Polaroid

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Người mẹ trinh trắng - phần 6

Hai vợ chồng Thúy mới mua một căn hộ ở trung cư cao cấp, biết hai mẹ con tôi lên Hà Nội nên Thúy nhất định giữ lại chơi 2 ngày cuối tuần. Hai vợ chồng Thúy đều rất nhiệt tình nên tôi cũng không tiện từ chối. Anh Hoàng – chồng Thúy vốn là người quý trẻ con nên rất vui vẻ khi biết hai mẹ con tôi ở lại chơi 2 ngày cuối tuần. Tôi không nghĩ anh ấy lại thích Bo đến vậy, bảo rằng chỉ mong Thúy cũng sinh được một đứa con đáng yêu như Bo là anh chẳng còn mong ước hơn gì nữa. Vấn đề là Thúy chưa chịu có con, nó chưa muốn con cái làm vướng bận công việc nên dự định một năm nữa mới sinh.

Chồng Thúy đã biết hết chuyện của tôi và rắc rối mà tôi đang mắc phải với Hải. Anh ấy có chia sẻ rằng chơi với Hải khá lâu, dù không thân những cũng biết phần nào tính cách của Hải. Là một người rất hiếu thắng và sống vô trách nhiệm nên Hải sẽ không đời nào buông tha cho tôi, anh Hoàng căn dặn tôi nếu có vấn đề gì cứ nói nhất định anh sẽ tìm cách giúp đỡ.

Thúy sợ tôi ngại nên nó bồi thêm mấy câu: “Không cần phải suy nghĩ nhiều. Tao với mày chẳng khác gì chị em, chồng tao coi như anh rể mày. Chúng mình như người nhà, giúp đỡ nhau là đương nhiên, không phải ngại đâu.”

Anh Hoàng chợt nghĩ ra điều gì, vội nói ngay: “Mà mẹ của Hải mới phẫu thuật xong, còn rất yếu, em có muốn mang Bo đến thăm bà nội không? Nói gì thì nói, bác Hoa thực sự là một người tốt, rất nhân hậu.”

Tôi không trả lời, cảm thấy hơi ái ngại. Việc thăm mẹ Hải thì không có vấn đề gì, vấn đề là tôi không muốn gặp người nhà của bà ấy, đặc biệt là vợ chồng Hải. Thế nhưng khi nhớ đến những lời nói, những giọt nước mắt chân thành của bà ấy thì tôi lại không thể ngăn cản lòng trắc ẩn của chính mình.

Kết quả là hai mẹ con tôi đã đến thăm mẹ Hải vào chiều ngày hôm sau. Thứ bảy nên bệnh viện vắng người, phòng bệnh của mẹ Hải nằm ở cuối hành lang yên tĩnh. Trước khi mở cửa bước vào tôi phải dặn dò Bo: “Con không được lên tiếng rõ chưa? Bà đang nằm ngủ.”
“Bà nào hả mẹ?” Thằng bé hỏi lại.

Tôi nhìn thằng bé một lát rồi trả lời một tiếng nho nhỏ: “Bà nội.”

“Bà nội là ai hả mẹ?”

Không biết phải giải thích với thằng bé ra sao, tôi đưa tay lên một ra dấu im lặng: “Con trật tự. Không hỏi nữa.”

Thằng bé yên lặng ngả đầu trên vai tôi. Tôi rụt rè gõ cửa phong nhưng tuyệt nhiên không có tiếng trả lời. Tần ngần một lát thì tôi tự mở cửa đi vào. Trong căn phòng màu trắng đầy đủ tiện nghi chỉ có một mình mẹ Hải nằm đó với một đống các thiết bị y tế xung quanh, không có lấy một ai bên cạnh. Tự nhiên tôi cảm thấy thương thay cho thân phận của người phụ nữ này. Tôi tiến lại gần giường bệnh, đặt túi cam lên bàn rồi thả Bo ngồi trên chiếc ghế cạnh đó. Mẹ Hải nằm yên lặng, nhịp thở đều đều, có lẽ bà ấy đang ngủ hoặc yếu đến mức không thể mở nổi mắt. Làn da của bà ấy xanh xao thiếu sức sống, những nếp nhăn hằn rõ trên gương mặt. Tôi tự hỏi vào một ngày cuối tuần thế này thì chồng và con của bà ấy đang ở đâu? Vì sao bà ấy chỉ nằm một mình trong căn phòng V.I.P này? Một phòng bệnh đầy đủ mọi thứ chỉ thiếu chút hơi ấm, quá lạnh lẽo và cô đơn.

Tôi bế Bo lên, kéo bàn tay nhỏ xinh của thằng bé đặt lên tay của mẹ Hải, nói nhỏ vào tai thằng bé: “Con gọi bà nội đi.”

Bo nghe lời, nhắc lại hai tiếng bà nội. Bo có vẻ rụt rè, sợ hãi, cũng đúng thôi vì nó chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như thế này nên không khỏi lạ lẫm.

Cánh cửa phòng đột nhiên bật mở ra, một người phụ nữ trẻ bước vào, cô ấy ăn mặc hợp thời với mái tóc xoăn và gương mặt được trang điểm kỹ lưỡng trông rất quý phái. Tôi cúi đầu chào: “Chào chị!”

Người phụ nữ trẻ khá bất ngờ khi nhìn thấy hai mẹ con tôi, đôi mắt rà từ trên xuống dưới rồi mới gật đầu lại: “Chị là…”

Tôi mỉm cười lịch sự: “Tôi là người quen của bác Hoa, hay tin bác bệnh nên đến thăm. Xin lỗi vì đã tự tiện vào phòng, tôi thấy trong phòng không có ai.”

Nghe tôi nói thế, cô ấy xua tay, cười như cho có: “Không sao. Tôi là Linh, con dâu. Mời chị ngồi.”

Nghe đến hai từ “con dâu” tôi mới ngỡ ngàng nhìn lại người phụ nữ trước mặt một lần nữa. Không thể phụ nhận một điều rằng Linh là một cô gái đẹp, nét đẹp mặn mà yêu kiều của một người phụ nữ đã có chồng, rất xứng đôi với Hải, nhưng một cô gái như thế này đáng ra phải được hưởng sự yêu thương chăm sóc của người chồng chứ không phải vác bụng bầu đi đánh ghen.

Linh rót nước mời tôi rồi nhìn sang Bo hỏi: “Đây là con trai chị sao?”

“Vâng, con trai tôi đấy ạ! Bo chào cô đi.”

Bo khoanh tay ngoan ngoãn: “Cháu chào cô.”

Linh chỉ cười rồi hỏi chuyện tôi: “Chị là người quen thế nào với mẹ tôi?”

“Tôi tên là Vân, tôi với bác Hoa cũng không phải chỗ thân thiết lắm nhưng…biết nói thế nào nhỉ? Bác ấy đã từng giúp đỡ tôi.” Đó là lí do duy nhất tôi nghĩ ra vào lúc này.

“Ra thế. Mẹ tôi vốn là người nhân hậu, chỉ là chẳng ai toàn vẹn, bệnh tật liên miên. Vừa phẫu thuật xong nhưng vẫn chưa khỏe hẳn, bác sĩ nói phải chờ thêm một thời gian vì mẹ tôi cũng cao tuổi rồi.”

“Vâng, mỗi người mỗi phận. Thế chồng con bác ấy đi đâu rồi ạ?” Tôi không nhịn được, tò mò hỏi.

Nghe thế, cô ấy đột nhiên chuyển hướng nhìn, trong đôi mắt nâu lanh lợi ẩn hiện một nỗi buồn khổ vô hình, phức tạp. “Gia đình nhà chồng tôi ai cũng bận bịu công việc cả. Bố chồng tôi làm bên bộ công an nên cũng đi miết, chồng tôi thì bận việc công ty, chẳng ngơi ra được. Bản thân tôi cũng chỉ có cuối tuần mới có thời gian đến, cho nên chuyện chăm sóc người bệnh đành nhờ đến các bác sĩ và y tá trong bệnh viện.”

Giờ thì tôi đã biết thế nào gọi là nỗi khổ của người giàu có, quả nhiên cái gì cũng có giá của nó, chẳng ai được tất cả cũng chẳng ai mất đi tất cả. Mặc dù gia đình tôi không có nhiều tiền, nhưng bù lại mọi người trong gia đình luôn luôn quây quần bên nhau, có chuyện cùng gánh vác. Chẳng trách Hải lại sống vô trách nhiệm với mọi thứ như vậy.

“Thì ra là thế, nhưng biết sao được, ai cũng bận rộn cả.”

Linh lại hỏi: “Thế chị là người ở đâu?”

“À, quê tôi ở Nam Định. Trước lên đây học, bây giờ về quê làm việc.”

“Ra thế. Tôi cũng chưa bao giờ nghe mẹ tôi có người quen ở đó.”

“Vâng, cũng không có gì mà. Số phận cả thôi.” Tôi nói vu vơ mấy câu rồi vội vàng đứng lên về vì sợ Hải chẳng may sẽ đến. “Thôi, cũng không còn sớm nữa, xin phép mẹ con tôi phải về. Chúc bác sớm lành bệnh.”

Linh cũng cười xã giao: “Cảm ơn chị đã ghé. Khi nào mẹ tôi tỉnh, nhất định sẽ nói có chị đến chơi.”

“Vâng, chào chị.”

Thật lòng mà nói, từ tận trong thâm tâm tôi không có chút gì gọi là ghen ghét Linh. Dù cô ấy trang điểm, ăn diện sang trọng kỹ càng đến mấy đi chăng nữa thì chính đôi mắt u buồn kia lại tố cáo tất cả. Con người ta đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình và có lẽ Linh đã phải hi sinh quá nhiều cho người đàn ông mà cô ấy yêu. Tôi tự hỏi, có bao giờ cô ấy hối hận vì đã trao lầm sự tin tưởng để rồi phải đau khổ một đời hay không?

Tôi kể lại cuộc gặp với vợ Hải cho Thúy nghe ngay tối hôm đó. Thúy không lấy làm ngạc nhiên, nó bảo: “Tao cũng gặp mấy lần nhưng không nói chuyện. Lúc nào cũng thấy khuôn mặt cô ấy buồn buồn. Cũng tội nghiệp thật. Hi sinh vì người mình yêu đến cuối cùng lại bị gạt đi như một đống rác, hữu danh vô thực. Bây giờ con thì không có mà chồng thì có cũng như không.”

“Nhưng có một điều mà tao rất thắc mắc, Hải đào hoa như vậy, không thiếu phụ nữ tình nguyện sinh con cho anh ta. Tại sao anh ta cứ giành giật Bo với tao chứ?” Vấn đề này thực sự khiến tôi băn khoăn.

“Mày còn không hiểu anh ta sao? Bởi vì anh ta quá hiếu thắng, muốn gì là phải có cái đó. Anh ta không cam tâm để mày giữ thứ thuộc về anh ta, nhất lại là con trai anh ta.”

“Khốn nạn!”

Thúy mỉm cười phóng khoáng: “Mặc kệ tên điên đó. Nói cho tao nghe, khi mày gặp lại Cường thì mày có cảm giác gì?”

Tôi ngẩn người, khuôn mặt lạnh tanh của Cường lập tức hiện lên khiến tim tôi đau nhói. “Không rõ nữa, nhưng vào giây phút tao nhìn thấy Cường thì tao đã biết bọn tao thực sự chẳng còn cơ hội nào nữa.”

Thúy thở dài, nằm ngả xuống giường bên cạnh Bo đang ngủ say sưa. “Còn cơ hội hay không còn cơ hội chẳng qua là do mình mà thôi.”

“Khó nói lắm. Nhưng nói thật là nhiều khi tao cũng ước được như mày, cuộc sống mà tao đã từng tưởng tượng khi yêu Cường. Tao đã từng nghĩ người mà mình sẽ đi đến hết cuộc đời này chính là anh ấy.”

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tao có cuộc sống mà mày mơ ước nhưng tao lại muốn được về quê hương gần gũi bố mẹ như mày. Mày nhìn vợ chồng tao bình thường như thế nhưng thật ra cũng buồn chán lắm. Hai vợ chồng đi làm cả ngày, có khi 2 ngày liền chẳng gặp mặt nhau. Những buổi tối hai vợ chồng cùng ở nhà thì lại mỗi người một việc, hiếm lắm mới có một buổi ra ngoài chơi.”

Tôi cười buồn, chẳng biết nói sao. Thúy lại tiếp: “Dù sao thì mày cũng phải lấy chồng đi, còn có chỗ dựa, gia đình mà không có một người đàn ông làm trụ cột sẽ rất khó khăn.” Rồi Thúy quay sang khẽ vuốt ve cái bụng tròn vo của Bo, thì thào với thằng bé nhưng rõ ràng là nói với tôi: “Đúng không con trai? Mẹ Vân phải lấy chồng thôi. Con trai cũng muốn có bố rồi, phải tìm bố cho Bo đáng yêu của chúng ta chứ!”

Tôi vừa định nằm xuống giường theo Thúy thì điện thoại reo, một dãy số lạ. “Alo, xin hỏi ai đấy ạ?”

Đầu máy bên kia im lặng, chỉ nghe thấy tiếng người nói xì xéo bên ngoài, hình như đang ở chỗ đông người nào đó. Tôi sợ người ta không nghe thấy nên hỏi lại, giọng lớn hơn: “Xin hỏi ai gọi đấy ạ?”

Ban đầu tôi còn nghĩ là người bên kia không nghe rõ nhưng rõ ràng là người đó không có ý định lên tiếng, chỉ có hơi thở khe khẽ truyền đến. Tôi bực mình: “Nếu không muốn nói chuyện thì tôi cúp máy đây.”

Người bên kia lập tức lên tiếng: “Là tôi đây.”

Giọng nói này có lẽ đến chết tôi cũng không quên nổi. Tôi cầm chặt điện thoại, đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không biết có phải mình đang nằm mơ không. Sau ngần ấy năm tôi lại nhận được điện thoại của anh, nghe chất giọng êm đềm của anh vang lên bên tai. Tôi chỉ có thể thốt lên đúng một chữ: “Cường?”

Một tiếng thở dài từ đầu dây bên kia. Thúy vội vàng nhỏm dậy, áp tai vào điện thoại nghe cùng. Một lát mới nghe Cường nói: “Gặp anh một lát đi, được không?”

Thúy nhìn tôi, gật gật đầu. Chẳng cần nó quyết định hộ thì tôi cũng đang nôn nóng muốn gặp Cường chết đi được, dù chẳng để làm gì. “Anh đang ở đâu?”

Anh đọc địa chỉ. Tôi vội vàng thay quần áo, nhờ Thúy trông nom Bo rồi chạy đi ngay. Lúc đến nơi, tôi thấy Cường đứng chờ bên ngoài một quán ăn nhỏ ồn ào. Vẫn thế, anh đứng dựa người vào chiếc xe máy, tay quay quay trùm chìa khóa như khi xưa anh vẫn thường đứng chờ tôi, đúng là có những thói quen mà người ta sẽ không bao giờ thay đổi dù trong bộ dạng nào. Tôi bước lại gần, ngập ngừng mỉm cười: “Chào!”

Cường không cười cũng không nói một lời nào với tôi, chỉ đưa cho tôi một chiếc mũ bảo hiểm rồi ngồi lên xe khởi động máy. Tôi không biết Cường sẽ đưa tôi đi đâu nhưng vẫn yên lặng ngồi lên, tưởng như mình đang được quay trở lại 4 năm trước, chỉ tối nay thôi.

Suốt quãng đường chúng tôi chẳng nói với nhau lấy một câu, một lèo đi đến cây cầu mà trước đây Cường đã từng đưa tôi đến để ngắm trăng. Cây cầu vẫn thế, con đường phía dưới vẫn giống như một dải lụa uốn mình lung linh, chỉ có hai chúng tôi là đã khác.

“Tối nay cũng có trăng.” Đó là câu đầu tiên Cường nói với tôi.

Tôi vịn tay lên thành cầu, ngước nhìn ánh trăng cao vời vợi: “Có trăng nhưng khuyết hơn.” Tôi vẫn chưa quên trăng năm đó vừa tròn lại vừa sáng.

“Em có muốn giải thích điều gì với anh không? Vì sao? Vì sao em không chịu nói với anh lời nào?”

Tôi không né tránh, trả lời anh: “Nếu em nói thì liệu anh có đồng ý cho em làm thế không? Em không có lựa chọn.”

“Em không có lựa chọn nên em chọn cách hy sinh anh à? Công bằng đấy!” Anh nói trong cay đắng.

“Lúc đó anh đi học ở xa, em nói với anh thì được tích sự gì? Anh sẽ bỏ tất cả mọi thứ để về với em chắc? Để rồi mọi người nói em là một kẻ phá đám, ngáng đường sự nghiệp của anh?” Tôi bị xúc động nên nói hơi lớn tiếng khiến những người xung quanh chú ý.

Cường kéo mạnh tay tôi, đôi mắt biết cười ngày nào giờ đang nhìn tôi tóe lửa: “Nói cho anh biết, sau khi anh đi đã xảy ra những chuyện gì? (Truyện được viết tại website: Haythe.us) Vì sao đột nhiên em cắt đứt liên lạc? Em tính biến anh thành một thằng ngu à?”

Tôi cố lảng tránh câu hỏi của Cường: “Dù thế nào đi nữa thì kết quả vẫn ở trước mắt, nói với anh hay không thì em vẫn nhận nuôi Bo, em không bỏ rơi thằng bé được. Sao anh không ở địa vị của em mà nghĩ cơ chứ? Em chỉ là một đứa con gái quê bình thường, làm trong một bệnh viện nhỏ bé. Còn anh, anh có cả một tương lai phía trước, tương lai của anh trải rộng lắm, em có thể nhìn thấy ước mơ tràn đầy trong mắt anh. Biết bao cô gái tốt chờ đợi anh, liệu gia đình anh có chấp nhận hai mẹ con em không?”

“Em chưa trả lời đúng trọng tâm, mong em trả lời đúng những gì anh đã hỏi. Đã xảy ra những chuyện gì sau khi anh đi?” Cường bình tĩnh đặt câu hỏi. Anh quả nhiên là một luật sư, luôn luôn nhìn thẳng vào vấn đề, nắm bắt đúng chỗ.

Tôi bất đắc dĩ lắc đầu: “Xảy ra chuyện gì đi nữa thì cũng đã qua rồi, không còn quan trọng nữa.”

“Sao lại không? Quá khứ quyết định tương lai, mỗi một quyết định trong quá khứ đều dẫn đến một kết quả cụ thể trong tương lai. Em nghĩ là không quan trọng à?”

Tôi cứng người, lúc trước đối đáp với anh đã khó, bây giờ lại càng khó hơn. Anh quyết truy hỏi tôi đến cùng, nhưng tôi thì cái gì cũng không muốn nói. Thực sự tôi không muốn nhắc đến những chuyện đó thêm một lần nào nữa, không muốn nhớ đến hình ảnh đau thương về Trinh, không muốn.

“Không, chẳng thể cứu vãn được gì nữa đâu, sẽ chẳng thể thay đổi được gì.”

“Vân!” Cường lay vai tôi. “Sao em phải khổ sở như thế? Sao em lại phải gánh chịu hậu quả mà người khác để lại? Nuôi một đứa bé em nghĩ dễ dàng sao? Rất có thể sau này sẽ trở thành công cốc, em biết không? Em không nghĩ một ngày nào đó thằng bé sẽ trở về bên bố nó sao?”

“Không, anh không hiểu đâu, không hiểu gì cả.” Tôi tránh né ánh mắt Cường đang nhìn trực diện vào mình. Làm sao anh biết được Trinh đã phải chịu đựng những gì. Làm sao anh biết được Trinh không mong muốn Bo gọi người đó là bố đến thế nào.

“Nói cho anh biết xem anh không hiểu chỗ nào? Em đứng trước mặt anh đây so với 4 năm trước đã thay đổi rồi, biết không? Hãy trả thằng bé lại cho bố nó, chúng ta sẽ làm lại từ đầu, được không em? Anh và em còn chưa kết thúc mà, chúng ta còn chưa nói chia tay.”

Tôi lắc đầu, cố vùng ra khỏi anh: “Đúng là Bo chỉ là con nuôi của em, nhưng đối với em nó chẳng khác gì con ruột. Em không thể bỏ nó được.”

“Em nói anh không hiểu gì. Vậy liệu em hiểu cho anh bao nhiêu phần? Nếu như em biết anh ở xứ người đã từng thương nhớ em đến thế nào, đã từng điên cuồng gọi điện thoại cho em, ngày nào cũng gửi mail cho em dù chẳng bao giờ có hồi đáp, ngày nào cũng ngoan cố chờ em trên yahoo cho đến tận khi ngủ gục trên bàn. Em có biết không? Em hiểu thế nào là chờ đợi không? Thậm chí anh còn…” Anh định nói điều gì đó nhưng lại ngập ngừng không nói.

Cổ họng tôi cứng ngắc, không dám cất lời. Không phải tôi không hiểu mà tôi không tưởng tượng được anh lại si tình như thế. Tôi cũng từng đau khổ như anh, từng dằn vặt giữa hai con đường nhưng rồi chẳng phải mọi chuyện cũng đã qua hay sao? Chẳng phải anh và tôi vẫn ổn và có một cuộc sống riêng tốt đẹp hay sao? Anh đã vượt qua được thời gian khó khăn nhất thì bây giờ cũng đâu là gì.

“Nói anh nghe, em có còn yêu anh không?”

Tôi nhìn sâu vào đôi mắt da diết mong chờ của anh. Cảm thấy mình vô cùng bất lực, không đủ dũng cảm nói có nhưng lại không nỡ nói không. Cuối cùng vẫn chỉ có thể nói: “Bo là con trai em.” Cố gắng nhấn mạnh để anh hiểu rõ bản chất của vấn đề.

“Tức là em bỏ rơi anh?” Cường nhìn tôi như không thể tin được. “Vân, em ác lắm!”

Rồi anh lên xe lao đi, rất nhanh, rất nhanh, trong khi tôi chỉ biết đứng nhìn anh biến mất giữa dòng người đông đúc, mà bên tai vẫn còn vọng lại câu nói cuối cùng cay nghiệt và oán giận của anh.

Còn lại mình tôi lê bước theo chiều dài của cây cầu, có cái gì đó trong tôi tối đen một mảng. Tôi đã làm tổn thương mối tình đầu của tôi, tổn thương cái quá khứ mà tôi vẫn thường nâng niu nhung nhớ. Tôi chưa từng mong cuộc hội ngộ của chúng tôi thành ra như thế nhưng tôi thật đã làm thế. Gió thổi, tôi thấy mặt mình ươn ướt, tôi biết là tôi đã khóc, sau bao nhiêu năm tôi lại vẫn khóc vì người đó. Chỉ lần này nữa thôi, lần cuối này nữa rồi thôi.

“Lên xe đi.” Cái giọng trầm và lạnh vang lên ngay bên cạnh làm tôi tưởng mình đang bị ảo giác. Lúc quay sang thì đúng là Cường, anh đã quay lại, anh không bỏ mặc tôi, ý nghĩ này khiến trái tim tôi như được một bàn tay ấm áp vỗ về.

Tôi ngồi phía sau Cường, cố gắng giữ một khoảng cách an toàn, không muốn mình tiếp xúc với anh, nhưng khi về gần đến nơi thì vẫn không nhịn được mà nói: “Chúng ta có thể nào quay trở lại 4 năm trước dù chỉ một khoảnh khắc không?”

Cường không nói gì, chỉ quay đầu lại một chút, tôi không thể nhìn rõ vẻ mặt của anh lúc này. Không rõ là khinh bỉ hay chán nản, một cái gì đó rất phức tạp đang tồn tại trong con người anh.

Ở nhà vợ chồng Thúy chơi hết 2 ngày cuối tuần, mẹ con tôi lại về quê, một phần vì muốn trở về để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ kiện, có lẽ tôi cũng cần có một luật sư cố vấn. Bố tôi nói nếu có vấn đề gì thì dù có phải bán đất bán nhà, bố cũng sẽ giúp tôi giữ lại Bo. Tôi đã khóc khi nghe bố nói thế, tôi còn tưởng bố sẽ không đồng ý cho tôi tiếp tục nuôi Bo khi biết nó là con nuôi của tôi, nào ngờ mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Có lẽ Bo thực sự đã trở thành một phần không thể thiếu của gia đình, tôi thực sự hạnh phúc.

Nhưng cuộc sống vốn chứa đựng những điều bất ngờ đến khủng khiếp, mọi chuyện có thể đã diễn ra hết sức tốt đẹp nếu như không có ngày hôm ấy. Khi tôi đang nấu cơm trong bếp thì Bo từ ngoài chạy vào, nắm lấy ống quần tôi, khuôn mặt tròn xoe tươi cười nịnh nọt, nhìn qua là tôi biết nó muốn xin tôi sang nhà hàng xóm chơi. Tôi lắc đầu: “Con đừng có hòng đi đâu. Ngồi nguyên trong nhà chơi. Tối mẹ đi làm thì sẽ cho con sang ông bà ngoại.”

Bo phụng phịu, đôi mắt đen long lanh trong chốc lát đã trĩu xuống: “Mẹ cho Bo sang chơi với anh Thắng 1 tí thôi.”

“Sắp tới giờ ăn cơm rồi. Anh Thắng cũng phải ăn cơm.”

“Nhưng mà bụng Bo chưa sôi đâu mẹ ạ!” Thằng bé lay lay ống quần tôi nỉ non.

Tôi cúi nhìn khuôn mặt trắng sữa đang làm nũng dưới chân, không kìm lòng được đành phải đồng ý: “Thôi được rồi. Con đi đi. Bao giờ mẹ sang gọi là phải về ngay. Nhớ chưa?”

Bo gật gật đầu rồi chạy đi ngay, không thèm ngoái lại. Nhà của thằng Thắng ở ngay sát cạnh, nó vẫn thường chạy đi chạy về luôn nên tôi không lo lắng gì, tiếp tục với nồi thịt rang dở trên bếp. Định bụng khi nào nấu nướng xong sẽ sang gọi thằng bé về.

Vừa bước ra khỏi bếp thì thấy anh Trí cũng bước đến cửa khiến tôi giật thót mình. Thấy tôi vuốt ngực, anh Trí cười: “Anh làm em hoảng sợ sao? Thật xin lỗi!”

“Không sao đâu ạ! Anh ngồi chơi.” Tôi chạy đến ghế, dọn đồ chơi của Bo bày bừa bãi trên ghế.

“Em đã ăn cơm chưa?”

“Em đang định chạy sang gọi Bo về ăn cơm. Anh ăn chung luôn.”

Anh Trí xua tay: “Ồ không, anh ăn rồi. Sang rủ em đi làm cho vui. Hôm nay anh cũng phải làm đêm mà.”

“Dạo này em thấy anh trực đêm suốt. Anh không mệt sao?”

Anh nhíu mày, quầng thâm hiện rõ dưới đôi mắt: “À, vợ anh Chính mới đẻ nên anh trực thay để anh ấy ở nhà chăm vợ con.”

Tôi ngạc nhiên: “Đẻ rồi sao? Con trai chứ ạ?”

“Ừ, được thằng cu rồi.”

Anh Chính làm cùng khoa với anh Trí, đã lấy vợ chục năm nay, sinh hai đứa con đầu là con gái cả. Các cụ bên nội chỉ mong có thằng cháu trai nối dõi vì anh ấy là con trưởng, lần này đẻ cố đứa thứ ba, may là được cậu con trai. Tôi cũng thấy mừng thay cho gia đình anh.

“Vậy là tốt quá rồi. Bao giờ đầy tháng con anh Chính thì anh nhớ bảo em để em đến thăm.”

“Ừ, đến khi đó thì anh với em cùng đi.”

“Được. Anh ngồi đợi một lát để em chạy đi gọi Bo về.”

Tôi mang tâm trạng vui vẻ sang nhà bên gọi Bo nhưng vừa sang đến nơi thì thấy Thắng đang ngồi xem tivi một mình, nó bảo: “Bo về rồi mà cô. Nó bảo chạy về lấy đồ chơi để sang chơi với thằng Tý nhà cháu nhưng không thấy sang, cháu tưởng cô không cho nó sang nữa?”

Tôi kinh ngạc nhìn Thắng, tôi nghĩ mấy đứa trẻ đang trêu đùa, chúng rất nghịch ngợm, đây không phải lần đầu tiên. Bo hay chạy sang đây trốn nên tôi nói: “Không, cô có thấy Bo về nhà đâu. Bo lại đang trốn ăn cơm đúng không?”

“Không, thật mà cô.” Thắng khẳng định lại lần nữa.

Nhìn vào vẻ mặt chắc chắn của Thắng, tôi bắt đầu lo sợ nhưng vẫn nhìn quanh gọi tên Bo, chắc chắn là nó đang trốn đâu đây, thằng bé rất nghịch ngợm, tinh quái.

“Sao thế Vân?” Chị Nhàn, mẹ của Thắng từ trong nhà chạy ra hỏi tôi.

“Chị ơi, chị có thấy thằng Bo nhà em đâu không?”

“Lúc nãy chị thấy nó chạy về mà. Nó không có ở nhà sao?” Chị Nhàn nghi hoặc hỏi.

Vậy là Thắng không hề nói đùa. Tôi hốt hoảng chạy về nhà, mặt mũi tái mét, chân tay bủn rủn, gọi tên Bo nhưng không hề nghe tiếng thằng bé đáp lời, cũng hề nghe tiếng cười nắc nẻ vọng lại. “Bo, Bo ơi. Con đâu rồi. Ra đây cho mẹ. Không trốn nữa, mẹ có làm xúc xích đây, mẹ không bắt Bo của mẹ ăn cơm.”

Không, không thể như thế, Bo chỉ đang đùa thôi, chắc chắn nó sẽ chạy ùa ra ngay mà.

Anh Trí từ trong nhà chạy ra, giữ chặt lấy vai tôi: “Có chuyện gì thế em?”

Tôi khóc không xong, nói cũng không nên lời như bị ai đó bóp nghẹt cổ: “Bo…Bo nhà em…con trai em…em không tìm thấy…em…em…”

Anh Trí buông tôi ra, vội vàng chạy đi tìm cả trong nhà lẫn ngoài nhà, đằng trước đằng sau nhưng đều không thấy. Hàng xóm nghe ầm ĩ cũng chạy ra xem. Tôi hỏi từng người, từng người một nhưng chẳng ai biết gì. Tôi tuyệt vọng dần, chân tay run lẩy bẩy như bị ai hút cạn máu, lấy đi hơi thở.

Chị Nhàn chạy đến, nắm lấy tay tôi: “Đừng lo, chắc thằng bé chỉ chạy đi đâu đó thôi. Để chị bảo thằng Thắng đi tìm những chỗ Bo hay chơi.”

Thắng nghe thế, chạy đi ngay. Hàng xóm láng giềng cũng chia nhau ra tìm giúp. Trời nhá nhem thế này, con trai bé bỏng của tôi có thể đi đâu? Nó xảy ra chuyện gì rồi? Thằng bé chỉ mới 3 tuổi thôi mà. Tôi như phát điên, chạy đi tìm kiếm khắp mọi nơi, cứ thấy đứa trẻ nào là tôi lại lao đến xem mặt nhưng rồi lại tụt xuống tận cùng của sự thất vọng khi phát hiện đó không phải là Bo. Tôi chạy từ đầu làng đến cuối làng để tìm, đến nhà nào cũng hỏi, thấy lùm cây nào cũng chui vào tìm nhưng đều không có, đến đâu cũng như nghe thấy tiếng gọi quen thuộc của con trai nhưng khi nhìn quanh thì chỉ là một màu đen tối. Cuối cùng tôi đổ gục xuống đường vì kiệt sức, trời tối om, tôi gào khóc như người điên, như một con ma oan khuất. Bo, con đi đâu rồi? Con trai của mẹ, về với mẹ đi con.

Chợt, có đôi tay nào đó, vững vàng ôm lấy tôi, giọng nói trầm thấp vỗ về: “Không sao đâu Vân, sẽ tìm được Bo mà. Anh hứa sẽ đi tìm con trai về cho em. Thằng bé sẽ không sao.”

Tôi không hề biết rằng anh Trí đã đi theo tôi suốt cả quãng đường dài. Chẳng còn hơi sức mà quan tâm, tôi dựa vào vai anh Trí như muốn cố níu lấy một chỗ dựa duy nhất. “Em chết mất. Không tìm được Bo thì em chết mất, nó là mạng sống, là tất cả của em. Làm thế nào bây giờ? Em phải làm thế nào bây giờ hả anh?”

Tôi không biết mình đã gào khóc bao lâu cũng không biết đã ngất đi lúc nào. Trong cơn miên man tăm tối. Tôi thấy khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu của Bo, thằng bé chạy nhảy xung quanh tôi, tiếng cười trẻ thơ lảnh lót, rồi đột nhiên Bo biến mất, biến mất hoàn toàn trong không gian mờ ảo. Tôi sợ hãi chạy đi tìm nhưng càng đi càng không thấy, tất cả chỉ là một màn sương bao phủ tĩnh mịch. Tôi ôm mặt khóc nức nở vì quá hoảng sợ, khi mở mắt ra tôi lại nhìn thấy Bo, tôi mỉm cười đi đến bên thằng bé nhưng tôi càng cố ôm lấy thằng bé thì nó lại càng lùi xa, xa tít tắp, không thể chạm đến. Tôi la hét gọi, gọi, gọi…
“Vân, tỉnh lại đi, tỉnh lại đi con.”

Lúc tôi mở choàng mắt ra thì gương mặt sầu não của mẹ hiện ra trước mắt, tiếp theo là bố, rồi Tuyên và cả anh Trí. Tôi hoảng hốt ngồi dậy, dáo dác nhìn xung quanh, đây chính là bệnh viện mà tôi làm việc, tôi ở đây là gì cơ chứ? “Bo, Bo đâu rồi? Mọi người, con trai của con đâu?”

Mẹ sụt sùi đứng sang một bên. Bố nắm lấy tay tôi trấn an: “Con đừng lo. Đâu sẽ có đó. Bố đã đi báo công an, họ đã hứa là sẽ dốc sức truy tìm.”

Làm sao mà tôi có thể không lo cho được, làm gì có người mẹ nào ngồi yên nổi khi con trai mình mất tích? Tôi ôm lấy đầu: “Bo có thể ở đâu được chứ? Nó bị người ta bắt mất hay đã… đúng rồi, thằng bé rất ham chơi, biết đâu nó bị ngã xuống ao hay xuống hồ thì sao. Con phải đi tìm lại một lần nữa.”

Dứt lời, tôi nhào người ra khỏi giường nhưng bị mọi người cản lại. Thằng Tuyên quát lên: “Chị bị điên à? Chị đừng suy nghĩ lung tung nữa được không? Bây giờ là 2 giờ đêm, chị đi tìm cái gì? Công an người ta đang tìm rồi. Ai mà không lo lắng chứ! Chỉ sợ đến lúc Bo về chị chả còn hơi mà gặp nó đâu.”

Đây là lần đầu tiên tôi thấy em trai mình nổi giận, thường ngày tính tình nó điềm đạm vui vẻ nhưng hôm nay nó đã quát tôi. Cũng phải thôi, tôi sắp phát điên thật rồi.

Sợ ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác nên anh Trí phải lôi Tuyên ra ngoài: “Tuyên, đừng như thế với chị em. Đi ra ngoài với anh.”

Chỉ còn bố mẹ ở lại với tôi. Chẳng ai lên tiếng nữa, mẹ tôi không dám khóc, bố thì chỉ biết thở dài. Còn tôi, tôi nằm như một xác chết, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà trắng toát. Khuôn mặt của Bo hiện lên trong đầu, khi nó cười, khi nó khóc, khi lại phụng phịu làm nũng với tôi. Rồi tôi lại nhớ đến từng khoảng thời gian đáng nhớ, những ngày Bo chập chững tập đi, thằng bé luôn cười khanh khách mỗi khi có thể bước đến nhào vào lòng tôi. Rồi khi dạy Bo tập nói từ “mẹ” cũng khó khăn biết mấy, dậy thế nào cũng không chịu nói. Mãi đến một buổi sáng, khi tôi thức dậy thì đã thấy Bo đang mở to mắt nhìn tôi cười toe toét, bất chợt nó gọi: “Mẹ mẹ!”. Khỏi phải nói là tôi vui sướng và tự hào đến cỡ nào, ôm chặt lấy đứa con nhỏ khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ. Nghĩ đến tất cả những khoảnh khắc đó ruột gan tôi lại như bị ai cào xé rất khó chịu, nước mắt ứa ra. Tôi nhớ con trai tôi. Không biết bây giờ nó đang ở đâu, cùng với ai, nó còn chưa ăn tối, khi đói nó sẽ khóc rất dữ, ai sẽ dỗ dành Bo của tôi đây? Hình ảnh Trinh bị xe đâm bỗng xẹt qua đầu tôi, cả người tôi run lên, liệu con trai tôi có bị sao không?

Tôi ngồi bật dậy, nói với bố mẹ: “Con không thể nằm yên thế này được. Ruột gan con không yên, con phải đi tìm Bo thôi,(Truyện được viết tại website: Haythe.us)  biết đâu nó đang chờ con đến cứu, nhỡ con không đến kịp thì sao?”

Mẹ ôm lấy tôi nhằm giữ tôi lại. “Không, Bo không sao đâu. Công an người ta đi tìm rồi. Con cứ ở nguyên đây. Đang đêm hôm, con ra ngoài nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Anh Trí với thằng Tuyên đi tìm rồi.”

“Bo sợ bóng tối lắm mẹ, Bo còn chưa ăn cơm. Không có con bên cạnh nó sẽ sợ lắm, nó khóc con sẽ rất đau lòng. Cho con đi tìm con trai con đi mẹ, con nghe tiếng thằng bé đang gọi con. Mẹ bỏ con ra đi mẹ. Cứ thế này con phát điên mất. Con không chịu được đâu!” Tôi vừa khóc vừa van xin, cố đẩy bố mẹ ra.

“Muốn gì thì cũng để đến sáng mai.” Bố giữ chặt lấy tôi. “Sáng mai bố đưa con đi tìm Bo, được không? Con đang bị ốm, bây giờ mà ra ngoài con sẽ kiệt sức mất.”

“Nhưng mà con không chịu được.” Tôi gào lên.

Cuối cùng, y tá tiêm cho tôi một liều thuốc an thần và tôi lịm đi trong dòng nước mắt nhạt nhòa.

Lần thứ hai tôi tỉnh dậy thì thấy trời đã sáng hẳn, đầu óc tôi hơi mụ mị nhưng khi nhận ra mình vẫn đang nằm trong bệnh viện thì lập tức ý thức đã trở về và điều tôi nghĩ đến đầu tiên là Bo. Tôi ngồi dậy, miệng kêu gọi tên Bo. Bố mẹ vẫn ở bên cạnh tôi suốt từ đêm qua đến giờ.

“Con dậy rồi sao?” Mẹ vuốt lại tóc cho tôi, quan tâm hỏi.

“Bo đâu mẹ?” Đó vẫn là điều tôi quan tâm nhất.

Bố mẹ không dám nhìn vào mắt tôi, càng không dám trả lời. Tôi hiểu là con trai tôi vẫn chưa được tìm thấy, vậy thì cả đêm qua nó ở đâu? Nó ngủ ở đâu chứ?

“Cho con đi tìm Bo đi, bố mẹ!”

Lần này, bố mẹ không từ chối, có lẽ là không cam lòng nhìn tôi sắp phát điên như vậy. Nhưng bố mẹ vẫn bắt tôi ăn cái gì đó rồi mới cho đi. Tôi giống như một đứa trẻ chờ được đi công viên, nhanh nhanh chóng chóng ăn hết bát cháo của mẹ mà đầu lưỡi không có chút vị giác, rồi gấp rút đi ngay.

Vấn đề là tôi không biết phải bắt đầu tìm Bo ở đâu, tôi đi quanh làng một lần nữa, tìm kiếm ở các ao, hồ, kênh, mương xem thằng bé có vô tình trượt chân ngã xuống hay không nhưng kết quả là chẳng có một dấu vết nào. Cuối cùng tôi và bố mẹ lại chạy đến đồn công an, họ cho biết là vẫn đang tìm kiếm suốt từ đêm qua và họ nghi ngờ rằng Bo đã bị bắt cóc. Hiện nay tình trạng bắt cóc trẻ em không phải là chuyện hiếm gặp, có thể là bắt cóc tống tiền, cũng có thể là bắt cóc để đem bán, nhưng với trường hợp như gia đình tôi thì phần nhiều là Bo đã bị bắt cóc để đem bán qua biên giới. Họ nói tôi hãy cứ về nhà chờ, nhất định họ sẽ làm hết sức để tìm được Bo. Tôi nghe xong mà chân tay như rụng rời, chút nữa thì ngã ra đất. Nếu bọn họ không kịp tìm thấy Bo thì có phải sẽ không bao giờ tôi được nhìn thấy con trai tôi nữa không? Tôi sẽ mất Bo mãi mãi, tôi biết làm thế nào bây giờ? Trinh ơi, tao phải làm gì bây giờ? Mày hãy giúp tao tìm đường cứu con trai chúng ta.

Tôi ngồi bần thần trong chính ngôi nhà mình giữa đống đồ chơi bừa bộn của Bo, trên tay ôm khư khư con gấu bông vẫn thường nằm cạnh Bo khi ngủ. Đâu đó trong ngôi nhà vẫn vang vọng tiếng cười đùa vui tai mà tôi không thể nào quên.

“Cô Vân có thư nhé!” Chú đưa thư mỗi ngày vẫn đi đưa thư cho các nhà trong làng hôm nay bỗng ghé nhà tôi. Không đợi bố mẹ đứng lên nhận thay, tôi chạy ra nhận thư ngay lập tức trong sự nôn nao và run rẩy. Nhưng khi mở ra, tôi lại trở về với trạng thái như kẻ trên mây, là thư triệu tập của tòa án. Là Hải, anh ta thực sự đã gửi đơn lên tòa. Tại sao lại là lúc này cơ chứ?

Tôi thả rơi lá thư xuống đất, quay trở về giường ngồi như một cô hồn, chẳng quan tâm đến cái tòa án kia. Bố mẹ nhặt thư lên đọc, tôi không quan tâm. Bố mẹ hỏi gì tôi cũng chỉ lắc đầu. Anh Trí và thằng Tuyên cũng chạy ra chạy vào, nói vài câu gì đó mà tôi cũng không buồn để ý. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng, cũng không biết mình ngồi đó bao lâu, ngồi đến tê dại, cứ tưởng tượng Bo sẽ chạy ào từ ngoài cửa vào, miệng gọi “mẹ ơi”, sẽ lại sà vào lòng tôi với một đống câu hỏi ngây ngô.

