban ngày thì các cụ bô lão ngồi trong đình làng họp bàn cách giải quyết, cứ đến sẩm tối là lùa gà chó vào chuồng, cài then khóa cổng không lai vãng ra ngoài. Trước đây thì nhà này qua nhà kia ngồi chơi chè nước đến đêm mới về, trẻ con thì tụ tập chơi đuổi bắt trên đường làng,… náo nhiệt đông vui vô cùng. Còn giờ thì cả làng quê im lìm như ngôi làng chết, bọn chó trong làng thì cứ đến tối là cụp đuôi chui vào trong gầm giường ư ử cả đêm, trẻ con cũng sợ đến mức không dám khóc. Nhưng nếu chỉ có vậy thì chẳng có gì đáng nói, chỉ có điều là 2 tháng sau thì gà vịt trong làng cứ mất dần, mỗi đêm lại mất vài con, có nhà còn bị mất cả con trâu, mà sáng hôm sau ra xem chuồng gà chuồng trâu thì chẳng có dấu vết gì, vẫn cửa khóa, chằng xích y như đêm hôm trước. Dân làng đó nghi là có trộm nên đổ xô đi lùng, đến một hôm thì có người báo là thấy có dấu máu đi vào trong núi. Thế là kẻ cuốc người gậy kéo vào trong núi xem đứa nào mà táo tợn đến thế. Nhưng đi vào đến quả núi phía trong thì cả làng mấy trăm người cùng đứng sững lại vì trước mặt họ là một đống xác gà vịt, trâu bò đang phân hủy, xác chất cao như núi, hôi thối nồng nặc. Thế là chẳng ai bảo ai, cắm đầu cắm cổ chạy về làng. Về đến sân đình làng thì mọi người mới bắt đầu xì xào bàn tán xem thứ gì mà lại gây ra chuyện như vậy. Người thì bảo tại ma quỷ, kẻ thì đổ tại làng có đứa ăn ở thất đức nên thánh thần giáng tội cả làng, bây giờ mới chỉ là trâu bò, sợ sau này đến cả người cũng chết.

Đến một tuần sau thì chuyện không còn ở trong phạm vi làng ngoại nữa, đến cả làng Đông, làng Nam, làng Bắc đều có trâu bò gà vịt chêt hàng loạt. Lúc này thì mọi người mới hoảng loạng lên, đi khắp nơi mời thầy này cô nọ về cũng bái trấn yểm, hao tốn bao nhiêu tiền của mà mèo vẫn hoàn mèo. Nghe tin bên làng em có mấy ông học thành tài phép của người Tàu nhưng mấy ông lại chẳng có tiếng tăm gì nên người các làng kia cũng nghi ngại, không mời từ đầu. Còn nước còn tát nên họ cử ngay mấy cụ bô lão trong làng sang bên làng em xin mấy ông kia cứu giúp, hứa sẽ hậu tạ đầy đủ. Mấy ông thầy già nhiều tuổi thì tỏ vẻ ái ngại nên khéo léo từ chôi, còn 2 ông thầy trẻ mới học xong thì hăng hái đi ngay, mừng như bắt được vàng vì lần đầu tiên được thử tài học của mình. Nhưng sau khi đi xem qua địa thế các làng kia và vào tận trong quả núi có đống xác trâu bò xem tình hình thì 2 ông này mới thấy sợ. Nhưng lỡ nhận lời rồi ma không giúp thì lại trái với lời thệ lúc bái sư nên hai ông đành phải làm. Ba ngày sau, hai ông cũng dân làng lập đàn từ lúc sáng sớm. Bày ra đủ thứ trận đồ, cờ phướn, mỗi ông mặc một đạo bào cánh hạc, một trắng một đen, tay cầm kiếm gỗ, vừa bắt quyết vừa lầm nhẩm đọc chú pháp. Sau khi cúng tế xong thì một thời gian dài không thấy mấy làng kia bị chết gia súc gia cầm gì nữa, tiếng động ban đêm cũng hết, cuộc sống lại trở về bình thường. Nhưng bên làng em thì bắt đầu có biến…..

Chuyện thứ ba: Thầy phù thủy (tiếp)

Sau cái đợt hai ông thầy kia đi giúp lang bên cạnh trừ tà thì mấy ông thầy làng em bắt đầu nổi tiếng, người ở nơi khác kéo đến rất đông. Nhà thì xin giải hạn, nhà thì xin xem chuyện tình duyên, nhà thì nhờ tìm một tổ bị mất,…. Nhưng chủ yếu là hai ông thầy kia nhận, còn những ông khác thì đều tìm cách từ chối, rất ít người xin được. Chẳng mấy chốc mà hai ông thầy kia giàu lên trông thấy, chỉ sau có 2 tháng mà nhà mỗi ông dựng lên một cái điện to bằng cả chục gian nhà thường. Dân làng xì xào bàn tán không hiểu sao chỉ với một tháng ngắn ngủi mà hai lão lại xây nhanh đến thế, có lắm tiền thì thợ cũng chỉ làm có giới hạn thôi chứ sao lại nhanh như vậy được, có người còn bảo là do hai lão chờ đến khi đêm xuống rồi sai âm binh xây hộ.

Đang yên bình như vậy, nhà hai lão giàu thì càng ngày giàu lên, người làng em cũng được hưởng sái vì tiền bán vàng hương, đồ ăn thức uống cho khách thập phương, và đặc biệt là bọn trẻ con thì lại xôi oản ăn không hết, bánh trái ê hề. Thế rồi đùng một cái, hai lão treo cổ tự tự ở cây gạo cuối làng, nhà cửa cháy rụi không còn một tý gì. Sáng hôm hai lão treo cổ, mấy ông thầy pháp còn lại trong làng đều cùng vơi người làng đỡ hai cái xác ấy xuống rồi làm lễ siêu độ. Đang làm lễ thì tự nhiên bát hương bốc cháy đùng đùng, lửa xanh lè như ma trơi, bài vị, nhang đèn cúng cho hai lão kia đều đổ dúi dụi. Sáu ông thầy còn lại vội bảo mọi người ổn định, rồi mỗi ông bắt quyết một kiểu, đứng theo phương vị lục đạo mà niệm chú. Mọi người thấy kì dị, đang bàn tán nhau thì bỗng nhiên, mây dông vần vũ, gió thổi cát bụi mù mịt, cả làng hoảng lên, thi nhau lạy xin ông trời đừng giáng họa. Bất ngờ, một tia sét đánh thẳng xuống hai cái quan tài, quan tài bốc cháy phừng phừng, xương cốt bên trong cũng cháy theo. Người làng liền lao vào lấy cành cây, nước, cát định dập lửa nhưng mấy ông thầy kia cản lại, bảo hắt nước vào bây giờ là hỏng hết, thôi thì trời tính sao mình theo vậy là hơn. Một lúc sau thì lửa tắt, nhưng không hiểu cháy kiểu gì mà không còn phân biệt được đâu là tro cốt đâu là tro than. Dân làng ngẫm lại hai lão này trước nay chưa từng làm gì ác, tuy lúc giàu lên có hách dịch với bà con lối xóm, cớ sao lại nên nông nỗi này. Lúc này ông T, người cao tuổi nhất trong sáu thầy bước ra nói:

- Hai ông này trước đây giúp người mấy làng nọ trừ ma quỷ, nhưng lại không biết lượng sức mình, động vào cả ma quỷ chết trận từ đời Trần, Hồ đến bây giờ, nên bị chúng nó bào thù. Nhưng đấy mới chỉ là một tội, còn tội nữa là dùng nghề phù thủy để đổi lấy giàu sang, buôn thần bán thánh đổi lấy tiền tài, danh vọng, phạm vào lời thệ lúc bái sư nên giờ bị trời phạt chết không toàn thây, chẳng được mồ yên mả đẹp!

Sau vụ đó, tưởng mọi chuyện chẳng có gì nữa, người dân quê lại trở về với công việc đồng áng, buôn bán như cũ, khách đến làng em cũng ít dần. Thế rồi, vào tháng 7, năm năm sau thì mọi chuyện mới thức sự bắt đầu. Đầu tiên là vụ ông em và mấy người bạn học thấy ma ở nhà ông tú, chuyện chỉ đơn giản có vậy nên cũng chẳng ai chú tâm lắm.Bẵng đi một thời gian tưởng không có gì thì bất ngờ, vào đúng ngày mùng sáu tháng tư năm sau, tự nhiên gà chó trong làng chết sạch, không còn lấy một con, người làng xót của, khóc lên khóc xuống. TRí thức trong làng thì nghĩ là dịch bệnh nên gọi bác sĩ người Liên Xô trên tỉnh về xem, nhưng không tìm ra được bệnh gì. Thế rồi ,mùng sáu tháng sau, ông H., nhà bán rượu ở cuối làng đang khỏe mạnh bình thường, ngồi nhậu với mấy anh em thì tự nhiên cười khanh khách, mắt trắng dã rồi lăn ra chết. Người làng kinh lắm, nhưng cho là trúng gió nên không để tâm gì nhiều thì mùng sáu tháng tiếp theo, rồi mười sáu, hai sáu trong tháng. Cứ đến ngày đó là tự nhiên trong làng lại có người chết bất đắc kì tử, mà toàn chết vào lúc giữ trưa với lúc nửa đêm. Giờ thì dân làng hoảng loạn thực sự, đến ngay cả nhà ông B, một trong sáu ông thầy trong làng cũng có người chết. Cả sáu ông cùng bắt tay vào lập đàn, quyết tìm cách giải hạn cho làng. Kén ngày mùng một tháng sau, người làng chuẩn bị từ trước, đắp đất lập một cài đàn cao 2 mét, rộng chừng năm mươi mét vuông. Sáu ông bảo dân làng về lấy máu chó đen vẩy trước cửa nhà rồi đàn bà con gái với trẻ con thì ở yên trong nhà, chỉ để sáu ông với đàn ông tuổi Dần, Thìn, Dậu, Tuất ở lại trông đàn. Đêm hôm đó không trăng, đàn ông đốt đuốc đứng theo đúng vị trí mà các thầy phân công, không được nói chuyện, cười đùa, không được ăn mặn trong ngày. Cái đàn tế được bày thêm đủ loại trận đồ, phướn xanh phướn đỏ, lục đinh lục giáp, tinh đồ, binh khí, nhìn rất oai nghiêm, bí hiểm. Đến đúng 10 giờ tối, cả sau ông thầy cùng lên đàn một lượt, ông T là người uyên thâm, giỏi phép nhất nên đứng làm chủ tế, năm ông còn lại chia nhau đứng theo ngũ hành, ông nào ông nầy đều mặc đạo bào tía, một tay cầm kiếm gỗ đào, một tay bắt quyết chỉ thẳng vào người ông T. Khi cả sáu ông bắt đầu làm phép thì trời dần dần nổi gió, từ trong núi Chà Ma, tiếng khóc, tiếng cười khe khé cứ ngày một đến gần, người gác đàn lắm anh sợ muốn vỡ mật. Một lúc sau thì gió cứ như bị hút vào cái chum đất đặt trên đàn tế, đến khi gió gần ngưng thì tự nhiên ông B và ông D ngã lăn ra đất, cả đám đứng đó đều hoảng. Ông T vội hét to bảo tất cả đứng yên không rời vị trí, rồi ông lao ra, bịt miệng chum, lấy bùa dán đè lên miệng. Xong xuôi rồi ông vội vàng vứt cả kiếm, chạy lại chỗ ông B và ông D, tất cả đổ xô vào xem thì thấy hai người đã lịm đi, ông T và ông S mỗi đỡ lấy đầu hai ông, bấm vào nhân trung cho tỉnh lại. Vừa tỉnh lại thì hai ông trào cả máu mũi máu mồm ra, hai ông cố vớt vát mấy câu cuối, ý bảo dân làng thay hai ông lo cho mấy đứa con, bảo chúng nó sau này đừng theo nghề bố, còn xác hai ông thì giao cho ông T đem đi yểm. Lúc này thì ông S là anh ruột ông B, thấy em chết thì khóc rống lên rồi cười hềnh hệch như điên như dại rồi chạy thẳng ra bờ sông, mấy anh thanh niên khỏe mạnh đuổi theo giũ ông lại thì bị ông ưỡn người, lắc cho vài cài, 4 anh thanh niên bị bắn ra xa nằm ngất lịm, còn 2 anh lồm cồm bò dậy đuổi theo ông thì không tài nào kịp, ông S nhảy ùm xuống sông rồi mất tăm, không thấy gì, 2 anh vội nhảy xuống vớt thì chẳng thấy đâu, liền lao lên bờ hô làng cho thêm người ra cứu.

Nhưng vừa lên bờ thì cả hai thấy sống lưng lạnh toát, hai người từ từ nhìn ra sau, ngay lập tức cả hai cung hét lên kinh hoàng. Cái mà họ đang thấy là ông S đang đứng trên một tấm vãn chỉ rộng bằng tờ giấy bản mà ông không chìm, còn cái người ông thì xoay tít trên cái ván y như chong chóng, ông S tự nhiên cười the thé, từ xa mà tiếng vang ý như ngay bên cạnh. Dân làng bấy giờ đổ xô ra thì thấy cảnh tượng kì dị này, mặt ai nấy cắt không còn giọt máu , vội vàng cho hơn chục người bơi giỏi rồi cuộc dây vào người, bơi ra cứu ông S. Cứu được ông S vào bờ rồi thì ống lại giãy đành đành như cá, mắt trắng dã, miệng hét lanh lảnh: "Thả tao ra! Thả tao ra!" rồi bất chợt, mắt ông lại đỏ rực lên như hòn lửa, giọng ồm ồm, gầm ghè: "Chúng mày lấy hai cái xác cho kia để yểm được bây giờ chứ yểm được mãi hả! Để tao cho chúng mày yểm nhớ? Yểm này! Yểm này! Yểm này!" Cứ mỗi tiếng "yểm này" người ông S lại giật lên, máu mũi máu mồm trào ra như hai ông kia, ai vào ghìm lại cũng không được. Một lúc sau thì ông T và ông C chạy đến, hai ông vội bắt quyết, ấn lên trán ông S. Nhưng tay vừa chạm vào ông S thì cả hai ông bắn ra như chạm phải điện, ngất ngay tại chỗ. Mọi người vội võng ông T và ông C về đình làng rồi xức dầu, xoa bóp cho hai ông tỉnh lại. Vài tiếng sau thì hai ông tỉnh lại, ông này nhìn ông kia rồi thở dài thườn thượt, ông C lẩm bẩm:" Một đêm mà mất ba người! Ba người! Ba người!" Tất cả xúm vào hỏi hai ông chuyện gì đã xảy ra. Ông T bảo:

-Hôm nay bọn tôi tính nhốt hết oán hồn, ma quỷ lại rồi phong kín không cho gây họa đến đời sau. Nhưng bất ngờ ông B và ông D lại bị vậy nên để xổng mất bốn cái oán linh! Hai ông chắc thấy có lỗi lắm nên bảo để thi hài lại cho tôi đem đi trấn yểm cho làng. Nhưng mà chỉ yểm được trong vòng 25 năm thôi vì mấy cái oán linh này mạnh lắm, còn thành hoàng làng thì đang chịu phạt nên không làm gì được chúng nó. Tôi đang tính là trong 25 năm đó làng mình sẽ đi tìm một người đủ giỏi để trấn áp nó. Còn số tôi già yếu sống nay chết mai, không biết sao mà lần!- Nói đoạn, ông T lại thở dài sườn sượt,ông C nhìn ông cũng thấy buồn.

Người làng nghe vậy thì dựng cả tóc gáy, nhưng vẫn yên tâm phần nào vì còn được 25 năm không bị quấy phá. Có gì thì 25 năm này vẫn còn nhiều thời gian để tìm thầy này thầy kia.

Nhưng thực sự thì 25 năm đó không hề yên ổn như mọi người mong đợi, vẫn tiếp tục có những đợt sóng ngầm

Đọc tiếp: Nỗi Ám Ảnh - Phần 2
Home » Truyện » Truyện Ma » Nỗi Ám Ảnh
↑ Trên cùng
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM