Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Phần cuối

Chương 71 - Nơi trú ngụ của công chúa

Tôi bị công chúa bỏ một quãng xa.

Lẽ ra tôi đã đến gần cô hơn nhưng vì Tường còn đứng bên khung cửa nhìn theo, tôi không thể đuổi theo công chúa bằng đường ngắn nhất.

Tôi phải vòng qua phía nhà cũ của con Mận để tránh tầm mắt của Tường và đến khi tôi đặt chân lên thảm cỏ ở bìa nghĩa trang thì công chúa chỉ còn là một chấm nhỏ ở tít đằng xa.

Như vậy, cô không đến từ nghĩa trang. Cô không phải là một hồn ma. Ý nghĩ đó sưởi ấm tôi được một chút nhưng khi gò má tôi vừa có được một ít sắc hồng thì ý nghĩ tiếp theo khiến mặt tôi trắng bệch trở lại.

Tôi chợt nhớ bên kia nghĩa trang là đồi Cỏ Úa, đi xa hơn sẽ tới xóm Miễu, một nơi chốn xem ra còn đáng sợ gấp nghìn lần nghĩa trang.

Tôi chưa bao giờ đặt chân tới xóm Miễu. Ba mẹ tôi chẳng quen ai ở đó. Và sự thực cũng chẳng có ai cả gan cất nhà ở xóm Miễu, trừ ông Tám Tàng thầy cúng nay hành nghề mổ lợn thuê trong làng.

Thằng Sơn từng nơm nớp kể tôi nghe về con cọp thọt chân biết nghe tiếng người đang ngụ trong khu rừng thưa ở xóm Miễu. Lúc đầu tôi không tin, sau đó nghe chính miệng chú Đàn xác nhận tôi bắt đầu ngờ ngợ và đến khi tôi phát hiện tụi bạn tôi đứa nào cũng bị ba mẹ cấm ngặt chuyện léng phéng xuống xóm Miễu thì sự ngờ vực đã bị xóa tan.

Có bao giờ công chúa là do ma cọp này hóa ra để dẫn dụ em tôi? Câu hỏi nóng bỏng như một cái que cời than cắm trong đầu tôi khiến tôi phải xộc tay vào tóc, một cử chỉ như để dập tắt nỗi sợ trong khi chân tôi vẫn không ngừng bước.

Thực sự thì khi thấy cô công chúa kỳ lạ lên tới đỉnh đồi Cỏ Úa và không có vẻ gì muốn dừng lại, chân tôi đã muốn thối lui. Nhưng tôi chỉ phân vân có một lát, sự hiếu kỳ lại chiếm lấy cặp giò tôi, tiếp tục khua về phía trước.

Lần đầu tiên tôi lên tới đỉnh đồi Cỏ Úa. Xưa nay, tôi vẫn cùng tụi bạn chơi đùa, chạy nhảy trên bãi cỏ mênh mông của nghĩa trang, rủ nhau thi thả diều hoặc lượm phân bò khô hun khói để dụ bọ rầy vào những chiều trời đong đầy gió. Nhưng chưa bao giờ tôi leo lên đồi.

Lúc đó tôi chưa nghe về truyền thuyết xóm Miễu, nhưng cứ mỗi lần hướng mắt lên đồi Cỏ Úa hoang vu, tôi vẫn bắt gặp mình gây gây sốt. Khung cảnh trơ trụi với những vạt cỏ cháy khô, xen lẫn màu xanh thưa thớt của những bụi chà là nhọn hoắt gieo vào đầu tôi một ý nghĩ không tên, nhưng âm u và buồn tẻ.

Xóm Miễu là một bức tranh hiu quạnh theo kiểu khác, nó nhiều màu xanh hơn so với đồi Cỏ Úa tắm trong màu vàng của đất cằn và cỏ cháy.

Nhưng dù đổi màu, nó vẫn là bức tranh mô tả về sự hoang vắng và tạo cảm giác rờn rợn với một con cọp thành tinh đang rình rập đâu đó trong một góc tối của bức tranh. Điểm sinh động duy nhất mà tôi nhìn thấy là nàng công chúa đang dạo bước giữa những hàng cây thưa.

Lúc này cô đã đi chậm lại, không biết cô hái khi nào mà trên tay cô bây giờ là một bó hoa dại nhiều màu.

Trong khi cô tung tăng hái hoa bắt bướm giữa rừng xanh, tôi đã có cơ hội thu ngắn khoảng cách giữa hai người và đến một lúc tôi tự dặn mình phải thận trọng nếu không muốn bị cô phát hiện.

Đột nhiên tôi nhận ra sự sợ hãi đã rời bỏ tôi. Quá chú tâm đến công chúa, trong một lúc tôi quên bẵng con ma cọp, hơn nữa cho đến lúc này con cọp thành tinh đó chưa tỏ dấu hiệu gì cho thấy nó đang có mặt trong khu rừng này, trừ trường hợp nó chính là công chúa. Nhưng trực giác của tôi mách bảo rằng đó là điều không đáng tin.

Mãi rồi công chúa cũng ra khỏi khu rừng, hay khu rừng ra khỏi công chúa thì cũng thế, vì những hàng cây không thể kéo dài mãi.

Một ngôi nhà tranh, giống như mọi ngôi nhà khác trong làng, lọt vào tầm mắt tôi khi tôi theo chân công chúa ra khỏi rừng.

Công chúa đi chưa tới cửa nhà, đã có tiếng quát bên trong vọng ra, ý nghĩa thì âu yếm nhưng ngữ điệu giận dữ, có lẽ phát ra từ một cái miệng đang phân vân giữa hai thái độ:

- Con đi đâu về đó con?

Chương 72 - Đức vua và công chúa

Tiếng quát làm tôi giật bắn mình, vội lẩn vào sau một gốc cây.

Tôi giật thêm một cái nữa khi liền sau tiếng quát, người đàn ông trong nhà đã tiến ra trước khung cửa.

Tôi há hốc miệng. Đó đích thị là một đức vua.

Ngài đang đội một cái vương miện bằng bạc, vương miện nhỏ hơn đầu ngài nên có vẻ chỉ bám hờ trên chỏm, tóc ngài xổ ra bốn phía như những túm bờm. Ngài mặc một chiếc áo trắng dài tận gót, quấn quanh ngực là tấm khăn choàng có vẻ như làm bằng lông thú và mặc dù không lâm chiến với kẻ địch, tay ngài vẫn vung vẩy một thanh báu kiếm.

- Tâu phụ vương, con chỉ đi chơi loanh quanh trong rừng thôi ạ.

Câu trả lời của công chúa khiến quai hàm tôi cứng đờ vì không thể há to hơn nữa. Chẳng lẽ cô là công chúa thật và người đàn ông kia là đức vua thật?

- Hoàng nhi! - Đức vua hạ thanh kiếm xuống - Đây không phải là lần đầu con không nghe lời ta.

- Con xin lỗi phụ vương.

Công chúa đáp, trông cô không có vẻ gì sợ hãi hay hối lỗi, có lẽ cô biết rõ tình yêu bao la của vua cha dành cho cô. Nói xong, cô nhảy chân sáo vào nhà. Trông cô thật vui tươi, giống như những bông hoa đang đong đưa trên tay cô.

Đức vua nhìn theo, thở dài:

- Khổ thân con bé!

Lần này, tôi bỗng nhận ra giọng của đức vua rất quen, và đến khi tôi nhớ ra chỉ có một người dám cất nhà ở xóm Miễu thì tôi nhận ra ngay đức vua chính là ông Tám Tàng mổ lợn.

Như bị ai đánh mạnh vào đầu, óc tôi ngừng suy nghĩ mất một lúc. Đến khi tôi choàng tỉnh, đức vua – à không, bây giờ là ông Tám Tàng – đã biến mất sau khung cửa.

Năm phút sau tôi đã ở bên hông nhà ông, hồi hộp dán mắt vào khe hở giữa các tấm ván ghép, cảm giác y hệt lúc tôi cùng tụi bạn chen nhau coi cọp các gánh hát lưu diễn thỉnh thoảng vẫn về làng dựng rạp trên những bãi đất trống.

Ở phía trong, ông Tám Tàng lúc này đã ngồi xuống ghế, vương miện vẫn còn trên đầu nhưng thanh kiếm đã đặt ngang trên mặt bàn. Bây giờ, nhìn ông ở khoảng cách gần, tôi thấy mặt ông có vẻ nhàu nhò, mệt mỏi, trông ông không giống đức vua nữa. Ông giống một kép hát về chiều hơn.

Công chúa đang lui cui đằng góc bếp, thỉnh thoảng trả lời những câu hỏi của vua cha trong khi vẫn không ngừng giở các nắp nồi để kiếm thức ăn.

Những tiếng "phụ vương", "hoàng nhi" đệm trong câu đối đáp của hai cha con không còn làm tôi ngạc nhiên nữa, chỉ khiến tôi buồn cười.

- Tâu phụ vương, con vừa nhìn thấy phò mã.

Công chúa bỗng nói, lần này thì cô quay hẳn người lại để có thể nhìn vào mắt đức vua.

Bên ngoài bức vách, tôi phải cắn chặt môi để tâm trí đừng lãng đi.

- Phò mã à? - Ông Tám Tàng thờ ơ hỏi lại, dường như ý nghĩa của lời thông báo nghiêm trang kia chưa kịp ngấm vào tai ông.

- Dạ. - Công chúa đáp bằng giọng hớn hở như thể cô vừa tìm thấy một thứ ăn được trong chạn - Phò mã đẹp trai lắm, tâu phụ vương.

Như sực hiểu ra cô con gái đang nói gì, đôi mày ông Tám Tàng lập tức cau lại:

- À, ra là phò mã!

Đôi mắt ông xoáy vào mặt công chúa, vẻ căng thẳng:

- Con gặp hắn ở đâu?

- Dạ, ở bên kia nghĩa trang...

Tôi thấy quai hàm ông Tám Tàng đột ngột bạnh ra, dấu hiệu không nhầm được của sự tức giận. Nhưng khi nói với công chúa, ông cố tìm một giọng điệu thật kềm chế để cô không sợ hãi:

- Hoàng nhi! Ta đã dặn con bao nhiêu lần rồi. Là con không được vượt khỏi ngọn đồi.

Công chúa biết vua cha không hài lòng. Cô cụp mắt xuống, đứng yên.

Tôi nhìn kỹ cô và nhận ra chiếc áo của cô đã cũ, và chắc may bằng thứ vải rẻ tiền nên màu xanh nhiều chỗ đã bợt đi, nhìn gần trông nó giống như một tấm vải nhuộm dối.

Xâu chuỗi cô đeo trên cổ có lẽ cũng không phải là ngọc, cũng không được là đá, đó là loại vòng đeo cổ kết bằng những hạt nhựa nhiều màu người ta vẫn bày bán lềnh khênh trước cổng trường huyện.

- Ta đã nói cho con biết bên kia ngọn đồi là vương quốc của kẻ thù. Nếu con để họ bắt gặp, con sẽ bị họ giết hại ngay lập tức...

Đầu tôi kêu ong ong. Một cảm giác buồn bã và thương cảm chiếm lấy người tôi từng phút một. Rõ ràng, cha con ông Tám Tàng đã bị điên. Ông Tám Tàng mổ lợn nhiều quá nên chắc bị ma lợn trả thù. Ma lợn ám cả hai cha con, biến căn nhà ông thành một gánh hát kỳ dị. Dù cố gắng tôi vẫn không sao gạt bỏ được ý nghĩ hai cha con ông đang bị số phận đẩy vào một thế giới khác, âm u và xa vắng, tách biệt hẳn với thế giới loài người – không chỉ về mặt địa lý.

Bị sự thẫn thờ nhấn chìm, tôi bất giác để một tay rơi xuống, chạm vào một cán cuốc dựng hờ bên vách làm chiếc cuốc ngã ra va vào một chiếc thau nhôm móp méo treo lủng lẳng kế đó.

Tôi hoảng hồn đưa tay bụm miệng, như thể nếu không phải tôi đang rên lên với những ngón tay thì có lẽ tôi đang tưởng những tiếng lanh canh kia vừa phát ra từ miệng tôi.

Trong lúc tôi cố tin những người trong nhà không ai nghe thấy hoặc nếu nghe thấy cũng chẳng để ý thì ông Tám Tàng đã lướt đi rất nhanh bên kia vách. Đến khi tôi ngoảnh lại đã điếng người thấy ông đứng sững ngay cửa, giương cặp mắt kinh ngạc ra nhìn tôi.

Tiếp theo sự kinh ngạc là sự giận dữ, chắc thế, vì tôi thấy ông lắp bắp, những cơ mặt không ngừng co giật làm mặt ông méo đi:

- Ngươi... ngươi...

Chương 73 - Thanh kiếm của đức vua

Khuôn mặt tôi chắc cũng đang biến dạng vì sợ hãi.

Tôi cũng nghe mình lắp bắp, giống như tôi vừa đánh rơi tiếng nói ở ngoài bìa rừng:

- Bác... bác...

Tôi định nói "Bác tha cho con" mặc dù tôi cũng không biết tôi xin tha về tội gì. Nhưng cái lưỡi tôi đột ngột thụt đi đâu mất.

Ông Tám Tàng có vẻ định làm gì đó, tôi thấy thanh kiếm ông đang cầm trên tay rung bần bật, nhưng ngay lúc đó công chúa hiện ra bên cạnh ông. Cũng như đức vua, cô giương mắt ra nhìn tôi. Tôi thấy mắt cô đen láy, và đôi mắt đó lúc này đang mở rất to, dĩ nhiên là cô cũng rất kinh ngạc, hẳn vì đã lâu cô không thấy bóng người lai vãng ở khu vực này.

Thái độ ông Tám Tàng lập tức thay đổi khi cô con gái bước ra.

Như bị ai chùi, vẻ giận dữ trên mặt ông biến mất không còn một dấu vết, và khi nói tiếp câu thứ hai thì ông đã kịp tròng vào mặt vẻ tôn nghiêm của một đức vua:

- Ngươi yết kiến trẫm có việc gì?

Tôi đực mặt ra một lúc. Vẻ ngẩn ngơ của tôi chỉ tan đi một nửa khi tôi thoáng thấy cái nháy mắt của ông, rồi tan nốt phần còn lại khi tôi ngờ ngợ đoán ra ông muốn gì.

Tôi không chắc lắm sự phỏng đoán của mình, nhưng vẫn nói, hết sức cung kính, đầu cúi thấp:

- Muôn tâu bệ hạ, thần đến đây...

Đột nhiên tôi nhận ra mình cũng hóa thành một vai tuồng và ý nghĩ đó khiến tôi dở khóc dở cười.

- Thần đến đây... đến đây...

Tôi bối rối lặp lại, không biết phải bịa ra mục đích gì. Đang phân vân, tôi chợt bắt gặp cái nhìn hiếu kỳ của công chúa, liền nói:

- Thần được biết bệ hạ treo bảng tuyển phò mã...

Tôi mới nói tới đó, ông Tám Tàng chưa kịp đáp, công chúa đã phản ứng ngay. Cô xua tay, rối rít:

- Khỏi, khỏi. Ta không tuyển ngươi làm phò mã đâu. Ta đã chọn phò mã rồi.

- Đúng rồi! - Ông Tám Tàng phụ họa - Trẫm đã kén phò mã cho công chúa rồi.

Thình lình ông hét lớn, tay giơ cao thanh kiếm lên khỏi đầu:

- Ngươi đến đây quấy rầy, trẫm quyết không tha mạng cho ngươi.

Vừa nói ông vừa xông ra khỏi cửa khiến tôi bất giác thối lui một bước, trái tim muốn rớt khỏi lồng ngực.

Ông Tám Tàng nháy mắt với tôi lần nữa trước khi bổ kiếm xuống.

Tôi hơi hoàn hồn khi nhác thấy cái nháy mắt ra hiệu của ông nhưng khi thanh kiếm chém đánh vù qua tai, tôi vẫn phải nghiêng đầu tránh rồi co giò bỏ chạy.

Tôi nghe tiếng chân ông Tám Tàng thình thịch phía sau, tiếng lưỡi kiếm chém soàn soạt vào cây lá, và tiếng của ông nữa. Ông vừa khua thanh kiếm vừa quát:

- Chạy đi đâu! Trẫm đã ra tay thì ngươi đừng hòng thoát!

Phía trước, tôi vẫn chạy vắt chân lên cổ. Cho đến lúc đó, tôi không biết những cái nháy mắt của ông là tín hiệu của người tỉnh hay là dấu hiệu của người điên.

Chương 74 - Con Nhi

Tôi chạy cuống cuồng, miệng thở dốc, ngực áo phồng lên xẹp xuống gấp gáp, chỉ hãm đà phi lại khi nghe tiếng ông Tám Tàng cất lên sau lưng:

- Dừng lại đi con! Bác chỉ giả vờ thôi!

Giọng ông lạ hoắc, như mượn của ai. Và tôi không còn nghe tiếng chân ông nện lên mặt đất nữa.

Khi tôi quay mặt lại thì ông Tám Tàng đã không còn giống đức vua nữa. Cái vương miện rơi mất tự lúc nào. Tấm khăn choàng cũng không còn trên cổ. Tóc ông xổ tung, rối bời, đỏ và vàng – như rơm khô. Chiếc áo dài trắng nhìn gần đã ngả sang một màu rất khó gọi tên, nó nằm giữa màu mỡ tra bánh xe và màu khói thuốc, và có vẻ được may từ một tấm drap giường cũ kỹ, càng tang thương hơn khi nó bị các cành cây đâm thủng và móc rách vô số chỗ trên đường ông đuổi theo tôi.

Trước mặt tôi lúc này, ông Tám Tàng không giống một đức vua đã đành, ông cũng không giống ông Tám Tàng mổ lợn hoạt bát thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên đường làng. Trong tia nhìn dò xét của tôi, đó là một người đàn ông nhếch nhác, tiều tụy như vừa thoát ra một đám cháy, nếu là vua thì giống một ông vua vừa bị quân phiến loạn cướp ngôi và truy sát đã nhiều ngày.

- Bác... bác...

Tôi lắp bắp, giương to mắt nhìn người đàn ông lúc này đã đứng gần đến mức tôi nghe rõ cả tiếng thở hổn hển của ông.

Ông Tám Tàng chống thanh kiếm xuống đất, thở dài sầu não, bây giờ tôi đã nhận ra thanh báu kiếm của ông chỉ là một cây kiếm gỗ được sơn phết sặc sỡ nơi chuôi, giống như đồ chơi của trẻ con:

- Con gái bác mắc bệnh ngớ ngẩn. Kể từ ngày nó bị té trong rạp xiếc...

"Con Nhi!", tôi sửng sốt kêu lên trong đầu.

Tôi biết con Nhi con ông Tám Tàng.

Nó bằng tuổi với thằng Tường nhưng học sau em tôi một lớp. Cách đây ba năm, đoàn xiếc mô tô bay về dựng rạp ở sân trường làng, con Nhi mê tít, nửa đêm trốn khỏi nhà chạy tới chỗ đoàn xiếc xin làm chân quét dọn (chỉ với mơ ước ngày nào cũng được coi xiếc không tốn tiền), bị ông Tám Tàng rượt theo bắt lại.

Các đoàn xiếc ít khi về diễn ở làng tôi vì người xem không đông bằng trên huyện. Năm đó, đoàn xiếc về làng là nhờ chú Đàn năn nỉ. Chú quen biết với ông trưởng đoàn, người rất mê tài thổi acmônica bằng tay trái của chú và năm lần bảy lượt đề nghị chú gia nhập đoàn của ông nhưng lần nào chú cũng từ chối, với lý do phải ở nhà chăm sóc bà nội tôi.

Rạp xiếc mô tô bay giống như một cái lồng hình trụ, bằng ván, cao khoảng mười mét hoặc hơn nữa, phía trên có mái che bằng vải bạt để khán giả tránh nắng. Chung quanh miệng lồng là một bao lơn cũng bằng ván được chống đỡ bằng các cây cọc và có cầu thang hình xoắn ốc để khán giả leo lên bao lơn đứng xem.

Đám trẻ làng tôi rất mê xiếc mô tô bay. Khi chàng trai hoặc cô gái từ một cánh cửa bí mật nào đó lái mô tô ra giữa khoảng đất trống dưới đáy lồng và rú ga ầm ĩ, trái tim trong lồng ngực tụi tôi đã đập dồn. Đến khi người cưỡi xe chạy vài vòng dưới đất rồi bất thần rồ máy phóng vọt lên vành lồng chạy vòng quanh, cả người lẫn xe nằm song song với mặt đất thì trái tim của khán giả đã muốn văng ra ngoài.

Tôi còn nhớ rõ tai nạn của con Nhi. Chuyện đó xảy ra sau hôm nó trốn theo đoàn xiếc mô tô bay một ngày. Trước đó, con Nhi đã được ba nó dắt vào rạp rồi. Có lẽ sợ nó mê xiếc tiếp tục bỏ nhà trốn đi, ông Tám Tàng bấm bụng mua vé dắt nó đi xem lần nữa cho nó đỡ thèm.

Hôm đó, hai chiếc mô tô chạy trên vành lồng cùng lúc. Người con trai đeo râu giả, mặc hoàng bào của nhà vua, người con gái mặc trang phục công chúa. Hai chiếc xe rượt bắt nhau quanh chiếc lồng, lúc vọt lên cao lúc sà xuống thấp, trông vô cùng ngoạn mục. Đức vua chạy sau, thỉnh thoảng gào lên "Hoàng nhi, con về nhà đi". Công chúa rạp mình trên xe, ngúng nguẩy đáp "Con không về đâu, tâu phụ vương".

Lũ trẻ chúng tôi giật mình thon thót, cứ sợ đức vua và công chúa va vào nhau. Chỉ có con Nhi là không sợ. Giữa những gương mặt đang tái đi vì lo lắng, nó cứ cười khanh khách một cách thích thú.

Mỗi lần chiếc mô tô đến gần, nó còn hào hứng đưa tay vẫy nhà vua và công chúa. Biến cố bất ngờ xảy đến lúc công chúa tinh nghịch phóng xe lên cao, đầu nhô lên khỏi mép lồng và nhoẻn miệng cười với con Nhi. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, hay do phấn khích quá mức, con Nhi rướn người khỏi bao lơn thò tay nắm tay công chúa, nắm thật chặt.

Tôi chỉ kịp thấy ánh mắt của cô diễn viên xiếc lóe lên đầy hoảng sợ và miệng cô há ra, nhưng tiếng la của cô chưa kịp rời khỏi đôi môi, cô đã rớt khỏi yên xe và cùng với con Nhi bàn tay vẫn còn nắm chặt tay cô, cả hai cùng rơi xuống. Trong khi đó, chiếc mô tô không người lái vẫn tiếp tục lao đi thêm gần một vòng rồi văng ra khỏi vành lồng, rơi xuống theo.

Sự nhốn nháo, kinh hãi bùng lên và nhanh chóng lan ra trong người xem như một đám cháy. Tiếng la hét, tiếng kêu gào lập tức biến thành một cơn bão âm thanh nhấn chìm mọi người dưới một nỗi khiếp đảm chưa từng có.

Ở tít phía dưới, nhân viên của đoàn xiếc túa ra từ chiếc cửa ngách bí mật, cuống quýt bu quanh hai thân người đang nằm bất động. Như muốn thảm kịch được tô đậm hơn nữa, chiếc mô tô rơi đánh "uỳnh" như động đất, tay lái va vào đầu con Nhi một cú như trời giáng.

Bây giờ hồi tưởng lại khung cảnh của ngày hôm đó, người tôi vẫn còn run lên. Những hình ảnh lướt qua trong trí nhớ làm tôi cảm thấy đau đớn như ai đang kéo một lưỡi cưa trong đầu tôi.

Những ngày sau đó, cô diễn viên xiếc hồi tỉnh lại trong bệnh viện với một chân và dăm xương sườn bị gãy. Riêng con Nhi thì vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy nó sẽ mở mắt nhìn đời cùng với tụi tôi lần nữa.

Ngoài thở mong manh, yếu ớt đang chờ tắt, tất cả các phần khác trên người nó có vẻ như đã chết. Hơi nóng trên cơ thể nó lịm dần. Các bác sĩ lắc đầu. Cuối cùng, ông Tám Tàng ủ rũ ẵm nó về nhà, vừa đi vừa tắm nước mắt như mưa trên mặt con.

Chương 75 - Nỗi lòng của ông Tám tàng

Ông Tám Tàng dời nhà xuống xóm Miễu ngay ngày hôm sau. Ông đặt con Nhi trên chiếc xe bò, cạnh mớ đồ đạc chẳng nhiều nhặn gì, lặng lẽ kéo đi giữa những ánh mắt u buồn từ trong các cửa sổ nhìn theo.

Ông bảo ông muốn con ông được yên nghỉ ở một nơi chốn yên tĩnh và ông dĩ nhiên không muốn rời khỏi con ông một phút giây nào.

Ông Tám Tàng không tổ chức đám tang con Nhi như thông lệ nhưng trong tâm tưởng của tôi và lũ bạn, con Nhi đã qua đời từ lúc nó nằm thiêm thiếp lắc lư trên xe bò, từng phút một rời xa con đường lộ, băng qua nghĩa trang, đi mãi về phía đồi Cỏ Úa đang bị hoàng hôn nhuộm tím.

Bạn cũng biết đó, ngay cả những người còn sống nhưng nếu lâu ngày không gặp, họ cũng thu mình lại và dần dần mất hẳn dấu vết trong trí nhớ của chúng ta, huống gì người đã khuất.

Con Nhi không những đã chết, mà còn chết được ba năm, vì vậy không có lý do gì để tôi thỉnh thoảng nghĩ về nó, thậm chí tôi không hình dung được từng có một đứa con gái như thế đi qua cuộc đời này.

Lúc nãy, nghe công chúa gọi ông Tám Tàng là "phụ vương" và nghe ông gọi công chúa là "hoàng nhi", trong đầu tôi vẫn không nảy ra một mối liên hệ nào giữa cô công chúa trước mặt và con Nhi ngày nào. Cách xưng hô và lối ăn mặc kỳ quái của hai cha con cũng góp phần làm tâm trí tôi lãng đi cho tới khi ông Tám Tàng tự cởi bỏ lốt vua để nói một câu hết sức dân dã "Con gái bác mắc bệnh ngớ ngẩn. Kể từ ngày nó bị té trong rạp xiếc...".

Chỉ tới lúc đó tôi mới bàng hoàng biết con Nhi chưa chết. Mặc dù cố lục lọi ký ức để tìm lại khuôn mặt của nó cách đây ba năm tôi vẫn chỉ mường tượng một cách mơ hồ, và tôi cũng biết nếu tôi nhớ chính xác các chi tiết trên khuôn mặt con Nhi thì bây giờ tôi vẫn không thể nhận ra nó, bởi khuôn mặt một đứa bé lúc chín tuổi so với lúc nó chuẩn bị trở thành một cô gái tuổi mười ba hẳn là khác nhau nhiều lắm.

Vì tất cả những lý do đó mà cả tôi lẫn thằng Tường đều không hề bắt gặp trong đầu cái ý nghĩ rằng cô công chúa nhỏ bé tinh nghịch kia là con Nhi trước đây.

Nói ra thì dông dài như vậy, nhưng trên thực tế đoạn phim hồi tưởng đó diễn ra rất nhanh, gần như đồng thời với câu hỏi cà lăm của tôi:

- Con gái của bác vẫn... vẫn... còn sống?

- Ờ, nó vẫn còn sống, con à. Lúc đó bác cũng tưởng nó không thể nào qua khỏi. Buổi tối, ông Xung lò dò đến xóm Miễu, bắt mạch cho con bé, cạy miệng nó đổ nhân sâm rồi hốt mấy thang thuốc gì đó...

Giọng ông Tám Tàng lẫn vào tiếng gió và tiếng lá reo, không rõ buồn vui nhưng người nghe là tôi cảm thấy lòng nao nao.

Tôi đưa mắt nhìn lên những tàng cây chảy tràn ánh nắng và không hỏi nữa. Bắt ông Tám Tàng thuật lại câu chuyện mà ông không muốn đối diện kia chắc ông khổ tâm lắm. Tôi không hỏi nhưng tôi vẫn đoán ra được phần sau của câu chuyên: Con Nhi thoát chết nhưng trở nên ngớ ngẩn, do cú ngã từ trên cao, lại bị tay lái của chiếc mô tô va mạnh vào đầu.

Hình ảnh cuối cùng in vào trí não con Nhi trước lúc nó mê man là đức vua và công chúa, có lẽ vì vậy mà sau khi tỉnh dậy nó luôn đinh ninh nó là công chúa còn ông Tám Tàng là vua cha.

Con Nhi dở tỉnh dở điên, nhưng dù sao tôi thấy nó vẫn sống hạnh phúc trong thế giới riêng của nó. Ông Tám Tàng chắc cũng nghĩ vậy nên ông mày mò may những bộ trang phục hoàng gia cho hai cha con, thậm chí ép mình thay đổi cả cách xưng hô để con gái ông được chìm đắm một cách yên bình trong cõi lãng quên.

Khi chọn cách kỳ dị đó để chở che cho con gái, chắc ông Tám Tàng đau lòng lắm, tôi bùi ngùi nghĩ, và có thể đó là lý do câu chuyện cọp thành tinh ở xóm Miễu ra đời.

Câu chuyện về con ma cọp do ông Xung (hoặc một người nào đó) nghĩ ra để đám con nít trên đường lộ không bén mảng đến xóm Miễu trêu chọc, quấy rầy con Nhi.

Người lớn trong làng có lẽ không phải ai cũng rõ đầu đuôi nhưng những người biết được sự tình hẳn đã toa rập với ông Xung trong chuyện này để cuộc đời bất hạnh của cha con ông Tám Tàng không bị số phận ném đá thêm lần nữa.

Bữa đó, tôi ra về với những bước chân đầy tâm tư. Ong ong trong tai là lời dặn dò tha thiết, gần như cầu khẩn của ông Tám Tàng: "Con thương bác, thương con Nhi thì đừng kể với ai chuyện này nghe con!".

Chương 76 - "Bao giờ em cũng thích gặp công chúa"

Dĩ nhiên là tôi không kể với ai bí mật của cha con ông Tám Tàng. Trừ thằng Tường.

Thằng Tường đã được công chúa tuyển làm phò mã, nó cần phải biết công chúa là ai. Ngoài ra, sự hồi phục kỳ diệu của nó rất có thể bắt nguồn từ sự xuất hiện của nàng công chúa bên cửa sổ.

- Tường này. Tao vừa gặp công chúa...

Tôi nói, sau khi trở về từ xóm Miễu, cố chọn cách mở đầu thế nào cho câu chuyện ít đột ngột nhất nhưng sau một hồi loay hoay trong vô vọng tôi đành tặc lưỡi nói thẳng.

Tường không lộ vẻ gì ngạc nhiên. Nó cười bẽn lẽn:

- Em cũng mới gặp công chúa sáng nay.

Tôi hít vào một hơi để đủ bình tĩnh nói tiếp câu thứ hai:

- Nhưng tao gặp công chúa ngay chỗ ở của cô ấy. Tao gặp cả ba của công chúa nữa.

- Anh gặp cả nhà vua? - Cảm thấy câu chuyện quan trọng hơn nó nghĩ, đôi lông mày đẹp của Tường dựng lên - Tòa lâu đài của nhà vua ở đâu hả anh? Nó có đẹp như em nhìn thấy trong truyện không?

Tôi nhớ đến căn nhà lá xiêu vẹo của cha con ông Tám Tàng, khẽ chép miệng:

- Chậc... chỉ là một căn nhà bình thường giống như nhà mình thôi.

- Nhà vua và công chúa mà sống trong nhà lá sao, anh Hai? - Tường gần như kêu lên.

Tôi đặt tay lên vai Tường như sẵn sàng ấn nó xuống nếu nó nhảy dựng lên vì kinh ngạc, ngập ngừng hỏi:

- Mày biết nhà vua là ai không? - Và tôi nói luôn - Là ông Tám Tàng mổ lợn đó.

Đôi môi Tường vẽ thành hình chữ A:

- Ông Tám Tàng...

- Ừ. - Tôi gật đầu - Và công chúa chính là con Nhi.

Tường nhớ ngay ra con Nhi. Bây giờ thì tới lượt đôi mắt nó vẽ hình chữ O:

- Con Nhi sao? Con Nhi chết rồi mà, anh Hai.

- Nó không chết. - Tôi nhún vai - Nhưng bây giờ nó hơi... hơi...

Hai tiếng "ngớ ngẩn" tự nhiên nghẹn ngang họng tôi. Tôi không muốn Tường biết sự thật đó. Con Nhi là công chúa của nó, thậm chí đã chọn nó làm phò mã và điều đó đang nuôi nấng cả tâm hồn lẫn thể xác nó, giúp cây mơ mộng trong hồn nó trổ hoa những ngày này. Nếu biết công chúa của nó là một cô gái điên, Tường hẳn đau khổ lắm.

- Sao nữa anh? - Thấy tôi bỏ dở câu nói và không có vẻ gì sẽ tiếp tục, Tường nôn nóng giục - Anh nói tiếp về con Nhi đi!

Tôi gãi cổ, ấp úng:

- Ờ, ý tao muốn nói là bây giờ nó hơi... hơi... không được khỏe.

Tôi vừa nói vừa nhìn Tường dò xét. Tôi không sợ nó phát giác tôi nói dối. Tôi chỉ lo khi biết được cô công chúa trong tâm tưởng của nó rốt lại chỉ là con gái ông Tám Tàng mổ lợn, Tường sẽ hụt hẫng.

Nhưng em tôi không có vẻ gì giống một con tàu vừa bị đánh chìm. Nó hỏi tôi, giọng mơ màng:

- Thế thời bây giờ không có công chúa thật hả anh?

- Chắc là không có đâu! - Tôi nói, giọng vỗ về - Tao đã nói với mày hôm trước rồi mà.

- Thì ra công chúa là con Nhi.

Tường thở hắt ra, và trong khi tôi thấp thỏm nhìn nó như nhìn một quả mìn sắp phát nổ, câu nói tiếp theo của nó làm tôi nhẹ cả người:

- Hồi con Nhi còn sống, à quên, hồi chưa bị tai nạn, nó thích chơi với em lắm. Đi đâu, làm gì, bao giờ em cũng là người bảo vệ nó.

Tôi nheo mắt:

- Nó có học chung lớp với mày đâu.

- Không học chung nhưng chơi chung.

Tường khom người chỉ tay xuống chân:

- Anh thấy cái gì đây không?

Tôi nhìn theo tay chỉ của Tường, thấy một vết sẹo lờ mờ vắt ngang bắp chân nó:

- Thấy. Vết sẹo.

Một nụ cười rất khẽ trôi qua trên môi Tường, (Truyện được giới thiệu bởi wapsite: Haythe.US - Chúc bạn đọc truyện vui) nhưng dường như không phải nó cười với tôi. Tôi đoán nó đang mỉm cười với chính những hình ảnh vừa hiện ra trong đầu nó.

- Hôm đó con Nhi khóc sướt mướt vì bị một đám trẻ vây quanh chọc ghẹo. Em vừa tới nơi, lập tức nhảy xổ vào.

Tôi nhướn mắt lên, thay cho câu hỏi "Rồi sao nữa?".

- Em gạt tay cả bọn, quát lớn "Buông ra! Không đứa nào được bắt nạt bạn tao!". Em quát vừa dứt câu, tụi kia lập tức xúm vào đánh em tới tấp. Có một đứa cầm cây phang em tét cả chân, máu chảy ròng ròng. Con Nhi thấy vậy, không những thôi khóc mà còn khóc to hơn.

- Ra vậy. - Tôi khụt khịt mũi - Mày không kể thì tao đâu có biết lai lịch vết sẹo của mày.

Có vẻ thằng Tường không muốn nói nhiều về chuyện này. Nó nhìn ra cửa sổ, giọng đột nhiên bâng khuâng:

- Con Nhi không được khỏe hở anh? Tội nó quá há!

- Ờ.

Tôi đáp cụt ngủn. Thực sự tôi cũng không biết phải nói gì.

- Nó bị bệnh gì vậy, anh Hai? - Tường lại hỏi, giọng quan tâm.

Tôi định bịa ra một chứng bệnh hợp lý nhưng không nghĩ ra, đành lắc đầu:

- Tao cũng chẳng biết.

Tường làm thinh, có vẻ đang suy nghĩ, tôi thấy mày nó nhíu lại một lúc lâu. Bất chợt nó cầm lấy tay tôi:

- Nhà nó ở đâu hả anh?

Tôi biết sớm muộn gì thằng Tường cũng hỏi câu này, nhưng khi nó mở miệng tôi vẫn thấy bụng mình thót lại. Khó khăn lắm hai tiếng "xóm Miễu" mới lọt ra được khỏi đôi môi tôi.

- Anh xuống xóm Miễu? - Tường trợn mắt lên, không giấu một cái rùng mình khi biết tôi vừa gặp con Nhi ở một nơi không ai dám bén mảng - Thế con cọp thành tinh...

- Tao chẳng thấy con cọp thành tinh nào hết. - Tôi vội vàng ngắt lời - Chuyện đó chắc người ta bịa ra.

Sợ thằng Tường thắc mắc người ta bịa ra chuyện đó để làm gì, tôi lảng sang chuyện khác:

- Bây giờ mày có thích gặp công chúa nữa không?

Tường đáp không nghĩ ngợi, mặt nó ửng lên như đang phản chiếu ráng chiều:

- Thích chứ, anh Hai. Bao giờ em cũng thích gặp công chúa.

Chương 77 - Phò mã sốt ruột đi tới đi lui

Thằng Tường vẫn thích gặp công chúa, dù nó đã biết công chúa là con Nhi con ông Tám Tàng. Điều đó làm tôi ngạc nhiên một cách cảm động.

Nhưng lần này, đã nhiều ngày trôi qua con Nhi vẫn không thấy xuất hiện, dù ngày nào tôi và thằng Tường cũng đứng tựa người bên cửa sổ, ngóng về phía đồi Cỏ Úa.

Lúc này Tường đã có thể đi quanh quẩn trong sân trước vẻ mặt hoan hỉ của mẹ tôi. Nó chưa chạy nhảy được nhưng tôi nghĩ nó có thể đi bộ băng ngang đường lộ sang nhà chị Vinh, thậm chí có thể đi tới tận nhà cũ của con Mận, nhưng tôi không khuyến khích nó đi xa quá, sợ nó mệt.

Đến ngày thứ năm thì Tường đã bắt đầu sốt ruột. Nó đi ra sân, vịn tay lên hàng rào giậu, đứng ngó bâng quơ một lúc lại quay vào ngồi trên giường, giở truyện Cóc Tía ra đọc. Đọc vài trang, nó lại đặt cuốn sách xuống, lò dò bước ra sân.

Nhìn thằng Tường loay hoay đi tới đi lui, tôi chép miệng:

- Mày làm gì như con lật đật vậy, Tường?

Nó không trả lời tôi, lo âu nói:

- Chắc con Nhi bệnh nặng rồi, anh Hai.

- Không có đâu! - Tôi phác một cử chỉ như muốn nói là mày yên tâm đi, chẳng có chuyện gì xảy ra với con Nhi hết á.

Thằng Tường làm như không nhìn thấy cái khoát tay của tôi hoặc thấy mà làm như không hiểu. Nó vẫn dàu dàu:

- Thế sao nó không đến thăm em nữa?

- Tao nghĩ chắc nó bận chuyện gì đó? Khi nào hết bận, chắc chắn nó sẽ đến.

Tôi nói dối. Tất nhiên tôi biết tại sao mấy hôm nay con Nhi không xuất hiện. Ông Tám Tàng có lẽ đã canh chừng con Nhi gắt gao hơn kể từ hôm tôi bất thần mò đến tận nhà ông khiến ông hoảng sợ. Công chúa Nhi chắc nhớ phò mã Tường lắm nhưng nó không lẻn ra ngoài được đó thôi.

- Hay là anh dắt em đến nhà nó để em thăm nó?

Tường đột ngột đề nghị làm tôi giật bắn. Tôi xua tay rối rít:

- Không được! Không được!

- Được mà, anh Hai!

Tôi nghiêm mặt:

- Chân cẳng mày như thế làm sao đi xa được.

- Em sẽ đi chầm chậm.

Tường vừa nói vừa nhìn tôi, tha thiết, van vỉ nhưng đầy quyết tâm. Tôi thấy như có một ngọn lửa vừa cháy lên trong đáy mắt nó.

- Để tao nghĩ xem. - Tôi véo môi, sờ cằm rồi véo môi cái nữa, ngần ngừ nói - Chậc, leo qua đồi Cỏ Úa không phải chuyện đơn giản đâu!

- Em leo được!

Tường nói ngay, giọng khẳng khái, cứ như thể ngày nào nó cũng leo qua ngọn đồi này vài lần.

Ánh mắt Tường vẫn bám cứng khuôn mặt tôi nôn nao chờ một cái gật đầu khiến tôi phải quay nhìn ra sân để không bị lung lạc.

- Thôi, thế này! - Một lát, tôi thở dài nói - Tao sẽ dắt mày xuống xóm Miễu...

- Thiệt hả anh?

Tường reo lên, ánh mắt nó bừng lên nhưng rồi cụp ngay xuống khi tôi nói tiếp:

- Nhưng không phải ngay hôm nay. Mày phải tập đi lại thêm vài ngày cho chân cẳng cứng cáp đã.

- Thế ngày mai anh nhé?

Tôi lắc đầu:

- Ngày mai chưa được đâu.

- Ngày mốt vậy. - Tường nài nỉ - Chiều nay và cả ngày mai em sẽ tập đi. Em sẽ tập cho đến tối mịt, thế nào sáng mốt em cũng thừa sức đi xuống xóm Miễu.

Tôi không tin chỉ sau một ngày rưỡi thằng Tường có thể leo qua đồi Cỏ Úa sau đó vượt qua khoảng rừng thưa ở xóm Miễu để đến được chỗ ở của con Nhi. Nhưng không muốn làm nó thất vọng, tôi gật đầu:

- Ừ, nếu mày chăm tập thế nào ngày mốt mày cũng sẽ đi được.

Chương 78 - Ngày dài lê thê

Trưa ăn cơm xong, vừa buông đũa Tường đã đứng lên khỏi ghế, háo hức kéo tay tôi:

- Đi, anh!

- Đi đâu?

- Anh đưa em ra nhà ông Xung.

- Mày đi xa vậy? Mới tập đi, mày chỉ nên đi tới nhà ông Cả Hớn thôi.

Nhà ông Cả Hớn tức là nhà con Mận trước đây.

- Không. Bữa nay em nhất định ra tới nhà ông Xung.

Tường bướng bỉnh, một phản ứng hiếm thấy ở một đứa hiền lành như nó, có lẽ lúc này trong đầu nó không có một ý nghĩ nào khác ngoài chuyện đi thăm con Nhi.

- Anh Hai con nói đúng đó. Ngày đầu, con nên đi quãng ngắn thôi. Từ từ rồi hãy đi xa hơn.

Mẹ tôi chép miệng nói, dĩ nhiên bà không biết động cơ nào khiến Tường nôn nao đến vậy.

Tôi nháy mắt với Tường khi thấy mặt nó xịu xuống:

- Nghe lời mẹ đi, mày!

Hôm đó, Tường đi tới tận nhà ông Xung thật. Lúc đầu tôi định cầm tay nó dắt đi nhưng nó giật ra: "Em tự đi được mà, anh Hai!". Tôi buông tay ra nhưng không ngừng dán mắt vào nó, yên tâm khi thấy nó đi chầm chậm nhưng vững chãi, trông như nó đang cẩn thận đo từng mét đường.

Sự thực thì lúc đi tới nhà ông Cả Hớn, Tường đã đuối lắm rồi. Tôi nhìn mồ hôi ướt đẫm lưng áo nó, cất giọng lo lắng:

- Hay quay về đi mày. Sáng mai tao và mày đi tiếp.

Tường khăng khăng:

- Em chưa mệt. Em còn đi được.

Thằng Ghế chở thằng Dưa chạy ngang, reo ầm:

- Mày đi được rồi hả Tường?

Con Xin thấy tôi và Tường dọ dẫm tới trước cổng, cũng chạy ra, kêu inh ỏi:

- Ba ơi, thằng Tường đi được rồi nè ba!

Đối với Tường, sự ngạc nhiên hoan hỉ của tụi bạn chẳng khác nào những cơn mưa rào. Vẻ mệt mỏi trên mặt nó nhanh chóng được gột sạch. Tôi nhìn Tường, ngờ rằng nó đang hăm hở xâu từng tiếng reo của thằng Ghế và con Xin trong đầu và trong khi làm điều đó chắc là nó cảm thấy phấn khích như vừa leo lên tới đỉnh Everest.

Và mặt Tường rạng ra khi ông Xung đặt tay lên vai nó, vui vẻ khen:

- Con giỏi lắm!

Dĩ nhiên ông Xung không biết được động cơ thực sự của Tường khi nó lặn lội lết ra tới nhà ông trong khi cơ thể nó chưa cho phép. Cũng vì vậy ông hoàn toàn không biết câu nói tiếp theo của ông vô tình quét lên mặt Tường một dải cầu vồng lấp lánh:

- Con siêng tập như thế này chừng một hai ngày nữa con lại chạy như ngựa cho coi!

Chương 79 - "Bà điên bà khùng"

Thằng Tường tỏ ra vô cùng hào hứng, sau khi từ nhà ông Xung trở về.

Tôi sờ tay lên tay nó, hỏi:

- Mệt không mày?

- Có gì đâu mà mệt, anh Hai. - Tường đáp, cố tình chìa vào mắt tôi vẻ mặt của một đứa coi chuyện đi một quãng đường xa như thế chỉ là chuyện vặt.

- Xạo đi mày! - Tôi cốc khẽ lên đầu nó - Tao còn mệt mà mày không mệt!

Tường lỏn lẻn, có lẽ nó cũng nhận thấy không nên tỏ ra là người hùng trước mặt tôi:

- Ờ, mệt. Nhưng em mệt sơ sơ.

Nó ngước nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh:

- Ngày mai anh đi với em nữa nha, anh Hai?

- Ra nhà ông Xung nữa hả?

- Không, ngày mai em sẽ tập băng qua nghĩa trang. Em sẽ đi đến đồi Cỏ Úa. - Tường đáp lời tôi nhưng lần này ánh mắt nó dời khỏi mặt tôi để nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ.

- Mày đừng có điên! - Tôi kêu lên khi biết ý định của nó - Mày chưa lên đồi được đâu!

- Em chỉ đi tới chân đồi thôi. Rồi quay lại.

Tường nói bằng giọng điềm tĩnh nhưng tôi vẫn cảm nhận được sức nóng trong câu nói có vẻ thờ ơ của nó. Tôi nhìn nó thở dài, biết mình không thể và cũng không nên ngăn cản.

Sáng hôm sau, chờ mẹ tôi đi khỏi, hai anh em tôi lò dò men ra nghĩa trang.

Nhưng hôm đó Tường không băng hết chiều dài của nghĩa trang nổi. Bãi cỏ nghĩa trang mấp mô, không bằng phẳng như đường lộ, Tường té lên té xuống.

Lần này không đợi tôi lên tiếng, Tường đã mở miệng trước. Nó ngồi bệt trên cỏ, đưa tay xoa mông, nói giọng cam chịu:

- Mình quay về thôi, anh Hai!

- Mày không tập nữa à? - Tôi hỏi, ngạc nhiên một cách sung sướng.

- Chiều em tập tiếp. - Tường quẹt mồ hôi trán, cứng cỏi đáp.

Nhưng đến buổi chiều thì biến cố xảy ra ngay khi hai đứa tôi vừa đặt chân lên rìa nghĩa trang.

Lúc đó khoảng bốn giờ, nắng đã bớt gắt và trên bãi cỏ xanh ngắt của nghĩa trang đã thấp thoáng bóng trẻ con đuổi bắt nhau.

Khi tôi và Tường vừa rời khỏi đường lộ đã nghe những tiếng reo hò ở phía trước vọng lại.

- Tụi nó chơi trò gì thế anh?

Tôi nhìn bọn trẻ lô nhô túm tụm trước mặt, chép miệng:

- Chắc lại trò đánh nhau.

Tường vẫn nhìn chằm chằm về phía trước, chân dọ dẫm trên lớp cỏ nghĩa trang óng ánh nắng chiều.

Đột nhiên Tường la hoảng:

- Con Nhi, anh Hai!

- Con Nhi á?

Tôi sửng sốt lặp lại, vừa kịp nhìn thấy tà áo đầm xanh thấp thoáng trong đám đông phía trước.

Đúng là con Nhi rồi. Sao nó lại xuất hiện vào giờ này nhỉ? Tôi nhớ trước nay con Nhi chỉ đến thăm thằng Tường vào buổi sáng, lúc gần trưa, khi nghĩa trang hoàn toàn vắng bóng người.

Chưa bao giờ con Nhi trốn khỏi nhà vào buổi chiều. Nhưng thắc mắc chỉ lóe lên trong đầu tôi chút xíu thôi, rồi tôi hiểu ngay. Thời gian gần đây con Nhi không thể tự ý rời khỏi xóm Miễu như trước, có lẽ vì vậy mà nó buộc phải trốn đi bất cứ lúc nào ba nó chểnh mảng trong việc canh chừng nó. Nó quyết định băng qua nghĩa trang vào thời khắc bất thường như vậy chắc là nó nhớ thằng Tường lắm.

Lúc này những tiếng trêu ghẹo của bọn trẻ phía trước xát vào tai hai đứa tôi rõ mồn một:

- Con điên, tụi mày ơi!

- Bà điên bà khùng, bà đi kiếm chồng, bà khùng bà điên...

Trong khi tôi đang phân vân sàng lọc các cảm xúc để xem nên làm gì trong tình huống bất ngờ này thì Tường thình lình vọt chạy.

Tôi như không tin vào mắt mình, lật đật co giò chạy theo. Tường vấp té một lần, hai lần, nhưng vừa ngã xuống nó đã lồm cồm bò dậy và chạy tiếp. Tường chạy không nhanh, nhưng tôi đuổi theo muốn hụt hơi.

Vừa tới chỗ bọn trẻ, Tường đã giật tay thằng Dưa lúc này đang tóm áo con Nhi, giận dữ quát:

- Buông ra! Không đứa nào được bắt nạt bạn tao!

Trêu chọc con Nhi, ngoài thằng Dưa còn bốn, năm đứa khác. Thấy mắt thằng Tường tóe lửa, rất giống ánh mắt của kẻ sắp sửa giết người, tụi nó sợ hãi dạt cả ra.

Tường chống tay vào hông, quay đầu nhìn bốn phía, mặt phừng phừng:

- Tụi mày chọc ghẹo người điên mà không thấy xấu hổ hả?

Thằng Tường đã phát hiện con Nhi bị điên, tôi thót bụng nghĩ, đưa mắt nơm nớp nhìn nó và thở phào khi thấy nó chẳng quan tâm gì đến tôi.

Tường gườm gườm quét mắt qua từng gương mặt:

- Tụi mày biết con nhỏ này là ai không? Con Nhi đó.

- Con Nhi nào? - Thằng Dưa ngơ ngác, cứ như thể nó chưa từng biết một đứa nào tên Nhi trên cõi đời này.

Tôi đỡ lời Tường:

- Con Nhi con ông Tám Tàng.

Giống như tôi vừa kích nổ một quả mìn, bọn trẻ gần như nhảy dựng lên. Cả đống cái miệng há hốc:

- Con Nhi à?

- Sao lại là con Nhi được?

- Con Nhi chết rồi mà!

Tường nhếch mép:

- Con Nhi chưa chết. Bằng chứng là nó đang đứng sờ sờ trước mặt tụi mày.

Một đứa reo:

- A, tao biết rồi. Nó không chết. Nhưng nó hóa điên.

Ngay lập tức, bon trẻ dán mắt vào mặt cô công chúa đang đứng ngẩn ngơ cạnh đó, tỉ mỉ săm soi. Có vẻ như tụi nó đang cố tìm kiếm một dấu vết quen thuộc để tin rằng đứa con gái đang ăn mặc kỳ khôi kia chính là con Nhi đã qua đời trước đây.

Chương 80 - "Anh không phải là phò mã"

Thằng Tường cũng quay nhìn con Nhi. Từ lúc nó xông vào giải vây, cô "công chúa" nhỏ vẫn đứng yên một chỗ, đăm đăm nhìn "phò mã" của mình.

Tường có vẻ bối rối khi bắt gặp ánh mắt trìu mến của con Nhi. Bằng những bước thật chậm, nó tiến lại gần cô "công chúa" đến từ xóm Miễu.

- Công chúa đừng sợ. - Tường nói, giọng nhẹ như tiếng sáo.

Tôi chưa từng kể cho Tường nghe một cách tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ giữa tôi và cha con ông Tám Tàng nhưng lúc này cách xử sự của nó giống hệt những gì tôi đã làm ở xóm Miễu. Nó không muốn con Nhi thình lình bị lôi tuột ra khỏi thế giới của mình. Còn hơn thế nữa, vẻ mặt và giọng nói của nó còn toát ra sự nâng niu, che chở của một phò mã chính cống.

Con Nhi khẽ lắc đầu khi nghe Tường nói vậy.

Trước cử chỉ của cô bạn nhỏ, hình như có một nụ cười thấp thoáng trên môi Tường. Nó nói, dịu dàng như thể đang nói với một người câm:

- Công chúa muốn nói là công chúa không sợ phải không?

Con Nhi lại lắc đầu, lần này nó mấp máy môi:

- Em không phải là công chúa.

Cứ như thể con Nhi vừa thốt ra một câu hết sức kỳ quái. Tôi bất giác xích sát lại chỗ hai đứa nó đang đứng. Đám trẻ chung quanh cũng đồng loạt dỏng tai lên, hoàn toàn không tự chủ.

Tường cau mày:

- Công chúa nói sao?

- Em nói em không phải là công chúa. - Con Nhi lặp lại, lần này nó nói chậm và rõ đến mức không ai có thể bảo là mình nghe nhầm.

Tường bối rối chỉ tay vào ngực mình:

- Thế...

- Anh cũng không phải là phò mã. - Lần này con Nhi mỉm cười - Em nhớ rồi. Anh là anh Tường...

Nếu như không trấn tĩnh, tôi đã ngã lăn ra đất. Như vậy là con Nhi đã nhận biết thế giới chung quanh. Nó đã ra khỏi cơn mê dài của nó theo cách không ai ngờ tới. Tôi bấm mười ngón tay lên đùi, nhìn sững nó, đoán rằng mấy ngày trước đây lúc nhìn thấy "phò mã" Tường chắc trong tiềm thức nó cũng lờ mờ nhận ra người bạn thân của nó. Nhưng có lẽ phải đợi đến tiếng quát quen thuộc của Tường, tâm trí con Nhi mới bị lay động và bừng tỉnh.

Ở bên cạnh, tụi thằng Dưa giống như bị một bàn tay vô hình chẹn lấy họng, chỉ phát ra những tiếng ú ớ:

- Nó... nó...

"Đức vua" xuất hiện đúng lúc đó.

Từ trên đỉnh đồi ông Tám Tàng chạy như bay xuống, vẫn chiếc áo dài trắng bay phần phật trong gió, tấm khăn choàng quấn quanh ngực và thanh kiếm gỗ trên tay. So với lần gặp gỡ trước, ông chỉ thiếu mỗi chiếc vương miệng trên đầu.

Tôi không nghĩ ông Tám Tàng đủ can đảm ăn mặc như thế khi vượt qua đồi Cỏ Úa (thực sự tôi cũng chưa bao giờ bắt gặp ông trong làng với bộ dạng như vậy) nhưng lập tức tôi suy ra có lẽ khi phát giác con Nhi biến mất, ông quá nóng lòng đi tìm con gái nên không kịp thay đổi trang phục.

Nhìn thấy con Nhi đang bị vây bọc bởi một đám đông, chạy chưa tới nơi ông đã lo lắng huơ kiếm hét vang:

- Tụi kia tránh xa con gái ta ra! Nếu không, ta cho một kiếm bay đầu bây giờ!

Trừ tôi và thằng Tường, mấy đứa kia không biết chuyện gì đang xảy ra. Cả bọn thối lui cả chục bước, mặt lộ vẻ xao xuyến. Sự xuất hiện đột ngột của ông Tám Tàng kèm theo thanh kiếm trên tay và tiếng thét lồng lộng trong gió quả thực gây ấn tượng mãnh liệt còn hơn cả con trâu điên của ông Tư Cang.

Khi ông Tám Tàng chạy tới nơi, tôi thấy nét mặt ông vẫn còn đầy hãi hùng. Ông vung vẩy thanh kiếm, quai hàm bạnh ra giấu đằng sau nó một cái nghiến răng dữ tợn. Thấy con gái bình an, mặt ông thoắt dịu xuống, và tuy ông không nói gì tôi vẫn nghe thấy một âm thanh gì đó đang gầm lên khe khẽ trong cổ họng ông.

Sau khi lướt mắt qua bọn tôi, ông quay sang con gái, hạ giọng:

- Hoàng nhi...

- Con không phải là hoàng nhi.

Trong một thoáng, ông Tám Tàng chống kiếm xuống đất cho khỏi té. Mặt ông tái đi, những vết chân chim trên đuôi mắt không ngớt rung động, và lần này tới lượt ông ngơ ngác:

- Con vừa nói gì, hoàng nhi?

- Con là Nhi. Con không phải hoàng nhi, ba à. - Giọng con Nhi tỉnh táo đến khó tin.

- Con gọi ta là ba? - Ông Tám Tàng ngây ngô hỏi, có vẻ như chính ông chứ không phải con gái ông mới là người mắc kẹt trong thế giới của những kẻ mộng du.

- Dạ. Ba không phải là phụ vương của con. Ba là ba của con.

Con Nhi đáp, vừa nói nó vừa mỉm cười đi về phía ba nó.

Thằng Dưa vọt miệng, nó thốt thành lời cái ý nghĩ đang nảy mầm trong đầu mọi người nhưng chưa ai kịp nói:

- Con Nhi tỉnh lại rồi, bác ơi!

Nhờ nhanh nhẩu mà cái thằng bé loắt choắt nhất trong bọn (dù nó bằng tuổi với thằng Tường và con Nhi) tự nhiên trông rất giống một thiên sứ báo tin vui trong ngày hôm đó.

Chương 81 - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Hết)

Khi thiên sứ đã báo tin vui cho những đứa trẻ sống trong một ngôi làng nghèo nàn và nhỏ bé như làng tôi có nghĩa là câu chuyện của tôi không còn lý do gì để nấn ná ở lại với bạn đọc nữa.

Tôi cũng nói luôn là khả năng chú Đàn và chị Vinh quay về làng là rất cao, tôi cũng đang thấp thỏm mong chờ ngày gặp lại hai người mà tôi đặc biệt yêu mến đó. Thằng Tường có lẽ mong chờ điều đó còn hơn cả tôi, nhưng nếu tính thêm thầy Nhãn và bà nội tôi nữa thì thằng Tường tụt xuống hàng thứ ba.

Còn thằng Sơn và con Bé Na thì tôi chịu, không thể biết được hậu vận của tụi nó. Có thể ông Ba Huấn và ông Tư Cang trở thành sui gia với nhau. Cũng có thể ông Ba Huấn không chịu vì chê nhà ông Tư Cang nghèo rớt mồng tơi dù chuyến buôn quế vừa rồi ông Tư Cang cũng thu lãi được kha khá. Nhưng biết đâu chính ông Tư Cang mới là người kịch liệt phản đối vì chê thằng Sơn là đồ mất dạy.

Con Mận thì chắc chắn là tìm lại được ba nó. Và kết cuộc đẹp nhất là ba nó, mẹ nó và nó kéo nhau quay trở về làng khi phát hiện ba nó thực ra không hề bị bệnh phong như thiên hạ đồn đoán. Ông bị một thứ bệnh da liễu vớ vẩn nào đó, tệ lắm là bệnh vảy nến – một thứ bệnh khó chữa nhưng không khiến người ta xa lánh.

Con Mận về thì có thể cuộc sống của tôi sẽ khác, chắc chắn là xáo trộn, nhưng vui hơn hay buồn hơn thì tôi không biết được. "Tình yêu" mà! Nhưng tôi sẵn sàng tin là vui hơn. Bạn cũng biết rồi đó, lúc nào cũng nhìn tương lai bằng ánh mắt u ám thì làm sao sống nổi!

Nếu có chút gì đó làm tôi lo lắng vẩn vơ thì đó là thái độ của con Xin. Con Xin lúc tôi gửi thư tình cho nó thì nó chơi ngu đem nộp cho thầy giáo, nhưng khi nó lớn thêm vài tháng tuổi thì nó biết ghen với con Mận, không thèm lấy vỏ quế tôi tặng, nghĩa là nó trưởng thành hơn.

Ngoài những chuyện đó ra thì tôi cũng hy vọng ba tôi kiếm được việc làm ngon lành ở thành phố, hy vọng thằng Dưa con ông Năm Ve sau khi ăn thêm vài con cóc nữa sẽ lớn phổng lên như những đứa cùng lứa khác để khỏi bị bọn tôi cốc đầu đá đít, dù tôi cũng hơi khoai khoái cái trò cốc đầu đá đít nó.

Ủa, tôi nói ra những điều này như vậy là sớm quá, vì thực ra câu chuyện tôi kể vẫn còn dang dở. Khi nãy tôi đang nói tới chỗ thằng Dưa la lên rằng con Nhi đã tỉnh lại. Khi nó la lên như vậy thì coi như nó đặt dấu chấm hết cho buổi chiều hôm đó. Và cũng gần như đặt dấu chấm hết cho cuốn truyện này luôn.

Bởi vì sau đó bọn trẻ bu quanh con Nhi lục tục tản dần. Chúng kéo nhau đi về phía rặng dương liễu mọc sát đường lộ, vừa bá vai nhau vừa bàn tán không ngớt. Chiếc nón quả dưa của thằng Dưa nhấp nhô trong mớ đầu cổ giống như một quả dưa thật đang trôi lững lờ trong nắng chiều.

Ở phía ngược lại, ông Tám Tàng khoác vai con Nhi chậm rãi đi về phía đồi Cỏ Úa. Bây giờ thì trông hai cha con lại rất giống một đức vua đang long trọng dìu một công chúa về lâu đài.

Con Nhi cứ đi hai, ba bước lại ngoảnh cổ nhìn lại phía sau. Tôi thấy rõ những cái ngoái đầu lưu luyến của nó nhưng dù thế thì tôi cũng phải quàng cổ thằng Tường, nói:

- Về thôi, mày!

Thằng Tường không có lý do gì để không nghe lời tôi. Nhưng cũng giống như con Nhi, cứ đi vài bước nó lại ngoái đầu nhìn về phía đồi Cỏ Úa, nơi cô công chúa của nó có vẻ như đang đi xuyên qua buổi chiều để chốc nữa đây mất hút bên kia ngọn đồi.

Bây giờ tôi nghĩ "phò mã" Tường đã không còn nợ nần gì "công chúa" Nhi nữa. Nếu sự xuất hiện bất ngờ của "công chúa" bên cửa sổ giúp "phò mã" quên hẳn tấm lưng đau, sau đó chạy như ngựa hoặc nói một cách dè dặt là gần bằng ngựa, thì sự ra tay nghĩa hiệp của "phò mã" cũng vô tình giúp "công chúa" thoát khỏi chứng bệnh tâm thần đeo đẳng suốt ba năm nay.

Trong khi tôi đang nghĩ vẩn vơ đến sức mạnh kỳ diệu của tình yêu, nếu có thể gọi tên thứ tình cảm lạ lùng vừa chớm nở giữa thằng Tường và con Nhi là tình yêu (có bao giờ công chúa tuyển phò mã không vì tình yêu không nhỉ?), thì tiếng con Nhi bất thần vọng tới:

- Anh Tường! Gượm đã!

Tôi và Tường sững lại, như bị tiếng kêu thảng thốt của con Nhi neo chặt xuống cỏ.

Khi chúng tôi quay lại, con Nhi đã chạy tới gần đến mức tôi nhìn rõ những sợi tóc dính bết trên gò má đỏ lơ đỏ lưỡng của nó.

Cứ tưởng con Nhi sẽ va vào thằng Tường lúc này đang thộn mặt ngẩn ngơ thì nó đã chấm mũi hài xanh trên bãi cỏ, đúng kiểu một cô công chúa nhí nhảnh.

Tôi nhìn xuống, thấy con Nhi kịp dừng lại trước mặt Tường cách đúng một bước chân. Đôi chân của nó ghim vào cỏ như hai ngọn lao, rung bần bật vì hãm quá gắt. Cỏ dưới chân nó xanh biêng biếc nhưng ánh mắt tôi vẫn bắt gặp những cánh hoa vàng li ti đang kín đáo nở trong nách lá và điều đó cho tôi cảm giác rằng mùa hè khắc nghiệt sắp sửa trôi qua.

Cứ đứng như thế, con Nhi giương đôi mắt đen láy ra nhìn Tường. Nó không nói gì nhưng ánh nhìn của nó thật ấm áp. Lúc chưa ra khỏi cơn mê dài, con Nhi từng lẻn đến bên cửa sổ nhà tôi nhìn vào bên trong và bắt gặp thằng Tường đang nằm bất động trên giường bệnh, lúc đó chắc nó cũng giành cho thằng Tường ánh mắt như vậy.

Suốt một lúc lâu, con Nhi đứng nhìn thằng Tường, thằng Tường đứng nhìn con Nhi. Hai đứa im lặng ngó nhau, mặc nắng rớt trên đầu trên vai trên tay, như thể nếu không ngó nhau thì chúng chẳng còn việc gì để làm trên cõi đời này nữa.

"Đức vua" Tám Tàng đứng cách đó một quãng, chống kiếm nhìn về phía "công chúa" và "phò mã", chẳng biết đang nghĩ gì.

Tôi đứng bên cạnh, ánh mắt đi qua đi lại giữa thằng Tường và con Nhi, lúc đầu thấy hay hay, sau thấy tụi nó đứng yên lâu quá, tôi suốt ruột tính co chân đá vào chân thằng Tường.

Nhưng tôi chưa kịp nhúc nhích, Tường đột nhiên mỉm cười.

Ngay lúc đó con Nhi cũng nhoẻn miệng cười theo, và nói:

- Em cảm ơn anh nhiều lắm!

Con Nhi lúc nói câu đó thì nó không còn giống công chúa nữa, mặc dù nó vẫn đang khoác đồ công chúa trên người.

Thằng Tường mấp máy môi khi nghe con Nhi nói vậy, nhưng rốt cuộc nó chẳng nói gì. Tôi đoán nó định nói "Anh cũng cảm ơn em nhiều lắm" nhưng đến phút chót có lẽ nó cảm thấy nói vậy giống như bắt chước con Nhi nên nó quyết định làm thinh.

Nó làm thinh nhưng nó thò tay nắm tay con Nhi.

Thằng vô tư gớm! Nó dám nắm tay con Nhi trước mặt ba con Nhi. Tôi lo lắng nghĩ bụng và ngước mắt về phía ông Tám Tàng. Nhưng "đức vua" hung dữ lúc nãy bây giờ nom hiền khô.

Thấy thằng Tường cầm tay con gái mình, ông khẽ giật mình một cái, và huơ kiếm lên. Nhưng ông không nói "Tụi kia tránh xa con gái ta ra! Nếu không, ta cho một kiếm bay đầu bây giờ!" như lúc ông lao xuống từ trên đồi.

Ông chỉ giơ mũi kiếm lên gại gại chỗ bắp chân, chắc có con côn trùng nào đó vừa chích ông...

Tp.HCM 24.10.2010

Hết.

↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM
XtGem Forum catalog