The Soda Pop

Các bạn truy cập vào HIM18.COM để đọc truyện MỚI nha. Mong các bạn ủng hộ website mới này!

Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn – phần 12

Đồ Hắc Hổ bị Nhị Bảo lừa cho không kịp phản ứng, trong lòng nghĩ sao mình chưa ra tay mà hắn đã sợ chết rồi? Hắn cũng biết Nhị Bảo chỉ là người đi theo hầu, sống hay chết không quan trọng, chỉ nhìn chăm chăm vào Dương Phương và Đạm Đài Minh Nguyệt, nghĩ ngợi: “Lần này tìm được thành trì có nóc bằng vàng và Nhục Tiên, đầu tiên phải băm vằm tên trộm đã đào mộ tổ, sau đó bắt cô em xinh đẹp kia về thưởng thức, thế mới gọi là được cả tài lẫn sắc, chuyện tốt trong thiên hạ này đều vào tay ta.”

Dương Phương đã đánh chết mấy tên lính leo lên thành, thấy Đồ Hắc Hổ cũng lên tới nơi liền quất một roi về phía đó, ra tay vừa nhanh vừa mạnh. Đồ Hắc Hổ tuy không sợ Dương Phương nhưng cũng biết chiếc roi đồng này rất nặng, trong tay chỉ có một thanh đao không thể đỡ trực tiếp được, hơn nữa vừa leo lên thành lầu còn chưa kịp đứng vững. Đất trên tường thành bị ngấm nước đã mềm ra, vội lùi một bước né tránh, đạp rơi một lớp đất, mất thăng bằng trượt xuống phía dưới, đang định tiếp tục leo lên thì thấy tiếng nước có gì đó rất lạ, dường như có vật gì rất to đang trồi lên khỏi mặt nước, quay đầu lại nhìn nhưng không có ánh sáng nên không nhìn thấy gì.

3

Dương Phương lại có khả năng nhìn trong bóng tối, từ trên cao nhìn xuống thấy phía xa có một con cá rất lớn đang nổi lên, cố gắng nhìn cũng thấy được hình thù của nó. Phần nổi lên trên mặt nước của con cá này to như một quả đồi, da dày không có vảy, chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi, hai mắt chỉ là hai đường chỉ dài. Thành cổ chìm vào trong động cát, địa thế giống như một cái đấu, nơi đây bị nhiều lần ngập nước, năm này qua năm khác bùn đất lấp đầy, dưới đáy động cát luôn có sống ngầm, không ai biết được bên dưới sâu bao nhiêu, chỉ thấy con cá kia há mồm ra nhả một luồng khói trắng, luồng khói này bay vào trong thành, quân lính thấy tình hình có sự thay đổi thì cũng thôi không leo lên thành lầu nữa, dừng hết lại trên nóc nhà và tường thành nhìn trước nhìn sau, ai cũng thấy kỳ lạ, nước vẫn chưa rút sao đã có sương mù?

Đạm Đài Minh Nguyệt chạm thử vào người Nhị Bảo, Nhị Bảo từ từ mở mắt ra, hỏi lại: “Đại tiểu thư, tôi bị người ta đánh chết rồi à?” Đạm Đài Minh Nguyệt nói: “Đồ vô dụng, làm gì mà mới nhìn thấy Đồ Hắc Hổ đã sợ tới nỗi lăn ra đất giả chết?” Triệu Nhị Bảo ấp a ấp úng: “Vài chiêu này của tôi thì làm được gì Đồ Hắc Hổ, lúc đó chỉ nghĩ nếu để Đồ Hắc Hổ giết chết không bằng giả chết lừa hắn, ông chủ vẫn thường nói rồi: ‘Trong lúc dụng binh, không tránh khỏi phải dùng thuật dối trá’ mà…”

Trong lúc nói chuyện, Đạm Đài Minh Nguyệt cũng nhìn thấy khói trắng nên không thèm tranh luận với Nhị Bảo nữa, quay lại hỏi Dương Phương: “Xảy ra chuyện gì thế?” Dương Phương lắc đầu, trong lòng linh cảm có điều chẳng lành, nhưng cũng không đoán biết được chuyện kỳ lạ gì sẽ xảy ra. 

Lúc này, mây mù ngày càng nhiều hơn, đám binh lính đứng trên nóc nhà ngửi thấy một mùi hương thơm kỳ lạ, lập tức như người mất trí, không làm chủ được bản thân, từ từ tiến lên phía trước một cách vô thức, những người chưa ngửi phải mùi hương ngăn họ lại nhưng không tài nào ngăn được, họ cứ đi như người mất hồn, từng người từng người một đi vào bên trong miệng con cá khổng lồ, từng thanh đuốc một tắt ngấm.

Dương Phương nhìn rõ ràng con cá khổng lồ đó nhả một làn khói để dụ người đi vào bụng nó, nuốt sống từng người một, một đội quân nhiều như vậy mà không hề chống cự lại chút nào, ngay cả mình chết như thế nào cũng không biết. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tóc gáy anh bất giác dựng ngược, tim đập thình thịch, may mà nước phía trên nóc nhà chảy xuống bên dưới nên sương mù khó bay lên tường thành.

Số đuốc của quân phiệt tắt dần từng cái một, bên trong ngày một tối, Đạm Đài Minh Nguyệt và Nhị Bảo nhặt lấy đuốc và súng của số lính bị rơi xuống nước, khi thắp đuốc lên mới thấy bên dưới bỗng chốc yên tĩnh hơn hẳn, hỏi Dương Phương kể lại những gì mình nhìn thấy: “Trong động xuất hiện một con cá rất to, thở ra một luồng khói trắng, thôi miên đám lính vào trong miệng mình và nuốt sống cả rồi”. Hai người nghe xong cũng cảm thấy kinh hãi.

4

Dương Phương đã đặt chân lên mọi miền dọc hai bờ sông Hoàng Hà, đi nhiều biết rộng, có thể nhận biết được nhiều loài động vật, từ bay trên trời cho đến chạy dưới đất, nhưng họ nhà cá thì muốn hình vạn trạng, hình thù kỳ quái kiểu gì cũng có, những nơi sâu thẳm dưới đáy biển có những loại kỳ quái như vậy cũng chỉ bằng một phần vạn trong loài cá mà thôi, có điều chưa bao giờ nghĩ tới dưới sông Hoàng Hà lại xuất hiện loại cá to như thế. Nước lụt thì vẫn không ngừng chảy vào bên trong, phút chốc đã dâng lên lưng thành, biết rõ nơi này không thể nán lại lâu, khổ nỗi bị kẹt lại bên trong, phía dưới nước cuồn cuộn, sương mù mờ mịt, trên đầu toàn tường đá, có mọc cánh cũng không bay nổi.

Nước dâng ngày càng mạnh, tứ bề đều ngấm nước bắt đầu đổ vỡ, sụt lở, tất cả đều bị nước lũ cuốn đi, đám sương mù do con cá khổng lồ thổi ra cũng tan đi một nửa, đám quân lính trong thành chẳng còn lại mấy người, giờ đang tranh nhau thoát thân.

Đạm Đài Minh Nguyệt nói với Dương Phương: “Tường thành cũng sắp sập rồi, nhân lúc nước còn chưa dâng cao, chúng ta phải chạy qua chỗ chưa bị sương khí lan tới, rồi leo lên phía trên chỗ nóc điện vàng, chỗ đó tương đối cao, có thể tránh thêm một thời gian nữa.”

Dương Phương đang quan sát động thái của con cá, cầm lấy ngọn đuốc trên tay Nhị Bảo, ném về phía con cá, theo ánh đuốc anh ta thấy nó đang nhả ra từng người lính mà nó vừa nuốt trước đó, từng người bước ra từ miệng cá, những người này hai mắt đỏ rực, da mặt xanh lét, có người đã leo lên được tường thành, tìm những tên lính còn sống để cắn, dù bị đạn bắn xuyên đầu cũng không có cảm giác gì.

Ba người thấy cảnh tượng đó thì hết sức kinh hãi, nghĩ tới chuyện bức tượng phật trong chùa Đại Hộ Quốc là để trấn áp yêu quái, hoá ra những người này chết đi sống lại kia đều do con cá này nuốt sống rồi biến thánh xác quỷ, thời đó những sự việc như vậy thường được gọi là xác quỷ. Xác chết đã bị quỷ nhập, chặt gãy đầu vẫn tiếp tục đi. Nghĩ tới đó, mặt ai cũng thất sắc kinh hãi, vội vàng trốn chạy. Thực ra con cá lớn kia nuốt người không phải để ăn thịt, nó dùng mùi hương thơm dụ dỗ người vào trong bụng để nuốt trứng của nó, sau khi nuốt thì con người trở thành nơi trú ngự của trứng cá, cho dù có bị chôn trong lòng đất cũng không chết, không còn có ý thức, chỉ thích hút máu người.

Việc này Dương Phương rất ít gặp, chỉ nghĩ rằng đó là xác quỷ. Nhìn thấy đường hầm lúc tới đây đã ngập trong nước, xem ra đã tới bước đường cùng, chỉ còn cách lội trong nước đã ngập tới lưng, cố ra được tới đại điện, nước nhanh chóng dâng lên ngập tới ngực rồi tới cổ, đuốc đã bị tắt vì ướt, Dương Phương vội bật đèn pin để soi sáng, liều mạng leo lên nóc đại điện, nhìn thấy nước ngập càng lớn hơn, tường thành đã ngập trong nước, đội quân phiệt tên thì chết tên thì trốn, giờ không còn bóng dáng đứa nào.

Lúc này, họ bỗng thấy Đồ Hắc Hổ cũng leo lên nóc đại điện. Người này vốn tính đa nghi, thấy sương mù bay tới thì vội trốn trong khe đất ở cổng thành cho tới khi sương tan, thấy tình thế nguy hiểm đã qua mới chui ra leo lên chỗ cao hơn để tránh nước, khó khăn lắm mới thoát được, súng đã mất, chỉ còn đuốc và đao, bộ dạng hết sức tàn tạ, nhưng gặp lúc loạn cũng không mất bình tĩnh, vẫn giữ được nét mặt lạnh lùng, thấy ba người Dương Phương đang trốn ở đỉnh điện, trong tay vẫn còn súng, hắn vội nấp sau ngách nhà.

Đàm Đài Minh Nguyệt nghiến răng: “Đồ Hắc Hổ mệnh lớn thật, vừa rồi cứ tưởng hắn đã bị cá nuốt rồi”. Trong chốc lát cả thành trì đều ngập trong nước, chỉ còn nóc đại điện nhô lên trên mặt nước. Dương Phương nói: “Đại điện cũng sẽ nhanh chóng bị chìm thôi, tới lúc đó chúng ta chẳng ai sống nổi, nhưng nếu tôi không quất được một roi lên đầu tên Đồ Hắc Hổ thì có chết cũng không thể nhắm mắt được.” Đạm Đài Minh Nguyệt nói: “Được, tôi và Nhị Bảo sẽ đi cùng anh, chúng ta có chết cũng chết cùng nhau.” Dương Phương nói: “Đao pháp của Đồ Hắc Hổ rất lợi hại, hai người làm sao tiếp cận được hắn, hai người ở phía sau yểm hộ cho tôi là được.” Nói rồi anh chỉnh sửa tư thế, cầm sẵn roi trong tay, tiến thẳng về chỗ Đồ Hắc Hổ.

Đồ Hắc Hổ ủ mưu đã nhiều năm, cố tìm cho được tòa thành trì này, giờ chỉ có thể giương mắt ra nhìn tòa bảo điện bằng vàng mà không thể nuốt trôi. Bày trăm phương nghìn kế tưởng như đã thành công thì trong chốc lát bỗng thành ra trắng tay, thuộc hạ đều chết hết, ngay cả bản thân mình cũng khó mà thoát thân, chỉ sợ là do mộ tổ bị đào trộm nên mới xui xẻo thế này, càng nghĩ càng thấy hận, lại thấy Dương Phương đi tới, hắn chỉ thẳng vào mặt chửi: “Tên họ Dương kia, ngươi dựa vào chiếc roi đồng, dám đánh tay đôi với tao không?” Dương Phương không nói không rằng, giơ roi lên nhằm đầu Đồ Hắn Hổ quất tới.

Đồ Hắc Hổ phẫn nộ: “Bắt nạt người quá đáng!” hắn nhìn thấy roi đồng quất tới quá nhanh không kịp tránh, đành phải giơ đao lên đỡ. Roi đồng của Dương Phương quất lên ngói vàng, chỉ thấy toé lửa, ngói vỡ tan tành. Từ trước đến giờ, khi Dương Phương đã vung tay quất roi đồng, thì không một ai đỡ nổi, ngay cả roi đầu tiên bởi thế anh không khỏi khâm phục bản lĩnh cao cường của Đồ Hắc Hổ. Thường ngày, Đồ Hắc Hổ tự xưng Thần dũng, chưa có ai là đối thủ của hắn, giờ đây vì trong tay chỉ có thanh đao, không thể đấu lại với roi đồng, thân pháp cũng không nhanh nhẹn bằng Dương Phương, hơn nữa đứng trên nóc đại điện trơn thế này, hắn đã thất thế hơn Dương Phương rồi.

Đạm Đài Minh Nguyệt và Nhị Bảo phía bên kia của nóc đại điện căng thẳng nhìn sang. Lúc này, nước vẫn không ngừng dâng lên, rất nhiều xác quỷ từ dưới nước mò lên lao về phía bốn người, Dương Phương và Đồ Hắc Hổ trong tình thế nguy cấp không thể tiếp tục giao đấu, đành phải buông tay tự mình ứng chiến với bọn xác quỷ. Nước vẫn tiếp tục dâng, tất cả đều rút lên nóc điện, tiếng nước vẫn chảy ào ào.

5

Lúc này, bọn xác quỷ đã leo lên đỉnh điện, há to cái miệng đầy máu, thè lưỡi về phía Nhị Bảo đang đứng đờ người ra. Dương Phương nhanh tay nhanh mắt, nhảy tới tung roi quất lên đầu tên xác quỷ, hắn bắn tung lên không trung rồi rơi xuống nước.

Đồ Hắc Hổ nhân lúc Dương Phương cứu người, liền rút đao ra, Đạm Đài Minh Nguyệt đứng bên cạnh nhìn thấy vội giương súng lên bắn, tiếng nước ào ào như sấm nuốt chửng tiếng súng, Đồ Hắc Hổ không kịp đề phòng nên trúng đạn, quá tức giận, trước khi chết cũng muốn kéo theo một người chết cùng, liền phóng đao về phía Đạm Đài Minh Nguyệt, hai bên đều đứng trên nóc điện không kịp né tránh, thanh đao đâm thẳng vào bụng cô lút cán. Lúc này, Dương Phương quất roi nện trúng đầu Đồ Hắc Hổ như bổ dưa hấu, hắn lăn xuống mép nóc điện rơi xuống nước chìm nghỉm.

Dương Phương thấy Đạm Đài Minh Nguyệt trúng đao vội chạy tới đỡ cô, Nhị Bảo cũng chạy tới khóc tướng lên, chỉ thấy Đạm Đài Minh Nguyệt mặt trắng bệch như tờ giấy, tính mạng chỉ còn trong gang tấc, bỗng trời rung đất lở, lớp đất vỏ bọc bên ngoài khu thành trì bị nước lụt ngấm vào trở nên mềm và tơi ra, đổ sụp xuống, để lộ ra bầu trời bên ngoài, nước đổ vào bên trong ầm ầm như thác, Dương Phương đối diện với sự cố bất ngờ này cũng không khỏi kinh hãi.

Đúng lúc đó, nước lũ xoáy bật gốc một thân cây rất lớn cuốn vào bên trong động cát, thân cây va vào nóc đại điện, Dương Phương biết đây là cơ hội sống sót, giờ còn không chạy thì chờ tới lúc nào nữa? Anh ta vội túm lấy chân của Nhị Bảo giờ đang sợ mềm nhũn ra, sau đó ôm lấy Đạm Đài Minh Nguyệt nhảy lên thân cây, vừa rời khỏi nóc đại điện thì nước lụt cũng nhấn chìm tất cả, hai người ôm chặt lấy thân cây, động cát phút chốc chìm trong biển nước, thân cây theo dòng nước nổi lên, chỉ thấy phía trên một màn trời nước, thi thoảng thấy vài điểm đen trôi qua, đều là xác người và động vật chết đuối.

Trận lụt này đúng là “Tứ bề mênh mang dòng nước, lũ sơn hà khoảnh khắc bỗng tiên tan”, lũ lụt ở hai bờ sông Hoàng Hà lần này còn nghiêm trọng hơn lần quân phiệt cho mở cửa đập thủy lợi, khắp nơi bị bùn đất lấp đầy, dòng chảy của sông đổi qua hướng nam, kim bảo điện, tượng phật trong chùa Đại Hộ Quốc chìm trong bùn nước, vĩnh viễn không có cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời.

Dương Phương thấy thân thế Đạm Đài Minh Nguyệt trong lòng mình đang lạnh dần, biết là cô đã ra đi, trong lòng đau đớn vô cùng, bất giác hai dòng nước mắt tuôn rơi. Anh và Nhị Bảo ôm thi thể của Đạm Đài Minh Nguyệt, chờ cho tới khi nước rút. Thôn làng nơi đây đã bị huỷ hoại hoàn toàn, số người và súc vật chết nhiều không đếm xuể, dân chạy nạn xếp hàng dài, khắp nơi toàn là cảnh tượng thê lương.

Mặc dù mưa gió đã tạnh nhưng khắp nơi đều là bùn đất, hai người họ không màng tới điều đó, tìm đường tránh vùng lũ lụt, qua sông đi lên phía bắc, tìm nơi cao ráo lập ba ngôi mộ, một ngôi cho Đàm Đài Minh Nguyệt, hai ngôi còn lại lập cho ông chủ Triệu và Mạnh Bôn. Nhị Bảo ở lại trông mộ để giữ chữ trung thành với chủ. Dương Phương nghĩ tới việc tuy đã giết được Đồ Hắc Hổ nhưng số người chết quá nhiều, Thôi lão đạo, Mạnh Bồn, ông chủ Triệu, Đạm Đài Minh Nguyệt, và cả số lính đã biến thành người quỷ kia thì tâm trạng bỗng trở nên rất ảm đạm. Một mình tiến thẳng lên phía bắc. Khi ngang qua thị trấn Cao Đài không ngờ gặp lại Thôi lão đạo, sau khi gặp đại nạn còn sống sót và trùng phùng, hai người kể lại cho nhau nghe những gì mình đã trải qua. Thôi lão đạo rơi xuống nước nhưng mạng lớn không chết, được người cứu lên, Mạnh Bôn không may đã bỏ mạng. Ông ta lại lo lắng cho Dương Phương lành ít giữ nhiều, khổ nỗi không biết đâu mà tìm. Nhớ lại lần đó hẹn nhau ở thị trấn Cao Đài nên đành tới đây chờ tin tức.

Thôi lão đạo chảy nước mắt nói: “Huynh đệ ta lần này như đi vào chỗ chết, không ngờ còn sống mà gặp lại nhau, tiếc rằng Mạnh Bôn đã chết dưới làn súng đạn của lũ quân phiệt, còn bị chặt đầu, số đồ lấy được trong mộ tổ nhà Đồ Hắc Hổ cũng mất rồi. Xem ra cuộc đời lão đạo ta chẳng làm được gì, động đến việc gì là tự chuốc vạ vào thân, còn liên lụy đến huynh đệ.”

Dương Phương có phần chán nản: “Sao huynh trưởng lại nói vậy. Sống chết có số, phú quý do trời định, không phải do con người muốn mà được. Đồ Hắc Hổ đã chết trong động cát, chúng ta đã thay trời hành đạo, trừ đi mối họa lớn cho nhân dân.”

Thôi lão đạo nghe Dương Phương kể lại mình bị bao vây bên bờ sông ra sao, rồi thoát xuống động cát và trốn trên nóc điện vàng thế nào, tình thế giao tranh gay cấn với Đồ Hắc Hổ, rồi chuyện gặp con cá khổng lồ dưới đó ra sao. Với kinh nghiệm của Thôi lão đạo cũng không phán đoán được thành trì đó của thời đại nào, chắc của ông vua triều đại nào đó sùng bái đạo giáo, muốn tu luyện thành tiên, thấy trên trời mây gió biến hoá bất thường nên ra lệnh xây Kim điện bên bờ sông nhằm mời các vị tiên tới thưởng ngoạn, nào ngờ tiên chẳng thấy đâu còn cung điện bị lún chìm trong động cát.

Lão lại bảo, đây là trận lụt lớn nhất trong một trăm năm qua, nên giờ chúng ta phải đi đào mộ cổ trên núi lấy báu vật về để trấn áp thiên tai. Trong “Lăng phả”[1], có ghi chép về ngôi mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ, tại vị trí giáp ranh hai nước Tân và Tề, trong mộ vàng bạc chất như núi, trong quách là quan tài bằng ngọc, dùng ngọc minh châu thay cho nến, cũng chẳng biết chủ nhân ngôi mộ là ai mà nhiều đồ tuỳ táng có giá trị như vậy. Nhưng ngôi mộ chìm dưới nước từ lâu, gặp trận hạn hán trăm năm mới có một lần thì lộ ra trên mặt nước, cũng biết là nơi đó khó ra tay, định tìm ngôi mộ khác nhưng lại quá xa. Dương Phương nói: “Đổ đấu mất nhiều thời gian mà việc tập trung lương thực cứu người dân bị nạn thì lại cần gấp. Theo ý kiến của đệ thì phủ đệ của Thống đốc quân phiệt thành Lạc Dương không hề thiếu vàng bạc châu báu. Trong thành tuy có quân lính canh gác, nhưng chúng ta cũng có nhiều anh em, sao không nhân cơ hội Đồ Hắc Hổ vừa mới chết, quân phiệt như rắn mất đầu, chúng ta tụ hội anh em lại, đêm đến lần vào phủ đệ của hắn quét sạch một mẻ, đổi lấy lương thực về cứu tế cho dân bị nạn”. Thôi lão đạo thấy ý kiến của Dương Phương cũng hợp lý nên sau đó họ tụ hợp dân đào trộm mộ đại náo thành Lạc Dương, chuyện này tạm không nhắc tới. Còn Nhị Bảo thì bái Dương Phương làm sư phụ. Nhị Bảo vốn chỉ là tên thân mật, tên thật là Triệu Bảo Nghĩa, chính là lão Nghĩa mù, tính theo thứ bậc thì phải gọi Thôi lão đạo là sư thúc. Sau này, khi mắt kém, lão không còn làm công việc đổ đấu nữa, chỉ giám định cổ vật, tôi càng không thể gọi là đồ đệ của lão Nghĩa mù, chỉ hay đi theo ông, võ vẽ được chút ít, nghe ông kể về nhũng chuyện đào mộ của lớp người trước, chớp mắt thời gian đã mấy chục năm, trải qua cả một thế hệ, Thôi lão đạo, Dương Phương đều đã qua đời, giờ tới lão Nghĩa mù cũng không còn nữa, vài chiêu này của tôi chẳng là gì cả, lại không biết tí gì về ngôi mộ cổ đó, chẳng hơn thông tin biết được ở thôn Phi Tiên là bao.

[1] Lăng phả: Những ghi chép về lăng tẩm.

Tôi kể lại câu chuyện cho Điếu bát và Mặt dày nghe, mục đích để học sớm từ bỏ ý định đó, tôi nói: “Ngôi mộ cổ mà Thôi lão đạo nói với Dương Phương có thể là địa cung ở núi Hùng Nhĩ được vẽ trên chiếc gối, chúng ta còn không biết mộ chủ là ai…”, nói tới đây tôi chợt nhớ lại ác mộng bên cạnh nữ thi Saman, trong bức bích họa vẽ lại giấc mơ cũng thấy có quan tài bằng ngọc và tượng vàng, có phải nói về hầm mộ trong núi Hùng Nhĩ không? Trong cơn ác mộng nghìn năm đó có hình ảnh người chết, đầu tóc rũ rượi bò từ trong quan quách ra, tôi muốn quên hình ảnh đó đi mà không thể quên được, nơi đó hẳn lành ít giữ nhiều.

6

Hai người kia ngồi nghe say sưa, mỗi người đều có cảm nhận riêng, nhưng một khi lòng tham đã nổi lên thì Phật tổ Bồ tát cũng không thể nào khuyên họ quay đầu là bờ được, nói tới nói lui vẫn quay về chủ đề ngôi mộ ở Dự Tây.

Điếu bát nói: “Nếu bán chiếc gối âm dương này đi, anh em ta mỗi người chia nhau một ít, rồi cũng chẳng được bao nhiêu, giờ có cơ hội phát tài như vậy sao lại phải bỏ qua chứ?”. Anh ta quyết tâm chưa thấy Hoàng Hà chưa thay đổi quyết định, nhất quyết theo vụ này đến cùng, thành bại cũng chỉ một lần, anh ta chẳng thèm bàn bạc gì với tôi và Mặt dày đã tự động đập chiếc gối ra và tìm thấy một tấm bản đồ đã cũ ở bên trong, rồi mở ra cho tôi xem.

Trong tấm bản đồ vẽ hình một cái hồ hai đầu hẹp ở giữa rộng, phía tây giáp với núi Kê Lung, phía đông giáp núi Thông Mã, phía bắc kề với Thảo Hài Lĩnh, ở thế ba phía đều là núi, chính giữa là hồ Tiên Đôn, nằm trong dãy núi Hùng Nhĩ ở Dự Tây. Trên mặt hồ có đánh dấu khoanh tròn màu đỏ, đó chính là vị trí ngôi mộ cổ địa cung được xây dựng trong núi Tiềm Sơn, ngọn núi đó vốn là một trong những ngọn núi của dải núi trải dài liên miên của vùng này, nghìn năm trôi qua, vì thay đổi địa chất khiến ngôi mộ nằm trong lòng hồ trong khu vực núi Dự Tây ít người biết đến, không có đường đi, phải trèo đèo vượt núi mới có thể tới được.

Tôi vốn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng trong ngôi mộ cổ thời Liêu nên sắc mặt ngày một kém hơn, trong lòng biết chắc ngôi mộ này có gì đó rất cổ quái, quan ngọc tượng vàng vốn là những thứ hiếm có trên đời, địa cung xuất hiện trong cơn ác mộng được vẽ trên bích họa tám chín phần là nói về ngôi mộ cổ ở núi Hùng Nhĩ rồi. Tôi nghĩ gần đây chúng tôi đang gặp vận xui, họa vô đơn chí phúc bất trùng lai, các cụ đã nói vậy rồi, nhưng đã là phúc thì không phải hoạ, là họa cũng không tránh được. Không tới hầm mộ đó để tìm hiểu cho ra nhẽ thì có nghĩ nát óc cũng chẳng ích gì, cuối cùng tôi quay sang bàn bạc với hai người kia.

Tôi nói: “Có được một sự khởi đầu may mắn thì chúng ta đã thành công một nửa. Lần này đi Dự Tây khác hẳn với lần trước, cần phải chuẩn bị thật kỹ càng.”

Điếu Bát nói: “Cậu nói đúng ý anh, theo cậu chúng ta cần chuẩn bị những gì?”

Không đợi tôi cất lời, Mặt dày đã nói: “Còn phải hỏi, đầu tiên phải chuẩn bị đủ tiền, binh mã chưa có nhưng lương thảo phải chuẩn bị sẵn, lương thảo chẳng phải dùng tiền mua sao?”

Điếu bát nói: “Anh em mình giờ sống như buôn đồng nát, tiết kiệm chút đi, thế là cũng đủ rồi, còn chuẩn bị gì nữa?”

Tôi nói: “Đèn pin, lương khô, xẻng… những thứ này đều phải chuẩn bị, mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ chìm trong nước nhiều năm, cho dù có lộ lên khỏi mặt nước nhưng bùn đất cũng không ít, không phải một hai hôm mà đào xong ngay được, hơn nữa chúng ta chưa hề biết gì về ngôi mộ, cũng như về hồ Tiên Đôn, thậm chí mộ đó chôn ai chúng ta cũng không biết.”

Điếu bát nói: “Ngôi mộ đó không phải do chúng ta nghĩ ra, sơ đồ do m Dương đoan công Chu Ngộ Cát để lại chắc không đến nỗi là giả. Lấy ví dụ, nếu qua đập Tam Hiệp đi về phía Tây, là đến bến phà Phong Lăng, thường những địa danh nào có chữ Lăng thì đều có mộ cổ hết, chỉ vì niên đại quá lâu nên nhiều người không nói rõ được nguồn gốc của cái tên đó mà thôi, bến Phong Lăng chính là nơi có mộ cổ.” Anh ta dừng lại một chút rồi lại tiếp: “Ý của tôi là có thể lai lịch của vị vua chôn trên núi Hùng Nhĩ đã thất truyền, nhưng ngôi mộ thì vẫn còn tồn tại dưới hồ Tiên Đôn, truyền thuyết để lại cũng không ít, dưới hầm mộ có tượng vàng tùy táng, ắt không thể sai được.”

Ba chúng tôi mỗi người một câu, bàn bạc với nhau trong quán lẩu từ trưa cho tới tối, không biết chủ quán phải thay bao nhiêu lần than. Tới khi trời đã tối hẳn, ngoài đường không còn ai, ông chủ quán cũng mất hết nhẫn nại: “Mấy người cũng giỏi buôn chuyện quá đi, nếu biết mấy người có cái tài này thì lúc đàm phán Trung – Anh đã đề cử mấy người đi rồi, muốn qua đêm cũng đừng chọn quán tôi, mau tính tiền rồi đi đâu thì đi.”

Chúng tôi bị chủ quán đuổi ra, trong lòng không được thoải mái cho lắm, nhưng giờ không phải lúc gây chuyện phiền phức, đành quay về chia nhau chuẩn bị, đầu tiên là phải kiếm cho đủ tiền đi đường. Tôi đi một chuyến Độc Thạch Khẩu, lấy ít tiền về cho Mặt dày sắp xếp việc gia đình, còn vấn đề nữa là tuy ở đó hay nổ mìn núi đá, thuốc nổ nhiều nhưng quản lý rất nghiêm ngặt, khó lấy được thuốc nổ hoặc mìn, tôi tìm người quen mới lấy được hai khẩu súng ngắn, đó là loại súng người dân tự chế để bắn gà rừng. Tôi nghĩ núi Hùng Nhĩ không giống như Thông Thiên Lĩnh, nơi đó rừng sâu núi thẳm, thú dữ lảng vảng khắp nơi, không mang theo khẩu súng phòng thân thì không an toàn, súng tự chế của người dân Độc Thạch Khẩu bắn bằng đạn chì, sức sát thương không lớn, nhưng có còn hơn không, chúng tôi tháo súng ra xếp dưới đáy bao hành lý, để tránh bị phát hiện lúc trên tàu.

Về nhà, tôi nhận được thư của Sách Ni Nhi, trong thử gửi kèm một gói nấm mật Armillaria, tôi đang định đọc thư thì Điếu bát đã mua được vé tàu, chúng tôi ngồi tàu tới Nam Dương trước, sau đó đi theo hướng đập nước Áp Hà Khẩu để lên núi. Vì tuyến đường này ít chuyến tàu chạy nên người đi rất đông, trong tàu chen chúc chật chội, lúc tàu đi ngang cầu bắc ngang sông Hoàng Hà, tôi cố vươn người ra cửa sổ để nhìn ra ngoài, ánh chiều đã ngả về Tây, dòng sông dưới ánh nắng chiều trải dài như một chiếc đai ngọc, cảnh đẹp khó có thể miêu tả bằng lời. Trời chiều nhanh chóng chuyển sang màu ảm đạm, tối dần rồi đen hẳn một màu. Tôi lấy bức thư của Sách Ni Nhi ra đọc, mơ màng nhớ lại lúc cùng cô đi săn trong rừng, rồi không biết tự lúc nào hình ảnh bức bích họa trong ngôi mộ cổ thời Liên về cơn ác mộng nghìn năm bỗng hiện về trong đầu, một người tóc tai rũ rượi, bụng thủng lòi ruột bò ra từ trong quan tài, tay vươn về phía tôi, tôi kinh hãi vô cùng, vội giơ tay lên đỡ, mu bàn tay chạm vào móng của con ma đó, cảm thấy một luồng gió âm lạnh tới thấu xương, vừa lúc tàu vào ga, tôi thức tỉnh vì bị chúi người về phía trước do tàu phanh giảm tốc độ. Trán đẫm mồ hôi, tôi biết mình lại mơ giấc mơ đó, cúi đầu nhìn xuống tay mình thấy có những vết xước đang rỉ máu.

Chương 12: Thành cổ dưới đáy hồ

1

Chuyến tàu quá tải nghiêm trọng, trong toa tàu chỗ nào cũng thấy người, thậm chí có người nằm cả trên khoang đựng hành lý, không khí ngột ngạt nồng nặc mùi người, tàu cập ga nào cũng dừng, vừa thay đầu tàu vừa thay nước. Bên ngoài trời tối như mực, đêm đã khuya, cũng chẳng biết là đang dừng lại ở ga nào, Điếu bát và Mặt dày đều ngồi bên cạnh tôi, túi hành lý kê dưới chân, một người ngủ gục đầu bên cửa sổ, chảy cả nước miếng, một người nằm rạp trên bàn ngáy như sấm, cả hai đều đang ngủ như chết. Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy mu bàn tay có vài vết xước, trong lòng kinh hãi vô cùng, cơn ác mộng ngày một thật hơn, tôi nhớ đến khuôn mặt nhăn nheo biến dạng của nữ thi Khiết Đan, rõ ràng là nàng bị cơn ác mộng nghìn năm làm cho sợ đến chết, tôi không thể để mình cũng có kết quả như vậy được.

Nhưng tại sao cô gái người Khiết Đan khi sống cũng mơ về ngôi mộ cổ ở núi Hùng Nhĩ? Quan ngọc, tượng vàng và người chết trong bộ dạng thủng bụng lòi ruột cũng trong ngôi mộ đó sao? Chúng tôi đi Dự Tây đào trộm mộ không lẽ sẽ gặp sự cố thi biến? Tất cả những nghi vấn đó tôi không tài nào lý giải nổi, nhưng theo nội dung trong bức bích họa thì sự cố thi biến xảy ra lúc nguyệt thực, ngay tại thời điểm mặt trăng hoàn toàn bị che khuất, nghe nói gần đây không có nguyệt thực nên tôi cũng an tâm phần nào. Một lúc sau, tàu lại chuyển bánh, hành khách trong toa đều đã ngủ cả, lòng tôi lo lắng không yên, không tài nào chợp mắt nổi, ngồi lâu khiến chân tê mỏi nên cố len ra bên ngoài giữa hai toa tàu để hít thở không khí trong lành. Tôi ngồi ở toa số chín, toa mười là toa nhà ăn, từ toa mười một trở đi là giường nằm cao cấp, bên đó thoáng đãng thoải mái, có tiền chưa chắc đã mua được vé toa đó. Nơi này có gió, không khí lưu thông tốt, cũng không có ai, tôi ngồi hút thuốc và lắng nghe tiếng tàu chạy xình xịch để giết thời gian. Lúc này mới để ý bên cạnh có một người khoảng ngoài ba mươi tuổi, dáng người tầm thước, mặt đầy mụn, râu để lún phún, hai tai nhọn mọc dựng lên trên. Anh ta ngồi trên bao hành lý, hai mắt nhìn chăm chăm vào tôi vẻ thèm thuồng, tôi đưa cho anh ta một điếu thuốc, anh ta vội đỡ lấy và cảm ơn rối rít, hóa ra là lên cơn nghiện mà thuốc đã hết, đồ trên tàu đắt không dám mua, đêm đến lại càng khó chịu hơn. Anh ta vội vàng bật diêm châm thuốc, hai mắt lim dim rít liền hai hơi. Chúng tôi ngồi nhả khói hút hết điếu này tới điếu khác, chuyện phiếm đông tây nam bắc. Người này cũng hay chuyện, anh ta có biệt hiệu Lư mặt rỗ, người Lão Giới Lĩnh, Dự Tây. Lão Giới Lĩnh cách núi Hùng Nhĩ không xa, nên tôi tiện miệng hỏi thăm về nơi đó luôn.

Tôi nghe Lư mặt rỗ nói, vùng Thảo Hài Lĩnh ở núi Hùng Nhĩ đất rộng người thưa, thế núi hiểm trở, cây cối um tùm rậm rạp, chim chóc thú dữ rất nhiều, cá dưới nước có những con rất to, xung quanh tứ bề đều là núi, khe núi sâu hun hút, mưa gió liên miên, mười ngày nửa tháng cũng không có lấy một ngày nắng, cứ như cô gái trong rừng sâu e thẹn không dám gặp người ngoài. Khi thời tiết đẹp, có thể nhìn thấy những con vích to như cái cối đá đang nằm bên bờ sông phơi nắng, chuột nặng hai ba cân là chuyện bình thường, còn có những con trăn dài mấy trượng, đó mới gọi là khủng khiếp. Lớp các cụ lớn tuổi đều cho rằng những con vật đó đều tu đắc đạo nên không ai dám động đến chúng, rừng trên núi Kê Lung rất rậm rạp, địa hình phức tạp, núi Thương Mã là nơi hiểm trở nhất, vì đó là chiến trường cổ. Thảo Hài Lĩnh lại nhiều hang động, có động Hoàng Sào là một động cạn, từ trước giải phóng đã cạn nước, còn được gọi là động Ngư Khốc, động đó rất sâu. Chuyện kể rằng, năm đó khi khởi nghĩa Hoàng Sào thất bại, quân lính không còn đường lui, bỗng xuất hiện một ông cụ đưa nghĩa quân tới trốn trong động.

Lần trước, tôi và Điếu bát đi Thông Thiên Lĩnh, chính là ngọn núi thuộc dãy Phục Ngư, nhưng vùng núi này quá lớn, Thông Thiên Lĩnh ở phía Bắc, Thảo Hài Lĩnh thuộc núi Hùng Nhĩ ở phía Nam, địa thế khác nhau cũng nhiều, hang động đá vôi như động Hoàng Sào này ở đây rất nhiều, lớn bé đều có, cái trên cạn cái dưới nước. Riêng động tên là Hoàng Sào cũng đã có mấy cái liền, nghe nói là sau này người dân tự đặt tên và cũng chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ hỏi thăm Lư mặt rỗ về địa thế ở đó, đặc biệt hỏi thăm kỹ càng về hồ Tiên Đôn.

Lư mặt rỗ lại kể, hồ Tiên Đôn trên Thảo Hài Lĩnh ba phía Đông, Tây, Bắc đều là núi, không có đường đi, mực nước đã thấp hơn rất nhiều so với hồi trước giải phóng, phía Nam là vùng đầm lầy lau sậy, chỗ đó gọi là “Canh gà rừng”, nhưng hoàn toàn không có gà rừng, mùa hè nước dâng thì vịt trời về đó sinh sống làm tổ. Lư mặt rỗ đã từng này tuổi rồi nhưng chưa lần nào tới hồ Tiên Đôn, nghe nói nơi đó rất bí ẩn, không rõ là có yêu ma quỷ quái gì hay không. Ví dụ, thời tiết vốn đang đẹp, bỗng nghe một tiếng nổ inh tai, sương mù bỗng dày đặc, những người vào trong hồ, hầu như không ai trở về. Năm hơn mười tuổi, có một lần Lư mặt rỗ theo bố anh ta vào đầm Canh gà săn vịt trời, thời tiết đang quang đãng bỗng mưa như trút nước, hai bố con sợ lũ tràn về, không dám ở lại săn vịt trời nữa mà vội vã ra về.

Tôi thầm thấy kỳ lạ, hỏi Lư mặt rỗ: “Hồ Tiên Đôn có cái tên rất lạ, không lẽ trong hồ có một ụ đất tiên thật à?”

Lư mặt rỗ nói: “Có ụ đất tiên thật đấy, cụ nội tôi đã tận mắt nhìn thấy…”

Tôi nghe thấy vậy vội hỏi: “Thế là thế nào?”

Lư mặt rỗ kể tiếp: “Cậu em cho điếu thuốc nữa đi, tôi kể chuyện Tiên Đôn cho cậu nghe.”

2

Tôi đoán dưới hồ Tiên Đôn chôn vị vương hầu nào đó thời Hán, không rõ vì sao mà bị thủng bụng chết thảm, trong hầm mộ có vô số châu báu, còn có nhiều người tùy táng. Đã có rất nhiều truyền thuyết về câu chuyện này, nhưng chưa ai giải được bí mật. Lư mặt rỗ sinh ra và lớn lên ở Lão Giới Lĩnh, để xem anh ta sẽ kể những gì, tôi đưa bao thuốc Hồng Tháp Sơn vẫn còn một nửa cho anh ta, bảo anh ta đi vào trọng tâm, đừng vòng vo Tam Quốc nữa.

Lư mặt rỗ nói: “Cậu em đúng là phóng khoáng, có cơ hội mời về nhà tôi chơi. Đừng xem thường nhà tôi nghèo, món mì đặc sản ở chỗ tôi không phải ở đâu cũng có đâu. Vợ tôi ngoài việc sinh con chẳng có tài cán gì khác, ngày ngày làm bạn với cái bếp, món mì cô ấy làm nổi tiếng khắp vùng đấy, cậu phải ăn thử mới được. Mà cậu cứ nghe anh kể đã, ông nội của ông nội của ông nội… cũng không rõ là từ đời nào, nói chung là từ mấy đời trước rồi, đúng năm nạn đói, nhiều làng không có thứ ăn, phải ăn vỏ cây, rễ cây, rất nhiều người chết đói. Hồi đó ở Dự Tây khắp nơi đều có thổ phỉ, thợ săn các vùng đều không dám vào rừng săn bắn. Tổ tiên nhà tôi có người không tin tà ma, cũng vì đói quá hóa liều, đã tới đầm Canh gà trên núi Hùng Nhĩ để săn vịt trời. Ở đó có một điều rất lạ, cá trong hồ rất nhiều nhưng không ai dám đánh lên ăn, chỉ dám săn bắn đàn vịt trời làm tổ trong đám lau sậy và lấy trứng vịt, nhưng cũng rất mạo hiểm, nếu bị sa vào đám sình lầy thì khó mà thoát ra được.”

Tôi hỏi: “Lạ thật, sao không ai dám ăn cá trong hồ? Cá ở đó hình thù rất kỳ dị sao?”

Lư mặt rỗ nói: “Cậu cứ nghe anh kể tiếp thì biết ngay. Năm đó, ông tổ nhà tôi một mình vào trong đầm Canh gà đợi ở đó một ngày cũng chẳng thấy bóng dáng con vịt trời nào, đói lép cả bụng, ông tìm đường đi sâu vào bên trong, không chừng kiếm được con vịt nào trốn sau đám lau sậy, nghĩ vậy liền vạch đám lau sậy tiến sâu vào bên trong, đang đi bỗng thấy phía xa có một ngôi mộ to khác thường, xung quanh ngôi mộ đó là vô số nhà cửa, nếu không có những ngôi nhà này chắc ông cũng chẳng dám bước vào trong. Trông thấy có nhiều nhà, hơn nữa cũng có nhiều người đi lại bên trong, nên ông cụ cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, đang lúc đói mờ cả mắt chỉ nghĩ vào tạm nhà nào đó xin miếng cơm ăn, cho dù là bát canh thôi cũng được. Nhưng khi tới nơi thì hỏi ai người ta cũng chẳng trả lời, trong lòng băn khoăn không hiểu đây là nơi nào mà lạ vậy, hay là họ ngại tiếp xúc với người lạ nên thấy người ngoài đến thì không tiện chào hỏi. Ông định bụng mình cứ vào nhà lấy đồ xem mấy người kia có giả vờ không biết nữa hay không. Nghĩ vậy liền đi vào trong nhà mở chum gạo ra lấy rất nhiều gạo, nhưng những người kia cũng chẳng thèm để ý đến ông. Sau khi lấy được gạo rồi ông trở ra, đi tới gần đầm Canh gà mà trong lòng vẫn chưa hết kỳ lạ, quay đầu lại nhìn thì hồn vía lên mây, phía sau lưng ông ngoài nước ra thì chỉ có nước, ngôi mộ và những gian nhà kia đã biến mất tự bao giờ, ông vội mở túi gạo ra xem, chỉ thấy bên trong là đất sét xanh lè hôi thối như vừa mới móc dưới đáy hồ lên.”

Tôi hơi nghi ngờ, hỏi lại: “Chắc là gặp ma rồi! May là rời khỏi chỗ đó sớm, nếu không thì chắc không giữ được tính mạng.”

Lư mặt rỗ nói: “Chứ còn gì nữa! Sau khi chạy thoát về nhà, nghe các cụ lớn tuổi nói, rất nhiều năm trước khi còn chưa có hồ, thì ở đó có một ngôi mộ cổ, xung quanh có rất nhiều mộ nhỏ, chôn rất nhiều người, sau đó thì đều chìm dưới đáy hồ. Những người mà cụ tổ nhà tôi nhìn thấy toàn là ma, âm dương cách biệt nên số gạo đó mang ra ngoài thì hóa bùn hết. Thời đó, khoảng một phần hai nấm mộ lộ ra trên mặt nước, vì vậy mới gọi là hồ Tiên Đôn. Tương truyền cá trong hồ đều ăn thịt người chết nên mới to như vậy. Nếu cậu biết bọn cá này ăn thịt người thì cậu có dám ăn chúng nữa không?”

Tôi lắc đầu nói: “Không dám ăn…”, nhưng trong lòng nghĩ: “Bọn vịt trời chẳng phải cũng ăn tôm cá trong hồ sao? Người dân chẳng phải vẫn thường xuyên ăn thịt vịt đấy thôi?”

Lư mặt rỗ tiếp tục nói: “Phần là vào sâu bên trong không có đường, phần là nơi đó rất bí hiểm nên người ngoài ít khi lui tới, dân trong núi cùng lắm cũng bắt vài con vịt, vài con rái cá ở đầm Canh gà thôi, chẳng ai dám đi sâu vào bên trong.”

3

Tôi dò hỏi: “Trong ngôi mộ hoang đó chắc là có báu vật, sao nhiều năm vậy rồi mà không ai dám đi đào? Giờ chẳng phải đang thịnh hành một câu nói: “Muốn làm giàu thì đi đào mộ cổ” đó sao, trong một ngày đã trở thành giàu có rồi?”

Lư mặt rỗ nói: “Tôi đã bảo rồi, nơi đó bí hiểm lắm, ai mà chán sống mới đi vào đó. Con người ta sợ nghèo nhưng vẫn sợ chết hơn. Đào được bảo vật thì cũng mất mạng, hơn nữa vẫn còn pháp luật cơ mà.”

Tôi nói: “Đúng thế, tôi cũng chỉ nói vậy thôi, cho dù có hận xã hội cũ đến mấy thì chúng ta cũng không thể làm bừa được, đúng không?”

Đang nói chuyện với Lư mặt rỗ, bỗng tôi có cảm giác như có người đứng bên cạnh, trong lòng chột dạ: “Không hay rồi. Mấy câu này không thể để cho người ngoài nghe thấy được”. Tôi quay đầu lại nhìn, sau lưng là một cô gái rất xinh xắn, khoảng hơn hai mươi tuổi, chắc là đi ăn bên toa số mười, bây giờ cô ấy quay lại toa mười một để nghỉ ngơi. Đêm đã khuya, không còn ai đi lại trên toa tàu, để ngồi cho thoải mái hơn nên tôi đã lôi bao tải hàng của Lư mặt rỗ để ra ngoài hành lang rồi ngồi vắt chân chữ ngũ nói chuyện rôm rả, quên mất là đã chắn mất đường đi của người khác. Tôi thấy cô gái đang nhìn tôi như kiểu đã nghe thấy tôi và Lư mặt rỗ nói về chuyện đào trộm mộ. Bước chân của cô ấy rất nhẹ, không biết là đã đứng sau lưng tôi bao lâu rồi, tới lúc này tôi mới phát hiện ra, vội ngậm miệng không nói nữa, dịch chân tránh đường. Cô gái nói “Cảm ơn!” rồi cúi đầu đi qua để lại một mùi hương thơm thoang thoảng. Nhưng Lư mặt rỗ lại nói: “Hây, xinh thì làm được gì cho đời, như cái gối thêu thôi, chỉ đẹp mà chẳng có tác dụng gì, lấy vợ thì phải chọn người như vợ tôi ấy, trông hơi thô một chút nhưng nấu nướng, sinh con, việc đồng áng, việc gì cũng giỏi…”. Cô gái mới đi được mấy bước, nghe thấy Lư mặt rỗ nói vậy thì quay đầu lại nhìn chúng tôi. Lư mặt rỗ lúng túng, anh ta biết mình đã lỡ lời, vội cúi gằm mặt xuống, giống như vừa làm việc gì sai trái bị bắt quả tang vậy. Tôi thì chẳng để ý, ngẩng đầu lên nói với cô gái: “Bọn anh không nói em đâu, em cứ đi đi! ‘Em gái cứ mạnh dạn tiến về phía trước về phía trước’[1]…” cô gái đỏ ửng mặt, quay lưng đi về phía toa mười một. Lư mặt rỗ thở hắt một hơi dài: “Cậu được đấy!”. Tôi nói: “Con nhỏ này cho mình là giỏi, coi thường dân lao động chân tay chỉ ngồi được ghế cứng như anh em mình”. Lư mặt rỗ gật đầu: “Đúng thế! Anh cũng chưa nói gì mà cô ta đã trợn mắt lên nhìn rồi, chắc hẳn cô ta nghĩ anh là dân lưu manh”.

[1] Lời một bài hát.

Sau đó, tôi lại hỏi thăm Lư mặt rỗ một số lời đồn, về núi Hùng Nhĩ, nhưng phần nhiều là thông tin không mấy hữu dụng. Ngày thứ hai, chúng tôi xuống tàu tại ga Nam Dương. Lư mặt rỗ phải qua đập nước Áp Hà Khẩu rồi ngồi xe đi Lão Giới Lĩnh. Nơi đó cách núi Thông Mã ở phía Đông hồ Tiên Đôn không xa và cũng là con đường duy nhất tới đầm Canh gà. Nhưng chuyến đi này của chúng tôi càng ít người biết càng tốt nên chúng tôi dự định đi vòng sang hướng Bắc phía Thảo Hài Lĩnh, là nơi thưa người sinh sống. Cũng không nói cho Lư mặt rỗ biết chúng tôi định đến hồ Tiên Đôn, cả hai bèn chia tay nhau ở Áp Hà Khẩu. Ba người chúng tôi chuẩn bị đầy đủ lương khô, hỏi rõ đường đi rồi ngồi xe lên núi. Khi đã vào sâu trong núi, không còn đường đi nữa, phải đeo ba lô trèo đèo lội suối, dựa vào tấm bản đồ và la bàn, đi hai ngày mới tới Thảo Hài Lĩnh. Bên kia ngọn núi là hồ Tiên Đôn, nhưng thế núi cao hiểm trở, giống như bức bình phong bằng núi khó mà vượt qua được.

Chúng tôi tới nơi trước khi trời tối, tưởng rằng phải ngủ lại trong núi, không ngờ ở đây có một ngôi nhà hoang, tứ bề đều giáp rừng núi, cỏ dại và cây cối mọc um tùm xung quanh, trên nóc nhà và các bậc thang đều mọc đầy cỏ, lá rụng dày trên mặt đất, chiếc khóa trên cánh cửa đã hoen rỉ nặng. Xem ra, nhà trọ này đã bỏ hoang nhiều năm.

Mặt dày nói: “Trời sắp tối rồi, có chỗ này qua đêm thì tốt quá rồi.”

Điếu bát lên tiếng: “Đêm hôm giữa nơi thanh vắng lại có quán trọ bỏ hoang trông có vẻ ghê ghê…”

Anh ta còn chưa nói hết thì Mặt dày đã phá xong khóa cửa, dẹp đống lá và cỏ dại sang hai bên rồi đi vào trong. Hai gian nhà phía đông và phía bắc, cái thì sập một nửa, cái thì thủng nóc, chỉ còn gian phía tây, tuy mái hiên bên ngoài đã hỏng nhưng tường nhà vẫn còn kiên cố, bên trong bám đầy mạng nhện và bụi bặm, ẩm thấp. Chúng tôi bật đèn pin lên thì nhìn thấy ba cỗ quan tài nằm trong phòng.

Mặt dày chửi um lên: “Ai mà thất đức thế không biết, quan tài không mang đi chôn lại để giữa nhà dọa nhau thế này.”

Tôi nói: “Trên tàu tôi có nghe Lư mặt rỗ nói, người dân ở Tấn Dự trước giải phóng có một phong tục là những hộ gia đình lớn thường để quan tài trong nhà.”

Điếu bát nói: “Ừ, người dân miền núi mê tín, để như vậy là có hàm ý thăng quan phát tài đấy.”

Tôi nói: “Nói thế cũng đúng! Nhà giàu năm thê bảy thiếp, vợ chết lại không thể chôn ở nghĩa trang họ tộc ngay, quan tài đành để trong nhà cho tới khi người chồng chết thì mới được chôn cùng. Cũng có người mua sẵn quan tài cho mình, quan tài trong phòng này có khi chỉ là cỗ quan tài rỗng thôi.”

Điếu bát bực bội càm ràm: “Gặp quan không, huyệt trống là không may chút nào. Nghe nói quan tài không là sẽ đòi mạng người đấy, trong phòng này lại có đúng ba cỗ quan tài, bọn mình cũng ba đứa, đừng có… đừng có để nó đòi mạng mình đi đấy!”

Mặt dày thì chẳng tin: “Quan tài có nhúc nhích được đâu, vài tấm gỗ mục còn ăn thịt người được chắc?”

Điếu bát nói: “Cậu không biết thì thôi! Quan tài không huyệt trống mà vị trí đặt không đúng thì lấy mạng người như chơi. Ông cố anh ngày trước là một địa chủ, ưng ý một mảnh đất ngoài thành nên đã mua về, ông chủ bán đất tham lam, muốn tăng giá đất nên đã đào tám cái huyệt trên mảnh đất đó, nói là tổ tiên nhà ông ta đều chôn ở đó, vốn định lừa tiền ông cố nhà anh. Nào ngờ, từ khi đào mấy cái huyệt kia thì nhà ông ta bắt đầu có người chết, chết hết người này tới người khác cho tới khi đủ tám người, đúng với số huyệt mà ông ta đã đào. Cậu thấy chuyện này có đáng sợ không?”. Anh ta lại nói với tôi: “Cậu cũng biết chuyện huyệt trống đòi mạng người đúng không?”. Tôi gật đầu: “Có nghe lão Nghĩa mù nói qua…”, nhưng khi tới gần quan tài, tôi thấy trên nắp có đóng đinh, chứng tỏ đây không phải là quan tài rỗng.

4

Trong núi trời thường tối sớm hơn, khi chúng tôi vào trong phòng thì bên ngoài trời cũng đã chập choạng tối, bọn tôi ai cũng mệt mỏi, chẳng có sức mà đi tìm nơi khác nghỉ chân, đã có gan đi đào trộm mộ thì có lẽ gì lại sợ mấy cỗ quan tài trong nhà hoang. Vậy là, chúng tôi nghỉ đêm tại ngôi quán trọ hoang trong rừng. Mấy cỗ quan tài đều đặt ở sát tường của gian phòng phía Tây, gỗ đã mục cho thấy không phải là loại gỗ tốt. Nghe nói theo phong tục của vùng này, linh cữu để lâu trong nhà không chôn là để tránh mộ bị đào trộm lấy đồ. Chúng tôi cũng không dám làm kinh động tới người chết, chỉ ngồi lại ngoài cửa phòng, lấy lương khô ra ăn.

Trong lúc ăn, tôi kể lại những chuyện đã hỏi được từ Lư mặt rỗ cho hai người kia nghe. Hai người họ nghe xong rất hồ hởi, bàn chuyện ngày mai đi Thảo Hài Lĩnh, Mặt dày nói: “Ngọn núi này vừa cao vừa hiểm trở, ngày mai làm sao mà vượt qua được?” Điếu bát nói: “Cậu chẳng động não gì cả, bọn mình thống nhất rồi còn gì, đầu tiên sẽ đi theo hướng động Hoàng Sào như trong bản đồ của Chu Ngộ Cát để lại”. Mặt dày nói: “Lúc trước nói là động Ngư Khốc cơ mà, sao giờ lại là động Hoàng Sào? Cùng là một cái động à, đừng có đi sai đường đấy.” Tôi nói: “Cùng là một động, chỉ là tên gọi khác nhau, mới đầu gọi là động Ngư Khốc, sau đó khởi nghĩa Hoàng Sào thất bại, có một ông cụ chỉ đường cho nghĩa quân lên trốn trong động, vì thế sau này hang động đó còn có tên là Hoàng Sào”. Mặt dày lại hỏi: “Tôi chỉ biết yến sào thôi còn Hoàng Sào là ai?” Điếu bát giải thích: “Hoàng Sào là thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa vào cuối đời Đường, còn được gọi là Xung Thiên Tướng quân, thống lĩnh hàng trăm nghìn quân khởi nghĩa đánh vào Lạc Dương, Tràng An. Đúng là giết người như ngóe! Nên mới có câu nói Hoàng Sào giết tám triệu người, hàm ý đã gặp ông ta thì khó mà thoát chết”. Mặt dày nói: “Tôi chưa nghe nói đến bao giờ, xem ra người này cũng không nổi tiếng lắm”. Điếu bát nói: “Thế lực của Hoàng Sào rất mạnh, nhưng dù sao cũng chỉ là đội quân ô hợp, chuyện hoang đường gì cũng dám làm, ông ta không những đem quân đi đào trộm mộ, mà khi quân lương cạn kiệt ông ta còn cho binh lính ăn thịt người. Cuối cùng khởi nghĩa thất bại, chết thảm ở núi Lang Hổ.” Mặt dày nói: “Hóa ra Hoàng Sào cũng là dân đào trộm mộ, cùng nghề với bọn mình.” Tôi nói: “Hoàng Sào tuy cũng đi đào trộm mộ nhưng không phải dân đổ đấu chuyên nghiệp. Ông ta thống lĩnh hàng trăm nghìn quân đi đào Càn Lăng, đào hẳn một đường hào rõ to trong núi mà chẳng tìm thấy đường hầm của ngôi mộ đâu, cho thấy ông ta chẳng có khả năng xem xét địa hình.” Điếu bát lại nói: “Nghe nói một ngày hành quân tiếu tốn hàng nghìn lạng vàng. Các cậu thử nghĩ xem, bao nhiêu người cùng đi đào mộ, cho dù trong mộ có nhiều vàng bạc tới mấy thì cũng không đủ mà chia nhau.” Mặt dày nói: “Đi theo đại ca đúng là học được nhiều. Nhưng có một chuyện tôi vẫn không rõ, động Hoàng Sào sao lại còn có tên gọi là động Ngư Khốc. Tên này rõ là lạ, cá mà biết khóc sao?” Câu hỏi này làm khó Điếu bát, anh ta ấp úng: “Cái này, cái này… cá ở trong nước, ai mà biết được nó có khóc hay không?”

Tôi giải thích: “Người dân phía nam và phía bắc Thảo Hài Lĩnh có cách gọi khác nhau về cái động này. Phía nam Thảo Hài Lĩnh gọi là động Hoàng Sào, phía bắc mới gọi là động Ngư Khốc. Về cái tên động Ngư Khốc, Lư mặt rỗ cũng kể cho tôi nghe rồi. Thế nào nhỉ? Nghe nói thời xưa thì cái động này vẫn có nước. Thời đó, có hai mẹ con nhà nọ nhà nghèo rớt mồng tơi, ngày không có nổi một bữa ăn. Một hôm, có ông cụ tới xin nghỉ nhờ, bà cụ tốt bụng đã dành chút gạo cuối cùng trong nhà nấu cháo cho ông cụ ăn. Ông cụ cảm động vô cùng, đã lén dặn dò anh con trai ngày mai lên hang động trong núi chờ, đến giờ này thì cá trong động sẽ bơi ra ngoài, cậu ta có thể bắt cá, nhưng tuyệt đối không được động đến con cá đầu đàn. Anh con trai nửa tin nửa ngờ nhưng ngày thứ hai vẫn tới ngoài cửa động ngồi chờ. Đến giờ ông cụ nói, quả nhiên có đàn cá vàng lũ lượt bơi ra. Anh con trai quá mừng rỡ, quên béng lời dặn của ông cụ, nhắm chuẩn con cá đầu đàn to nhất quăng lưới. Về nhà đánh vảy định làm một bữa cá tươi cho mẹ già, tới khi mổ bụng thấy những hạt cháo trong bụng cá còn chưa kịp tiêu hóa, mới vỡ lẽ con cá chính là ông cụ hôm qua hóa thành. Hai mẹ con hối hận vô cùng, đến tối hôm đó thì họ nghe thấy tiếng cá khóc ở xa xa. Từ đó trở đi, nước trong động cạn dần, cá cũng ít đi. Tới trước giải phóng thì trở thành một chiếc động cạn. Cho tới ngày nay người dân phía bắc Thảo Hài Lĩnh vẫn quen gọi đây là động Ngư Khốc. Thế mới thấy khi lòng tham của con người đã trỗi dậy thì chẳng còn để ý tới gì sất.” Mặt dày hỏi: “Nghe cậu nói vậy thì ông lão cứu Hoàng Sào cũng chính là do con cá thần biến thành?” Điếu bát nói: “Cá thần cứu ai không cứu, lại đi cứu đúng Hoàng Sào, chắc tại Hoàng Sào giết người quá nhiều, phạm vào luật trời, vì vậy nên cá thần sau khi cứu Hoàng Sào đã phải chịu hậu quả.” 

Đọc tiếp: Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn - Phần 13
Home » Truyện » Truyện Ma » Ma câm: Ma Khóc Dưới Hồ Tiên Đôn
↑ Trên cùng
Trang chủ
Copyright © Thich123.net
Liên kết © Uhm123.net - HIM18.COM