Mãi đến xế chiều, bỗng có một người đến thăm nhà tôi, đôi giày da cao cấp bóng loáng làm tôi thức tỉnh hoàn toàn. Tôi đứng bật dậy nhưng đôi chân tê dại làm tôi suýt ngã. Đứng vịn một tay vào thành giường, tôi ngước lên nhìn người đàn ông có bộ mặt đẹp đẽ nhưng tâm địa khó lường trước mặt.

“Anh đến đây làm gì? Nơi này không hoan nghênh anh.”

Hải chỉ mỉm cười, anh ta tử tế chào bố mẹ tôi một tiếng rồi quay lại nói với tôi: “Tôi đến thăm con trai tôi. Không được à?”

“Bây giờ không phải lúc để thăm!” Tôi nói cứng.

Bố tôi cũng ôn tồn nói thêm để tránh bị anh ta phát hiện: “Thằng bé mới đi chơi rồi. Lúc khác anh quay lại.”

Đúng lúc đó thì Tuyên chạy vào, phấn khích nói: “Chị Vân, họ đã tìm được manh mối kẻ bắt cóc Bo rồi. Họ nói…” Nhìn thấy Hải trong nhà, Tuyên đứng khựng lại, không nói thêm nữa, cứ nhìn chằm chằm Hải vì Tuyên chưa gặp anh ta bao giờ. “Nhà ta có khách sao?”

Hải quay lại nhìn Tuyên rồi lại nhìn tôi, đôi mắt anh ta hơi khép lại một cách bí hiểm: “Có chuyện gì vậy? Con trai tôi bị bắt cóc sao? Cô đã làm cái quái gì vậy?” Anh ta gầm lên ở câu cuối.

“Thằng bé sẽ không sao. Công an đang truy tìm, anh đừng ở đây mà gào thét.” Tôi cố cứng giọng.

“Sẽ không sao? Vậy mà cô nói sẽ chăm lo tốt cho thằng bé à? Tốt nhất là con trai tôi không sao. Nó mà xảy ra chuyện gì thì tôi sẽ không để cho cả nhà cô được yên đâu.”

Bố tôi vốn là người điềm tĩnh nhưng khi nghe Hải nói cũng không nhịn được, kéo cánh tay anh ta mà nói: “Này, tôi không biết anh giàu sang thế nào nhưng đây là nhà chúng tôi. Anh không có quyền lớn tiếng.”

Hải gạt tay bố tôi ra, nói bằng giọng khinh thường: “Ông đừng nên tùy tiện chạm vào người khác bằng bàn tay bẩn thỉu ấy. Con trai tôi phải ở cái nơi quê mùa rách nát này đã là thiệt thòi cho nó lắm rồi, vậy mà nó còn bị bắt cóc. Tất cả các người chỉ là một đám nhà quê bần tiện mà thôi, lấy tư cách gì tranh giành con với tôi?”

Lần này tôi không để yên, bước đến muốn tát vào bản mặt nghênh ngang đó nhưng rồi lại thôi, chỉ cười nhạt: “Tôi muốn cho anh một cái tát nhưng nghĩ đến việc tát anh xong phải đi rửa tay là tôi đã thấy ghê tởm. Vâng, chúng tôi không có tiền, sang giàu như anh, chỉ là một lũ nhà quê nhưng có tình người. Còn loại người vô nhân tính như anh, nằm trên một đống tiền lạnh lẽo thì có gì hay? Nói cho anh biết, đến cuối cùng tiền cũng chỉ là một loại công cụ mà thôi. Nếu trên đời không có những người nông dân như bố mẹ tôi, thì anh có cả núi tiền cũng chẳng có cơm mà ăn đâu. Có chết tôi cũng không để con tôi rơi vào tay anh.”

Hải không những không biết xấu hổ mà còn nhếch môi cười: “Đừng dùng những lời lẽ của bọn nhà nghèo đó nói với tôi vì đây không phải một bộ phim. Cô nói đi, cô đã làm gì mà con trai tôi bị bắt cóc cũng không biết?”

Tôi nắm chặt hai bàn tay, phải là lỗi tại tôi, tại tôi chủ quan, tại tôi không để ý đến Bo nên nó mới bị người ta bắt đi. Đáng ra dù thằng bé có nài nỉ thế nào thì tôi cũng không được cho nó đi chơi mới đúng, đáng ra tôi phải trông nom nó cẩn thận. Bo ngoan ngoãn và đáng yêu thế cơ mà, sao người ta lại nỡ bắt nó đi chứ? Thật độc ác!

Tuyên bỗng lên tiếng bênh vực cho tôi: “Không phải tại chị tôi. Anh thì biết cái gì mà ở đây lớn tiếng tra hỏi? Anh không có quyền. Mời anh đi cho.”

“Xin lỗi chàng trai trẻ, tôi là bố của Bo.”

“Vậy thì tôi là cậu của nó. Anh mặc nhận là bố nó nhưng anh biết gì về nó nào?”

Hải im lặng, anh ta không trả lời được. Tuyên đứng tránh cánh cửa nhường đường cho Hải: “Mời anh đi ra khỏi nhà chị tôi.”

Hải có vẻ không cam lòng, quay lại nói thêm: “Chính tôi sẽ tự đi tìm con trai mình và các người đừng hòng chạm vào nó nữa.”

Sau khi Hải đi tôi càng quay quắt với nỗi đau mất con và còn lo nghĩ hơn về những lời nói sau cùng của Hải. Anh ta sẽ không từ một cơ hội nào để cướp đi con của tôi. Tôi phải làm sao? Phải làm sao? Phải làm sao bây giờ?

Suốt một ngày trời tôi thức trắng ngóng tin con, anh Trí giúp đỡ gia đình tôi hết sức, vận dụng mọi mối quan hệ bạn bè trong ngành công an để bảo họ làm hết sức mình. Với công an thì họ không thể nào làm ngơ với những vụ bắt cóc trẻ em thế này, có điều tôi không ngờ được là anh Trí đã xin nghỉ làm để theo công an đi tìm Bo. Mặc đù đầu óc tôi chỉ có Bo nhưng những việc anh Trí làm thì tôi không thể coi như không thấy. Dù có ra sao đi nữa thì tôi cũng nợ anh ấy.

Sau hai ngày Bo bị mất tích, đến ngày thứ ba thì công an cũng đã tìm thấy bọn bắt cóc trong một nhà nghỉ, chúng đã bị tạm giam để xét hỏi. Nghe nói bọn chúng vẫn chưa kịp đưa Bo ra khỏi phạm vi của thành phố vì công an đã phong tỏa chặt chẽ.

Khoảnh khắc anh Trí bế Bo trên tay bước vào, tim tôi như vỡ òa trong niềm vui sướng. Tôi đón lấy thằng bé từ trong tay anh Trí. Sờ nắn, xem hết một lượt người Bo từ đầu đến chân, luôn miệng hỏi: “Con có sao không? Có đau chỗ nào không Bo? Nói mẹ nghe. Có ai đánh con không?”

Bo nhìn tôi, gương mặt mếu máo không tươi như khi thường thấy, đôi mắt thơ ngây vẫn còn ánh lên tia sợ hãi, nước mắt vương *** trên má. Rồi thằng bé khóc òa lên ôm chặt cổ tôi: “Mẹ ơi! Bo không thích các chú kia đâu. Các chú không cho Bo gặp mẹ.”

“Ôi con trai tôi.”

Tôi vừa lau nước mắt cho Bo vừa khóc. Thơm lên khắp khuôn mặt thằng bé cho thỏa nỗi nhớ mong. “Mẹ xin lỗi con. Mẹ xin lỗi. Từ giờ mẹ không cho con chạy lung tung nữa. Bo có nhớ mẹ không?”

Thằng bé mếu máo gật đầu lia lịa.

“Ngoan, Bo ngoan lắm. Mẹ cũng nhớ Bo của mẹ.”

Cả gia đình tôi cùng anh Trí và hàng xóm láng giềng rất đỗi vui mừng khi nhìn thấy cuộc đoàn tụ của hai mẹ con tôi. (Truyện được viết tại website: Haythe.us) Mặc kệ sau này xảy ra chuyện gì, Bo đã lành lặn trở về là điều tôi sung sướng trên hết, tôi phải bù đắp cho thằng bé, không để nó phải nhớ lại 2 ngày vất vả vừa qua.

Ngay buổi tối hôm ấy, cả nhà tôi lại đoàn tụ bên nhau, mời anh Trí ở lại ăn cơm. Không một ai nhắc đến chuyện ngoài ý muốn vừa rồi nữa, cười nói vui vẻ không thôi. Bo chỉ là một đứa trẻ, vui vẻ một lúc là sẽ quên rất nhanh. Cả buổi tối, tôi cũng cười không khép được miệng, sự trở về của Bo chính là nguồn sống của tôi, là máu, là sức mạnh. Nếu ví tôi là một cái điện thoại thì Bo chính là cục pin vĩ đại của tôi.

“Bo, con có đói không?” Mẹ tôi đưa đĩa xúc xích to ra trước mặt Bo.

Bo cười tít mắt: “Bà ngoại ơi, Bo đói lắm!”

“Thằng nhóc này, cứ nhìn thấy xúc xích là đói ngay.” Tuyên véo mũi trêu đùa thằng bé.

“Mẹ ơi, cậu gọi Bo là thằng nhóc!” Bo chu miệng lên mách tôi.

“À, cậu lại gọi Bo của mẹ là thằng nhóc à? Cậu hư quá, để lát nữa mẹ đánh cậu. Thế Bo là gì mới đúng nhỉ?”

Thằng bé không cần suy nghĩ, trả lời ngay: “Bo là con heo béo của mẹ mà.”

Cả nhà lại ngửa đầu cười sảng khoái một trận. Nhất là tôi, một niềm tự hào chưa từng có len lỏi trong trái tim, vừa ấm áp lại vừa vui sướng.

Mẹ tôi vừa cắt xúc xích cho Bo, vừa nói: “Ôi trời! Cháu của bà giỏi nịnh mẹ quá nhỉ? Con heo béo phải ăn thật nhiều, thật ngoan nhớ chưa? Khi nào cái bụng tròn xoe rồi thì dừng lại.”

Bo “dạ” một tiếng rồi cầm thìa xúc từng miếng xúc xích nhỏ cho vào miệng ăn ngon lành. Nhìn khuôn mặt tươi tắn của Bo, chắc chẳng ai nghĩ nó vừa bị bắt cóc. Mọi người trong gia đình cũng vậy, mới sáng nay thôi bầu không khí vẫn ảm đạm nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác. Bố tôi không nói gì mấy nhưng niềm vui lại hiện lên trong đôi mắt và không ngừng gắp đồ ăn cho Bo. Anh Trí mặc dù là người ngoài nhưng lại chẳng giống người ngoài chút nào, anh luôn nhìn Bo với ánh mắt âu yếm của một người bố và thỉnh thoảng ánh mắt của tôi và anh chạm nhau. Lúc này tôi mới thấy đôi mắt của anh Trí chứa cả một biển tình cảm mênh mông, một cảm giác yên bình thật lạ ùa đến với tôi, cảm giác như chúng tôi thật sự là một gia đình.

Ăn cơm xong là Tuyên đưa bố mẹ tôi về, Bo cũng lăn ra ngủ luôn mà chẳng cần phải ru, chắc nó mệt quá. Anh Trí đợi Bo ngủ mới ra về. Tôi tiễn anh ra cổng, tiện thể nói tiếng cảm ơn với anh.

“Nếu không có anh thì thật em không biết làm thế nào.”

Anh Trí dừng bước, quay lại nhìn tôi mỉm cười: “Không có gì. Anh đã nói anh quý Bo như con trai, bất kể là ai cũng không thể làm ngơ được đâu.”

“Anh tốt quá! Em không biết làm sao mới trả hết ơn anh. Có chuyện gì thì anh cứ nói với em, nếu em giúp được, nhất định em sẽ làm hết sức.”

“Anh đã nói là không có gì mà. À, anh chưa nói với em chuyện này. Lúc cứu được Bo về anh gặp một người tự nhận là bố đẻ của Bo trong đồn công an. Anh ta có giới thiệu anh ta tên là Hải. Đó là bố của Bo sao?”

Tôi ngẩn người, rất muốn biết Hải đã nói những gì với anh Trí nhưng lại không biết phải hỏi ra sao.

Thấy tôi im lặng hơi lâu, anh Trí cười khẽ: “Nếu em không muốn nói thì cũng không sao. Anh hiểu mà.”

“Vâng, đó là bố đẻ của Bo.” Không hiểu sao đến cuối cùng tôi vẫn nói cho anh biết, bởi đó là sự thật mà.

“Thì ra đó là người mà em đã từng yêu hết lòng.”

“À, không.” Tôi buột miệng, rồi lại im bặt. Thấy anh nhìn vẻ khó hiểu thì tôi đính chính: “Dù sao đó cũng là quá khứ rồi. Anh ta có nói gì với anh không?”

“Cũng không nói gì, anh ta nhận là bố đẻ của Bo và xin vào gặp bọn bắt cóc. Có lẽ ngày mai phía công an sẽ gọi em đến.”

“Vâng, anh không phải lo gì cho mẹ con em nữa đâu. Anh giúp như vậy là em đã cảm ơn lắm rồi.”

“Vậy anh về đây. Em vào đi.”

Anh đi rồi, tôi mới lại quay vào nhà nằm ôm Bo trong nỗi lo lắng thấp thỏm về những điều Hải sẽ làm. Điều đáng sợ nhất là khi người ta biết trước sẽ có chuyện không hay xảy đến nhưng lại không biết nó là gì và sẽ xảy ra như thế nào, như tôi bây giờ thực sự đang rơi vào trạng thái đó. Lại một lần nữa hoang mang, lại một lần nữa sợ hãi đến toàn thân run lẩy bẩy. Bo thì vẫn chỉ là một đứa bé 3 tuổi, nếu như không may tôi không giữ được con, nếu như Hải cướp đi, nếu như mãi mãi tôi không được nhìn thấy nó thì liệu thằng bé có thể nhớ nổi người mẹ này trong bao lâu? Biết đâu… biết đâu… Tôi miên man với những suy nghĩ mung lung xa vời để rồi thiếp dần đi trong một giấc ngủ chẳng bình yên.

Đọc tiếp: Người mẹ trinh trắng - Phần 7
Home » Truyện » Tiếu thuyết » Người mẹ trinh trắng
↑ Trên cùng
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM