XtGem Forum catalog

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Nỗi Ám Ảnh - phần 10

Chuyện thứ mười một: Khai cuộc

Sáng ngày hôm sau, tôi, Việt và ông Bách vẫn cứ ngồi thần mặt ra trước hiên, dùng hết bộ não để suy nghĩ cách giải ba con cờ. Chợt ông Bách nói:

- Ba quân cờ này có lẽ tượng trưng cho ba người ta, mỗi quân là tính cách mỗi người. Nhưng chuyện không thể đơn giản thế được. Chắc chắn phải có ý nghĩa sâu xa gì đó ẩn trong mỗi quân cờ.

Chán chế rồi lại nghĩ đến cái ý nghĩa sâu xa gì đấy, đau hết cả đầu. Tôi ngán ngẩm đứng dậy rồi đi dạo quanh vườn cho thư thái đầu óc, cả ngày hôm đó, tôi cứ lang thang mãi trong vườn, lục lọi trong trí nhớ về bất kì một điển tích, câu chuyện hay một nhân vật nào đó, hi vọng tìm ra một mảnh ghép cho câu đố này. Chiều về, ánh tà dương buông xuống, nhuộm vàng mọi vật, nhìn khung cảnh xung quanh, bỗng chốc tôi thấy bình yên lạ thường. Chợt tôi nhớ đến một chi tiết nhỏ trong trận chiến tối qua, liền lao như bay ra thùng rác, bới tung tất cả lên. Cuối cùng thì cũng tìm ra cái vòng hoa tang mà con hình nhân cầm đánh nhau với bọn tôi, trên vòng vẫn còn một lỗ thủng ở góc sát vành nan. Cầm cái vòng hoa trên tay, tôi cố lắc mạnh hết sức cho hoa rơi ra mà không được, phải đem vào sân gỡ từng bông hoa ra. Khi bông hoa cuối cùng được gỡ ra, lộ ra giữa hai lớp nan tre là một bàn cờ tướng nhỏ, chắc cùng một bộ với mấy quân cờ kia. Tôi như mở cờ trong bụng, cười:

- Có thế chứ! Tý nữa thì vứt mợ nó mất!

Hí hửng rước cái của báu vào trong nhà, tôi đàng hoàng đặt nó lên bàn, gọi ông Bách và thằng Việt ra để khoe về cái sự thông minh của mình. Nhưng kì lạ là trông mặt hai người khang khác, gặng hỏi thì thằng Việt đưa ra hai quân cờ : Xe xanh và Pháo xanh. Tôi ngạc nhiên hỏi nó lấy ở đâu, nó trả lời:

- Sáng nay lúc tao dọn đầu giường thằng D thì thấy quân Pháo, còn lúc tao mới ngủ dậy thì thấy quân Xe ở trên gối tao.

Tôi hỏi tiếp:

- Sao trên gối mày lại có quân Xe ? Đúng ra quân Sĩ mới là biểu tượng cho mày chứ!

Thằng Việt đáp;

- Tao không rành chơi cờ lắm, nhưng tao nghĩ quân Pháo là thằng D, quân Sĩ là con em tao thì quá hợp. Vào lúc cuối trận thì hai quân này có thể hỗ trợ lẫn nhau!

Ông Bách cũng gật gù xác nhận, chợt ông chỉ tay vào bàn cờ, hỏi:

- Bàn cờ này cậu kiếm đâu ra?

Tôi trả lời ông về cái vòng hoa giấu bàn cờ. Ông Bách nói:

- Đây không phải bàn cờ bình thường, nó nhẹ hơn so với bàn cờ bằng đồng cùng loại, chắc bên trong là bàn cờ hai đáy, hơn nữa nó cũng dày hơn so với bàn cờ thường.

Tôi cúi sát mặt xuống, nhìn kĩ thì thấy các đường ngang dọc trên bàn cờ như là đường rãnh nhỏ ly ti. Lấy tay sờ lần quanh các góc cạnh bàn cờ thì thấy có ba cái cửa được che kiểu ổ khóa xe máy, chắc phải có chìa khóa mới mở được. Hai người kia xem xong, cũng tán thành với ý kiến của tôi. Nhưng lại nảy sinh thêm vấn đề là chìa khóa đâu? Thằng Việt suy nghĩ mãi không tìm ra cách mở, nó lấy một sợi dây thép, uốn lại rồi thò vào trong khe, cố mở khóa theo kiểu ăn trộm. Nhưng vẫn vô ích, bỗng ông Bách kêu:

- Lấy mấy mũi dao và tiêu mà hôm kia gỡ ra từ người hai vợ chồng con Ngọc Anh xem sao.

Thằng Việt nghe ông nói vội chạy vào trong, bưng ra một cái khay, trên đó là mấy mũi ám khí hôm trước. Ông Bách quấn vải vào tay, cầm một mũi tiêu, khẽ chọc vào ô khóa, xoay một vòng. Vẫn chưa có gì xảy ra. Cho tiếp hai mũi tiêu còn lại vào ổ khóa, xoay nửa vòng, rồi phần tư vòng thì trong bàn cờ phát ra tiếng lạch cạch rất nhỏ. Tôi hoảng hồn, vội hô to:

- Tất cả nằm xuống!

Lúc nghe tiếng lạch cạch, tôi cứ sợ là trong bàn cờ sẽ bắn ra tiêu độc hay lia lưỡi dao ra. Nhưng nằm rạp sát đất đến hơn mười phút vẫn chẳng có gì. Tôi mới ngẩng lên, nhìn bàn cờ. Trên mặt bàn cờ giờ đã lộ rõ những rãnh trên đường đi của quân cờ, còn ở vị trí các quân cờ bên xanh thì có mấy que tròn cỡ quân cờ nhô lên. Ráp lần lượt các quân cờ vào vị trí, đột nhiên bàn cờ thụt xuống xuống từng ô, mép bàn cờ lại thụt xuống hai ô nữa, giờ nhìn bản cờ như một tấm ghép hình. Nhưng phải ghép hình gì mới được chứ? Còn đang suy nghĩ thì đột nhiên các quân cờ, hay đúng hơn là các ô bàn cờ rục rịch chuyển động, tráo đổi vị trí cho nhau. Nhìn mặt bàn cờ lúc này trông hệt như những cảnh mở khóa cửa bí mật trong phim, kẻ làm ra cái bàn cờ này cũng phải có một bộ óc tinh vi, thông minh đến lạ thường mới làm nổi. Chuyển động chừng một phút thì các quân cờ dừng lại, xếp thành hình sao năm cánh, mỗi quân đứng về một góc, tạo thành một hình ngũ giác hoàn hảo. Chợt khoảng ô cờ giữa năm quân đột ngột mở ra như một cánh cửa thang máy, phía trong lòng hình như là một quân cờ nữa. Tôi vội lấy đèn pin trên điện thoại ra rọi vào trong, là quân Tướng đỏ. Nhưng ô bàn cờ bé thế thì khó lấy đây, mà cũng chẳng sao, luồn ngón tay vào là gắp lên được mà. Nghĩ sao làm vậy, tôi thò hai ngón tay xuống ô hổng, định bụng gắp quân Tướng kia lên, chợt thằng Việt nắm chặt lấy tay tôi kéo lại, nó bảo:

- Khoan đã, chuyện không ngon ăn thế này được!

Nói rồi nó lấy một mũi gắp trên khay y tế, thò vào gắp quân cờ ra. Bỗng "Keng!", tiếng kêu chói tai vang lên, mũi kéo gắp tự dưng tóe lửa. Thằng Việt rút mũi gắp lên, thật không ngờ là mũi gắp đã bị lia cụt như miếng đất sét bị lạt cắt! Tôi kinh ngạc không biết chuyện gì vừa xảy ra, thằng Việt nhăn mặt, ái ngại:

- Nó thâm thật, chơi cả trò này! Đây mày xem kĩ lại này!

Nói rồi nó đưa một cái que gỗ vào trong, que gỗ từ từ thò vào, nhưng khi vừa xê dịch quân cờ là có ngay hai lưỡi dao sắc lẹm, lia ập vào cắt phăng cái que. Nghĩ lại lúc nãy mà cứ đưa ngón tay vào gắp ra thì chắc tay mình cũng chẳng hơn gì cái que hay mũi gắp kia. Rồi sau đó, tôi và thằng Việt nghĩ ra cách là chặn ngay hai tấm sắt vào hai cạnh lỗ hổng, lưỡi dao lia qua mà không có đủ khoảng cách để phát huy lực thì cũng vô dụng. Loay hoay mãi rồi cũng lấy được quân Tướng ra ngoài, vừa nhìn đã thấy ngay là quân cờ này rỗng ruột, trong lượng nhẹ hơn hẳn mấy quân kia thường, dưới đáy lại còn có một khấc khóa giữ nắp. Lần này mở quân cờ ra, chúng tôi lại càng thận trọng hơn, phải đính chặt quân cờ xuống đất bằng keo dính sắt, rồi dùng mũi nhuyễn kiếm của thằng Việt lùa vào cái khấc bé tí, bẩy lên cho bung ra, trái với dự tính của chúng tôi, quân cờ chẳng có bẫy gì cả. Bên trong ruột quân cờ là một mảnh giấy gấp gọn, tôi cầm kẹp nhíp gắp lấy mép giấy, nhẹ nhàng giở ra. Khi nhìn vào tờ giấy, một cảm xúc hụt hẫng xen lẫn bực tức, uất ức trào lên trong tôi, bên trong là một khuôn mặt Joker, và một hàng chữ tiếng Anh : " Why so serious? There 's no fucking rule!

Tôi điên tiết túm lấy tờ giấy, vò nát rồi ném mạnh xuống đât, chửi đổng:

- Mẹ kiếp! Nó nghĩ nó là ai? Tính mạng vợ chồng thằng D nó đem ra làm trò chơi! Dụ mình nghĩ nát óc về cái mật mã khỉ gió của nó!

Thằng Việt thất thần, ngồi phịch xuống ghế, thở dài não nề:

- Chuyện âm binh âm tướng lo chưa xong! Giờ ở đâu lòi ra một thằng loạn trí thích Joker với Kaito Kid.

Riêng ông Bách lại rất bình tĩnh, ông chờ hai thằng hạ hỏa rồi trầm ngâm:

- Không! Nó không điên chút nào! Rất thông minh, mưu lược là khác! Nó bày ra đủ trò để chọc tức mình, khiến mình rối trí rồi nó sẽ thừa cơ hội tấn công, dẫn dụ mình vào trò khác của nó. Bây giờ phải thật bình tĩnh, bĩnh tĩnh hết sức để phán đoán mọi việc. Nhưng bề ngoài thì phải tỏ ra mình tức lắm rồi, điên cuồng lắm rồi để nó nghĩ mình tức thật, nó sẽ sinh chủ quan, lộ ra yếu điểm của nó!

Đúng là người già trí tuệ cao, mình cậy trẻ mà nóng quá, không có ông ở đây thì làm hỏng hết việc. Đột nhiên, vợ tôi trong nhà hớt hải chạy ra, gọi ba người:

- Anh H, Anh Việt với cụ mau vào trong xem thế nào đi. Cô Ngọc Anh cô ý tỉnh rồi! Nhưng mà lạ lắm!

Chúng tôi hốt hoảng chạy vào trong phòng. Ngay trước mặt tôi là Ngọc Anh, đang ngồi chải tóc, trang điêm ở bàn phấn. Nhưng đó không phải là con bé Ngọc Anh nhút nhát, e lệ em tôi, lúc này nhìn Ngọc Anh vẫn hoạt động bình thường,..chỉ…chỉ có khuôn mặt là khác. Đó không còn là khuôn mặt trắng hồng, cười mỉm ngày nào, giờ chỉ còn một khuôn mặt vô hồn vô cảm, đôi mắt đăm đăm nhìn xa xăm về nơi nào đó. Thằng Việt còn bàng hoàng hơn tôi nhiều, nó lại gần Ngọc Anh, lắc lắc vai, run run hỏi:

- Em ơi! Em ơi em! Mày sao rồi? Anh Việt đây, anh ruột mày đây! Kìa ông nội kìa, cả anh H nữa kìa.

Nói đoạn nó chỉ tay vào hai người.

Ngọc Anh nhẹ nhàng quay đầu lại, đáp bằng giọng thờ ơ:

- Anh Việt à! Chồng em sao rồi?

Thằng Việt đáp:

- Thằng D không sao! Nó mất máu nhiều và bị trúng độc, giờ hôn mê tạm thời thôi! Thở oxy thế là không sao đâu! Anh xem kĩ rồi!

Ngọc Anh chẳng nói chẳng rằng, rẽ bốn người bọn tôi ra, bước vào ngồi cạnh giường thằng D, nắm lấy tay chồng, nói lí nhí:

- Mình ơi! Dậy đi mình! Sao mình ngủ lười thế? Dậy đi kìa! Sắp trưa rồi!

Vừa nói nước mắt Ngọc Anh lại chảy dài trên má, vậy mà khuôn mặt vẫn cứ vô hồn không chút cử động. Tôi không còn đủ cứng rắn để nhìn cảnh này nữa, túm tay thằng Việt kéo vội nó ra ngoài, hai thằng cố quay mặt đi giấu nước mắt, cắn chặt môi ghìm tiếng nấc lại. Ra ngoài phòng khách, tôi hỏi:

- Ngọc Anh sao bỗng dưng lại thay đổi như thế?

Thằng Việt buồn thiu, đáp:

- Có thể trước khi ngất đi, hình ảnh cuối cùng nó nhìn thấy là thằng D đang chống chọi lại chất độc, bản tính con bé nhút nhát, người nó yêu nhất lại là thằng D. Việc nhìn thấy cảnh đó đối với nó là cú sốc lớn. Bây giờ muốn nó trở lại bình thường thì cách duy nhất là thằng D tỉnh lại, tự khắc con bé sẽ hoạt bát như cũ.

Tôi sốt sắng:

- Thế bây giờ làm cách nào để cho thằng D tỉnh lại?

Thằng Việt đáp:

- Không cần làm gì cả, với sức khỏe của nó thì chỉ cần đến sáng ngày kia là tỉnh hoàn toàn. Hiện tại nó tuy hôn mê nhưng vẫn nghe được, cảm nhận được những gì xảy ra xung quanh. Hiểu được tình cảm con em tao dành cho nó, nghị lực sống sẽ thúc đẩy thêm, thậm chí tối nay hoặc sáng mai là tỉnh luôn.

Rồi nó tiếp:

- Giờ cái tao lo là thằng loạn trí kia nó sẽ giở trò gì tiếp theo. Một con người có trí tuệ vượt bậc nhưng lại có trái tim lạnh thì sẽ thành một con quỷ nguy hiểm vô cùng. Rốt cục thì thực sự nó muốn gì, mình vẫn không rõ!

Tôi thở dài, dựa lưng vào ghế, trong đầu cố nghĩ ra cách ứng phó cho mấy ngày tiếp theo. Việc Ngọc Anh tỉnh dậy sớm hơn dự kiến là một chuyện tốt, nhưng như người lạc hồn tán phách thế kia thì sao mà tôi yên cho được.

Đêm hôm đó, ba người bọn tôi lại ra canh bên ngoài, lần này thằng Việt và ông Bách phải cùng hợp sức bắt quyết, dán bùa chú kép, hi vọng thằng kia không thể mở được. Đúng như dự đoán, tầm 9h, lại có động, cái "la bàn ma" của thằng Việt cứ xoay tít như chong chóng, cuối cùng kim chỉ thẳng về hướng Nam nhà. Nhưng kim chỉ một hồi mà vẫn chẳng có gì xảy ra, không một bóng đen nhảy qua tường, không một tiếng kêu hú,…im lặng một cách đáng sợ. Ông Bách trấn an bọn tôi:

- Gặp biến không được rối, gặp nguy không được hoảng! Tạm thời cứ bình thản như không, ngày mai hẵng diễn!

Nhấp ngụm trà, hương trà thơm lan đều trong họng khiến tôi thư thái được phần nào, ánh trăng mờ, gió hiu hiu thổi đưa cành liễu phất phơ, đưa hương hoa trong vườn vào tận hiên. Nhìn khung cảnh này chẳng ai nghĩ là sắp có chuyện xảy ra, quá yên bình.

Đột nhiên, cánh cổng mở toang ra, một đám người áo xanh áo đỏ kiểu ngày xưa xộc vào trong sân, mặt ai nấy đen xì, u ám, rõ ràng đứng nhìn thằng mà tôi không tài nào nhìn rõ mặt ai, vậy mà cứ có cảm giác mình đang nhìn mặt một người bình thường. Ông Bách duỗi chân, khoan khoái ngồi tựa vào tường, nói :

- Giặc tràn vào thành, lão Tượng xông pha đánh địch!

Dứt lời, ông nhẹ nhàng rút cây sáo ra, thổi khúc Mai Hoa Tam Lộng, âm điệu thanh cao, khí tiết, đám áo xanh áo đỏ kia vừa nghe tiếng sáo thì dạt hết cả ra, được một lúc lại cố chen vào, ông Bách vẫn thổi, tiếng là thổi đánh nhau nhưng ông như thả hồn vào khúc nhạc, không quan tâm đến sự vật xung quanh. Đám kia nháo nhào lên, phần bỏ chạy, phần thì loạn trong sân. Một lúc sau, bỗng ở đâu một đàn chó xồ đến, mắt đỏ ngầu, sủa váng lên, cố át đi tiếng sáo. Ông Bách ngưng thổi một chút, cầm sáo trỏ vào đám chó, đánh mặt sang phía tôi :

- Mã xung kích, tả xung hữu đột!

Tôi liền vớ lấy cây thiết côn, thuận thế Tam Thao Tùy Hình Pháp, đánh câu năm câu sáu, lao vào vung tít cây côn. Đám chó này đúng thật không bình thường, vụt côn liên hồi, đánh bao nhiêu đòn mà không còn nào biết sợ, gục rồi thì thôi chứ còn sức là cố lao vào tớp tay chân tôi cho bằng được. Nói là đánh chó mà tôi muốn bở hơi tai, trường côn vung ngang, quật dọc, bẻ trái., lật nam, liên tục không nghỉ tay mới đủ để phòng thủ, phải dựa thế vào ao nước phía sau để tránh bị đánh lén, cứ lừa lừa con nào lao vào là quật luôn. Trong lúc đánh, tôi vẫn cố gắng quan sát ngoài vòng chiến, thấy đám người áo xanh áo đỏ đã bị đánh chạy đâu mất, ông Bách và thằng Việt đáng chăm chú theo dõi tôi, thằng Việt mấy lần định xông ra nhưng ông Bách lắc đầu, ý bảo sức tôi lo được. Đánh mãi cũng hết đám chó, kỳ lạ là lúc nãy mình quật ngã chục con là ít, giờ chẳng thấy con nào nằm dưới đất, mà chúng nó chạy đi đâu cũng không biệt cứ tan như sương khói. Chống cự được nửa tiếng thì tay, vai, hông, bắp chân tôi mõi rã rời, phải lấy côn làm gậy chống vào, ngồi phệt xuống hè mà thở dốc. Thằng Việt lấy nước trà cho tôi uống, cạn cả ấm mà vẫn không hết khát.

Ngồi nghỉ chừng dăm phút thì có một làn gió man mát thổi vào, cảm giác lâng lâng dễ chịu chỉ muốn ngủ. Thằng Việt thấy tôi lim dim mắt thì quát to gọi dậy, đột một cục thuốc mùi ngai ngai, dí vào mũi cho tôi ngửi, thế tôi mới tỉnh dược. Sau đó, một người điềm nhiên bước vào từ cổng chính, bịt mặt kiểu thích khách, tay cầm kiếm thép, người mặc áo đen kịt, nhìn mái tóc dài và dáng người cũng đoán ra được là nữ. Tôi cười cười bảo thằng Việt:

- Fan cuồng của truyện kiếm hiệp hay game Ninja đến kìa, thời buổi này còn chơi trò giả ma nhát thánh.

Chợt người kia đang đứng giữa sân đã tiến tới sát chỗ chúng tôi ngồi từ bao giờ, nhanh không kịp thấy. Ông Bách quay sang bảo thằng Việt:

- Xe ngang dọc, tung hoành khắp bàn cờ!

Dứt lời, thằng Việt cầm nhuyễn kiếm, choàng đạo bào lên, lao ra nghênh chiến. Hai người lao vào vờn nhau, thằng Việt rung mạnh nhuyễn kiếm, đâm vào ngực cô gái kia, cô gái nhẹ nhàng lướt người tránh sang trái, thuận thế rút chủy thủ dưới cổ chân lên đâm ngang vào sườn thằng Việt. Thấy thế đánh hiểm, Việt vội thu kiếm về, uốn cong lưỡi kiếm rồi búng mạnh vào cây chủy thủ, dưới tác động của đàn hồi vào lực đánh, mũi chủy thủ bị tạt đi, cô gái vội cúi người xuống né kiếm, đưa chân quét mạnh vào ống đồng đối phương, tay phải thì đâm thằng kiếm lên cổ Việt. Thế đánh hiểm ác quá, thằng Việt phải giật lùi về sau, rung nhuyễn kiếm trả đòn, dần dần lấy lại thế cũ. Hai bên kẻ đâm người đỡ liền tay, trông hoa cả mắt, đột nhiên, cô gái rút trong người ra một xấp đống xu, lướt ngang mày, tay chỉ ấn chú rồi ném thằng vào mặt thằng Việt. Thụp người xuống để tránh nắm xu, thằng Việt đấm một đấm vào bụng cô gái, phía sau lưng nó, mấy đồng xe ném hụt nổ đoành đoành nhưu phim chưởng. Cô gái bị trúng một đòn vào bụng, hụt hơi nên yếu đi, đang định đâm một kiếm hiểm ra để đẩy lui thằng Việt, lấy thời gian nghỉ thì Việt rút trong bọc áo ra ba lá bùa, phẩy phẩy vài cái, đọc chú xong ốp thằng vào tay cầm kiếm của cô gái. Không biết bùa gì mà vừa chạm vào cô gái đã hét lên, buông kiếm rồi quay đầu chạy, trước khi chạy ném một mũi chủy thủ về phía ông Bách. Ông Bách khươ cây sáo gạt đi, lấy tay chộp được cán chủy thủ. Tôi tức giận vì đòn đánh hiểm vừa rồi, lại nhằm vào người già cả, liền lấy hết sức còn lại, vớ lấy thiết côn, quăng mạnh vào chỗ cô gái sắp chạy qua. Đúng theo tính toán của tôi, cây côn quạt ngang, quét ngã cô gái, nhưng cô ta đứng dậy ngay, tập tễnh chạy thẳng ra ngoài cổng rồi mất hút. Tôi và thằng Việt định đuổi theo thì ông Bách ngăn lại, bảo:

- Người ta thân gái, lâm vào đường cùng! Đừng nên dồn vào chỗ chết!

Hai thằng nghe lời, thôi không đuổi nữa. Trong lúc ngồi nghỉ, nói chuyện về trận đánh vừa rồi, tôi chợt thấy có gì lấp lánh trên mặt sân gần đường ra cổng. Nghĩ là mảnh thủy tinh nhưng nhân ra kiểu lóe sáng đó không thể là thủy tinh được, tôi liền đứng dậy, ra nhặt về xem có ích gì không. Lúc cúi xuống, cầm lên tay, phủi sạch bụi đất bám quanh đi, xem kĩ thì ra là một cái lắc chân con gái bằng bạc. Nhìn kĩ cái lắc chân hơn, tôi bàng hoàng, toát cả mồ hôi hột, lật đi lật lại, săm soi từng nét chạm khắc, từng quả lục lạc trên cái lắc. Đúng là nó rồi…cái lắc này chính tay tôi đi đặt làm…chính tay tôi vẽ mẫu hoa văn, mẫu chữ. Không thể nhầm được, chính là cái lắc đó, nhưng người có cái lắc chân tôi tặng này thì trên đời chỉ có một,..là người đó….người đó….nhưng…nhưng tại sao người đó lại làm chuyện này?

Chuyện thứ mười hai: Mèo mất nhạc

Sau khi nhặt được cái lắc chân, tôi cứ như người mất hồn, cả ngày hôm sau, tôi chỉ ngồi trong phòng đóng kín cửa, tay mân mê từng đường hoa văn trên chiếc lắc. Ngày tôi tặng em cái lắc này là đúng vào dịp kỉ niệm 1 năm ngày hai đứa quen nhau. Tự tay tôi đeo lắc vào chân cho em, nói:

- Đeo nhạc cho mèo này! Từ nay đi đâu cũng có tiếng nhạc, lúc nào anh cũng biết mèo đang ở đâu, không bao giờ anh sợ mất mèo nữa.

Em cười tinh nghịch, lắc lắc chân cho tiếng kêu leng keng, nghe vui tai làm sao. Cũng từ đó, mỗi khi đi bên cạnh tôi em thường cố nhảy chân sáo, mỗi bước đi của em là tiếng nhạc lại phát ra, tựa hồ như tiếng bông tuyết chạm lên mặt băng thanh.

Ngồi ngắm nghía mãi chiếc lắc, trong lòng tôi ngày càng mâu thuẫn vô cùng. Em yêu tôi vì tôi hay còn vì gì khác? Cảm giác lúc này của tôi như bị phản bội, bị lừa dối, nhưng tôi lại thấy không giận, không thù, con quỷ trong tôi cũng chẳng hề trỗi dậy. Vì sao vậy? Cảm giác này là gì?

Đang thất thần thì có tiếng gõ cửa, giọng thằng Việt vọng vào:

- H ơi! Mày sao thế? Cả buổi không ra khỏi phòng, định tự kỉ trong đó à?

Tôi cố lấy giọng vui, chẹt ngón tay vào yết hầu, è è trả lời:

- Trẫm còn đang mệt vì tối qua ngự giá thân chinh, để trẫm ngủ nằm thêm tý nữa!

Thằng Việt ở ngoài kêu:

- Thế để tao bốc cho mày thang thuốc hồi sức.

Lần này nó lại không có vẻ gì đáp lại câu đùa của tôi như mọi khi.

Tiếng chân thằng Việt vừa đi hết cầu thang cũng là lúc tôi lại chìm vào bóng tối. Miên man suy nghĩ về nụ cười của em, giọng Huế dễ thương của em, những kỉ niệm ê đềm bên nhau. Nhưng càng nghĩ về quá khứ tốt đẹp bao nhiêu thì lúc trở lại hiện thực lại bẽ bàng, xót xa bấy nhiêu. Hồi đi học đã học qua điều này trong truyện Kiều, cứ cho rằng nó là thứ cảm xúc vớ vẩn của tụi đàn bà, mình là đàn ông thì sẽ chẳng bao giờ thế. Rồi đến khi nó vận ngay vào mình, tôi mới thấy cảm giác đó tồi tệ đến mức nào, và tôi sợ, sợ không dám nhớ về quá khứ tốt đẹp nữa, sợ lại phải đột ngột trở về thực tại. Nhưng càng tránh, càng cố quên thì tôi lại càng nhớ, lại càng đau lòng khôn tả. Chỉ ước có ai đưa cho tôi một liều thuốc quên, để tôi quên đi buổi tối hôm qua, hoặc không có thuốc quên thì một cú đánh mạnh vào đầu cho mất trí nhớ cũng được. Thà rằng tôi sống êm đềm trong cái lừa dối ngọt ngào còn hơn là phải đối mặt với cảm xúc hiện giờ.

Mải suy tư, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Chẳng biết tôi ngủ được bao lâu, chợt bên tai vang tiếng cạch cửa, tôi giật mình mở trừng mắt, giấu vội chiếc lắc xuống dưới gối, hai mắt liếc nhanh về phía cửa xem ai vào phòng. Là vợ tôi, tay đang bưng bát thuốc bắc, rón rén cố đi thật chậm đến cạnh giường. Tôi ngồi dậy, ngái ngủ gãi đầu, cười ngố:

- Vợ sắc thuốc cho chồng đấy à? Vợ ai mà đảm thế nhỉ? À vợ mình!

Nàng liếc sang tôi, vờ giận dữ, xụ mặt lại. Nhưng vẫn ngồi xuống cạnh tôi, một tay bưng bát thuốc, một tay cầm thìa. Múc một muỗng thuốc, nàng đưa lại trước miệng tôi, cười tinh nghịch, thỏ thẻ:

- Em bé há miệng ra nào! Ù Ù Ù! Tàu bay vào đường hầm! Ù Ù!

Cái kiểu y hệt như lúc nàng bón cơm cho con, giờ lại đem ra dỗ tôi uống thuốc. Tôi sung sướng nuốt từng thìa một, vị thuốc đắng mà sao thật ngọt, ngọt hệt như vị hạt Tương Tư Đằng…

Uống hết bát thuốc, tôi nằm xuống gối, cười hì hì :

- Sao vợ đẹp thế? Càng nhìn càng thấy đẹp!

Vợ tôi cố nhịn cười, nàng nghiêm mặt đứng dậy, nguýt:

- Rõ là…. Làm bố bao lâu rồi vẫn cứ cái tính trẻ con. Trơ thế không biết!

Tôi thò chân ra ngáng chân nàng, chợt nàng kêu á lên một tiếng, ngã vào lòng tôi. Tôi túm người nàng lên, ôm gọn vào trong vòng tay, giữ chặt lại. Nàng cố giẫy ra mãi mà không được, phụng phịu chịu nằm yên. Hai vợ chồng thỏ thẻ nhau đủ thứ, hệt như hồi trước khi cưới. Nhưng êm dịu bao nhiêu thì tôi lại đau thêm bấy nhiêu. Cố cười thật tươi, tôi bất ngờ thò tay xuống túm chân vợ lên, hỏi:

- Để anh xem mèo còn đeo nhạc không nào?

Vợ tôi ngượng quá, cố đứng dậy chạy đi mà không được vì chân đã bị tôi túm lấy. Em ỏn ẻn:

- Em xin lỗi! Mèo làm mất nhạc rồi! Hay chồng mua nhạc mới cho mèo đi! Làn này mua lắc bằng vàng nạm đá quý nhé!

Lại là cái điệu nhí nhảnh ngày xưa, hơn 30 mà hai vợ chồng vẫn như con nít. Tôi rút cái lắc ra, đeo lại vào chân cho vợ, chặc lưỡi, vừa cười vừa càu nhàu:

- Hôm qua đi với anh nào mà làm rơi lắc ở bên vệ cỏ thế hả? Lúc đêm anh ra xem cá, thấy óng ánh mới nhặt lên, không thì mèo hết cả lục với nhạc. Mèo càng ngày càng hư quá thôi! Đeo lại vào không sểnh ra là mất ngay, về Hà Nội anh mua cho cả chục cái, đeo khắp người, mất cái này còn cái khác.

…… Thấy chồng thông minh không?

Vợ tôi cười , nhẹ đẩy tôi ra, đứng dậy bưng bát ra ngoài, ngoái lại bảo:

- Thôi không đùa nữa! Chú Việt với cụ mà nghe thấy thì ngượng chết. Chồng nghịch quá thôi!

Ra ngoài rồi, vợ tôi chợt mở cửa, thò đầu vào lè lưỡi nói với lại:

- À quên mất! Chồng dốt dốt dốt lắm. Chẳng có tý thông minh gì cả.

Xong chạy biến mất. Còn tôi thì nằm ngả ra giường, miệng vẫn mỉm cười nhắm mắt lắng tai nghe tiếng nhạc lúc em chạy. " Leng keng! Leng keng! Leng keng!". Vẫn tiếng đó, tôi vẫn mỉm cười thích thú khi nghe. Nhưng….!

Chuyện thứ mười ba: Chạm trán

Lòng vẫn mãi băn khoăn về câu hỏi tại sao chiếc lắc của vợ tôi lại rơi đúng lúc, đúng chỗ như thế. Nhưng tôi gác lại tất cả, biết đâu đấy là do có kẻ lợi dụng ăn cắp để đổ tội, khiến chúng tôi loạn từ trong loạn ra. Bất kể là gì thì tôi cũng mặc kệ, tôi tin vợ tôi không phải là kẻ như vậy.

Suốt hai tuần sau, mọi chuyện vẫn im lìm, không có gì đặc biệt xảy ra. Thằng D đã tỉnh, Ngọc Anh cũng bình thường trở lại, mọi chuyện trôi qua chóng vánh, ngỡ như vừa bừng tỉnh cơn mơ. Nhằm đúng ngày mùng một, chờ đến lúc tối đen thì cùng ông Bách lên đàn làm phép. Hai người ngậm một búng rượu, phun vào mấy tấm thẻ gỗ, rồi sau lại úp một tấm kính bát quái lên trên nắp hộp đựng thẻ, chờ lúc trăng mờ thì rọi thẳng lên trăng, thu ánh trăng mờ vào. Làm xong, hai ông chau lấy thẻ ra, xâu chuỗi đưa cho hai vợ chồng tôi, thằng D, cô giúp việc mỗi người một tấm đeo lên cổ. Lại dặn là khi nào cảm thấy xung quanh có khí âm lạnh lẽo thì ngậm lên miệng, tự khắc sẽ nhìn rõ chỗ đâu chạy được đâu không.

Tấm thẻ gỗ này tôi và thằng D đã quá quen, hai thằng to đầu rồi mà giờ nhìn nhau chẳng thằng nào dám ngậm thử lên cả. Chợt tôi thấy vợ tôi đưa tấm thẻ lên ngang miệng, tôi vội đưa tay cản lại, lấy cớ là nhìn nhiều thì mất thiêng, chứ không thì với người sợ đủ thứ như em chắc không sống nổi khi nhìn những cảnh tôi đã "may mắn" chứng kiến hồi trước. Chiều hôm đó, tôi theo thằng D vào rừng, cầm theo cả cưa xích, dao rừng. Khổ nỗi cứ đang cưa một lúc thì thằng D lại ngoái đầu ra sau nhìn cảnh giác, quan sát bốn phía rồi lại cắm đầu cắm cổ cưa tiếp, vừa cưa vừa cố nói chuyện thật rôm rả với tôi. Thế quái nào mà lúc mình vừa đi chỗ khác giải quyết bức xúc thì tự nhiên nghe giọng nó í ới loạn lên, vội vàng cắm đầu cắm cổ chạy ra chỗ cây đang cưa, tý nữa thì mình kéo khóa chẹt vào…. Ra đến nơi thì chỉ muốn thoi vào mặt nó, hóa ra ông tướng cứ vừa cưa cừa lảm nhảm nói chuyện, quay lại không thấy mình đâu nên hãi quá gọi ầm lên.

Cưa được gần mười lăm phút thì phạt hết các cành lá thừa thãi, chỉ để lại đúng một gốc hồng bì. Chặt xong nó gọi điện cho người ở xưởng mộc của bác nó kéo cây gỗ về, Cứ tưởng là về ngay, nào ngờ nó còn kéo tôi đi tuốt lên dãy núi sao, chặt mấy cây luồng to tướng về, mãi đến tối mịt nó mới chọn xong cây nào để chặt, chặt xong thì hai thằng tự vác về. Thằng D đi trước, ghé vai một tay ôm hai cây luồng, một tay xách đèn đêm, cái cưa thì nó đeo vào bao sau lưng. Cứ thế nó một tay ôm cây trên vai, một tay thong dong xách đèn đi xuống núi, mình đi sau vác đỡ cho nó mà cứ nhẹ như không, nhưng mệt mỗi cái là nó cao hơn mình, vừa đi phải vừa rướn người lên, mà thằng nay đột biến nên không biết mệt là gì, cứ vác đi băng băng không nghỉ, lúc tôi theo nó về đến sân thì cũng mệt nhoài người ra.

Sáng hôm sau, thằng Việt sang nhà ông bác, cùng hai thợ phụ xẻ cây gỗ hôm qua, chọn một khúc lõi, cưa bào nhẵn mịn, khía rãnh làm thân nỏ, Còn phần gỗ thừa còn lại thì nó cho đẽo gọt làm mũi tên hết, lại bịt cả sắt móc ngược vào làm mũi. Xong nó lại về lấy hai cây luồng ra, đem làm cánh nỏ, đẽo gọt, phơi phóng, bện dây, dán cánh tên chừng ba bốn ngày sau thì hoàn thành. Làm xong nó đưa cho tôi, bảo:

- Bây giờ dùng tầm xa cho nó lợi, một phát là xong, gọn nhẹ, đỡ tốn sức lực. Cái nỏ này tao chế tạo không theo kiểu của mình mà dùng cách thời Trung Cổ, lại thiết kế đường cung, mũi tên, đàn hồi dây theo ý tao sao chỏ phát huy lực mạnh nhất, hao phí công ít nhất. Bây giờ tao dạy mày bắn, dùng cái này kết hợp với vũ khí cận chiến là hợp.

Liền một tuần sau đó, thằng D dạy tôi cách ngắm bắn, cách tính toán đường đi, hướng gió, tốc độ di chuyển của mục tiêu. Nó nói:

- Để hạ gục đối thủ từ xa thì hai mũi tên là quá nhiều. Ưu điểm của cung nỏ là lợi thế tầm xa, bất ngờ, sát thương cao. Nếu mất đi một trong các lợi thế đó thì mày chỉ còn nắm 50% cơ hội, chưa kể là với mỗi lần bắn hụt mày sẽ đánh động, với kẻ thù nguy hiểm thì nó hoàn toàn có thể lao ra chỗ mày đang thay tên, dù cho mày có lắp kịp tên vào thì cũng sẽ hoảng loạn mà bắn trượt. Nhớ kỹ là chỉ một mũi tên, nếu thấy không chắc ăn thì đừng bắn. Đã bắn là phải trúng.

Dạy tôi được hai tuần thì tôi thành thạo nghề cung nỏ hơn hẳn, bắn được cả mục tiêu di động cách đó 100m. Thằng D thấy tôi bắn lên tay thì khoái chi lắm cứ cười hà hà, kêu có học trò thông minh, thầy giỏi có trò hay.

Trong lúc dạy tôi bắn nỏ thì thằng D cũng làm việc khác, nó lấy giấy A0 vẽ một bản thiết kế cây cung vô cùng tỉ mẩn chi tiết. Trong phòng nó chỉ có đúng một tờ giấy vẽ cây cung, còn lại la liệt là bản nháp, bản tính toán số đo của cánh cung sao cho bắn ra mũi tên hoàn hảo nhất. Trên cây cung của nó thiết kế cả rãnh xuyên tên, đường đục trên cánh cung để giảm bớt công kéo và tăng lực đàn hồi, lại gắn cả đèn ngắm laser, trông hoảnh tráng vô cùng. Thằng này khỏe như voi mà đầu nó thì giỏi tính toán hơn người, giờ mới thấy đúng là hồi cấp 3 nó toàn 9' toán lý không sai tẹo nào. Rối cây cung của nó cũng hoàn thành, làm xong nhìn cây cung to như trong game, cầm nặng cả tay. Thằng Việt vừa trông thấy sản phẩm thì chắp tay vái thằng D :

- Con lạy thánh ạ! Ông tướng định kéo cái cung này kiểu gì, nặng thế này thì để làm cảnh rồi, thôi ông dùng cái nỏ nhẹ nhàng như thằng thầy cãi nửa mùa cho con.

Thằng D cười cười, khoát tay ra bộ không thèm chấp, rồi nó giơ cây cung lên, gồng tay kéo dây lắp tên, tiếng dây kéo nghe trèo trẹo. Rồi nó buông dây, chỉ nghe phụt một tiếng, mũi tên lao vút đi, xuyên thủng cả hồng tâm gỗ dày hơn mười phân. Biết là thằng này sức khỏe phi thường rồi mà ai trông thấy cũng phải trầm trồ, Ngọc Anh thì tự hào lắm mà cố nén cảm xúc lại, nhưng ánh mắt không giấu nổi nét ngưỡng mộ đức ông chồng phi phàm.

Chuẩn bị thế là xong, giờ chúng tôi có thể tự tin đi tìm bắt kẻ địch, không còn bị lâm vào thế bị động nữa. Không cần biết kẻ giấu mặt kia là ai, nhưng cứ diệt trừ hết tay chân của nó thì diệt nó chẳng khó gì. Sáng ngày hôm sau, tôi thằng D, thằng Việt cùng nhau vào trong núi, quyết diệt cho bằng được kẻ thù trên cạn, con Cùng Cục. Nhắc đến nó mới nhớ, không biết rõ mặt ngang mũi dọc nó ra làm sao thì tìm thế quái nào được. Thằng Việt lại lấy cái la bàn của nó ra, bắt quyết, điểm ấn chỉ vào mũi kim, miệng lầm rầm đọc. Vừa đọc xong thì cây kim quay tít mù rồi xoay vòng vòng như chong chóng. Thằng Việt trông thấy thế thì tặc lưỡi, cất cái la bàn đi, lấy một cây gậy tre ra, chẻ làm đôi rồi cắm một nửa xuống đất, nửa còn lại thì nó đặt ngang đầu nửa kia cho cân bằng, lấy quả trứng gà luộc ra, cầm dao khoét cắt cho nửa quả còn bằng phằng, để mặt phẳng của nửa quả trứng lên trên, rắc gạo nếp vào thành hình chóp xong cắm cây hương xuống qua trứng. Nó chỉ ngón tay xuống cây hương, miệng đọc liên hồi toàn tiếng Miên, kì lạ thay, thanh tre ngang từ từ quay như canh quạt, nửa quả trứng cắm hương ở trên bị quay tít mù mà không đổ, lạ nữa là cây hương cháy nhanh vô cùng, thoáng chốc đã lụi. Khi hương lụi hết thì thanh tre ngừng quay, qua trứng đổ thẳng về một đầu tre, thằng Việt chi tay về hướng đó, kêu cứ thằng hướng này mà đi.

Lần mò được hơn hai cây số đường núi thì bắt gặp một cái hốc ăn sâu vào vách núi, rộng ba mét, cao hai mét. Nhìn cái hốc tôi không tin là một con vật to lại chui vừa vào đây để ở được, thằng Việt suỵt tay kêu im lặng, nó đốt một cục thuốc vón cho khói mù lên rồi vứt vào trong hốc, mùi thuốc buồn nôn, lợm mửa vô cùng, tôi chỉ hít thoáng qua mà suýt ói. Được hơn hai phút sau thì trong hốc sộc đầy khói, lan ra mù mịt cả ngoài cửa, ba thằng phải đứng tránh ra xa một quãng ngồi nấp. Thằng D dùng cung kéo tay nên không dám giương sẵn, sợ sức cung mỏi thì bắn khó, còn tôi thì đặt sẵn tên, ngắm thẳng vào cửa hang, mắt chăm chú dõi vào làn khói, thằng Việt thì đã mặc đạo bào, tay nắm chặt thanh nhuyễn kiếm. Thần kinh ba thằng lúc này còn căng hơn cả dây cung. Đột nhiên, làn khói di chuyển nhanh, một cái bóng lồm cồm bò ra từ trong hốc. Tôi đập vai hai thằng, chỉ mũi nỏ về hướng cái bóng. Chờ tới lúc cái bóng đó bò hẳn ra, tôi mới nhìn rõ đó là một con vật quái dị vô cùng, nhìn nó như một con khỉ lông bạc trắng, nhưng lại có hai tay dài ngoằng, chân cao lêu nghêu còn thân mình ngắn một mẩu. Tôi đếm nhịp thở, nhằm mũi nỏ vào con vật, ước lượng theo đúng những gì thằng D chỉ, rồi kéo lẫy. Mũi tên lao vụt đi, bay thẳng vào lưng con vật, nhưng quái lạ làm sao mũi tên bịt sắt cứng thế mà đâm vào lưng con khỉ cứ như chạm phải thép, rụng luôn xuống đất. Thằng Việt đưa hai ống tên cho tôi và thằng D, bảo:

Dùng cái này mà bắn! Tao yểm rồi.

Thằng D lấy mũi tên sắt, giương căng sức cung, bắn liên tiếp hai mũ, tôi cũng bắn ba mũi, hai mũi thằng D trúng cả hai, tôi trúng một mũi. Nhưng con Cùng Cục cứ trơ như đá, tên cắm đầy người mà vẫn chẳng sao, nó gầm rú lên, lao về phía ba thằng. Thằng Việt vội lấy một viên đá xanh trong túi ném ra, con kia thấy viên đá xanh thì sợ nhảy lùi ra sau, vờn vờn không dám lại. Thằng Việt rút một cái tù và sừng trâu, đốt một đạo bùa đen rồi thả vào trong, xong nó bụm miệng thổi mạnh. Tiếng tù và vang lên u u, lửa từ trong lòng phụt ra. Con Cùng Cục kêu chí chóe rồi bỏ chạy, ba thằng đuổi theo gấp. Thằng D vừa chạy vừa lắp tên, bắn năm sáu phát mà hụt cả, tôi bắn được trúng thêm một phát. Hai thằng đuổi liền mười lăm phút, chạy đường núi mệt bở hơi tai. Đuổi mãi đến sát rìa sông thì con Cùng Cục quay đầu lại chống trả, ba thằng không dám lại gần nó, tên thì chỉ còn vài mũi, bắn mà hết thì đi đứt. Thằng Việt quay sang bảo hai thằng:

- Đả thảo kinh xà

Nghe vậy tôi và thằng D hiểu ngay, thằng D nhận dây pháo đen từ tay thằng Việt, buộc vào mũi tên rồi bắn xuống đất cạnh con kia. Thằng Việt bắt quyết, chỉ tay lên trán rồi trừng mắt nhìn vào dây pháo. Bất ngờ dây pháo nổ đùng đoàng, sáng lòe ánh đỏ. Con Cùng Cục hai quá chạy mất, thằng Việt chỉ chở có thể, rút một cuộn chỉ đỏ, đầu buộc hai thanh thẻ đồng hình lân treo với một cái lọ nhỏ, quanh lọ dán một lá bùa vàng. Nó quăng cuộn chỉ ra, quấn đầu nặng vào chân con Cùng Cục rồi nhẹ nhàng cầm sợi dây. Còn Cùng Cục cố quều quào tay gỡ ra mà không được, chạy thì bị sợi chỉ mảnh tang giữ lại. Thằng Việt cắt sợi chỉ rồi gim xuống đất, lấy lửa đốt bùa trắng châm vào đuôi sợi chỉ. Ánh lửa cháy chạy dọc sợi chỉ đỏ mà không làm đứt, con Cùng Cục kinh hãi nhìn ánh lửa, cố chạy mà không được. Nhìn con vật lâm vào đường cùng, tôi không nỡ, quay sang nhìn thằng Việt. Nó chỉ lắc đầu nói:

- Sinh thì phải diệt! Gây tội thì phải đền. Mày dần mềm yếu rồi đấy H ạ! Giờ có muốn cứu nó cũng không được, lửa cháy hết là cái lọ kia hút nó vào.

Ba thằng đứng đó nhìn, bỗng đâu sóng từ đắng sông nổi cồn lên dữ dội, rồi cái đuôi dài ngoằng thò lên, đập mạnh xuống mặt nước sát bờ. Sóng ào lên hắt ướt cả ba thằng,…và hắt tắt cả lửa. Con Cùng Cục thấy lửa vừa tắt thì rú lên rồi dễ dàng giằng đứt sợi chỉ lôi chạy đi. Thằng Việt hét to:

- Mau bắn nó!

Nói đoạn nó lấy một lọ con thuốc ra, trét vào mũi tên. Thằng D kéo đẫy cung, nhằm thật kĩ, bắn một mũi tên xuyên ngay vào lưng con Cùng Cục. Ba thằng thở phào, bỗng đâu một cái đầu thò lên bờ, há ngoác miệng định đớp gọn thằng Việt. Tôi vội túm vai thằng Việt lội giật lại, tiện tay ném cả cái nỏ vào đầu con lươn. Thằng D vội vàng giật cây thiết côn tôi đeo sau lưng, gồng toàn lực bổ thật mạnh vào đầu con lươn. Trúng cả đòn trời giáng vào đầu, con lươn rụt ngay xuống nước, bơi vèo ra xa.

Sau phát vừa rồi, thằng Việt hút chết, còn chưa kịp hoàn hồn, tái bệch. Ba thằng dìu nhau xuống núi về nhà, lòng vẫn lo ngay ngáy chuyện chưa rõ con Cùng Cục kia có chết không. Tôi và thằng Việt lại càng sợ, lúc nãy thằng D đứng ngoài sát sông nhất mà con lươn không kéo, lại thò vào tận trong đớp thằng Việt, vậy là nó đúng là chưa chết, và nó nhớ rõ mặt từng người trong trận vây nó năm xưa. Khi chúng tôi về đến làng thì nhà cậu B lại có chuyện, không thể ngờ là kẻ năm xưa giờ đã trở lại.

Chuyện thứ mười bốn: Lộn xộn

Về đến nhà, ngồi chưa thở xong thì bỗng cả làng nháo nhào lên. Ba thằng vội hộc tốc chạy theo đám đông ngoài cổng. Mọi người hướng về nhà cậu B, đến vì lý do chính thì chẳng được mấy ai mà đến vì hiếu kì thì vô số kể. Vào trong sân nhà cậu B, thấy một nhóm người đang quây vòng tròn lại, thằng D mới mở lối cho bọn tôi chen người vào xem sự thể. Bên trong vòng tròn người là cậu B, em họ xa của mẹ thằng D. Nhưng cậu B cứ ngồi lờ đờ như người mất hồn, tay ôm lấy một thân cây chuối đã phạt đứt ngọn, rễ, vừa ôm cậu vừa gặm lấy gặm để vào cây chuối, nhựa, nước dãi chảy ra dính tèm lem vào áo, có vài người vào định giật thân cây chuối ra để đưa cậu đi viện thì bị cậu cắn xé cào cấu không cho lại gần, suốt mấy tiếng rồi cậu cứ ngối đó ôm nó như báu vật.

Được dăm phút thì mọi người nhận ra ba thằng bọn tôi đã có mặt, tất cả đưa mắt nhìn thằng Việt, chờ đợi một điều gì đó. Thằng Việt vốc một nắm hạt kê, vãi ra trước mặt cậu B, kì lạ làm sao, cậu B tự dưng buông cây chuối, đi theo nhặt từng hạt kê một. Cậu B vừa cách xa tầm tay khỏi thân cây chuối là thằng Việt móc liền hai dây lục trắng, quấn trói lấy người cậu, đoạn nó ngậm cây bút lông ngang miệng, bắt quyết rồi cầm bút thảo mấy chữ Nôm lên hai dây lụa. Viết xong thì cậu B ớ lên một câu, ngã lăn ra đất ngủ khì khì, thằng Việt bảo hai người ra khiêng cậu vào nhà, đắp chăn cho kĩ, nửa tiếng sau hẵng tháo dây. Bống thấy một người đang khiêng thân cây chuối định vứt đi thì thằng Việt ngăn lại, bảo đặt cây chuối xuống. Đợi cho cây chuối yên vị, thằng Việt mới lần lần quanh thân chuối, sờ đến mặt sau thì nó gật gật đầu ra chiều đúng lắm, xong xoay mặt đó lên. Nó quay ra ngoài gọi to:

- Ai mà bản thân, người nhà có người sắp sinh, mới có thai thì đứng quay mặt về hướng Đông Nam, tuyệt không có được quay lại ngó nghiêng. Còn người nào yếu tim, sợ máu thì đi về.

Đợi cho mấy người đó quay mặt đúng hướng hết, thằng Việt mới lấy một con dao găm, nhẹ nhàng khứa một đường trên thân chuối, xong nó lấy mũi dao bóc một mảng lớn ra. Thì ra thân cây chuối rỗng ruột đến gần 2/3, bên trong phần rỗng hình như con thấp thoáng cái gì đó. Lúc thằng Việt bóc mảng vỏ nữa ra thì không ít người sợ xanh mặt, tái mắt, chân không đứng vững nữa,…bên trong là…một cái thai nhi bé tý bằng bắp tay. Tôi suýt nữa thì ngã ngửa ra, thằng D vội đỡ lưng tôi, thì thào:

- Ngày xưa hình như cậu B cũng có suýt một đứa con, nghèo quá nên phải dẫn mợ đi nạo lúc vài tháng. Từ đó đến giờ cậu B không sinh đẻ gì nữa, thay ba đời vợ vẫn thế. Hay là….?

Chợt tôi thấy lành lạnh sau lưng, quay người lại thì gặp một ôn già lạ mà có nét rất quen, nhưng không tài nào nhớ ra được. Chợt người đó nở một nụ cười nửa miệng, ra chiều hài lòng lắm, xong đi luôn. Tôi cũng không bận tâm lắm chuyện này, nhưng thấy ghét là chỗ thấy cảnh đau lòng, ghê sợ như thế mà còn cười được.

Thằng Việt chỉ dẫn mấy người ở đó cách mai táng, đặt mộ cho đứa bé thật tỉ mẩn xong rồi mới về. Trên đường về, nó bấm độn đi bấm độn lại cả chục lần, lần nào xong cũng lắc đầu chán nản, chợt nó lên tiếng hỏi hai thằng:

- Hình như phép xem vận của tao mất linh rồi!

Thằng D hỏi:

- Mày xem chuyện quá khứ nhà cậu B hả?

Việt gật đầu, tôi nói:

- Có khi là mày đang hoảng hốt, tâm thần bất ổn nên tạm thời bị vậy thôi, thử tính việc khác xem nào.

Thằng Việt gật đầu, xong nó tính chuyện xảy ra hồi tôi còn bé, tính xong nó quay sang hỏi tôi :

- Năm 6 tuổi mày bị thủy đậu, sau đó lại lười không chịu bôi thuốc nên mãi một tháng 2 ngày sau mới đỡ đúng không?

Nghe vậy tôi kinh ngạc vô cùng, gật đầu lia lịa, quả nó nói không sai một chữ nào. Thằng Việt thấy thế thì băn khoăn, nói:

- Tại sao lại có chuyện thế này nhỉ! Trước giờ chặn được thuật xem việc của tao chỉ có một người thôi. À mà cũng không thể được, nếu thế thì quá vô lý.

Tôi hỏi:

- Cái gì cơ? Ý mày là cái lão quái vật năm lớp 11 định bắt tao làm hình nhân á?

Nó ừ hử, xong lại tính toán tiếp, vừa tính vừa nói:

- Vấn đề là lão chết từ đời nào rồi. Vậy nên trên thế gian còn tồn tại người chặn phép xem việc của tao là điều quá vô lý.

Chợt tôi nhớ lại nụ cười nửa miệng vừa nãy, kinh hãi kể lại cho hai thằng nghe. Thằng Việt nghe xong nói, trầm tư suy nghĩ rồi nói :

- Chuyện quá vô lý! Lão đó đã sắp hết mệnh, số trời không cãi được dễ đâu. Có thể đấy là một người nào đó sư huynh sư đệ hay học trò của lão, nhưng bỗng dưng đến đây thì chắc chẳng phải tốt lành gì.

Ba thằng đang suy nghĩ thì bỗng đâu một lá bùa đen cháy bùng ngay trước mặt tôi, khói bay mù mịt, rồi một bóng người chặn ngang đường. Chính là ông già tôi mới gặp, ông già tháo cái mũ nan ra, thản nhiên ngồi bệt xuống giữa đường, lấy tay xỏ lại chỗ vành mũ. Tôi cúi xuống hỏi:

- Cụ ơi! Sao cụ lại ngồi giữa đường thế này! Xe cộ giờ nó đi ẩu lắm, cụ để con đưa cụ lên trên ghế đá vỉa hè ngồi cho an toàn.

Nói đoạn tôi xốc ông cụ lên, đưa vào ngồi trên ghế đá, hỏi han nhà cửa, con cháu đâu mà để cụ đi thế này thì ông già chỉ cười cười mà không đáp. Tôi chào ông già rồi đi, lúc vừa quay lưng đi thì ông già nói vu vơ:

- Cũng chẳng đến nỗi phải yểu mệnh!

Nghe ông già nói khó hiểu, tôi mới quay phắt người lại, ông già đã chống gậy đi lọc cọc được một quãng rồi. Thôi ! Nếu ông ý đã không muốn nói thêm thì có hỏi cũng vô ích. Tôi cùng hai thằng bạn đi về mà lòng vẫn ngổn ngang trăm mối. Ba thằng vừa đi vừa nói chuyện, nhưng bỗng thằng D đứng khựng lại, run run nói:

- Có thằng nào nhận ra là mình đi lạc vào tận ruộng ngô cũ không?

Nghe nó nói tôi mới sức nhớ ra, thằng Việt thì vẫn điềm nhiên, nó bảo hai thằng:

- Mình lạc được hơn mười phút rồi! Tao biết nhưng cố đi vào đây xem thế nào. Người bày trò này chẳng phải giỏi giang gì, còn không bằng con bé Ngọc Anh.

Bỗng nhiên có tiếng nói vọng từ trên cao xuống, cả ba quaat ngoắt lại, hướng về phía đó. Trên cành cây là một người nam đang ngồi vắt vẻo, mặt khinh khỉnh nhìn chúng tôi. Định thần lại, nhìn rõ vết sẹo đuôi mày, điệu cười tự kiêu, tôi kinh ngạc nhận ra kẻ ngồi trên cây là thằng Kiến, đệ tử của lão thầy năm xưa muốn lấy mạng tôi. Tôi hỏi :

- Anh đến đây làm gì?

Thằng Kiến cười hô hố, gằn giọng:

- Bất lịch sự quá! Gặp lại người quen mà chẳng có tý hiếu khách gì cả. Tao đến đây chơi đấy, có việc gì không?

Việt nói vọng lên cây:

- Anh đến chơi thì cứ việc. Chúng tôi còn bận không tiếp chuyện được nhiều. Hơn nữa nói chuyện với anh cũng chẳng có tác dụng gì lắm.

Thằng Kiến nhìn hằm hằm vào ba thằng bọn tôi, nghiến răng kèn kẹt, chợt nó thấy thằng D đang đập đập cái cung sắt lên vai thì dịu lại, cười mà mắt long sòng sọc, nói nhát gừng:

- Chào! Bọn bay nhớ đó!

Xong nó huýt sáo một tiếng, bỗng đâu trong đám ngô hoang có thấp thoáng mấy bóng cờ và một cái kiệu con, thằng Kiến trèo lên kiệu, ngất ngưởng đi khuất dần vào núi. Chỉ mới một ngày mà xảy ra bao chuyện, từ con lươn, cái oan thai nhà cậu B đến ông già bí ẩn và thằng Kiến. Mệt mỏi ra rời vì cả ngày truy đuổi, chạy loăng quăng khắp chốn cùng nơi, ba thằng bọn tôi lững thững trở về nhà. Bữa cơm tối hôm đó, ba thằng lầm lầm lì lì, thằng nào cũng căng óc ra suy nghĩ về những sự kiện xảy ra trong ngày hôm nay, cố kết nối chúng bằng một sợi dây hợp lý nhất. Vợ tôi thấy tôi đột nhiên khác mọi ngày thì lo lắm, lúc lên phòng ngủ, nàng tỉ tê hỏi tôi sao lại vậy. Tôi thở dài sườn sượt, kể lại mọi chuyện, thổ lộ cái khó nghĩ của tôi. Nàng nghe xong, im im không nói gì hồi lâu, bỗng dưng cất tiếng:

- Anh đừng sợ! Em ở ngay sau lưng mình này.

Nói xong thì lại dụi đầu vào ngực tôi, ôm cứng tôi mà ngủ. Tôi mỉm cười, hạnh phúc sao khi giữa những phút giây hiểm nguy lại có được sự bình yên tĩnh lặng thế này, từ từ nhắm mắt chìm vào giấc bông.

Chừng 4-5 h sáng gì đó, bỗng đâu có tiếng rầm rầm, tiếng đổ uỳnh uỳnh rung cả đất. Tôi mở bừng mắt, hướng tai nghe và quan sát xung quanh, xác định hướng phát ra tiếng động kì lạ là ở bãi tha ma làng. Nhưng cái khiến tôi sợ hơn nữa là đột nhiên không thấy vợ mình bên cạnh, tôi choàng dậy nhìn quanh phòng, phát hiện ra vợ tôi đang đứng úp mặt vào góc tường. Nghi có chuyện chẳng lành, tôi kinh hoàng lao ra định ôm vợ tôi kéo lại. Rồi khi bàn tay chỉ còn cách bờ vai nàng gang tấc, thốt nhiên đầu gối tôi đau dữ dội, sau đó là một đòn đánh thẳng vào sau tai, tôi từ từ đổ xuống, mắt cố nhìn về phía vợ một cách tuyệt vọng rồi từ từ lịm đi.

Đọc tiếp: Nỗi Ám Ảnh - Phần 11
Home » Truyện » Truyện Ma » Nỗi Ám Ảnh
↑ Trên cùng
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM