XtGem Forum catalog

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Lần đầu tiên tôi mặc váy là vào ngày sinh nhật của mình hồi cuối năm mẫu giáo, chiếc váy màu trắng, có thắt nơ, chân váy phồng. Bọn con trai trong xóm nhìn tôi ghê lắm, vì tóc tai ngắn cũn, giống như một thằng con trai mà gia đình nó chỉ mong có con gái nên bị ép buộc phải mặc.

“Sinh nhật tao năm tới mày phải mặc cái váy này và để tóc dài, nghe chưa?”

Tôi quyết tâm nuôi tóc dài sau hôm đó. Dù mùa hè năm ấy nóng như đổ lửa, tóc tai lỡ cỡ, thả thì nóng, buộc không xong, bà và mẹ có nói thế nào chăng nữa tôi không chịu cắt. Nhưng tóc đã dài mà cậu ấy không còn ở bên tôi.

Thế nên lần này chị Thủy Anh cho tôi mượn một chiếc váy mày trắng, chị hơn tôi ba tuổi nên váy là của chị luôn. Ngoài ra chị Hải Anh còn mang máy uốn tóc đến nhà tôi nữa. Chị nói phải làm cho tôi thật lung linh.

“Em không quen như thế này đâu, ngại chết đi được!”

“Không phải diện cho mình, mà cho thằng nhóc bạn em.”

Lúc đó hình ảnh xuất hiện trong đầu tôi là Vũ, nên thay vì hỏi là ai, tôi hỏi:

“Sao lại thế?”

“Chị chắc chắn nó chấm em rồi!”

Chị Thủy Anh tiếp lời:

“Lễ khai trương tối nay diễn ra, hôm qua mới đưa thiệp cho em, chứng tỏ những khách mời in thêm, lại còn bày đặt nói vì lý do quảng cáo cho khách sạn.”

“Không nói với mấy chị nữa đâu!”

Tôi giữ lấy mái tóc của mình, định mò ra ngoài nhưng không được. Hai bà chị tôi mà nói chuyện thì chỉ xoay quanh mấy thứ yêu đương lãng mạn, biết thế không kể cho họ nghe nữa. Nhưng tính tôi dễ bị khai thác, ai hỏi gì là khai hết thật luôn.

“Thế có làm tóc nữa không đây? Không biết thằng Phong giờ trông thế nào, ngày trước nó đã lanh lợi, thông minh, sáng sủa, khối đứa theo.”

“À… thì làm… nhưng… em…”

“Biết rồi, không cầu kì để lỡ nó càng lớn càng xấu thì nhìn hai đứa vẫn đẹp đôi hả?”

“Các chị cứ chọc em.”

Tôi muốn xuất hiện trước Phong thật đặc biệt. Không biết vì sao lại thế. Nhưng trong trí nhớ của tôi, cậu ấy là người hoàn hảo nhất.

Lần này có thêm chị Thủy Anh nên mất nhiều thời gian trang trí cho tôi hơn. Mỗi người một ý, vô hình chung tôi là con chuột bạch. “Rắc màu” xong các chị mới cho động tới gương, nhìn trong gương, trông tôi khác quá.

Ông nói giống mấy đứa nhắng nhít trên tivi.

Bà không tin đấy là tôi.

Bố thì không nói gì.

Còn mẹ bảo tôi bắt chước mấy bạn nữ ở trường.

Thế là tôi lau đi hết. Người thân của tôi còn nói vậy thì Phong nhận ra bằng cách nào. Rốt cục tôi trông không khác với hôm gặp Vũ trước cổng khách sạn, chỉ khác mỗi màu váy.

Ông sẽ đi cùng vì muốn được trông thấy tụi trẻ bọn tôi gặp lại. Hóa ra ông mong gặp Phong chẳng kém gì vì ông nghĩ tôi mê cậu ấy lắm (hic hic) và sẽ không từ chối nếu nhận cậu ấy là cháu rể.

Ông còn thuê hẳn bộ com-lê cài khăn trước ngực, trông rất lịch lãm. Hai ông cháu được bố và chị Hải Anh chở đến tận nơi, hẹn chín giờ tới đón. Bố không vào vì ngại đi đông dù cô con gái có năn nỉ thế nào chăng nữa. Rõ ràng tôi nói với Vũ để cả nhà cùng đến mà.

Khoác tay ông bước vào, dòng cảm xúc bồi hồi len lỏi trong từng hơi thở của cả hai ông cháu.

Trước mặt chúng tôi là tòa nhà cao lớn, với những ánh đèn màu bắt mắt, nhấp nháy liên hồi. Tấm thảm màu đỏ dải từ lối đi vào tận trong, xung quanh là những loại cây được tạo hình theo nhiều tư thế.

Ông chỉ vào chỗ đài phun nước con con, có bức tượng trẻ con với đôi cánh thiên thần đang… đi vệ sinh và nói:

“Chỗ này ngày trước ông cháu mình chôn cái răng cửa của cháu đó!”

Miệng tôi giống số ba xoay ngang và mắt thì như hai hột nhãn tròn vo. Trí nhớ ông tốt quá. Hồi đó vì tôi ngã gãy răng khóc dữ quá, ông và bà dắt tôi ra tận ngoài cổng, đào một cái lỗ nho nhỏ để thả răng xuống, làm như thế mấy hôm sau cái răng sẽ trở về. Tôi đinh ninh nên ngày nào cũng qua đây tưới ít nước và cuối cùng không còn bị sún nữa.

“Cái cổng này ngày xưa có cây dâu da, thằng Phong hay trèo trẩy quả cho cả mấy đứa. Chun của ông đòi leo lên rồi bị ngã dập mông. Về nhà chú Dương cầm roi quật thằng bé mà ông sang can mãi mới bố nó mới tha. Ha ha...”

Tôi dìu ông qua những bậc thang tiến vào sâu trong sảnh. Những bước chân của ông chậm rãi như muốn níu kéo thời gian. Ngày trước ông kiên nhẫn đợi từng bước chân tôi thì bây giờ mọi thứ đã đảo ngược.

Sảnh tiếp khách của khách sạn rất lớn, tôi và ông trình thiệp mời cho lễ tân, chị ấy nói hai ông cháu đợi chút sẽ có người dẫn vào, trong khi chỉ cần đi thẳng là tới phòng tiệc. Tôi và ông ngồi nghỉ tại dãy ghế hướng mặt về phía tường ngắm nghía những bức tranh sơn dầu.

“Tôi nghĩ là mình đã đánh rơi thiệp mời.”

“Xin quý khách vui lòng cho biết quý danh.”

“Trịnh Quốc Phong Anh, bạn của Vũ.”

“Đây rồi, mời quý khách đi thẳng đến cuối đường, rẽ phải.”

Loáng thoáng trong những lời bình phẩm tranh vẽ của ông, tôi nghe được cuộc hội thoại của lễ tân với người nào đó. Khi quay mặt ra người đó đã đi được một đoạn.

Cậu ấy mặc một chiếc áo sơ mi trắng xanh, chân đi giày thể thao tiến thẳng vào trong, nghiêng mặt vỗ vai với ai đó. Ở khoảng cách này tôi không nhìn rõ, định gọi ông thì cậu ấy đã vào bữa tiệc rồi, còn người đã nói chuyện cùng đang tiến gần chỗ lễ tân.

Là Vũ.

“Con chào ông!”

Mải suy nghĩ về “thân phận” cậu con trai đó, tôi chỉ ậm ừ những gì Vũ nói, chân bước theo quán tính, để mặc Vũ đỡ ông và kéo tôi vào phòng.

Giữa rừng người đi qua đi lại, ai ai cũng ăn vận trang trọng, đẹp đẽ. Họ có lẽ là bạn bè của gia đình Vũ, còn một góc khác, những con người giản dị, tôi nghĩ mình thuộc về nơi ấy. Còn Phong?

“Mười lăm phút. Sau đó Lâm Anh sẽ đi với tôi."

Tôi đơ ra như thể con bé Lâm Anh trong lời nói đó không phải mình.

“Bạn đang nói chuyện với mình à?”

Vũ đưa tay lên định xoa đầu tôi nhưng nhận thấy một vài chiếc kẹp tăm nên thôi, chào ông rồi đi để chúng tôi tự do. Ông và tôi gặp mấy cô chú hàng xóm cũ, ôn lại bao nhiêu chuyện xưa xửa xừa xưa. Họ vẫn nhận ra tôi dù giờ trông tôi phổng phao hơn ngày xưa. (Thực ra là nhờ miếng lót ngực của chị Hải Anh, chị ấy chê tôi lép xẹp nên cho luôn).

Khi ông cảm thấy mệt, tôi dẫn ông ra bệ đá ngồi. Tiệc gì mà chả có chiếc ghế nào.

“Thằng nhóc nãy đứng với ông cháu mình là thằng mà mẹ cháu kể hả?”

“Dạ, bạn ấy là Vũ, ngồi cùng bàn với cháu.”

“Nó thích cháu hả?”

“Sao ông nói thế?”

Tôi giật mình ngoái lại nhìn Vũ, cậu ấy đang đứng nói chuyện với một vài người, bắt gặp ánh mắt của tôi liền quay đi.

“Đó thôi, ở đây có bao nhiêu đứa đẹp gái mà nó nhìn mỗi cháu!”

Tôi lúng túng nhìn ra chỗ khác. Rốt cục vẫn chưa tìm ra người con trai mặc áo trắng, quần ống đứng đi giày thể thao.

“Trời ơi, thằng nhóc kia giữa nơi đông người thản nhiên ôm và thơm má con bé bên cạnh. Thanh niên bây giờ thoáng quá.”

Đó chẳng phải là người tôi tìm kiếm nãy giờ ư, còn bạn nữ mặc chiếc váy màu đen bên cạnh không ai khác là Hải Yến, xung quanh là đám bạn cùng tuổi, có vài người lớp tôi, họ đứng dãn ra cho Yến đứng vị trí trung tâm, có thể bạn ấy vừa đến. Lệ Quyên cũng ở đó.

Bất chợt người con trai ấy đưa mắt nhìn một vòng quanh, dừng lại một giây phút về phía tôi.

Nét mặt ấy, sống mũi, đôi mắt,… hao hao với cậu bạn nhỏ của tôi.

Nhưng…

Phong ghét đi giày vì nó rất bí, cậu ấy thường xách nó trên vai, chạy nhảy bằng chân đất,

Phong thường ngồi bệt xuống vệ cỏ trong khi tôi kê dép lên,

Phong vừa cầm phấn viết, bốc vã thức ăn mà không hề thấy bẩn,

Phong ghét mặc áo có cổ vì nó rất vướng víu,

Phong…

“Ông mệt phải không? Con chuẩn bị ghế cho ông ngồi đây. Ông cho con mượn Lâm Anh một lát nhé!”

Một ai đó đang đẩy tôi lại gần cậu ấy,

Mà đôi chân tôi khựng lại.

Những ngón tay tôi nắm chặt cánh tay người bên cạnh, Phong của tôi không như thế. Người con trai kia trông chỉnh chu từ mọi góc độ.

“Lâm Anh! Mày bị cảm à? Trán ướt vã mồ hôi rồi.”

Phải như thế cơ, Phong của tôi phải áp tay lên trán một cách thô lỗ, lớn giọng và đuổi tôi về nhà. Nhưng Phong không bao giờ gọi tôi là Lâm Anh, vì tôi là Chun, cái nịt chun gắn với chiếc quần.

“Không, không ốm,… tớ bị nóng thôi.”

Vũ kéo tôi lại gần cây điều hòa, để gió thổi bay những giọt lấm tấm trên trán. Lạnh kinh dị.

Cậu con trai ấy đang tiến gần chỗ ông tôi.

“Phong phải không con?”

“Con đây ông. Ông và… bạn nữ kia là… Ch… Lâm Anh phải không?”

Sự xa cách dường như đã tung cánh biến mất, tôi buông tay khỏi Vũ, chạy nhào ra chỗ ông, xém chút nữa bị niềm vui sướng nuốt chửng ý tứ.

“Phong!”

Tiếng hét của tôi khiến một vài người xung quanh giật mình. Nhưng chưa chạy được tới bên cậu ấy thì bị một lực giữ lại, cánh tay của Vũ ôm trọn thắt eo tôi.

“Bạn cũ không cần phải nhảy tưng tưng và chạy đến ôm hôn thắm thiết đâu!”

Có thể Vũ rút kinh nghiệm từ bữa trước tôi gặp Yến.

“Bạn làm gì vậy? Buông tớ ra, ông tớ…”

Vũ buông tôi ra, nó giống như một hành động bộc phát không suy tính trước của cậu ấy. May thay Hải Yến cũng lại chào nên ông nội không để ý đến đứa cháu gái.

“Tao… cảm thấy khó chịu… khi Lâm Anh dáo dác tìm ai đó, và nó lại là thằng bạn đẹp trai không kém cạnh gì tao.”

Hơ hơ, tôi bị lời nói đó làm… buồn cười. Vũ dạo gần đây cư xử khác quá, cậu ấy cứ… dễ thương thế nào ấy.

Sao lại là từ “dễ thương” nhỉ?

Mà lần này tôi cũng không phải ngơ ngác kiếm Lâm Anh là ai trong lời nói của Vũ nữa. Đang mải nghĩ mông lung thì Phong đã đứng trước mặt tôi từ lúc nào.

“Đã lâu không gặp!”

Cậu ấy nở một nụ cười rất nhẹ.

So với ngày trước, giờ tôi phải ngước lên nhìn. Sau bao năm không ngờ chúng tôi được gặp nhau tại đúng nơi hai đứa từng sinh ra.

“Vũ Lâm Anh, đứa con gái tao kể với mày ấy!”

“…”

“…”

“Tao đang định ra mắt đám bạn bè.”

“…”

“…”

“Vậy nhà tao ngày trước mày cũng từng ở à?”

"... À ừ.”

“…”

“Bụp!” - Ông vỗ mạnh sau gáy khiến Phong đổ người về phía trước, - “Sao ít nói thế con? Ngày xưa mày với con Chun, con Mai, con Yến nô nhau hét ầm ĩ khắp xóm có cho ai ngủ trưa bao giờ.”

“…”

“…”

“Chun là tên Lâm Anh hả ông? Cái tên gì kì cục thế?”

“Ông hay mặc quần buộc chun, bồng cháu gái đi chơi khắp xóm, nó cứ đòi rút cạp chun của ông nên gọi nó là Chun. Cái tên độc, chẳng ai thèm đụng hàng.”

Im lặng nãy giờ tôi mới khua tay ra dấu cho ông ngừng lại, nhưng chỉ được một tay vì bên còn lại đang ở trong nắm tay của Vũ.

Nhưng cậu ta nắm tay tôi để là gì chứ?

Dù vậy tôi còn mải ngắm nhìn Phong nên cứ mặc kệ đi.

“Thì ra bọn nước ngoài có thói quen ôm hôn bạn bè, mới đi nước ngoài được bao lâu mà đã quên phong tục của người Việt là sao hả con?”

Giải thích cho Vũ xong ông quay sang trách móc Phong. Tôi chỉ đứng nghe.

“Thời gian Phong ở bên ấy nhiều hơn mà ông.”

Hải Yến trả lời thay.

“Không, thực ra thì… với những người con quý mến con luôn làm thế.”

“Thế còn ông và con Chun?”

Mười giây sau thì Phong vòng tay ôm siết ông nội. Ông giữ Phong chặt lắm. Nhưng đến lượt tôi cậu ấy lưỡng lự, giơ cánh tay để lửng. Chẳng lẽ Phong không xếp tôi vào những người được quý mến ư?

À, một lúc tôi mới biết phía sau lưng có con người mắt đang rừng rực nhìn cậu ấy, không rõ vì lý do gì.

“Con Chun nó nhớ thằng hàng xóm lắm, từ ngày con đi nó luôn miệng hỏi ông bao giờ con về, thế mà giờ nó im re. Chắc nó xấu hổ đấy!”

“Ông!!!” - Trời ạ, ông đã mang guốc trong bụng tôi mà còn kể ra cho Phong nghe, tôi muốn độn thổ chết mất. Nhưng không trách ông được, vì mỗi lần nhớ cậu ấy, tôi thường ngồi trong lòng ông, xòe bàn tay nhăn nheo, điểm những vết đồi mồi để viết tên nỗi nhớ. Phong đã về bên tôi đây rồi, mà nỗi nhớ còn chưa nguôi.

“Thế ở nước ngoài đã có bạn gái chưa?” - Ông vỗ mạnh gáy Phong lần nữa. Tôi ước mình được tự nhiên như ông.

“Cháu chính là bạn gái của Phong Anh!”

Âm thanh vừa rồi có ảnh hưởng đến tôi như tiếng sét đùng đoàng bên tai. Hải Yến sững sờ chẳng kém.

Lệ Quyên đứng khoanh tay ngay sát Phong, nhưng lại nhìn Vũ vẻ đầy thách thức.

“Con bé xinh đáo để!... Về thôi Lâm Anh, bố cháu hẹn tám giờ tới đón, giờ ra là kịp.”

Ông đánh vào cái nắm hờ hờ của Vũ và tôi, tách những ngón tay tôi thu về bên.

“Ơ?”

Ông nhớ nhầm giờ rồi.

“Về thôi ông buồn ngủ lắm. Oa!” - bình thường ông ngáp dài và chảy nước mắt, chứ không há miệng rồi đóng luôn thế này. Thay vì để cháu dìu đi, ông kéo đứa cháu gái đi theo. Tôi vội vã cúi đầu thay lời chào.

“Để con đưa ông và Chun về.”- Hình như có hai người vừa đồng thanh lên tiếng.

“Chọn thằng nhóc này!” - Ông tôi cười nheo cả mắt chỉ tay về phía Vũ. Nhưng sau đó đổi ý ngay - “Mà bữa nay tiệc của nhà nó, thôi, thằng Phong đưa ông về.”

“Không sao, con đưa hai người về rồi quay lại.”

“Thôi khỏi, để dành lần sau. Ta còn muốn hỏi han về hàng xóm cũ.”

“Nhưng ông vừa bảo có người tới đón?” - Vũ không chịu, nhìn cậu ta trẻ con ghê gớm.

“Ờ, sau ta nhớ ra hẹn bố con bé lúc chín giờ, mắt ông sắp díp chặt rồi Chun, không mau thì cháu không cõng nổi cái thân già về đâu.”

“Dạ dạ!”

Tôi luống cuống chạy theo ông, Phong đi theo sau một đoạn. Chắc vì giải thích với Lệ Quyên. Phong và Lệ Quyên, Lệ Quyên và Vũ, Vũ và Hải Yến, thế là thế nào, còn tôi nữa, tôi và… ông nội.

Phong gọi một chiếc taxi màu xanh, mở cửa sau để ông vào nhưng ông lại muốn ngắm phố phường nên ngồi ghế trên. Ông nội vốn dễ tính mà bữa nay xoay như chong chóng.

Phong đợi tôi vào trong rồi đóng cửa. Vòng ra sau mở cửa ngồi ghế bên. Thế mà tôi tưởng cậu ấy ở lại bữa tiệc.

Tôi tiếp tục im re, di di chân váy, ngay cả địa chỉ nhà cũng để ông nội chỉ.

Còn nhớ hai đứa từng ngồi chung hàng ghế sau, hôm đó tôi và Phong bị ép chặt bởi hai mẹ, hàng ghế trên là bà nội đi cùng cổ vũ. Đó là cuộc thi Bé khỏe Bé ngoan ở trường mẫu giáo nhân dịp Trung Thu, mẹ tôi trát đầy phấn má hồng lên mặt hai đứa, trông cứ như hai chú hề bị tống đến trường. Phong ngồi sát sạt, dù ghét cái thứ màu mè trên mặt nhưng không dám kêu ca, trong khi tôi xớn xác nghêu ngao bài “Chiếc đèn ông sao.” Sau đó cô Khánh xuống xe rẽ vào cơ quan, nhờ mẹ tôi trông chừng Phong giúp, thế mà hai đứa vẫn ngồi sít sịt, không hở ra bọng khí nào.

Giờ mỗi đứa một góc, áp sát cửa xe, không hở ra bọng khí nào.

“Bố mẹ con giờ công tác ở đâu?”

Nếu không có ông thì chúng tôi như người vô hình.

“Mẹ con làm ở viện nghiên cứu khoa học, còn bố con bên dầu khí.”

“Tốt quá. Bữa nào bảo bố mẹ con tới nhà con Chun ăn một bữa.”

“…”

Phong không trả lời ông. Chúng tôi tiếp tục im lặng.

Cho tới đường rẽ vào, xe ô tô không thể đi vào nữa, thì có tiếng mở cửa xe, còn không vẫn im lặng.

“Con Chun mời bạn vào nhà chứ!”

“Dạ… Ph… bạn vào nhà tớ chơi!”

Chỉ cơ miệng hoạt động, còn lại mặt tôi vẫn đơ ra khiến chú tài xế đang trả tiền thừa phán:

“Căng thẳng như đi ra mắt bố mẹ vợ thế thì làm ăn được gì?”

Hình như chú không nói tôi, càng không phải ông nội, còn lại cậu ấy. Tôi chỉ dám liếc mắt nhìn Phong vài giây, gặp ánh mắt cậu ấy là tôi ngước lên trời ngắm trăng sao ngay.

Trước đây chúng tôi có bao giờ thế.

Theo thứ tự ông đi trước vì chê hai đứa chậm rì, tôi bám sát ông, Phong sau đó một vài bước chân.

“Phong có em không con?”

Dù nghĩ nát óc tôi cũng không đưa ra được câu hỏi thăm dành cho cậu ấy thế mà ông thì luôn có.

“Dạ có. Cả em trai và em gái.”

“Tốt. Sau này con Chun có làm dâu nhà họ Trịnh cũng bớt gánh nặng.”

“Ông!!! Ông đừng trêu chọc cháu!”

Ai lại đem chuyện cưới xin nói với người bao lâu mới gặp lại chứ. Hic hic. Mà Phong và Lệ Quyên, bó hoa,… họ là một đôi mà.

“Hai đứa câm như con hến ông không nói vậy thì sao mày mở miệng.”

Nhưng mà ông nói thế chỉ càng làm ngại ngùng trong tôi lớn hơn.

“Thế còn thằng nhóc tên Vũ?”

“Ông hỏi gì ạ?”

Giờ ông lại sang chủ đề khác.

“Nhà nó có mấy anh chị em?”

“Cháu không rõ.”

“Có mình nó thôi”- Ông biết câu trả lời còn hỏi tôi, - “Trong lúc nhà nó giới thiệu thì cháu làm gì mà không nghe? Mắt dáo dác tìm thằng Phong hả?”

Trời ạ, kiểu gì ông cũng quay sang gán ghép tôi. Tốt nhất nên im lặng.

“Thằng Vũ được đó, nhưng nó là con một nên phải xem xét.”

Mặt tôi muốn mếu cũng không xong. Tôi quay lại khua tay với Phong.

“Phong đừng nghĩ tớ với Vũ có gì, không có gì hết. Chỉ là bạn cùng bàn thôi.”

Cậu ấy bật cười. Ông cũng cười. Nhưng tôi không cười.

Hình như Phong có điện thoại, tôi thấy cậu ấy rút ra nghe và nói sẽ quay lại. Thế là cậu ấy xin phép ông đi, hẹn dịp khác đến nhà chào bà và bố mẹ tôi.

Tôi cứ thấy cậu ấy khang khác thế nào. Thâm tâm vẫn chưa nghĩ rằng mình đã tìm được Phong.

Ông và tôi trở về nhà.

“Lâm Phong và Lâm Vũ!”

Tự dưng ông nhắc tới hai nhân vật trong phim kiếm hiệp nhằm mục đích gì cơ chứ?


“Cool guy trường mình đã lộ diện người yêu rồi chúng mày ới! Đúng là nồi nào úp vung đó. Bạn gái hắn cũng như hắn.”

“Ai? Đứa nào dám cướp cool guy của chúng ta?”

“Con bé Diệp Lệ Quyên ấy.”

“Sao cơ? Nghe đồn bọn B3 nói nó thích Vũ mà.”

“Nó bị Vũ đá rồi, vừa được Phong tán thế là đổ luôn. Bọn này toàn thích yêu lại của nhau. Bạn bè gì kiểu đấy.”

“Cái thằng mới chuyển đến với con bé Lệ Quyên yêu nhau á, có đứa nào ngoài cái lớp ấy biết đâu. Thằng Phong không hề biết, mới lại hắn không phải người như thế.”

“Mày làm gì mà bênh bạn cool guy như chồng con vậy? Con bé người yêu hiện tại của Vũ ấy, vừa là bạn cùng lớp với con Quyên, vừa là bạn cũ của con Yến, nó trơ trẽn cướp Vũ đấy thôi.”

Lần nào ngồi trong nhà vệ sinh tôi cũng nghe được nhiều chuyện, và lần nào cũng có “mùi” của tôi trong đó. (Sao hôm nay tôi tiếp thu vấn đề nhanh thế nhỉ?)

“Bạn cũ của con Yến?”

Ba người họ đã ra khỏi nhà vệ sinh nên không còn nghe thêm được nữa, nhưng câu hỏi cuối ấy là của ai nói nhỉ?

Tôi mang suy nghĩ theo vào lớp, gặp Vũ ngay cửa nhưng cậu ấy phớt lờ luôn. Trong giờ học Vũ cũng chẳng thèm nhìn tôi cười cợt nữa.

Sau ba tiết học thì cô chủ nhiệm vào, dặn cả lớp chuyển sang hội trường.

“Trời ạ, năm nào lớp mình cũng phải đi nghe cái này!”

“Cái gì vậy?”

“Sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên.”

Thái độ ê chề, ngán ngẩm của Minh Thu lan sang Vũ.

“Ặc, cái này trường cũ của tao cũng bắt nhốt cả lớp vào nghe, và tao được lấy ra làm ví dụ.”

“Vì lần này hội trường khá đông, có các bạn lớp khác nên những bạn có tên sau sẽ được đi, còn lại làm bài tập trong sách giáo khoa, tôi sẽ kiểm tra.”

Cô chưa đọc tên mà Vũ và Minh Thu, gần như cả lớp tôi đã thu dọn sách vở.

“Mày còn chưa cất đồ đi?! Nghe cái đó lâu lắm, xong thì cắp mông về luôn chứ quay lại lớp lấy cặp làm gì cho mất công”- Vũ đã trở về cách xưng hô thường nhật, tôi thích như thế hơn.

“Ơ, nhưng… chắc gì tớ được đi.”

“Được á? Mày thích cái được á?”

Vũ vừa nói thì cô đọc đến tên tôi. Cả lớp đi gần hết, chỉ trừ lại vài bạn, hình như họ đang độc thân nên ở lại lớp, Thu nói với Vũ thế mà. Nhưng… tôi thì sao? Và nghe cái đó chán đến nỗi nào mà các bạn phải chuẩn bị sẵn tai nghe.

“Cầm lấy!”

Vũ đưa cho tôi cái tai nghe không dây màu đen. Cậu ấy nhét cái còn lại lên tai và phát nhạc. À há, là bài “Đưa em đi chơi xa/ Trên con xe tay ga” bữa trước.

Lớp tôi “ra quân” nhiều nhất, những lớp khác nhiều thì chừng 2/3, hoặc một nửa. Trông thấy Phong đi từ cửa lớp 11B1, tôi giơ tay vẫy, có cả Hải Yến nữa, nhưng sau đó Yến đi lẻ một mình, vì Lệ Quyên đã chạy tới kéo Phong lên trước.

Vũ tự dưng kéo tôi sát hơn khiến cô Oanh đi gần quay sang lườm hai đứa. Tôi hốt hoảng đẩy ra.

Vào tới hội trường, chúng tôi chia làm hai, một bên dành cho nữ, một bên của nam sinh. Dòng chữ “giáo dục giới tính” to hoành tráng trên bục, tôi định kiếm chỗ nào góc cuối ngồi nhưng đã chật kín, đang lúc lúng túng thì bị gọi lên hàng đầu.

Hic hic.

Tiếng nhạc trên tai tôi đã tắt. Thầy tổng phụ trách bắt đầu vào đề. Lần lượt từng thầy cô giảng giải về vấn đề tâm lý tuổi mới lớn, rồi cái gỉ gi gì đó. Nghe xấu hổ chết đi, tôi chỉ biết cúi gằm mặt.

Có người chuyển tới tôi chiếc điện thoại của Vũ và tiếng nhạc lại cất lên. Đó là, một bài hát tiếng Anh nhẹ nhàng, khắc hẳn với dòng nhạc xập xình Vũ thường nghe. Dù nghe không hiểu gì nhưng tôi áng chừng phải có tới chục lần từ “I love You” có trong bài. Giai điệu bài hát hay quá, nhưng nó mang ẩn ý gì chứ. Tôi không muốn hiểu thì cũng đã hiểu rồi.

Sau đó điện thoại của Vũ rung, người gửi là T.Q.P.A.

“Thả tóc ra không lộ tai nghe.”

Tôi ngoái lại, Vũ đang ngồi bên cạnh Phong. Vũ nhìn tôi cười tươi lắm, còn Phong thì không để ý gì cả.

Vũ để chế độ khóa màn hình, tôi lại không rành lắm nên trừ khi bỏ tai nghe, còn không cụm từ “I love You” cứ lảng vảng quanh tai. Sau đó tôi đưa đến quyết định vừa nghe nhạc vừa nghe giảng, vì dù sao như thầy Tổng phụ trách nói, giáo dục giới tính là một môn khoa học cung cấp đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lý học, kỹ năng tự bảo vệ. Đây là bài học bổ ích, rất quan trọng cho lứa tuổi vị thành niên.

“Giờ tôi cần một nam sinh và một nữ sinh lên đây. Ai xung phong.”

Đương nhiên là không rồi, bọn học sinh chúng tôi cắm mặt xuống… đếm ngón chân.

“À, trong đây tôi thấy bạn Trịnh Quốc Phong Anh, xin mời bạn lên đây. Được rồi, vậy đã có một bạn nam rất đẹp trai, có bạn nữ nào muốn đứng cùng với cool guy không?”

Phong phải lên ư, thật tội nghiệp cậu ấy. Sau khi một nhân vật nam bị lên thì cả lũ con trai thở phào nhẹ nhõm, đến lượt bọn con gái tụi tôi ghẹt thở. Gì chứ mấy chuyện nhạy cảm thế này ở tuổi tôi đứa nào chẳng thẹn.

“Em!”

Âm thanh ấy giống như thánh chỉ giáng xuống. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đặt trong hoàn cảnh hết sức tình cờ. Tôi nói là trùng hợp vì đúng lúc thầy nhìn xuống, điện thoại của Vũ phát sáng. Tin nhắn từ tổng đài thông báo khuyến mại, mà tôi đang cầm nó trong tay.

Sự thật là tôi phải lên, đứng đối diện Phong, thầy đứng giữa. Hai đứa lẽ nào là công cụ cho bài giảng ngoại khóa, chỉ dám nghĩ đến đó mặt tôi đỏ lựng.

“Nói thầy nghe em thấy gì ở bạn nữ này.”

“…”

Gì vậy cà? Thầy… sao lại hỏi đúng câu tôi luôn canh cánh trong lòng.

Phong chậm trả lời quá. Hai đứa cứ đừng nhìn nhau vậy thôi. Vậy nhưng tôi vẫn rất vui và háo hức chờ đợi cậu ấy nói gì.

“Em chưa thấy gì nổi bật.”

Đó không phải câu trả lời tôi muốn nghe, cái tôi muốn biết là Phong còn nhớ về mình không?

Thầy quay sang hỏi tôi câu tương tự.

“Em thấy gì ở cậu ta?”

Thậm chí thầy còn hiểu luôn tôi muốn nhắn nhủ gì với Phong nữa.

“Bạn ấy… là một bạn nam.”

Chẳng lẽ lại là bạn nữ, hic hic, vốn từ của tôi chạy đi đâu hết rồi. Bên dưới cười như chợ vỡ.

“Cặp này không được rồi, bạn nữ chưa gì đã đỏ tía tai. Chắc lo bạn trai ghen. Thầy mời một bạn khác.”

Tôi đi xuống, để Lệ Quyên lên, vì bạn ấy xung phong.

Mặt tôi không còn đỏ lựng mà méo xẹo. Đã vậy điện thoại của Vũ còn đổ chuông, có tin nhắn tới từ T.Q.P.A.

“Rất tốt.”

Tôi nhìn lướt qua rồi nhét điện thoại sâu trong cặp, đợi lúc về đem trả. Đã buồn lại còn bị xát muối.

Vẫn với câu hỏi trên, vậy mà Phong nói về Lệ Quyên rất nhiều, đến nỗi mà tụi nữ sinh còn òa lên thích thú.

Lệ Quyên bị thầy vặn vẹo đủ thứ, nhưng bạn ấy đối đáp rất tự tin. Còn Phong tiếp nhận những vấn đề này hết sức bình thường bởi ở nước ngoài họ có hẳn môn học giáo dục giới tính cho học sinh từ cấp I. Tôi nghe tai nọ luồn sang tai kia, cơ mà nếu bị thầy chất vấn, hỏi han đủ kiểu như thế chắc chỉ biết đứng chôn chân chết ngượng, nên cũng gọi là có chút may mắn.

Từ các câu hỏi về ấn tượng ban đầu, thầy đưa chúng tôi đến các giai đoạn phát triển tình yêu tuổi học trò qua lời kể sinh động và hài hước, giới hạn những điều nên và không nên,…

“Thôi hạ nhiệt, bớt căng thẳng. Hai đứa song ca một bài rồi thầy thả cho về.”

Tiếng vỗ tay reo hò rầm rầm. Trong khi tôi hát rất dở, Lệ Quyên lại hát hay. Phong thì không nói làm gì, từ xưa cậu ấy đã được các cô dạy mẫu giáo cho đứng giữa mười bạn nữ để hát.

“Hát bài gì nhỉ?”

Lệ Quyên quay sang trao đổi với Phong.

“Nơi tình yêu bắt đầu/ Cơn mưa tình yêu/…”

Có rất nhiều lời đề nghị.

“Con chim vành khuyên thì sao?”

Phong không nói với Quyên, không nói qua mic mà hướng về tôi. Và chẳng có lý do nào để tôi đưa mắt nhìn về phía khác. Trong khoảng khắc ấy, khoảnh khắc của hai chúng tôi, của con bé Chun ngây ngô và thằng nhóc cùng bàn, chúng tôi đã hát bài “Con chim vành khuyên” bị thiếu lời, giờ đây, khoảnh khắc này, tôi đã chạm được vào quá khứ, vào những nỗi nhớ và vô vàn kỉ niệm tươi đẹp.

“Bài gì cơ?”

Quyên hỏi lại, Phong trao đổi với cô bạn để chọn bài rồi nhận cây đàn ghi-ta từ thầy Tổng phụ trách. Cậu ấy ngồi lên một cái ghế, bắt đầu bản nhạc dạo.

Tiếng Anh vốn chẳng ăn ai, không hiểu sao tôi nghe và cảm nhận được hết những gì trong bài hát ấy.

“Remember when, we never needed each other

The best of friends like

Sister and Brother

We understood, we'd never be,

Alone

What can I do, to make you mine

Falling so hard so fast this time

What did I say, what did you do?

How did I fall in love with you?

How did I fall in love with you?

…”

Làm sao tôi lại phải lòng em cơ chứ?

Làm sao tôi lại phải lòng em cơ chứ?

Tôi ngẩn ngơ theo giai điệu bài hát. Dường như căn phòng này chẳng còn ai khác ngoài tôi và cậu ấy nữa, dường như tiếng đàn ấy chỉ dành cho tôi, dường như chúng tôi còn nhớ, chúng tôi từng là những người bạn, thân thiết như anh em một nhà, chúng tôi biết: mình không bao giờ cô đơn…

Hoặc là chỉ mình tôi cảm nhận thấy vậy. Vì Lệ Quyên mới là người hát chính.

“Về thôi, còn đơ ra làm gì nữa.”

Tôi ngẩng lên nhìn Vũ, cậu ấy lấy về chiếc điện thoại. Tôi mới nhớ ra, nãy giờ, còn một bài hát khác vẫn cứ chạy đi chạy lại trong chiếc tai nghe mà tôi đã nhét tận sâu trong cặp.


Ngày nào cũng vậy, tôi dắt xe ra khỏi nhà lúc 6h25 và hì hục đạp cho tới gần kịch giờ trống vào. Trong lúc xếp hàng gửi xe, vừa hay gặp Phong, cậu ấy cũng đạp xe tới trường, thế mà từ lúc vào năm học tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp.

“Cứ nghĩ Ch… cậu thường đi học sớm.”

Phong chủ động bắt chuyện với tôi, cậu ấy vẫn còn nhớ con bé Chun ngày trước sáng nào cũng gào ầm trước cửa nhà hàng xóm để thúc thằng bạn mau chóng đến trường chăng?

“À thì… hôm qua thức khuya quá!”

Đó là câu trả lời mà cậu nhóc ấy thường nói, và tôi đã thuộc nằm lòng, để bất chợt bây giờ Phong hỏi, tôi đem ra trả lời.

Điều đó khiến cậu ấy cười, một nụ cười rạng rỡ dưới ánh nắng sớm.

Tôi để xe cạnh bên xe cậu ấy, rồi cùng đi vào lớp, vẫn luôn là Phong bước trước, tôi chậm chạp theo sau mà sao cảm thấy lòng ấm áp lạ kỳ.

Chỉ tiếc tôi không còn được ngồi bên cạnh cậu ấy trong giờ học nữa.

Vì bên cạnh tôi giờ là Vũ.

Vũ đang ngồi chơi bài, cậu ấy ngồi hẳn lên bàn, chân để nguyên đôi giày lên ghế bàn trên. Đáng lẽ lúc này là thời gian kiểm tra bài tập, nhưng cả lớp trưởng, tổ trưởng và lớp phó cũng tham gia cùng, xung quanh còn có sự cổ động của các bạn khác.

Ngoài lối chơi tiến lên tôi biết chơi ba cây, còn lại không biết nên chẳng rõ họ đang chơi gì. Tôi về chỗ nhìn tấm lưng hoành tráng của Vũ lù lù trước mặt, thi thoảng cậu ấy cười nghiêng ngả, suýt làm rơi cặp của chính mình.

Quên chưa nói, lớp phó lớp tôi chính là Lệ Quyên, ván bài vừa rồi người thắng là Quyên, bạn ấy hét lên vui sướng khiến tôi giật bắn mình. Sao tôi cứ thấy bạn ấy cá tính, hợp với Vũ hơn Phong.

Bài của Vũ khá đẹp theo như những bạn xung quanh bình luận nhưng cậu ấy để thua. Chắc thích được Lệ Quyên tét tay đây mà. Vũ đưa tay trước mặt Quyên để bạn ấy soi xem nên đánh chỗ nào, ngắm nghía một lúc, Quyên mới giơ cao hai ngón tay và đánh rất khẽ.

Đã thế Lệ Quyên còn hỏi: “Có đau không?”

Vũ trả lời rằng: “Có.”

Nhìn bọn họ đẹp đôi thật, hơn cả Phong. Tôi nghĩ Phong nên với một bạn nữ hiền hiền, ví dụ như là… tôi chẳng hạn.

Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy nhà chỉ có tôi và ông, mẹ chở bà đi khám bệnh, còn bố đi làm, chú Dương gửi Phong sang để đi đám. Ông tưới nước cho mấy chậu hoa xong thì mắt lim dim, ngủ luôn trên đi-văng. Phong chờ ông gáy o o, lôi cái kính lúp trong túi quần ra, giơ trước chậu hoa mười giờ. Cậu ấy cứ đứng giữa hiên nhà hứng nắng và bảo rằng sẽ cho tôi xem hiện tượng lạ.

Cánh hoa mười giờ bị héo rồi bốc khói.

“Giời ạ! Hai đứa làm cái gì thế hả giời! Mày có biết ông phải lên tận Tuyên Quang mang chậu hoa này về không?”

“Hoa này ở đâu chả có ông? Cháu đang nghiên cứu khoa học.”

Phong vẫn còn định soi kính vào chậu xương rồng.

“Lôi tờ giấy ra mà soi chứ chúng mày có biết hoa này là quà kỉ niệm của ông không?”

Tôi và Phong ngồi nghe ông kể về mối tình đầu của mình, ông dặn không được kể với bà vì đó là những kỉ niệm vô cùng tươi đẹp trước khi gặp bà. Rằng ông và mối tình đầu là bạn từ thuở lọt lòng, ngày ông đi nhập ngũ hai người hứa hẹn nhiều lắm, một vài năm sau ông về thăm nhà thì bà ấy đã lấy chồng tận Tuyên Quang, con hai tuổi rồi. Nhìn hai đứa tụi tôi chơi với nhau khiến ông nhớ đến người cũ, và dặn Phong:

“Sau này đừng nghe những gì con Chun thề thốt.”

Giờ thì tôi mới hiểu sao ông nói vậy, còn khi ấy tôi chỉ biết nghe Phong trả lời rằng:

“Cháu sẽ lấy nó trước khi đi xa.”

“Thằng này khôn đáo để!”

Rốt cục mười năm sau tôi lăn ra cười, chứ lúc đó mặt tôi ngơ ngác lắm.

Vũ đã về chỗ từ lúc nào, hội bài bạc cũng đã giải tán, cậu ấy nhìn vẻ mặt tươi rói của tôi, cau mày.

“Vũ có người bạn thơ ấu nào không?”

Tôi nghĩ chắc Vũ còn có nhiều hơn Phong, và cũng nghịch chẳng kém gì.

“Hả...?”

“Bạn hàng xóm chẳng hạn?”

“…”

Không thấy Vũ trả lời nên tôi cũng chẳng hỏi thêm.

Rất lâu sau cậu ấy nói:

“Như mày với thằng Phong hả?”

Tôi không trả lời,

Vì tôi thấy mình trong đôi mắt Vũ.

Suốt ba tiết học, bình thường cậu ấy sẽ lấn ngăn sang bên, ngang nhiên cướp thước kẻ khi tôi đang dùng, hoặc là tự tiện đặt tai nghe lên tai tôi nhưng bây giờ mọi thứ trở lại tuần đầu tiên khi tôi ngồi bên Vũ, không có bất cứ giao tiếp nào, dù chỉ qua ánh mắt.

Đến giờ ra chơi tiết sau, Vũ ra ngoài. Và trở về cùng tiếng thét của các bạn nữ.

Vũ cầm trên tay con chuột nhựa dẻo, chìa ra trước mặt bất kì bạn nữ nào đi qua, khiến các bạn ấy hét ầm ĩ. Vũ còn ném thẳng con chuột vào vở ghi bài của Lệ Quyên, rồi hai người chuyển sang cãi cọ, chốc chốc Vũ lại đung đưa con chuột làm Quyên sợ hết vía.

Nói tới chuột, tôi lại nhớ đến anh Sơn (thực ra anh ấy tên Sơn Anh) tặng cho một cái hộp rất dễ thương, anh bảo tôi mở ra vì thứ bên trong còn dễ thương hơn nhiều. Nghe theo, tôi mở hộp quà và thích thú với con chuột chút chít bên trong nhưng vẻ mặt hồ hởi của tôi không làm anh hài lòng. Tôi đem hộp quà chạy sang khoe Phong với suy nghĩ rằng cậu ấy còn thích nó hơn tôi nữa.

“Ai cho mày hộp quà này, khai mau?”

“Anh họ tớ. Hôm nay nhà tớ đi vắng hết nên anh Sơn tới trông nhà và trông tớ luôn.”

“Ờ.”

Phong thích chơi với anh họ của tôi lắm, hai người thường hợp tác bắt nạt tôi nên mừng ra mặt. Phong giật lấy cái hộp và mở ngay, vì có lò xo nên con chuột nhựa bật ra bất thình lình. Cậu ấy sợ hãi ném con chuột của tôi rơi từ tầng hai xuống hè. Thấy thế anh Sơn chạy ra, anh nói:

“Phong, mày làm chết con chuột của con Chun rồi.”

Tôi nhìn xuống qua ban công, con chuột nằm bất tỉnh dưới nền xi măng, vì vậy tôi gào ầm lên, lao xuống tầng dưới nhặt chuột lên ấp vào lòng. Anh Sơn nói rằng rơi từ trên cao như thế con chuột chết mất, mặt anh buồn thiu, vậy nhưng còn cầm đuôi chuột ngoe nguẩy trước mặt Phong khiến cậu ấy chạy một mạch về nhà đóng sập cửa luôn. Còn lại hai anh em, dù đã được anh Sơn giải thích rằng đó là chuột bất tử nhưng mãi tôi mới nín, suốt cả ngày chỉ nắm chặt con chuột mà hỏi nó có còn sống không?

Thì ra Phong sợ chuột, cậu ấy không sợ gì khác ngoài chuột. Ha ha, từ lần ấy, mỗi khi Phong không cho chơi cùng, tôi lại giả vờ chạy về nhà lấy con chuột ra, vì sợ bị mấy thằng trong xóm nắm được điểm yếu nên Phong buộc phải cho tôi bám đuôi suốt cả ngày.

Không biết bây giờ cậu ấy còn sợ chuột nữa không, không biết rằng tôi còn có thể lấy điều kiện đó để được chơi với Phong. Tôi bật cười khúc khích.

“Mày cười cái gì?”

Vũ đã về chỗ, cậu ấy nhét con chuột vào cặp mình, để cách xa tôi.

“À, thấy vui thì cười thôi.”

“…”

Vũ nhìn tôi một lượt.

“Mày… không thấy khó chịu vì những trò đùa của tao với đứa khác ư?”

“Khó chịu? Có gì phải khó chịu?”

Tôi chả hiểu Vũ, cậu ấy trêu chọc ai thì liên quan gì đến tôi, cũng đâu ảnh hưởng đến tôi chứ. Nhưng từ sau đó, cậu ấy làm mặt lạnh thật sự luôn, như một người nào đó đã lấy đi tiếng cười của Vũ.

Vũ vẫn hòa đồng với các bạn như thế. Trừ tôi.

Tôi không cho đó là chuyện quan trọng, vì ngoài mình ra còn rất nhiều người thích chơi và muốn ngồi cạnh cậu ấy, cho nên tôi lẳng lặng cắp cặp đi về nhường chỗ cho các bạn khác bàn bạc với Vũ về vụ đi chơi cuối tuần.

Thực ra tôi có một nỗi mong chờ, đó là được gặp Phong ở nhà để xe. Lớp 11B1 chưa được tan, ở lại chờ kì kì thế nào ấy, tôi có còn là con bé Chun lùn tịt ngồi đếm lá bàng đợi Phong nữa đâu.

Do đó tôi đi về.

Trời đã sang thu, những chiếc lá vàng rụng đầy trên đường, tiếng vỡ giòn tan mỗi khi bánh xe lăn qua nghe thật thích tai, tôi vừa đi vừa hát, bài “Con chim vành khuyên”, hát trôi chảy, không hề thiếu từ nào.

Khi tôi quay sang bên thì Phong đã đi cạnh từ bao giờ, mồ hôi lấm tấm trên trán. Tôi lại bắt gặp nụ cười của cậu ấy, xấu hổ quá đi.

“Lâm Anh đã thuộc lời bài hát ấy rồi à?”

“Hứ, cậu cũng có nhớ lời đâu.”

Tôi và Phong đạp xe song song, băng qua những cơn nắng thu nhè nhẹ. Rồi tôi chợt nhớ, với Phong, bảng chữ cái abc chỉ mất ba ngày để học thuộc nằm lòng, trong khi đó tôi với cái Yến, cái Mai, mỗi ngày học hai chữ.

Thì ra hồi đó Phong cố tình hát sai để được đứng góc lớp cùng tôi.

“Nhà cậu về cùng đường với tớ à? Sao chưa bao giờ tớ bắt gặp cậu? Cậu về nước lâu chưa? Tớ còn giữ năm bảy viên bi của cậu đấy, còn cả…”

Phong chỉ cười và nghe tôi nói, nếu cậu ấy có thể kiên nhẫn, tôi sẽ kể cho cậu ấy rất nhiều, kể cả về nỗi nhớ của tôi.

Nhưng không được, có tiếng còi xe phía sau. Vũ phóng lên đi vào giữa, nếu Phong không đánh lái ra ngoài chắc chắn sẽ bị tông.

“Bạn về lối này sao?”

“Sao mày về lối này?”

Câu trước là tôi hỏi Vũ, còn câu sau Vũ hỏi Phong, hai câu nói được phát ra gần như đồng thời.

“Nhà tao ở khu dưới này.”

“Nói láo, mày ở khu đô thị phía nam, ngược đường hoàn toàn, xuống đây làm gì?”

Vũ tra hỏi Phong bằng được.

“Về nhà chứ làm gì, thôi tao về trước. Lâm Anh, tớ đi trước nhé!”

Ơ, cả ba có thể cùng về được mà, tôi chưa kịp chào Phong đã phóng xe vượt qua ngã tư trước khi đèn đỏ. ( Truyện được đăng miễn phí tại Haythe.US - truy cập ngay để đọc nhiều truyện khác nhé. ) Tôi đi tiếp đoạn đường cùng Vũ, nhưng cậu ấy đi xe máy, dù vừa bóp phanh vừa đi thì tôi vẫn cảm thấy mình chậm chạp.

Vũ không nói với tôi một câu nào, còn tôi, vốn không biết nói gì với cậu ấy, về chuyện trường lớp thì Vũ còn rành hơn tôi, về chuyện học hành cậu ấy càng không muốn nghe. Cho đến khi rẽ vào ngõ, tôi mới nói:

“Bạn đi đâu vậy?”

“Tống mày về nhà!”

“À, cảm ơn Vũ, nhưng đường vào nhà tớ lắt léo lắm, bạn không thể nhớ đường ra đâu.”

“Điện thoại tao để làm gì?!”

Biết là Vũ có thể tra đường qua bản đồ nhưng nếu cậu ấy tiễn tôi về tận nhà vào giữa trưa vắng vẻ thế này không hay chút nào. Như hiểu được suy nghĩ đó, Vũ vòng xe quay lại luôn, chẳng nói chẳng rằng. Tôi dừng lại nhìn Vũ ra khỏi ngõ.

Gần tới đầu ngõ, Vũ phanh xe, chống chân và ngoái lại:

“Lâm Anh, tao… rất thích mày!”

Những lời nói của Vũ bị một anh sinh viên đi qua nghe thấy hết, anh ấy đi lướt qua tôi, lẩm nhẩm: “Nói yêu luôn đi còn bày đặt. Sến quá em trai ạ!”

Nhưng tôi không hề thấy sến, cũng không hiểu cảm giác lúc này của mình nữa, vì thực ra so với trước lúc Vũ nói thế, tâm trạng của tôi vẫn vậy.


Tôi lôi số bi của Phong ra đếm, những năm qua, mỗi khi rảnh rỗi tôi lại làm việc này. Còn viên bi “dị dạng” trong veo mà cậu ấy tặng riêng, tôi đặt trong chiếc hộp đựng huân chương của ông.

“Chun, cháu lại tha mấy viên bi ra làm gì?”

Ông gõ cửa phòng tôi rồi đẩy vào lấy cuốn từ điển tiếng Việt.

“Dạ? Có chuyện gì vậy ông nội?”

“Chả có chuyện gì hết, thằng cu Vũ thế nào? Nó còn thích cháu nữa không?”

Tôi đã cố không nghĩ tới chuyện đó mà ông đột nhiên nhắc tới, hơn nữa ông mới gặp cậu ấy duy nhất một lần.

“Ông… ông hỏi gì kì cục thế, Vũ… Vũ… Sao ông hỏi cháu về Vũ, cháu biết sao được?”

“Thì nó hay hay nên ông hỏi không được hả?”

“Phong cũng hay hay sao ông không hỏi. Mà thôi cháu làm bài tiếp đây.”

Tôi với lấy cuốn sách trên cao đưa ông rồi bới bài tập ra để làm, chỉ chờ ông đi sẽ lại lôi bi ra ngắm nghía.

“Con bé này kì cục, ra đấm lưng cho ông.”

Tôi gấp vở, lấy lọ cao đem ra bóp vai giúp ông. Mới đấm được hai phút mắt ông đã lim dim buồn ngủ.

Sáng hôm sau đi học, Vũ đã đứng ở đầu ngõ bằng xe đạp, vẻ mặt còn ngái ngủ. Cậu ấy đứng đây để làm gì, tiện đường qua chăng?

Vũ vòng xe đi cùng tôi luôn. Cả hai đứa chẳng nói câu gì, chỉ lăm lăm đạp xe. Đi được một đoạn, chúng tôi trông thấy Phong chở một em bé tầm bốn, năm tuổi. Có thể cậu ấy đưa em trai đi học. Trông em cậu ấy tôi lại nhớ ngày xưa.

“Mày cho đứa nào đi nhà trẻ đấy?”

Thấy tôi dừng lại Vũ cũng dừng ngay trước cổng trường mầm non, gọi với Phong.

Phong nhận ra hai đứa tôi, cậu ấy cười nhẹ, đưa tay ôm gáy, ngay lập tức bị cậu bé kéo vạt áo, chỉ ra hàng quà vặt.

“Anh Phong mua cho Lâm cái chong chóng kia đi.”

Trông hai anh em cậu ấy cứ hay hay thế nào, mà cậu bé tên Lâm, hay Lâm Anh vậy?

“Con trai chơi chong chóng làm gì?”

Vũ nói xen vào.

“Ứ ừ, anh không mua con Nhím nó cắn em đau lắm.”

Trời ạ, thì ra em của Phong bị một đứa con gái bắt nạt. Ngược lại hoàn toàn với anh trai, bắt nạt cả xóm.

Nhìn mặt của tôi Phong nói:

“Những ai tên Lâm Anh đều bị bắt nạt thì phải!”

Thế rồi cậu ấy bảo tôi và Vũ đi trước, trong khi đó Phong mua chong chóng cho Lâm Anh bốn tuổi và dắt em vào lớp. Đương nhiên tôi không đi rồi.

Sau đó ba đứa cùng đi học, tôi đi giữa.

“Em cậu tên giống tớ quá ha, vậy là Trịnh Quốc Lâm Anh?”

“Trịnh Nguyễn Lâm Anh.”

À, em cậu ấy có mang hai họ.

“Bố tớ đặt vậy để nó bắt nạt lại tớ, nhưng chắc không được.”

Vì câu nói ấy mà tôi cười tít cả mắt, Phong cũng cười, vẫn là nụ cười tỏa nắng.

“Mày có đứa em gái cơ mà? Chứ cái nhà hôm trước tao vào chơi đâu phải ở khu này?”

Vũ xen vào làm nụ cười của chúng tôi tắt gấm bởi chất giọng khô cứng, cục mịch.

“Ừ, có cả em gái,… nhà có điều kiện.”

Đó không biết có phải câu nói đùa không, nhưng Phong vội vàng hối chúng tôi đi học nhanh cho kịp giờ.

Bánh xe của hai cậu ấy to hơn nên tôi phải đạp nhanh hơn 1,5 lần, đạp thì cứ đạp, còn quay hay không là việc của chiếc xe.

“Tuột xích rồi!”

Cả hai đồng thanh. Còn mười lăm phút nữa vào lớp, trong mười lăm phút đó tôi không thể tìm được quán sửa xe và kịp tới trường được.

“Giờ chúng ta gửi tạm xe của cậu vào một quán nước, đến trưa về sửa, lên xe tớ đèo.”

Đó được xem như giải pháp hay nhất lúc này, tuy nhiên ngồi sau yên xe con trai cứ ngài ngại sao ấy.

“KHÔNG!” - Vũ phản đối lời Phong tức khắc.

“Thế mày tính sao? Xe của mày đâu có yên sau.”

Vũ nhìn chiếc xe địa hình của mình, mặt nhăn nhó.

“Thôi, tớ tự đem đi sửa được, các cậu đi học nhanh kẻo không kịp.”

“KHÔNG!”

Kiểu gì cũng không chịu, Vũ chống xe của tôi rồi gỡ hộp xích ra, vì là xe mini nên việc tra lại xích không hề dễ dàng. Tay cậu ấy bị dính luyn, đen xì mấy đầu ngón tay.

“Mày có thể lấy xe tao và đèo Lâm Anh.”

Mặt Vũ ngắn lại đến tôi cũng phải ôm bụng cười. Nhưng tôi cười phần lớn vì câu nói của Phong, cậu ấy rõ ràng định nói trước khi Vũ nhúng tay vào chiếc xe. Bây giờ Phong không còn lém lỉnh như ngày xưa nữa, nhưng cậu ấy vẫn còn tinh nghịch lắm.

Vũ nhìn tôi rồi nhìn đồng hồ trên tay Phong. Cậu ấy đem xe của tôi đi gửi và đổi xe cho Phong. Dù đã từng ngồi sau xe Vũ nhưng tôi vẫn ngượng ngùng, để đến lần thúc giục thứ ba mới leo lên.

Thực ra còn một trường hợp thứ ba nữa là tôi đạp xe của Vũ nhưng chắc không có chuyện đó vì cái yên xe quá cao.

Vũ nói cậu ấy sẽ không để tôi đi học muộn. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, dẫu đã phóng như bay tới trường. Cánh cổng trường đã đóng, bác bảo vệ nhìn chúng tôi cười:

“Về ngủ tiếp thôi!”

Hai tiết Toán, hai tiết Lý, một tiết Anh, toàn nhưng môn cần học, tôi về ngủ tiếp làm sao được.

“Thôi xong, kiểu gì giáo viên chủ nhiệm cũng gọi cho gia đình.”

Vũ chống tay mạng sườn thở dốc, hai chúng tôi còn ngồi chung bàn, tự ý nghỉ học không giấy xin phép, chắc chắn phải viết bản kiểm điểm. Còn Phong, nội quy lớp cậu ấy hắc xì dầu nhất trường. Hichic.

“Trèo tường hay bùng?”

Cả hai nhìn sang tôi.

“Tất… tất nhiên là vào trường rồi.”

*

Tôi nuốt nguyên ngụm không khí vào họng khi nhìn thấy bức tường hoành tráng rào quanh trường, lớp bê tông cao mét tám chứ chẳng ít, còn thêm hàng song sắt nhô lên bên trên. Vũ dặn tôi buộc tà áo hai bên hông và sẽ có người đỡ nên không phải lo. Nhưng không lo thì chẳng phải tôi.

“Nhưng… tớ…”

Bức tường ấy còn cao hơn cả Phong và Vũ thì họ leo lên bằng cách nào.

“Hay thôi mình xin bác bảo vệ, tớ sẽ năn nỉ bác vì xe bị hỏng.”

“Thế thôi chúng ta cúp học.”

Có nghĩa là, thay vì tôi đi xin chi bằng đi về luôn. Bác bảo vệ trường tôi vui tính không ai bằng và nguyên tắc chẳng ai hơn.

“Không được, nghỉ học… cả ba đứa sẽ bị ăn đòn…”

Tôi nào dám quên lần bị bố đánh đòn vì bỏ học, lằn đỏ cả hai mông, Phong còn phải nằm sấp suốt cả tuần.

Phong “hây a” một cái đã được nửa người lên trên bức tường, rồi hai chân và “bụp” cậu ấy đã hạ cánh an toàn.

Ba cái cặp bị Vũ quăng sang đều được Phong đỡ lấy.

“Không, tớ không lên được đâu, tớ không làm được, tớ sợ lắm…”

“Thế đi về hả?”

“Không, tớ phải học…”

Tôi sợ hãi đến chảy nước mắt, Vũ bảo chỉ cần nắm chặt cái song sắt và cậu ấy sẽ đùn giúp lên nhưng tôi không muốn.

“Đừng chạm vào người tớ!”

Không biết tôi đã dùng giày đạp mấy phát vào người Vũ mới leo lên được bức tường. Vũ lặng im không nói, chỉ dùng tay phủi sạch bụi. Vất vả là vậy mới được nửa đường, còn việc leo xuống? Hichic.

“Một là Lâm Anh trượt xuống tớ sẽ đỡ, hai là cậu cứ ở trên đấy.”

Phong nói vậy tôi còn sự lựa chọn ư?

“Khỏi đi mày!”

Vũ trèo lên một cách dễ dàng và nhảy xuống nhẹ nhàng. Sau đó bắt tôi phải nắm tay mình để kéo xuống. Tôi ngã vào người cậu ấy nhưng vì quá sợ nên thà để bị ôm còn hơn buông.

Nhờ đó chúng tôi lẻn vào lớp học dễ dàng. Điều đó khiến tôi nhớ lại vụ con dao kè cổ và Vũ xuất hiện trong làn nước mắt của tôi.

“Cảm ơn Vũ!”

“…”

Lần đầu tiên tôi thấy vẻ mặt ngơ ngơ của Vũ, trông mới buồn cười làm sao.

“Cảm ơn cái gì? Sao phải cảm ơn? Tao làm bất cứ việc gì đều có lý do."

Tôi không biết lý do ấy là gì nhưng Vũ không định nói gì nữa, vội vàng lôi đồ trong cặp ra.

“Xong. Cầm nhầm cặp thằng Phong rồi.”

Hic, bó tay với hai cậu này, hai cái cặp có giống hệt nhau thì đồ của Vũ nhẹ hều, được hai quyển vở là chứ mấy, còn của Phong đầy sách vở nhầm thế nào được.

Vũ lôi chiếc điện thoại có bọc viền xanh lá cây ra, rồi còn gì trong cặp cũng lôi hết, quả thực cặp của Phong chỉ một màu đen xì, giống hệt của Vũ, và cũng mỏng tèo, có duy nhất một quyển vở ghi “Các môn”, lẫn là phải.

“Sao bạn lục cặp cậu ấy?”

“Bạn thân đến cái quần siêu nhân còn mặc chung việc gì phải lăn tăn?!”

Tôi nói không lại được Vũ, cậu ấy còn mở điện thoại của Phong, màn hình nền không ai khác Diệp Lệ Quyên. Bạn ấy chu môi nhìn đáng yêu vô cùng, nhưng tôi cảm thấy không vui, vì như tôi cảm nhận, bằng sự nhạy cảm của một đứa con gái, Lệ Quyên thích Vũ, không phải Phong.

Ngoài ra còn có ba cuộc gọi nhỡ và một tin nhắn của Hải Yến. Yến vẫn quan tâm đến Phong như xưa.

Vũ tải hình một bạn nữ sinh từ trên mạng vào máy Phong và cười thầm.

“Bạn làm gì thế?”

“Trêu đểu nó với con Quyên.”

Nếu là ngày trước, để bắt Phong phải nghe theo, tụi thằng Phú sẽ dùng tôi làm điều kiện. Còn giờ, không phải tôi nữa rồi,…

Không buồn theo dõi Vũ nữa, vừa hết giờ ra chơi tôi lấy cớ đi giặt giẻ vì chắc chắn Phong sẽ qua lấy đồ, rồi sẽ gặp Lệ Quyên. Dường như những kỉ niệm ngốc xít không chỉ còn của riêng tôi và Phong nữa.

“Chun quần!”

Ai dùng từ chun quần ở đây để gọi chứ? Tôi ngó quanh dãy hành lang rộng.

Trước mặt tôi là một bạn nữ tóc ngắn cũn cỡn, người mỏng như con trai. Tôi đứng ớ người ra.

“Mai Mít chứ còn đứa nào nữa!”

Trời ơi, vui không thể tả, tôi học cùng trường với cả con Mai Mít.

“Tớ… ôm cậu được chứ?”

“Thoải mái đê!”

Chưa để tôi chạy đến, nó đã ôm trầm trước. So với Phong và Yến, thì Mai Mít là đứa duy nhất tôi được thể hiện nỗi nhớ y chang mong muốn.

“AAAA, tao nhớ mày chết mất.”

Nó áp hai bàn tay vào mặt tôi và nhìn một thôi một hồi:

“Hồi xưa mày tròn tròn, mập mập, giờ bị tiêu chảy thâm niên hay sao eo ót thế?!”

Hichic, nó nói bô bô khiến con trai lớp 11B14 ngó ra nhìn khiến tôi chỉ muốn rúc xuống đất. Nhưng nó nói cũng đúng, giờ mỗi bữa tôi chỉ ăn được hai bát cơm chứ không như hồi bé mẹ cho cái gì cũng chén sạch.

“Mày học lớp B3 hả? Gặp bọn thằng Phong, con Yến chưa?”

“Có gặp rồi! Lớp mày đây hả?”

“Ờ. Cả lớp được vài đứa con gái. Trưa về nhà tao ăn cơm nhá!”

Dẫu nhiều năm không gặp nhưng tôi không hề có khoảng cách trước Mai Mít.

“Tao không dặn mẹ mà đi qua trưa để cả nhà chờ cơm đâu có được. Hay mày qua nhà tao?”

“Thời buổi này có đứa không dùng điện thoại à?”

Không phải tôi không dùng, mà dùng chung với bà, vì không muốn làm phiền bà nội nên tôi chẳng lưu số nhiều người, chủ yếu dùng để báo thức nên đi học chẳng cần mang theo.

“Thế ra mày là đứa yêu cái thằng cao to trắng như con lợn sữa ấy hả?”

Hic, con lợn sữa, Vũ mà nghe thấy những lời này chắc sẽ ném Mai Mít của tôi xuống hồ mất.

“Nghe nói nó đầu gấu, bị bố mẹ cho về đây cách ly với đám bạn hư hỏng mà tao thấy nó có quậy gì đâu? Bọn lớp mười thích lắm, suốt ngày “anh Vũ, anh Vũ!”. Nó cứ vào căng tin là cả lũ con gái vào mua.”

“Ừm.”

“Thế ra mày yêu nó thật hả? Chúng nó bảo mày cướp người yêu của con Yến và con Quyên, phải không?”

“Trời đất, tao với Vũ chỉ là bạn cùng bàn. Lần trước tao bị mấy người trường khác bắt, Vũ cứu nên các bạn suy diễn chứ làm gì có chuyện gì.”

“Ờ, tao cũng không tin. Ngày xưa mày đần đần, lớn lên thì vẫn vậy, sao khôn lên được. Haha, hay mày giới thiệu tao cho thằng Vũ.”

Thà rằng Mai Mít úp cái sọt vào mặt tôi còn hơn nói vậy. Mặt tôi tiu nghỉu.

“Tao đùa thôi chứ tao thích thằng Phong cơ.”

“Hả, mày cũng mê Phong á?”

Tôi giật mình nhìn Mai Mít.

“Cũng? Ý mày là cũng giống như mày?”

Tôi vừa nói cái gì vậy?

“Không không, tao thấy bọn lớp tao khen về Phong nhiều lắm. Chứ bao lâu rồi mới gặp, tao…”

“Thời gian chẳng nói lên điều gì. Lộ rồi nhá, mày thích thằng Phong, hồi xưa mày đã thích nó rồi mà không dám nhận.”

“Không, mày nói linh tinh. Hồi đó còn bé biết cái gì chứ. Đừng có suy luận lung tung.”

Tôi vội vàng lấp liếm.

“Thôi đi ăn kem, tao mời.”

Tôi đi theo Mai Mít ra căng tin trường, nó mua hai que kem gấu.

“Ăn tao xem mày còn cắn bằng răng hàm nữa không?”

Nó nhìn tôi bằng vẻ mặt nhăn nhở, cái răng khểnh không lẫn đi đâu được, Mai Mít của tôi. Tôi vờ như không nhớ, cắn bằng răng cửa, khi vừa chạm vào miếng kem, răng tôi buốt lạnh, co rúm người. Tất cả tại nó mà còn nhe răng cười. Nhưng tôi thích lắm, hai đứa cứ đứng nhìn nhau cười thế là hạnh phúc lắm rồi.

“Thế giờ mày có chơi với thằng Phong không?”

“… Cứ xa cách thế nào ấy, cả Yến nữa.”

Tôi chỉ muốn quay ngược thời gian trở về những năm tháng tuổi thơ.

“Ờ, tao với thằng Phong hồi nó mới về nước cũng thân lắm, giờ thì không chơi nữa. Cứ nhìn thấy mặt nó là tao ghét.”

Mai ăn hết cây kem còn gặm nát que, nhìn nó đi khuệnh khạng như thằng con trai. Trông cứ buồn buồn.

“Sao thế? Phong làm gì để mày không thích? Có xích mích ư?”

“Thôi, khi khác tao kể, sắp vào lớp rồi.”

Cái buồn của Mai lan sang tôi, hồi bé chúng tôi chơi vô tư với nhau là thế, nói cắt xít thì mười phút sau làm hòa, có thể ghét nhau được bao giờ.

Tôi đi vào lớp vừa kịp giờ trống đánh. Vũ trông thấy vẻ mặt ỉu xìu dò hỏi cho bằng được:

“Mặt mày như cái bánh mỳ mốc. Ai? Đứa nào dám bắt nạt mày?”

Vũ nói tôi mới để ý, dạo này chẳng ai nhờ tôi đi mua đồ, phô-tô tài liệu hay trực nhật nữa, thi thoảng các bạn còn kéo tôi vào những câu chuyện phiếm khi quay xuống nói chuyện cùng Vũ.

“Cuối tuần này lớp mình đi dã ngoại trên núi, có cắm trại, mày về xin phép bố mẹ đi, sáng năm giờ tao qua rủ.”

“Ừ, tớ sẽ xin gia đình.”

Nói vậy nhưng tôi không thực sự thích đi lắm, tôi vốn chưa hòa đồng với các bạn, ngoài Vũ ra thì chẳng chơi với ai cả.

Chính vì thế khi đệ trình với bố mẹ, tôi đã nói:

“Lớp con tổ chức đi du lịch, hai ngày một đêm, đóng gần triệu, con hay bị dị ứng phấn hoa không nên đi ông bà, bố mẹ nhỉ?!”

“Ờ, với số tiền đó cả nhà ta ăn tẹt.”

Ông gắp miếng cá khô cho tôi và nói. Còn bà, bố mẹ không nói gì tức là họ đồng ý.

Tôi thấy rất vui vì điều đó.

*

Các bạn đã đóng tiền cho lớp phó kiêm thủ quỹ Lệ Quyên, chuyến đi lần này không phải do cô giáo chủ nhiệm mà cô dạy Hóa và thầy Lý đảm nhiệm. Hai thầy cô rất ủng hộ tình yêu tuổi học trò nên cho phép các bạn rủ nửa còn lại đi cùng. Tôi thấy Minh Thu hỏi Quyên có gạ ông xã của mình đi không?, và bạn ấy gật đầu.

“Sao chưa có mày trong danh sách?”

“À, tớ không đi được rồi.”

“Sao không?”

“Tớ không được đi qua ngày.”

Tôi lấy đại một lí do vì trông Vũ có vẻ nghiêm trọng.

“Có giáo viên quản lý còn lo gì?”

“Mới lại nhà tớ cuối tuần này có việc.”

“Việc gì?”

Tôi không thể ngồi cùng các bạn nữ và tán ngẫu về những bộ phim thần tượng trong khi tôi thường hay cùng chị Thủy Anh đến nhà anh Sơn Anh xem phim kinh dị. Các bạn trong lớp thuộc về thế giới khác tôi hoàn toàn, hoặc có thể nói rằng tôi là cá thể biệt lập.

“Để tao bảo thằng lớp trưởng và con lớp phó đến tận nhà xin giúp mày.”

Tôi biết Vũ muốn hướng cá thể nhỏ bé này tới tập thể nhưng quả thực tôi không muốn. Với tôi chỉ cần lượn lờ phố phường cùng Mai Mít, hoặc nghe bọn lớp cũ kể chuyện thôi.

“Họp… họp mặt gia đình.”

Tôi nói đại loại như vậy.

“Ờ, hôm đó tao sẽ đến nhà mày.”

“Cái gì? Bạn đến có việc gì? Nhà tớ bàn chuyện riêng mà! Bạn còn đi du lịch với lớp nữa, đừng đến, không cần phải đến.”

“Tao có việc bận, không đi với lớp nữa.”

“…”

Không biết Vũ bận gì, nhưng hy vọng cậu ấy sẽ không vì tôi mà hủy chuyến đi chơi thú vị.

“Tao đến chào hỏi gia đình tương lai.”

Vũ lại nói nhảm rồi. Hichic, cậu ấy còn muốn châm chọc tôi đến bao giờ nữa? Tốt nhất không nên nói thêm gì.

*

Mẹ bảo gặp Phong ở chợ, cậu ấy đi chợ chiều mua xúc xích và thức ăn cho em cùng cả nhà. Tôi đang tưởng tượng Phong sẽ nói gì khi mua cá, có mặc cả như bà nội tôi, hoặc chọn từng quả cà chua cực kỳ kỹ lưỡng như mẹ. Rồi mẹ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bằng việc so cô con gái mười bảy tuổi chưa biết lên thực đơn cho gia đình với thằng con trai mười bảy tuổi tinh thông cuộc đời.

“Thứ bảy trường con được nghỉ, mẹ đã rủ nó vào nhà mình ăn cơm.”

“Thật á ạ?”

Tôi mừng rơn hét lên. Cậu ấy không đi núi với Lệ Quyên mà đến nhà mình, thích quá.

“Nhưng nó bảo đi du lịch.”

“Thế ạ.”

Giọng tôi yếu xìu tức khắc, suýt nữa lấy nhầm chai mắm đổ vào chảo rán trứng.

“Nhưng chắc nó sẽ đến vì nhớ ông bà nội của con.”

“Thật không mẹ?”

“Ừ, sau khi mẹ bảo rủ cả Mai Mít nữa.”

Dù không phải lí do vì mình nhưng tôi vẫn vui bởi Phong sẽ đến. Tôi sẽ lôi sẵn cuốn album để khoe với hai người bạn cũ, tiện đây sẽ tra hỏi bằng được vấn đề giữa Phong và Mai Mít là gì.


“Cuối tuần tao có việc đột xuất, không đến chơi với mày được rồi.”

Khi tôi khoe với Mai Mít Phong sẽ đến, nó trả lời như vậy, rõ ràng trước đó nói rất rảnh. Nhà nó bán nước giải khát nên phải trông hàng, trời sang thu còn mấy người uống nữa chứ. Tôi xị mặt nhìn nó.

“Mày nói đi, sao mày không muốn gặp Phong?”

“Đâu có. Hắn đẹp trai như vầy, nhìn lác cả mắt còn muốn nhìn nữa, việc gì tao phải tránh?!”

“Không phải, đừng giấu, tao biết chuyện không đơn giản như thế. Phong có hai nhà, có hai người em, hơn nữa, cô Khánh họ Đỗ, em cậu ấy là Trịnh Nguyễn Lâm Anh.”

Mai Mít đáp lời tôi bằng tiếng thở dài thượt.

“Mày nom ngơ ngơ nhưng cũng tinh ý nhỉ. Bố mẹ nó ly dị lâu rồi.”

Tôi giống như người bước hụt, chuyện gì đã xảy ra với gia đình bên cạnh nhà tôi thế? Tôi vẫn còn nhớ mỗi khi bị chú Dương đánh đòn, Phong chạy sang nhà tôi đợi mẹ về, cô Khánh đi làm về muộn nhưng chú Dương luôn nhắc cô mua kem dỗ dành con trai, tôi vẫn được ăn ké nên rất nhớ, nhớ rõ lắm, nếu hôm nào cậu ấy ngủ quên, chú Dương bế về. Phong còn khoe với tôi được đi chụp ảnh gia đình, được đi công viên nước, được đưa đi ăn nhà hàng, được nhiều thứ lắm, sao có thể…

“Thế sao mày còn ghét Phong?”

“Thằng Vũ nãy giờ đứng giữa sân trường tìm mày kìa, nó nhìn về hướng này mãi. Quên mất tao chưa chép xong bài tập về nhà, tao vào lớp chép nốt.”

Tôi vừa đưa mắt ra sân trường quay lại đã không thấy Mai Mít đâu, nó bỏ vào lớp khi câu hỏi của tôi chưa được trả lời. Cảm xúc trong tôi như vỡ vụn, cái suy nghĩ rằng bốn đứa trẻ con tụi tôi luôn hạnh phúc vỡ vụn.

Tôi đi dọc hành lang về lớp, nước mắt ứa ra từ lúc nào. Tôi hiểu rồi, về lí do gần đây mới gặp Phong đi cùng đường về, vì sao khi ông nội đề nghị Phong mời cả gia đình đến nhà ăn cơm cậu ấy im lặng, vì sao Phong không còn hồn nhiên, nghịch ngợm như trước nữa.

“Con bé kia làm mày khóc hả?

Tôi giật mình vì giọng nói của Vũ, chỉ lắc đầu đi tiếp.

“Mày đừng khóc nữa,… sao mày cứ khóc thế?”

Vũ gạt những giọt nước mắt trên khóe mi tôi, chả ai làm tôi khóc cả nhưng sao nước mắt cứ đua nhau rơi như thế.

“Tớ đau lắm…”

Đau muốn nổ tung.

Cậu ấy cho tôi nắm vạt áo và để tôi được khóc.

*

Hai con mắt đỏ hoe, mũi thì sụt sùi dù đã ba tiết học trôi đi, tôi lóc cóc đạp xe về, hôm nay trời mưa lâm thâm.

“Có chuyện gì thế?”

Đến lúc này Vũ mới hỏi lí do, nhưng tôi không muốn trả lời, vẫn im lìm, một lúc mới nói:

“Thôi, bạn về đi, không cần đưa tớ về tận nhà đâu.”

Tôi đạp xe nhanh, bỏ lại Vũ phía sau. Qua ngã tư đèn đỏ, tôi gặp Phong.

“Lâm Anh sao vậy?”

“À không, tớ không sao, tớ không hề sao, bụi bay vào mắt tớ.”

Tôi vội vàng che giấu bằng nụ cười tươi rói.

“À…” – Phong ngoái lại phía sau – “Giận nhau hả?”

“Gì cơ? Giận ai?”

Từ trước tới giờ tôi có biết giận ai, Phong nói gì tôi không hiểu, khi quay lại phía sau thì thấy Vũ cúi gằm mặt, quay đầu xe. Tôi vừa nói cậu ấy đi về chứ có gì mà Phong cười như vậy, nhưng nụ cười của cậu ấy khiến tôi đau. Mỗi khi Phong bị bố đánh tôi cũng đau, mỗi khi cậu ấy vui tôi còn vui hơn, giờ nghe tiếng cười cậu ấy, tôi lại không thể vui.

“Tớ nghe thầy Lý kể thầy ấy và thầy chủ nhiệm lớp B1 muốn kéo cậu vào đội tuyển của mình. Cậu lựa chọn chưa? Lý hay Toán?”

“Tớ không định lựa chọn.”

Định nghĩ ra một chủ đề nào đó để nói cùng Phong, nhưng tôi đang hỏi gì vậy, đặt cậu ấy ở giữa hai sự yêu thích?

“Lâm Anh không đi núi với lớp à?”

“Ừm.”

Nó cũng giống như sự lựa chọn, cuộc sống vốn dĩ đã bắt chúng tôi phải lựa chọn.

*

Sáng thứ bảy, tôi dậy từ rất sớm, lau dọn nhà cửa rồi theo mẹ đi chợ, mua nhiều ơi là nhiều, xách nặng trịch.

Hôm nay bà sẽ trổ tài nấu món bánh đa cua, ông nói ngày xưa ông mê bà vì món ăn này nên tôi càng hào hứng học. Bà tôi ngày xưa khéo tay lắm, còn đan được cho các cháu nguyên cái áo len và móc rất nhiều tất chân cho cả nhà, giờ mắt bà đã yếu nên không thể làm được nữa, nhưng hễ nhà có khách bà sẽ trực tiếp đứng nấu. Tôi thì chỉ chạy lăng xăng nhặt rau, bóc hành tỏi.

“Con Chun ra đầu ngõ dẫn thằng Phong vào, tầm này chắc nó đến rồi. Tiện mua chai tương ớt nữa.”

“Dạ!”

Tôi định rong xe thì bị ông mắng, ông bảo tôi lười đi bộ, thời chiến tranh các chú bộ đội còn phải đi bộ từ miền Bắc vào tận miền Nam, huống chi từ nhà đến đầu ngõ có năm trăm mét. Tôi đội chiếc nón của mẹ ra tận ngoài đường lớn, chờ năm mười phút thì gặp Phong.

“Cậu mua cam làm gì vậy?”

Tôi nhìn chằm chằm vào túi cam treo bên ghi-đông xe đạp của Phong.

“Mua để ăn chứ làm gì.”

“Nhưng đến nhà tớ cậu cũng phải mua đồ ư?”

Giọng tôi thoáng buồn, cậu ấy khách sáo với gia đình tôi từ bao giờ hay đã lớn hơn so với cái tuổi mười bảy của mình.

“Thế đợi tớ vòng về nhà cất.”

Phong nói vậy tôi còn cách nào khác để từ chối mấy quả cam sành, đành ngồi ôm vào lòng để cậu ấy đèo vào.

“Mai Mít có việc bận nên không đến được.”

“Ừm.”

“Cậu không vì thế mà thấy buồn chứ?”

“Tớ đến thăm ông bà cậu mà!”

Tôi rụt rè một lúc mới tiếp tục:

“Nhưng cậu bỏ chuyến du lịch với lớp tớ để đến nhà tớ…”

“… Cậu cũng bỏ chuyến du lịch với cả lớp để ở nhà đó thôi.”

“Nhưng… nhưng…”

Tôi nhưng một lúc thì mới nhận ra chẳng biết nói gì. Thế vào đó tôi cười, Phong cũng cười, chúng tôi cùng cười và tận đáy lòng tôi rất vui.

“Ông ơi, Phong nè!”

Vào tới cửa nhà tôi chạy tung tăng gọi ông. Trông thấy Phong gia đình tôi vui lắm, nhưng ông làm mặt nghiêm:

“Lọ tương ớt đâu?”

Thôi chết, tôi quên mua mất rồi.

“Ông biết ngay mà, thấy thằng cu Phong là xớn xác, quên hết lời người lớn, đi vào dọn cơm!”

Tôi xấu hổ đến đỏ mặt, chạy tót vào trong bếp, cho đến bữa ăn tuyệt nhiên không ló mặt ra.

Phong ngồi giữa ông nội và bố tôi. Bố không gọi cậu ấy là “cháu” mà cứ gọi “con trai”, kỳ cục chết đi được.

“Bố mẹ con giờ thế nào?”

Tôi đã dặn với gia đình đừng nhắc về chuyện của Phong, tôi không muốn cậu ấy buồn chút nào. Thế nhưng bố vẫn hỏi. Ánh mắt Phong chợt tắt niềm vui.

“Cậu ăn thêm dọc mùng đi.”

Tôi chủ động gắp thức ăn vào bát bánh đa của Phong, thà bây giờ để ông nội chê trách tôi về bất kì chuyện gì còn hơn. Tôi không dám để Phong nhìn thấy ánh mắt của mình lúc này nên giả vờ lấy thêm mì chính.

“Bố mẹ con chia tay rồi.”

Cậu ấy nói bằng chất giọng bình thản sau khi đã kìm nén cảm xúc. Tôi cứ nghĩ bố chỉ hỏi vậy thôi, rồi sẽ chuyển sang chủ đề khác, nhưng bố vẫn tiếp, không hề tỏ ra ngạc nhiên:

“Giờ con ở với ai?”

“Cả hai ạ, cứ hai tháng con sang ở với mẹ, còn lại ở cùng bố.”

“Ấy, bây giờ có dự báo thời tiết, để con bật tivi lên xem!”

Tôi vớ lấy điều khiển và bật ngay lập tức với âm lượng khá to. Nhưng bố vẫn hỏi Phong về việc gia đình, cậu ấy trả lời hết mọi câu hỏi như đang trả lời một bài kiểm tra lịch sử.

“Khi nào không thích ở với bố hoặc mẹ thì sang đây ở với chú, tiện thể kèm con Chun học.”

“Dạ!”

Thế rồi tôi đã thấy bố và Phong nói chuyện rất thoải mái, về vấn đề thời sự bao gồm cả giá xăng dầu.

Tiếng sấm kéo theo cơn mưa rào đổ ập xuống, tôi mê man chạy lên tầng cất quần áo trên sân phơi. Phong cũng chạy lên theo, cậu ấy giúp tôi mang hạt thuốc phơi khô vào trong. Cất xong quần áo thì tóc tôi ướt nhẹp, hắt xì một cái rõ dài và to. Phong rút một cái khăn trong đống quần áo đang ôm phủ lên đầu tôi, hành động đó chợt khiến tôi nghĩ đến Vũ.

Bữa cơm kết thúc, tôi rửa bát, trong khi đó mẹ gọt cam. Mẹ cứ trách Phong bày đặt mua quà đến, nhưng khen cậu ấy chọn cam khéo và nhấn mạnh vụ lần trước mẹ để tôi chọn một quả bưởi ngoài chợ, mua về bổ ra khô không khốc.

Phong và ông bà ngồi xem lại cuốn album cũ, hầu hết toàn ảnh của tôi, có bức tôi bị sún một cái răng cửa, có bức sún cả hai, rồi cả tấm hình một chồng hai vợ một con nữa chứ. Nhưng hồi bé mắt tôi luôn nhắm đúng lúc được chụp hình nên thành ra tấm nào tôi cũng cười toe toét mà chẳng thấy mắt đâu.

“Ngày xưa thằng Phong lùn hơn con Chun thế mà giờ cao hơn nó gần một cái đầu, thời gian nhanh thật!”

Bà nội vẫn còn giữ bảng chiều cao cân nặng của tôi, nghe bà nói tôi hồi bé dễ nuôi lắm, không còi cọc như con Mai Mít hay khảnh ăn như cái Yến, càng không nghịch dại như Phong, chỉ mỗi tội ngơ ngơ hay bị bắt nạt.

Tôi mang cam và dưa hấu ra, đòi ngồi chen giữa, vui ơi là vui, xem lại những bức tranh vẽ con gà, cây cối của tôi và Phong mới thấy khoảng thời gian đó đẹp đẽ đến nhường nào.

“Bí bo!”

“Ai đến nhà vào đầu giờ chiều lúc này?”

Chắc khách của bố, tôi và Phong vẫn tiếp tục tranh luận về bức vẽ con mèo hay con chó của tôi hồi mẫu giáo. Rõ ràng tôi vẽ con mèo mà.

“Cháu hỏi ai?”

“Đây có phải nhà bạn Lâm Anh không chú?”

“Phải rồi, vào đây, sao để ướt sũng người như vậy?”

Tôi ngó xem là ai khi loáng thoáng nghe thấy tên mình.

“Vũ, bạn đến đây làm gì?”

Đặt bức tranh sang bên, tôi vào trong nhà tắm lấy khăn lau tóc mang ra cho Vũ. Cậu ấy mặc một chiếc áo mưa giấy màu đỏ nhưng người bên trong đã ướt như chuột lột. Ngoài trời mưa tầm tã, trắng xóa.

“Ơ kìa con bé này, bạn đến chơi nhà còn hỏi đến làm gì, vào phòng lấy bộ quần áo của bố cho bạn thay, nhanh!”

Tôi vẫn đứng nhìn Vũ với vẻ lạ lẫm, cậu ấy đến nhà tôi để làm gì chứ? Để đến khi mẹ mang áo và chỉ cậu ấy về phía nhà tắm tôi mới tin Vũ đang có mặt ở nhà mình.

“Sao mày ở đây?”

Vũ dừng lại khi gặp Phong.

“Tao đến chơi.”

“Vậy còn chuyến du lịch với lớp tao?... À, ra vậy!”

Vũ quay đầu lại nhìn tôi, giọt nước mưa rơi từ tóc xuống sàn, trông cứ tồi tội.

“Bạn vào thay đồ đi kẻo ướt. Trong nhà tắm có máy sấy tóc đấy.”

Chừng mười lăm phút Vũ bước ra khỏi nhà tắm, cậu ấy vẫn mặc nguyên bộ đồ lúc đến, áo trắng dài tay cùng quần bò. Mẹ tôi bảo sấy quần áo cho khô kẻo ốm nhưng Vũ từ chối.

“Cháu ngồi quạt tý là khô.”

Mẹ không hỏi gì thêm, tôi cảm thấy sự không thích của mẹ khi Vũ tới đột ngột.

“Cháu đã ăn trưa chưa?”

“Cháu ăn rồi.”

“Lâm Anh, vào đun lại thức ăn cho bạn.”

“Ơ nhưng cậu ấy ăn rồi.”

“Cháu tự tìm đường vào đây à?”

Bố không nghe tôi nói, chỉ hỏi Vũ, vậy nên tôi vào bếp đun nóng đồ ăn.

“Vâng.”

“Sao không gọi bạn ra đón, nhà chú lòng vòng khó tìm.”

“Cháu không có số của Lâm Anh. Mà tìm cũng dễ thôi chú, hỏi người xung quanh là ra.”

“Người ướt từ trên xuống dưới còn nói nhà dễ tìm, không có số con Chun thì lưu số ông.”

Nghe ông nói vậy tôi mới ngó từ trong bếp ra, cái áo mưa giấy bị rách một đoạn dài, tóc Vũ rũ xù ra làm nhiều nhánh, làn da trông xam xám.

“Cháu là bạn thế nào của Lâm Anh?”

“Cháu ngồi cạnh Lâm Anh trên lớp. Hôm nay lớp đi du lịch, cháu không đi, ở nhà có mỗi mình nên…”

“Chứ không phải mày thích con Chun nhà ông hả?”

Tôi đang nêm thử gia vị suýt thì cắn phải lưỡi.

“Bố đừng nói đùa bọn trẻ như thế.”

Mẹ gằn giọng nhìn tôi bưng đồ ăn mang ra, tay cứ run run, đặt lên bàn.

“Tương ớt với nước me chua, không biết cậu ăn thế nào nên tớ mới cho một xíu.”

Ban đầu tôi tưởng Vũ không thích, nhìn bát bánh đa cua một lúc rồi mới ăn, nhưng sau đó nhận ra rằng cậu ấy đang rất đói. Tôi ngồi nhìn Vũ ăn mà cảm thấy mình cứ ác ác thế nào, cậu ấy đội mưa đến nhà mà tôi không nhiệt tình lắm, thêm nữa cậu ấy nói thích mà tôi không hề đáp lại. Ơ mà tôi đang nghĩ gì vậy?

Ông bà nội đi ngủ trưa, ngồi với chúng tôi một lúc thì bố mẹ sắp sẵn áo mưa.

“Bố mẹ định đi đâu vậy? Trời còn mưa mà.”

“Hôm nay công ty có lịch làm tăng ca, các con ở nhà chơi.”

“Mưa to lắm, hay bố mẹ chờ thêm tý nữa.”

Tôi ngó đồng hồ mới biết không còn sớm gì, bố mẹ tôi cùng làm trong xưởng may mặc, dạo này họ phải đi làm thêm ca thường xuyên, có khi tới tối muộn mới về. Trước khi tôi tìm ra vị trí của chiếc ô, Phong đã bật nó và chạy ù ra mở cổng, như thể cậu khao khát được làm việc ấy vô cùng, trong khi nhiều lần phải đi làm sớm, biết tôi hay ngủ nướng, mẹ toàn ném chìa khóa vào trong.

Khi trở lại Vũ khoanh tay nhìn Phong hằm hằm. Tôi nhìn bát ô tô sạch bong trước bàn, lên tiếng hỏi:

“Vũ còn đói nữa không? Nhà tớ còn nhiều bánh đa…”

“Không!”

Vũ đưa đôi mắt như con dao sắc lẹm sang bên tôi, cảm giác như bị chiếu tướng vậy. Ngoài những lúc hiền hiền dễ gần, thi thoảng cậu ấy đổi gió khiến tôi lo sợ.

“Trời tạnh rồi, mày về đi!”

Trời ạ, tôi mới là chủ nhà chứ có phải Vũ đâu mà cậu ta đuổi Phong đi.

“Ừm, tao cũng định về đây… nhưng trông thấy mặt mày như vầy nên không muốn về nữa.”

Phong khoanh tay nhìn Vũ, cậu ấy ngả hẳn người dựa lưng vào ghế. Tôi tự đặt câu hỏi rốt cục mình có phải chủ nhà không?

“Mặt tao làm sao? Mày không thấy mình vô duyên khi ở đây à?”

Ai vô duyên hơn ai chứ?

“Tao không.”

Tôi rõ ràng bị coi như con ruồi bay vo ve xung quanh, vì thế tôi ủng hộ câu trả lời của Phong.

“Ha ha, thôi tao về.”

Phong nói rồi đứng dậy luôn, cậu ấy còn vỗ vai Vũ.

“Ơ, cậu về ư? Sao cậu phải về?”

Tôi đứng dậy theo Phong, còn rất nhiều kỷ niệm chờ được đánh thức của hai đứa, như con lợn đất cả hai cùng góp được năm nghìn, hồi đó Phong cứ đòi đập ra nhưng tôi nhất quyết không cho, đợi đến khi nào lớn. Cậu ấy về lúc này chẳng quá sớm hay sao?

“Tớ còn về trông Lâm Anh, lần sau tớ lại đến.”

Tôi rất muốn nói rằng mình muốn đến chơi cùng em cậu ấy nhưng rốt cục không lên lời, đành ngậm ngùi đưa cho Phong một cái ô cho dù trời đã ngừng mưa.

“Chào ông bà và bố mẹ cậu giúp tớ.”

“Ừm. Cậu nhớ đường ra chứ?”

Phong lên xe đưa tay chào tôi rồi đi. Trí nhớ cậu ấy tốt nhật, chứ tuy là nhà mình nhưng hồi mới chuyển tới tôi phải mất năm sáu bảy tám lần đi nhầm ngõ khác. Đợi bóng cậu ấy xa tít tôi mới vào, Vũ đang xem cuốn album của tôi.

“Bạn không đi du lịch với lớp?”

“Ờ.”

Vũ đáp bằng giọng thờ ơ. Cậu ta đúng là sáng nắng chiều mưa. Tôi chỉ ngồi nhìn Vũ lật qua lật lại những bức ảnh.

“Sao chụp với thằng Phong nhiều thế?”

Hỏi hay thật, có máy ảnh thì chụp chứ sao, máy của chú Dương, tôi chạy loăng quăng sang nhà Phong một buổi sáng chú nháy tới chụp kiểu không nhiều mới lạ.

“Thích thì chụp.”

“Lâm Anh đừng nghĩ về quá khứ mà quên mất hiện tại. Tôi đã không nghĩ bạn lại dối tôi.”

Vũ chỉ đưa mắt qua tôi đúng một giây ngắn ngủi. Cậu ấy lại đang nghĩ gì thế?

“Tớ dối chuyện gì?”

Vũ chẳng nói, tôi chẳng biết. Việc tôi nói rằng họp gia đình nhưng không phải ư? Vốn dĩ bữa cơm nhà tôi đã có năm người, hôm nay thêm Phong nữa, đó đâu phải nói dối.

“Trước đây tôi quen một ai đó vì nói chuyện hợp, hoặc vì người đó nổi bật. Lần đầu tiên gặp Lâm Anh tôi chỉ nghĩ bạn là một đứa ngốc nghếch, bị bắt nạt nhưng không dám trả thù. Tôi cho bạn ngồi cạnh vì nghĩ rằng bạn sẽ rất hữu ích trong giờ kiểm tra để qua mặt phụ huynh. Tôi tưởng mình chuyển về đây vẫn phá phách như xưa vì bản tính của tôi là vậy, nhưng bạn ngờ nghệch lắm, tôi đứng ra bênh vực bạn lần một, lần hai mà bạn vẫn để người khác cưỡi lên đầu mình. Thế đấy, càng ngày tôi càng muốn bảo vệ bạn hơn, càng ngày tôi càng muốn đi học để gặp bạn, tôi không muốn gây sự với bất kì ai để không ảnh hưởng đến bạn, tôi tự thấy mình đã thay đổi ít nhiều vì bạn. Vậy nên đừng để tôi thấy sự thất vọng.”

Đó là lần đầu tiên tôi nghe Vũ nói nhiều như vậy. Vũ đứng lên và nhắn tôi chào gia đình giúp.

Tôi mở cổng cho Vũ vừa suy nghĩ về sự thất vọng của cậu ấy, tôi đã làm gì để Vũ thất vọng? Năm ngoái khi ngồi cạnh thằng Tuấn, nó nói thích thật lòng bao nhiêu người, nhưng thực sự có thích ai đâu. Tôi đã nghĩ Vũ cũng vậy, chỉ trêu đùa nên chưa từng nhìn nhận nghiêm túc về những gì cậu ấy nói.

Đắn đo một hồi, tôi ôm lấy cổng sắt hỏi nhỏ:

“Vũ,… cậu có tình cảm với tớ thật à?”

Tôi vẫn thường gọi Phong là cậu vì cậu ấy quá đỗi thân thuộc với mình, giờ đây, tôi đã dùng từ đó để nói chuyện với Vũ.

“Lâm Anh nghĩ rằng tôi đùa Lâm Anh sẽ thấy vui ư?”

Sau câu nói đó Vũ lên xe.

“Mà đi lối nào ra?”

Tôi đuổi theo chỉ cho cậu ấy lối về, trong lòng ôm mối ưu tư.

Đọc tiếp: Đã có anh trong nỗi nhớ của em chưa? - Phần 5
Home » Truyện » Truyện voz » Đã có anh trong nỗi nhớ của em chưa?
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM